Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

PHÁO ĐẤT

                           

Pháo đất, còn gọi là pháo nổ, pháo nang theo câu nói hay được dùng khi chơi, là một trò chơi dân gian của trẻ em Việt nam sử dụng một loại pháo làm bằng đất.
Trò pháo đất đã có lịch sử lâu đời, các câu truyện lưu truyền ở đồng bằng Bắc Bộ cho biết pháo đất được hình thành trong quá trình đắp đê ngăn lũ. Hay truyền thuyết về lịch sử hội thi pháo đất ở xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình kể rằng năm 1288, trong khi đang đi đánh trận Bạch Đằng, con voi của Trần Hưng Đạo sa lầy ở khúc sông Hóa chảy qua đây. Nhân dân quanh vùng đã dùng đất ném xuống sông cho voi thoát lên. Từ đó, khi nông nhàn, nhân dân thường tụ tập diễn lại cảnh này và dần dần hình thành nên hội thi pháo đất. Cổ xưa hơn, truyền thuyết của người dân ở xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương nói rằng trò chơi này có ở đây từ thời Hai Bà Trưng khi nữ tướng Lê Chân dùng pháo đất với mục đích nghi binh và chơi trong những ngày hội hè nhằm xua tan âm khí, dịch bệnh.

Công cụ để chơi pháo đất được làm từ các loại đất có độ quánh cao như đất sét, đất thịt... Pháo thường có dạng như hình cái chảo không có tay cầm hoặc hình bầu dục có thành dày hơn đáy với kích thước linh hoạt và nhiều khi phụ thuộc vào lượng đất nguyên liệu mà trẻ em kiếm được. Ở các lễ hội thi, pháo đất được chế tác rất to, gọi là mâm pháo và có thể dùng từ 20kg đến 50kg đất. Sân chơi thường là một mặt bằng càng phẳng càng tốt để vành pháo có thể tiếp xúc khít nhằm gây tiếng nổ to. Đất được sử dụng để nặn pháo nhiều lần do đó mặt bằng được làm sạch bụi để bụi không làm khô đất.

  • Kỹ thuật làm pháo đất: đất được làm tăng độ dẻo và nhuyễn bằng cách nhào nặn nhiều lần để khi nặn thì độ bền của thành hoặc đáy ở những chỗ có độ dày giống nhau tương đối đồng đều. Trường hợp đất quá khô phải cho thêm nước khi nhào, nặn. Độ dày của đáy phải ở mức độ phù hợp với diện tích của nó thì khi nổ mới tạo thành tiếng kêu to và vết phá ở đáy vừa phải. Vành của pháo đất phải được làm sao cho nó tạo thành một mặt phẳng có thể úp khít xuống mặt sân chơi. Ở những hội thi, khi làm pháo lớn, người ta làm vành pháo giống như cạp của rổ.
  • Kỹ thuật nổ pháo: người chơi cho pháo nổ bằng cách cầm pháo theo cách đáy pháo tiếp xúc với lòng bàn tay rồi ụp mạnh xuống để vành pháo tiếp xúc với bề mặt sân chơi. Kỹ thuật này đòi hỏi độ chính xác cao để mặt phẳng của vành pháo tiếp xúc đều với bề mặt sân chơi mới có thể tạo ra tiếng nổ to, nếu góc tiếp xúc không chuẩn, pháo sẽ vón thành một cục đất chứ không nổ. Khi pháo đập xuống mặt sân chơi, áp suất cao của không khí trong lòng pháo khi bị nén sẽ phá vỡ đáy của nó tạo thành tiếng nổ.
Luật chơi pháo đất rất đơn giản, những người chơi sẽ được chia những phần đất đều nhau để làm quả pháo đất của mình. Những người chơi sẽ lần lượt cho pháo nổ, pháo của ai nổ to được coi là thắng cuộc. Ở các cuộc thi, pháo đất ngoài nổ to phải kèm theo yêu cầu vết phá ở đáy pháo càng rộng càng tốt và/hoặc vành pháo sau khi nổ phải tách rời ra và nằm vắt ngang thân mà không bị đứt đoạn. Pháo đất cũng có thể chia nhiều người chơi thành hai phe và cử đại diện cho pháo nổ.

  • Để thử độ dẻo, nhuyễn của đất, trẻ em thường đứng thẳng và vo tròn đất vật liệu lại rồi thả cho rơi tự do xuống nền sân chơi. Nếu đất sau khi rơi xuống tạo thành một hình tròn có độ dày tương đối đồng đều thì được coi là đã đạt chất lượng.
  • Trước khi cho pháo đất của mình nổ, trẻ em thường hô to pháo nổ, pháo nang, cả làng chịu chưa? rồi hà hơi vào miệng pháo đất trước khi cho nổ. Động tác hà hơi nhằm cầu mong cho pháo đất của mình nổ to. Trong trường hợp cuộc chơi được chia làm hai phe, sau khi một bên đã hô như trên, khi đến lượt, bên kia sẽ hô "chưa chịu!" hàm ý pháo của mình sẽ nổ to hơn.
  • Trẻ em khi chơi với nhau thường quy định phần thưởng là người thua cuộc sau mỗi lần cho pháo nổ phải dùng một lượng đất vật liệu mà khi dàn mỏng ra có thể phủ kín diện tích đáy pháo đã bị phá vỡ của người thắng cuộc để "đền" cho người đó. Nếu nhiều hơn hai người chơi có thể thỏa thuận người xếp cuối cùng "đền" cho người thứ nhất, người xếp ngay trước người cuối cùng "đền" cho người thứ hai... Những người thua cuộc nhiều lần sẽ rơi vào tình trạng đất vật liệu ít dần dẫn đến pháo không thể nổ to được nữa và phải bỏ cuộc.
  • Đất làm pháo khi tàn cuộc chơi hay được trẻ em dùng để nặn các con giống, bi đất... để tiếp tục những trò chơi mới.

Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, một số địa phương (Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương tổ chức lễ hội thi pháo đất. Đất làm pháo được lựa chọn và luyện công phu. Quả pháo đất rất to, thường nặng từ 30-50 kg, có vành và phải nhiều người khiêng khi cho pháo nổ. Ngoài tiếng nổ to, pháo đất thắng giải còn phải đáp ứng một số yêu cầu khác như lỗ thủng, vị trí của vành pháo sau khi nổ...Pháo đất Ninh Giang


Nếu bạn có dịp tới thăm Ninh Giang (Hải Dương) vào mùa xuân, ở bất kỳ một thôn xóm nào tại đây, bạn sẽ được xem hội pháo. Không phải hội pháo với những nét đặc trưng của Hội pháo Đồng Kỵ hay Hội pháo Bình Đà nổi tiếng một thời mà là hội pháo đất đã trở thành truyền thống ở Ninh Giang mỗi dịp xuân về. Pháo ở Ninh Giang không làm bằng giấy mầu xanh đỏ với những gam thuốc nổ ghê người mà chất liệu chính của nó là đất. Tuy nhiên, không phải thứ đất nào cũng có thể làm được pháo mà phải là thứ đất gan gà, được chọn lọc và làm kỹ cả tuần lễ trước khi hội pháo diễn ra. Đất này sẽ được người ta giã nhuyễn như bột làm bánh dầy và khi vào hội, những khối đất vuông vức dẻo quánh ấy sẽ được những cô gái xinh đẹp nhất của làng gánh đến sân chơi.

Ngày hội pháo diễn ra, cả làng nô nức kéo nhau tới sân chơi và không khí lúc này đã thật sự đúng nghĩa của một ngày hội làng. Mọi người tới đây, ngoài việc vui chơi còn để thi thố tài năng làm pháo. Những người tham gia hội pháo ở đủ mọi lứa tuổi khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung là khéo tay, khỏe mạnh và bình tĩnh. Họ sẽ tham gia thi đấu theo từng loại pháo, tùy vào trọng lượng của đất. Cái nhỏ nhất bao giờ cũng nặng 10 kg và lớn nhất là 50 kg với hình thù đặc chưng kiểu lá riềng (hình thuyền). Pháo làm xong giống như một chiếc thuyền con, vành pháo to tròn bằng lốp xe đạp thồ, bản pháo là phần trong. Tuy nhiên, quyết định sự thắng thua là nghệ thuật gieo pháo. Người chơi sẽ nâng pháo lên bằng hai tay của mình, giữa tiếng reo hò, tiếng trống mõ cổ vũ dậy trời. Lúc này người chơi phải thật bình tĩnh, tính toán chính xác độ cao cũng như độ xoáy để khi gieo pháo, pháo phải rơi sao cho tất cả vành pháo cùng một lúc tiếp xúc với mặt sân. Bởi nếu không cẩn thận, pháo quá to, đất lại dẻo mềm, vành pháo sẽ bị rũ xuống. Nếu pháo ở cao quá, tiếng nổ thì to nhưng sức phá mạnh, vành pháo tung ra sẽ bị đứt đoạn. Và người thắng phải là người biết tìm điểm cao, thấp tùy theo độ dài của vành pháo để khi pháo rơi vành pháo tung dài, duỗi thẳng, không bị đứt đoạn mà lại nằm vắt lên bản pháo với tiếng nổ vừa vang, vừa ấm. Tuy nhiên, đoạt giải không chỉ nằm ở việc pháo nổ to mà còn tùy thuộc vào tổng cộng tất cả số đo chiều dài vành pháo. Chính vì thế, thắng lợi sẽ được quyết định hay không là ngay từ khâu làm đất. Chỉ cần sơ sót một chút, để một hạt sỏi nhỏ hoặc một sợi tóc lẫn trong đất pháo thì khi pháo nổ sẽ bị đứt đoạn, điểm sẽ không được tính. Bên cạnh đó, thành công còn quyết định ở cả nghệ thuật làm pháo và gieo pháo...

Khi kết thúc hội pháo, người đoạt chức vô địch - người được chơi chiếc pháo cuối cùng, còn gọi là chiếc pháo rút dây - sẽ quyết định độ dài cả dải pháo của đội mình và đội bạn. Người này thường là phải được chọn lựa rất kỹ ngay từ giải địa phương và khi ban tổ chức công bố người thắng cuộc, người vô địch sẽ được khoác lên người một chiếc áo đỏ, được mọi người công kênh, tung hô. Tiếp đó là tất cả tranh nhau xé chiếc áo đỏ thành từng mảnh, phát cho các cháu nhỏ để lấy phước, lấy lộc đầu năm mới.

Hội pháo của Ninh Giang trước đây thường được kéo dài trong suốt 3 tháng liền với phần thưởng là trâu, bò, gạo cuốn hút cả già, trẻ, gái, trai trong hàng tổng, hàng huyện. Tuy nhiên, đến bây giờ thì nghi lễ đã được rút ngắn lại, chỉ tổ chức vào các ngày chủ nhật sau Tết và phần thưởng cũng không lớn như trước nữa. Tuy nhiên, với người dân ở Ninh Giang thì mỗi khi mùa xuân đến là tất cả mọi người lại nô nức chuẩn bị cho hội pháo đất, không phải vì giải thưởng mà vì sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật truyền thống đã hình thành từ nghìn năm nay.

Hãy đến Ninh Giang một lần vào dịp đầu xuân để cùng tham gia hội pháo đất với người dân trong vùng, bạn sẽ thấy được ngay sức hấp dẫn của nó. Đứng trong tiếng reo hò, theo dõi cuộc chơi, bạn sẽ hiểu vì sao pháo đất - một trò chơi rất bình dân - lại được duy trì lâu đến như vậy và trở thành trò chơi cổ truyền của con người Ninh Giang.


(trochoidangianvietnam.blogspot.com)



phaodat1-5720-1392526598.jpg





 'Pháo thủ' gieo pháo đất như sấm tại Hải Dương
 Pháo đất được nặn từ đất dẻo lấy ở đồng ruộng, làm sạch các tạp chất, nhào kỹ đánh thành từng quả đất có trọng lượng từ 30 – 80kg. Nặn pháo là khâu rất quan trọng, đòi hỏi người nặn phải có kinh nghiệm sao cho viền pháo, rãnh pháo đều nhau.
 'Pháo thủ' gieo pháo đất như sấm tại Hải Dương
 Quả pháo hoàn thiện chờ gieo.
 'Pháo thủ' gieo pháo đất như sấm tại Hải Dương
 Pháo lớn nặng tới hơn 80kg cần nhiều người nâng để pháo thủ gieo.
 'Pháo thủ' gieo pháo đất như sấm tại Hải Dương
 Đối với loại pháo lớn, pháo thủ phải là người có thể lực tốt.  Khi gieo, pháo thủ phải chân mở bằng vai, dồn lực vào hai gối, hai nách khép, sau đó dùng lực của hai cánh tay để tán pháo, rồi mới gieo xuống. Để gieo pháo tốt, pháo thủ phải rèn luyện rất công phu cả về sức khỏe và kinh nghiệm.
 'Pháo thủ' gieo pháo đất như sấm tại Hải Dương
 Loại pháo cỡ nhỏ chừng 30 kg, chỉ cần một người nâng, pháo thủ gieo trong tư thế quỳ một chân.
 'Pháo thủ' gieo pháo đất như sấm tại Hải Dương
 Pháo gieo xuống đất phát ra tiếng nổ lớn, có khi tưởng chừng to như tiếng sấm.
 'Pháo thủ' gieo pháo đất như sấm tại Hải Dương
 Vành pháo văng rộng ra hai bên trong tiếng reo hò của mọi người.
 'Pháo thủ' gieo pháo đất như sấm tại Hải Dương
 Quả pháo hay là quả sau khi gieo vừa tạo ra tiếng nổ lớn, vành dính liền và văng rộng sang bên.
 'Pháo thủ' gieo pháo đất như sấm tại Hải Dương
 Thông thường chấm thi pháo cho các đội dựa vào khoảng cách giữa hai đầu của vành pháo bung ra.
 'Pháo thủ' gieo pháo đất như sấm tại Hải Dương
 Hội pháo đất luôn náo nhiệt, hứng khởi từ đầu cho tới lúc kết thúc.
Theo Infonet


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét