Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

ĐÂY LÀ LÝ DO TẠI SAO NHẬT BẢN KHÔNG GIỐNG VỚI BẤT KỲ QUỐC GIA NÀO

Bạn có thể biết Nhật Bản là quốc gia của anime, của sumo, và hoa anh đào. Nhưng bạn đã bao giờ nghe đến các nhà vệ sinh vô cùng sáng tạo, những chuyến tàu luôn chính xác đến từng giây, hoặc máy bán hàng tự động đầy trứng tươi.
Các trường học ở Nhật không có người làm vệ sinh. Thay vào đó, các học sinh tự vệ sinh trường lớp của mình. Bằng cách này, các em học được cách tôn trọng trường học và có ích hơn cho xã hội.
Đây là minh chứng đoàn tàu ở Nhật chạy êm như thế nào
Nhật Bản có những nắp cống đẹp nhất thế giới
Người Nhật luôn tuân thủ nghiêm túc các quy tắc trong xã hội. Ngay cả khi cầu thang bên phải không một bóng người, vẫn không ai lấn sang bên đó để đi cho nhanh, vì đó là lối đi xuống.
Một chiếc túi bị lạc được đặt cẩn thận dưới gốc cây chờ người chủ đến nhận lại.
Giá treo ô có khóa để bạn không cần phải mang theo nó bên mình liên tục và tránh người khác sơ ý cầm nhầm.
Những chú cá Koi hồn nhiên bơi tung tăng trong cống thoát nước
Một chiếc tủ lạnh chia ô, có khóa để khách hàng có thể cất thực phẩm vào đây rồi tiếp tục mua sắm các hàng hóa khác.
Một số đoàn tàu ở Nhật có bể ngâm chân, giúp hành khách thư giãn hơn.
Hầu hết người dân Nhật Bản đều quay ngược đầu khi đỗ xe để lấy ra tiện hơn.
Một nhà hàng ở Nhật bày các món ăn giả làm từ chất dẻo trông y như các món ăn thật.
Còn đây là một máy bán hàng tự động bán trứng gà tươi
Một số thang máy ở Nhật có chế độ báo trời mưa cho người sử dụng thang máy.
Cổ động viên Nhật Bản nán lại sau trận đấu tại World Cup 2014 để giúp thu dọn rác.
Hầu hết các nhà vệ sinh công cộng của Nhật Bản đều có ghế giữ em bé gắn vào tường để giúp mẹ bé có vài phút tự do.
Bạn đã bao giờ gặp một chiếc bồn cầu như thế này chưa? Rửa tay xong sử dụng nước rửa tay để xả bồn cầu luôn.
Đây là những bữa ăn tại một bệnh viện Nhật Bản dành cho bà mẹ vừa sinh
Tờ giấy ghi dòng chữ “Tôi vô tình va phải xe và làm hỏng chuông. Tôi vô cùng xin lỗi”
Nhà vệ sinh công cộng ở Nhật có bảng hệ thống thông báo các nhà vệ sinh nào đã kín, nhà vệ sinh nào còn trống.

Hồng Thắm

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

CÂU CHUYỆN BA CON CÁ



Con cá thứ nhất là cá hồi chó.

Cá hồi chó sống ở vùng nước sâu trong đại dương bao la. Cá hồi chó mẹ sau khi đẻ trứng sẽ đợi ở một bên, trứng sau khi nở thành cá con vẫn chưa thể tự kiếm ăn, chỉ có thể dựa vào thịt của mẹ để lớn.

Cá mẹ nhịn đau đớn không hề kêu ca. Khi cá con lớn lên, cá mẹ chỉ còn lại một đống xương, đó là minh chứng đắt giá nhất cho tình mẹ vĩ đại trên thế giới này.

Cá hồi chó là con cá tượng trưng cho tình mẹ.

Con cá thứ hai là cá lóc Tàu


Nghe nói loài cá này sau khi sinh con sẽ bị mất đi khả năng nhìn, không thể kiếm mồi mà chỉ có thể nhịn đói. Khi trứng nở thành hàng ngàn con cá con, đàn cá con không nỡ nhìn mẹ chết nên từng con, từng con một chủ động bơi vào miệng mẹ để giúp mẹ đỡ đói.

Cá mẹ sống lại, lượng cá con còn tồn tại chẳng đáng là bao, chỉ còn chưa đến 1/10, số còn lại vì mẹ mà hy sinh tấm thân non nớt của mình.

Cá lóc tàu là con cá tượng trưng cho sự hiếu thảo của người làm con.

Con cá thứ ba là cá hồi


Mỗi năm cứ đến mùa sinh sản, cá hồi lại tính trăm phương ngàn kế để từ đại dương rộng lớn trở về dòng sông trong đất liền.

Bởi lẽ loài cá này không sinh nở ở các vùng biển nước mặn mà di cư bơi về dòng suối ngọt, nơi chúng được sinh ra để tiếp tục đẻ trứng.

Cuộc hành trình di cư thật sự vất vả và gian lao khi chúng phải bơi ngược dòng chảy của tự nhiên để trở về quê hương, trên đường trở về phải đối mặt với bao hiểm nguy thách thức, nào là vượt thác, nào là lo bị gấu xám ăn thịt…

Những con cá không vượt được thác phần lớn sẽ rơi vào bụng gấu. Những con vượt thác thành công cũng sức cùng lực kiệt, vừa phải tiếp tục bơi vừa phải đề phòng loài ó cá kiếm mồi.

Chỉ có một số ít những con cá may mắn vượt qua mọi khó khăn và sự bủa vây để trở về quê hương, hoàn thành việc quan trọng nhất đời mình, đó là tìm  con đực, giao hợp, đẻ trứng và cuối cùng là chết một cách yên bình ở chính nơi mình sinh ra.

Và khi mùa xuân đến, đàn cá con lại trôi theo dòng nước ra biển, bắt đầu hành trình cuộc đời mình.

Cá hồi là loài cá tượng trưng cho tình yêu quê hương xứ sở.


*

Chúng ta hãy thường xuyên nghĩ rằng, trên đời này có ít nhất 3 con cá khiến chúng ta phải cảm động:

Con cá thứ nhất là cha mẹ, người đã cho chúng ta sinh mệnh, luôn dõi theo mọi bước chân ta đi, không trách cứ oán giận, sẵn sàng hi sinh tất cả cho con cái mà không hề đòi hỏi bất cứ điều gì.

Con cá thứ hai là con cái, từ khi oa oa cất tiếng khóc chào đời, con cái đã hoàn toàn tin cậy và ở bên cha mẹ cho đến già.

Con cá thứ ba là cố hương. Bất luận là đi xa đến đâu, cũng sẽ có một ngày chúng ta tìm cách trở về quê nhà.

HT chuyen
HNPĐ

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

BƯỚC ĐI MỚI TÔN VINH CHỮ QUỐC NGỮ


Hoàng Hưng
Nhà báo Lưu Trọng Văn và tôi, Hoàng Hưng, vừa làm xong một việc có ý nghĩa ở Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha, coi như mở đầu cuộc tôn vinh Chữ Quốc Ngữ (CQN) mà một nhóm người yêu tiếng Việt khởi xướng từ tháng 3 năm nay (2018).
Ông Nguyễn Đăng Hưng, nguyên GS Đại học Liege Bỉ, nhiều năm về Việt Nam giúp đào tạo cao học, là người có sáng kiến tôn vinh Cha Alexandre de Rhodes (nguyên cớ trực tiếp là do GS bất bình với “đề án chữ Việt mới” của một vị đã từng gây ồn ào truyền thông hồi đầu năm). Sáng kiến này được ông đưa lên Facebook cá nhân và đưa ra trong buổi họp mặt các nhà văn thân hữu của mạng Văn Việt cuối tháng 3/2018.


Động thái đầu tiên của GS Nguyễn Đăng Hưng là tìm đến ngôi mộ người có công lớn trong công cuộc tạo ra Chữ Quốc Ngữ là Giáo sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes người Pháp, ở Isfahan, Iran. Ông đã kiên trì vận động để được chính quyền sở tại cho phép, và thuê làm bia “Tri ân Cha Alexandre de Rhodes, người có công lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc Ngữ” bằng 4 thứ tiếng (Việt, Pháp, Anh, Iran). Bia sẽ được Giáo sư cùng một số chiến hữu từ Việt Nam và nước ngoài sang Isfahan dựng vào dịp 358 năm ngày mất của cụ Rhodes (5/11/1660).

Cùng lúc, Giáo sư kết nối với các nhà nghiên cứu và trí thức ở Huế, Quảng Nam… kiểm lại những chứng tích của buổi khai sinh Chữ Quốc Ngữ ở vùng này, quan trọng nhất là 3 ngôi mộ của các Giáo sĩ Dòng Tên ở Thanh Chiêm, một trong số đó rất có thể là mộ của Giáo sĩ Francisco de Pina, đã được giới nghiên cứu khẳng định là người mở đầu công cuộc hình thành CQN từ đầu thế kỷ 17.
Một dự án lập Khu Tưởng niệm F. de Pina đã nhanh chóng ra đời với sự hưởng ứng của một số cựu lãnh đạo địa phương và trung ương, sự đóng góp tài vật (đất đai, tiền bạc) của doanh nhân và người dân. Nhóm khởi xướng “Tôn vinh CQN” gồm các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nhà giáo… đã hình thành như thế.
Câu chuyện trở nên càng hấp dẫn, khi bà Thuỷ Tiên Nguyễn, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam- Bồ Đào Nha cho biết, sắp có cuộc Hội thảo về quan hệ Bồ Đào Nha – Việt Nam tại Hội Địa lý Lisbon (Sociedade Geografia de Lisboa) vào đầu tháng 7.
Lập tức 2 thành viên “Nhóm Tôn vinh CQN” chúng tôi đăng ký sang Lisbon dự Hội thảo.

Nhà thơ Hoàng Hưng, TS Đào Hằng và nhà báo Lưu Trọng Văn tại Thư viện Ajuda, nơi lưu giữ văn bản nghiên cứu CQN đầu tiên của F. de Pina

Chiều 5/7, tại trụ sở Hội Địa lý Lisbon, đã diễn ra cuộc “Hội thảo Quốc tế về Quan hệ Bồ-Việt xưa và nay” do Hội Địa lý Lisbon và Hội Hữu nghị Việt-Bồ đồng tổ chức.


Ông Chủ tịch Hội Địa lý Lisbon khai mạc Hội thảo Quan hệ Bồ-Việt xưa và nay

Bốn báo cáo về vai trò của các giáo sĩ Bồ và việc hình thành CQN của GS Nguyễn Đăng Hưng, nhà báo Lưu Trọng Văn, nhà giáo Lê Nam Trung Hiếu, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà giáo Thuỷ Tiên Nguyễn đã gây hứng khởi lớn cho cử toạ là các nhân sĩ trí thức Bồ mong muốn quốc gia này nối lại mối quan hệ vốn có từ lâu đời với xứ sở mà cha ông họ từng có giao tình, cũng như một số doanh nhân đang muốn tìm hiểu một địa chỉ làm ăn mới đầy triển vọng.
Hôm trước hội thảo, các thành viên của nhóm Tôn vinh CQN từ Việt Nam xa xôi cũng có cơ duyên được thăm thánh tích của Đức Chân Phước Andre Phú Yên, một học trò thân tín của A. de Rhodes, thờ tại Giáo đường cổ kính St Roque của Dòng Tên Bồ Đào Nha và thăm Thư viện Biblioteca da Ajuda, đọc tận mắt bản chép lại công trình đầu tiên về CQN của Cụ Pina (đầu TK 17) trong cuốn sách cổ từ TK 18: “Manuductio ad Linguam Tunckinensem” (Sổ tay về Tiếng Tonkin).
Thông tin về Hội thảo lan truyền rất nhanh về Việt Nam, lập tức chúng tôi nhận được những hứa hẹn góp sức cho những việc làm sắp tới của nhóm Tôn Vinh CQN.
Cũng từ Việt Nam, đã có thông tin về kế hoạch khai mạc một Viện (Institute) thuộc trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng), bao gồm nhiều nhân sĩ trí thức Việt Nam cũng như quốc tế. Viện có mục tiêu tôn vinh những người có công xây dựng, phát triển CQN, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và con cháu người Việt trên khắp thế giới… Việc làm trước mắt của tổ chức này sẽ là xây dựng khu Tưởng Niệm Cụ Pina ở Quảng Nam và hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày Vua Khải Định ra Đạo dụ bãi bỏ Khoa cử, coi như thừa nhận CQN là chữ viết chính thức của quốc gia (1919).
Đây có thể coi là bước đi mới của công cuộc tôn vinh CQN đã diễn ra từ sau Đổi Mới.
Lần đầu tiên là vụ phục hồi danh dự và công lao Alexandre de Rhodes vào năm 1993. Báo Lao Động khởi ra việc này với các bài viết của Minh Hiền, Hoàng Hưng, bác bỏ sự buộc tội bất công kéo dài mấy mươi năm đối với Giáo sĩ (những phát biểu của ông đã bị diễn giải theo định kiến chính trị tiêu cực).
Khi đó theo yêu cầu của báo Lao Động, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, đã có bài viết quan trọng xác nhận công lao của Giáo sĩ. Ban Bí thư Đảng Cộng sản còn đề nghị báo Lao Động sưu tầm và cung cấp cho Ban tất cả tư liệu đã có về A. de Rhodes (trong việc này, chúng tôi đã được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các đồng nghiệp ở báo Công giáo & Dân tộc). Từ đó đưa tới Hội thảo Khoa học Lịch sử về A. de Rhodes và sau đó, tên đường, bia tưởng niệm Giáo sĩ đã được phục dựng.
Bước thứ hai là việc Quỹ Phan Châu Trinh đưa những người đặt nền móng cho tiếng Việt hiện đại với CQN như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh vào danh mục các danh nhân Văn hoá được Quỹ tôn vinh hằng năm.


Ông Chủ tịch Hội Địa lý Lisbon khai mạc Hội thảo Quan hệ Bồ-Việt xưa và nay

Nhiều người hy vọng rằng, ở bước đi mới hôm nay, đông đảo người dân Việt Nam sẽ có cơ hội biết đến và tri ân công lao của những người đặt những viên gạch đầu tiên của Lâu đài CQN – các Giáo sĩ Bồ Đào Nha Gaspar do Amaral, António Barbosa, và đặc biệt Francisco de Pina.
Người ta cũng chờ đợi những động thái tích cực rõ ràng từ các cơ quan hữu trách chính thức, dẫn đến việc tôn vinh Cụ Pina một cách xứng đáng, đúng với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.



Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

NGÀY XƯA GIÁO DỤC CON CÁI NHƯ THẾ NÀO




Giáo dục gia đình là nền móng khởi đầu của đời người, có tác dụng đối với cả một đời con người, và có ảnh hưởng sâu sắc hơn so với giáo dục ở nhà trường và xã hội. 
Nhưng nhìn vào hiện trạng giáo dục gia đình ngày nay, có một số tồn tại lệch lạc, như:
– Coi trọng học tri thức mà coi nhẹ bồi dưỡng đạo đức, học để làm người
– Coi trọng chăm sóc mà coi nhẹ tự lập
– Coi trọng thuyết giáo mà coi nhẹ làm mẫu
– Coi trọng quản lý mà coi nhẹ dẫn dắt tích cực
Giáo dục gia đình là giáo dục nhân sinh quan trọng, nhiều cha mẹ lại không hiểu được tầm quan trọng của nó, không coi trọng và có hành động thích đáng. Rất nhiều người nói ngay không phải nghĩ ngợi rằng: “Từ xưa đến nay cha mẹ quản lý giáo dục con đâu có nói trách nhiệm gì, nguyên tắc gì? Con của mình, muốn dạy thế nào thì dạy như thế”. Trên thực tế, trong văn hóa truyền thống luôn luôn có truyền thống tốt đẹp coi trọng giáo dục gia đình.

Giáo dục gia đình là nền móng khởi đầu của đời người. 
Người xưa coi giáo dục con cái là chức trách quan trọng của đời người
Gia đình xưa vừa là một tế bào của cuộc sống lại vừa là cơ sở sản xuất và cơ sở giáo dục. Người xưa coi trọng quan hệ giữa tề gia và trị quốc, nói theo ngôn ngữ hiện nay tức là quản lý gia đình và quản lý xã hội.
Trong chương Lễ Ký sách Đại Học có viết: “Người xưa muốn đức sáng chiếu khắp thiên hạ, thì trước hết họ phải quản lý tốt quốc gia của mình. Người muốn quản lý tốt quốc gia của mình, thì trước hết phải quản lý tốt gia đình mình. Người muốn quản lý tốt gia đình mình, thì trước hết phải tu tốt bản thân mình”. Cũng có nghĩa là, người xưa cho rằng “Tu thân rồi mới tề gia, tề gia rồi mới trị quốc, trị quốc rồi mới bình thiên hạ”. Vì “Cái gốc của thiên hạ là quốc gia, cái gốc của quốc gia là gia đình, cái gốc của gia đình là bản thân mình”.
Điều đó đã nói rõ ràng đầy đủ quan hệ giữa cá nhân, gia đình và quốc gia. Quản lý quốc gia phải bắt đầu từ quản lý gia đình, quản lý gia đình phải bắt đầu bằng giáo dục con cái. Xuất phát từ mục tiêu “Tề gia trị quốc”, người xưa đã coi giáo dục gia đình là “Gốc rễ của quốc gia”, rất coi trọng tác dụng của giáo dục gia đình.
Bản Gia huấn chữ nôm có câu:
“Lại khuyên con việc tề gia
Phải cho cần kiệm thuận hòa là hơn”
Người xưa coi việc giáo dục con cái là trọng trách của cha mẹ. Nuôi con thì phải dạy, nuôi con mà không dạy thì không những nguy hại đến bản thân mà còn nguy hại đến người khác, và càng nguy hại hơn cho quốc gia. Sách giáo khoa dạy trẻ em xưa, nổi tiếng nhất là Tam Tự Kinh cũng có câu:
“Dưỡng bất giáo, phụ chi quá,
Giáo bất nghiêm, sư chi đọa”
Nghĩa là:
“Nuôi con mà không dạy dỗ, đó là cái lỗi của người cha (bậc cha mẹ)
Dạy dỗ mà không nghiêm, đó là sự lười biếng của người thầy”
Trình Di, bậc thầy Nho học đời Tống nói: “Niềm vui của đời người, không gì bằng đọc sách. Việc trọng yếu nhất của đời người, không gì bằng giáo dục con cái”. Cách nhìn nhận này của người xưa cũng có nhiều ý nghĩa thực tiễn, có giá trị trong xã hội ngày nay.




Người xưa coi giáo dục con cái là chức trách quan trọng của đời người. 
(Ảnh: youtube.com)

Giáo dục gia đình xưa chú trọng giáo dục chí hướng
Người xưa có câu: “Người không gây dựng được chí hướng, thì không phải là người”.
Có thể thấy người xưa vô cùng chú trọng gây dựng chí hướng cao xa cho con cái, làm một người chính trực. Người xưa không những nhận ra tầm quan trọng của lập chí mà còn đề ra lập chí thế nào là tốt nhất.
Dương Kế Thịnh đời Minh nói: “Con người cần gây dựng chí hướng… Chúng ta quyết tâm gây dựng chí hướng làm người quân tử. Không câu nệ chấp vào việc có làm quan hay không, thì mọi người đều kính trọng chúng ta. Do đó chúng ta việc đầu tiên là phải gây dựng được chí hướng”.
Có thể thấy người xưa không quá coi trọng làm quan, mà chú trọng phải hiểu rõ đạo lý, đầu tiên phải làm một người quân tử chính trực.
Cách nhìn nhận “gây dựng chí hướng” gắn liền với “làm người” như thế này, là cách nhìn hiếm có và quý báu trong xã hội ngày hôm nay. Chúng ta thường thấy các cha mẹ muốn con cái phải như thế nào, như thế nào, sau này phải trở thành chuyên gia gì, quan chức gì, hay bậc thầy gì…
Tất nhiên xã hội cần các loại chuyên gia, các loại quan chức, các loại thầy, nhưng để xây dựng một xã hội hòa ái, an toàn, thì cần phải có những con người lòng ôm chí lớn, chính trực, hiểu rõ đạo lý làm người.
Người xưa giáo dục con cái coi trọng giáo dục cần kiệm chất phác, liêm khiết
Lấy cần kiệm làm gốc, yêu tiếc từng manh áo bát cơm, đó là một phần trong giáo dục vỡ lòng về đạo đức nhân sinh. Người xưa tôn sùng cần la, tiết kiệm, đơn giản, chất phác, cho rằng: “Xem cái thường tình của con người, từ tiết kiệm sang xa hoa rất dễ, mà từ xa hoa về tiết kiệm thì rất khó”.
Rất nhiều danh nhân xưa đã để lại các gia huấn. Họ đều hiểu rõ “Thành công bởi cần kiệm, thất bại bởi xa hoa”, coi đơn giản tiết kiệm là một đức tính tốt đẹp trong cuộc đời.
Đạo lý này không có gì là thâm sâu huyền diệu, và cũng chẳng có gì mới lạ, nhưng ngày nay, đại đa số các bậc cha mẹ đều không biết. Ngày nay, thường nghe thấy các cha mẹ nói câu này “Tiền không tiêu cho con cái thì để làm gì?”. Ngay cả những bậc cha mẹ đang chịu cực khổ, tiền nong chẳng có gì gọi là dư dật cũng nghĩ như vậy, cho rằng: “Chúng ta hồi nhỏ khổ cực nhiều rồi, để cho con cái hưởng phúc tiêu pha nhiều một chút cũng không có gì là quá đáng”.
Chính vì có suy nghĩ như thế dẫn đến thực tế giáo dục gia đình của họ có rất nhiều người thất bại. Rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay vung phí tiền bạc, quần áo mới mặc vài lần vất đi, làm giẻ lau, đồ ăn thừa thãi đổ đi, nhiều đồ còn chưa động đũa cũng đã đổ đi.
Ngược lại, những người khi còn nhỏ được tiếp thu giáo dục truyền thống thì đều hiểu và thực hiện tốt: “Mỗi bát cơm bát cháo, nên nghĩ có được không dễ. Sợi tơ, mảnh vải, thường niệm vật lực gian nan”.




Lấy cần kiệm làm gốc, yêu tiếc từng manh áo bát cơm, 
đó là một phần trong giáo dục vỡ lòng về đạo đức nhân sinh của người xưa. 
(Ảnh: wikipedia.org)

Ngoài ra, hiện nay có không ít người đã đánh mất đức tính truyền thống tốt đẹp, thường cho con cái hưởng thụ vật chất, vui chơi giải trí đắt tiền, coi đó là việc quan trọng, là phần thưởng cho con cái. Thực ra cứ như thế thì khi đứa trẻ lớn lên, chúng rất ích kỷ, các tố chất tâm lý, khả năng chịu đựng, ý chí đều rất yếu kém, như thế thì các khổ đau trong cuộc sống đang chờ đợi phía trước chúng.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến thanh thiếu niên ngày nay thường gặp các vấn đề về tinh thần, tâm lý, nhiều em đã trầm cảm, sinh bệnh, thậm chí tự sát, và nhiều em lại trở nên buông thả, cờ bạc, game, rượu, ma túy, đánh nhau, thậm chí phạm tội trộm cắp cướp giết…
Giáo dục gia đình xưa không chỉ tôn sùng cần kiệm, mà còn chú trọng giáo dục chính trực liêm khiết, coi trọng “Thanh bạch truyền gia” (Giữ thanh bạch làm báu vật truyền gia).
Người xưa tu dưỡng khổ luyện thành tài, tài đức song toàn, nhưng sống thanh bạch, cần kiệm, không tích trữ tiền bạc tài sản, không để lại tài sản cho con cháu, mà chú ý giáo dục con cháu có đức hạnh, có lối sống thanh bạch, cần kiệm, coi đó mới là báu vật gia truyền. Vì họ quan niệm, nếu con cháu cũng hiền tài, đức hạnh như họ thì còn cần tiền bạc tài sản làm gì? Vì tiền tài chỉ làm cho tổn hao ý chí, mài mòn chí hướng mà thôi. Còn nếu con cháu ngu dốt, kém đức hạnh, thì cũng để tiền bạc tài sản lại cho chúng làm gì? Vì tiền tài sẽ làm tăng thêm tội lỗi cho chúng.
Người xưa dạy con rất kỵ nuông chiều
Người xưa dạy con, coi trọng nhân từ yêu thương, hết sức tránh nuông chiều. Hàn Phi Tử nói: “Gia đình nghiêm khắc thì sẽ không có con cháu ngỗ ngược phạm tội. Mẹ hiền từ thì sẽ không có con bại hoại”. Tư Mã Quang nói: “Là người làm mẹ, không lo mình không đủ nhân từ, mà phải lo chỉ biết yêu thương mà không biết dạy dỗ con”.
Người xưa cho rằng, cha mẹ yêu thương con cần lý trí và có chừng mực thì mới có tác dụng tốt. Yêu thương con quá mức sẽ thành nuông chiều, sẽ khiến cho con cháu có tính bừa bãi phóng túng, kiêu ngạo, ích kỷ, rất nguy hại đến đường đời sau này của con, thậm chí lầm đường lạc lối. Do đó Yêu không được Chiều.




Về phương pháp giáo dục con của người xưa, thì bức thư Gia Cát Lượng gửi con “Thư răn dạy con” là ngắn nhất mà lại chứa đầy đủ nhất tư tưởng giáo dục gia đình của người xưa:
“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức.
Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.
Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học.
Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.
Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính.
Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.
Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn”.

Nam Phương

(http://gocnhosantruong.com)




Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

HÌNH ẢNH TRẠI KẾT THÚC KHÓA I HUẤN LUYỆN DỰ TRƯỞNG HTDC - MAI THÔN 2018



Vào 3 ngày 17, 18 và 19/8/2018 đã có 42 anh chị ở 4 giáo xứ Quảng Nghệ, Hữu Phước ( thuộc giáo phận Bà Rịa ) , Bùi Môn ( thuộc giáo phận Sài gòn ), Biên Hà ( thuộc giáo phận Phú Cường), và một số anh chị cựu HTDC An Hòa, Đà Nẵng cũ đã tham dự Trại Huấn Luyện Dự Trưởng HTDC tại khu Dự Tập DCCT Mai Thôn , 970D đường Bình Quới, P28 , Bình Thạnh , Tp HCM .
Ngay sau khi làm thủ tục vào chiều 17/8 , các khóa sinh đã được các Trưởng hướng dẫn thực hành lều trại để ổn định chỗ ở .
Trong thánh lễ đêm khai mạc trại , Cha Phêrô Phan Văn Tươi đã chia sẻ về những điều tốt dù khó đến đâu cũng cần phải làm theo tinh thần của HTDC , những điều xấu cần tránh, cũng như cho các Dự trưởng biết rõ sự phát triển mạnh mẽ của PT HTDC hiện nay sau khi được tái lập lại vào năm 2011 ở giáo phận Đà Nẵng , cũng như những manh nha thành lập mới các đoàn HTDC ở những giáo phận khác trong Nam .
Sau thánh lễ khai mạc , Cha Giuse Nguyễn Tiến Lộc rất cảm động và bất ngờ khi được đại diện các khóa sinh dâng bánh và hoa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 và 46 năm hồng ân linh mục của Ngài .
Sáng 18/8, Cha Giuse Nguyễn Tiến Lộc đã chia sẻ về sứ mang của HTDC trong nhiệm vụ Tông đồ thiếu nhi , cũng như về phương pháp sư phạm của PT HTDC ; Cha cũng đã giải đáp những thắc mắc của các khóa sinh dự trưởng về việc phát triển của phong trào cũng như cho biết những khác biệt của PT HTDC đối với Hướng đạo và Thiếu Nhi Thánh Thể .
Kế tiếp là những giờ khóa của Cha Tôma Trương Đình Tuyển về phương pháp giảng dạy giáo lý cho thiếu nhi, giờ khóa của chị Sửu về tôn chỉ và mục đích của PT HTDC , giờ khóa của Trưởng Châu về luật yêu thương , kinh , các điều tâm niệm , châm ngôn, tập các bài ca của phong trào của chị Trưởng Hoa , cũng như các khóa cần thiết cho một người Trưởng của Phong Trào .
Trời mưa rả rích suốt buổi chiều và tối , Cha Tiến Lộc lại mệt vì lo cho trại huấn luyện , nên Thánh lễ bế mạc trại được cử hành sớm hơn dự kiến vài giờ , cũng như không tổ chức đốt lửa trại ngoài trời mà là buổi tâm tình và cầu nguyện trong nhà nguyện Mai thôn nơi có cả năm trăm ngàn thân xác của các anh hài bé nhỏ được thu gom và chôn cất gọn gàng nơi đây .
Ngày trại cuối cùng là một trò chơi lớn : Tiến Bước Theo Chúa Chiên Lành do Trưởng Ninh phụ trách . Dù các khóa sinh còn rất bỡ ngỡ vì các kỹ năng mật thư , kỹ năng nút dây , các kỹ năng khác …….để chơi trò chơi lớn còn chưa … nhớ , thuộc hết hay đã quên từ lâu lắm rồi , nhưng hầu như toàn bộ các khóa sinh và các anh chị cựu HTDC vẫn hứng khởi tham gia thi đua đến phút cuối cùng của ngày trại huấn luyện .
Trại huấn luyện Dự Trưởng HTDC khóa I được kết thúc qua nghi thức hạ cờ và chia tay đầy quyến luyến và xúc động dưới sự chủ trì của Cha Phê rô Phan Văn Tươi .
Thời gian 3 ngày trại đã qua đi thật nhanh , nhưng tinh thần vui tươi , tương trợ lẫn nhau cũng như nhiệt huyết mang lửa đến cho các thế hệ trẻ khắp nơi của các bạn Dự trưởng vẫn còn lại mãi trong tim .
Xin chân thành cám ơn Quý Cha, quý Thầy DCCT Mai Thôn đã tạo điều kiện nơi ăn chốn ở cho trại huấn luyện được thành hình ; chúng con cũng xin cám ơn Cha Giuse Nguyễn Tiến Lộc , Cha Vinh Sơn Đinh Trung Nghĩa Dòng Tên , Cha Tôma Trương Đình Sơn DCCT SG , Cha Phêrô Phan Văn Tươi chánh xứ Biên Hà , các Trưởng Hùng , Trưởng Ninh , Trưởng Sửu , Trưởng Phiên ,Trưởng Hoa ,…. đã dậy dỗ chúng con trong các giờ khóa thiết thực cho sứ mạng Tông đồ Thiếu nhi của người Trưởng HTDC trong tương lai , chúng tôi cũng chân thành cám ơn các anh chị cựu HTDC giáo xứ An Hòa Đà Nẵng cũ : chị Xuân Bình , chị Tố Nga , chị Nguyễn thị Liên , chị Kim Anh ,… đã đồng hành và giúp đỡ cả tinh thần và vật chất cho cuộc trại huấn luyện đầu tiên sau 43 năm ở trong Nam này diễn ra tốt đẹp trong sự quan phòng của Chúa Giêsu vị thủ lãnh tối cao của HTDC .

Ban Liên Lạc HTDC