GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 8: PHÉP TẮC VÔ CÙNG
Lòng tin tưởng trông cậy tuyệt đối vào Chúa,
đó là một điều Chúa đòi hỏi trước hết nơi chúng ta. Vì đó là biểu hiện lòng tôn
giáo sâu xa nhất, vì am hợp với địa vị và tư thế của Chúa là Chúa tể duy nhất
(Is 45, 5-6; Jo 17,3). Và cũng chính vì thế mà điều Chúa mạc khải cho chúng ta
trước hết về Chúa, là cho chúng ta thấy Chúa là Đấng có quyền phép, là Đấng
toàn năng như thế nào… Vì lòng tin tưởng trông cậy tuyệt đối chỉ có thể đặt vào
Đấng có quyền năng thực sự hoàn toàn mà thôi !
1. Mạc khải về Chúa toàn năng
a. Cựu Ước
Từ ông tổ của dân Chúa, ông Abraham, Thiên
Chúa đã tỏ mình ra như là một Đấng muốn sao được vậy: “Bằng giờ sang năm, Sara
vợ ông sẽ có một đứa con trai” (St 18,10).
Mặc dầu 2 ông bà Abraham lúc đó đã già rồi và
vẫn son sẻ (Rm 4,18-22). Ông Abraham đã tin lời Chúa. nhưng để niềm tin đó được
thực sự tuyệt đối, Chúa ra lệnh cho Abraham giết đứa con duy nhất đó làm của lễ
(St 22,1-19)… Abraham quả thật đã đạt tới niềm tin tuyệt đối vào Đấng có quyền
năng để thực hiện lời hứa dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển dù bây giờ
theo sự tính toán của loài người là không có thể ! Nếu có phải tuyên xưng Đức
Tin, Abraham cũng sẽ nói như ta ngày nay: “tôi tin kính Đức Chúa Trời phép tắc
vô cùng !”.
Nhưng đặc biệt một biến cố đã ghi những nét
sâu đậm nhất trong Cựu Ước, để Dân Chúa luôn nhớ Chúa là Đấng Toàn Năng không
ai sánh bằng, đó là biến cố Xuất Ai Cập: Chúa cứu cả một dân tộc, dân Chúa
chọn, ra khỏi cảnh nô lệ một nước khác.
Các bút tích ghi lại sự kiện vĩ đại và kỳ diệu
đó đã cho thấy rõ dân Chúa đã thuộc bài học kinh nghiệm về Chúa là Chúa toàn
năng thế nào: Xh 6,1+6; Dnl 4,34; 5,15; 7,19; 26,8…
Các tiên tri vì thế đã dễ dàng ca ngợi và nhắc
lại cũng như quảng diễn thêm đề tài mà đã được chính Maisen ca hát. Đề tài:
Chúa là sức mạnh và sự cứu thoát ta: Xh 15,1-21; Is 12,1-6; 35,1-10; 41,8-20.
Các tiên tri đã ca ngợi quyền năng của Chúa qua hình ảnh: “Chúa các cơ binh”
(Yahveh Sabaot) (Is 6,3; Gr 5,14; Tv 24,10), và quyền năng của Chúa trên mọi
dân tộc (Gr 46,51).
Mạc khải về “Chúa toàn năng” đã là mạc khải
chính yếu của Cựu Ước, và như là một phương diện khác của mạc khải về “Chúa duy
nhất”. Vì nếu chỉ mình Chúa là Chúa thật, thì ai hay sự gì có thể cản trở được
ý muốn của Chúa ?
b. Tân Ước
Bước sang Tân Ước chúng ta thấy mạc khải về
Toàn Năng của Chúa có một sắc thái khác hẳn: sắc thái đã được báo trước trong
cuộc Chúa hiện ra với Tiên Tri Elia qua cơn gió hiu hiu dịu dàng, đi sau bão
táp, động đất, lửa cháy bừng bừng… (1 V 19,9-13). Chúa của Tân Ước vẫn là Chúa
toàn năng uy quyền :
vì : “sức mạnh Đấng Tối Cao sẽ bao phủ bà” (Lc 1,35)
vì : “Thiên sứ là “Gabriel” nghĩa là “sức mạnh” của Chúa” (Lc 1,26)
vì : “Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại… đã vung cánh tay ra oai thần lực” (Lc 1,49.51).
Nhưng sự oai phong toàn năng của Chúa được mặc
lấy hình thức hiền lành khiêm nhu trong Chúa Giêsu (Mt 11,29). Chúa Giêsu đã
làm những sự lạ lùng (phép lạ) một cách hết sức bình thản khiêm tốn!
Tuy nhiên nhận định lại cho kỹ, sức mạnh của
Thiên Chúa trong Tân Ước đã được mạc khải vượt xa Cựu Ước rất nhiều ! Vì là sức
mạnh có sức cải tạo toàn diện loài người và vạn vật trong sức Phục Sinh con
người và vũ trụ để tiến tới “Trời Mới Đất Mới” (Rm 8,18-25; Kh 21,1). Nên không
lại gì Thánh Phaolô định nghĩa Phúc Âm là “sức mạnh của Thiên Chúa” (Rm 1,16).
2. Niềm tin vào Cha “phép tắc vô cùng”
Khi chúng ta nói: “tôi tin kính Đức Chúa Trời
là Cha phép tắc vô cùng”, chúng ta có ý nói lên sự phán đoán của trí khôn, sự
chấp thuận của lòng muốn đối với những mạc khải về những kỳ công của Chúa tỏ ra
cho chúng ta trong lịch sử.
Vì Chúa là Đấng quyền phép, toàn năng như thế,
nên chúng ta tin vào Chúa tuyệt đối: tin như Abraham (Dt 11,8-19), như Isaia
(Is 43,10-12) ! Tin và phó thác như Đức Mẹ Maria : “Này tôi là tôi tá Chúa !
Tôi xin vâng như lời Thiên Sứ Chúa truyền dạy !” (Lc 1,38).
Và nhất là như Chúa Giêsu : “Xin làm theo ý
Cha” (Mt 26,39), “Con xin trao phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Đề tài trao đổi
Chúng ta tin Chúa quyền phép, vì chúng ta đã
thấy Chúa làm được những việc gì ?
Tại sao chúng ta có thể sống phó thác trong tay Chúa ?
Tại sao chúng ta có thể sống phó thác trong tay Chúa ?
Lm Antôn Trần Văn Trường
(nguồn : giaolyductin.net)
(nguồn : giaolyductin.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét