Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

29/10/23 CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – A

 GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT 

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.” (Mt 22,36) 

Suy niệm: 

Yêu mến một Thiên Chúa duy nhất hết lòng hết dạ, hết sức lực, là lời kinh rất quen thuộc người Do Thái vẫn đọc sáng tối hằng ngày. Lời kinh này được dân Chúa lặp lại mỗi ngày không chỉ để cầu nguyện, hay chỉ để nhắc nhở nhau phải ghi tạc vào lòng, thực thi giới răn Thiên Chúa, nhưng còn giúp định hướng ngày sống, toàn bộ đời mình vào Thiên Chúa. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, là Đấng con người phải đặt để trên tất cả mọi sự, và lòng yêu mến Thiên Chúa ấy sẽ giúp người ta nhận ra việc phải làm để sống đẹp lòng Ngài. Nói khác đi, khi yêu mến Thiên Chúa trên tất cả mọi sự thì con người sẽ lắng nghe, thi hành mọi điều Thiên Chúa truyền dạy để tôn vinh Ngài. 

Mời Bạn: 

Thánh Gio-an đã xác quyết rằng: “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình”… “vì ai không yêu 59 thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (Ga 4,20b-21). Bạn xét xem bạn đã yêu mến Thiên Chúa đủ để giúp bạn yêu thương người thân cận như Chúa muốn không? Nếu chưa, bạn làm gì để thêm lòng yêu mến Chúa hơn trong đời mình? Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn làm ít nhất một việc bác ái cho người thân cận để tỏ lòng yêu mến Chúa, chứ không vì một động lực nào khác. 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã yêu thương chúng con đến cùng. Xin giúp chúng con ngày càng cảm nghiệm sâu hơn về tình yêu ấy. Nhờ đó, chúng con nỗ lực gắn kết với Chúa mỗi ngày, biết sống yêu thương, quảng đại với mọi người để làm vinh danh Chúa. Amen


LM. Giacôbê Nguyễn Hồng Phong 

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2023

CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – A 22/10/23

                                                   

Chúa nhật Truyền giáo 

Mt 22,15-21 

TRÁNH NHẦM LẪN ĐÁNG TIẾC

 “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.” (Mt 22,21) 

Suy niệm: 

Lập trường rõ ràng, dứt khoát của Chúa Giê-su đối với Thiên Chúa và tiền của giúp các môn đệ khỏi đánh đồng, nhầm lẫn các giá trị phải chọn lựa trong cuộc sống. Lắm khi người môn đệ khó phân định rạch ròi đâu là ý Chúa, lãnh vực nào thuộc về Ngài và đâu là ý cũng như lãnh vực của Xêda - đại diện cho tiền của và danh vọng. Hiện nay chủ nghĩa quốc gia-tôn giáo đang trỗi dậy đó đây, đề cao quyền của quốc gia trên tôn giáo, sự tự trị của tôn giáo tại đất nước mình. Người môn đệ dễ bị cám dỗ ngã theo rồi hành động theo chủ nghĩa quốc gia-tôn giáo ấy, phản lại tính phổ quát của đức tin, đức ái. Lúc đó họ trở thành những tín đồ cuồng tín, không chinh phục được ai, trái lại, làm cho nhiều người lìa xa Thiên Chúa. Tín hữu là người vừa mắc nợ tổ quốc về lòng trung thành, vừa mang ơn Thiên Chúa về 45 tình yêu cứu độ. Người tín hữu phải chu toàn cả hai vai trò, không được bỏ vai này phò vai kia. 

Mời Bạn: 

Chúa bảo môn đệ phải nộp thuế phần đời cũng là cách Chúa muốn môn đệ lưu ý đến đưa giá trị Nước Trời vào xã hội trần thế. Thế giới này do Chúa dựng nên, Ngài mơ ước xã hội ấy trở thành Vương quốc của công lý, tình yêu, sự thật, tình phụ tử với Thiên Chúa chi phối đời sống con người. “Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” là thế đó. 

Sống Lời Chúa: 

Là Ki-tô hữu, Chúa bảo ta không được trốn thuế; là công dân Nước Trời, Chúa bảo ta đóng góp theo khả năng cho nhu cầu vật chất của Giáo hội nữa. 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, xin mở rộng lòng con, cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người anh chị em, để Nước Chúa được hiển trị mọi ngày.

LM. Giacôbê Nguyễn Hồng Phong 

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

12 KỸ NĂNG SINH TỒN KHI GẶP HOẢ HOẠN Ở NHÀ CAO TẦNG




1. Báo cho tất cả mọi người thấy cháy

Phải đảm bảo rằng tất cả mọi người trong nhà biết có cháy – hét lên và tập hợp mọi người lại.

 

2. Biết đường thoát

Khi bất ngờ có mùi khói hoặc ngọn lửa bùng lên, hãy ra ngoài thật nhanh và an toàn. Nhưng khói từ đám cháy có thể mù mịt và che tầm nhìn. Việc học và nhớ các cách ra khỏi nhà là rất quan trọng.

Trong nhà ở chung cư, lối nào là lối thoát hiểm phải được nắm rõ trong lòng bàn tay. Phụ huynh cũng phải dạy con mình: tòa nhà có bao nhiêu lối thoát hiểm? Làm thế nào để đi tới những lối thoát hiểm đó…


 

 

3. Khi phát hiện cháy, cần nhớ:

· Không cố thu những đồ có giá trị hay đi tìm vật nuôi trong nhà

· Không tìm hiểu đám cháy, tò mò xem cháy ở đâu…

· Bò trên sàn nhà nếu có khói – không khí sạch hơn ở gần sàn nhà, để mũi, mặt càng thấp càng tốt; hãy nhớ – khói rất độc, và có thể giết bạn

· Khi ra ngoài, chỉ mở cửa lối bạn cần đi và đóng tất cả các cửa đang mở để ngăn đám cháy lan rộng

· Trước khi mở cửa, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm, đừng mở – mặt kia của cánh cửa đang cháy. Dùng mu bàn tay để thử, không dùng lòng bàn tay. Vì lòng bàn tay bị bỏng sẽ cản trở việc thoát thân của bạn khi bạn bò hay xuống thang cứu hỏa.

· Nếu đang chạy thoát cùng người khác, hãy đi cùng nhau nếu có thể

· Rất có thể lối thoát bị cháy hoặc có khói, vì thế, bạn cần phải biết những lối thoát khác ở chỗ nào. Ngoài ra, nếu bạn sống trong chung cư, bạn cũng cần phải biết cách tốt nhất đến cầu thang hay các lối thoát hiểm khác.

 


 

4. Kỹ năng đầu tiên khi thấy lửa bốc cháy:

Nếu đang ở trong phòng đóng cửa kín khi nhà bị cháy, bạn cần phải áp dụng các biện pháp an toàn sau:

· Kiểm tra xem có lửa hay khói vào nhà qua các khe trên cửa hay không

· Nếu nhìn thấy khói bốc lên từ phía dưới cửa – không được mở cửa!

· Nếu không nhìn thấy khói – hãy đặt mu bàn tay vào cánh cửa. Nếu cánh cửa nóng hay rất ấm – cũng không được mở cửa vì như đã nói ở trên, cánh cửa ấm nghĩa là lửa đã rất gần!

· Nếu không nhìn thấy khói – và cánh cửa không nóng – hãy dùng mu bàn tay nhẹ nhàng chạm vào quả đấm cửa. Nếu quả đấm cửa nóng hoặc rất ấm – không mở cửa!

· Nếu quả đấm cửa mát, và bạn không nhìn thấy khói quanh cửa, bạn có thể mở cửa rất chậm và cẩn thận.

· Khi mở cửa, nếu bạn thấy lửa bùng lên, hay có khói xông vào phòng, hãy đóng cửa thật nhanh và đảm bảo chắc chẳn rằng nó đã được đóng chặt.

· Nếu không có khói hay lửa khi bạn mở cửa, hãy tiến thẳng đến cửa thoát hiểm của bạn.


 

 

5. Luôn giữ người, nhất là mũi ở vị trí thấp nhất có thể

Trên thực tế, trong một đám cháy, khói và khí độc làm nhiều người bị hại hơn là lửa. Bạn sẽ hít ít khói hơn nếu cơ thể bạn ở gần sát nền nhà. Theo tự nhiên, khói bay lên cao, vì thế, nếu có khói khi bạn đang trên đường thoát hiểm, ở vị trí thấp có nghĩa bạn bò dưới khói. Bạn có thể cúi sát xuống sàn nhà, và bò bằng bàn tay và đầu gối dưới đám khói.


 

Thoát hiểm qua cửa dẫn ra ngoài nên là lựa chọn đầu tiên. Nhưng bạn cũng có thể kiểm tra xem cửa sổ có thể là lối chạy thoát được không. Thậm chí cửa sổ trên tầng cao cũng có ích khi bạn cần giúp đỡ, từ lính cứu hỏa hay từ người khác.

Nếu trong nhà có thang thoát hiểm, hãy nhanh trí sử dụng khi khói đã bốc lên cao không thể xuống các tầng dưới.

Khi thoát hiểm, hãy thống nhất vị trí cả nhà sẽ gặp nhau ngoài trời. Điều này rất có ích vì khi hỗn loạn mọi người cần tập hợp ở một nơi, để mọi người biết rằng tất cả đều an toàn.

Lo lắng cho thú cưng hay đồ chơi yêu thích là điều bình thường, nhưng khi có cháy, bạn phải bỏ chúng lại – Điều quan trọng nhất là bạn phải ra được ngoài an toàn. Khi đã ra ngoài rồi, đừng quay lại để lấy bất cứ thứ gì – dù là thú cưng.


 

6. Nếu quần áo của bạn bắt lửa và bị cháy:

· Đừng chạy vòng quanh – bạn sẽ chỉ quạt cho ngọn lửa và làm chúng cháy nhanh hơn thôi
Nằm xuống – việc này giúp lửa khó lan ra hơn và giảm tác động của lửa lên mặt và đầu bạn (lửa cháy từ dưới lên trên).

· Dập lửa – bao trùm ngọn lửa bằng vật liệu nặng như áo khoác hay chăn, việc này giúp phá vỡ nguồn cung cấp oxi cho lửa.

· Lăn vòng quanh – hành động lăn giúp dập lửa nhanh.


 

 

7. Làm gì nếu không thể ra ngoài ngay lập tức?

Trong trường hợp không thể thoát ra ngoài nhanh được vì lửa hay khói đã chặn mất lối thoát, nếu lối thoát hiểm của bạn bị chặn, hãy bình tĩnh, đừng hoảng loạn:

· Nếu bạn ở tầng trệt, hãy ra ngoài bằng cửa sổ bằng cách ném chăn, gối, đệm xuống đất ở bên ngoài để đỡ bạn.

· Nếu bạn không thể mở cửa sổ, hãy dùng một vật nặng để đập vỡ nó ở góc cuối cửa sổ. Tránh chạm vào các mép sắc của cửa bằng cách dùng vải, khăn mặt, hay chăn quấn quanh người.

· Cho trẻ em ra trước: hạ trẻ xuống càng thấp càng tốt trước khi thả chúng xuống – để người lớn đỡ trẻ nếu có thể.

· Hạ thấp cơ thể bạn bằng cách đặt tay lên bậc cửa sổ trước khi thả mình xuống.

 

8. Nếu không thể ra ngoài, hãy tập hợp mọi người vào một phòng:

· Chọn một phòng có cửa sổ (nếu có thể).

· Hãy ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở quanh cửa với khăn trải giường, chăn, quần áo hoặc băng dính.

· Nếu trong phòng có cửa sổ nhưng không thể thoát ra được từ cửa sổ, hãy mở nó ra và đứng trước cửa sổ để hít thở và gọi giúp đỡ.

· Nếu bạn có thể lấy được một mảnh quần áo hay khăn mặt, hãy đặt nó trên miệng để không hít khói vào. Nhúng ướt miếng vải trước khi che lên miệng.

· Ngay từ bây giờ, khi đọc bài này, hãy nghĩ xem phòng nào là tốt nhất – bạn cần một cửa sổ có thể mở được, và nếu có thể, một chiếc điện thoại để gọi cấp cứu.

Nhớ rằng, dù có sợ hãi, bạn cũng không bao giờ được nấp dưới gầm giường hay phòng để đồ. Vì khi đó, sẽ rất khó khăn để lính cứu hỏa tìm ra bạn. Hãy nhớ rằng lính cứu hỏa và những người khác sẽ tìm bạn để giải thoát cho bạn. Họ tìm thấy bạn càng sớm, bạn sẽ ra ngoài được càng nhanh.

 

9. Gọi cứu hỏa

Khi đã ra ngoài được an toàn, hãy dùng điện thoại di động, điện thoại nhà hàng xóm, hay điện thoại công cộng để gọi dịch vụ cứu hỏa khẩn cấp. Khi nói chuyện với tổng đài viên, bạn hãy:

· Cho biết địa chỉ chính xác của bạn

· Nói với họ cái gì bị cháy, ví dụ như “một ngôi nhà hai tầng” chẳng hạn.

· Giải thích xem có ai bị mắc kẹt không, nếu có, họ đang ở phòng nào – bạn càng cung cấp được nhiều thông tin cho dịch vụ cứu hỏa, cứu hỏa càng có thể giúp bạn nhanh và hiệu quả.

 

10. Không quay lại khi đã thoát ra ngoài

Bạn nên tìm một nơi an toàn gần nhà để đợi. Nếu còn có người trong nhà, hãy đợi đội lính cứu hỏa tới. Bạn có thể kể với họ về người bị mắc kẹt và họ sẽ tìm người mắc kẹt giúp bạn nhanh hơn.

Nếu quay lại nhà bị cháy, bạn sẽ làm cho những nỗ lực cứu người mất tích của lính cứu hỏa bị chậm lại, đồng thời tự đặt bản thân vào tình huống rất nguy hiểm.

 

11. Kỹ năng thoát hiểm trong chung cư cao tầng:

Nếu sống trong chung cư, dù chung cư có hệ thống PCCC tốt và hiện đại vẫn phải luôn chuẩn bị tình huống lửa có thể bắt ngay bên ngoài căn hộ nhà bạn hay trong cầu thang.

Nếu lửa bắt nguồn từ căn hộ của bạn hay trong cầu thang và bạn không thể ra ngoài:

· Tập hợp mọi người vào một phòng với cửa sổ, đặt đệm, bộ đồ giường, hay quần áo quanh mép dưới của cửa để chặn khói vào phòng

· Mở cửa sổ, hãy vẫy tấm vải ngoài cửa sổ để lính cứu hỏa biết bạn đang ở đó
Nếu ngọn lửa ở ngay ngoài căn hộ nhà bạn, hãy bịt kín khe cửa bằng băng dính nếu có thể, bạn cũng có thể sử dụng bộ chăn, ga giường, hay quần áo

· Bịt lỗ thoáng khí hoặc quạt gió hướng bị cháy và và gọi cứu hỏa, cho biết số căn hộ của bạn

· Tưới nước vào cửa nếu thấy cửa nóng

 


 

12. Kỹ năng thoát hiểm trong nhà cao tầng:

Sống ở tầng cao không có nghĩa là bạn sẽ nguy hiểm hơn khi có cháy. Các căn hộ cao tầng có tường, trần, và cửa chống lửa sẽ giúp chặn lửa và khói lại.

Hầu hết các kế hoạch thoát hiểm không khác gì nhà đất, nhưng có vài điểm khác biệt:

· Bạn sẽ không thể dùng thang máy khi có cháy, vì thế, phải cân nhắc điều này khi chọn lối thoát hiểm.

· Đếm xem có bao nhiêu cửa trên đường tới cầu thang khi bạn không thể sử dụng thang máy, đề phòng trường hợp bạn không nhìn thấy đường.

· Đảm bảo rằng cầu thang bộ và cửa thoát hiểm không có chướng ngại vật và cửa không bao giờ bị khóa.

· Thường xuyên kiểm tra để đảm bảo rằng bạn có thể mở cửa cầu thang bộ từ cả hai phía.

· Nếu có cháy ở nơi khác trong tòa nhà, thông thường bạn sẽ an toàn nhất khi ở trong căn hộ của bạn, trừ khi khói và lửa làm gây hại cho bạn. Nếu bị ảnh hưởng, hãy tìm cách ra ngoài, ở ngoài, và gọi cứu hỏa.

 

Một giảng viên khoa Phòng cháy – Đại học Phòng cháy Chữa cháy đã đưa ra 7 kỹ năng dành riêng cho trẻ em mà cha mẹ nhất thiết phải dạy con. Biết đâu, hỏa hoạn có thể ghé thăm nhà khi không có bố mẹ ở nhà:

Kỹ năng 1: Khi ngửi thấy mùi khét, khói hoặc trông thấy lửa cháy thì các con phải gọi ngay cho các chú lính cứu hỏa. Số điện thoại các chú là 114.

Kỹ năng 2: Nếu bị kẹt trong đám cháy có người lớn bên cạnh, các con phải bình tĩnh làm theo sự chỉ dẫn của người lớn có mặt ở đó.

Kỹ năng 3: Chỉ cho bé những lối có thể thoát ra ngoài khi có hỏa hoạn xảy ra. Dặn bé cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt tuyệt đối không chần chừ mang theo đồ đạc hoặc nán lại gọi điện cho cứu hỏa.

Kỹ năng 4: Nếu gia đình bạn sống trong tòa nhà cao tầng hoặc khu chung cư, hãy dạy bé rằng đừng bao giờ di chuyển xuống dưới đất bằng thang máy khi có hỏa hoạn vì khi đó thang máy có thể ngừng giữa chừng do ngắt điện. Trường hợp ở gần tầng thượng hơn, hãy di chuyển lên tầng thượng thay vì di chuyển xuống dưới.

Kỹ năng 5: Nhớ rằng không những lửa mà khói và hơi độc cũng có thể dẫn đến tử vong. Để tránh bị ngộp vì khói, hãy dạy bé di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi. Hãy khoác thêm một chiếc áo được nhúng nước nếu có thể.

Kỹ năng 6: Khi tóc hoặc quần áo bị bén lửa hãy dạy bé phải dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn.

Kỹ năng 7: Nếu kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa rồi chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn nhà. Bởi gầm giường là nơi đầu tiên những người lính cứu hỏa để mắt đến khi tìm kiếm những người còn kẹt lại trong một vụ hỏa hoạn.


 

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2023

PHONG TỤC ĐÓN TẾT TRUNG THU CỦA CÁC QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

 

Việt Nam - Tết Trung thu là của thiếu nhi

Trung thu ở Việt Nam là ngày Tết của thiếu nhi, gắn với truyền thuyết về Hằng Nga, Chú Cuội trông trăng. Các em nhỏ thường rước đèn ông sao, đeo mặt nạ và lập thành đoàn múa sư tử, đánh trống rất rôm rả.

Việt Nam - Tết Trung thu là của thiếu nhi

Trong dịp này, người Việt thường bày bánh trái ra sân để cúng mặt trăng. Riêng trẻ em rất háo hức chờ đón dịp Trung thu bởi đây là thời điểm các em được người thân mua cho nhiều đồ chơi, bánh kẹo. Có những loại bánh đặc trưng mà thường chỉ dịp Trung thu mới có như: bánh dẻo, bánh nướng… Đồ chơi truyền thống của trẻ em ngày xưa gồm đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn con giống… và không đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã như hiện nay.

Ở nhiều nơi, Trung thu là dịp mở cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà, các cô. Trẻ em sẽ tham dự các cuộc rước đèn, thi hát trống quân. Khi trăng đã lên cao, các bé ngồi quây quần quanh mâm cỗ gồm nhiều loại bánh trái, hoa quả , cùng tham dự cỗ trông trăng và phá cỗ cho tới đêm khuya. Mâm cỗ trông trăng tuyền thống của trẻ em Việt Nam thường có bánh nướng, bánh dẻo, chú chó làm bằng tép bưởi và một số loại quả đặc trưng của mùa thu như chuối, hồng ngâm, thị, na, mía…

Trung Quốc - Trung thu là Tết đoàn viên

Trong phong tục của người Hoa, tết Trung thu còn gọi là tết đoàn viên. Đây là thời điểm mọi thành viên trong gia đình tụ họp với nhau. Bất cứ ai làm ăn ở xa xôi ở đâu, vào ngày này cũng trở về quê hương để gặp lại gia đình, họ hàng và cùng ăn bữa cơm đoàn viên.

Trung Quốc - Trung thu là Tết đoàn viên

Sau bữa cơm sum họp, các thành viên trong gia đình lại cùng nhau thưởng nguyệt (ngắm trăng) và ăn bánh trung thu dưới ánh đèn lồng lung linh. Một trong những hoạt động không thể thiếu được trong dịp Trung thu của người Hoa đó là rước đèn lồng và múa rồng lửa. Người dân tin rằng rồng lửa sẽ mang lại nhiều may mắn và an lành tới mỗi gia đình.

Người Trung Quốc thường treo đèn lồng trước cửa nhà và trên phố trong dịp này. Trong đêm Rằm người ta sẽ thả đèn trên sông, thả đèn lồng Khổng Minh lên trời để cầu may mắn, hạnh phúc đến với gia đình và người thân. Họ cũng có lễ rước đèn cho trẻ em, múa lân sư rồng và chú tễu nhảy múa trên phố.

Bánh trung thu ở Trung Quốc gần giống với bánh ở Việt Nam, lớp bánh làm mỏng, bên trong có nhân đậu xanh, hạt sen, trứng muối, được nướng và ngon nhất khi bánh chín vàng đều.  Ở mỗi vùng của Trung Quốc thì món bánh truyền thống này sẽ có sự biến tấu tùy khẩu vị. Hình tròn của bánh tượng trung cho sự viên mãn, đoàn tụ. Không khí những ngày tết Trung thu ở Trung Quốc vô cùng vui vẻ, trẻ con nô đùa suốt cả ngày.

Nhật Bản - Lễ hội ngắm trăng

Lễ hội Trung thu được du nhập vào Nhật Bản bắt nguồn từ Trung Quốc từ hơn 1000 năm trước. Nhưng khác với người dân Trung Quốc ăn bánh ngắm trăng thì người Nhật Bản lại ăn xôi nắm trong ngày tết Trung thu. Lễ hội Trung thu ngày Rằm tháng 8 Âm lịch được gọi là “thập ngũ dạ” (đêm mười lăm) hoặc “Trung thu danh nguyệt” (Trung thu trăng sáng).

Nhật Bản - Lễ hội ngắm trăng

Mặc dù, sau thời Minh Trị Duy Tân (khoảng cuối thế kỷ 19), Nhật Bản đã hủy bỏ nông lịch, đổi thành dương lịch, nhưng cho đến nay khắp nơi trên đất nước Nhật Bản vẫn còn gìn giữ tập tục ngắm trăng vào đêm Trung thu, một vài tự viện và đền thờ vẫn tổ chức hội ngắm trăng đặc biệt vào dịp lễ này.

Trong dịp lễ này, người Nhật ngắm trăng và ăn những món ăn truyền thống, đặc biệt là bánh Tsukimi dango – bánh nếp nhỏ và tròn trịa tượng trưng cho trăng trên trời. Ngoài ra, trong lễ Trung thu còn có các món ăn như khoai lang, hạt dẻ, các loại mì như soba, ramen.

Hàn Quốc - Lễ hội mừng mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên

Đối với người Hàn Quốc thì đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm (còn được gọi là Chuseok hay Hangawi), cũng được diễn ra vào ngày 15/8 Âm lịch, đây là lễ hội mừng mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên của người Hàn Quốc…

Hàn Quốc - Lễ hội mừng mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên

Đây là một dịp để các thành viên trong gia đình được đoàn tụ và cùng nhau thưởng trăng và ăn tiệc, các gia đình bày bánh gạo có hình trăng lưỡi liềm được phủ rong biển, đỗ, lạc… bên ngoài và các loại thức ăn khác lên bàn thờ. Đây cũng là dịp mọi người tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Họ thường tới thăm mộ tổ, dọn cây dại và làm sạch khu vực quanh mộ, truyền thống này giống với nghi thức tảo mộ ngày tết Thanh minh. Trẻ em thì mặc trang phục truyền thống như người lớn, được vui chơi và ăn bánh trung thu.

Bánh trung thu Hàn Quốc gọi là Songpyeon. Được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông. Có hình trăng khuyết hoặc hình bán nguyệt chứ không phải hình tròn hoặc vuông như bánh trung thu ở nhiều nước châu Á. Ngoài màu trắng truyền thống, bánh còn được biến tấu với màu hồng, xanh đậm, vàng…

Dịp này, người dân sẽ mặc áo Hanbok, ăn những món ăn truyền thống như bánh songpyeon, thịt viên áp chảo, bánh đậu xanh và uống rượu sindoju...

Triều Tiên - Lễ hội đêm Thu

Người Triều Tiên gọi tết Trung thu là “Thu tịch tiết” (lễ hội đêm Thu). Các gia đình hấp bánh và mang biếu tặng cho nhau. Bánh có hình nửa vầng trăng, làm từ bột gạo, bên trong là nhân đậu, mứt, táo,...Vì lúc hấp, đệm lót có sự giãn nở nên có tên gọi như vậy.

Đến lúc trời sập tối, họ cùng nhau vừa thưởng nguyệt, vừa tiến hành thi kéo co, vật, hoặc biểu diễn ca múa. Các cô gái trẻ mặc những chiếc trang phục đẹp lộng lẫy trong ngày lễ hội, vui vầy dưới gốc đại thụ, cùng chơi trò chơi đu dây.

Singapore – Trung thu diễn ra sôi động

Singapore – Trung thu diễn ra sôi động

Ở Singapore, Tết Trung Thu còn gọi là Lễ Hội Lồng Đèn hoặc Lễ Hội Bánh Trung Thu. Tết Trung Thu tính theo lịch âm là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Đây là thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Phố phường những ngày này được giăng đèn lồng và trưng các biểu tượng biểu trưng cho ngày hội.

Đối với người dân quốc đảo sư tử, Trung thu là thời điểm thích hợp để giao lưu thân tình, gửi lời cảm ơn và gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến người thân, bạn bè, đối tác kinh doanh.

Singapore là một đất nước du lịch nổi tiếng, người dân địa phương không bao giờ bỏ lỡ cơ hội thu hút du khách trong dịp lễ này. Họ trang trí đường Orchard – thiên đường mua sắm, bờ sông, khu phố Tàu, Vườn Trung Hoa và nhiều địa điểm khác để chào đón khách du lịch trên toàn thế giới.

Tại đây, lễ đón Trung thu diễn ra sôi động. Tại quảng trường Sengkang, mọi người tập trung để trải nghiệm các trò chơi thú vị. Đây là dịp để cộng đồng người Hoa tại Singapore thể hiện góc văn hóa giàu có và đa dạng của mình tại khu Chinatown với những chiếc đèn lồng đầy màu sắc, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng chia sẻ niềm hạnh phúc bên những chiếc bánh thơm ngon và tách trà đậm đà.

Philippines, Indonesia: Các đoàn lân tràn ngập các con phố người Hoa

Hoa Kiều và người Hoa sinh sống tại Philippines hay Indonesia luôn có những hoạt động đặc sắc chào đón lễ hội trung thu hằng năm. Tại khu phố người Hoa, từng đoàn lân diễu hành tấp nập. Mọi người mặc trang phục dân tộc, đốt đèn lồng và ca hát tưng bừng.

Malaysia – Trung thu là mùa lễ hội

Những năm gần đây, vào dịp Trung thu, ở Malaysia ngoài lễ hội Bánh Trung thu (19-21/9) còn có lễ hội đèn lồng vào ngày 16/9. Dịp này, phố phường đều được trang trí bởi hàng trăm, hàng ngàn chiếc đèn lồng sặc sỡ. Đây là dịp để người dân Malaysia và du khách ra đường hòa mình vào không khí tưng bừng của ngày lễ.

Myanmar – Trung Thu rực rỡ ánh sáng khắp nơi

Myanmar – Trung Thu rực rỡ ánh sáng khắp nơi

Ngày rằm trung thu ở Myanmar được gọi là “Lễ trăng tròn” hay “Tiết quang minh”. Đêm rằm, nhà nhà đều thắp đèn lồng để thành phố sáng rực, ánh sáng chiếu rọi khắp mọi nơi. Mọi người cũng thường xem biểu diễn kịch, nhảy múa, xem phim và nhiều hoạt động vui chơi náo nhiệt khác trong đêm lễ hội này.

Lào – Trung thu là lễ hội trăng phước lành

Người Lào gọi tết Trung thu là lễ hội trăng phước lành, tất cả mọi người đều tụ tập bên gia đình, thưởng trà, ngắm trăng. Khi hoàng hôn buông xuống, các chàng trai cô gái nhảy múa, hát ca thâu đêm.

Campuchia – Trung thu là lễ “bái nguyệt tiết” (lễ hội vái lạy trăng)

Vào ngày 15, người Campuchia tổ chức “bái nguyệt tiết” (lễ hội vái lạy trăng) truyền thống. Sáng sớm hôm ấy, người ta bắt đầu chuẩn bị lễ vật cúng nguyệt, gồm hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt, nước mía.

Buổi tối, mọi người đặt đồ cúng vào khay, đem để trên một chiếc chiếu lớn và ngồi chờ trăng lên. Khi mặt trăng nhô lên đầu cành cây, mọi người thành tâm bái nguyệt, cầu xin ban phước. Sau đó, người già lấy gạo dẹt nhét vào miệng của trẻ con, nhét cho đến lúc không thể nào nhét vào được nữa mới thôi, để cầu viên mãn, điều tốt đẹp.

Thái Lan – Trung thu là “Tết cầu trăng”

Thái Lan – Trung thu là “Tết cầu trăng”

Tết Trung thu ở Thái Lan với nhiều hoạt động hấp dẫn. Người Thái gọi tết Trung thu là “tết cầu trăng”. Mọi người đều tham gia lễ cúng trăng rằm. Mọi người ngồi quanh mâm cỗ với những món đồ đặc trưng của mùa thu như đào, sầu riêng, bánh Trung thu và chúc nhau mọi điều tốt lành. Đặc biệt bưởi là loại trái cây không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống. Người Thái tin rằng bưởi tượng trưng cho sự viên mãn, sum vầy.

Chính vì thế mà bánh trung thu của Thái Lan có hình dạng giống như quả đào. Tuy nhiên, ngày nay, loại bánh trung thu phổ biến của Thái Lan là bánh nướng nhân sầu riêng trứng muối, tượng trưng cho mặt trăng tròn.

Đài Loan - Tiệc thịt nướng ngoài trời

Giống như Việt Nam người Đài Loan cũng cúng hoa quả vào ngày này và cũng ăn bánh trung thu trông trăng bên người thân.

Ở Đài Loan, vào ngày Tết Trung Thu nhiều gia đình tổ chức tiệc nước ngoài trời.
Ở Đài Loan, vào ngày Tết Trung Thu nhiều gia đình tổ chức tiệc nước ngoài trời.

Người Đài Loan thường đoàn viên cùng nhau ăn bữa cơm gia đình vào ngày lễ Trung thu. Vì thường được nghỉ lễ dài nên mọi người cũng tranh thủ về bên gia đình để đoàn tụ.

Ăn bưởi trong Tết Trung thu: Bưởi trong tiếng trung có gần giống với từ bạn vì thế ăn bưởi còn có ý nghĩa là bình an, cầu mong bình an cho người thân, bạn bè.

Điều đặc biệt ở Đài Loan là vào ngày Tết Trung Thu nhiều gia đình tổ chức tiệc nước ngoài trời. Thói quen ăn đồ nướng trong dịp tết Trung Thu bắt đầu rất ngẫu nhiên. Bắt đầu từ một quảng cáo tương ở Đài Loan từ rất lâu về trước với slogan: “Một nhà nướng thịt vạn nhà thơm”. Quảng cáo được phát liên tục trong nhiều năm, trở nên quen thuộc và phổ biến tại Đài Loan. Thậm chí trở thành thói quen của người Đài. Giờ đây thì thịt nướng và các món đồ nướng đã trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu ở xứ sở này. Thậm chí, bạn có thể thấy người ta cắt cả bánh Trung thu và đặt lên bếp nướng, sau đó thưởng thức ngon lành.

                                                                      ( Nguồn: khoahoc.tv)