Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

DON BOSCO, VỊ THÁNH ĐÃ SỐNG VÀ CHẾT CHO CÁC EM THIẾU NHI



Nhân ngày 31/01 , ngày mất , và là ngày lễ kính Thánh Gioan Bosco hàng năm ,
MỜI CÁC BẠN XEM PHIM :

GIẤC MƠ LÚC 9 TUỔI CỦA DON BOSCO




Đó là GIOAN, con của gia-đình Bosco, cậu bé có nụ cười trong sáng, vầng trán bướng-bỉnh, đôi mắt đen nhánh, tóc rối bù như lông chiên. Thuở mới lớn lên, ngày ngày Gioan Bosco dắt đàn bò đi vào các vùng núi đồi miền Piémont, nước Ý. Cậu tập cuốc đất, phát cỏ, sử-dụng liềm, mác, và tập vắt sữa bò. Từ thuở đó cậu đã hiểu thế nào là đói khát và đã từng chứng-kiến cảnh chết-chóc ly-biệt.
Nạn đói hoành-hành năm 1817, lúc Gioan vừa mới lên hai tuổi, khi sương giá mùa xuân và những cơn hạn-hán khủng-khiếp tàn phá tất cả mùa màng. Nông-dân phải giết gia-súc để ăn thịt. Người ta gặp thấy trong các mương rãnh, xác những kẽ hành-khất chết đói, miệng còn ngậm cỏ...
Và cả cái chết nữa, như cha cậu đã ngã qụy xuống vì chứng sưng phổi vào một buổi chiều tháng năm rất đẹp trời nhưng cũng thật buồn thảm.
Mẹ cậu, bà Ma-ga-ri-ta, mới 29 tuổi đã góa chồng. Nhưng bà sống thắt lưng buộc bụng, vỡ đất làm rẫy, nuôi dạy con cái cách dịu-dàng mà nghiêm nhặt. Bà ở trong ngôi nhà gạch tồi-tàn vừa là chỗ ở, vừa làm kho lẫm, vừa làm chuồng bò. Hai bao bắp để trong bếp và hai con bò cái nằm sau liếp vách ngăn. Phòng ngủ ngay dưới mái nhà và nệm lót bằng lá bắp. Nhưng chính ở đó, ngay trong cảnh nghèo nàn trơ-trụi ấy, cuộc đời bé Gioan Bosco đã bừng sáng lên.
Chỉ một giấc mơ bình-thường đã khiến cậu tin rằng trọn cuộc đời mình được Chúa Giêsu Kitô mời gọi để chăm lo cho các trẻ em bị ruồng bỏ. Năm lên 9, bé Gioan mơ thấy mình đứng giữa một đám trẻ bụi đời ngổ-ngáo. Chúng chửi thề, văng tục, và Gioan đã trả đũa lại bằng những cú đấm ngoạn-mục. 
Nhưng một người với diện-mạo sáng ngời đã gọi tên Gioan và bảo: "Con phải chinh-phục chúng, không phải bằng tay chân như thế, mà là bằng khổ đau và lòng yêu mến". Gioan hỏi: "Ngài là ai mà đòi con phải làm những việc không thể nào làm nổi như vậy?"; và người lạ mặt đã trả lời: "Ta là Con của Bà mà mẹ con vẫn dạy con cầu nguyện với Bà mỗi ngày ba lần". Cũng trong giấc mơ đó, Ðức Trinh-Nữ Maria đã hiện ra với cậu. Bằng những hình-ảnh khác, Người loan báo cho cậu cũng một sứ-mạng ấy: chăm sóc các trẻ em bị bỏ rơi.
Thế là bắt đầu cuộc phiêu-lưu! Từ lúc còn rất nhỏ, Gioan đã nói rằng cậu ao-ước trở thành linh-mục. Trong thời-gian đợi chờ, cậu tụ-tập bạn-bè ở ngoài đồng để diễn-thuyết, làm hề và biểu-diễn cả ảo-thuật nữa. Nhưng lúc nào cũng thế, trước khi tới màn cuối, "ông bầu" lại lôi cỗ tràng hạt trong túi ra, qùy xuống và mời cả đám trẻ cùng cầu-nguyện.    
Gioan say mê đọc sách và nuôi chim. Ngồi dưới bóng cây im mát, cậu ngấu-nghiến đọc những cuốn sách mượn được của một vị linh-mục ở một xứ đạo hẻo-lánh. Rồi trèo lên cây, cậu gỡ tổ chim và bắt những con sáo nhỏ, đem về nuôi trong lồng làm bằng cành cây dương-liễu, rồi dạy chúng hót. Chuyện học-hành ư? Chỉ khi nào ngoài đồng ruộng hết bóng người thì cậu mới tới trường. Cậu không chịu học-hành đến độ đã gây-gổ với người anh cả và đã phải bỏ nhà đến làm việc tại một làng kế bên. Sau bao năm lao-động ròng-rã, cuối cùng mới gặp được dịp may: một vị linh-mục già thấy cậu thông-minh thì yêu mến, nhận nuôi và dạy cho cậu học tiếng La-tinh. Sau khi Cha qua đời, được mẹ giúp đỡ và cũng được nhiều ân-nhân tiếp tay, cậu theo học tại trường trung-học ở tỉnh bên. Hằng ngày đi bộ mười cây số, bất kể mưa gió hay nóng bức bụi-bặm. Tất cả chỉ để làm linh-mục! Gioan sẽ không bao giờ quên điều ấy. Và rồi sau sáu năm học ở chủng-viện, năm 1941, cậu đã trở thành linh-mục DON BOSCO!

Người ta mau chóng trao cho Ngài những công việc của một linh-mục tuyên-úy. Nhưng Ngài chỉ muốn một điều là các trẻ em. Thời-kỳ ấy là thời-kỳ cách-mạng kỹ-nghệ, thành-phố Turin là nơi hấp-dẫn đã lôi kéo hàng ngàn người di-dân đến kiếm sống. Các thanh, thiếu-niên làm việc ngắn hạn ở các xưởng đóng tàu, rổi lang-thang thất-thểu dọc bờ sông Pô, không một đồng xu dính túi. Những em khác vào tù. Don Bosco đi gặp họ tất cả, và Ngài được sự giúp đỡ của Cha Don Cafasso, vị linh-mục của "giới bần cùng". Ngài dám trèo lên các xe bò chở tử-tội để an-ủi họ suốt lộ-trình cho đến pháp-trường.
Ngài lôi kéo được Don Bosco đi vào trại giam; ở đó vị linh-mục trẻ tuổi người vùng Piémont buồn rầu đảo mắt nhìn cảnh tù đày, cái nhìn đó cũng ngăn đe mấy cậu bé đang chen-chúc trong các xà-lim hôi-hám, chúng tiều-tụy đi vì nạn chí rận, ăn toàn bánh mì đen và uống nước lã. Thật vô cùng khủng-khiếp! Don Bosco bàng-hoàng kinh-hãi, Ngài gào lên trong cổ họng: "Quá nhiều thanh-niên bị nhốt ở đây, bởi chẳng có ai săn-sóc đến họ. Tôi phải giúp-đỡ, dạy-dỗ họ. Tôi muốn cứu giúp những kẻ bất hạnh này". Và Ngài sẽ làm như Ngài đã nói thế!
Ít lâu sau, có một lần kia khi Ngài chuẩn-bị dâng thánh-lễ tại nhà thờ Thánh Phan-xi-cô Át-si-gi-ô, Chúa đã dẫn đến cho Ngài một cậu bé tên là Ba-tô-lô-mê-ô Ga-ren-li, em mới từ xa đến thành-phố này kiếm sống. Đầu cạo trọc-lóc, áo dính đầy vết vôi. Don Bosco qùy xuống và dạy em cầu nguyện. Sau đó Ga-ren-li trở lại, dẫn theo năm đứa, mười đứa, rồi tới một trăm đứa, bạn bè của nó, đứa nào cũng bị Don Bosco chinh-phục bằng tình yêu thương Ngài dành cho chúng. Ngài giảng dạy về Thiên-Chúa cách cụ-thể, nhờ những sự-kiện hấp-dẫn và những chi-tiết lý-thú làm chúng say mê.
Họ quấn-quýt và không rời bỏ nhau nữa. Trong các nhà nguyện cũ, trên những bãi đất trống vùng ngoại-ô, và trong các vựa lúa, các em kéo đến ngày một đông hơn để nghe Ngài giảng, để được Ngài dạy-dỗ huấn-luyện nên người và nên con cái Chúa.         
Vì lo-lắng cho tương-lai các em, Don Bosco mở các xưởng dạy nghề. Ngài nghĩ ra việc ký giao-kèo lao-động để kiếm việc cho các em, trước khi lao mình vào việc viết lách và xuất-bản, nhằm mục-đích giáo-dục và phát-triển đức tin Công-Giáo nơi các em. Công-trình lớn mạnh. Nhờ có các ân-nhân tài-trợ nên Ngài đã xây-dựng được nhiều nhà cho các em. Don Bosco đặt trọn niềm tin nơi Chúa Quan-Phòng.
Chẳng bao lâu, một "Tổ Ấm" hình-thành với 15, 20, rồi 600 em nội-trú. Vì không muốn cho tương-lai các em quá tồi-tệ, Cha Don Bosco cho dựng thêm nhà cửa, mở một lớp học tối, rồi mời các linh-mục và những người thiện-nguyện đến dạy cho các em. Họ làm việc trong nhà bếp, trong phòng mặc áo lễ ở gian bên của cung thánh. Trên hết mọi sự, họ rất mực yêu thương nhau, vì sư-phạm của Cha Gioan là Sư-Phạm Của Tình Thương. Lý-thuyết mà làm gì? Ngài không mong xây-dựng một "kiểu" giáo-dục lỗng-lẫy. Ngài nói: "Hệ-thống giáo-dục của tôi ư? Chính tôi, tôi cũng chẳng biết nữa."..."Tôi chỉ có công này, là tiến về phía trước theo sự dẫn-dắt của Chúa, rồi tùy hoàn-cảnh mà xử-trí".       
Quả thế, Ngài chủ-trương một đường lối sư-phạm "ngay tại chỗ", đặt tin-tưởng vào bản-chất của con người đã được Thiên-Chúa cứu-độ và tin vào sự hiện-diện hữu-hiệu của nhà giáo-dục. Don Bosco ước-đoán được những nỗi cùng khổ và âu-lo của từng em một. Ngài biết rằng tuổi thanh thiếu-niên là tuổi đầy-dẫy những nghi-ngờ, những phiền-muộn, tuổi của phẫn-nộ và thất vọng. Thế là Ngài đến với chúng, nói một câu khôi-hài, kiên-trì mời gọi chúng đối-thoại, cũng như vui-vẻ, thành-thực, cởi mở thoải-mái, một sự thoải mái tự-nhiên không hề bó-buộc vẫn là đặc-điểm nổi bật nhất trong tình yêu giáo-dục của Ngài. Ngài đã sống câu châm-ngôn sau đây, dựa theo lời thánh Phao-lô: "Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn" (Un saint triste est un triste saint).      
Và Ngài đã nên thánh. Ngài được phong thánh năm 1934, sau khi sống một cuộc đời luôn luôn bận-bịu lo-lắng cho các em thiếu-nhi và sáng lập ra tu-hội Sa-lê-giêng để tôn-kính thánh Phan-xi-cô Sa-lê-gi-ô. Cũng như vị thánh này, Ngài đã tìm được sức sống cho đời mình qua tình yêu thương con người và qua Tin Mừng của Đức Kitô, ở đó Ngài khám phá ra dung-mạo một Thiên-Chúa có thể chia sẻ mọi yếu-hèn của chúng ta. 
Ngay cả đến cuối đời, sau khi được Ðức Thánh Cha tiếp-kiến, trong các cuộc hành-trình khắp năm châu bốn bể để kiếm tiền in những tác-phẩm Ngài viết, Ngài cũng rất gần-gũi các trẻ em vất-vưởng của mình. Lúc nhắm mắt lìa đời, rạng sáng ngày 31 tháng giêng năm 1888, Ngài nói với các tu-sĩ Sa-lê-giêng đang săn-sóc Ngài rằng:

"Hãy làm tốt cho mọi người,
đừng gây điều xấu cho ai cả!
Hãy nói với các bạn trẻ của Cha rằng:
Cha đợi họ trên Thiên-Đàng!


       Tác giả: Gs. Ben. Đỗ Quang Vinh
(Toronto, Canda)
chuyển-ngữ từ bài viết của Benoît Fidelin trong tạp-chí Pèlerin Magazine.
No. 5495, 25 Mars 1988.




Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

GIÁO DỤC THEO THÁNH GIOAN BOSCO



                                        Linh mục Phêrô Trần Đình, Dalạt

Lần trước, tôi đã nói rằng : chủ yếu của giáo dục là loại trừ khuynh hướng vị kỷ, nghĩa là khuynh hướng luôn qui hướng về mình, và dạy cho con cái biết sống vị tha,nghĩa là sống hướng về kẻ khác. Nếu khi lớn lên, con cái mình chỉ biết mình mà không quan tâm đến kẻ khác, thì phải gọi là sự giáo dục của chúng ta đã thất bại.

Hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em về một vài nguyên tắc giáo dục theo Thánh Gioan Bosco. Như anh chị em biết, giáo dục là vấn đề quan trọng, cha mẹ nào cũng quan tâm. Tuy nhiên, giáo dục thì phải có những nguyên tắc hướng dẫn, chứ không phải là việc tuỳ tiện, gặp chăng hay chớ. Dĩ nhiên, trong vấn đề giáo dục, thánh nhân cũng đã nhiều lần thất bại. Dầu vậy, những nguyên tắc giáo dục của Người thật đáng trân trọng học hỏi. Nó gồm những điểm chính yếu sau đây: phòng ngừa và dựa trên ba chữ : ái, trí , đạo. Ta phân tích.

I. GIÁO DỤC PHÒNG NGỪA

1. Phương pháp  giáo dục này bắt nguồn từ chính kinh nghiệm bản thân của vị thánh này. Hồi còn nhỏ, ngài  đã làm  bể một cái ly uống nước. Khi mẹ về, ngài đã vòng tay xin lỗi mẹ và dĩ nhiên là được mẹ tha thứ. Khi lớn lên, Gioan Bosco hiểu rằng khi một cái ly đã bể rồi thì vô phương làm lại cho nó lành lặn như trước. Cho nên vấn đề là làm sao đừng làm cho cái ly bể. Đó là tiền thân của “phương pháp phòng ngừa” trong giáo dục của Thánh Gioan Bosco.

2. Trong giáo dục, vấn đề phòng ngừa rất quan trọng. Chúng ta cứ nghĩ đến vấn đề chủng ngừa cho trẻ sơ sinh những bệnh như uốn ván, đậu mùa, sởi… thì sẽ dễ hiểu. Y học ngày hôm nay người ta còn khuyên chích ngừa những bệnh như siêu vi Bï, sốt rét và bây giờ là bệnh HIV, bệnh Sars (viêm phổi cấp). Đối với súc vật như trâu bò, chó mèo người ta cũng chích ngừa định kỳ hằng năm những bệnh như bệnh dại ở chó, bệnh dịch ở gà, bệnh lở mồm long móng ở trâu bò …Để cho bệnh phát ra rồi thì hậu quả thật khó lường.

Đối với con vật, ngừa bệnh còn quan trọng như thế, huống chi là con người. Cha mẹ cần ngừa cho con nhiều điều như xem những sách vở, tranh ảnh xấu, chơi với bạn xấu…nhưng theo tôi điều cần ngừa hơn cả là khuynh hướng vị kỷ, nghĩa là luôn hướng về mình. Trẻ mà có khuynh hướng này, thì sau này khó lòng mà sống tốt  và không thể uốn lại được. Phải tập cho con sống vị tha như dạy con thương người nghèo, chia sẻ những gì mình có với kẻ khác.

3. Để áp dụng phương pháp phòng ngừa, theo Thánh Gioan Bosco, phải luôn đồng hành với con cáihiện diện với chúng, ví dụ như  dành thời gian để gần gũi các cháu lúc vui lúc buồn, hỏi han về việc học hành, bạn bè của các cháu…Rất nhiều lúc chúng có những u uẩn trong lòng, cha mẹ cần biết nếu không nhiều khi có những sự cố sẽ xảy ra ngoài ý muốn chúng ta. Cho dầu bận bịu cách mấy đi nữa, chúng ta không được khoán trắng cho bất cứ ai. Lâu lâu, cùng đi chơi với các cháu như đi biển, đi cáp treo, đi picnic ngoài trời…là tốt.

Chính khi gần gũi chúng, mà ta sẽ thấy chúng để lộ cá tính, điều hay cũng như điều dở…để rồi chúng ta biết mà uốn nắn kịp thời. Bệnh nhẹ thì dễ chữa, để cho bệnh trầm trọng hay di căn rồi như bệnh ung thư thì khó mà chữa trị được.

II. ÁI – TRÍ - ĐẠO

Đây là phương pháp giáo dục chúng ta rất cần biết. Đây là lộ trình phải theo trong vấn đề giáo dục. Chúng ta thường thiếu sót trong giáo dục vì chỉ dừng lại nơi chữ ái (yêu thương) và trí (học hành) mà quên hẳn hoặc lơ là, hoặc cho là không quan trọng chữ “đạo”. Chính vì thế mà con cái sau này sẽ không có một cuộc sống quân bình. Tôi xin giải thích ba chữ nói trên.

1.   Giáo dục chữ “ái”.

Ái có nghĩa là yêu thương. Điều này thì cha mẹ nào cũng có. Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái mình hết lòng, đến độ hi sinh quên mình. Điều này thì chẳng ai dám nghi ngờ.
Tuy nhiên, thương thì cũng có nhiều cách thương và dường như không phải  cách yêu thương nào cũng hợp lý và có lợi cho con cái, như chúng ta vẫn thấy trong thực tế. Có những cách yêu thương làm cho con cái thăng tiến, nên người. Cũng không thiếu những cách yêu thương làm cho con cái không thăng tiến và không nên người.

a/ Cách yêu thương không có lợi cho con cái, đó là sự nuông chiều, nhất là khi cha mẹ là người có điều kiện. Trong gia đình, đứa nào được nuông thì đứa đó hư. Đây dường như là chuyện qui luật. Trong thời buổi hôm nay, cha mẹ thường ít con nên hay nuông chiều con, cho nên con dễ hư hơn thời trước. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng của xã hội bên ngoài. Đứa con được nuông, không những dễ hư hỏng, nhưng còn khó nên người. Ra khỏi cánh cha mẹ là không còn biết phải sống như thế nào, bởi vì chúng đã quen “sống dựa hơi” vào cha mẹ. Nó sẽ không có ý chí phấn đấu ở đời. Chúng ta thấy những đứa con gọi là “con một”, “con út” thường dễ hư hơn, vì cha mẹ thường có khuynh hướng nuông chiều. Những thanh niên đua xe ngoài Hà Nội thường ứng vào những gia đình khá giả, nuông con. Trên TV, một người mẹ có đứa con chết vì đua xe, đã phát biểu như sau : “Tôi đã sai lầm vì nuông chiều cháu, bây giờ hối thì đã muộn. Tôi muốn khuyên các bậc làm cha mẹ đừng rơi vào trường hợp của tôi”.

b/ Có cách yêu thương làm cho con cái nên người. Nghĩa là vẫn yêu thương con cái, nhưng có những lúc phải dám nói “không” với chúng, chứ không phải  chúng muốn gì, đòi gì là răm rắp làm theo. “Không”, con làm điều này là không được, không tốt, bố mẹ không đồng ý. Dần dần con cái hiểu rằng chỉ những gì hợp lý, tốt, có lợiù thì cha mẹ mới chiều theo.

2. Giáo dục chữ “trí”

Dạy chữ “trí” ở đây không có nghĩa là dạy chữ, nhưng là dạy cho con cái biết sống theo lẽ phải; biết cái gì là đúng, cái gì là sai; cái gì nên làm và cái gì nên tránh.

Có một triết gia Hy Lạp, Ông Socrate, nói rằng : con người ta phạm tội là vì ngu dốt. Cho nên cần phải học để biết đúng và sai. Điều này lại càng chính xác, nhất là đối với trẻ em : chúng chưa có trí khôn, chưa phân biệt được hay và dở, đúng và sai, cho nên rất nhiều hành động chúng làm chỉ vì dại mà thôi.

Ở tuổi thiếu niên và thanh niên, các cháu tuy đã đi học, thậm chí học đại học đi nữa, nhưng vì chưa từng trải như cha mẹ, còn thiếu kinh nghiệm sống, cho nên có nhiều việc làm nông nổi, thiếu thực tế. Vai trò cha mẹ vì thế vẫn còn cần thiết để góp ý, hướng dẫn thêm để các cháu có những  chọn lựa, quyết định sáng suốt.

3. Giáo dục chữ “đạo”

Đây là điều người ta thường quên sót nhất trong vấn đề giáo dục. Người ta thương con, lo lắng cho con mọi sự, nhưng không sốt sắng trong việc đưa con đến với đạo.

Đạo là gì ?
Thưa là con đường. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu cũng xưng mình : “Ta là Đường” hay “Ta là Đạo”.



Giáo dục vì vậy là phải làm sao để dẫn con cái đến với đạo, đến với Chúa. Nếu không, sự giáo dục của chúng ta không còn phải là giáo dục kitô giáo nữa. Phải hướng con cái về với Chúa để được Chúa thánh hoá, nâng đỡ và ban sức mạnh cho chúng.



Về điều này thì cha mẹ phải làm gương sáng. Nếu cha mẹ không có lòng mến Chúa thì không bao giờ con cái có thể đến với Chúa được. Nhất là người mẹ. Cứ nhìn vào thực tế thì rõ : những bà mẹ nhân đức thì bao giờ cũng đốc thúc con sống đạo. Những bà mẹ nguội lạnh thì con khô khan. Cha mẹ là tất cả. Cha mẹ là chìa khoá của mọi thành đạt. Không có cái gì và chẳng có ai có thể thay thế vai trò của cha mẹ được. Vai trò của cha mẹ là vai trò có tính quyết định trên đứa con.



(Nguồn : simonhoadalat.com)



Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC DỰ PHÒNG


KHOA SƯ PHẠM CỦA THÁNH GIOAN BOSCO
Tác giả: GIOAN MARIA PETITCLECRC

............

II. PHƯƠNG PHÁP DỰ PHÒNG TRONG VIỆC GIÁO DỤC TUỔI TRẺ.

Tập khảo luận nhỏ về phương pháp dự phòng này đã phát sinh do một bài diễn thuyết Don Bosco đọc tại Nice ngày 12/3/1877, nhân dịp khai trương ngôi nhà Sa-lê-diêng đầu tiên trên đất Pháp. Bài diễn thuyết này nhắm mục đích trình bày cho những người sắp theo đuổi công cuộc của ngài tại Pháp, biết phương pháp sư phạm vẫn được thực hành trong các nhà Sa-lê-diêng tại nước Ý.
Sau nhiều lần được tha thiết yêu cầu hãy ghi lại những nét chính của một phương pháp đã mang lại những thành quả lớn lao, Don Bosco đã viết ra tập khảo luận này. Nó đã có hình thức sau cùng trong cuốn Quy luật của các nhà thuộc hội thánh Phan-xi-cô đệ Sa-lê được xuất bản cũng năm đó... Như thế là cách nay một thế kỷ.
Không nên đọc thiên khảo luận này như một hệ thống chặt chẽ, với những suy xét lý thuyết về vấn đề giáo dục nhưng phải coi đây như là một tập hợp những nhận định mà Don Bosco đã ghi lại sau kinh nghiệm lâu năm của một nhà giáo dục. Như chính lời ngài nói, 'sơ đồ' của 'phương pháp vẫn được sử dụng' trong các nhà Sa-lê-diêng.
Tập khảo luận được chia làm ba phần: Phần thứ nhất dành để giải thích 'phương pháp dự phòng là gì, và tại sao phải chuộng phương pháp đó hơn'. Nơi phần hai, Don Bosco bàn về cách áp dụng thực hành phương pháp này. Và nơi phần ba, ngài nói về những lợi điểm của phương pháp này.
Trong đoạn dưới đây, chúng tôi sẽ cố gắng trình bày nội dung của tập khảo luận cách ngắn gọn nhưng trung thực.

Giới thiệu phương pháp dự phòng
Người ta có thể định nghĩa phương pháp dự phòng bằng cách đối chiếu với phương pháp vẫn thường được sử dụng trong việc giáo dục thiếu niên. Vậy Don Bosco đã bắt đầu giới thiệu này bằng cách sử dụng sự đối chiếu đó, đúng như các nhà ngữ học nhóm cơ cấu luận đã lý thuyết hóa sau này. "Tôi xin nhắc lại ý nghĩa không phải là một ngữ nghĩa tròn đầy như tôi có thể kiếm thấy trong cuốn tự điển... nhưng chủ yếu đó là một tương quan". (Roland Barthes).

Phương pháp đàn áp
'Phương pháp này nhắm làm cho những người dưới quyền biết rõ luật pháp, rồi giám sát họ để phát hiện ra những kẻ phạm pháp, ra những hình phạt mà chúng đáng chịu, nếu cần'. Theo nhận xét của Don Bosco thì phương pháp này 'dễ dàng và ít mệt nhọc, tỏ ra thích hợp cho quân đội'. Nó đòi hỏi một sự xa cách giữa những người có quyền trên và những người dưới quyền, giữa nhà giáo dục và các thanh thiếu niên, để gia tăng uy quyền của người cầm quyền... Người này phải tránh giao tiếp thân tình với những người dưới quyền mình, nhưng phải luôn luôn có mặt tại đó để ngăm đe và sửa phạt.

Phương pháp dự phòng
Phương pháp này ngược hẳn với phương pháp trên kia. Nó nhằm đặt các thiếu niên 'vào trong tư thế không thể phạm lỗi được'. Don Bosco gọi những nhà giáo dục là những "hộ trực", thay vì gọi họ là những "giám thị" như thói quen thời đó, bởi vì các nhà giáo dục không có mặt ở đó để hăm dọa và sửa phạt đứa bé, nếu nó lỗi phạm. Nhưng trái lại, các ngài phải lưu tâm đến từng em, ân cần sửa chữa những lỗi lầm một cách nhân từ, để các em đừng sai phạm như thế nữa. 'Phương pháp này hoàn toàn dựa trên lý trí, tôn giáo và tình cảm. Nhân đó nó loại bỏ các hình phạt nào thô bạo, và cũng muốn xóa bỏ cả những hình phạt nhẹ nhàng nữa'.
Trước hết đứa trẻ biết rằng nó sẽ không bị các nhà giáo dục hạ thấp hoặc làm nhục, cho nên chúng sẽ không mất tinh thần vì những lỗi đã phạm. Thay vì bực tức với những lời răn bảo, trái lại nó sẽ coi những lời này là những chỉ bảo thân tình và có tính dự phòng, và nó còn hiểu tại sao cần có sửa phạt, nếu vấn đề đó được đặt ra.
Lý do thứ hai, và cũng là lý do chủ yếu hơn, 'đó là tính vô tâm của đứa trẻ, chỉ một giây đồng hồ cũng đủ để làm nó quên những điều lệ về kỷ luật, và những hình phạt dành cho những sự sai phạm'. Nhiều khi các thiếu niên phạm pháp đã không thấy rõ những hậu quả của hành vi mình, và chắc chúng có thể tránh khỏi những hành vi đó, 'nếu có một lời thân tình để kịp cảnh cáo chúng', (Don Bosco nghĩ tới những thiếu niên ngài đã gặp trong các nhà tù ở Tô-ri-nô).
Thứ ba, nếu phương pháp đàn áp có thể hãm bớt sự mất trật tự, 'nhưng lại khó lòng làm được cho những kẻ phạm pháp sửa mình'; Don Bosco đã rút ra nhận thức sau đây từ kinh nghiệm sư phạm của ngài: Các em sẽ khó quên những hình phạt đã phải chịu, và thường các em giữ một kỷ niệm cay đắng về những chuyện đó. Những hình phạt như thế còn có thể khiến các em có ý muốn trả thù: Như thế, có nghĩa là đáng ra là thuyết phục các em đừng phạm lỗi nữa, các hình phạt lại như xúi dục các em lỗi phạm thêm, trong tinh thần báo thù. Trái lại, trong tinh thần dự phòng không có sự bất lợi đó: Bởi vì, thay vì làm cho đứa trẻ coi nhà giáo dục là một kẻ thù mà nó muốn trả thù, phương pháp này cho đứa trẻ nhận thấy nhà giáo dục là một người bạn, giúp cho nó trở nên tốt hơn, tránh cho nó những phiền lụy, những sửa phạt và khỏi bị mất mặt với mọi người.
Sau cùng, một lý do nữa làm cho phương pháp dự phòng đáng chuộng hơn phương pháp đàn áp, vì phương pháp này 'đào tạo được những thiếu niên biết suy nghĩ, lúc nào nhà giáo dục cũng có thể nói cho các em nghe tiếng nói của trái tim. Khi đã chiếm được trái tim của kẻ mình dạy dỗ, nhà giáo dục có thể có một ảnh hưởng lớn lao với các em'. Cả sau khi đã bước vào đời hoạt động, người thanh niên vẫn thích trở lại thăm thầy cũ của mình, ông vẫn có thể lắng nghe và cố vấn cho em.
Tất nhiên, Don Bosco đã nói rõ là kể như thể chưa kể hết các lý do cũng đã bắt ta phải quý chuộng phương pháp dự phòng.

Áp dụng Phương pháp dự phòng
Đối với Don Bosco, tất cả việc thực hành phương pháp này dựa trên những lời sau đây của thánh Phao-lô về đức bác ái: "Tình thương thì nhẫn nại, tình thương thì phục vụ, nó không ghen tuông không huênh hoang, không kiêu căng, không làm điều xấu, không tìm kiếm tư lợi, không bực tức, không để lòng hiềm thù, không vui vì sự bất công, nhưng tìm thấy niềm vui trong chân lý. Tình thương thì tha thứ mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự".
Nếu bỏ qua gốc rễ phúc âm của nền sư phạm này, nhất định người ta sẽ làm cho nó biến chất hoàn toàn. Mà một sự thấm nhuần phúc âm đã được nhận thấy trong công cuộc của Don Bosco, qua sự giữ đạo mà tất nhiên chúng ta phải đặt vào, khung cảnh thời đại của ngài (nước Ý Công Giáo thế kỷ XIX). Ngày nay, cách giữ đạo này đã được thành vấn đề, không những vì bầu khí duy vật ngày nay, mà cũng vì phong trào thần học nữa. Chúng tôi luôn nói tới tầm quan trọng mà Don Bosco đã dành cho việc năng lãnh nhận các bí tích: ngài cho cách giữ đạo đó là nền tảng đích thực cho việc áp dụng phương pháp giáo dục của ngài.
Cũng vậy, chương dành cho việc đề phòng luân lý này cũng được đặt trong khuôn khổ ý thức hệ của thời đó, một thời đại thấm nhuần chủ nghĩa nghiêm khắc luân lý và nghi ngờ tất cả những gì liên hệ đến tính dục (chương sách đó đề cập việc phải hết sức trông chừng, đừng để lọt vào nơi ở của các em những sách vở, những trẻ em hoặc người lớn đáng nghi ngờ về luân lý... và phải liệu đừng khi nào để các em ở một mình với nhau).
Tuy nhiên, thật là sai lầm nếu người ta thản nhiên nhắm mắt bỏ qua những lời khuyên của Don Bosco về việc áp dụng phương pháp của ngài, lấy cớ đó là những khuyến cáo liên quan đến môi trường ý thức hệ đã lỗi thời. Vấn đề không phải là gạt bỏ những điều ngài đã viết đó. Chúng tôi sẽ có dịp trở lại vấn đề này nơi phần kết luận của tập sách này.
Còn bây giờ chúng ta phải đề cập đến những đòi hỏi thực hành mà Don Bosco đã nhấn mạnh về phương pháp dự phòng nơi đoạn sách của ngài.
Trước hết, phương pháp này đòi hỏi các vị giám đốc và các hộ trực của ngài phải hoàn toàn sẵn sàng giúp đỡ các em: Các vị phải hoàn toàn hiến thân cho các em, 'tất cả những khi các vị không mắc công việc của luật nhà'.
Đàng khác, Don Bosco dành một tầm quan trọng lớn lao cho những giải trí và những trò chơi, và ngài nhấn mạnh về sự phải để các em được tự do. "Phải để cho các em được tha hồ tự do chạy nhảy la hét thỏa tình. Thể dục, âm nhạc, ngâm thơ, sân khấu và các cuộc đi dạo sẽ mạnh mẽ cho việc giữ kỷ luật, và sức khỏe, cả sức khỏe thể lý lẫn sức khỏe tinh thần".
Sau cùng, Don Bosco nhấn mạnh về một việc nữa mà ngài coi là chủ yếu: đó là lời khuyên bảo ban tối. "Mỗi tối trước khi các học sinh đi ngủ, vị giám đốc hoặc vị thay thế ngài phải nói chung một vài lời thân tình với các em... Ngài phải gắng rút ra những bài học từ những biến cố trong ngày, những biến cố trong nhà cũng như những biến cố bên ngoài". Và Don Bosco nói thêm: "Đừng bao giờ nói lâu quá hai ba phút". Một lần nữa, điều này chứng tỏ Don Bosco rất hiểu biết trẻ em.
Người ta có thể ngạc nhiên vì tầm quan trọng Don Bosco dành cho ba phút nhắn nhủ mỗi buổi tối như thế. Đúng như E. Ceria đã công nhận: " Những ai sống ngoài bầu không khí Sa-lê-diêng, sẽ khó mà nhận ra rằng vài lời nhắn nhủ các em đã mệt đừ vào cuối một ngày như thế lại có thể làm nên những việc kỳ diệu". Đối với Don Bosco, vài lời nhắn nhủ ban tối đó là "bí quyết cho mọi sự tiến hành tốt nơi một nhà và là bí quyết của sự thành công giáo dục".

Lợi ích của phương pháp dự phòng
Don Bosco không phải là không nhận thấy những khó khăn của một phương pháp sư phạm như thế. Tuy nhiên, vì đó là phương pháp 'thỏa mãn và đầy lợi ích' cho các em, nên nhà giáo dục là 'người phải hiến mình cho thiện ích của thiếu niên', phải sẵn sàng đón nhận tất cả mọi phiền phức và nhọc mệt.
Tuy nhiên, xét cho cùng, nếu phương pháp dự phòng có gây một số những bất tiện cho nhà giáo dục thì nhìn lại người ta sẽ thấy là những sự phiền hà đó tương đối ít, so với số lớn những lợi điểm của phương pháp này nếu nhà giáo dục chu toàn nhiệm vụ của mình cách nhiệt thành. Ngoài những lợi điểm đã kể ra trên kia, Don Bosco đã kể thêm những điểm sau đây:
- Thanh thiếu niên sẽ giữ mãi niềm tôn kính đối với nhà giáo dục của mình. "Họ sẽ mãi mãi vui khi nhớ đến sự đào tạo mà họ đã nhận được".
- Chắc chắn tình trạng các em sẽ không trở nên xấu hơn, dù 'tính nết, tính khí và đạo hạnh' của em là thế nào đi nữa lúc em được nhận vào trường. Trái lại, Don Bosco tin chắc rằng, dầu sao em vẫn có thể đạt được một sự cải thiện nào đó. Nhờ kinh nghiệm lâu dài của ngài bên cạnh những thiếu niên 'nghèo khổ và bị bỏ rơi', ngài đã rút ra niềm xác tín này, một niềm xác tín không thể bị lay chuyển.
Don Bosco kết thúc tập khảo luận nhỏ của ngài bằng một lời bàn về các hình phạt. Ngài viết: "Nếu có thể, đừng bao giờ dùng đến hình phạt". Tuy nhiên ngài có đủ lương tri để nhận thức rằng trong lãnh vực giáo dục mà cứ núp đàng sau những tôn chỉ to lớn, là chuyện hão huyền. Cho nên ngài đã đưa ra thêm vào lời khuyên đối với những trường hợp bó buộc phải 'làm mạnh'. Theo ngài, những sự sửa phạt không bao giờ nên có tính cách hạ nhục (không bao giờ phạt các em nơi có công chúng, nhưng tại nơi riêng, xa con mắt các em khác). Đàng khác, vẫn theo Don Bosco, không bao giờ nên dùng các hình phạt như đánh đập. Những hình phạt như thế "làm các em bực tức nhiều lắm và cũng hạ phẩm giá nhà giáo dục". Phương pháp dự phòng hoàn toàn dựa trên sự thân tình giữa các nhà giáo dục và các em thiếu niên, cho nên những hình phạt loại này không nên được xử dụng. Đàng khác, như chính Don Bosco đã nhận xét: "Người ta nghiệm thấy rằng một cái nhìn yêu thương sẽ có hiệu quả đối với nhiều em hơn là một cái tát".
Và Don Bosco kết luận: "Nếu phương pháp này được thực thi trong các nhà của chúng ta, thì tôi tin rằng không cần dùng đến roi vọt và các hình phạt tàn bạo khác, chúng ta vẫn sẽ đạt được những thành quả tuyệt mỹ. Tôi đã lo cho các thiếu niên từ quãng bốn mươi năm nay, nhưng tôi nhớ chưa bao giờ sử dụng những thứ hình phạt đó. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa tôi đã luôn luôn đạt được, không những là cái tối thiểu, mà còn đạt được tất cả những gì tôi ước ao, và đó là đối với những đứa trẻ người ta đã mất hết mọi hy vọng đạt được thành quả khả trợ".

III. TRÌNH BÀY KHÁI NIỆM VỀ PHƯƠNG PHÁP DỰ PHÒNG

Như chúng tôi đã nhấn mạnh nơi đầu phần nhập đề này, kinh nghiệm và sự suy nghĩ của Don Bosco không làm thành một hệ thống sư phạm theo nghĩa chặt. Tuy nhiên đó cũng không phải là một mớ hỗn tạp những nhận xét giáo dục và những suy tư sư phạm. Thật ra vẫn có tính thống nhất giữa các nhận xét và các suy tư này, một sự thống nhất mà Don Bosco đã sống, hơn là đã trình bày rõ ràng. Đây là một kinh nghiệm, một nghệ thuật giáo dục, gồm những thực hiện và những nguyên tắc trong lãnh vực sư phạm, một kinh nghiệm xuất phát từ một cảm hứng thống nhất và mang một kiểu cách đặc trưng.

Kiểu cách Sa-lê-diêng
Kiểu cách giáo dục này liên kết chặt chẽ với nhân cách của vị đã quan niệm ra nó, và liên kết chặt chẽ với những cộng đoàn của những nhà giáo dục đã được ngài thông truyền kinh nghiệm sống của ngài, rồi kiểu cách giáo dục đó đã được diễn tả dưới một hình thức quy chiếu về truyền thống Sa-lê-diêng.
Tuy nhiên truyền thống này và kiểu cách Sa-lê-diêng này không nên được quan niệm như là một di sản đã dứt khoát hoàn thành, và nay chỉ còn việc đón nhận và truyền đạt như một gia sản bất di bất dịch. Trái lại, phải coi kiểu cách Sa-lê-diêng như một kinh nghiệm sống, cần phải được đảm nhận lấy với một ý thức được đổi mới, và phải được tiếp tục với một tinh thần trung thành sáng tạo.





Một cảm hứng thống nhất
Cảm hứng thống nhất mà chúng tôi nhắc tới trên đây bắt nguồn từ trong Phúc âm, và theo thiển ý thì nó có ba đường nét chủ yếu sau đây:
- Trước hết phải hết sức tôn trọng sự tự do của người thiếu niên. Về điểm này, A. Aufray mà chúng tôi đã có dịp trích dẫn, đã viết như sau: "Hệ thống giáo dục này để cho đứa trẻ triển nở, cởi mở, tự tìm lấy đường đi nước bước. Hệ thống này dành một phần hết sức lớn cho sự tự do".
- Phải nói với tất cả con người của cậu thiếu niên, phải nắm lấy em trong tất cả mọi chiều kích của em, kể cả chiều kích tinh thần.
- Sau cùng, và đây là nét đặc sắc đặc biệt, mối quan hệ sư phạm của phương pháp này: Một mối quan hệ dựa trên tình thân ái.
Ba nét đặc trưng mà chúng tôi vừa nêu lên trên đây, thật ra chỉ là tìm cách diễn tả bằng ngôn ngữ hiện tại chính công thức mà Don Bosco đã đề ra: "Phương pháp dự phòng hoàn toàn dựa trên lý trí, tôn giáo và tình thân ái".
Chúng tôi sẽ dành cho 3 đường nét chủ yếu này mỗi đường nét một chương, trước khi trở lại điểm chủ chốt của tất cả hệ thống nơi phần kết luận. Điểm chủ chốt này được các tu sĩ Sa-lê-diêng lấy làm phương châm của mình: "Giảng Phúc âm bằng giáo dục và giáo dục bằng giảng Phúc âm".


(Nguồn : ctvsalesiensmtd.blogspot.com)

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Duoc tin Cu Ba Anna Than Mau cua Chi Sen va Phuoc Cuu Huynh Truong HTDC An Hoa,  vua qua doi luc 8gio 30 sang Chua Nhat ngay 25 thang 1 nam 2015 tai Suoi Nghe, Ba Ria , Vung Tau. 
Thay mat toan the anh chi em HTDC  xin thanh that chia buon cung hai chi Sen Phuoc, va toan gia quyen, 
Xin Thien Chua giau long thuong xot, som dua Linh Hon Cu Ba Anna som ve huong Ton Nhan Chua tren Nuoc Troi. 

                                                                             Thanh Kinh Phan Uu

                                                               Toan the anh chi em Cuu HTDC An Hoa Da Nang.



Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

PHIM "THÁNH DON BOSCO - TÔNG ĐỒ GIỚI TRẺ"



Năm 2015 là năm kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thánh DON BOSCO , một vị thánh của giới trẻ .
Mời các bạn xem phim :

DON BOSCO  - TÔNG ĐỒ GIỚI TRẺ 





Phim Thánh DON BOSCÔ Linh mục (1815-1888)

Ngày 16 tháng 8 năm 1815, Gioan chào đời trong một túp lều tranh thuộc tỉnh Turinô. Cha Ngài qua đời lúc Ngài được hai tuổi. Mẹ Ngài là bà Magarita một mình nuôi nấng ba người con trai. Bà tập cho con quen với công việc nặng nhọc, với đời cầu nguyện. Bà thường lập lại với các con bà : - Chúa thấy hết, Chúa thấy hết.
Và con cái bà biết rằng chính nhờ tình yêu mà Người ta làm đẹp lòng Chúa, Gioan sau này sẽ nói : - Nếu tôi trở thành linh mục đó là nhờ mẹ tôi.
Cậu bé đã tỏ ra có ơn gọi làm tông đồ. Ngoài đồng cỏ, Ngài đã đổi phần bánh ngon miệng của mình lấy mẩu bánh đen của một mục đồng nghèo. Mẹ Ngài trách cứ Ngài vì đã làm bạn với những người xấu. Gioan đáp lại : - Khi con chơi với chúng nó, chúng nó bớt khùng hơn.
Lúc chín tuổi, Gioan đã có một giấc mơ lạ lùng: một đám đông trẻ con tinh nghịch vây quanh Ngài, chúng nó nói phạm thượng. Bất chợt chúng hiện hình thành bọn lang sói. Nhưng đức Trinh Nữ đã nói với Gioan : - Đừng dùng bạo lực, nhưng hãy ngọt ngào nếu con muốn chiếm được tình nghĩa với chúng.
Ngài còn nói : - Đó là môi trường làm việc cùng con. Sau này con sẽ làm cho con cái mẹ, điều Mẹ sắp làm cho những con thú này.
Và rồi những con vật dữ tợn trên biến thành chiên ngoan Gioan đã kẻ lại giấc mơ trên. Một người anh đã nói với Ngài : - Mầy sẽ là thằng chăn chiên. Và người anh khác nói tiếp : - Hay là tướng cướp.
Vì tình yêu Chúa, cậu bé tưởng tượng ra mình là một thằng múa rối. Ngày Chúa nhật bọn trẻ xếp vòng tán thưởng nhà nhào lộn và leo giây đại tài, cha mẹ chúng, cũng tới nữa, những lúc đổi trò, mọi người phải lần chuỗi. Nhà nhào lộn trở thành nhà giảng thuyết, lập lại bài giảng của cha sở.
Một linh mục già cho Gioan cuốn sách văn phạm latinh và dạy Gioan học. Một trong các anh ghen tỵ. Gioan ôm sách đi tìm việc làm trong một nông rại. Hai năm sau trở về nhà, Gioan phải chân không cuốc bộ hai mươi cây số ngàn để tới trường học mỗi ngày. Sau này ở trường Chieri, Ngài làm gia nhân khi có giờ rảnh để khỏi tốn tiền mẹ. Ngài thành lập một hội vui để lôi kéo bạn bè vào đường thiện hảo, lành mạnh.
Gioan được thụ phong linh mục. Theo phong tục Italia, người ta gọi Ngài là Don Boscô. Mẹ Ngài đã nhắn nhủ : - Đừng lo nghĩ tới mẹ nữa mà chỉ cầu nguyện cho mẹ thôi. Lo lắng duy nhất của con là phần rỗi các linh hồn.
Ngài theo học ở Turinô, viếng thăm các tù nhân và đã kinh ngạc khi thấy bao nhiêu là thanh thiếu niên ở đó, thấy trong các đường phố những đứa trẻ này bị bỏ mặc cho sự cùng khổ và tật xấu của chúng. Phương pháp cứu vớt tuổi trẻ này. Trong thánh đường, một ông quản xua đuổi đứa trẻ lêu lổng. Gioan nhắc nhở ông ta rằng: nó lại không muốn nhận biết Thiên Chúa tốt lành sao ?
Chính Don Boscô sẽ dạy nó đọc chữ và giải thích giáo lý cho nó. Hôm sau đứa trẻ trở lại với bạn bè của mình. Hội bảo trợ đầu tiên được thành lập. Trong hai tháng số trẻ lên tới cả trăm. Nhưng tụ họp chúng ở đâu ? Khắp nơi người ta đều xua đuổi chúng, và người ta lại không cho rằng Don Boscô điên rồi sao ? Ngài thuê một căn nhà trong khu phố nghèo đói nhất và phải trả tiển nửa tháng một lần, Mẹ Ngài lo lắng : - Con không có lấy một xu.
Thánh nhân trả lời : - Nếu mẹ có tiền lại chẳng cho con sao ? Mẹ có tin là Chúa quan phòng giầu có vô cùng lại không tốt bằng mẹ sao ?
Ngài tập họp những trẻ xấu nết lại và dọn cho chúng ruớc lễ vỡ lòng, khu vực đốn mạt sắp trở thành nơi có tinh thần Kitô giáo nhất thành phố. Ngài không hề mất tin tưởng. Không có gì làm Ngài nản chí được. Ngài dẫn về cho mẹ mình những đứa vô lại chiêu tập trong một hàng quán. Đêm về những đứa vô lại này biến mất, mang theo cả chăn nệm, Ngài đưa về một thàng nhãi bị trui đến tận xương tủy. Chẳng mấy chốc căn phòng đã có tới bảy đứa như vậy.
Don Boscô mua một căn nhà. Trẻ nội trú đông nhung nhúc. Một ngày sống bắt đầu với thánh lễ, sau đó là đi học hay tập nghề. Chính lúc này mà thánh nhân muốn giúp đỡ từ những người nghèo tới các công tử. Các nhà sắp được xây dựng khắp nơi, cả đến Mỹ Châu.
Đối với các trẻ em nam, Gioan đã thiết lập một dòng gồm các linh mục mang danh là Salésien, để kính thánh Phanxicô Salê mà Ngài đã lấy châm ngôn của thánh nhân làm của mình. - Lạy Chúa xin cho các linh hồn vì phần còn lại có đang giá gì cho con đâu ? Và thánh nhân khuyên nhủ hãy làm điều đó "Trong vui tươi hoan hỉ không ngừng".
Cùng với thánh nữ Maria Mazzarello, Ngài cũng thiết lập một dòng tu mang danh hiệu các nữ tu Đức Mẹ phù hộ. Công cuộc các chị cũng sẽ lan rộng trên khắp thế giới. Mệnh lệnh của Ngài là : - Hãy tin tưởng cầu nguyện và can đảm tiến tới không ngừng.
Don Boscô đi thực hiện các công trình tại Pháp. Các sự lạ xảy ra vô số trên đường Ngài đi qua. Ở Marseille Ngài gặp một đứa trẻ bệnh hoạn, Ngài bảo nó đọc một kinh kính Mừng và chữa lành cho nó. Cả đứa trẻ lẫn mẹ nó khóc nức nở vì biết ơn. Dọc đường xe Ngài bị vây chặt đến độ người đánh xe đã phải kêu lên : - Kéo theo một con quỉ, còn hơn chở một vị thánh.
Ở Paris Ngài được tiếp đón tưng bừng. Đức Hồng y xin Ngài chúc lành. Thi sĩ Victor Hugô hai lần muốn gặp Ngài. Người ta ngạc nhiên khi thấy Ngài rất đơn sơ vui vẻ và hiền hậu. Ngài giảng dạy nhiều. Các viện mồ côi, trường huấn nghệ, hội bảo trợ mọc lên khắp nước Pháp. Người ta nói Ngài dừng lại một chút, Người trả lời rằng: lên thiên đàng ta sẽ ngừng, hoặc, ma quỉ không có ngừng. Don Boscô muốn đưa cả thế giới về với Chúa Kitô. Các giấc mơ cho Ngài biết rằng: ước muốn của Ngài sẽ được thực hiện. Trong một giấc mơ Ngài thấy những người hoang dại quỳ gối trước mặt các tu sĩ Salésiens. Suốt đời Ngài không dứt các giấc mơ, các lời tiê đoán và các thị kiến.
Gioan phải trả cho định mệnh siêu nhiên của Ngài bằng những dằn vặt mà chỉ mình Ngài biết được. Một vị Hồng y đã phải lo lắng thấy mặt Ngài xanh mét kiệt sức. Thánh nhân cho Ngài biết là ma quỉ quấy phá mình cả đêm. Nhưng những người thân cận không hề biết gì những đau khổ của Ngài. Ngài nói : - Vì hồn tôi đã uống những chén đắng, tôi có quyền thêm vào những lo âu của con cái tôi bằng một gợn sóng đau khổ không ?
Bọn ác nhân giận dữ vì việc lành Ngài đã làm, đã tìm cách sát hại Ngài. Nhưng sức mạnh của sự dữ không nghĩa lý gì. Vượt qua mọi trở ngại tưởng như không thể lướt thắng nổi, Don Boscô còn hoạt động nhiều hơn nữa. Y sĩ tuyên bố rằng: phép lạ lớn lao nhất là Don Boscô còn sống được.
Cuối cùng Gioan cảm thấy rằng: thân xác Ngài không còn chiến đấu nổi nữa. Ngài sắp qua đời. Ngài nói với các linh mục của mình khi họ tới thăm : - Hãy nói với các con cái của tôi rằng: tôi đợi chúng tất cả trên thiên đàng.
Ngài còn nói như lời dặn dò thân thiết nhất : - Hãy cổ võ việc siêng năng rước lễ và lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ:
Người ta còn nghe thấy Ngài nói trong cơn mê sảng : - Mẹ, mẹ ơi, ngày mai... Mẹ hãy mở cửa thiên đàng cho con.
Thánh Don Boscô qua đời, đoàn con cái xếp hàng hôn bàn tay đã tận tình cứu giúp họ. Ngày 30 tháng giêng năm 1888.



Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

BÊN LÒNG CHÚA (4)

CHƯƠNG IV

I. Chính Thầy ở trong con

Lời Chúa
- Ta sẽ đặt Nhà Tạm Ta giữa các ngươi (Lv 26:11).
- Thiên Chúa không sai Con đến trong thế gian để xử án thế gian, nhưng để nhờ Ngài mà thế gian được cứu (Ga 3:17).
- Cha đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Đức Giêsu Kitô (Ep 1:5).
- Vì chưng Thiên Chúa đã quyết định cho tất cả viên mãn đậu lại trong Ngài. Và đã giảng hoà cả vạn vật nhờ Ngài và cho Ngài (Cl 1:19-20).
- Kẻ kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Ngài ( 1 Cr 6:17).
- Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4:16).
- Còn chúng tôi, chúng tôi tin vào Tình Yêu (1 Ga 4:16).

1. Thầy ở trong con như Người đang cầu nguyện. Con hãy thông hiệp với Thầy, lời cầu gồm tóm tất cả và cho mọi người. Hãy vui mừng vì nhân danh con và anh em con mà Thầy cầu xin Cha.
Lời kinh của Thầy là ngợi khen, tôn thờ, cảm tạ Cha và lãnh nhận mọi ơn.
Không ai đến được với Cha nếu không qua Thầy. Nhờ Thầy, với Thầy, và trong Thầy, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, mọi danh dự, tôn vinh đều qui về Cha trên trời.
Chỉ lời cầu của Thầy mới toàn năng nhưng Thầy để hiệu quả của nó tùy thuộc cường độ tình yêu của con và anh em con khi chúng con muốn thi hành sứ vụ của mình trong sứ vụ của Thầy.

2. Thầy ở trong Con như Người đang hiến dâng. Con hãy hiệp thông với hiến lễ của Thầy trên mọi Bàn Thờ trong thế giới, Bàn Thờ của Giáo Hội và Bàn Thờ sống động của tâm hồn, để dâng hiến lễ.
Không giây phút nào trên trái đất lại không có hiến lễ dâng lên trời, là Mình Máu Thầy.
Thầy không có ước vọng nào lớn hơn là lôi cuốn mọi con tim vào hiến tế vô biên và liên lỉ là chính Thầy, để dâng lên Cha lời ngợi khen, tôn vinh.
Thầy ở trong con như Người dâng hiến Cha những lao nhọc vất vả của nhân loại, bữa ăn và sự nghỉ ngơi, sự lo lắng và niềm vui của họ. Nhưng tất cả còn phải được dâng cho Thầy với lòng yêu mến, để Thầy có thể thanh tẩy, nhận là của mình và cho giá trị cứu rỗi.
Thầy muốn con luôn có cử chỉ dâng hiến đó nhân danh con và anh em đồng loại.

3. Thầy ở trong con như người yêu mến. Phải, trước hết Thầy ở trong con như người yêu mến Chúa.
Con có thể tưởng tượng sự nao nức và cường độ tình yêu của Con đối với Cha, Ngài không ngừng sinh ra Thầy, như trí khôn sinh tư tưởng, nhưng cho nó tầm quan trọng đến độ nó trở thành bản thể, và Thầy là một Ngôi Vị ngang hàng Ngôi Cha, Đấng đã nghĩ đến Thầy và sinh ra Thầy.
Cha thấy trong Thầy tấm gương sống động và vẻ huy hoàng mọi thiện hảo của Ngài nên Cha yêu Thầy khôn tả và đặt mọi mãn nguyện nơi Thầy.
Chính Thầy, Thầy biết mình hiện hữu do Cha, Thầy hoàn toàn phó thác cho Ngài với tình yêu vĩnh cửu và lòng cảm tạ vô biên.

4. Thầy ở trong con như người yêu mến Chúa Thánh Thần. Ngài là mối dây sống động liên kết Thầy với Cha, là nụ hôn sung mãn giữa tình yêu Chúng Ta. Chúng Ta khác nhau nhưng liên kết với nhau thành một.
Chính trong sự hiệp nhất của Thánh Thần mà Cha yêu Thầy vĩnh hằng, cũng trong sự hiệp nhất ấy mà Thầy dâng lên Cha lời chúc tụng tôn vinh trọn vẹn.
Các Thiên Thần và các thánh hằng chiêm ngắm Mầu Nhiệm ơn ban trọn vẹn trong sự sống Ba Ngôi. Chính sự chiêm ngắm này là vinh quang, hạnh phúc tràn trề và vĩnh cửu cho các Ngài.

5. Thầy ở trong con như người yêu mến Đức Maria. Với Tình Yêu tạo thành, vì cùng với Cha và Chúa Thánh Thần, từ đời đời Chúng Ta đã cưu mang Đức Maria và không bao giờ Ngài làm Chúng Ta thất vọng.
Với tình con thảo, vì thực sự Thầy là Con của Đức Mẹ hơn bất cứ người con nào trên trái đất là con của mẹ mình.
Tình yêu Cứu Độ đã gìn giữ Ngài khỏi tội tổ tông và cho Ngài cộng tác chặt chẽ vào công trình cứu chuộc nhân loại, cộng tác cách phổ quát, như hoa quả ơn cứu độ, cho lợi ích của nhân loại qua mọi thời và mọi nơi.
Con hãy hiệp thông với những tình cảm Thầy dành cho Mẹ: tình yêu tế nhị, âu yếm, tôn trọng, thán phục, hoàn toàn tín thác và muôn đời ghi ơn.
Nếu Ngài đã không chấp nhận "làm mẹ" thì Thầy đã làm được gì cho anh em con?
Con hãy nghĩ: Mẹ đẹp tuyệt vời, đến độ không thể đẹp hơn được nữa. Mẹ thật là phản ánh trung thực về lòng nhân hậu từ mẫu Thiên Chúa trong loài thụ tạo.

6. Thầy ở trong con như người yêu mến các Thiên Thần và các thánh.
Thầy chẳng phải là niềm vui, là phần thưởng và sự ngưỡng mộ vĩnh hằng của các Ngài sao?
Thầy muốn các Ngài là bạn đồng hành của con trên dương thế, là bạn đường nhiệt tình, là sự hỗ trợ huynh đệ, là trung gian mạnh thế và luôn thức tỉnh giữ gìn con trên mọi nẻo đường.
Trong Thầy con sẽ gặp được tất cả: Thiên Thần Bản Mệnh, Thánh Quan Thầy, các Thánh con sùng mộ và tổ tiên của con, những vị đã để lại cho các nhân đức cùng với dòng máu của các Ngài.
Cách tỏ lòng kính mến tốt nhất của con đối với các Ngài chẳng phải là hiện thực sức mạnh của các Ngài trong sứ vụ con đã đón nhận khi chào đời sao?

7. Thầy ở trong con như người yêu mến tất cả anh em đồng loại của con.
Tất cả miêu duệ đông đúc của con, mọi người mà một ngày kia Thầy sẽ cho con thấy, như chính họ đã được trực tiếp hưởng sự từ bỏ, nỗi thống khổ, công việc của con. Và rồi mọi người khác, không trừ ai, dù họ đang thế nào hay sẽ thế nào. Tất cả, không phân biệt quốc gia, dân tộc, nền văn minh hoặc trạng thái tâm linh.
Thầy yêu họ tới độ để các linh mục, mỗi ngày mấy trăm ngàn lần tái diễn hiến tế núi sọ để họ được cứu rỗi.
Thầy yêu họ tất cả, vì thế Thầy đã chọn con đem Tin Mừng tình yêu vô biên cho họ, tình yêu luôn luôn sẵn sàng cho đi và tha thứ hết.
Vì họ, con hãy sống hiệp thông với Thầy bằng cách không ngừng toả chiếu ánh sáng chói ngời của Tình Yêu Thầy.

8. Chính Thầy ở trong con như người yêu con. Nếu con hiểu được thế nào là một Thiên Chúa yêu thương, một Thiên Chúa tự hiến và chỉ mong được tự hiến mỗi ngày một hơn.
Thầy yêu con bằng một tình yêu vĩnh cửu. Từ khi con hiện diện trên trái đất, Thầy đã không ngừng yêu con bằng một tình yêu vô biên và riêng biệt.
Thầy đã không ngừng gọi con cách âu yếm bằng chính tên con, ước ao mãnh liệt được hiệp nhất với con và kết hợp con với Thầy. Thầy không ngừng nhìn con trong địa vị duy nhất của con, địa vị mà từ đời đời đã được Cha Thầy dự phóng trong sự hiệp thông cùng các Thánh, Thầy lo lắng giúp con thi hành sứ vụ không thể thaythế đó trong sự phát triển Nhiệm Thể Thầy.

9. Thầy là người Bạn kiên nhẫn nhưng lại yêu sách. Lúc nào Thầy cũng dò xem tư tưởng con, lòng khao khát của con, cách con làm việc, nhất là xu hướng lòng con. Thầy kín đáo, thận trọng, tế nhị, nhưng con có nhận ra nỗi thất vọng của Thầy khi thấy con chẳng lưu tâm đến Thầy không?
Thầy là tình yêu mạnh mẽ và êm ái. Con hãy để mình được thu hút và thiêu hủy đi bởi tình yêu Thầy. Thật chỉ là không không tất cả những gì không cùng với tình yêu ấy, vì và cho tình yêu ấy.
Nếu con được tình yêu Thầy thu hút hơn nữa, con sẽ thấy rất nhiều chuyện chỉ có giá trị tương đối. Biết bao lần con để mình lo lắng bối rối vì những đám mây bay qua, chẳng có gì quan trọng, và rồi con không màng chi đến một thực tại quan trọng duy nhất!
Hãy tin vào tình yêu Thầy!

2. Hãy hân hoan vì Thầy hiện diện

Lời Chúa
- Đừng sợ! vì Ta ở với ngươi, Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta cho ngươi kiên cường, Ta phù hộ ngươi (Is 41:10).
- Ta sẽ đặt Nhà Tạm của Ta giữa các ngươi (Lv 26:11).
- Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28:20).
- Hãy vui thoả nơi Giavê, vì Người sẽ cho ngươi như lòng ngươi sở nguyện (Tv 36:4).
- Anh em hãy luôn luôn vui mừng trong Chúa! Tôi xin lặp lại, hãy vui luôn! (Pl 4:4).

1. Phải, con hãy hân hoan vì biết Thầy hiện diện và luôn ở gần con.
Người ta đi thật xa để tìm Thầy trong khi Thầy ở rất gần.
Thầy là Đấng vô hình, nhưng không vắng mặt, cũng chẳng xa xôi.
Thầy không bao giờ để con một mình.
Thầy nghe thấy mọi lời con nói.
Thầy nhìn thấy mọi việc con làm.
Thầy cảm thấy trong chính mình mọi thử thách của con.
Thầy biết con hơn con biết mình. Thường con là nạn nhân của sự thiếu thông cảm của những người xung quanh. Với Thầy không thể có chuyện hiểu lầm.

2. Sự hiện diện của Thầy không có gì đáng sợ, cũng chẳng tọc mạch.
Thầy hiện diện không phải để rình con, cũng chẳng để kết án hay luận phạt con.
Thầy hiện diện để nâng con dậy, để chữa trị, thanh tẩy, thêm sức và thánh hoá con.
Thầy hiện diện để giúp con làm cho cuộc sống tốt đẹp và hữu ích hơn nếu thực sự con muốn như vậy.
Thầy hiện diện để làm cho những cử chỉ nhỏ nhất cũng như những cố gắng không đáng kể của con có giá trị vĩnh cửu, nếu con chấp nhận đặt mình dưới sự hướng dẫn của Thầy.
Thầy ở đây cho con thêm phong phú về ơn hiện diện của Thầy, một sự hiện diện luôn hiện tại và luôn chăm chú để che chở con bằng tình yêu của Thầy.
Hãy vui mừng vì biết Thầy ở gần con...

3. Hãy vui mừng vì biết Thầy hiện diện trong con.
Thật vậy, qua ân sủng, Thầy ở trong con cách sống động, ở tận thâm tâm của bản thể con.
Con thấy và con tin như vậy là rất tốt. Với đức tin con thử chạm đến sự hiện diện linh thiêng này xem, rồi con tiến lại với Thầy ở đó, trong tâm hồn con, để Thầy cảm được niềm vui của con khi chúng ta chiếm hữu nhau.
Điều xảy ra cách nhiệm mầu trong con, qua sự hiện diện của Thầy, còn lạ lùng hơn con có thể tưởng tượng.
Trong con, Cha hằng sinh ra Thầy và gọi Thầy là Con chí ái.
Trong con, Thầy kêu với Cha: "Abba, Ba ơi!" và dâng cho Ngài chính bản thân Thầy làm hiến tế với lời khen ngợi.
Từ sự trao ban hỗ tương này của Chúng Ta, phát sinh Ngọn Lửa sáng rực tình yêu vĩnh hằng và đồng bản thể, đó là Thánh Thần.
Qua Thầy, con hãy đi sâu vào nguồn sống khôn tả của Ba Ngôi, con hãy tôn thờ trong hân hoan.

4. Hãy vui mừng vì biết Thầy hiện diện trong người khác.
Đúng vậy, tất cả mọi người khác, dù họ thế nào đi nữa, họ là những ngành nho trong cây nho của Thầy, là tế bào trong thân Thầy – ngành nho có thể, đôi khi đã khô héo, nhưng những tế bào sống dù mạnh dù yếu, đó là những phần tử của chính sự sống Thầy.
Thầy ẩn giấu trong họ, Thầy tự chan hoà và chìm sâu trong mỗi người ngay cả khi họ nghi ngờ điều đó.
Thầy coi mọi sự xảy đến cho họ như cho chính mình. Thầy coi mọi chuyện tốt xấu người khác làm cho họ như cho chính mình Thầy.
Con hãy tìm nơi mỗi người cái thuộc về Thầy rồi con sẽ khám phá ra cái tuyệt vời nơi họ.
Con hãy nói tới cái thuộc về Thầy nơi họ, con sẽ thấy họ có thiện chí đáng ngạc nhiên hơn con tưởng.
Hãy yêu quí nơi họ cái thuộc về Thầy, và con sẽ góp phần làm Thầy lớn lên trong họ.
Hãy vui mừng vì biết Thầy hiện diện trong những người khác rồi hành động theo đó.

5. Nhất là con hãy vui mừng vì biết Thầy hiện diện trong Bánh Thánh.
Hãy nghĩ đến sự hiện diện của Thầy trong phép Thánh Thể, qua bí tích này, tại muôn địa điểm trên mặt đất, Thầy hiện tại hoá linh hồn và mình máu Thầy, đồng thời Thầy sống giữa loài người trong tư thế không ngừng cầu nguyện và dâng của lễ thay họ.
Thầy hiện diện ở đó để luôn sẵn sàng tiếp đón họ và cho họ tiếp rước Thầy.
Thầy ở đó luôn sẵn sàng cho họ tận hưởng hoa quả ơn Cứu Chuộc như họ mong ước và tùy theo đức ái của họ.
Thầy ở đó cũng luôn sẵn sàng thanh tẩy và thánh hoá họ trong lao nhọc, lo âu, trong lao động và giải trí, trong hy vọng và niềm vui của họ.
Ồ! Nếu họ thường xuyên thăm viếng Thầy, ít là bằng trí khôn, cuộc sống của họ sẽ rạng ngời và thế giới sẽ biến đổi.
Thầy ở đó như kho tàng vô tận của bình an, ánh sáng và mọi ân sủng – nhưng kho tàng mới được khai thác. Vì thế trên đời còn biết bao khốn khổ.
Ít là con, con hãy vui mừng vì biết Thầy ở trong đó, hoàn toàn sống động trong Bánh Thánh, con hãy năng đến thăm Thầy thay cho những người không hề nghĩ đến việc này.

6. Hãy hân hoan vì sự hiện diện của Thầy, nhưng cũng hãy làm cho Thầy vui sướng hiện diện ở đây.
Thầy biết lắm, bao lâu còn trên trái đất con chỉ có thể nhận biết Thầy bằng con mắt đức tin. Chỉ trong cuộc gặp gỡ trọng đại, ngày đó con mới thấy Thầy diện đối diện trong vinh quanh rực rỡ.
Trong khi chờ đợi ngày đó, con còn sống trong thế giới hữu hình và còn bị tất cả những vật xung quanh lôi cuốn.
Phải cố gắng mới ra khỏi những gì là bên ngoài để gặp Thầy ở điểm Thầy hiện diện, gần con, trong con, trong tha nhân, trong Bánh Thánh...
Nhưng ơn Thầy luôn sẵn sàng để khuyến khích và nâng đỡ sự cố gắng ấy. Con đừng sợ cố gắng và cố gắng luôn. Sự cực nhọc của con sẽ được đền đáp cách xứng đáng.
Nếu con biết Thầy quan sát và chờ đợi con với trái tim nào!
Khi yêu nhau người ta không ngừng nghĩ đến người yêu, ngay cả khi họ không thấy nhau. Thầy phải nghĩ sao khi hàng giờ qua đi mà con không nhớ đến Thầy?

Cầu nguyện
Lạy Chúa, Chúa hằng gần gũi những ai kêu cầu Chúa, xin Chúa luôn cho con cảm thấy trái tim con bừng cháy, con biết rằng ân ban chính Mình Chúa là một phần thưởng lạ lùng thỉnh thoảng Chúa mới ban cho ai tìm kiếm Chúa để khơi lại niềm tin của họ và để giữ họ khỏi đi vào thói quen. Con biết con không xứng đáng lãnh nhận ơn đó, nhưng con biết Chúa tốt lành và quảng đại biết bao! Xin cho con ơn: chỉ nghĩ, nói và hành động như con ở trước nhan Chúa. Dù nét mặt có buồn và phản chiếu mọi nỗi buồn thầm kín, mặc dầu con không muốn, xin Chúa cho mọi người con yêu mến thấy được hạnh phúc thẳm sâu và sự bình an linh thiêng mà Chúa đã ban cho con hằng ngày. Và khi Chúa "giải thoát con khỏi thân xác hay chết này", ôi lạy Chúa! Xin chỉ nhớ tới lòng nhân hậu vô biên của Chúa mà gọi con vào hưởng niềm vui vĩnh cửu, mặc dù con không đáng, xin chỉ vì lòng ao ước mãnh liệt một ngày kia con được ở gần Chúa.
(Henri Duparc).

3. Hãy làm Thầy vui sướng hiện diện.

Lời Chúa

- Tôi nguyện hát mừng Giavê trong suốt đời tôi, tôi muốn đàn ca Thiên Chúa tôi bao lâu tôi còn sống.

- Ước gì hoài bão của tôi được đẹp lòng Người, phần tôi, tôi mừng vui nơi Giavê! (Tv 103:33-34).

- Tôi đã đặt Giavê luôn luôn trước mắt, vì có Người bên hữu, tôi sẽ không lay chuyển! (Tv 15:8).

- Chỉ một mình Giavê, các ngươi sẽ thờ lạy, sẽ tế lễ cho Người (2 V 17:36).

- Vậy dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa (1 Cr 10:31).

- Hãy biết ơn (Cl 2:7).

- Người yêu tôi thuộc về tôi và tôi thuộc về chàng (Dc 2:16).

- Ai mến Ta thì sẽ giữ lời Ta và Cha Ta sẽ yêu mến nó, và Chúng Ta sẽ đến với nó, và sẽ đặt chỗ ở nơi mình nó (Ga 14:23).

- Hãy hoan hô Giavê, toàn thể cõi đất, hãy phụng thờ Người trong niềm hoan hỷ, hãy đến trước Nhan Người trong tiếng hò reo! ( Tv 99:1-2).



1. Để làm Thầy vui sướng hiện diện đâu cần gì nhiều: chỉ một sự tưởng nhớ, một cái nhìn, một lời nói, một nụ cười thầm kín... Nhưng con cần cho Thầy cái ít ỏi đó.

Thật đơn sơ, con hãy tỏ cho Thầy biết con yêu Thầy rồi cứ sống trong an bình.

Hãy chứng tỏ con muốn làm vui lòng Thầy. Tình bạn được chứng tỏ qua những chi tiết nhỏ.

Ước mong đức tin của con được mạnh mẽ hơn, dám để Thầy đi sâu vào cuộc sống con hơn nữa.

Đối với trái tim biết yêu thì không có gì tầm thường cả. Thầy là người bạn tế nhị, Thầy chỉ vào đời sống tư khi được mời.


2. Không gì liên quan đến con mà Thầy lại dửng dưng. Vậy con hãy chia sẻ với Thầy như với người bạn thân những vấn đề làm con bận tâm: từng chi tiết về kế hoạch của con, những lo lắng và hy vọng... Con không nghĩ Thầy có thể giúp con giải quyết cách tốt đẹp nhất và thật đúng lúc mọi vấn đề đó cho con sao?

Phần con, cố nhận ra ý nghĩ của Thầy, cái làm Thầy buồn và điều làm Thầy vui.

Hãy nói với Thầy về vinh quang của Cha, tác động Thần Khí trong thế giới và những chiến đấu của Hội Thánh này.

Qua những đổi trao ấy, sự thân mật với Thầy sẽ lớn lên trong tâm hồn con.


3. Có phải vì là Thiên Chúa, Thầy không có quyền sống thân tình với con người mà Thầy đã dựng nên, đã cứu chuộc bằng máu mình, và dưỡng nuôi bằng thịt mình sao?

Thầy muốn con có lửa mến: ước gì mọi sự giúp con yêu mến Thầy hơn.

Như ánh sáng phục sinh Thầy gọi tên Maria Mađalêna, Thầy thường gọi con từ trong thâm tâm. Hãy nghe Thầy gọi tên rửa tội của con với tất cả lòng trìu mến.

Con cũng vậy, không cần máy môi, hãy mời gọi Thầy và kêu tên Thầy từ trong tâm trí con với hết tình yêu mến có thể.

Không phải chuyện bồng bột mà là việc của đức tin và ý hướng tốt lành: con có tin Thầy yêu con không?

Cũng không phải tưởng tượng, đó chỉ là hiện thực những nhân đức đối thần mà con đã lãnh nhận khi chịu phép thanh tẩy.


4. Thỉnh thoảng con hãy dành cho Thầy những phút giây thân mật, dù ngắn ngủi nhưng trọn vẹn. Một vài phút đó làm cho đời sống nội tâm của con phong phú và vững mạnh.

Thời gian đó giúp con nhạy cảm với những dấu chỉ Thầy chuyển đạt cho con suốt cả ngày.

Đồng thời nó giúp con khám phá ra sứ điệp của Thầy, hoặc nghe vô số những lời mời gọi của Thầy trên mọi nẻo đường của con.

Nhất là những giây phút đó giúp con làm cho Thầy vui sướng hiện diện trong khi chờ đợi "ngày không xế bóng", ngày đó Thầy sẽ là niềm vui vĩnh cửu trong ánh sáng cho con.


5. Mỉm cười với Thầy, chúc mừng Thầy đó cũng làm cho Thầy vui sướng hiện diện. Khi chờ đợi đón tiếp ai, con có mang nét mặt ủ rũ buồn sầu không?

Nếu con hiểu được một số người nhát đảm, sợ sệt hoặc quá khép kín làm Thầy buồn chừng nào! Họ vừa sầu thảm lại vừa lãnh đạm. Nỗi buồn của họ không phải kết quả của tình yêu chính đáng.

Họ làm Thầy mất vui khi trao ban chính mình cho họ, và họ cũng tự làm mất ơn sủng Thầy đã dành sẵn cho họ.

Những người luôn mỉm cười thu hút được Thầy và làm Thầy an tâm. Con hãy vào số đó.

Con sẽ tăng thêm nghị lực cho Thầy và làm Thầy hân hoan hiện diện.


6. Vậy, hãy hiệp nhất với Thầy cách vui vẻ để làm việc bổn phận và để chịu điều con phải chịu.

Thầy còn nhạy cảm hơn con tưởng đối với tất cả những tinh tế mà đức tin, tình yêu và lòng quảng đại có thể gợi ra cho con.

Những hy sinh nhỏ đó chẳng tổn đến sức khoẻ, cũng chẳng hại đến bổn phận của con.

Những hành động âm thầm của lòng bác ái rất có giá trị đối với Thầy. Sự lo lắng về chuyện liên hệ đến mức phát triển của Thầy trong thế giới.

Sự quan tâm đến đời sống Giáo Hội Thầy, những chiến đấu, sự thăng tiến, niềm hy vọng của Giáo Hội.

Tất cả những cái làm phấn khởi sự hiện diện của Thầy, bởi vì nó cho phép Thầy dùng con hơn nữa để thực hiện ý định của Cha.

Can đảm lên con! Hiện giờ con hoạt động, con lao nhọc trong tranh tối tranh sáng của đức tin – nhưng một ngày kia con sẽ ngạc nhiên, trong ánh sáng không bóng mờ, Thầy sẽ cho con thấy ngay ở đời này, tất cả những gì con đã cố gắng để làm phấn khởi sự hiện diện của Thầy.


(Nguồn : thanhlinh.net)