Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

ĐỨC CHÚA TRỜI


GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 6 ĐỨC CHÚA TRỜI

         “Đức Chúa Trời”, “Thiên Chúa” hay “Chúa”, đôi khi “Thượng Đế”, “Đấng Tối Cao”… : đó là những chữ chúng ta thường dùng để gọi Đấng là Chúa Tể tạo dựng muôn loài, Đấng đã tỏ mình ra cho loài người theo như Thánh Kinh.
         Trong lịch sử, lúc Đạo Công Giáo vừa du nhập vào Việt Nam, vấn đề dùng chữ gì để chỉ Đấng Đạo Công Giáo thờ, đã là một vấn đề rất gay go !
         Các vị Thừa Sai người ngoại quốc, không phải là không biết đến chữ “Chúa”, “Thiên Chúa” hay “Thượng Đế”…! Nhưng vấn đề là làm sao để đừng lẫn lộn Thiên Chúa của Đức Tin Công Giáo, với Thiên Chúa của đạo Khổng chẳng hạn ! Vì nếu lẫn lộn, thì làm sao có thể có vấn đề trở lại Đạo Công Giáo được ?! Vì cả hai bên đều tin có Thiên Chúa, có Ông Trời mà ! Dân Việt đâu có phải là dân vô thần !
         Cho tới ngày nay, còn hiếm gì người lẫn lộn Chúa nọ Chúa kia, và vì thế không thể hiểu được tại sao Đạo Công Giáo bắt người ngoài trở lại Đạo ?
        Cái mới mẻ của Đạo Công Giáo phải làm sao diễn tả được ngay trong danh xưng của Vị Thần của mình, và đừng gây lẫm lẫn ! Đó là mối bận tâm của các Tông Đồ Phúc Âm.
       Lúc đầu, khuynh hướng của đa số Thừa Sai, là chấp nhận danh từ được phiên âm chữ “Deus” tiếng Latinh để lập thành một chữ hoàn toàn mới, đó là “Chúa Dêu”. Như ta còn thấy trong các kinh cổ thời đầu của Giáo Hội Việt Nam. Ngày nay, Đạo Công Giáo đã quá rõ ràng đối với người Việt Nam nên chữ “Chúa”, “Thiên Chúa”… có một nội dung, một ý tứ khác với chữ “Ông trời” “Trời” của các tôn giáo khác. Chính vì thế, vấn đề danh từ không còn quan hệ như lúc đầu nữa.
        Thực sự, vấn đề danh xưng Thiên Chúa không phải là vấn đề riêng gì ở Việt Nam. Ngay trong chính Thánh Kinh cũng đã có vấn đề đó.
        Vấn đề Tên Chúa trong Thánh Kinh :
        Như chúng ta biết, Thánh Kinh chính là lịch sử Đạo Độc Thần, Đạo thật ! Đạo đó phải được tách biệt ra khỏi các thứ đạo khác, như vàng thật đối với vàng giả. Vàng đối với những thứ rõ ràng không phải là vàng, như đất, đá, sắt, chì… thì rất dễ phân biệt và chẳng ai lầm lẫn. Nhưng vàng thật với vàng giả, đạo thật với đạo không thật, Chúa thật với Chúa giả, phân biệt cho được và dùng danh từ cho đúng để tránh được sự lầm lẫn, đấy  là vấn đề.
        Vị Chúa thật đã chọn Abraham ra khỏi quê quán dân tộc của ông, để bắt đầu từ ông gây dựng một Đạo thật, tôn thờ Chúa thật, Vị Chúa đó đã không có một danh xưng nào ngoài danh xưng: “Chúa của Abraham, Isaac và Giacop” hay “Chúa của tổ phụ các người” (Xh 3,6; Mt 22,32 ; Cv 3,13).
Đối với Maisen, người có trách nhiệm thiết lập dứt khoát Do Thái giáo như là một Đạo duy nhất thật, vì tôn thờ một Vị Chúa duy nhất thật (Xh 19,5 ; Dnl 6,4; Is 44,6; 45,5-6), Maisen cũng đã bận tâm vấn đề Danh Xưng thực sự của Chúa. Bên bụi gai cháy một cách lạ lùng, Maisen đã cả dám hỏi đích danh Chúa : Thiên Chúa của Cha ông chúng, nhưng chúng hỏi tên Ngài là gì? (Xh 3,13) Và Chúa đã trả lời bằng một kiểu nói mà sau đã trở thành Tên riêng của Chúa (Xh 3,14). Chúa nói : “Ta là Ta”, “Ta là Đấng Ta đang là” (nguyên văn Do Thái là : “Ehyéh asher éhyéh”) ; và vì động từ dùng trong câu đó có hai nghĩa : “là” hay “có”, nên có thể dịch : “Ta là đấng có” ; khuynh hướng triết học dịch là : “Ta là Đấng vốn có, bản tính là có”, vì thế có thể dịch “Ta là Đấng Tự Hữu” ; nhưng theo ý nghĩa Thánh Kinh : “Ta là Đấng có” phải hiểu là : “Ta là Đấng có thật” chứ không như các “hư thần” không có thật, chỉ là đá, gỗ do tay loài người làm ra…(Gr 2,27 ; 10,1-6 ; Is 40,19-20…).
         Chữ “Giavê” (Yahveh, hay “YHVH”) là động từ “là” hay “có” ở câu trên, nhưng phiên sang ngôi thứ ba, và có nghĩa : “Đấng là”, “Đấng có”.
        Như thế, Danh Xưng mà Maisen đã hỏi Chúa và Chúa đã trả lời, Danh Xưng đó có thể hiểu theo hai nghĩa:
        Nghĩa thứ nhất, Chúa không có Danh Xưng : vì cách trả lời : “Ta là Ta”, tức là từ chối không nói tên của mình ra.
       Lý do Chúa không nói tên Chúa có thể vì Chúa không muốn để Dân Chúa xử dụng tên Chúa, theo kiểu nhiều thổ dân ở miền đó, để bắt chẹt Chúa. Nhưng cũng là vì lý do đơn sơ là Chúa không có tên ! Không có tên, vì Ngài là Đấng duy nhất có, ngoài Ngài tất cả đều hư vô (Is 45,6 ; Ga 1,3). Như vậy, “Ta là Ta” có nghĩa : Có ai như Ta đâu ! Ta có thể tự diễn tả bằng gì được, ngoài ra bằng chính Ta !… Qua kiểu nói đó chúng ta có thể ý thức được tính cách siêu việt tuyệt đối của Vị Chúa thật.
Nghĩa thứ hai và theo khuynh hướng Triết Học, Chúa có thể có một tên, đó là “Đấng Tự Hữu” (như nhiều khi ngày nay chúng ta dùng). Nhưng tên đó diễn tả đặc tính của Chúa hơn là tên thật. Theo khuynh hướng Thánh Kinh, như đã nói ở trên, Chúa quả quyết : Ngài là Chúa có thật, Chúa thực sự, chứ không phải hư thần !
         Tóm lại, dựa vào Thánh Kinh, ta thấy vấn đề tên Chúa vẫn còn y nguyên. Tuy nhiên, điều đó vẫn không cản trở Dân Do Thái coi chữ “YAHVEH” (YHVH) là “Bốn chữ” cực thánh, đến nỗi không dám đọc đúng, mà phải đọc trại là : “Giêhôvah” ! Nhưng đồng thời cũng không cản trở các Thánh Ký sau khi đi đày về ; đặc biệt là một hai thế kỷ trước Chúa Giêsu, đã bỏ chữ “Chúa Giavê” có vẻ quá riêng tư cho Dân Do Thái, để dùng những chữ khác có thể diễn tả được ý tưởng phổ quát cho mọi dân tộc : vì Chúa thật là Chúa muôn dân chứ đâu có phải chỉ là Chúa dân Do Thái, mặc dù Ngài đã trao cho dân Do Thái một sứ mệnh đặc biệt !
         Đấy cũng là lý do để Tân Ước (ví dụ : Kinh Lạy Cha), và Giáo Hội ngày nay không nhất thiết phải dùng chữ “Yahveh” để chỉ Chúa thật, Chúa của Đạo Công Giáo. Tuy nhiên với ý thức dần dần sau cuộc Phục Sinh lên Trời của Chúa Giêsu, và việc Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội Công Giáo đã có được một Tên đặc biệt nhất không thể lầm lẫn với bất cứ Chúa nào : Đó là “Cha, Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Sau này Thần Học gọi chung một danh từ : “Chúa Ba Ngôi”.
        Kết luận, các Danh Xưng trong ngôn ngữ các Dân Tộc ngày nay, cũng như Danh Xưng đặc biệt nhất trong Thánh Kinh, “Chúa Giavê”, cũng đều có tính cách tương đối : đó không phải là Tên Chúa theo nghĩa thông thường về tên gọi, nhưng chỉ là những danh từ loài người ước định với nhau dùng để chỉ Vị Chúa thật thôi.
       Điều đó vẫn không cản trở việc ta phải tuân giữ Giới Răn II : Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ ! Vì danh từ nào cũng vẫn chỉ là một tiếng kêu ước định của loài người ; nhưng nếu là tiếng kêu chúng ta đã ấn định dành cho Chúa thật, thì ta phải kính trọng tiếng kêu đó, cũng như ta kính trọng chính Chúa.
       Trái lại, với tên “Giêsu”, thì sự thể lại khác : đó là tên Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Thiên Thần đã nói rõ ràng cho Thánh Giuse : phải đặt tên đó cho Con trẻ (Mt 1,21). Tên đó có sức cứu thoát mọi người (Cv 4,12) nên người Kitô hữu được rửa tội nhân danh Giêsu (Cv 2,38).
Điều nhận định sau hết, và cũng là trở lại vấn đề tên “Đức Chúa Trời”, hay chữ nho “Thiên Chúa” rất am hợp với kiểu diễn tả của Phúc Âm : “Đấng ngự trên Trời” (Mt 5,16.48 ; 6,9).

     Đề tài trao đổi
    Chúa của chúng ta có tên và không có tên như thế nào ? Bạn hãy trình bày rõ ràng như bạn hiểu.


Lm. An tôn Trần văn Trường 
(nguồn : giaolyductin.net)