Lm. Marcello Đoàn Minh, GĐ Caritas Đà Nẵng
Người
đời vẫn thường nói: “Của cho không bằng cách cho.” Làm ra của cải đã khó, mà
đem của đi cho nếu không dễ thì cũng là điều phải cân nhắc, không khéo cho
không đúng cách lại xúc phạm đến người nhận!
Cũng vì
quan tâm đến khâu cho đi này mà ngay từ đầu, Giáo Hội đã thiết lập hẳn một chức
vụ để phục vụ người nghèo, trong đó có việc phân chia các của cải dâng cúng
trong cộng đoàn. Rồi trong lịch sử Giáo Hội xuất hiện các hội đoàn, các dòng
tu, các tổ chức chuyên lo việc cứu tế xã hội. Dưới đây là một số điểm nhấn
trong công tác bác ái xã hội của Giáo Hội hiện nay, rút ra từ hai cuộc hội thảo
của Ủy ban Bác ái Xã hội- HĐGMVN năm 2008[1], và thông điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’[2] của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI.
Điểm
đầu tiên là sự quan tâm về giáo thuyết xã hội của Hội Thánh. Dĩ nhiên lúc nào
việc bác ái xã hội cũng đặt cơ sở trên Lời Chúa và hướng dẫn của Hội Thánh. Tuy
nhiên phải nhận rằng, ngày nay giáo thuyết xã hội được đề cập đến nhiều hơn và
có hệ thống hơn trong các văn kiện chính thức của Hội Thánh. Ngày 2 tháng 4 năm
2004, Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình cho phát hành cuốn Tóm Lược
Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, gồm 12 chương, đúc kết giáo huấn của
các đức giáo hoàng, các chủ chăn liên quan đến các vấn đề xã hội như gia đình,
lao động, kinh tế, cộng đồng chính trị, bảo vệ môi trường, hòa bình thế
giới.[3] Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ra
ba thông điệp quan trọng về xã hội[4], còn Đức Giáo Hoàng Bênêđitô đã dành một
trong hai phần của thông điệp đầu tiên (‘Thiên Chúa là Tình Yêu’) của ngài để
nói về hoạt động bác ái trong Hội Thánh. Tại giáo hội địa phương, đối thoại với
người nghèo là một trong ba cuộc đối thoại theo đường hướng sống đạo và truyền
đạo của Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu. Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu
của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xác nhận thái độ ưu tiên chọn lựa người
nghèo (số 34) và dành một trong bảy chương (Ch. VI) để nói cách riêng về thăng
tiến con người.
- Thứ
đến là mối quan tâm để “giữ được tất cả vẻ huy hoàng của [hoạt động bác ái KTG]
để việc đó không trở thành chỉ là một hình thức khác của trợ giúp xã hội.”
(TCTY, số 31). Giáo Hội không những chăm lo việc giúp người nghèo nhưng còn
phải xét xem sứ vụ đó được thi hành thế nào, làm sao để duy trì bản sắc Công
giáo, hay xây dựng nền văn hóa Kitô giáo trong việc từ thiện bác ái, coi đó như
là “nền tảng cho mọi việc mình làm và là chuẫn mực xác định sự đóng góp hết sức
độc đáo của mình”[5]. Có như vậy việc bác ái mới am hợp với
chính bản chất của của sứ mạng Hội Thánh.
Từ mẫu
gương của người Samaritanô, Đức Giáo Hoàng cho rằng việc bác ái trước tiên phải
là một lời đáp trả đơn sơ cho những nhu cầu cấp thời: cho kẻ đói ăn cho người
khát uống, và phải xem đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên. Tuy nhiên không
đơn giản chỉ là đem tiền của đi cho mà Đức Giáo Hoàng còn lưu ý“những người
chăm sóc những kẻ thiếu thốn trước tiên phải có nghiệp vụ: họ phải được đào tạo
đúng đắn, họ phải làm gì, làm như thế nào, cũng như cam kết tiếp tục công tác
trợ giúp ấy.”
Khả
năng nghiệp vụ được coi như đòi hỏi đầu tiên, nền tảng (TCTY, số 31). Mức độ
chuyên nghiệp ở đây là gì? Phải chăng Đức Giáo Hoàng đòi hỏi người làm từ thiện
phải đi học hay phải có bằng cấp công tác xã hội không? Nếu theo ý Đức Giáo
Hoàng lấy mẫu gương người Samaritanô, chúng ta thấy đó đơn giản là biết mình
phải làm gì và làm như thế nào, tức là biết phục vụ cách hữu hiệu và khôn khéo.
Người Samaritano không những sơ cứu nạn nhân: lấy dầu rượu đổ lên vết thương và
băng bó lại, mà còn lo chạy chữa cho lành lặn, đưa đến quán trọ nhờ người săn
sóc cho đến khỏi bệnh dầu phải tốn kém.[6] Nói theo chuyên môn, chú trọng tới
nghiệp vụ là quan tâm đến khía cạnh tổ chức có khoa học cơ cấu, điều phối nhân
sự, kiểm tra tài chính, đánh giá kết quả để làm sao mang lại hiệu quả thiết
thực cho người thụ hưởng. Trong khi đó, là người lo việc điều phối các tổ chức
bác ái công giáo Hoa Kỳ, Cha Larry hiểu đây chính là khâu quản lý nguồn tài
trợ, ngài viết: “không những phải tuân theo các mô hình phổ biến nhất để đáp
ứng nhu cầu nhân đạo và làm công tác xã hội, mà còn quản lí điều hành theo
những phương cách tốt nhất. Có thế chúng ta mới an tâm là mình đang quản lí các
nguồn tài nguyên được giao cho mình phục vụ người nghèo và những người bị gạt
ra ngoài xã hội – không chỉ vì mình phải chịu trách nhiệm với những người đã
hào hiệp cấp tặng để xúc tiến việc bác ái, mà quan trọng hơn cả vì người nghèo
đáng được phục vụ tốt nhất và chuyên nghiệp nhất.” Như vậy chúng ta hiểu được
tại sao các tổ chức tài trợ luôn cần có những bá cáo tài chính, các cuộc kiểm
tra hay hình ảnh nghiệm thu dự án.
Nhìn từ
góc độ khác, gốc rễ của nghèo đói phát xuất từ những yếu kém từ nơi ăn chốn ở,
sức khỏe, văn hóa giáo dục kém, thể lý, đến vị thế trong xã hội, chuyên môn
nghề nghiệp, cơ chế, tập quán địa phương. Nếu chỉ tập trung vào việc khâu viện
trợ, xin cho, ban bố từ trên xuống hay từ ngoài vào (quen gọi cách này là ‘cho
con cá’) sẽ làm cho người nhận thụ động và sẽ không sao thoát khỏi cái vòng lẩn
quẩn của đói nghèo. Quan tâm nghiệp vụ với nhiều người hiện nay là làm sao phát
triển bền vững, không những nhắm đến sự phất lên của một người, một nhóm nhưng
là tiến bộ chung của cả cộng đồng. Đó là nâng cao năng lực của cộng đồng, giúp
người dân phát huy các tiềm năng sẵn có tại địa phương, làm cho họ thêm lòng tự
tin, tự trọng và mạnh dạn tham gia xem xét hoàn cảnh thực tế và đưa ra kế họach
giải quyết cụ thể. Điểm nhắm là giúp người để người tự giúp, tự vượt khó, tức
là ‘cho cần câu chứ không cho con cá.’
Tuy
nhiên không thiếu những dự án, chương trình hoạch định rất công phu bài bản
nhưng lại dẫn đến hậu quả tiêu cực. Bởi thế không thể nào không quan tâm đến
yếu tố tinh thần, thiện chí trong công cuộc từ thiện. Trong thông điệp đầu tiên
của mình, Đức Giáo Hoàng đương kim bàn giải và nhấn mạnh nhiều đến yếu tố thứ
hai này, ngài viết: “Thêm vào việc đào tạo chuyên môn cần thiết, những người
làm việc bác ái cần được ‘đào tạo con tim’: họ cần được dẫn tới gặp Thiên Chúa
trong Đức Kitô, Đấng thức tỉnh tình yêu của họ và mở lòng ra cho kẻ
khác.”(TCTY, số 31a). Đây là một ‘con tim biết nhìn thấy’ để nhận biết “nơi nào
tình yêu đang cần đến và hành động cách phù hợp.” (TCTY, số 31). Để có được con
tim này, trước tiên phải có những cái ‘không:’
- không chỉ có kỹ thuật. Bước vào lãnh vực công tác từ thiện là bước vào trong
tương quan nối kết có tính cách nhân linh với những con người đầy đủ nhân phẫm
luôn “cần một cái gì hơn sự chăm sóc kỹ thuật hay vật phẫm. Họ cần tình người.
Họ cần sự quan tâm chân thành.” (TCTY số 31). Ở đây cho không chỉ là trao ban
của cải tôi có mà phải có tôi hiện diện cách nào đó trong của tôi đem cho.[7]
- không
được dùng từ thiện để chiêu dụ tín đồ, không được phép áp đặt đức tin trên kẻ
khác bởi vì người được cho cần được tôn trọng nhân phẫm và tự do. Tuy nhiên
kitô hữu cần biết lúc nào nên nói về Thiên Chúa, lúc nào nên im lặng để hành
động yêu thương của mình lên tiếng. (TCTY, số 31).
- không
lệ thuộc phe nhóm và ý thức hệ. Có những nhóm hoạt động xã hội không phù hợp
với giáo huấn của Hội Thánh.[8] Do đó cần quan tâm để hoạt động bác
ái trong Giáo Hội có được sự độc lập chính đáng. Thông điệp TCTY nhấn
mạnh: “Các tổ chức bác ái của GH là một ‘công trình riêng’ (opus proprium), là
một nhiệm vụ thích đáng của Giáo Hội, trong đó Giáo Hội không cộng tác
tay đôi mà là hành động như một chủ thể có trách nhiệm trực tiếp, có thể làm
những gì thích hợp với bản chất của mình.” (TCTY, số 29).
Để việc
từ thiện mang đậm bản sắc Công giáo, nó phải gắn liền với đời sống cầu nguyện.
Đây chính là xuất phát điểm của truyền thống từ thiện trong Hội Thánh, đã được
thể hiện trong đời sống các vị thánh. Người làm từ thiện trước tiên cần kết
hiệp với Chúa Kitô và được tình yêu Ngài thúc bách (x. 2 Cor 5, 14), cần học
nơi Ngài gương yêu thương phục vụ cũng như kín múc nơi Ngài sức mạnh cho hoạt
động bác ái của mình. Cầu nguyện giữ trong tâm hồn thái độ khiêm tốn, coi việc
chia sẻ như một ân ban, không dám tự phụ cho mình có quyền giải quyết tất cả,
hay ngược lại thất vọng, buông xuôi khi đứng trước đại dương nghèo đói khổ đau
của đồng loại. Ngay cả khi thấy khó hiểu trước sự thinh lặng của Thiên Chúa
trong đau khổ tha nhân, họ vẫn luôn tin rằng Thiên Chúa là Cha và hằng yêu
thương con cái Ngài. (TCTY số 38).
* * * *
*
Tới đây
chúng ta đã cùng đọc lại hướng dẫn của các vị Chủ Chăn để có thêm ánh sáng cho
công việc bác ái của mình. Bài này khép lại khi có tin cuộc khủng hoảng kinh tế
mới đốn ngã thêm một gã khổng lồ tài chính khác: Citigroup bị chẻ đôi, còn Bank
of America chịu lỗ tổng cọng 17 tỉ USD để có thể tồn tại! Cho hay các ngân hàng
đầu bảng đâu có phải nơi bảo đảm tuyệt đối cho số tài khoản được ký gửi. Trong
khi đó cho dù một việc cỏn con như li nước lả cho người anh em nhỏ bé cũng được
Chúa Kitô kể là làm cho Ngài và sẽ được ân thưởng.(x. Mt 10, 42; 25,40). Xem
thế, đồng tiền chia sẻ cho người nghèo là gửi vào kho bạc an toàn và có lãi
xuất cao nhất: Ngân Hàng Thiên Chúa Tình Yêu! Địa chỉ này không ở đâu xa
bởi lẻ:
“Người
nghèo luôn có bên cạnh anh em.” ( Mt 26, 11).