Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

CÁM DỖ VÀ THAM LAM

Hắn ngồi đó chẳng làm gì, chỉ là ngóng trời, trông đất. Bà bán bắp luộc đi qua trước mặt hắn. Dù mới ăn sáng vì miệng còn lép chép cái tăm, nhưng hắn cũng rón rén đứng lên. Thoắt cái, hắn đã chôm của bà già trái bắp nóng hổi. Mắt hắn nheo nheo nhìn mấy người quanh đó đang lắc lắc đầu tỏ vẻ không đồng tình. Họ chẳng nói gì, vì dây vào hắn thì rách việc lắm.
Trở về chỗ cũ, hắn chìa trái bắp cho thằng bé con đi ngang. Đứa bé trố mắt ngạc nhiên rồi tất tả đi, vì nó chưa quen nhận quà từ tay người lạ. Bực mình, hắn ném trái bắp rõ xa, miệng tục tằn lẩm bẩm.
Ở đầu xóm, người ta thấy anh chàng việt kiều liêu xiêu lết ra chiếc ta xi đậu gần đấy với cửa đã rộng mở. Nhưng anh chỉ có thể lên được xe khi vợ anh hết sức dìu vào. Chẳng là anh mệt quá sau khi bị Tào Tháo rượt thâu đêm. Lúc này bụng anh đã im ắng sau khi nốc vài viên thuốc mà vợ anh cẩn thận đem theo khi về thăm quê cha đất tổ. Lý ra, họ chỉ cần chừng ít phút là về tới khách sạn, nhưng đành phải kêu ta xi dù đoạn đường chỉ chừng dăm trăm mét.
Người tài xế bực mình vì đoạn đường ngắn ngủi ấy. Gã cau có khi được hỏi giá cước:
_Nhìn kìa!
Người vợ nhìn đồng hồ tính tiền. Chị ngỡ ngàng thấy con số lên tới hơn trăm. Nhưng vì là người ở xa về nên chị chẳng biết thế là nhiều hay ít, và đồng hồ chỉ thị như thế có nghĩa gì. Chị móc bóp, định lấy tờ hai trăm, thì gã tài xế giả lả:
_Một trăm được rồi…
Thật là “tử tế”! Vì thật ra số tiền phải trả chỉ là mười mấy ngàn mà gã bởi chút tham lam nỡ lấy của người ta như thế…
Những chuyện như vậy chẳng hề hiếm hoi trong cuộc sống hàng ngày. Người giàu có tay phưỡn đầy vàng cũng vẫn có thể cưỡi chiếc xe hào nhoáng ghé vào ven đường, thò tay vào chiếc cần xế đựng bánh mì có treo bảng chữ “Bánh Mì Từ Thiện, Mỗi Người Một Ổ”. Bà ta không lấy một, mà những hai ổ, mặc cho ai đó tò mò, thắc mắc. Thậm chí, nơi bệnh viện, chẳng thiếu người tham lam lấy vài hộp cơm từ thiện dành cho người nghèo, rồi…đổ hết cơm vào thùng rác, chỉ lấy hết thức ăn vốn chẳng nhiều nhặn gì, nên phải lấy vài hộp cho…đủ! Tệ hơn, đám người bất nhân ấy đem vào bệnh viện…bán lại cho những người không kịp chen chân lấy cơm. Tất nhiên là giá chỉ bằng nửa nếu phải ra hàng ăn mua như người bình thường. Ôi! Cái đám ăn cướp ấy còn nhe răng bịt vàng ra, ngụy biện:
_Không có tui thì mấy ông mấy bà làm gì mà có hộp cơm giá…bèo như thế!
Tham lam không dừng lại ở việc cỏn con như vậy! Bằng cớ là chính vị bác sĩ nổi danh vẫn cứa cổ bệnh nhân của mình, khiến họ không chỉ đớn đau về mắt thể xác, mà còn suy sụp tinh thần vì chẳng hề trông cậy được chút nào vào lòng từ nhân dần hiếm hoi trong cuộc sống duy thực này…
Nghĩa là, sự cám dỗ luôn hiện diện trên mọi nẻo đường và trong mọi lúc! Người ta không hề cảm thấy mình đã bất công đến thế nào khi chiếm cả một quãng hẻm dài làm chỗ bày tiệc cho một đám tang, thậm chí cả đám giỗ, đám cưới…bất kể người qua lại phải đảo điên vì còn biết đi lối nào ngoài con hẻm đã bị thít lại với chiếc ghế hờ hững kẹp tấm bảng “Nhà có đám…, xin đi lối khác”
Họ không còn quan tâm đến thứ gì khác ngoài quyền lợi vô hạn của mình. Họ bị rù quyến bởi những đam mê trần trụi. Họ bị hấp dẫn bởi những thứ chưa thuộc về mình: nhan sắc của ai đó dù mình đã là người có gia đình tử tế; tài sản chung mà hớ hênh dễ chiếm đoạt; treo đầu dê nhưng bán thịt chó để túi tiền căng muốn rách mà vẫn cứ tống, tọng vào đến nỗi đổ mồ hôi hột mới khóa được miệng túi thè lè ra kia. Họ dựa vào tâm lý sợ hàng gian hàng giả đang ngập tràn ngoài chợ, mà quảng cáo hàng của mình là thứ “nhà làm” rồi tùng xẻo không nương tay đồng tiền của chính những người thân thiết. Họ kiếm đủ mọi cách để bơm vào bình xăng có dung tích 3 lít mà đồng hồ báo đến tận…4 lít! Họ nuôi bệnh để thay vì uống thuốc một tuần là khỏi thì phải uống đến nửa tháng những viên thuốc xinh xinh chẳng còn tên vì vỏ đã được khéo léo xé đi cho…nhẹ!
Nếu kẻ nghèo túng giấu biệt đi phần cơm miễn phí, rồi chìa tay lấy thêm phần khác, với lời phân bua,  “e chiều không có nên lấy sơ cua trước cho chắc ăn” còn tạm được cảm thông; Thì ngược lại,  việc nhiều bậc tu hành mà còn tham lam cất cái nhà cho thật to, mua chiếc xe thật hào nhoáng, thậm chí kinh doanh cả cây xăng, hay bất cứ thứ gì đẻ ra tiền…chẳng có lời nào giải thích được ngoài hai chữ “tham lam”.
Và cả kẻ nói nhiều, nói hay, phê bình này nọ, phải chăng đã đầu hàng trước muôn cơn cám dỗ muốn “làm cha” thiên hạ, nên suốt đời mãi nhả ngọc phun châu. Nhưng tận sâu trong lòng những “thứ” ấy, chỉ là rỗng tuếch, chỉ là chũm chọe chập cheng vô hồn…
“Thứ” ấy là ai nhỉ? Phải chăng là chính ta mà ta không biết !
 Ta có giả bộ quên để « uy tín » được vẹn toàn, để « thanh danh » không vấy bẩn ?
                                                                                                                    LAM TRẦN 12.02.2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét