Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012


MỪNG KIM KHÁNH 50 NĂM

GIÁO XỨ AN HÒA GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG.

NHỮNG NGÀY ĐẦU XÂY DỰNG THẬT GIAN NAN.
Năm 1954. Hiệp định Geneve chia đôi đất nước . Theo các điều khoản, nhân dân hai miền có thể tự do chọn lựa vùng đất mình muốn sinh sống. Nhiều người tập kết ra Bắc và nhiều người di cư vào Nam. Nhiều trại định cư hình thành quanh Thị xã Đà Nẵng lúc đó dân số rất thưa thớt. Linh mục Antôn Bùi Hữu Ngạn đã tập hợp một số giáo dân thuộc địa phận gốc Bùi Chu và Phát Diệm tại vùng đất trống đầy cây mua và sim các Ngã Ba Huế 1,5 km.  Nhóm nầy trước dó sống tại trại tạm trú Hòa Mỹ dưới sự chăn dắt của cha Dụ và cha Bỉnh.
Là một linh mục trẻ năng động và tháo vát. Cha đã mua lại lô đất công điền của  xả An Khê và Hòa Phát và cho xây dựng nhà thờ, nhà nữ tu và trường Gioan 23. Đất lành chim đậu, có lúc giáo dân lên đến con số 3000 người. Ngài quan tâm đến việc giáo dục trước hết vì thế chưa vội xây nhà thờ dự tính quay ra mặt quốc lộ 1A.
Chiến tranh càng ngày càng leo thang, dân chúng chạy về Đà Nẵng càng lúc càng đông mà thiếu công ăn việc làm. Là một người có đầu óc xã hội, ngài liên tục nghiên cứu hệ thống Hợp tác xã và cho ra đời Nhà in Thanh Công và  Xí nghiệp chăn nuôi gà công nghiệp hiện đại từ những năm 1965. Ngài cũng là linh hồn của phong trào Hùng Tâm Dũng Chí, huấn luyện trẻ em thành những con người hữu ích cho xã hội và  Giáo hội.Chiến tranh có dấu hiệu sắp kết thúc và ngài đích thân lên Lâm Đồng tìm một khu đất định cư mới cho giáo dân đã quá đông đúc. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, một tai nạn xe hơi đã vĩnh viển đưa ngài về với Chúa ở vào lứa tuổi đầy kinh nghiệm. Thầy John Tabor Dương Tấn Bằng, một chủng sinh đặc biệt lái chiếc xe Jeep hôm đó. Nguyên thầy là một lính SEABEE, công binh kiến tạo Hoa Kỳ, đi quân dịch và muốn đi tu làm linh mục. Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi dạy phải hoàn thành quân dịch xong về Mỹ rồi hãy quyết định. Sau mãn hạn quân dịch, thầy xin phép song thân sang tu trì ở Việt Nam. Ai cũng biết thầy Bằng rất sỏi tiếng Việt, kể cả tiếng lóng!
Có lần tôi nghe có người hỏi thầy: Thầy sức mấy? Sức mười! Thời gian đó muốn chê ai là không có khả năng gì đó người ta thường nói “ sức mấy”. Có người xổ tiếng Anh với thầy, thầy đề nghị : Sao không nói tiếng Ta (tức tiếng Việt). Thầy cứ khóc mãi, ân hận vì lái xe không cẩn thận khi qua Đèo Chuối. Nhưng cái chết của cha Antôn hình như càng thôi thúc thầy phải làm linh mục thay thế cha. Thày theo học ở Đại Chủng viện Sài Gòn và thụ phong linh mục năm 1974. Về giáo phận làm việc chưa bao lâu thì xảy ra biến cố 1975. Cha Tabor được lịch sự mời “ làm đơn tình nguyện rời Việt Nam” sau đó ít lâu. Ngày nay cha vẫn làm việc tại Thái Lan. Đám tang cha Antôn là một đám tang rất lớn thời bấy giờ. Đoàn xe kéo dài không dứt.
CHIẾC XE JEEP BẸP DÚM.
XÁC CHA ĐƯỢC ĐƯA VỀ AN HÒA. THẦY JOHN TABOR DƯƠNG TẤN BẰNG ( DẤU X) RẤT BUỒN!
Nhưng tiếc thương rồi cũng qua. Nghĩa tử của Ngài là Cha “ Giuse Đinh Công Hạnh vừa mãn trường, được bổ nhiệm tiếp tục sự nghiệp tại Giáo xứ An Hoà, cán đán những khó khăn dang dở của Cha Cố để lại, cũng như lèo lái Giáo xứ An Hoà qua những ngày tháng khó khăn của Giáo xứ nói riêng và Giáo Hội nói chung, cùng với những đổi thay tận gốc rễ của đất nước.”
Giáo dân đa số hồi cư và An Hòa, Phước Tường giảm số giáo dân. Đó là một khúc quanh với những quyết định khó khăn.
“ Năm 1975, nước nhà thống nhất nhưng dân cư An Hòa lại tản mác phân tán. Khu vực Nhà thờ, nhà xứ phải thu hẹp lại cho thích hợp với tình thế mới. Trong thời gian khó khăn này, Cha Giuse nhìn đàn chiên từ   con số 3000, giờ chỉ còn vỏn vẹn khoảng 150 người. Phần đông dân chúng đi lập nghiệp phương xa hoặc lên khu kinh tế mới Hòa Trung. Cha Giuse đã tận tình lên xuống với họ, giúp họ cả tinh thần lẫn vật chất, và hình thành Giáo họ Hòa Trung ngày nay, thuộc Giáo xứ Hòa Ninh. Mọi công việc tại Giáo xứ dường như ngưng đọng lại, Ban Đại diện Giáo dân cũng không thể hoạt động. Trường học, nhà in Thanh Công, trại gà… đều đóng cửa hoặc để Nhà Nước trưng dụng. Các hội đoàn trong giáo xứ chỉ hoạt động cầm chừng trong âm thầm. Cha Giuse vẫn tiếp tục đồng hành với Giáo xứ trong âm thầm cho đến năm 1990.
Đầu thập niên 90, tình hình đất nước sáng sủa hơn với những đổi mới lần hồi. Năm 1990, Cha Giuse được cử đến nhiệm sở mới Sơn Trà, và thay thế Ngài coi sóc An Hoà là Cha Luis Huỳnh Nhẫn. Số giáo dân lúc này đã khá hơn do dân nhập cư từ nơi khác dồn về, một số giáo dân từ khu kinh tế mới Hoà Trung trở lại, tổng số giáo dân lên khoảng 500 người. Một năm sau khi về nhậm xứ, Cha Luis đã chính thức bầu lại Ban Đại diện Giáo xứ, và hoạt động xứ đạo bắt đầu lại rộn ràng lên.
Năm 1999, Cha sở cùng bà con giáo dân đã huy động toàn tực để xây dựng một ngôi Nhà thờ mới cho Giáo xứ. Sau gần một năm thi công, một thánh đường khang trang đẹp đẽ đã hoàn thành, và được Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách thánh hiến trong niềm vui khôn tả của giáo dân An Hoà và của toàn Giáo phận.
Công trình vật chất của Giáo xứ không dừng lại ở đó, năm 2002, lại tiếp tục xây dựng nhà xứ hai tầng, dựng các đài Đức Mẹ và Thánh Giuse, tạo cảnh quan chung quanh nhà thờ. Năm 2003, như hoàn thành sứ mạng Chúa trao, Cha Luis lưu luyến chia tay với đoàn con An Hòa để chính thức về nghỉ hưu tại Tòa Giám mục và qua đời chỉ vài năm sau đó. Giáo dân An Hoà không sao quên được hình ảnh thân thương của Ngài.
NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI CỦA CHA LOUIS GONZAGA HUỲNH NHẪN BÊN ĐÀN CON AN HÒA!
Từ năm 2003 đến 2007, Cha Emmanuel Nguyễn Tấn Lục làm quản xứ với số giáo dân tăng lên khoảng 600 người. Giáo xứ đã ổn định về cơ sở vật chất, Cha Emmanuel giờ đây lại đầy mạnh việc xây dựng con người.
CHA EMMANUEL NGUYỄN TẤN LỤC .
CHA , XƠ  ĐÂU MÀ ĐÔNG VÀ TRẺ THẾ!
Năm 2007, Cha Giuse Nguyễn Kim Nhật rời nhiệm sở An Hải để về quản xứ An Hòa thay Cha Emmanuel Nguyễn Tấn Lục. Số giáo dân lúc này đã lên đến 800 người, bởi thành phố phát triển mạnh, nhiều người từ các nơi đến đây để định cư làm ăn. Cha Giuse ưu tiên đào tạo nhân sự cho Giáo xứ, nhất là đội ngũ giảng viên giáo lý, củng cố giới trẻ.”
( Trích LƯỢC SỬ GIÁO XỨ AN HÒA GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG Nhân mùa hành hương Năm Thánh 2010.
Và hôm nay , 18 tháng 11 năm 2010, qua bao thử thách, Giáo xứ An Hòa long trọng mừng 50 thành lập Giáo xứ. Cầu chúc cho Giáo xứ An Hòa ,mãi mãi mang tên Shalom Kinh Thánh. An Hòa với thiên nhiên, an hòa với bản thân, an hòa với mọi người cũng như trước và trên hết an hòa với Thiên Chúa!
” CHA NHẬT CÁI MIỆNG… TỐT MÀ CÁI CHÂN..XẤU ! hi hi
chân yếu).
NGÀY KIM KHÁNH 50 NĂM AN HÒA, VUI ƠI LÀ VUI!
” Huậy’ hết cấp nhé!
LỄ GÌ THẾ MẸ ?
Hội  An , ngày 18 tháng 11 năm 2010.
Kỷ niệm bài số 100 trên trang Blog cá nhân sau ba tháng cố gắng viết lách và trên 4000 lượt vào thăm.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
XA ĐOÀN CON HTDC. ĐẾN NAY AI CÒN AI MẤT? 1972.
BẢN TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÁI CHẾT CỦA
LINH MỤC ANTÔN BÙI HƯU NGẠN.
Bản Thông Tin Giáo Phận Đà Nẵng số 29, tháng 8 năm 1973, trang 26, 27  cho biết.
Linh mục Antôn Bùi Hữu Ngạn, Quản xứ An Hòa kiêm Giám Đốc Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí, Hội viên Hội đồng linh mục, 46 tuổi, thụ phong năm 1957.
“ Vì cuộc mưu sinh, vào khoảng tháng 3 năm 1972, một số giáo hữu An Hòa đã lên đường di dân khẩn hoang lập ấp cùng với cha Đoàn Vinh Phúc. Một số giáo hữu khác cũng đã di dân với các Cha Phạm Quang Thiều và Nguyễn Thanh Châu. Băn khoăn trước tình cảnh thiếu thốn của giáo dân … Cha đã quyết định lên đường đi tìm đất sống.
Cha đã thử làm môt cuộc thám du vào Nam bằng đường bộ. Lần đi đầu vào thượng tuần tháng sáu Dương lịch. Cuộc thám du không hẵn làm cho cha lạc quan, nhưng cũng đem lại cho cha một vài tia hy vọng. Và cha quyết định phải lên đường một lần nữa, cũng bằng đường bộ, và quyết cố gắng hoàn tất để đưa giáo hữu và đồng bào dến lập nghiệp. Chuyền đi khởi hành vào trưa ngày 16-7-73.
Theo tin nhận được thì chuyến đi ấy đã có kết quả khả quan. Nhưng vào chiều ngày 20-7-73, vì một sự rủi ro bất ngờ. Cha đã tử nạn vì xe hơi mất thăng bằng tại Đèo Chuối thuộc tỉnh Lâm Đồng. Sau 4 giờ mê man bất tỉnh, cha trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh Viện thị xã Lâm Đồng. Cùng đi với cha, có ông Micae Trần Văn Bường Đại diện giáo khóm và Trưởng Đoàn Thanh niên Công giáo cũng tử nạn. Riêng thầy Dương Tấn Bằng ( John Tabor) và ông Ngô Tất Thưởng ( giáo dân) thì đã may mắn thoát nạn.
Thi hài của cha và ông Trần Văn Bường đã được di chuyển về An Hòa ngày 23-7-73 và lễ An táng được cử hành vào sáng ngày 27-7-73.
Một đám táng đông đúc chưa hề có , với hơn 130 xe hơi lớn nhỏ. đã tháp tùng xe tang Cha từ An Hòa đến nghĩa trang công giáo ở Đò Xu ( hòa Vang). Mọi người đã ngậm ngùi thương tiếc một vị linh mục đầy nhiệt tâm, đã hy sinh tất cả để phục vụ tha nhân.”

Ghi chú : Sau năm 1975, các nghĩa trang công giáo quanh Đà Nẵng bị di dời ….di hài cha Antôn Bùi Hữu Ngạn được di chuyển về giáo xứ An Ngãi, xã Hòa Sơn. Thành phố Đà Nẵng nơi an nghĩ của nhiều linh mục trong giáo phận Đà Nẵng, trên một ngọn đồi tuyệt đẹp nhìn  ra Đèo Hải Vân và Vịnh Nam Ô.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng
Hội An,  ngày19-11-2010.
(trích lại từ trang   blog của ANTONTRUONGTHANG ngày 14/10/2012)