Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh
Hôm nay, một hình dáng xù xì, khẳng khiu, vươn cao lên, xòe rộng ra, ôm lấy chúng ta, bao phủ chúng ta, đó là bóng Cây Thánh Giá của Chúa Giêsu Kitô.
Thập giá và Thánh Giá khác nhau một trời một vực: thập giá là do lòng hận thù độc ác của loài người sản xuất ra, còn Thánh Giá là do lòng yêu thương vô bờ vô bến của Thiên Chúa sáng tạo nên.
Trước khi trở thành Thánh giá, thập giá là hai miếng gỗ sù sì, trần trụi, gồ ghề, nặng nề, bắt chéo vào nhau như một hình chữ thập, dùng để giết người một cách rất dã man.
Thập giá là hình khổ kinh khủng nhất, do người Rôma độc ác bày ra để hành hạ và giết chết những kẻ phản loạn, những người nô lệ, những ai bị họ đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Thập giá ghê tởm nầy, cách đây hơn 2000 năm, đã được Chúa Giêsu vác lên Núi Sọ và bị đóng đinh chết vào đó. Và kể từ đó, kể từ khi Con Đức Chúa Trời chịu đóng đinh chết tất tưởi trên thập giá, thì thập giá đã trở thành Thánh Giá lạ lùng. Lạ lùng đến nỗi loài người không thể nào hiểu được và không thể nào cắt nghĩa được!
Trước, thì thập giá quá đên tối, quá kinh tởm, quá tủi nhục; nay, thì Thánh Giá quá sáng chói, quá hấp dẫn, quá cao sang.
Trước, thì thập giá chỉ có mặt nơi tử địa, nơi pháp trường, nơi những chổ đê hèn nhục nhã; nay, thì Thánh Giá có mặt khắp nơi, nơi trang trọng nhất, nơi cao sang nhất.
Trước, thì thập giá bị chối từ, bị nhờm gớm; nay, thì Thánh Giá được ôm ấp, được ao ước, được mang nơi ngực, được đeo nơi cổ, được hôn kính dấu yêu.
Trước, thì thập giá được làm bằng lọai gỗ sần sù, lởm chởm; nay, thì Thánh Giá được làm bằng vàng, bằng bạc, bằng mọi thứ kim loại đắc giá nhất trên đời nầy.
Vì sao người công giáo chúng ta lại dành cho Thánh Giá một địa vị vô cùng đặc biệt như thế? - Vì trên Thánh Giá, Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, vì yêu thương loài người quá bội, nên đã nộp mình chịu chết để cứu chuộc loài người, để cho loài người được sống.
Trên thánh giá, Chúa Giêsu nếm chịu mọi nỗi đau khổ:
- đau khổ vật chất (bị lột hết áo quần ra, không một mãnh vải che thân );
- đau khổ thể xác (từ trên đỉnh đầu cho đến dưới bàn chân, chẳng chổ nào là chẵng xể xài rách nát, cùng bày xương ra...);
- đau khổ tinh thần (bị sĩ nhục, bị bỏ vạ, bị cáo gian, bị chửi rủa thậm tệ);
- đau khổ tâm hồn (thấy trước đủ mọi tội lổi tầy trời của loài người chống lại Thiên Chúa, thấy trước mọi vong ân bội nghiã của loài người đối với Thiên Chúa );
- đau khổ tình cảm (thấy những người thân yêu, nhất là Mẹ yêu dấu của mình, đang ở dưới chân mà không an ủi gì được).
Nhìn lên Thánh Giá, người công giáo chúng ta thấy hai điều trái ngược:
Đấng vô tội, lại bị vu cáo; Đấng công chính, lại bị kết án; Đấng vô cùng thánh thiện, lại bị đày ải; Đấng cao sang vô cùng trên trời dưới đất, lại bị hành hạ, bị đóng đinh chết; Đấng toàn năng, phép tắc vô cùng, lại bị sĩ nhục; Đấng giàu có vô cùng, lại bị trần truồng nhuốc hổ; Đấng sáng láng vô cùng, lại bị tối tăm vây phủ; Đấng là sự sống, thì nay lại tắt thở và chết.
Đấng vô tội, lại bị vu cáo; Đấng công chính, lại bị kết án; Đấng vô cùng thánh thiện, lại bị đày ải; Đấng cao sang vô cùng trên trời dưới đất, lại bị hành hạ, bị đóng đinh chết; Đấng toàn năng, phép tắc vô cùng, lại bị sĩ nhục; Đấng giàu có vô cùng, lại bị trần truồng nhuốc hổ; Đấng sáng láng vô cùng, lại bị tối tăm vây phủ; Đấng là sự sống, thì nay lại tắt thở và chết.
Nhưng, sau khi nếm cái chết chẳng đủ ba ngày, Chúa Giêsu sống lại, đánh bại tủ thần, và ban cho những ai biết đi theo Ngài trên Con Đường Thánh Giá và bằng lòng chết với Ngài trên Cậy Thánh Giá, được sống lại và sống muôn đời.
Đối với người công giáo chúng ta, Thánh Giá của Chúa Giêsu là nguồn hy vọng rạng ngời, là nguồn hạnh phúc vô biên.
Người công giáo chúng ta tung hô Thánh Giá là Cây cứu chuộc muôn dân đặng rỗi, là Cây làm cho kẻ có phước được phần vui mừng, là Cây làm cho kẻ có tội được lòng trông cậy, là Cây làm cho kẻ yếu đuối được nhờ sức mạnh, là Cây làm cho kẻ khốn nạn được sự an lành, là Cây tốt lành rất mực, diềm dà im mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình; là gươm giáo dẹp giặc linh hồn, khử trừ đánh diệt tam cừu oan gia, sát phạt tà ma, thịt mình, thế tục; là chìa khóa mở cửa thiên đàng, đưa chúng ta vào nơi Quê Thật.
Thánh Giá gồm những mầu nhiệm cao siêu nhất trong Đạo Công Giáo: Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Mầu Nhiệm Ngôi Hai Xuống Thế Làm Người, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Cứu Chuộc Loài Người.
Thánh Giá dạy người công giáo những bài học mà Chúa Giêsu đã truyền dạy phải sống và thi hành:
Hình thẳng hướng lên: Người Công Giáo hãy sống mến Chúa!
Hình ngang: Người Công Giáo hãy sống yêu người!
Tay Chúa giăng ra: Người Công Giáo hãy rộng mở đôi tay đối với mọi người, không xua đuổi ai. Người Công Giáo hãy tha thứ mọi xúc phạm của người khác đối với mình, không loại trừ xúc phạm nào.
Tay Chúa bị đóng đinh: Người Công Giáo hãy dùng đôi tay để cầu nguyện, lao động, giúp đỡ, bố thí. Người Công Giáo hãy đền tội cho đôi tay của mình là đôi tay thường biếng nhác, cắp trộm, đánh đập kẻ khác, dâm ô hèn hạ.
Chân Chúa bị đóng đinh: Người Công Giáo hãy dùng đôi chân để đi Nhà Thờ, đi làm việc đạo đức bác ái, đi làm việc hữu ích. Người Công Giáo hãy biết đền tội cho đôi chân của mình là đôi chân thường đi vô ích, đi đến nơi tội lỗi, đi đến với kẻ phạm tội.
Tim Chúa bị đâm thủng: Người Công Giáo hãy thắp lửa mến Chúa và yêu người trong trái tim của mình. Người Công Giáo hãy tắt lửa dục tình trong lòng mình. Người Công Giáo hãy biết ăn năn thống hối về những tội mình đã vô tình và vô ơn đối với Chúa.
+++
Người Công Giáo chúng ta hãy đặt Thánh Giá nơi chỗ cao trọng nhất trong nhà mình!
Người Công Giáo chúng ta hãy đeo Thánh Giá trên ngực là nơi đầy ý nghĩa nhất trong con người của mình.
Người Công Giáo chúng ta hãy làm Dấu Thánh Giá trên con người của mình, làm một cách nghêm trang, sốt sắng, và làm cho ra Một Hình Thánh Giá cân đối.
Người Công Giáo chúng ta hãy năng nhìn lên Thánh Giá để tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu đang đau khổ vì tội lỗi của loài người. Thánh Casimirô, mỗi lần nhìn lên Thánh Giá, là mỗi lần ngài cảm động và rơi lệ.
Người Công Giáo chúng ta hãy luôn mang Thánh Giá trong tâm hồn mình để tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu, luôn mang Thánh Giá trong đầu óc mình để suy niệm về tình Chúa Giêsu yêu thương loài người..
Và nhất là, trong cuộc sống của mình, người Công Giáo chúng ta hãy luôn sống và thực hành những bài học của Thánh Giá Chúa Giêsu.
Amen.
Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
(Nguồn : tonggiaophanhue.net)