Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

MỘT CÂU CHUYỆN TẠI INDONESIA



Trong phòng xử... án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà vì tội ăn cắp tài sản. Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah. Lời bào chữa của bà lý do ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bệnh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói.
Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng sắn nói bà ta cần phải bị xử tội nghiêm minh như những người khác.

Thẩm phán thở dài và nói :” Xin lỗi, thưa bà...” Ông ngưng giây lát, nhìn ngắm bà c đói khổ“Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của Pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupiah cho chủ vườn sắn. Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi.”
Bà cụ run run, rướm nước mắt, bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo . Thế rồi ông thẩm phán lại nói tiếp
“Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. 
Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toà này 50.000 Rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật.”
Nói xong , ông cởi mũ của mình ra và đưa cho cô thư ký “Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo” 

Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công tố viên buộc tội bà , một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu Rupiah tiền bồi thường, bà lão run run vì vui sướng .
Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên toà trong hạnh phúc của tất cả mọi người.
Đây là một phiên tòa xử nghiêm minh và cảm động nhất mà tôi được biết, vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh chúng ta, 
vị thẩm phán đã không chỉ dùng luật pháp mà còn dùng cả trái tim để phán xét .





Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

LỊCH SỬ MÙA CHAY THÁNH


         Tứ thời bát tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông, thay đổi tuần hoàn luân vòng chuyển đổi. Niên lịch phụng vụ của Giáo hội Công Giáo cũng có chu kỳ xoay vòng luân chuyển.
Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh qua đi, Mùa Thường niên tiếp nối, chúng ta chuẩn bị bước vào Mùa Chay Thánh, cao điểm là Đêm Vọng Phục Sinh. Vậy Mùa Chay có từ bao giờ, kéo dài bao lâu ? Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay có ý nghĩa thế nào ? Mùa Chay đến rồi lại đi, chúng ta làm gì để Mùa Chay không trở nên nhàm chán và có ý nghĩa ?
Vậy Mùa Chay có từ bao giờ, kéo dài bao lâu ?
Vào những thế kỷ đầu Kitô giáo, để sống đạo và thực hành đạo, các kitô hữu tiên khởi đã quan sát những người chung quanh xem họ sống đạo và thực hành đạo thế nào, cụ thể như việc người Dothái giữ ngày Sabát, hay lên Đền thờ cầu nguyện. Tuy các kitô hữu tiên khởi họp nhau thành một cộng đoàn tế tự, cử hành phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần theo một công thức tuyên xưng đức tin. Nhưng khi cử hành các ngày đại lễ như lễ Vượt Qua, lễ Năm Mươi, dù vẫn giữ nguyên những ngày lễ của người Dothái  nhưng lại mặc cho các ngày lễ ấy một ý nghĩa mới, chẳng hạn : khi cử hành, họ không chỉ nhắc lại các biến cố Cựu Ước, mà còn tưởng nhớ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, cũng như việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ. Mãi đến thế kỷ thứ IV, trong Giáo hội mới nảy sinh những ý kiến khác nhau như : liệu có cử hành lễ Phục Sinh vào ngày lễ Vượt Qua của người Dothái không ? Tại các Giáo đoàn thuộc Tiểu Á, họ vẫn giữ nghi lễ chiên vượt qua. Riêng Giáo đoàn Antiokia lại ấn định lễ Phục Sinh vào ngày chúa nhật sau lễ Vượt Qua của người Dothái, trong khi đó, các kitô hữu tại Alexandria do các nhà chiêm tinh tính toán nên đã chuyển rời lễ Phục Sinh vào dịp phân xuân.
Cho dù có sự khác nhau về ngày cử hành các ngày lễ, nhưng lễ Phục Sinh vẫn là lễ chung của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo, vì lễ Phục Sinh dựa trên nền tảng đức tin, trước lễ Phục Sinh, có một thời gian chuẩn bị tương đối dài gọi là Mùa Chay hay « 40 ngày », tưởng nhớ 40 Chúa Giêsu ở trong hoang địa 40 đêm ngày.
Việc thực hành Mùa Chay đã có từ thời thì đầu Kitô giáo, nhưng trải qua những bước thăng trầm, mãi tới thế kỷ thứ II, thời thánh Irênê, giám mục thành Lyon, việc giữ chay ngắn hạn từ hai đến ba ngày, không ăn bất kỳ thức ăn nào mới được phổ biến. Sang kỷ thứ III tại Alexandria, người ta kéo dài việc ăn chay ra hết một tuần. Những dấu tích của Mùa Chay hay « 40 ngày » được tìm thấy ở thế kỷ thứ IV, trong lễ qui của Công Đồng Nicêa. Đây là thời gian chuẩn bị mừng lễ, nhưng ưu tiên vẫn là việc giúp các tân tòng chuẩn bị lãnh Phép Rửa Tội và Đêm Vọng  Phục Sinh.
Cuối thế kỷ thứ IV, Giáo đoàn tại Giêrusalem bắt đầu giữ chay 40 ngày hay còn gọi là Mùa Chay 8 tuần, người ta ăn chay suốt thời gian này, trừ thứ Bẩy và Chúa nhật. Sang thế kỷ thứ V, tại Aicập người ta cũng giữ chay, tiếp đến là xứ Gô-lơ, người ta ăn chay ngày thứ Bẩy và thứ Sáu tuần trong Mùa Chay. Trong khi giữ chay, các kitô hữu chỉ ăn một bữa mỗi ngày, thức ăn gồm có bánh, rau và nước. Giữ nghiêm ngặt nhất là ngày Thứ Sáu và Thứ Bẩy Tuần Thánh, người ta không ăn một chút thức ăn nào. Giờ ăn chay được qui định tùy theo sự khác nhau của mỗi giáo đoàn. Vì mùa chay gồm 6 tuần không thể tương ứng với 40 ngày được. Nên sang thế kỷ thứ VII, người ta đã lùi về trước mùa chay mấy ngày, cụ thể như bắt đầu từ ngày thứ Tư cho đến ngày thứ Bẩy tuần trước khi bước vào Mùa Chay, ngày mà hôm nay chúng ta gọi là Thứ Tư Lễ Tro, ngày ăn chay. Đồng thời, ba Chúa nhật trước Mùa chay, Chúa nhật bẩy tuần, Chúa nhật sáu tuần và Chúa nhật năm tuần, là gồm tóm thời gian chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh, cách lễ Phục Sinh chín tuần. Việc giữ chay ngày càng  đòi hỏi nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như buộc chỉ ăn bữa tối. Nhưng đến thế kỷ thứ VIII, việc giữ chay được nới rộng ra, nghĩa là cho phép những người ốm đau bệnh tật được ăn chứng, bơ, sữa, cá và cả rượu nữa. Sang thế kỷ XII và XIII, bữa ăn ngày chay được ấn định là trước giờ trưa 3 giờ tức 9 chín giờ sáng,  tiếp theo được ăn « bữa ăn nhẹ » vào buổi tối. Sang thế kỷ XVII việc ăn chay giảm dần và các nhà thần học cho phép được ăn cháo, sữa và cá nhỏ. Trong ngày chay, tại các hoàng gia, nhà bếp thi nhau trổ tài làm ăn với những thực đơn sao cho dồi dào phong phú hơn ngày thường.



 

Một cảnh chợ cá ngày Thứ Tư Lễ Tro
Từ năm 1949, Giáo hội Công giáo qui định việc giữ chay và kiêng thịt là ngày Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh mà thôi. Lý do vì hai ngày đó là ngày tưởng nhớ sự chết : ngày thứ tư lễ Tro, linh mục chính thức làm phép tro được đốt từ những cành lá đã làm phép vào ngày Lễ Lá năm trước rồi vẽ hình thánh giá trên trán người nhận tro và nhắc lại rằng « ngươi là tro bụi, và người sẽ trở về tro bụi », nhắc lại cái chết của mỗi người chúng ta, tiếp đến, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá.
Trong phụng vụ của Giáo hội Chính Thống, thời gian chuẩn bị bước vào Mùa Chay kéo dài năm tuần liền, mỗi tuần đọc một đoạn Tin Mừng riêng, với cách thức sám hối sâu xa. Tuần thứ bốn, được ấn định là ngày kiêng thịt và ăn chay trong toàn Giáo hội. Chúa nhật thứ năm được gọi là Chúa nhật Hòa giải, mỗi người hòa giải với người bên cạnh trước khi toàn thể cộng đoàn xin lỗi Chúa.
Cảm tưởng chung là một bầu không khí « vui và buồn ». Mỗi tín hữu, với sự hiểu biết có giới hạn và khác nhau về phụng vụ, nên khi bước vào nhà thờ với các kinh nguyện của Mùa Chay, mỗi người mỗi cảm tưởng khác nhau. Một phần vì những lời kinh tiếng hát mang đậm nét buồn, màu áo tím, những bài đọc dài hơn, đơn điệu hơn ngày thường, và hầu như không có nét vui tươi. Một nét đẹp nội tâm rực sáng, tựa như ánh sáng ban mai chiếu rọi từ thung lũng tối tăm lên tận  đỉnh cao của núi đồi.
Niềm vui ầm thầm, êm dịu và toàn bộ các bài Sách thánh trong Mùa Chay nghe thật đơn điệu cho thấy sự bình an đã dẫn đưa người ta tới những điệp ca hòa tấu Allêluia trong Đêm Vọng Phục Sinh.
Chúa nhật lễ Lá là thời gian không còn dành riêng cho việc tưởng niệm cuộc khổ nạn nữa, bước vào một Tuần Thánh, với những bài đọc nhắc lại những ngày sau hết của Chúa Kitô trên trần gian và sự Phục Sinh của Ngài.

Tại sao lại gọi là 40 ngày chay thánh ?
Từ « Mùa Chay » là một từ tương phản với từ gốc latinh là « quadragesima » có nghĩa là 40. Trong Kinh thánh, con số 40 có ý diễn tả một khoảng thời gian chờ đợi, một quá trình, tượng trưng cho việc chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa. Số 40 còn diễn tả hành trình trong sa mạc trên đường về Đất hứa của Dân Dothái kéo dài 40 năm. Ông Môi-Sen đã ở trên núi Chúa 40 ngày (Xh 24,18; 34,28). Những người trinh sát đã ở trong vùng đấy 40 ngày (Ds 13, 25). Elia đã đi 40 ngày trước khi tới được hang ở đó Ngài được thị kiến (1V 19,8). Ninivê đã được cho 40 ngày để sám hối (Gn 3,4). Và quan trọng nhất là Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy vào trong hoang địa 40 ngày để ăn chay cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ công khai (Mt 4,2).
Như vậy Mùa chay là mùa nhắc nhớ 40 năm hành trình trong sa mạc của dân Dothái, 40 ngày trong hoang địa của Chúa Giêsu. Con số 40 ngày, là thời gian đi vào hoang địa của cõi lòng, thinh lặng để chuẩn bị gặp gỡ Chúa. Đây là thời gian phụng vụ cao điểm thuân tiện thích hợp cho các Kitô-hữu noi gương Đức Kitô dùng 40 ngày để ăn năn đền tội và dấn thân phục vụ anh chị em. Và bằng 40 ngày long trọng của Mùa Chay, mỗi người được liên kết mật thiết hơn với các Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu, Đấng đang tiến đến cái chết và sự sống lại.

Mùa chay mang lại cho chúng ta điều gì?
Phần lớn người kitô hữu không thực hành việc ăn chay, nguyện ngắm, nên Mùa Chay không có ảnh hưởng tới đời sống của họ là bao? Khi nói về Mùa Chay, người ta thường hiểu một cách không tích cực lắm. Đại đa số dân chúng cho rằng trong Mùa Chay việc kiên ăn, kiêng uống  giữ chay chiếm vị trí hàng đầu.
Tuy nhiên điều đáng lưu ý là đại đa số người kitô hữu không thực hành đạo trong đời sống nhưng họ vẫn đến nhận tro vào Thứ Tư Lễ Tro. Đây là một nghi thức giầu tính biểu tượng, nó tác động đến tận đáy lòng con người, nhắc nhớ người ta suy nghĩ về thân phận của mình khi nhận tro và mời gọi con người trở về với Chúa. Vì nhiều khi con người quên đi thân phần yếu hèn, mỏng giòn của mình, dẫn đến đau thương và đổ vỡ. Bi kịch cuộc đời con người đều từ đó mà ra. Con người phạm tội, tội cắt đứt sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, làm cho con người mất đi hạnh phúc, phải đau khổ và phải chết. Chuyện sa ngã của Nguyên tổ đã chứng minh điều đó. Lịch sử cứ độ của Dân Chúa, tội thì Chúa phạt, hối cải thì Chúa tha và cứu. Nên mỗi khi lâm vào hoàn cảnh bi đát đau thương hay thất vọng,  Dân Chúa đều nhận ra rằng cần phải sám hối trở về giao hòa với Thiên Chúa để được chữa lành. Mùa Chay là mùa sám hỗi, chúng ta hãy ra sức làm những việc cần thiết để được giao hòa và hiệp thông với Chúa, hầu được Chúa ban ơn.
Trong đời sống người kitô hữu, nhiều khi lắng nghe lời Chúa xong, chúng ta đã có quyết tâm đi xưng tội, làm việc đền tội, nhưng rồi kết quả không mấy khả quan, thì Mùa Chay là cơ hội rất thuận lợi. Thư thánh Phaolô nói với chúng ta : « Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ» (2 Cr 6,2). Đây là thời gian khẩn trương trong năm phụng vụ, thời gian thuận tiện được ban cho chúng ta để đẩy mạnh quyết tâm hoán cải, tăng cường việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, thống hối, mở rộng tâm hồn đón nhận thánh ý Chúa, thực hành khổ chế một cách quảng đại hơn, để đi tới và giúp đỡ tha nhân đang túng thiếu: đó là một hành trình tinh thần giúp chúng ta chuẩn bị sống Mầu Nhiệm Phục Sinh. Vậy chúng ta hãy tin tưởng điều đó và bước vào Mùa Chay Thánh.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
(Nguồn : conggiaovietnam.net)

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

NGƯỜI CÔNG GIÁO VÀ VẤN ĐỀ TÔN KÍNH TỔ TIÊN


Ngày 20 tháng 2 năm 2013 vừa qua, trên internet có đăng bài “Khó lấy chồng vì không tìm được người cùng tôn giáo”[1]. Bài viết là tâm sự của cô gái tên Hồng, cô cho biết năm nay đã 28 tuổi, nhưng vẫn chưa lấy được chồng. Một trong những lý do dẫn đến việc cô khó lấy chồng, là “Một phần, người theo đạo không thờ cúng tổ tiên, nên cũng không thể lấy người khác niềm tin được”[2]. 
Đó cũng là điều mà chúng ta vẫn thường nghe nói ở các xứ đạo những người nam và nữ lương dân không muốn kết hôn với người Công Giáo vì cho rằng ‘đi đạo là mất ông bà tổ tiên’. Thực tế có phải như vậy hay không? Chắc chắn đây là một ngộ nhận, vì đã là con người, ai cũng phải nhớ về công ơn của các bậc sinh thành. Có điều mỗi dân tộc, tôn giáo lại thể hiện sự tôn kính theo cách thức của mình. Vì thế, Đạo Công giáo cũng không loại bỏ sự tôn kính Ông Bà Tổ Tiên, nhưng “đạo Công giáo còn cho thấy một chiều kích rộng lớn hơn của đạo hiếu, giúp quan niệm về đạo hiếu của dân tộc trở nên rộng rãi và hoàn chỉnh hơn”[3].

Vấn đề còn lại là Người Công Giáo Việt Nam tôn kính tổ tiên như thế nào?

Để làm sáng tỏ những điều đó, xin được trình bày qua ba ý tưởng:

- Tôn Kính Tổ Tiên là một giới răn và có nền tảng trong Kinh Thánh;
- truyền thống Tôn Kính Tổ Tiên phù hợp với chữ Hiếu trong Đạo Công
Giáo;
- hình thức Tôn Kính Tổ Tiên theo Đạo Công giáo.


1. Tôn kính tổ tiên là một giới răn và có nền tảng từ Thánh Kinh
 
Ngay từ thời các nền văn hóa còn hoang sơ, dân Ixraen đã ý thức được lệnh Thiên Chúa truyền cho họ phải tôn kính Tổ Tiên. Đây không phải là một lời khuyên, nhưng là một điều luật của Thiên Chúa cho dân của Ngài: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12). Giới răn này được đặt ở vị trí thứ tư trong 10 giới răn, chỉ sau ba giới răn con người với Thiên Chúa; nghĩa là việc kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên đứng ở vị trí đầu tiên trong bảy giới răn còn lại con người sống với nhau. Điều đó thể hiện tầm quan trọng của việc tôn kính Tổ Tiên của người Công Giáo. Tôn kính Tổ Tiên là điều quan trọng nhất trong các giới răn liên quan đến tha nhân.

Trong sách Tôbia, trước khi chết, người cha đã gọi con trai là Tôbia đến và khuyên rằng: “Con hãy chôn cất cha cho tử tế. Hãy thảo kính mẹ con và đừng bỏ rơi người bao lâu người còn sống. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Này con, con phải nhớ rằng mẹ con đã trải qua bao nỗi ngặt nghèo vì con, khi con còn trong dạ mẹ. Khi người mất, con hãy chôn cất người ngay bên cạnh cha, trong cùng một phần mộ” (Tb 4,3-4).

Tác giả sách Huấn ca, khi đưa ra những lời giáo huấn về đời sống luân lý, cũng đã không quên nói đến nghĩa vụ của con cái:“Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa” (Hc 3, 8-9.12-14.16).

Đức Giêsu đến trần gian cũng đã sống cuộc đời hiếu thảo với cha mẹ: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2, 51a). Trong sứ vụ công khai, Ngài đã khiển trách các kinh sư và Pha-ri-sêu về lối tôn kính cha mẹ kiểu vụ hình thức (Mt 15,1-9). Ngài đã sống trọn vẹn chữ hiếu với Thiên Chúa Cha qua việc vâng lời cho đến bằng lòng chịu chết để cứu độ con người. Đỉnh điểm khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao phó mẹ Ngài cho môn đệ Gioan (Ga 19, 25-27). Xét về phương diện chữ hiếu, lúc mà sự cứu rỗi thế gian sắp hoàn tất, Đức Giêsu vẫn không quên bổn phận hiếu thảo của mình, Ngài đã tìm cho mẹ một chỗ nương tựa lúc tuổi già.

Thánh Phaolô cho chúng ta thấy việc hiếu thảo với cha mẹ là điều đẹp lòng Thiên Chúa “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20). Và đó là điều phải đạo: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo” (Ep 6,1).

Như vậy, việc tôn kính Ông Bà Cha Mẹ đối với người Công Giáo không chỉ dừng lại ở bình diện bổn phận, nhưng đó còn là giới răn của Thiên Chúa bó buộc mọi người phải thi hành. Chính vì vậy, chúng ta thấy được thái độ tôn kính phải có của người Công Giáo với Ông Bà Tổ Tiên, chứ không phải là theo Chúa thì bỏ Ông Bà Tổ Tiên.


2. Truyền thống Tôn Kính Tổ Tiên hợp với chữ Hiếu trong Đạo Công Giáo

Ca dao Việt Nam chúng ta có câu:
“Con người có tổ, có tông,
như cây có cội, như sông có nguồn”.

Đó là lời răn dạy của cha ông đối với mỗi chúng ta. Dù ở địa vị nào, ở bất kỳ nơi đâu, sống trong hoàn cảnh nào, cũng đừng quên cội nguồn của mình, phải nhớ đến tình cha, nghĩa mẹ, công đức ông bà, tổ tiên. Từ đó, chúng ta có thể rút ra những lý do người Việt Nam tôn kính Ông Bà Tổ Tiên và những lý do này phù hợp với niềm tin Công Giáo.

Lý do thứ nhất là phải đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Thực ra, nào có cần phải nêu ra lý do này lý do kia để chúng ta hiểu tại sao mình cần phải hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Tận trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, ai sống trên đời mà chẳng có người sinh ra, chân lý này chỉ mới dừng lại ở công ơn sinh thành. Quả thực, con người sống với nhau, luôn có mối dây thiêng liêng liên kết ràng buộc, ta gọi đó là tình nghĩa gia đình và đạo hiếu, cách riêng đối với người Việt Nam, đạo hiếu đã trở thành nghĩa cử thiêng liêng ăn sâu trong tâm trí họ, thay vì hiểu nó là trách nhiệm, bổn phận. Ca dao ví von:

“Công cha như núi thái sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.


Người xưa đã mượn câu ca dao đó để ca ngợi công lao trời biển của cha mẹ. Công đức sinh thành của cha mẹ thật không có gì sánh được, biết ơn cha mẹ trước tiên và sâu xa nhất, là biết đến công ơn sinh thành, nuôi dưỡng ta bao năm tháng. Trong Đạo Công giáo, đền đáp công ơn của các bậc sinh thành được tác giả sách Huấn ca nhấn mạnh: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7, 27-28).

Thứ đến là lòng bác ái. Là người Việt Nam, chắc hẳn ai cũng biết mình mang dòng máu rồng tiên. Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ cho thấy mọi người đều sinh ra từ cái bọc trăm trứng. Mọi người là anh em của nhau, nên phải thể hiện tình thương yêu đối với nhau. Đạo Công Giáo luôn cổ vũ lòng bác ái. Bác ái là trung tâm điểm của việc thực thi Giáo lý, người Công Giáo phải “mến Chúa” và “yêu người thân cận như chính mình”. Bác ái trước hết, phải thể hiện từ những mối tương quan gần gũi, ông bà cha mẹ.

Cuối cùng, việc tôn kính Ông Bà Tổ Tiên thể hiện lòng hiếu kính. Bổn phận làm con phải biết thờ mẹ kính cha, phải làm tròn chữ hiếu. Quy luật của cuộc sống là không có cây thì không có quả, không có người sinh thành thì không thể có chúng ta. Người biết ơn là người thể hiện rõ đức tính nhân bản. Đạo Công Giáo cũng có thể được gọi là Đạo Hiếu, bởi người Công Giáo tin Thiên Chúa là Cha, là Đấng sáng tạo con người và muôn vật. Vì thế, con người cũng phải thể hiện chữ hiếu với Thiên Chúa bằng cách thờ phượng và tôn vinh. Bên cạnh đó, việc thảo hiếu với cha mẹ là điều giúp con cái được hưởng thọ và hạnh phúc, như thánh Phaolô khẳng định: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,2).


3. Tôn kính như thế nào?

Việt Nam là một nước mang đậm truyền thống văn hóa Á Đông, hơn nữa lại ảnh hưởng bởi Nho Giáo và Đạo Giáo, nên vấn đề tôn kính ông bà cha mẹ rất được coi trọng. Đức tin Công Giáo được gieo vào lòng đất Việt vào khoảng thế kỷ XVI – XVII (1533 – 1659), thời các cha dòng Tên chính thức việc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam. Tuy nhiên, những bước đầu tiếp cận con người và vấn đề hội nhập văn hóa rất khó khăn. Bởi các vị thừa sai chưa hiểu một cách thấu đáo về truyền thống văn hóa tôn kính Ông Bà Tổ Tiên của người dân trong khu vực này và có nhiều điểm dị biệt trong quan điểm hội nhập. Thực tế, lịch sử cũng có những câu chuyện đáng tiếc xảy ra, và quan niệm sai lầm về Đạo Công Giáo không được tôn kính Ông Bà Tổ Tiên vẫn còn dư âm đến ngày hôm nay, nhất là ở những nơi mà ánh sáng Tin Mừng chưa được lan tỏa. Nhưng thiết nghĩ rằng, đó là lối suy nghĩ đã cũ, và chưa hiểu về Đạo Công Giáo.

Thực tế, “Tin Mừng không chọn lựa đất sống. Tình yêu chẳng chối từ gian nan”[4], Tin Mừng chấp nhận hội nhập với mọi nền văn hóa. Giáo Hội đã tìm cách tháo gỡ những bế tắc, đã đưa ra phương hướng cho việc hội nhập đức tin Công Giáo vào truyền thống tôn kính Ông Bà Tổ Tiên trên dân tộc Việt Nam nói riêng và vùng Á châu nói chung. Ngày 08 tháng 12 năm 1939, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đã cho công bố “Huấn thị Plane compertum est” nhằm tháo gỡ việc cấm tôn kính Ông Bà Tổ Tiên tại Trung Quốc, Nhật Bản và những nước có nền văn hóa tương tự.

Tại Việt Nam, các giám mục cũng xin áp dụng huấn thị vào tình hình lịch sử văn hóa của đất nước và được Tòa thánh, qua Bộ Truyền Giáo, chấp nhận vào ngày 02 tháng 10 năm 1964. Trong hội nghị giám mục tại Đà Lạt vào ngày 13-14 tháng 6 năm 1965, các ngài đã công bố thông cáo về việc tôn kính tổ tiên và các anh hùng liệt sỹ. Thông cáo lấy lại Thông điệp “Evangelii praecones” của Đức Piô XII để nói lên quan điểm của Giáo Hội: “Giáo Hội không bao giờ miệt thị, khinh chê tư tưởng cũng như nghệ thuật hoặc văn hóa của người không Công giáo. Trái lại, Giáo Hội đã từng góp phần thanh luyện hoặc bổ túc để đi đến chỗ hoàn hảo”. [5]

Ngày 14 tháng 11 năm 1974, Hội nghị các giám mục họp tại Nha Trang đã đưa ra quyết nghị về vấn đề Thờ Kính Tổ Tiên trong 6 điểm:

a. Bàn thờ Gia Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa, miễn là không bày biện gì mê tín như hồn bạch.

b. Đốt hương, nhang, đèn, nến trước bàn thờ Tổ Tiên và những cử chỉ hiếu thảo tôn kính được phép làm.

c. Ngày “kỵ nhật” được cúng giỗ trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là bỏ những gì dị đoan mê tín như đốt vàng mã,… giảm thiểu, canh cải những lễ vật biểu dương ý nghĩa thành kính, biết ơn ông bà, như dâng hoa trái, hương đèn…

d. Trong hôn lễ, cô dâu, chú rể được làm lễ Tổ, lễ Gia Tiên vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính, trình diện với ông bà.

e. Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái lạy theo phong tục địa phương để tỏ lòng tôn kính người đã khuất.

f. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng tại đình làng để tỏ lòng cung kính biết ơn với những vị mà theo lịch sử  là có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không như mê tín đối với các “yêu thần”, “tà thần”[6].

Từ đó, chúng ta nhận thấy rằng Đạo Công Giáo luôn dành vị trí đặc biệt cho việc tôn kính Ông Bà Cha Mẹ, chỉ sau việc kính mến và thờ phượng Thiên Chúa. Qua việc cổ võ đạo Hiếu, đạo Công Giáo hướng con người tới việc hiểu biết tổ tiên đích thực của mình, chính là Thiên Chúa – Đấng đã dựng nên trời đất, sinh ra loài người chúng ta (St 1-2, 4a). Việc tôn kính ấy được thể hiện qua việc thảo hiếu, chăm sóc, phụng dưỡng lúc các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời. Tuy nhiên, điều mang lại hy vọng tích cực nơi người Công Giáo, họ tin rằng con người có hồn thiêng bất tử, sau khi chết, hồn không thể hưởng thụ những gì là vật chất, mà cũng chỉ dùng thứ lương thực thiêng liêng để được hưởng hạnh phúc muôn đời bên Thiên Chúa. Vì thế, phụng vụ Giáo Hội cũng dành ưu tiên cho việc tôn kính Ông Bà Tổ Tiên khi dành ngày muồng hai Tết và suốt cả tháng 11 Dương lịch để kính nhớ các ngài, đặc biệt trong Kinh Nguyện Thánh Thể được đọc trong các thánh lễ mà người công giáo cử hành mỗi ngày, đã dành phần cầu nguyện cho “anh chị em đã ly trần, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc…”. Có nơi, theo truyền thống nếu vào ngay thứ hai trong tuần khi không có lễ kính hay lễ nhớ thì vị linh mục sẽ dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn Ông Bà Tổ Tiên.

Tóm lại, từ những ý tưởng trình bày trên, ta thấy quan điểm của Giáo Hội Công Giáo với Ông Bà Tổ Tiên. Việc tôn kính Ông Bà Tổ Tiên không nghịch lại với niềm tin Công Giáo. Trái lại, Đạo Công Giáo luôn cổ vũ khích lệ lòng hiếu kính với Ông Bà Tổ Tiên. Khi vào Việt Nam, Đạo Công giáo đã làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc, Đạo Công giáo không phá hủy truyền thống dân tộc, nhưng nâng cao và kiện toàn như Công Đồng Vatican II đã nhận định: 
“Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người”[7]. 
Vì lẽ đó, người Công Giáo luôn được mời gọi tuân theo luật Chúa dạy chu toàn bổn phận thảo hiếu với Ông Bà Tổ Tiên. Đồng thời, loan truyền Tin Mừng bằng cách chia sẻ với những người không cùng tôn giáo trong những dịp mừng thọ, an táng, những dịp giỗ hay lễ hội… để mọi người có cái nhìn và hiểu đúng về Đạo Công giáo, nhờ đó xóa đi rào cản ngăn cách và xây dựng một xã hội bác ái yêu thương hơn.

Giuse Nguyễn Văn Quyền
Đại chủng viện Vinh Thanh


(Nguồn :http://catechesis.net/)
 
++++++++++++++++++++++++++
[1] Hồng, Khó lấy chồng vì không tìm được người cùng tôn giáo, 2013, http//www. vnexpress.net, truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2013.
[2] Hồng, Khó lấy chồng vì không tìm được người cùng tôn giáo,2013, http//www. vnexpress.net
[3] Đinh Kiều Nga, Ảnh hưởng của Công giáo với nền văn hóa Việt Nam, 
http://btgcp.gov.vn, truy cập ngày 06 tháng 4 năm 2013.
[4] Lm Nguyễn Tầm Thường, Nước mắt và hạnh phúc, 172
[5] Vấn đề cúng bái tổ tiên. http://www.dongten.net. truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2013
[6] Các giám mục việt nam, quyết nghị về lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên.
http://www.dongten.net. truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2013
[7] Lumen Gentium17, trong thánh công đồng vaticano 2

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

DÃ THÚ


SUY NIỆM
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY- NĂM B    22/02/2015

Một ngày nọ, lạc đà con nói chuyện với lạc đà mẹ như sau, "Mom! Tại sao bàn chân của mẹ con mình lại có 3 ngón chân to tổ chảng vậy?" Lạc đà mẹ trả lời, "Để chúng mình băng qua sa mạc cát mềm mà không bị lún chứ làm sao!" "Và tại sao chúng mình có bộ lông mi dài lượt thượt và nặng nề quá vậy?" "Để cát khỏi rơi vào mắt trên những hành trình dài trong sa mạc đó con!" "Và Mom, tại saochúng mình lại phải mang những cái bướu quá bự trên lưng vậy?" Bây giờ thì lạc đà mẹ không còn kiên nhẫn nổi để trả lời những câu hỏi vớ vẩn của thằng con nữa, nhưng cũng cố trả lời, "Chúng nó giúp chúng mình dự trữ những chất béo cho những cuộc du hành dài, nhờ đó mà mẹ con mình không cần nước trong một thời gian rất lâu ở sa mạc!" "Đúng vậy, con biết rồi!" lạc đà con nói, "Chúng mình có ngón chân bự để không bị lún dưới cát, lông mi dài để tránh cát bụi khỏi rơi vào mắt, và những cái bướu trên lưng để chứa nước. Vậy thì, Mom! Tại sao chúng ta lại ở đây, trong cái sở thú của Toronto này?
Đời sống văn minh hiện đại làm cho chúng ta có cảm giác giống như con lạc đà trong sở thú. Chúa ban cho ta khối óc để suy nghĩ, nhưng bây giờ đã có máy computer nghĩ hộ chúng ta rồi! Chúa ban cho ta con tim để yêu thương tha nhân, nhưng đã có những cơ quan từ thiện làm việc bác ái rồi! Đôi khi chúng ta cần đi vào trong "sa mạc" để khám phá lại chúng ta thực sự là ai? Mùa chay mời gọi chúng ta đi vào trong cái cảm nghiệm của loại "sa mạc" này.
Sa mạc hay hoang địa là nơi sinh trưởng của dân Thiên Chúa. Dân Do Thái, là những bộ lạc tản mác tha phương đã trốn thoát khỏi đất Ai cập trở về miền Đất Hứa như một quốc gia dưới quyền lực của Thiên Chúa. Chính ở trong sa mạc mà họ đã trở thành dân Thiên Chúa với lời giao ước. Trong dòng lịch sử, khi nào tình yêu và lòng trung thành của họ đối với Thiên Chúa trở nên lạnh nhạt, thì các tiên tri đề nghị họ trở về sa mạc để khám phá lại cái căn tính của mình là ai, giúp họ ý thức về ơn gọi và sứ mệnh của mình, làm thức tỉnh đức tin và củng cố sự liên hệ đã giao ước giữa họ với Thiên Chúa. Những đại tiên tri như Elijah và Gioan Tẩy giả là những vị tiên tri của sa mạc: họ sống trong sa mạc, ăn thức ăn sa mạc, và chấp nhận một lối sống đơn sơ và khắc nghiệt trong sa mạc. Sa mạc là trường đại học nơi Thiên Chúa dạy dỗ dân Ngài.
Lời Chúa hôm nay trích từ Phúc âm của thánh Máccô. Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, "Thánh Thần thúc đẩy Ngài vào hoang địa, và Ngài ở đó suốt 40 đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú; và các thiên thần hầu hạ Ngài". Phúc âm của Matthêu và Luca diễn tả quỷ dữ cám dỗ và thách thức Chúa Giêsu dùng quyền lực phục vụ cho nhu cầu riêng tư của Ngài. Nhưng Chúa Giêsu đã khước từ và nói, "Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi". Còn Phúc âm của Máccô, thay vì diễn tả những chi tiết của sự cám dỗ, chỉ nói vắn tắt trong câu: "Sống chung với dã thú". Dã thú là những con thú nào?
Theo các nhà tu đức thì những con dã thú đó không phải là những con dã thú ở bên ngoài chúng ta, nhưng ở trong lòng ta. Chúng là những con dã thú của bẩy mối tội đầu như kiêu ngạo, hà tiện, ghen tuông, giận dữ, dâm ô, mê ăn uống, và lười biếng hay nguội lạnh.
Những quyền lực này đè nặng trên chúng ta khi chúng ta quyết định làm bất cứ việc gì. Đời người giống như cuộc sống giữa sa mạc với đầy những "dã thú". Chúng ta bị vây hãm xung quanh bởi một bên là những hoàn cảnh khó khăn, còn một bên là những cám dỗ mời gọi. Chúng ta cần sức mạnh để chống lại những thù nghịch, những gì đang tạo ra cho chúng ta một cảm giác an bình giả tạo. Hôm nay chúng ta thử đối diện với "những con dã thú" mà chúng ta thường xuyên phải chiến đấu trong đời sống tâm linh.
1. Sự ngã lòng.
Nếu ví cuộc đời giống như sa mạc, nơi hoang địa với nhiều dã thú, khó khăn và chông gai, thì chúng ta cảm thấy phải chiến đấu thường xuyên và liên tục. Cuộc đời chất đầy những gánh nặng và đòi hỏi. Không bao giờ giải quyết hết các chuyện rắc rối. Lúc nào cũng có vấn đề. Nhưng chúng ta phải lưu ý rằng trong khi Chúa Giêsu sống với các dã thú thì Thánh Kinh nói rằng "các thiên thần hầu hạ Ngài". Nói cách khác, Chúa Giêsu không cô đơn, một mình. Ngài đã chiến đấu với dã thú bằng sự hiện diện và sức mạnh của Thiên Chúa. Ngài có sức mạnh, tràn đầy sức mạnh. Sức mạnh của Thiên Chúa hướng dẫn: "Thánh Thần thúc đẩy Ngài vào hoang địa". Chính Chúa Thánh Thần và các lực lượng thiên thần cũng sẽ hướng dẫn và gia tăng sức mạnh cho chúng ta chiến đấu kiên trì với những khó khăn và cám dỗ trong cuộc đời.
Selma Lagerloeff trong huyền thoại "The Flanme", đã kể câu chuyện về chàng hiệp sĩ, sau cuộc chiến thành công vào Thánh Địa, anh đã làm một lời thề hứa. Anh thắp lên một cây nến lấy từ ngọn lửa thánh tại ngôi mộ của Chúa Giêsu, và mang nó trở về quê quán của anh ở tỉnh Florence, nước Ý Đại Lợi mà vẫn còn cháy sáng. Quyết định này đã biến đổi anh trở thành một con người mới. Nó biến đổi anh từ một người lính hiếu chiến thích đánh nhau trở thành một con người yêu chuộng hòa bình.
Trên đường trở về nhà chàng hiệp sĩ đã bị bọn cướp bóc lột, anh đã không rút gươm ra chống cự. Anh đã hứa cho chúng bất cứ những gì anh có miễn là chúng không dập tắt ngọn nến cháy của anh. Bọn cướp đã tước đoạt áo giáp, thanh gươm, con ngựa yêu quý và tiền bạc của anh. Chúng chỉ để lại cho anh một con ngựa già. Sau khi đã trải qua tất cả các kinh nghiệm của sự nguy khốn, anh đã cưỡi con ngựa già về đến Florence. Để bảo vệ ngọn lửa không bị tắt bởi những cơn gió trong sa mạc, anh đã phải ngồi quay lưng lại với con ngựa, và dùng thân mình để che chở cho ngọn lửa.
Khi những tên đểu cáng trong thị xã trông thấy anh cưỡi ngựa ngược như vậy, chúng nghĩ anh là một tên điên khùng, và ra sức đùa nghịch để dập tắt ngọn lửa. Nhưng anh đã làm tất cả sức mình để có thể giữ ngọn lửa cháy sáng. Và sau cùng, anh đã mang nó về đến nhà thờ chính tòa, và dùng nó để thắp lên tất cả những cây nến trên bàn thờ của nhà thờ chính tòa Florence. Khi người đốt đèn ở nhà thờ hỏi anh đã phải làm gì để giữ ngọn lửa khỏi tắt, anh trả lời, "Ngọn lửa nhỏ bé này sẽ đòi hỏi tất cả sự chú tâm của anh; nó sẽ không cho phép anh nghĩ về bất cứ điều gì khác. Và anh sẽ không có thể cảm thấy an toàn một giây phút nào cả. Anh phải luôn luôn chiến đấu. Bất kể là ngọn lửa có thể đã bảo vệ anh tránh khỏi biết bao nhiêu nguy hiểm, anh phải luôn tỉnh thức để ngăn ngừa ngọn lửa không bị đánh cắp mất khỏi anh".
2. Sợ hãi
Nỗi sợ hãi lớn nhất cho người bộ hành trong sa mạc là mất phương hướng, không biết đường đi. Cái nhìn của họ trở nên mờ ảo. Họ nhìn ánh nắng chói chan trước mắt như là những ao hồ mông mênh ngập nước. Ao giác làm cho con người trở nên nghi ngờ, mất niềm tin, và sau cùng dẫn đến hoang mang sợ hãi. Chỉ có đức tin và lòng trông cậy phó thác mới chiến thắng được sợ hãi. Tin rằng Thiên Chúa luôn yêu thương ta và muốn điều tốt đẹp nhất cho ta. Tin vào một Thiên Chúa luôn ở bên ta, đi với ta cho dù gian nguy. Tin rằng quỷ dữ không có quyền lực gì trên ta, nó chỉ có quyền vì ta ban cho nó mà thôi. Nó không thể bắt chúng ta làm điều gì được, ngoài sự cám dỗ cho chính chúng ta phạm tội. Chúng ta có tự do để từ chối, có sức mạnh để chống trả.
"Đừng sợ!" là sứ điệp nhắc đến trên 300 lần trong Phúc âm. Khi Chúa Giêsu bước đi trên mặt nước đến với các môn đệ, các ông hoảng sợ, Ngài nói: "Chính Thầy đây, đừng sợ!" Thiên thần Gabriel đã nói với Đức Maria: "Hỡi Maria, xin đừng sợ!" Thiên thần cũng đã nói với Giuse: "Đừng sợ đón Maria vợ ông về". Vào ngày sống lại, Chúa Giêsu cũng đã hiện ra với các tông đồ và nói: "Sao anh em lại hoảng sợ... Chính Thầy đây mà!"
3. Sự tiêu cực
Đây chính là thái độ khiến chúng ta không thể thành công khi làm bất cứ việc gì, hay bất cứ việc gì chúng ta đang làm cũng sẽ đi sai lệch. Gần đây tôi lắng nghe một cuốn băng cát-sét do một nhà giảng thuyết nổi tiếng tên là Zig Ziglar. Ziglar nói rằng điều ngăn ngừa chúng ta khỏi niềm hy vọng và sự tích cực về cuộc đời chính là thái độ của chúng ta. Thái độ tiêu cực có tính cách truyền nhiễm giống như cơn bệnh nhiễm trùng. Chúng ta càng tiêu cực bao nhiêu thì tình huống càng trở nên thống khổ và hỗn loạn bấy nhiêu. Thái độ tích cực lúc khởi sự của một ngày, hay của bất cứ công việc gì sẽ định hình cho tất cả phần còn lại của trọn cả một ngày hay sự thành công của công việc sẽ kéo dài về sau.
Frederick Ebright đã chia sẻ kinh nghiệm đối với thái độ tâm lý của mình như sau: "Khi tôi cảm thấy thật buồn, tôi viết một lá thư cho người bạn nói với người ấy tất cả những chuyện rắc rối của tôi. Tôi không gửi lá thư đó đi. Nhưng tôi bắt đầu viết lá thư thứ hai gửi cho cùng một người, trong đó tôi cẩn thận bỏ đi bất cứ điều nào đã đề cập đến những điều không may, và thay vào mỗi rủi ro đó một chút tin vui. Vào lúc lá thư này được viết ra, một phép lạ đã xảy ra: tôi thực sự cảm thấy tốt hơn. Và vì một lá thư vui tươi luôn luôn phát sinh ra một sự đáp trả phấn khởi, tôi đã hoàn tất một mục đích lưỡng tiện".
Mùa chay là thời gian để cảm nghiệm về sa mạc hay hoang địa. Chúng ta không cần phải có lạc đà đi vào sa mạc, nhưng chúng ta có thể tạo ra một khoảng không gian hoang địa cho chúng ta ngay giữa những xô bồ ồn ào của cuộc sống. Hằng ngày chúng ta có thể tìm ra một chỗ, dành ra một chút thời gian một mình với Thiên Chúa. Nơi yên tĩnh chúng ta sẽ biết mình là ai, biết những điểm mạnh và điểm yếu, biết "thiên thần" xung quanh cùng "những con dã thú", lắng nghe tiếng Chúa gọi và lời cám dỗ của Satan, khám phá lại chúng ta là ai trước mặt Thiên Chúa.

(Nguồn : tonggiaophanhanoi.org)



Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

CHÚC MỪNG NĂM MỚI ẤT MÙI

                     
            


KÍNH CHÚC 

QUÝ CHA , QUÝ TU SỸ BẢO TRỢ,
QUÝ HUYNH TRƯỞNG , CỰU HUYNH TRƯỞNG , 
QUÝ ĐOÀN VIÊN, CỰU ĐOÀN VIÊN HÙNG TÂM DŨNG CHÍ 
QUÝ BẠN ĐỌC CÙNG GIA ĐÌNH THÂN QUYẾN 

MỘT NĂM  TRÀN ĐẦY HỒNG ÂN THIÊN CHÚA , THỊNH VƯỢNG , AN KHANG VÀ HẠNH PHÚC .

BLLCHTHTDC





                              



Nhân dịp đón Xuân Ất Mùi 2015 chúng con kính gửi đến quý cha, quý tu sĩ và quý thân hữu thi nhân xa gần lời chúc mừng năm mới tràn đầy hồng ân Thánh Đức của Chúa quan phòng


Thiên Chúa là Tình Yêu

* * * * * * * * *
Cung chúc Tân Xuân – Tết Ất Mùi
Đồng Xanh thi hữu khắp nơi nơi
Tạ đền Thiên Chúa Xuân vô tận
Kính nhớ Tổ Tiên Phúc chẳng ngơi
Hải ngoại cách xa tình luyến nhớ
Bắc Nam xum họp nghĩa đầy vơi
Thành tâm cầu khẩn  Lòng Thương Xót
Ban xuống bình an của Chúa Trời

tinh hoa
JOS. HƯƠNG QUÊ
Chủ Nhiệm CLB-ĐXTSAIGON



****************************************************************



Trước thềm năm mới, thân chúc đến các anh chị em, 
một Năm Mới Ất Mùi như ý và nhiều ân phúc của Chúa và Mẹ Maria  
Xin cám ơn những lời chúc Sinh Nhật của các anh chị em....

ninh nguyen 













Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

CÁT BỤI TUYỆT VỜI !




Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. 
Linh mục đọc "Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”  xức tro trên trán tín hữu. Đây là lời Thiên Chúa báo cho Ađam biết khi ông vừa phạm tội. Giáo Hội cũng sẽ lặp lại những lời ấy trong phần xức tro đễ nhắc nhở về thân phận cát bụi của con người.
Nghi thức xức tro bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái. Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra.
Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi.
Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích.
            Nhạc Trịnh Công Sơn rất triết lý. Mỗi Mùa Chay về, tôi thích nghe bài ca “Cát Bụi” :
 Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi,để một mai vươn hình hài lớn dậy.
Ôi cát bụi tuyệt vời,mặt trời soi một kiếp rong chơi.
Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi,để một mai tôi về làm cát bụi .
Ôi cát bụi mệt nhoài,tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.
Bao nhiêu năm làm kiếp con người,chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy,cho trăm năm vào chết một ngày.

          Cát bụi, con người chỉ là cát bụi. Hạt bụi tuyệt vời khi hoá kiếp thân tôi. Hạt bụi mệt nhoài khi tôi trở về làm cát bụi. Khi dùng hình ảnh hạt bụi để nói về thân phận con người,Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lấy nguồn cảm hứng trong sách Sáng Thế: Thiên Chúa dùng bùn đất tạo dựng Ađam. Sau khi Ađam phạm tội bất phục tùng,Thiên Chúa phạt ông và con cháu sẽ trở về với cát bụi(x. St 1,26-3,24).
Nghĩ cho cùng,tất cả mọi người cũng chỉ là những hạt bụi hoá thân thành kiếp nhân sinh,sớm muộn cũng sẽ tàn lụi với thời gian.Do đó nỗi khắc khoải ngàn đời của con người là tìm kiếm ý nghĩa của sự hiện hữu,ý nghĩa của đau khổ,ý nghĩa của giải thoát,ý nghĩa của cuộc sống. Vấn nạn mà con người chưa tìm được câu trả lời chính là:
        Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi ?
        Hạt bụi nào hoá kiếp thân bạn ?
       Và Hạt bụi nào hoá kiếp thân xác chúng ta ?
                                 
Một vòng quay, một trăm năm, một kiếp người có là mấy!
Chợt một chiều tóc trắng như vôi”. Không phải là trắng như bông, trắng như mây hay trắng như tuyết mà là như vôi đổ xuống huyệt mồ. Trịnh Công Sơn không bi quan,ông chỉ nói lên điều ông cảm nghiệm thấm thía về sự mong manh của kiếp người. Cuộc đời đẹp biết bao,sự sống cao quý biết dường nào,nhưng nó cũng như “đoá hoa vô thường”. Xét cho cùng, đã là con người sinh ra trên đời, mặc dù có sống lâu trăm tuổi, có vẫy vùng ngang dọc cách mấy, từ bụi tro hóa kiếp nhân sinh, cuối cùng rồi cũng trở về bụi tro. Đó là một thực tế,nhìn nhận và đối diện với nó cách can đảm để có thể đưa tới một cuộc sống tốt đẹp hữu ích và có ý nghĩa.
          Mùa Chay muốn nhắc nhở chúng ta quay về với sự thật của thân phận con người “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro,một mai rồi sẽ trở về bụi tro…”.
          Phụng vụ Giáo Hội muốn diễn tả rằng: cuộc đời này mong manh vắn vỏi,bởi thế nó rất hệ trọng. Số phận đời đời của mỗi người được quyết định trong thời gian tạm bợ này. Người theo Đạo Phật tin vào sự đầu thai kiếp sau,luân hồi nghiệp báo. Đối với Kitô hữu thì vĩnh cữu được gieo mầm trong hiện tại. Không để thời gian trôi qua cách phung phí. Đời người chỉ có một lần. Được mất chỉ có một cơ hội.
          Thân phận mỏng dòn mà Phụng vụ Mùa Chay nhắc cho chúng ta đừng quên, không phải chỉ có liên quan đến phần xác hay chết của phận người mà còn cả về mặt tinh thần cũng mong manh yếu đuối.Thánh Phaolô đã diễn tả kinh nghiệm đó trong thư Rôma: “Điều tôi muốn làm thì tôi lại không làm,nhưng điều tôi không muốn làm thì tôi lại cứ làm…Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm,nhưng sự ác tôi không muốn tôi lại cứ làmTôi khám phá ra luật này là khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.Theo con người nội tâm tôi vui thích vì luật của Chúa,nhưng trong các chi thể của tôi,tôi lại thấy một luật khác : luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tôi…tôi thật là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác hay chết này ?” ( Rm 7,15.19.21-24) .
          Ý thức về sự yếu đuối và tội lỗi của mình,về khuynh hướng xấu,sự bất lực nơi bản thân để mỗi người nổ lực giải thoát khỏi sự thống trị khắc nghiệt của tội lỗi và đó là khởi đầu cho ơn hoán cải và ơn cứu độ .
          Mùa Chay mời chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu.Sa mạc là nơi hoang vu trơ trọi, mênh mông. Ở đó người ta mất hết mọi điểm tựa, không còn chi để “chia trí,lo ra”, chẳng hạn như ngoại cảnh ồn ào,các hoạt động, các thú vui, các quan hệ xã hội. Chỉ còn ta với ta và buộc ta phải quay về với mình trong sự đơn độc của chính mình.Trong sự quay về đó ta có cơ may nhìn thấy những điều cốt yếu nhất khi đối diện với chính lòng mình.
          Con người chúng ta thường sống hời hợt bên ngoài,tan loãng ra trong trăm thứ linh tinh hay phụ thuộc khác. Mùa Chay mời gọi chúng ta đi vào sa mạc, với thinh lặng của các giác quan của trí khôn và của cõi lòng, một sự rút lui vào trong tâm khảm mình để có thể phân định đâu là cái chính cái phụ, đâu là cái cùng đích và cái phương tiện. Đây chính là lúc hồi tâm.
          Biềt mình mỏng dòn, nhưng con người theo Phụng vụ Mùa Chay lại không phải là con người mềm yếu, uỷ mị, ngã nghiêng theo mọi lời mời mọc cám dỗ. Con người Mùa Chay dũng cảm chiến đấu. Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời hoạt động công khai đã vào sa mạc và tuyên chiến với Satan và Ngài đã chiến thắng.
          Người Kitô hữu là người biết nói không với tội lỗi, là người dám bơi ngược dòng Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ,anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời (Pl 2,15). Người Kitô hữu không cố ý sống lập dị khác người, song đứng trước điều xấu, dù là khi cả xã hội đều làm điều xấu đó, họ vẫn không được ngã theo. Họ phải can đảm từ chối một cơ hội làm giàu bất chính, một liên minh bất công, một mối quan hệ tội lỗi….Dĩ nhiên điều đó không dễ chút nào nhưng đã là môn đệ Chúa Giêsu, họ không có chọn lựa nào khác .
          Con người theo Phụng vụ Mùa Chay biết mình tự thân chỉ là cát bụi, nhưng là “cát bụi tuyệt vời”. Nó vẫn tuyệt vời ngay khi trở về với cát bụi trong một chiều “lá úa trên cao rụng đầy”, chứ không phải chỉ tuyệt vời khi “vươn hình hài lớn dậy” mà thôi .
          Đức tin dạy cho chúng ta biết rằng “Hạt bụi” là chúng ta,được tình yêu Thiên Chúa gọi vào hiện hữu và chia sẽ sự sống bất diệt của Người. Kiếp người cho dù có đau thương, có bi đát, đôi lúc tưởng chừng bóng tối lấn lướt ánh sáng, nhưng cuối cùng sự sống, chân lý, tình thương vẫn mạnh hơn tất cả.
          Ước gì mỗi người Kitô hữu đều có bản lãnh của Chúa Giêsu để chiến thắng sự nặng nề, nhỏ mọn của bản thân; luôn luôn cậy dựa vào Thiên Chúa, sống Mùa Chay thánh thiện để đón nhận nhiều Ơn Phúc Chúa ban .
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An
 (Nguồn : tonggiaophanhue.net)



CHIỀU CUỐI NĂM VÀ CŨNG LÀ NGÀY KHỞI ĐẦU CỦA MÙA CHAY THÁNH NĂM NAY 
MỜI NGHE NHẠC PHẨM :



CÁT BỤI 

của TRỊNH CÔNG SƠN 
Ca sĩ KHÁNH LY trình bày 


                            



Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

BÁNH CHƯNG BIỂU TRƯNG VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC VIỆT



Tương truyền có từ thời vua Hùng thứ 6, bánh chưng song hành cùng lịch sử dân tộc và trở thành linh hồn ngày Tết ở Bắc Bộ. Trong mâm cỗ đón xuân ngày nay, những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Câu đối đặc trưng cho Tết cổ truyền: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” đã từng đồng hành với biết bao thế hệ người Việt Nam ta mỗi độ xuân về.


Bánh chưng được làm từ các nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gói trong lá dong... Bánh được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch (ngày giổ tổ Vua Hùng).

Những người từng trải qua những cái Tết xưa (những năm 40-50 của thế kỷ trước) thường nhớ về Tết cổ truyền với những chiếc bánh chưng được chọn lựa cầu kỳ từ hạt nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, từ chiếc lá dong cho tới cọng lạt tre. Với những ai trải qua những cái Tết trong chiến tranh, và cả những năm còn trong thời kỳ bao cấp, nồi bánh chưng gợi lại cho họ kỷ niệm khó quên một thời khó khăn, thiếu thốn.

Ngày nay, đối với những bạn trẻ sinh vào nửa sau thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tục nấu bánh chưng ngày Tết có vẻ như chỉ còn là một nghi thức. Thế hệ 9X sống tại các thành phố lớn dường như không có được cái cảm giác náo nức đêm giao thừa ấm cúng quây quần quanh nồi bánh chưng với gia đình. Giờ đây, bánh chưng cho ngày Tết được mua tại các siêu thị, cửa hàng hoặc qua hình thức cung ứng dịch vụ. Ở nông thôn, hương vị Tết còn cảm nhận được phần nào qua nồi bánh chưng Tết.

Không khí ngày Tết bây giờ không còn thấy cảnh các bà các chị tất bật những ngày giáp tết, nào rửa lá dong, nào ngâm gạo hay đãi đỗ, cảnh trẻ con mặt mũi háo hức ngồi xem bố mẹ gói bánh, cảnh già trẻ lớn bé ngồi trông nồi bánh chưng qua đêm, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng.

Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm... Truyền thống vẫn còn đó, nhưng dường như không còn mấy nguyên vẹn, công cụ để nấu chín chiếc bánh chưng ngày nay có nơi, có chỗ bị thay thế bằng nồi áp suất hoặc lửa ga. Dù sao thì Tết đến, xuân về, hình ảnh những chiếc bánh chưng vẫn nhắc nhở mỗi người chúng ta về giá trị dân tộc truyền thống …

Thời nay, những nguyên liệu làm bánh chưng vẫn vậy: vẫn gạo nếp, đậu xanh, nhân thịt, lá dong. Bánh muốn ngon thì phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo, gạo ngâm đãi thật kỹ, đậu xanh đồ vừa chín tới, thịt có cả nạc, bì, mỡ, ướp đủ gia vị, gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh. Để chiếc bánh vuông đẹp, "chín rền" thì lúc gói phải “đỗ trong gạo, gạo trong lá”, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu, miếng bánh sau khi khi cắt nhân đỗ, thịt nạc luôn cân đối ở tất cả các phần. Tết cổ truyền và hình ảnh những chiếc bánh chưng xanh là nét đẹp truyền thống văn hoá dân tộc Việt.




Qua hình dáng chiếc bánh chưng, bánh dày, không thể không liên tưởng đến ý nghĩa của hai chữ "vuông tròn" trong ngôn ngữ ta. Phát xuất từ quan niệm nguyên thuỷ về sự sinh thành, tổ tiên ta đã khéo lựa chọn hai thứ phẩm vật tượng trưng dùng trong việc cúng lễ trời đất, ông bà đã nhắc đến tư tưởng hòa hợp của hai hình thể: "rỗng" và "đặc", "vuông" và "tròn". Tuy tương khắc nhau như "trời" và "đất", "đàn ông" và "đàn bà", chúng có thể và phải kết hợp với nhau theo lẽ "trời đất phát dục vạn vật" như lời dạy của thần nhân cho Lang Liêu. "Lẽ vuông tròn" đó nói lên sự tốt đẹp trong tình nghĩa vợ chồng và trong mối quan hệ như câu thơ của Nguyễn Du: "Khuôn thiêng biết có vuông tròn hay chăng?", hay câu:

"Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông".


Bánh chưng gợi nhớ đến Tết hay Tết gợi nhớ đến việc gói bánh chưng? Có lẽ, sự hoà quyện đó đã trở thành một biểu trưng văn hoá của dân tộc Việt - Bánh chưng biểu trưng cho Tết. Do vậy, năm hết, Tết về người là lại nhớ và có bánh chưng. Vì thế, công việc chuẩn bị gói bánh chưng mỗi khi Tết đến đã là một phong tục đẹp trong văn hoá Việt Nam.

Nhịp sống hiện đại ngày nay tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn thì truyền thống văn hoá ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn rất cần trao truyền lại cho giới trẻ. Nên chăng, tục gói bánh chưng ngày Tết, ngoài ý nghĩa ẩm thực truyền thống cần nâng lên thành di sản văn hoá để trân trọng giữ gìn cho các thế hệ mai sau.

(Nguồn : giaiphapamthuc.com)