Ngày ngày, mở trang báo nào ra, chúng ta cũng đều đọc thấy nhan nhản những tin tức về tội phạm. Tội ác xuất hiện với đủ mọi hình thức, ở mọi thành phần xã hội, mọi giới tính và mọi lứa tuổi. Con người đối xử với nhau bất chấp đạo đức và luật pháp xã hội, sẵn sàng xuống tay tước đoạt mạng sống của người khác bằng những lý do kỳ cục nhất. Hàng hóa thì giả dối đảo điên, trong làm ăn thì lừa gạt, trong cơ quan thì tranh quyền đoạt vị, dối trên lừa dưới… Người bi quan cho rằng, nền đạo đức xã hội đang bị băng hoại một cách trầm trọng. Nếu có thể so sánh với một Sôđôma ngày trước, có lẽ sự sa đọa đạo đức của ngày nay cũng chẳng kém cạnh gì. Là người Công giáo, trong cương vị gia trưởng - người giữ kỷ cương của gia đình - bạn sẽ phải làm gì để giáo dục đạo đức cho con giữa bao nhiễu nhương trần thế?
1. Những lầm lẫn tai hại của cha mẹ trong việc giáo dục con. Ông bà ta ngày xưa thường khuyên: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Nghĩa là, ngay từ khi con cái còn nhỏ dại, chúng ta đã phải chú ý giáo dục cho con mình có được nền căn bản đạo đức. Ngoan ngoãn lễ phép với người trên, vâng lời cha mẹ; đạo lý này chắc chắn ai cũng dạy bảo con cái mình. Nhưng còn sự trung thực, lòng nhân ái, đức hy sinh… Không phải là mọi gia đình đều chú ý, thậm chí cá biệt, có cha mẹ còn dạy con phản lại cả những phẩm chất đạo đức nói trên. Đây là một vài bằng chứng: - Chủ nợ đến nhà nhắc nợ thì cha mẹ trốn trong phòng, bảo con ra nói cha mẹ không có nhà. Con đã được dạy bài học nhãn tiền rằng trung thực thì không bằng nói dối. - Con cái đang ái ngại, tội nghiệp cho người hành khất đói rét, thì cha mẹ dắt con đi qua nhanh và nói: “Kệ họ, ai có thân thì phải lo”. Hỏi rằng, mầm nhân ái trong con có còn đất sống? - Cả năm ở trường, con mới có một buổi lao động vệ sinh trường lớp. Thay vì để con tham gia cùng bạn bè, thì cha mẹ lại làm đơn cớ bệnh cho con, để con được ở nhà nghỉ ngơi, “Mặc xác tụi bạn, ngu thì chết”. Một hành vi giáo dục nhãn tiền cho sự lừa dối và ích kỷ. - Thấy con mang một số vật dụng không phải của mình về nhà, cha mẹ xem là chuyện nhỏ cho qua, vô tình dung dưỡng con mình thói trộm cắp. Đơn cử một vài trường hợp rất bình thường trong đời sống như thế, để chúng ta thấy rằng, không phải cứ gọi con lại rồi thao thao giảng những khái niệm lý thuyết đạo đức là đang giáo dục đâu. Trái lại, con cái sẽ được giáo dục rất ấn tượng từ chính hiện thực của đời sống. Vì vô tình, hoặc lầm lẫn, nhiều bậc cha mẹ cho rằng đó là chuyện nhỏ, để con cái lớn lên giáo dục cũng chưa muộn. Quan niệm đó thật sai lầm. Nguyễn Trãi ngày xưa từng bảo: “Đừng xem thường việc nhỏ, lỗ nhỏ làm đắm thuyền”. Đạo đức con người phải được rèn luyện từ thuở nhỏ, mới có thể phát triển cách thuận tiện về sau. 2. Giáo dục đạo đức nhân bản cho con. Con cái chúng ta được sinh ra trong một gia đình Công giáo. Ngày bạn đem con đến Nhà thờ chịu Phép Rửa, con bạn đã minh nhiên trở thành một phần tử của một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Tuy con bạn còn thơ dại, chưa có quyền chọn lựa niềm tin; nhưng còn bạn, bạn phải tin rằng, nhờ Thiên Chúa, con bạn đã có một khởi đầu tuyệt vời hơn hẳn so với biết bao trẻ thơ khác, chào đời mà không biết Thiên Chúa là ai. Vậy thì, bậc cha mẹ, đừng để con cái mình mất đi khởi đầu tốt đẹp đó. Hãy bằng tình thương và trách nhiệm, cẩn trọng giáo dục con cái ngay từ thơ dại, những đạo đức căn bản của con người, xứng đáng là con cái Thiên Chúa: a. Dạy con thông qua những hành vi quen thuộc thường ngày. - Dạy con biết cho bạn hàng xóm một miếng bánh, một viên kẹo, để con học được bài học sẻ chia. - Dạy con tự tay đổ lon gạo vào giỏ của người hành khất, để con biết quan tâm đến người bất hạnh. - Dạy con chỉ kể lại những điều tốt của bạn học, không cần kể điều chưa tốt của bạn, để con biết không nên nói xấu người khác. - Dạy con biết giữ gìn thân thể sạch sẽ, sách vở quần áo xếp gọn gàng, cho mẹ bớt nhọc nhằn hơn trong công việc, để con biết ghi nhớ công ơn cha mẹ. - Dạy con biết rót cho bố ly nước, lấy cho mẹ cái quạt nan, để con biết quan tâm đến người thân trong gia đình. - Dạy con thà không nói, chứ đừng nói điều dối trá. - Dạy con dũng cảm nhận lỗi, vì chẳng ai không mắc lỗi bao giờ. - Dạy con không được lấy những gì không phải của mình. Và không thể nào kể ra hết được những việc rất nhỏ bé trong đời sống hàng ngày, mà nếu chúng ta chú ý tới, đều có thể trở thành những bài học giáo dục đắc dụng cho con cái về những đạo đức căn bản làm người. b. Dạy con bằng sự gương mẫu của cha mẹ. - Cha mẹ chỉ nói những lời tao nhã, để con không học những lời tục tĩu. - Cha mẹ đừng bao giờ tranh cãi lớn tiếng trước mặt con, để con biết sống hòa thuận cùng anh chị em. - Cha mẹ sống trung thực, công bằng, nhân ái; để con biết xấu hổ khi lỡ gian dối, bất công, ích kỷ. - Cha mẹ đã hứa điều gì, thì phải thực hiện cho bằng được, để con biết giữ gìn chữ tín. - Cha mẹ kính trọng, yêu thương ông bà nội ngoại, để con biết rằng chữ hiếu là cao đẹp. - Cha mẹ hòa thuận với anh em chú bác, để con biết yêu thương anh chị em của chính mình. - Cha mẹ sống hòa hảo với hàng xóm láng giềng, để con biết sống chan hòa với bạn bè. - Cha mẹ cư xử tốt với bạn bè, đồng nghiệp, để con biết tìm kiếm và giao kết với những người bạn tốt ở đời. - Cha mẹ luôn yêu thương nhau, để con thấy gia đình là hạnh phúc. Và cũng chẳng thể nào kể ra hết được những việc làm của cha mẹ, vốn dĩ rất phong phú trong đời thường mà thông qua đó, trở thành mẫu gương cho con cái noi theo. Phải biết rằng, người xưa đã rất chí lý khi khẳng định: “Lời nói lung lay, việc bày lôi cuốn”. 3. Giáo dục đạo đức nhân bản song song với giáo dục đức tin. Nhờ ơn Chúa, là người Công giáo, chúng ta còn có một lợi thế hơn hẳn, trong việc giáo dục đạo đức cho con. Bởi vì, khi con cái chúng ta đến với Nhà thờ, thì ngay từ thơ dại, qua các lớp giáo lý vỡ lòng, qua các bài giảng của cha sở dành riêng cho thiếu nhi, qua hoạt động của Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, con cái chúng ta được hưởng nhờ ân phúc của Giáo hội, giúp con trẻ không chỉ lớn dần lên về mặt đức tin mà còn được tăng cường những đạo đức căn bản làm người. Thật cảm động khi chứng kiến những người mẹ, dắt con trẻ đến Nhà thờ, tập cho con làm Dấu Thánh Giá, tập cho con cầu nguyện. Biết bao bài học đạo đức nhân bản, sẽ được triển nở tốt đẹp qua hoạt động tưởng chừng chỉ thuần túy về mặt tín ngưỡng này. Chẳng hạn, thông qua việc tập cho con cầu nguyện: - Dạy con âm thầm gửi những thói xấu của bạn cho Chúa, và cầu nguyện cho bạn ấy được ơn thay đổi, để con biết cầu nguyện cho tha nhân. - Dạy con cầu nguyện cho cha mẹ, anh chị em mạnh khỏe, bình an để con biết sống tình gia đình. - Dạy con cầu nguyện cho ông cho bà được khỏi bệnh, để con biết về nguồn cội gia đình. - Dạy con cầu nguyện cho việc học hành, để con thấy đó là việc quan trọng cần phải chăm chỉ luyện rèn. - … Thói quen sẽ dần hình thành, đến một lúc nào đó con trẻ biết tự mình thân thưa cùng Chúa tất cả chuyện của mình: biết xin cho con chó nhà hàng xóm không sủa và nhe răng hù dọa con nữa, biết xin cho bạn A, bạn B không chửi và đánh con, xin cho cây thước kẻ bị mất của con biết có chân quay về… Biết rằng đó chỉ là những lời cầu nguyện ngô nghê, nhưng ai dám bảo rằng, Chúa không mỉm cười vui lòng, và ai dám bảo rằng, đó không phải là tiền đề thuận lợi nhất cho việc phát triển những hành vi đạo đức về sau. Một khi cha mẹ đặt việc giáo dục đức tin tôn giáo cho con cái lên hàng quan trọng, như thường xuyên nhắc nhở con tham dự với Thánh lễ mỗi ngày, kính trọng và siêng năng đến với Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể, chuyên chăm học hỏi các lớp giáo lý theo từng độ tuổi, chăm chỉ kinh nguyện gia đình mỗi tối; đồng thời, thành tâm giáo dục đạo đức cho con, thông qua gương sống mẫu mực của cha mẹ, thông qua mọi hoạt động của con cái, chắc chắn những phẩm chất đạo đức tốt đẹp nơi con cái sẽ được hình thành. * Cùng suy tư: Ta phải làm gì để cộng tác với Thiên Chúa trong việc giáo dục con cái nên tốt mỗi ngày?
Ban đặc trách Gia Trưởng
Giáo phận Xuân Lộc
|
Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015
GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO CON
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)