Nếu có dịp hành hương Đất Thánh Palestina, chúng ta phải viếng thăm nhiều nơi, nào miền Galilê với Nazareth : nơi Chúa lớn lên; Biển Hồ Tibêriađê nơi Chúa rao giảng Tám mối phúc thật; nơi bão tố hoành hành , nơi các môn đệ sững sờ trước mẻ cá lạ . Chúng ta phấn khởi trèo lên đỉnh Ta Bo, đỉnh Carmel. Rồi chúng ta cũng sẽ xuôi về miền Nam, vào sa mạc Neguev nắng cháy, sẽ dừng chân tại Massada, Giêricô, Biển Chết, Quram…Điểm quan trọng nhất trong chuyến hành hương vẫn là thành Giêrusalem và vùng phụ cận : Bê Lêm nơi Chúa Giêsu cất tiếng khóc chào đời cùng bao di tích thánh khác : Núi Sion và đền thánh Giêrusalem , nhà Tiệc ly, vườn Giếtsêmani, đàng Thánh Giá ( via dolorosa), núi Sọ ( Canvê), Mồ thánh hoặc nơi Chúa về trời. Nếu còn nhiều giờ hơn, chúng ta sẽ tham quan nơi Chúa khóc thương Đền thánh, nhà thờ thánh Phêrô gà gáy, dạo tường thành và thăm viếng nhà thờ Kinh Lạy Cha. Pater Noster, theo tiếng Latinh.
Ảnh vệ tinh khu vực núi Cây Dầu ( Ô liu, Ôlivêtê ). Chúng ta thấy các địa điểm màu đỏ Vườn Giếtsimani ( B.Agony) ; Nơi Chúa khóc thành Giê rusalem ( Dominus flevit); Nơi Chúa về trời ( Ascencion Chapel); Nhà thờ và tu viện kinh Lạy Cha (Pater Noster). Nguồn Internet.
Đây là một địa điểm khá kín đáo vì là tu viện của các chị dòng Cát Minh, có tường cao vây quanh.
Chúng ta biết rõ , khi các môn đệ yêu cầu Chúa dạy cầu nguyện, Chúa đã dạy họ kinh Lạy Cha. Ở địa điểm nào? Tân ước không chỉ rõ như các di tích khác. Chỉ biết, kinh nầy được Chúa dạy sau bửa cơm tại nhà Matta và Maria, tại Bêtania , gần núi Cây Dầu. Chúa và các môn đệ qua đêm tại núi Cây Ô liu và tại đây Chúa đã dạy họ cầu nguyện. Qua truyền thống nhất là Công vụ Thánh Gioan ( ngụy thư thế kỷ thứ 3) cho biết có một cái hang tại nơi nầy, tuy không nói rõ về kinh Lạy Cha nhưng nói nơi đó Chúa đã giảng dạy.Theo chứng từ sử gia đương thời Eusôbiô (260-340), sau khi Giáo hội được tự do vào thế kỷ thứ tư, thời Hoàng đế Rôma Constantinô, mẹ ngài là Thánh nữ Hêlêna và giáo dân đã nô nức đến Giêrusalem hành hương . Tại nơi đây, một nhà thờ mọc lên che một hang động trên đồi núi Cây Dầu để mừng Chúa về trời. Sau một thời gian, nhà thờ Chúa Thăng Thiên được đưa lên đỉnh đồi gần đó thì nơi nầy ít được quan tâm.
Kể từ thời thánh nữ Hêlêna cho dựng xây những di tích thánh quan trọng ở Giêrusalem cho đến thế kỷ 21 , lịch sử đã ghi lại bao nhiêu vết thăng trầm tại nơi nầy. Nhiều lần những địa điểm hành hương bị tàn phá, cướp bóc, để rồi được xây dựng lại . Quân Ba Tư tàn phá thành thánh năm 614. Thời gian sau, Thập tự quân cất một nhà nguyện năm 1106. Một vị giám mục Đan Mạch xây dựng nhà thờ lớn hơn năm 1152. Khu vực lại bị tàn phá năm 1187, rồi bị phá hủy hoàn toàn năm 1345. Từ đó di tích không còn được lưu ý. Năm 1854, các vật liệu còn sót lại của nhà cũ được bán cho người Do Thái làm bia mộ ở Cánh đồng Giosaphát , thực ra là thung lũng Giosaphát.
May mắn thay, vào thế kỷ 19, Công Chúa De la Tour d’Auvergne đã mua lại khu đất và bắt đầu tìm dấu tích hang đá xưa. Năm 1868, bà cho xây một ngôi nhà theo mẫu Campo Santo ở Pisa và lập tu viện Cát Minh nữ năm 1872.
Năm 1910, nền móng nhà thờ thời Byzantin được tìm thấy gần tu viện, buộc lòng lại phải di dời tu viện để bắt đầu xây dựng lại nhà thờ trên nền móng thời Byzantin vào năm 1915.
Tại đây trải qua năm tháng, các bản kinh Lạy Cha bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau viết trên gạch tráng men đã được gắn trên tường. Khách hành hương tìm thấy nguyên bản lời Chúa bằng tiếng Aramiên, đến tiếng Hy lạp, La Tinh, cho đến các sinh ngữ hiện đại, hoặc thổ ngữ của các dân tộc ít người. Mỗi năm, con số mỗi tăng thêm .
Nếu năm 1963, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đếm được 53 thứ tiếng thì nay nghe đâu đã có đến 114 văn bản. Năm 1997, người viết bài có dịp đến đó và hết sức cảm động khi thấy có kinh Lạy Cha tiếng Việt do Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi, lúc đó là Giám mục Qui Nhơn vận động thực hiện.
Các bản kinh Lạy Cha bằng nhiều ngôn ngữ trên các vách tường.Nguồn : Internet.
Ta hãy đọc đoạn văn sau đây của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi viết về chuyến hành hương của các Giám mục dự Công Đồng Vatican 2 cuối năm 1962 cho biết :
“ Chúng tôi mấy chục thước nữa thì có Nhà Dòng Kín của các nữ tu người Pháp. Tục truyền ở đây Chúa dạy kinh Lạy Cha. Chúng tôi vào nhà thờ và thi nhau đọc kinh đó bằng nhiều thứ tiếng. Chúng tôi đi chung quanh nhà thờ và các rẫy hành lang thấy kinh ấy được khắc bằng 53 thứ tiếng. Nhưng thiếu tiếng Việt ! Chúng tôi đã vào gặp Bà Mẹ nói chuyện việc đó. Bà hứa sẽ làm hài lòng vì mới đây chính ông Đại sứ Việt nam ở Giordania cũng có đề cấp đến việc đó…Hy vọng không lâu tại đây cũng sẽ có kinh Pater Noster bằng Việt ngữ!”
( Trích Bản Thông Tin Địa phận Qui Nhơn , số 34, tháng 1- 1963 trang 10.)
Qua những dòng chữ trên, thông tin trên mạng là bản kinh tiếng Việt có năm 1959, không chính xác. Chuyến đi nầy có 8 Giám mục Việt Nam . Các vị đáp chuyến bay vào lúc 9 giờ ngày 9 tháng 12 năm 1962, giờ Rôma. Sau sáu tiếng đồng hồ , phi cơ hạ cánh tại phi trường Amman và quan chức nước Giọt Đa Ni cho xe taxi chở đi Giêrusalem. Như thế, vào thời kỳ đó Giêrusalem còn thuộc quyền chính phủ Giọt Đa Ni.
Theo giới chuyên môn, Kinh Thánh hiện đã được dịch ra trên 3000 ngôn ngữ khác nhau. Nếu dành cho mỗi ngôn ngữ 10 mét tường để gắn văn bản trên, chúng ta cần đến 30. 000 mét tường , tức ba hecta để trình bày các bản dịch Kinh Lạy Cha.
Tại Việt Nam, nơi 54 dân tộc sinh sống, kinh Lạy Cha đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nhưng chưa ai thống kê được.
Riêng tiếng Kinh , từ thế kỷ thứ 17 đến đây đã có nhiều bản dịch khác nhau và lưu hành qua nhiều năm tháng.
Theo linh mục Roland Jacques OMI trong tác phẩm “ Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội công giáo Việt Nam, Sách song ngữ, quyển I, Định Hướng Tùng Thư năm 2004, Reichstett, France, trang 375- 377) cho thấy một số bản văn đặc biệt.
Bản văn kinh Lạy Cha năm 1632 .
Cha chúng tôi ở trên blời, chúng tôi nguyện danh cha cả sáng. Cuốc ( nước ) cha trị đến. Bvâng ý Cha làm trưng (chưng) đất ( đết) bằng trưng (chưng) blời bậy. Chúng tôi trông cha rày cho chúng tôi hằng ngày dùng đủ, mà tha nợ chúng tôi bằng chúng tôi ít tha chủ nợ tôi vậy. Lại chớ để chúng tôi sa trưng (chưng) cám dỗ. bèn chữa chúng tôi trưng ( chưng ) tai dữ.
Bản văn kinh Lạy Cha năm 1700- 1750.
Chúng tôi lạy Thiên địa chân Chúa ở trên blời là cha chúng tôi. Chúng tôi nguyện danh ( cha cả sáng). Cuốc cha trị đến. Vâng ý Cha ( làm) dưới đất bằng trên blời vậy. Chúng tôi xin cha rày ( cho) chúng tôi hằng ngày dùng đủ. Mà tha nợ chúng tôi bằng chúng tôi cũng kẻ có nợ chúng tôi vậy. Xin chớ để chúng tôi sa chưng cám dỗ. Bèn chữa chúng tôi chưng sự dữ.
Bản kinh Lạy Cha tiếng Việt tại nhà thờ Kinh Lạy Cha. Giêrusalem.
Ảnh : Trường Thăng Mùa Hè 1997.
Bản văn kinh Lạy Cha năm 1905.
Lạy cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Vâng ý Cha làm dưới đất bằng trên trời vậy.
Xin Cha cho chúng tôi rày hằng ngày dùng đủ. Và tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi. Lại chớ để chúng tôi phải sa cám dỗ, bèn chữa chúng tôi cho khỏi sự dữ.
Bản văn kinh Lạy Cha năm 1992.
Lạy cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến. Ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
Bản văn kinh Lạy Cha hiện nay.
Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện danh Cha cả sáng; nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con . Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
Kinh Lạy cha, môt kinh rất ngắn nhưng lịch sử kinh nầy không hề ngắn.
Một kinh quý nhất trong các kinh vì kinh nầy do chính Chúa Giêsu dạy.
Một kinh phổ quát và đại kết vì đây là kinh mà toàn thể các Giáo hội Ki tô giáo : Chính thống, Tin lành, Anh giáo, Công giáo đều xử dụng vì nguồn gốc tông truyền từ Tân Ước.
Một kinh mà Thiên Chúa đã mặc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa đối vối loài người : Abba. Lạy cha.Ba ơi! Bố ơi! Papa! Daddy! Như tiếng bập bẹ trẻ sơ sinh trao về một người cha yêu thương , bảo vệ và tha thứ.
Một kinh mẫu mực cho việc cầu nguyện. Kinh phá đổ cái thành kiến cho cầu nguyện chỉ là một loạt những lời van nài tỉ tê, xin xỏ mà nhân loại thường làm.
Kinh Lạy Cha, là kinh đưa chúng ta đến mầu nhiệm cao sâu “ Thiên Chúa Tình yêu”. Như trẻ thơ coi ba mình là thần tượng, chúng ta như con dại tán tụng hồng ân, ca tụng Đấng tạo hóa : cầu mong cho danh Chúa cả sáng, nước Chúa hiển trị.
Kinh Lạy Cha còn đi sâu vào thẳm sâu tâm thức con người trước sức mạnh vô hình đối kháng : sợ quỷ ma, sợ tội lỗi, sợ không đũ sức tha thứ… kể cả nhu cầu sinh tồn trần thế: cơm bánh hằng ngày.
Kinh Lạy Cha dễ đọc, dễ thuộc nhưng thực hành không dễ chút nào nhất là những câu : ý Cha thể hiện, tha kẻ có nợ, hằng ngày dùng đủ.
Khi khổ đau, hoạn nạn, thất bại, bệnh tật, tang chế, tình phụ…Ý Cha thể hiện sao mà khó quá!
Chúa tha cho con thì dễ, còn con tha cho những kẻ bách hại, làm tan nát đời con, gia đình, danh dự con …Chúa ơi, sao mà khó quá!
Quanh con, tiền của là trên hết, kẻ giàu được tung hô “ đẳng cấp”, cơm bánh hàng ngày thôi sao, Chúa ơi mà sao khó quá!
Nhưng đối với những ai nghe, giữ và sống trọn Lời Chúa qua tám mối phúc thật, lúc đó kinh Lạy Cha sẽ là thước đo hạnh phúc.
Những ai sống trọn kinh Lạy Cha, họ đã bước một chân vào Thiên Đàng , không phải sau khi lâm tử mà ngay ngày hôm nay, trên cỏi hồng trần nầy.
Phúc cho ai tin vào Thiên Chúa và vui sống lời kinh Lạy Cha . Amen.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
Hội An 24 tháng 7 năm 2010.