Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

BÊLEM, BẤT NGỜ THÚ VỊ

Noël chẳng những là đại lễ của tín đồ đạo Kitô (bao gồm Công giáo, Chính Thống giáo, Anh giáo, đạo Tin Lành, v.v.) mà đã trở thành dịp vui lớn của hầu hết nhân loại. Tuy nhiên, ngoại trừ một số tu sĩ Kitô giáo thì quá đông người, kể cả không ít Kitô hữu, chưa biết rõ về một nơi chốn rất gắn bó với mùa Giáng sinh: Bêlem.  

B
êlem / Bê lem / Bê-lem được các ngôn ngữ ghi ra sao? Tiếng Latinh: Bethleem. Tiếng Anh và tiếng Hà Lan: Bethlehem. Tiếng Đức và tiếng Đan Mạch lẫn tiếng Na Uy: Betlehem. Tiếng Pháp: Bethléem. Tiếng Ý: Betlemme. Tiếng Bồ Đào Nha: Belém. Tiếng Ba Lan: Betlejem. Tiếng Tây Ban Nha: Belén. Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Beytüllahim. Tiếng Nga: Вифлеем. Tiếng Ukraina: Вифлеєм. Tiếng Mông Cổ: Витлеем. Tiếng Nhật: ベツレヘム. Tiếng Hoa  伯利恒 mà âm Bắc Kinh phát Bailiheng, phiên âm Hán-Việt thành Bá Lợi Hằng.
Bêlem trong tiếng Ả Rập mang nghĩa “Nhà thịt cừu non”, còn tiếng Do Thái lại có nghĩa “Nhà bánh mì”.
Bêlem không phải hang đá
Bêlem là tên thành phố của đất nước Palestine kể từ cuối năm 1995. Thuộc phần phía nam dãy núi Judea, Bêlem nằm trên độ cao 775m, cách thánh địa Jesusalem 10km, cách Địa Trung Hải 73km. Thành cổ ở trung tâm Bêlem gồm 8 khu phố, hiện có khoảng 5.000 dân; còn toàn thành phố Bêlem có 30.000 dân mà 23% theo đạo Hồi, 65% theo Kitô giáo (bao gồm Chính thống giáo Hy Lạp và Công giáo La Mã).

Thành phố Bêlem trên bản đồ
Đó là nơi Chúa Giêsu Kitô (1) chào đời. Lần giở Phúc âm thư do Gérard Gagnon phiên dịch (Thánh Tâm biệt thự, Đà Lạt, 1964) và Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước (Bản chuyển ngữ của nhóm phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ, Toà Tổng Giám mục TP.HCM thực hiện – NXB TP.HCM, 1998), thấy Phúc âm theo thánh Mathêu / Tin mừng theo thánh Mát-thêu lẫn Phúc âm theo thánh Luca / Tin mừng theo thánh Lu-ca đều khẳng định thế.
Phúc âm Mathêu (2) ghi nhận rằng “có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông” theo ngôi sao đến Bêlem: “Họ vào nhà, thấy hài nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a (3), liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.” (Mt 2, 11; sđd, trang 1846). Phúc âm Luca (4) cho biết Giuse (5) từ Nadarét (6) đến thành Bêlem: “Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2, 5-7; sđd, trang 1941).
Vậy căn cứ vào Phúc âm thì Chúa Giêsu lọt lòng tại thành phố Bêlem, trên máng cỏ, trong nhà, hoặc trong chuồng bò cừu, chứ không phải trong hang đá.


Thành phố Bêlem ngày nay. Ảnh: Emily Kattan

Vương cung thánh đường Giáng Sinh
Những năm 132 – 135, quân La Mã chiếm đóng Bêlem và xây miếu thờ Adonis – một vị thần Hy Lạp. Giai đoạn 326 – 333, ngay tại vị trí đó, nhà thờ Giáng Sinh (7)được xây dựng. Năm 529, người Samaritan nổi dậy, phá tan nhà thờ Giáng Sinh, liền sau đó hoàng đế Justinian I cho tái thiết giáo đường ấy. Dưới thời cai trị của khalip Fatimid VI al-Hakim bi-Amr Allah, nhà thờ Giáng Sinh lần nữa bị phá huỷ vào năm 1009. Người kế vị là Aliaz-Zahir cho xây cất lại. Suốt thời gian dài, việc trông nom nhà thờ Giáng sinh trở thành đề tài tranh cãi giữa Chính Thống giáo và Công giáo.


Nhà thờ Giáng Sinh. Ảnh: Berthold Werner

Vương cung thánh đường Giáng Sinh ở trung tâm thành phố Bêlem. Cạnh giáo đường là quảng trường Máng Cỏ (8). Nhà thờ này có Hầm Mộ Thánh (9), tương truyền là nơi Giêsu được sinh ra.


Hầm Mộ Thánh dưới giáo đường Giáng Sinh năm 1833. Tranh: Максим Никифорович Воробьёв / Maxim Nikiforovich Vorobiev

Từ điển Công giáo phổ thông của John A. Hardon (Phêrô Đặng Xuân Thành dịch sang tiếng Việt – NXB Phương Đông, Cà Mau, 2008; trang 63) ghi nhận: “Ở dưới Hầm có bàn thờ kính Chúa Giáng sinh được xây lùi vào trong tường. Nền nhà thờ bằng cẩm thạch, phía dưới bàn thờ được khoét thành hình 1 ngôi sao bạc: giữa ngôi sao đó là 1 mẩu đá của cái hang nguyên thuỷ. Chung quanh ngôi sao là dòng chữ Đây là nơi Đức Giêsu Kitô được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra. Ở đây có 53 ngọn nến cháy sáng cả ngày lẫn đêm. Tại đây, người ta cử hành lễ Giáng sinh mỗi ngày, các tín hữu quỳ trên nền nhà cẩm thạch”.
Ai từng viếng thăm nhà thờ Giáng sinh, hoặc đã xem phim ảnh đặc tả Hầm Mộ Thánh, ắt ngờ vực từ điển vừa dẫn. Nền giáo đường bằng cẩm thạch, song phía dưới bàn thờ không “khoét thành hình 1 ngôi sao bạc”, mà khoét 1 lỗ tròn. Ngôi sao 14 cánh bằng bạc có trổ vòng tròn từ tâm – với đường kính bằng lỗ tròn – được gia công riêng rồi ốp lên lỗ tròn đó bởi loạt ốc vít. Trên ngôi sao bạc, dòng chữ La Tinh chạy quanh vòng tròn: Hic de Virginia Maria Jesus Christus natus est. Giữa ngôi sao bạc chẳng phải “là 1 mẩu đá của cái hang nguyên thuỷ”, mà là lỗ tròn chứa chất lỏng như hình đính kèm.


Ngôi sao bạc 14 cánh. Ảnh: Jerychonka
Hang đá Bêlem xuất hiện ở Ý thế kỷ XIII
Sách St. Francis of Assisi: A Biography (10) của Omer Angleber (Ấn hành bởi Servant Ministries, Guatemala, 1979) viết rằng năm 1223, hai tuần trước lễ Noël, trên đường từ Roma về Assisi, Phanxicô đã dừng chân tại Greccio – một thị trấn của nước Ý. Gặp Jean Velita, một điền chủ giàu có vừa từ giã binh nghiệp để nhập dòng tu, Phanxicô thổ lộ:
- Ta mong ước cử hành lễ Giáng sinh để suy tôn Chúa ra đời ở Bêlem, nhưng làm sao thể hiện được nỗi cơ cực và khổ đau của Ngài ngay từ thuở còn thơ để cứu chuộc nhân loại. Vì vậy, ta xin con làm một hang đá giống như thật với cỏ khô. Con dẫn theo một con lừa và một con bò, giống như bò lừa đã chầu quanh Chúa hài đồng năm xưa.
Vậy là hơn 12 thế kỷ sau khi Chúa Giêsu lọt lòng, hang đá Bêlem mới xuất hiện nhờ sáng kiến của tu sĩ Phanxicô Assisi (11) (1181 – 1226) – người sáng lập dòng Anh em hèn mọn, còn được gọi dòng Phan Sinh. Từ đó, hang đá Bêlem được phổ biến toàn thế giới, nhất là dịp lễ Noël thường niên.


Đền thờ thánh Phanxicô Assisi tại Grecco. Ảnh: Florixc

Chính sự phổ biến rộng khắp kia khiến quá đông người nhầm lẫn về nơi chốn cụ thể của Chúa Giêsu lúc chào đời. Hàng loạt tác phẩm văn nghệ liên tục thể hiện chi tiết hang đá một cách ngộ nhận, chẳng hạn loạt ca khúc Hang Bêlem của Hải Linh và Minh Châu, Giáng sinh xanh của Từ Công Phụng, Đồng dao Noël của Lê Quốc Thắng, v.v. Lạ lùng là linh mục Phaolô Đoàn Quang Đạt (1877 – 1956) vào năm 1907 soạn thánh ca Nửa đêm mừng Chúa ra đời mà lại viết ca từ mang nội dung trái sự thật:
Ớ chứng nhân tới xem điềm lạ
Kìa trong hang đá nọ trước lều tranh
Rằng tình tình tinh
Thánh tiểu hài sinh thật
Ngôi linh tính tang tình là tình
Thiên Chúa nằm trong máng cỏ bỏ bức khăn đơn.
Bêlem từ cổ điển đến hiện đại
Bấy lâu, hang đá Bêlem do giáo đường, nhà nguyện, quán tiệm, thương xá, tư gia trưng bày theo quy cách phổ biến như sau:
* Ngoài hang thường là tuyết (giả) phủ trắng, treo ngôi sao lấp lánh trên cao, thêm các dòng chữ như Merry Christmas / Joyeux Noël / 聖誕快樂 / Giáng sinh vui vẻ.
* Trong hang gồm bộ tượng Giáng sinh đơn hoặc kép. Bộ tượng đơn thường gồm Chúa hài đồng, Maria, Giuse; lắm khi thêm bò, lừa; có trường hợp chỉ một mình Giêsu. Bộ tượng kép gồm Chúa hài đồng, Maria, Giuse, bò, lừa, 3 vị vua hoặc 3 đạo sĩ; lắm khi thêm mục tử, thiên thần, v.v.


Hang Bêlem. Ảnh: Phanxipăng
Tượng Chúa hài đồng cũng nhiều dạng: bọc tã, mặc áo liền quần, đắp chăn mền. Maria và Giuse thì tư thế khác nhau: cùng quỳ, cùng đứng, hoặc kẻ đứng với người quỳ, v.v. Những tượng đó có kích cỡ từ bé tí xíu đến khổng lồ, được tạo tác bằng muôn chất liệu: đất sét, thạch cao, gốm, sành, sứ, thuỷ tinh, gỗ, nhôm, đồng, đá, v.v. Trong lẫn ngoài hang được gắn các bóng điện màu nhằm phát ánh sáng tuỳ ý.
Thời hiện đại, mô hình tái hiện Chúa Giêsu chào đời đã được cách điệu triệt để, ước lệ tối đa. Không còn hang đá Bêlem mà là quả trứng, chòi cỏ, liếp tranh, hoặc túp lều lợp lá cọ hay lá dừa, hoặc nhà sàn ở khu vực nhiệt đới nên chẳng thấy tuyết. Với xu hướng dân tộc hoá và địa phương hoá, Chúa hài đồng cùng Maria và Giuse mang hình hài Việt Nam, trang phục Việt Nam. Máng cỏ chuyển thành dung vải, hoặc cánh võng, hoặc chiếc nôi tre, hoặc lớp rơm rạ.


Nhà Bêlem được Việt hoá. Ảnh: Phanxipăng
Đã thấy những bộ tượng Giáng sinh bằng gỗ tạc, mây đan, len bện, hoặc vải kết có nhân dạng vô cùng đơn giản, mang tính tượng trưng.
Ngày nay, vui lễ Noël, nếu không gian chật hẹp thì chỉ cần mảnh ván hình trái tim, chiếc hộp lập phương hay trụ tròn xoay, đôi vỏ sò gắn chặt vào nhau, v.v., cũng đủ trang trí thành vật thể xinh xắn để đặt bộ tượng Giáng sinh. ♥

Đôi mảnh vỏ sò cùng ít cát trắng đủ trở nên chốn xinh xắn để đặt bộ tượng Giáng sinh. Ảnh: Phanxipăng
_________________
(1)   Giêsu Kitô được tiếng Pháp ghi Jésus-Christ, tiếng Anh ghi Jesus Christ, tiếng Hoa ghi 耶穌基督 mà âm Hán-Việt phát Gia Tô Cơ Đốc.
(2)   Còn được ghi Mát-thêu và Ma-thi-ơ; tiếng Pháp: Matthieu; tiếng Anh: Matthew; tiếng Hoa: 馬太 mà âm Hán-Việt phát Mã Thái; viết tắt Mt.
(3)   Còn được ghi Maria; tiếng Pháp: Marie; tiếng Anh: Mary; tiếng Hoa: 馬利亞 mà âm Hán-Việt phát Mã Lợi Á.
(4)   Còn được ghi Lu-ca; tiếng Pháp: Luc; tiếng Anh: Luke; tiếng Hoa: 路加 mà âm Hán-Việt phát Lộ Gia; viết tắt Lc.
(5)   Tiếng Pháp lẫn tiếng Anh: Joseph; tiếng Hoa: 若瑟 mà âm Hán-Việt phát Nhược Sắt.
(6)   Tiếng Pháp lẫn tiếng Anh: Nazareth; tiếng Hoa: 拿撒勒 mà âm Hán-Việt phát Nã Tát Lặc.
(7)   Tiếng Pháp: Basilique de la Nativité; tiếng Anh: Church of the Nativity.
(8)   Tiếng Pháp: Place de la Crèche; tiếng Anh: Manger Square.
(9)   Tiếng Pháp: Saint Crypte; tiếng Anh: Holy Crypt.
(10)  Tiểu sử thánh Phanxicô Assisi.
(11)  Tiếng Pháp: François d’Assise; tiếng Anh: Francis of Assis; tiếng Ý: Francesco d’Assisi; tiếng Hoa: 亞西西的方濟各 mà âm Hán-Việt phát Á Tây Tây Đích Phương Tế Các. Phanxicô Assisi được Giáo hoàng Gregory IX phong thánh ngày 16-7-1228.

(Nguồn :  phanxipang.wordpress.com)
Đã đăng Thế Giới Mới 865 (21-12-2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét