Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

LÀ CHA


GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 7: LÀ CHA

       Trong bản tuyên xưng Đức Tin : “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha”, hai chữ “Là Cha” đây có ý nghĩa gì ? Diễn tả niềm tin gì ?
       1. Dựa vào các bản cổ và ngắn hơn của kinh Tin Kính các Tông Đồ, chúng ta có thể biết được ý tứ chính của hai chữ “Là Cha”.
       “Là Cha” đây nhất định không thể hiểu theo nghĩa thông thường : Thiên Chúa yêu thương ta như người Cha thương con ! Ý tứ hai chữ đó ở đây sâu xa hơn nhiều : chúng ta tin Đức Chúa Trời “Là Cha” thực sự, chứ không phải chỉ theo nghĩa bóng !
       Vì bản cổ của Kinh Tin Kính : phần thứ nhất dành cho việc tuyên xưng Đức Tin vào Chúa Ba Ngôi : Cha, Con và Thánh Thần. Đấy cũng là một ý thức quan hệ nhất của Giáo Hội tiên khởi : Giêsu Kitô quả thực là Con Thiên Chúa theo nghĩa thực sự và đầy đủ của chữ “Con”, nghĩa là đồng bản tính với Chúa Cha. Ý niệm về Ba Ngôi Thiên Chúa càng rõ ràng và mạnh mẽ thêm dưới áp lực của các bè rối xoay quanh thân thế Chúa Giêsu. Việc cử hành phụng vụ đã nhanh chóng hưởng thụ công việc ý thức mạnh mẽ này. Thay vì Rửa Tội “nhân danh Chúa Giêsu” (Cv 2,38), từ rất sớm đã được đổi thành Rửa Tội “nhân danh Cha, Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).
       Sau phần tuyên xưng Đức Tin về Chúa Ba Ngôi, mới đến phần tuyên xưng Đức Tin về Chúa Kitô và công việc của Ngài.
       Trong bản Kinh Tin Kính các Tông Đồ như ta đọc ngày nay, phần thứ hai nói về Chúa Kitô, đã chen lấn sang phần thứ nhất. Vì thế mà phần tuyên xưng Đức Tin về Chúa Ba Ngôi không còn rõ ràng nữa, vì đoạn nói về Chúa Con quá dài so với đoạn Chúa Cha và Thánh Thần!
       “Là Cha”, chính là khởi đầu cho phần tuyên xưng Đức Tin về Thiên Chúa Ba Ngôi ! Đức Tin đó có thể diễn tả vắn tắt thế này : Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là : Cha, Con, Thánh Thần !
       Nhờ Chúa Giêsu (Ga 1,18), từ lời giảng dạy (Ga 6,45-46; 10,25-38) cho đến cách Ngài cầu nguyện (Ga 17), ăn ở (Ga 4,34 ; 5,17), chúng ta biết được :
       Đấng mà ta vẫn gọi là Thiên Chúa (Ga 8,54), là Đấng Tạo Dựng (Mt 5,45 ; 6,25-34), Đấng ấy là một Vị Cha, vì Ngài có một Con (Ga 5,19-23 ; 20,17) mà Ngài đã sinh ra từ thuở đời đời (Ga 1,1.2.14.18).
       Dựa vào mạc khải trên, do chính Con Chúa nói, chúng ta ngày nay có được niềm tin : Thiên Chúa là Cha, theo đúng nghĩa chữ “Cha”. Niềm tin mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính : “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha”.
       Thiên Chúa là Cha, Cha của Chúa Con đã xuống thế là Chúa Giêsu, nhưng cũng còn là Cha chúng ta, Cha theo một nghĩa khác nhưng là Cha thật. Vì chúng ta đã tiếp nhận Con Một của Ngài xuống thế, nên chúng ta được trở nên Con Thiên Chúa (Ga 1,12 ; 1 Ga 3,1-2).
       2. Quan niệm “Cha – Con thực sự” ở nơi Thiên Chúa quả thực là một mạc khải đặc biệt của Tân Ước. Nhưng cũng như nhiều Tín Điều khác, Tín Điều này đã bắt đầu từ trong Cựu Ước và tiến triển dần theo sư phạm giáo dục của Thiên Chúa.
       Vì quả thực bên cạnh các đạo giáo do trí óc loài người bày vẽ tưởng tượng ra cùng với các vị Thần sinh sống theo kiểu loài người : cũng phối hợp để rồi sinh con đẻ cái, cũng có đời sống tình dục…, một mạc khải vội vàng không chuẩn bị về “Cha–Con Thiên Chúa” có thể đưa đến ngộ nhận ghê gớm ! Vì trí óc con người nặng nề và đầy ẩn khuất về tình dục, đâu có dễ dàng chấp nhận ngay ý niệm “Cha–Con” thuần thiêng, siêu việt, và hoàn hảo ! Ngay ý niệm về Thiên Chúa thuần thiêng, siêu việt, khác hẳn loài người, mà còn phải một thời gian lâu lắc hàng ngàn năm Dân Chúa mới lĩnh hội được !
       Thánh Kinh đã cho thấy công việc chuẩn bị lâu dài kiên nhẫn đầy khôn ngoan của Thiên Chúa để loài người đón nhận mạc khải về “Thiên Chúa Cha–Con” như thế nào.
       Chúng ta có thể ghi nhận 2 cuộc chuẩn bị song song với nhau : cuộc chuẩn bị để ta nhận Thiên Chúa là Cha thực sự vì Ngài sinh ra một Con thực sự ; và cuộc chuẩn bị để ta nhận Thiên Chúa là Cha ta hơn mọi người Cha dưới thế, vì Ngài đã làm cho ta thành con Ngài còn hơn cha mẹ phần xác ta.
       Cả hai cuộc chuẩn bị đều bắt đầu bằng khái niệm “Cha–Con” trần thế (vì cũng dùng một danh từ Cha–Con). Nhưng cuộc chuẩn bị thứ nhất kết thúc bằng mạc khải : “Thiên Chúa là Cha thực sự vì đã sinh ra Chúa Con thực sự” ; còn cuộc chuẩn bị thứ hai kết thúc bằng mạc khải “Thiên Chúa nhận chúng ta là nghĩa tử của Ngài trong Con Một Ngài là Chúa Giêsu”.
       Cuộc chuẩn bị trước bắt đầu bằng việc Thiên Chúa bênh vực săn sóc Israel như Cha thương Con (Xh 4,22). Thiên Chúa như người Cha cứu chuộc Israel (Xh 6,6). Tư tưởng “Thiên Chúa là Cha Israel” được các tiên tri quảng diễn sâu rộng (Is 1,2 ; Hs 11,1-4 ; Gr 3,19-20 ; 31,20) và được thêm giàu ý do việc móc nối với công việc tạo dựng (Is 64,7) và so sánh với tình Cha con thể xác (Is 63,16 ; Tv 27,10 ; 103,13).
       Tư tưởng Thiên Chúa là Cha đã thu hẹp vào Israel (Chúa yêu thương Israel hơn mọi dân tộc khác). Tư tưởng “Cha Thiên Chúa” đó còn tiếp tục thu hẹp với quan niệm Chúa là Cha đặc biệt đối với các vị xét xử dân (Quan Án) (Tv 82,6 ; 58,1) và nhất là đối với các Vua, kể từ Đavít và con cháu Đavit (2 Sm 7,14). Cùng với lời hứa Đấng Cứu Thế sẽ là con cháu Đavít, “Thiên Chúa là Cha” sẽ càng được hiểu một cách đặc biệt đối với “người con cháu Đavít” này, vì Ngài là Đấng Cứu Thế. Các lời tiên tri càng làm cho ý nghĩa này trở nên khắng khít (1 Cr 17,13 ; Tv 89, 27-38; 2,7). Thế là mọi sự đã được chuẩn bị sẵn sàng để chính Con Thiên Chúa xuống thế nói cho ta biết sự thật hoàn toàn, kèm theo ấn tín của Thiên Chúa tức cuộc Phục Sinh vinh hiển (Cv 2,32-36).
        Cuộc chuẩn bị thứ hai bắt đầu từ liên hệ Cha–Con thể xác ; Israel là con cháu Abraham (St 12,2) cùng với nghi lễ gia truyền (Phép Cắt Bì) và lời chúc lành hiệu nghiệm của Cha già trước khi chết (St 27,1…; 49,1…).
        Thế nhưng, liên hệ thể xác dần dần đã bị lu mờ trước liên hệ tinh thần : Abraham là Cha tất cả mọi người tin như Ông (St 12,3) ; Gioan Tẩy Giả nói rõ :
       “Từ hòn đá Chúa có thể tạo nên con cháu Abraham” (Mt 3,9)
        Chúa Giêsu cũng quả quyết không kém (Ga 8,9), Thánh Phaolô còn phân biệt :
        “Israel thật” không phải là Israel theo thể xác (Rm 9,6).
         Một khái niệm về “Cha tinh thần hơn Cha thể xác” đã thành hình, Mạc Khải chỉ cần quả quyết dứt khoát rõ ràng : Thiên Chúa chọn chúng ta làm nghĩa tử trong Con Một Ngài, và để thực hiện Ngài đã ban cho ta Chúa Thánh Thần để giúp tâm hồn ta có những tâm ý của người Con Thiên Chúa (Rm 8,15-16), đang khi chờ đợi về hưởng gia tài của Cha ta trên Trời (Rm 8,17) cùng với Anh Cả chúng ta là Chúa Giêsu (Rm 8,29).
Đề tài trao đổi
Khi chúng ta đọc : “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha”, chúng ta có ý tuyên xưng niềm tin gì ? Bạn hãy dựa vào Thánh Kinh để chứng minh niềm tin đó.


Lm Anton Trần Văn Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét