Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

BẤT NGỜ

SUY NIỆM TIN MỪNG 
CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG - NĂM A

BẤT NGỜ
Những vần thơ "bất ngờ trời vào thu" hay "bất chợt tình yêu đến" được chuyển thành những dòng nhạc trữ tình lãng mạn cũng bất ngờ làm rung động tim ta. Nhưng đó chỉ là những tác động tâm lý biến đổi mang theo ý nghĩa nào đó cho phù hợp với tâm trạng thi nhân hay khách đa tình, hoặc có khi ẩn giấu bâng khuâng nơi kẻ thất tình!
Mà thực, đời người nói chung đều được gói ghém trong hai chữ bất ngờ. Bất ngờ một sự sống hiện hữu trong tôi và bạn, cho dù chẳng bất ngờ tý nào trong sự quan phòng của Thượng Đế. Thế rồi cũng bất ngờ đời tôi và bạn biến đổi không ngừng theo thời gian cho phù hợp với các giai đoạn đời người. Có những bất ngờ đem đến niềm vui, nhưng cũng đầy dẫy những bất ngờ mang lại dấu ấn đau khổ khôn nguôi.
Một khi đã đặt cho tên Bất Ngờ, thì chẳng ai có thể đoán nổi nó sẽ ra sao. Bằng suy nghĩ và lý luận, ai cũng biết giai đoạn sau cùng của cuộc đời sẽ tận cùng bằng sự chết; nhưng chẳng tài nào biết được cách nào và khi nào thần chết sẽ đến gõ cửa lòng ta! Thôi thì cứ gọi nó bằng tên Bất Ngờ để quen dần với nó và có thể làm bạn với nó không chừng.
Và một khi quen dần với những bất ngờ cuộc đời, tôi cũng như bạn sẽ không cần thắc mắc tại sao trong Phúc âm, Đức Kitô lại thích dùng hai tiếng bất ngờ để cảnh tỉnh hồn ta. Sự bất ngờ của đời người mà Đức Kitô nhắc đến không phải là những tai nạn tiêu diệt hạnh phúc, nhưng là những bằng chứng xác thực giúp họ mở rộng con mắt đức tin và cõi lòng rộng rãi đón nhận sự thật.
Con tàu Noê đâu dễ gì hoàn tất trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng ít ra cũng phải cả trăm năm đời người, thế mà thiên hạ chẳng thèm đặt câu hỏi tại sao Noê đã khùng điên tiêu xài cuộc sống vào con tàu xem ra vô nghĩa với họ.
Hai người đàn ông cùng làm ruộng và hai người đàn bà cùng xay bột là hình ảnh bình thường của cuộc sống; thế nhưng một trong hai người đàn ông cũng như đàn bà được tiếp nhận, và hai người còn lại bị bỏ rơi, là một sự bất ngờ không ai đoán được. Nếu hiểu theo định luật sự sống, thì là điều đương nhiên, nhưng nếu nhìn trong khía cạnh đạo đức, thì sự bất ngờ ấy chính là sự quan phòng của Thiên Chúa (sống lành thì chết lành..., chuẩn bị thì được nhận vào Nước Chúa...).
Một khi sự bất ngờ nằm trong quan phòng của Thiên Chúa, thì nó không còn là bất ngờ nữa, nhưng sẽ biến thành sự thật có thể giải thoát, mà cũng có thể kết án. Bất ngờ trời vào thu là định luật xuay vần vũ trụ; bất chợt tình yêu đến là định luật cuốn hút của tình yêu; còn bất ngờ Con Người đến là chân lý đặt nhân loại trong tình trạng tỉnh thức và bàn cân công lý.
Hãy mang lấy tâm trạng thi nhân, để dùng con mắt đức tin xuyên thấu thời gian phá đi những bất ngờ, nhờ đó ta sẽ luôn sống trong trái tim yêu đương của Thiên Chúa.
Lm. Raphael Xuân Nguyên

(Nguồn : www.suyniem.com)

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

SỐNG LÀ CHUẨN BỊ CHẾT




Suy tư về cái chết là suy tư về cái sống.  Chết là một phần của sự sống bỡi lẽ trong sự sống đã có sự chết.  Nó là cánh cửa nối liền hai thế giới như cửa sông đưa giòng nước vào nguồn biển rộng mênh mông.  Nó là người bạn trung thành nhất của chúng ta.  Nó là người bạn duy nhất không bao giờ quên chúng ta và nó có thể đến viếng thăm chúng ta bất cứ lúc nào, vào sáng sớm tinh sương hay vào lúc đã về xế chiều.

Chúng ta không cần nói đến những cái chết đến với chúng ta từ những nguyên nhân bên ngoài như do tai nạn, sự mưu sát, hay một nguyên nhân nào khác không cần biết.  Chỉ cần nói đến sự chết đang nằm sẵn trong bản tính con người chúng ta.  Như một hoa trái đang chín dần, mỗi ngày sống là một bước đi chúng ta đang tiến dần về với cái chết đang chờ đợi mỗi người chúng ta.  Bên cạnh đó, trong cuộc sống hằng ngày cũng còn có rất nhiều những mất mát, những thua thiệt khiến chúng ta cũng đã chết đi phần nào trong con người chúng ta như mỗi khi chúng ta phải lựa chọn hay mỗi khi phải ra đi.  Mỗi lúc lựa chọn là mỗi lúc phải quyết định từ bỏ.  Từ bỏ khiến chúng ta phải mất đi một phần những cái thuộc về chúng ta và điều đó làm chúng ta đau khổ và chết đi không ít.  Mỗi khi chúng ta phải lên đường ra đi vì công việc hay vì cuộc sống cũng vậy.  Chúng ta phải dứt bỏ tình cảm quen thuộc, dứt bỏ sự quyến luyến tự nhiên mà một khi đã quen nhau chỉ muốn ở gần nhau.  Sự ra đi lúc nầy quả thật là một sự thương đau và cũng là một sự chết đi trong lòng không ít cho người phải ra đi, vì không có ra đi nào không làm lòng mình tê tái, cũng không có ra đi nào không để lại nỗi nhớ thương.  Nhưng chưa hết, không phải chỉ lúc chúng ta ra đi chúng ta mới cảm thấy đau thương mà cả sự ra đi của những người thân yêu chúng ta cũng để lại những cảm giác thương đau rất nhiều.  Mỗi người chúng ta thảy đều có kinh nghiệm nầy: cứ mỗi lần có một người bạn thân hay một người trong gia đình chúng ta vĩnh viễn ra đi, chúng ta thấy gì trong con người chúng ta?  Chúng ta cảm thấy con người chúng ta cũng chết đi với họ, bằng chứng là chúng ta thấy mất hẳn sinh lực, mất hẳn tinh thần, cũng như mất hẳn niềm vui để sống.

Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già đi và chết.  Đó là định luật chung của con người.  Không ai có thể sống mãi mà không chết ngay dầu các vua chúa ngày xưa đã cố gắng đi tìm thuốc trường sinh bất tử nhưng họ cũng không tránh khỏi định luật khắc nghiệt ấy.  Vì thế, chối từ sự chết là lừa dối chính mình.  Để sống cách trọn vẹn, người ta phải can đảm chấp nhận sự sống lẫn sự chết.  Sự sống quá tự nhiên đến nỗi chúng ta không nghĩ đến ngày nó kết thúc.

Thái độ của con người đối với sự chết luôn là một sự giằng co giữa sự lôi cuốn và sự khước từ.  Mọi người đều nhận ra rằng sự sống là mỏng manh, là ngắn ngủi và nó có thể kết thúc bất cứ lúc nào.

Chính những tư tưởng về sự chết đưa chúng ta đến vấn nạn nầy: Cái gì là chính yếu, là trường cửu đối với con người chúng ta?  Chúng ta cần phải làm gì để đối đầu với cái chết đang đến với chúng ta?  Vì thế, phản ảnh về sự chết là học cách chúng ta phải sống hôm nay.

Người xưa đã sống đời sống như có một sự sống khác quan trọng hơn là cuộc sống ở đây và bây giờ, khiến họ sống cách xa cuộc sống hiện tại.  Nhưng đối với giới trẻ hôm nay, họ không thể chấp nhận cuộc sống như thế.

Thật vậy, nếu chối từ cuộc sống chúng ta đang sống hiện tại hoặc chỉ chú trọng đến cuộc sống hôm nay mà không nghĩ đến ngày mai chúng ta sẽ chết, cả hai đều không thực tế.  Vì thế, một số các nhà tâm lý học có khuynh hướng KiTô giáo hiện đại đang có khuynh hướng nầy: Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái Chết.  Chính tư tưởng nầy đã giúp rất nhiều người thoát khỏi khủng hoảng trầm trọng khi con người đối diện với cái chết, và nhờ đó cũng đã giúp nhiều người chuẩn bị sẵn sàng để lên đường ra đi cách an bình về với Thiên Chúa và về với những người thân yêu của họ bên kia thế giới.  Cũng chính những tư tưởng nầy đã giúp rất nhiều nhà giàu sang phú quí thực thi đức bác ái, biết dùng của cải đời nầy để mua lấy nước trời bằng cách chia xẻ phần nào những của cải của họ cho những người nghèo khổ và nhờ thế nhiều người bất hạnh đã có được một đời sống tương đối xứng đáng với phẩm giá con người hơn.

Nói đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện về hành vi thiếu bác ái của một người bạn đồng nghiệp của tôi. Câu chuyện xem ra quá bình thường nhưng đã để lại một ký ức không mấy tốt đẹp cũng như đã để lại một sự hối hận suốt đời cho người bạn già của tôi.  Hy vọng nó có thể giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm sống cho những ngày còn lại của chúng ta trên trần gian nầy.

Trong chuyến du hành sang Hy Lạp, trên con đường từ Athens đến Kalambaka, người bạn già của tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện của ông như sau:

Chiều hôm đó, khi đi ngang qua một làng nhỏ của người da đen trong sa mạc Sahara.  Như thường lệ, khi có một người khách đến, mọi người trong làng chạy ra vây bao quanh xe khách hoặc tò mò, hoặc để giành lấy những thực phẩm mà du khách thường mang theo để tặng họ.  Hôm đó, tôi có nhìn thấy một ông lão già đang run lập cập vì lạnh.  Nói về cái lạnh trong sa mạc xem ra là khó tin nhưng thực tế là thế.  Sahara thường được gọi là xứ lạnh vào đêm nhưng rất nóng dưới ánh quang mặt trời.  Mặt trời lặn rồi, ông lão lạnh cóng.  Bấy giờ, tôi có ý nghĩ cho ông ta một trong những chiếc mền của tôi, nhưng tôi lại để tư tưởng đó qua đi vì tôi nghĩ đêm đến tôi cũng sẽ cóng lạnh như vậy.  Dầu tôi lý luận: ông có thể quen với thời tiết ở đây hơn tôi, nhưng một chút bác ái trong tôi cũng đã khiến tôi suy nghĩ lần nữa, tốt hơn là cho ông ta một chiếc dẫu tôi có lạnh hơn một chút.  Tuy vậy, khi tôi rời bỏ ngôi làng, những chiếc mền vẫn còn nằm nguyên vẹn trên chiếc xe của tôi.  Bấy giờ, lương tâm tôi bắt đầu cắn rứt.

Khi đến nơi tôi có ý định đến, tôi rảo một vòng đi tìm một chỗ để yên nghỉ và tôi đã tìm được một nơi vừa ý thích.  Tôi cố gắng nằm yên tựa chân lên một hòn đá lớn, nhưng rồi tôi vẫn không yên tâm được. Tôi nhớ cách đó một tháng, một người da đen đã bị nghiền nát bởi một tảng đá to rơi xuống.  Nên tôi đã ngồi dậy để xem tảng đá chỗ tôi đang nằm có bảo đảm không.  Tôi thấy nó không được cân bằng cho lắm nhưng không đến nỗi nguy hiểm.

Tôi lại nằm xuống.  Nếu tôi kể lại điều mà tôi mơ thấy, có lẽ bạn sẽ cảm thấy lạ lùng.  Điều đáng buồn cười là tôi mơ thấy tôi đang ngủ dưới một hòn đá lớn và rồi vào một lúc, tôi thấy hòn đá di động và rơi xuống trên tôi.  Tôi nghe thấy tiếng xương kêu răng rắc và tôi cảm thấy mình sắp chết vì cả thân xác bị nghiền nát dưới tảng đá ấy.  Nhưng tôi ngạc nhiên vì không cảm thấy mình đau đớn gì cả, chỉ có một điều là không thể cử động được.  Bấy giờ tôi thấy ông lão đang run rẩy trước mặt tôi.  Không do dự một chút nào cả, tôi vội vàng lấy ngay một chiếc mền không được dùng đến đang nằm đàng sau tôi để trao cho ông.  Tôi cố gắng giang tay ra để đưa nó cho ông.  Nhưng viên đá khổng lồ ấy khiến tôi ngay cả một cử động nhỏ cũng không thể làm được.  Tôi sợ quá nên chợt tỉnh giấc.  Chính cơn ác mộng ấy đã giúp tôi suy nghĩ và hiểu được luyện ngục là gì, cũng như đã hiểu được nỗi khổ đau của các linh hồn là không còn có thể làm được điều mà trước đây họ có thể và lẽ ra nên làm.

Có ai biết được bao nhiêu năm trời sau đó tôi cứ phải bị ám ảnh và ray rứt trong lương tâm mỗi khi nhìn thấy chiếc mền như một bằng chứng cho sự ích kỷ của tôi cũng như cho sự chưa đủ trưởng thành của tôi để vào nước của Tình Yêu?

Tôi cố gắng nghĩ đến bao lâu tôi đã phải ở dưới hòn đá khổng lồ ấy?  Và có sự đáp trả cho tôi rằng cho đến khi tôi có thể làm được một hành động của tình yêu trọn vẹn.  Bấy giờ, tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực.

Tôi đưa mắt hướng nhìn đi nơi khác và tôi đã nhìn thấy những bia đá đang nằm trước mặt tôi không gì khác hơn là những nấm mồ của những người đã nằm xuống.  Họ cũng vậy, cũng bị xét xử theo hành động trọn vẹn của tình yêu của họ, và giờ đây họ nằm ở đó đang mong chờ Vị Cứu Thế đến giải cứu họ trong ngày sau hết.

Hành động trọn vẹn của tình yêu là gì?  Là Chúa Giêsu đi lên đỉnh đồi Calvê để chết cho hết thảy chúng ta.  Như những phần tử của nhiệm thể, chúng ta cũng sẽ được hỏi để cho thấy chúng ta có đủ tình yêu trọn vẹn ấy để theo Ngài lên đỉnh đồi Calvê không?  Sự khước từ làm những việc bác ái cho những người anh em chúng ta nói lên cho chúng ta thấy rằng chúng ta còn có cả một con đường dài nữa phải đi.  Nếu chúng ta đã có thể đi qua một người anh em đang run rẩy vì lạnh, một người anh em đang gặp hoạn nạn bên vệ đường, làm cách nào chúng ta có thể dám chết đi cho những người anh em khác như Chúa đã chết đi cho hết thảy chúng ta.

Nếu chúng ta không muốn nằm lâu bất động dưới những viên đá khổng lồ đó thì bây giờ ngay khi còn sống, hãy làm những gì chúng ta có thể làm được cho những người anh em chúng ta để làm hành trang chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa gọi chúng ta lên đường về bên kia thế giới.

LM Lê Văn Quảng

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

THƯ GIÃN : TRUYỆN CƯỜI THIÊN ĐÀNG ĐỊA NGỤC

                                                          

Thiên đường và địa ngục


Một người sùng đạo nói chuyện với Chúa “Thưa Chúa, con rất muốn biết Thiên đường và Địa ngục như thế nào”.
Chúa bèn dẫn anh ta vào hai cái cửa.
Chúa mở cái cửa đầu tiên, người đàn ông nhìn vào.
Ông ta thấy ở giữa phòng có một cái bàn tròn lớn. Ở giữa bàn có một nồi nước hầm bốc khói nghi ngút trông thật ngon và hấp dẫn, khiến cho người đàn ông nhỏ nước miếng.
Nhưng mọi người ngồi xung quanh bàn thì lại gầy guộc, xanh xao, cứ như là bị bỏ đói từ lâu vậy.
Mỗi người ai cũng đang cầm chiếc thìa có cán dài được buộc vào cánh tay. Họ có thể với chiếc thìa dài tới nồi nước hầm để múc, nhưng vì nó dài quá, và bị buộc vào tay, nên họ không thể cho vào miệng được.
Người đàn ông rùng mình trước cảnh tượng khổ sở như vậy.
Chúa nói: “Đấy, con vừa nhìn thấy Địa ngục”.

Tiếp tục họ bước sang phòng thứ hai và mở cửa. Mọi thứ xung quanh đều giống phòng đầu tiên. Có một cái bàn tròn lớn với một nồi nước hầm hấp dẫn làm cho người đàn ông nhỏ nước miếng. Mọi người xung quanh cũng cầm cái thìa có cán dài, nhưng mọi người ở đây trông thật béo tốt, no nê, mãn nguyện, cười nói rôm rả.
Người đàn ông thắc mắc:
- Con không hiểu, thưa Chúa! Hai bên có vẻ giống nhau, thế mà...
- Đơn giản thôi –
Chúa đáp : “Ở nơi này, mọi người biết cách đút cho nhau ăn!”

***


Thiên đường hay địa ngục


Trong buổi lên đồng, hồn người chồng mới mất yêu cầu gửi gấp cho ông ta vài bao thuốc lá.
- Nhưng ảnh đâu có nói là gửi theo địa chỉ nào, thiên đường hay địa ngục  .
 Người quả phụ thốt lên
- Hiển nhiên rồi! 
Mụ hầu đồng xen vào : 
- Nếu ở thiên đàng, hẳn ông ấy phải đòi thêm bật lửa hoặc diêm quẹt chứ!

***

 


 Ngôi nhà xinh đẹp


          Một bà giầu sang đến cửa Thiên đàng. Thánh Phêrô chỉ cho bà một căn nhà rất xinh đẹp và bảo :”Đây là nhà tài xế của bà”.
          Bà ta mừng rỡ và nghĩ thầm :”Tài xế như thế, chắc nhà mình sẽ lộng lẫy hơn nhiều”.
          Nhưng, bước xa hơn một chút, thánh Phêrô chỉ túp lều nhỏ xíu và bảo :”Nhà của bà đấy”.
          Hụt hẫng và ngỡ ngàng, bà ta vội kêu to :”Đâu được, thưa ngài làm sao con có thể ở trong đó được.
          Thánh Phêrô ôn tồn giải thích :”Rất tiếc con ạ, vật liệu con gửi lên đây chỉ đủ để xây túp lều như thế.
          Thiên đàng không có nếu con không xây,
          Hỏa ngục chẳng thấy nếu con không sắm.

***

 

 

Chỉ  là  bản  DEMO  thôi

 

Sau khi chết, lập trình viên thấy mình đang đứng trước hội đồng quyết định xem anh sẽ lên Thiên đàng hay xuống Địa ngục.

Hội đồng này cho phép lập trình viên tự chọn và cho anh ta đi xem qua Thiên đường và Địa ngục.
Một thiên thần dẫn anh tới một nơi có bãi biển ngập tràn ánh nắng, mọi người đang chơi bóng chuyền trong tiếng nhạc rock and roll, ai cũng rất vui vẻ. Lập trình viên reo lên:
- Ồ ! Thiên đường thật là tuyệt!
Nhưng thiên thần nói :
- Sai rồi, đây là Địa ngục.
Thiên thần tiếp tục đưa anh ta tới một nơi khác. Ở đây có rất nhiều người đang ngồi ủ rũ trong công viên và cho những con chim bồ câu chết ăn. Lập trình viên Windows hỏi:
- Đây là Thiên đường sao?
- Đúng vậy – thiên thần trả lời.
- Thế thì tôi sẽ chọn Địa ngục.
Ngay lập tức anh ta thấy mình ngập tới cổ trong dung nham nóng đỏ. Anh gào thét điên cuồng với thiên thần nọ:
- Bãi biển đâu rồi? Tiếng nhạc và bóng chuyền đâu rồi?
- Đó chỉ là bản demo thôi! 
– Thiên thần trả lời và biến mất.
 ***

Thiên Đàng và Địa Ngục

Một bà quả phụ gọi hồn chồng về, nói chuyện cho đỡ nhớ thương.
Người chồng hỏi:
- Em gọi anh về có chuyện gì không?
- Em nhớ anh nên gọi anh về nói chuyện, thế thôi.
Người chồng nói:
- Có gì, em nói đi.
- Ở thế giới bên kia, anh có vui không?
- Vui lắm em.
- Tâm hồn anh có thanh thản không?
- Thanh thản lắm.
- Anh có yên vui và hạnh phúc hơn lúc sống với em không?
- Hơn nhiều lắm em.
Bà quả phụ nói với giọng buồn buồn:
- Thế anh tả cảnh thiên đàng cho em nghe đi.
Người chồng ngạc nhiên:
- Cảnh thiên đàng nào? Hiện anh đang ở địa ngục mà. 

***

Khi LIÊN XÔ còn là thiên đường

 quan KGB vào công viên  trông thấy một ông già đang cầm cuốn sách. Ngườisĩ quan hỏi: “Ông già đang đọc  đấy”. Ông già đáp: “Tôi đang tự học tiếng Ivrit”.Ông học tiếng Ivrit làm ? Thị thực đi Israel phải chờ mấy năm lận. Ông sẽ chếttrước khi làm xong giấy tờ”. Tôi học tiếng Ivrit để khi lên Thiên đàng tôi  thể nóichuyện với Abraham  Moïse. Trên Thiên đàng chỉ nói bằng tiếng Ivrit thôi”.
 Thếnếu ông xuống địa ngục thì sao?”  Người  quan hỏi.
 Tiếng Nga thì tôi biết rồi” –ông già trả lời.


***


Có giỏi cũng không thắng được!

Ngày tận thế, thiên đàng và địa ngục tranh chấp lãnh thổ trên mặt đất. Bên bàn đàm phán, Satan – đại diện địa ngục- đề nghị sẽ có một trận đá bóng để giải quyết vấn đề này. Trợ lýcủa Satan nói nhỏ:

- Như thế sẽ rất bất lợi cho chúng ta, bởi tất cả các cầu thủ giỏi đã lên thiên đàng.

- Đừng lo, ngươi không nhớ là tất cả các trọng tài đều đã xuống địa ngục sao?


***

 

Đã tin..

 Một anh chàng tâm sự với bạn:
- Khi chưa lấy vợ, nghe người ta nói: “Ranh giới giữa thiên đàng và địa ngục không đâu xa, mà chính là cánh cửa nhà bạn” mình không tin. Nhưng lấy vợ rồi, thấy đúng thật!
***

Hình phạt nhẹ nhàng nhất..
Một người phạm nhiều tội lỗi khi chết phải xuốngđịa ngục. Diêm vương bắt anh ta chọn một trong số 18 số hình phạt. Theo chân quỷ sứ, phạm nhân được xem qua hết 17 tầng địa ngục, cáchình phạt rất khủng khiếp như bị nấu trong vạc dầu, cắt gân, mổ bụng… Đến mỗi tầng anh chàng đều lắc đầu quầy quậy.
Khi đến tầng thứ 18, trông thấy có một đám phạm nhân đang bị đứng trong một căn hầm phân ngập đến ngang lưng, anh này mừng húm, nói với quỷ sứ:
- Thôi được. Tôi chọn hình phạt này.
Nói rồi bèn chạy tọt vào căn hầm.
Vừa lúc đó, tên quỷ sứ phụ trách căn hầm đó quát:
- Hết giờ giải lao. Tất cả hãy cắm đầu xuống
***


Xin thêm phấn


Ai chết khi xuống địa ngục đều được phát cho 1 viên phấn vẽ thang lên thiên đường. Vẽ mỗi vạch là kể 1 tội. Ai ít tội chỉ 1 vài vạch là lên thiên đường. Có 1 chàng trai chết đi, đang vẽ thang lên thiên đường thì thấy 1 vị cha sứ đang leo xuống. Anh ta hỏi : ” Sao ai cũng muốn lên mà cha lại muốn xuống vậy ? ”
Vị cha sứ trừng mắt :”Mày thì biết cái gì”. Ông còn phải xuống xin thêm phấn”

***


Vô đề

Một lập trình viên chết đi, phần hồn của ông ta bay lên trời. Thiên thần tới lại gần và nói rằng :" Lúc sinh thời quả là anh sống không công bằng lắm nhưng không có nhiều tội lỗi, vậy Ơn trên cho phép anh được chọn vào thiên đường vi tính hay địa ngục vi tính". Người đàn ông nghĩ mãi nghĩ mãi và bảo "vậy ngài hãy cho tôi xem thiên đường đi". Ông ta thấy một trung tâm vi tính hiện đại, tòan những máy đời mới nhất, hiện đại nhất, multimedia không chê vào đâu được, server thì khỏi bàn , .., nói chung đúng là Thiên đường ..
"Anh sẽ là user ở đây".
Người đàn ông sướng mê đi, nhưng lại nghĩ ngợi và đề nghị "Ngài hãy cho tôi xem địa ngục ra sao?"
Cũng ở đây, chỉ có điều anh sẽ là người quản trị hệ thống. 


Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

THIÊN ĐÀNG - LUYỆN NGỤC - HỎA NGỤC

Tháng Các Linh Hồn - Tìm Hiểu

Thiên Đàng—Luyện Ngục & Hỏa Ngục
Lm Ansgar Phạm Tĩnh
Đối với niềm tin vào Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục, người ta thường có ba thái độ:

Thứ nhất là thái độ cứng lòng tin:

  • Chẳng có Thiên Đàng, cũng chẳng có Luyện Ngục hay Hỏa Ngục như Giáo Hội Công Giáo dạy! Có chăng là có Thiên Đàng nơi trần thế này mà thôi! Chết là hết, là kết thúc, xuôi tay nhắm mắt xong là hết đau khổ, hết lo lắng và hết … nợ đời!
Chính vì không tin vào thực tại của Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục ở đời sau, cho nên họ như những con thiêu thân chỉ biết lao đầu vào ăn chơi, hưởng thụ, trác táng, hút sách, phạm pháp, làm những việc vô luân thường đạo lý… Và cuối cùng khi chán ngán cuộc đời này, khi họ chán sống rồi thì … tự tử. Chấm hết!

Thứ hai là thái độ tin vào Chúa nhưng tin một cách lệch lạc:

  • Tin vào Thiên Chúa và chỉ tin có Thiên Đàng mà thôi! Luyện Ngục và Hỏa Ngục không thể có được bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4:16), Ngài không bao giờ dựng nên những thứ khủng khiếp ấy để trừng phạt hay hành hạ con cái của Ngài. Luyện Ngục và Hoả Ngục là những thứ mà Giáo Hội dựng nên để hù dọa người ta mà thôi!
Vì không tin có Luyện Ngục và Hoả Ngục cho nên họ chẳng quan tâm gì đến việc đọc kinh xin lễ, và làm việc hy sinh, hãm mình … để cầu nguyện cho những người đã qua đời. “Tất cả những ai tin vào danh Đức Giê-su và chịu phép Rửa Tội thì chắc chắn được cứu rỗi, vậy cầu nguyện, đọc kinh, tham dự Thánh Lễ, hy sinh cho người quá cố để làm gì? Vô ích! Tốn thời giờ” Họ dùng Thánh Kinh để lý luận như vậy!

Thứ ba là thái độ tin nhưng lờ mờ:

  • Những người thuộc nhóm này thì tin vào những lời giáo huấn của Giáo Hội về sự sống đời sau, tin chắc chắn có Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục, nhưng chẳng bao giờ họ hiểu rõ và hiểu đúng về thực trạng của Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục cả. Họ cũng chẳng hiểu Giáo Hội Công Giáo gồm có BA THÀNH PHẦN và sự liên đới chặt chẽ, và mối liên quan mật thiết giữa ba thành phần này trong Giáo Hội.
Còn bạn? Bạn thuộc nhóm nào vậy? Tôi hy vọng là bạn không thuộc vào nhóm thứ nhất và thứ hai! Nếu bạn thuộc vào một trong hai nhóm này thì… Amen! Chỉ có Chúa Thánh Thần mới giúp bạn được thôi!
Còn nếu bạn thuộc vào nhóm thứ ba thì trong ngày lễ Các Thánh và lễ Các Linh Hồn hôm nay, mời bạn hãy cùng với tôi học hỏi và tìm hiểu sâu hơn về thực trạng của Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục, về BA THÀNH PHẦN của Giáo Hội và sự liên đới chặt chẽ, và mối liên quan mật thiết giữa ba thành phần này.
Rất nhiều người, trong đó có tôi, và không chừng có cả bạn nữa, đã từng nghĩ hay vẫn còn đang nghĩ Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục là những nơi chốn (places):
  • Thiên Đàng là một nơi trên trời cao, ở đó không có đau khổ, không có nước mắt mà chỉ có vui vẻ, hạnh phúc, hoan lạc, bình an và yêu thương. Ở trên Thiên Đàng các Thánh và các Thiên Thần suốt ngày suốt đêm chỉ ca hát, tán tụng và ngợi khen Thiên Chúa…
  • Luyện Ngục là một trại chuyển tiếp, một nơi tạm giam, nơi đây người ta phải chịu nóng nảy, chịu đau khổ, có cả cực hình nữa để chờ hễ mãn hạn thì được chuyển lên Thiên Đàng.
  • Hỏa Ngục là một nơi sâu thẳm trong lòng đất, ở đó là nơi giam giữ đời đời những kẻ ác, những người không có passport vào Thiên Đàng hay Luyện Ngục. Nơi đây xăng dầu vừa nhiều, vừa rẻ, cho nên Sa-Tan và ma quỷ tha hồ dùng để thiêu đốt và trừng phạt những thường trú nhân ở trong vương quốc của chúng.
Nếu bạn đã từng nghĩ như tôi hoặc vẫn còn đang nghĩ Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục là những nơi chốn thì sai rồi! Bạn cứ mở cuốn Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo do Đức Giáo Hoàng Benedictô đương kim soạn thảo ra mà xem thì sẽ thấy quan niệm về NƠI CHỐN của Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục như là những NƠI CHỐN là sai bét tè le!
  • Thiên đàng là tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn. Ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và ai không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào, sẽ được qui tụ quanh Chúa Giêsu và Đức Maria, các thiên thần và các thánh … được chiêm ngắm Thiên Chúa “mặt giáp mặt” ( 1 Cr 13,12) … sống trong sự hiệp thông tình yêu với Chúa Ba Ngôi và chuyển cầu cho chúng ta (Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo # 209).
  • Luyện ngục là tình trạng của những người chết trong tình thân với Thiên Chúa, nhưng, dù đã được đảm bảo ơn cứu độ vĩnh cửu, họ còn cần thanh luyện trước khi được hưởng hạnh phúc thiên đàng (Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo # 210).
  • Hoả ngục là [tình trạng] xa cách đời đời khỏi Thiên Chúa.… Đức Kitô diễn tả thực tại hoả ngục bằng những lời này: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời” (Mt 25:41) (Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo # 212).
Hy vọng bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục như là những NƠI CHỐN nữa!
Bây giờ chúng mình tiếp tục tìm hiểu về mối liên hệ chặt chẽ giữa các thành phần trong Giáo Hội nhé! Nói về BA THÀNH PHẦN trong Giáo Hội: Giáo Hội Chiến Thắng, Giáo Hội Ðền Bù và Giáo Hội Lữ Hành, sách Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo # 195 dạy rằng:
  • Một số còn lữ hành trên trần gian; một số khác, đã rời bỏ đời này, hiện đang được thanh luyện, và cũng được trợ giúp bằng lời cầu nguyện của chúng ta; sau hết, một số khác nữa, đã được hưởng vinh quang Thiên Chúa và đang chuyển cầu cho chúng ta. Tất cả cùng nhau làm thành một gia đình duy nhất trong Đức Kitô, là Hội thánh, để ca ngợi và tôn vinh Chúa Ba Ngôi.
Bạn thấy mối quan hệ rất chặt chẽ và tình liên đới mật thiết giữa chúng mình với các linh hồn nơi Luyện Ngục và với các Thánh ở trên Thiên Đàng chưa?
  • Các linh hồn thuộc Giáo Hội Đền Bù hoàn tất giai đoạn thanh luyện chậm hay mau là nhờ vào sự cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, thánh lễ, Kinh Mân Côi… của những người thuộc về Giáo Hội Lữ Hành, tức là chúng mình, những người còn sống ở trần gian.
  • Sau khi hoàn thành quá trình thanh luyện, các linh hồn được vào Thiên Đàng, lúc này các Ngài thuộc Giáo Hội Chiến Thắng sẽ cầu bầu, giúp đỡ cũng như chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta.
Nếu hôm nay bạn đã hiểu đúng về Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục và nhận ra mối liên hệ chặt chẽ và mật thiết giữa ba thành phần trong Giáo Hội thì tôi đề nghị với bạn hãy giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục, bằng cách dâng lời cầu khẩn, đặc biệt là Thánh lễ, và cả những việc bố thí, ân xá và những việc hãm mình để cầu cho họ (Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo # 211).
Bạn có muốn con cháu, bạn bè, thân thuộc và tha nhân làm những việc như hy sinh, xin lễ, đọc kinh, lần hạt Mân Côi, Viếng Thánh Thể, cầu nguyện … cho bạn sau khi bạn nhắm mắt từ giã cõi đời này và nhất là khi bạn bị kẹt ở trong trại chuyển tiếp PURGATORY không? Nếu muốn thì tôi mạn phép đề nghị với bạn những công việc nhỏ bé sau:
  • Xin lễ, tham dự Thánh Lễ, xưng tội, rước Lễ, lần hạt Mân Côi, Chầu Thánh Thể … để cầu nguyện cho các linh hồn đã ra đi trước chúng ta …
  • Hy sinh, hãm mình, không mua những đồ xa xỉ phẩm, một gói thuốc lá, một chai rượu, một két bia, một bữa ăn ở nhà hàng… để dành tiền giúp cho các cơ quan từ thiện, trại cùi, các trẻ em khuyết tật...
  • Hy sinh không cãi lại cha mẹ, không nóng giận và kiên nhẫn với những người chung quanh.
  • Chăm sóc, quan tâm đến ông bà, cha mẹ hoặc đi thăm viếng người già, những người đau yếu, tật nguyền, kém may mắn...
“Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6:31). Hy sinh, xin lễ, đọc kinh, lần hạt Mân Côi, Viếng Thánh Thể, cầu nguyện … cho các linh hồn là chúng mình đang làm cho chính chúng ta đấy! Làm ngay đi! Chần chờ gì nữa?
                                                (Nguồn : tinmung.net)


Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

LỜI TẠ ƠN KHÓ NÓI


 - Cám ơn những người bạn đã phản bội tôi năm nào.  Đau khi bị phản bội!  Nhưng Chúa đã dạy cho tôi hiểu bài học về tình bạn chân thật là “tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”     (Ga15:13)
- Cám ơn người yêu đã phụ tình tôi năm xưa.  Hận khi bị phụ rẫy!  Nhưng Chúa đã dạy tôi biết trân quý tình yêu của Người đã dám “yêu thương đến cùng!” (Ga 13:1)
- Cám ơn kẻ thù, những người đã bắn gục tôi trên chiến trường năm nào, đã đẩy tôi lao đao khốn khó trong chốn lao tù năm xưa.  Nhưng Chúa đã tạo cơ hội cho gia đình tôi giờ đây được bình an định cư trên Nước Mỹ, đã cho tôi cơ hội để sống câu: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5:44)
- Cám ơn những đứa con hoang đã làm cõi lòng mẹ cha tan nát.  Thất vọng, buồn tủi ngập tràn con ơi!  Nhưng con đã cho cha mẹ cơ hội để nên thánh.
- Cám ơn những bậc cha mẹ thiếu trách nhiệm đã không yêu thương và dạy dỗ con cái mình như bổn phận đáng phải làm.  Cay đắng khi bị hất hủi mẹ cha ơi!  Nhưng Chúa đã làm cho trái tim con luôn khát khao tìm kiếm tình yêu nơi Thiên Chúa Tình Yêu.
- Cám ơn những vấp ngã của tuổi thanh xuân vì ngươi đã làm cho ta biết khiêm nhường hơn.
- Cám ơn những tội lỗi mà phận người yếu đuối vấp đi phạm lại nhiều lần trong đời vì chúng đã cho ta cơ hội cảm nếm lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa.  Ôi, tội hồng phúc!
- Cám ơn những quyết định sai lầm thuở nào đưa đến hoàn cảnh ngang trái hôm nay vì chúng đã dạy ta biết phấn đấu vươn lên trong nghịch cảnh cuộc đời.
- Cám ơn hai chữ “kiếp nghèo” gắn liền với số phận hẩm hiu.  Đôi lúc ta ghét ngươi nhưng ngươi đã làm cho ta dễ dàng tiến vào Nước Trời hơn.  “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3)
- Cám ơn những lần thất nghiệp cay đắng, những lần phá sản, bị lừa gạt, mất nhà, thua stock trắng tay.  Chúng đã dạy cho ta hiểu ý nghĩa “của cải phù du” ở đời này.  “Phù vân, quả là phù vân.  Phù vân, quả là phù vân.  Tất cả chỉ là phù vân!” (Giảng Viên 1:2).
- Cám ơn những lần thất bại ê chề nhục nhã.  Biết bao bài học ta đã học được từ nơi ngươi.
- Cám ơn căn bịnh hiểm nghèo mà ta đang mang.  Nhờ ngươi mà linh hồn ta thức tỉnh phận người mỏng dòn chóng qua.  Ngươi đã giúp ta biết yêu quý những giây phút ít ỏi còn sót lại trên cõi đời tạm này. 
* Tạ ơn Chúa vì những gì Ngài đã lấy đi!
* Tạ ơn Chúa vì những trái đắng Ngài đã trao ban, dù con không muốn nhận.
* Tạ ơn Chúa vì số vốn Ngài cho con khi gởi con đến trong cuộc đời này!  Vì “ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều.” (Lc 12:48)
* Tạ ơn Chúa vì những lần Ngài đã thẳng tay thanh tẩy, gọt dũa linh hồn con mặc cho con dẫy dụa đau đớn.
* Tạ ơn Chúa vì tấm thân mệt mỏi bịnh hoạn, những lo toan vất vả trong cuộc sống khiến con không còn sức để bon chen hận thù ghen ghét.
* Tạ ơn Chúa vì những lần Ngài đã cương quyết không cho con những cái con xin, những thứ con cần, những gì con đang mong đợi, vì chỉ có Ngài mới biết những gì là cần thiết cho linh hồn và cho ơn cứu rỗi của con.
* Tạ ơn Chúa vì những cái chết oan nghiệt, về sự ra đi vội vàng của người thân khi tuổi đời còn quá trẻ và cả ngay khi đã về chiều.  Con biết Ngài muốn nhắc con nhớ rằng,“ Đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm đuợc mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế!” (ThánhVịnh 39:5).
* Tạ ơn Chúa vì những bài học cay đắng mà Ngài đang dạy dỗ con.  Có những bài học con không hiểu hết ý nghĩa.  Có những lúc con muốn thét lên “tại sao là con?”, “tại sao lúc nào cũng lại là con?”.   Nhưng con biết rằng chỉ những ai được Người thương yêu thì Người mới sửa phạt vì “Đức Chúa khiển trách kẻ Người thương, như người cha xử với con yêu quý.” (Châm Ngôn 3:12)

~^~^~^~ 
Lạy Chúa,
Đường đời trước mắt còn giăng đầy chông gai,
có bao nhiêu nghịch cảnh thì có bấy nhiêu “Lời Tạ Ơn Khó Nói”. 
Có những cái con chưa nhìn ra hết,
có những điều con chưa cảm nhận được,
và có những lời chưa thể thốt lên lúc này.... 
Xin ban cho con sức mạnh của Ngôi Lời Nhập Thể
để con có thể tiếp tục cám ơn anh em mình, dù là kẻ thù,
và dâng lời tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù là ngang trái. 
Tạ ơn không chỉ trong ngày lễ Tạ Ơn
mà là tạ ơn Chúa mọi ngày trong suốt cuộc đời con. 
Amen! 

  (Thinh & Nga chuyển )
 Trích "Lang Thang Chiều Tím"

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

LỄ CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ VUA



Nói đến Vua là nói đến quyền lực, sức mạnh, sự giàu sang phú quý. Nhưng với vị vua Giê-su thì điều hoàn toàn ngược lại. Sức mạnh nơi Ngài là tình yêu, quyền lực của Ngài là sự khiêm hạ, và giàu sang của Ngài là phục vụ. Giáo Hội suy tôn Ngài là Vua vũ trụ, bởi chính Ngài là khởi thủy, và cùng tận.

Vua tình yêu

Thiên Chúa là tình yêu. Định nghĩa của Gioan rất đơn giản nhưng chứa đựng cả một bể khơi nguồn tình yêu. Đức Giê-su đã tế hiến cuộc đời của mình cho tình yêu nhân loại. Ngài là vua của tình yêu. Vương quốc của Ngài không xây dựng trên bạo lực, bạo quyền, mà được xây dựng trên tình yêu thương. Khí giới Ngài dùng là đỉnh cao Thập Giá. Phía trên đầu Ngài là tấm bảng được ghi: “ Đây là vua người Do Thái”(Lc 23,38).

Vua khiêm hạ

Thông thường các vị vua chúa trần gian hay kiêu căng, ác độc. Hê-rô-đê bạo chúa đã gây biết bao tội ác và đưa đến cái chết cho Gioan Tẩy Giả. Tần Thủy Hoàng với Vạn lý trường thành đã nhuộm đỏ máu xương của biết bao người. Kiêu ngạo và độc ác đã gây nên biết bao là oan khiên. Còn Đức Giê-su, vị vua không biên cương lãnh thổ, không triều đình không quân lính. Vị vua cỡi trên lưng lừa trong ngày vào thành Giê-ru-sa-lem để hoàn tất cuộc đời mình, với cái chết cô đơn trên Thập Giá, giữa những người gian phi.

Vua phục vụ

Ngài đến trần gian là để hầu hạ và phục vụ con người. Bao năm rao giảng Tin mừng, Đức Giê-su đã tận tụy phục vụ một cách nhưng không cho con người. Ngài rong ruổi khắp nơi, để tìm kiếm và cứu chữa con người. Những người đau ốm, những kẻ bị quỷ ám, những người đơn côi, những kẻ tội lội đều được Ngài tận tình chăm sóc cả hồn lẫn xác. Cử chỉ phục vụ của Ngài được thể hiện cô đọng lại trong đêm bị trao nộp. Ngài đã cúi xuống và rửa chân cho các môn đệ. Cử chỉ của một người tôi tớ phục vụ cho các ông chủ của mình. Ta đến không phải để   phục vụ mà là phục vụ muôn người: “ Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng mình là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại ai lớn nhất trong anh em thì phải nên như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu, thì hãy nên như người phục vụ” (Lc 22, 25-26).

Lạy Đức Vua Giê-su, xin cho chúng con là những kẻ tôi tá Ngài biết sống yêu thương, khiêm nhường và phục vụ anh chị em mình. Xin cho chúng con chỉ biết phụng sự, và tôn thờ một mình Ngài là Vua của chúng con. Amen.

Lm Giacobe Tạ Chúc

(Nguồn : www.thanhlinh.net)

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

HÀI CỐT CỦA THÁNH PHÊ RÔ

24/11/2013, nhân ngày bế mc Năm Đc tin 
"  Lần đầu tiên chưng bày hài cốt của Thánh Phê rô "
Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về tái truyền giảng Phúc âm, tổng giám mục người Ý Rino Fisichella, đã thông báo  tin trên trong số báo ra ngày hôm nay, 09/11/2013, của tờ nhật báo Vatican Observatore Romano.
Hài cốt được cho là của Thánh Phêrô đã được tìm thấy trong một cuộc khai quật khảo cổ vào năm 1940, dưới thời Giáo hoàng Pio XII, trong một hầm mộ nằm dưới Đền Thánh Phêrô, bên cạnh một di tích được xây dựng thế kỷ IV để tôn vinh vị giám mục đầu tiên của thành Roma và cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo La Mã đã tử vì đạo.
Thật ra thì các Giáo hoàng cho tới nay vẫn chưa chứng nhận hài cốt này chắc chắn đúng là của thánh Phêrô. Nhưng các cuộc xét nghiệm trong những thập niên 1950 và 1960 đã kết luận rằng rất có nhiều khả năng đấy là di hài của vị thánh tông đồ, mà theo Thánh Kinh đã được Chúa Giêsu giao nhiệm vụ lãnh đạo Giáo hội Công giáo và giữ chìa khóa Nước Trời.
Thánh Phêrô đã bị xử tử bằng cách đóng đinh trên thập giá vào khoảng thời gian năm 64-70 sau Công nguyên, tại hý trường Caligula trên đồi Vatican. Vì cảm thấy mình không xứng đáng được chết như thầy mình là Chúa Giêsu, nên Thánh Phêrô đã yêu cầu được đóng đinh ngược. Hý trường Caligula hiện nằm trong khu vườn của Vatican.


Biến cố tìm ra mộ và hài cốt của thánh Phêrô



Phỏng vấn bà Margherita Guarducci, giáo sư khảo cổ, về việc tìm ra mộ và hài cốt của thánh Phêrô

Trong lịch sử khảo cổ Kitô thế kỷ XX có lẽ việc khám phá ra mộ và hài cốt của thánh Phêrô hồi thập niên 1950 dưới hầm đền thờ thánh Phêrô là biến cố quan trọng nhất. Nhân vật chính của cuộc khám phá này là bà Marguerita Guarducci, giáo sư khảo cổ chuyên đọc các chữ vạch trên tường.

Bà Marguerita Guarducci sinh ăm 1902 và đậu bằng tiến sĩ khảo cổ tại đại học Bologna trung bắc Italia năm 1924. Sau đó bà theo các khóa chuyên nghiệp tại Roma, Athènes và bên Đức, và là chuyên viên nghiên cứu và đọc các chữ viết và những gì thuộc thời cổ hy lạp. Từ năm 1942 tới 1972 bà là giáo sư dậy môn này tại đại học La Sapienza ở Roma. Là thành viên của Hàn Lâm viện Lincei Italia, trong nhiều năm trời bà đã từng là giám đốc Trường Khảo Cổ Italia. Các sinh hoạt nghiên cứu của bà được thu thập trong 400 tác phẩm xuất bản tại Italia cũng như ở nước ngoài, trong đó có bộ sách 4 cuốn ”Inscriptiones creticae” xuất bản năm 1955 liên quan tới các nghiên cứu khảo cổ trên đảo Creta; và bộ sách 4 cuốn ”Epigrafia greca” Chữ viết hy lạp, xuất bản giữa các năm 1967-1978. Nhưng trên hết bà đã dành nhiều năm cho việc nghiên cứu mộ của thánh Phêrô dưới hầm đền thờ thánh Phêrô. Bà qua đời tại Roma năm 1999.

Cho tới đầu thế kỷ XX đã không có vị Giáo Hoàng nào nghĩ tới việc kiểm nghiệm khảo cổ mộ của thánh Phêrô. Vài tháng sau khi được bầu làm Giáo Hoàng Đức Pio XII đã ra lệnh bằt đầu các cuộc đào bới khảo cổ dưới nền đền thờ thánh Phêrô, đặc biệt là dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin, mà truyền thống liên tục từ xưa tới nay nói là có mộ của thánh Phêrô. Các cuộc đào bới do Linh Mục Ludovico Kaas hướng dẫn, với sự trợ giúp của các nhà khảo cổ Enrico Josi, Linh Mục Antonio Ferrua, Linh Mục Engelbert Kirschbaum và kỹ sư kiến trúc Bruno Maria Apolloni Ghetti. Các cuộc đào bới đã kéo dài từ năm 1941 đến 1950 và đưa ra ánh sáng nghĩa trang thuộc thời tiền Kitô, cũng như nơi chôn cất thánh Phêrô.

Vào năm 1952 bà Marguerita Guarducci được phép thăm viếng khu vực khảo cổ này và nghiện cứu tận nơi. Bà bắt đầu việc đọc các chữ viết trên tường ngôi mộ nằm bên dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin, và nhận diện ra chữ hy lạp ”Petros eni” ”Phêrô ở đây”. Nó là bằng chứng cho thấy truyền thống đã rất là trung thực, và hoàng đế Constantino đã cho xây vương cung thánh đường với bàn thờ thẳng bên trên mộ của thánh Phêrô.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài nói chuyện giữa bà và giáo sư Federico Zeri, chuyên viên lịch sử nghệ thuyật, qua đời cách đây 10 năm. Năm 1990 giáo sư Guarducci đã thuyết trình về cuộc khám phá này tại trung tâm văn hóa Milano bắc Italia. Nó cũng là nội dung bài nói chuyện với giáo sư Zeri mới được đăng lại trên nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Đồng Giám Mục Italia, số ra ngày 26-10-2008.

Hỏi: Thưa giáo sư Marguerita Guarducci, từ bao thế kỷ nay truyền thống Giáo Hội đã nói gì về thánh Phêrô?

Đáp:
 Truyền thống Giáo Hội nói rằng ông Phêrô, bác thuyền chài vùng Galilea, người mà Chúa Kitô đã coi là thủ lãnh các môn đệ, ông hoàng của các tông đồ, đã tới Roma này để rao giảng Tin Mừng và đã tử đạo vào năm 64 dưới thời hoàng đế Neron trong hí trường Vaticano, và được chôn cất không xa nơi bị hành quyết. Vào đầu thế kỷ thứ IV hoàng đế Constantino cho xây vương cung thánh Vticăng bên trên phần mộ đó.

Đến một lúc nào đó truyền thống ngàn đời này của Giáo Hội đã gây ra các bất đồng ý kiến từ phía những người thù nghịch Giáo Hội, và những người bất đồng ý kiến đã đi tới chỗ khẳng định rằng thánh Phêrô đã không hề đặt chân tới Roma, vì họ muốn khước tự sự hiện diện của mộ thánh nhân tại Vaticăng. Đây là sự kiện rất quan trọng, vì khi nói tới mộ thánh Phêrô tại Vaticăng thì trong một nghĩa nào đó cũng có ý nói tới quyền tối thượng của Giáo Hội Roma.

Phải đợi cho tới Đức Giáo Hoàng Pio XII, là người có văn hóa uyên bác, giầu đức tính nhân bản và có tầm nhìn xa, mới có câu trả lời cho các vấn nạn kể trên. Năm 1939 vừa được bầu làm Giáo Hoàng mấy tháng Đức Pio XII cho đào bới khảo cổ hầm đền thờ thánh Phêrô để đưa ra ánh sáng chứng tích khoa học trả lời cho các nghi vấn này. Các cuộc đào bởi đã được tiến hành cho tới năm 1949. Chúng đã không được bình thường, và đã phạm các lỗi lầm không thể hiểu được.

Hỏi: Họ
 đã tìm ra những gì, đặc biệt là dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin, thưa bà?

Đáp:
 Họ đã tìm ra một nghĩa trang cổ và rộng, chạy từ hướng đông sang hướng tây và song song với hí trường Neron, nơi thánh Phêrô đã chịu tử đạo. Nghĩa trang này bị lấp đất lên trên để làm nền cho đền thờ, mà hoàng đế Constantino muốn xây cất kính thánh Phêrô.

Bên dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin người ta đã tìm thấy nhiều đài kỷ niệm và bàn thờ: cái này bên dưới cái kia, cài này bên trong cái nọ. Điều này có nghĩa là nơi tuyên xưng đức tin có từ nhiều thế kỷ qua đã là nơi tôn kính thánh Pherô. Bên dưới bàn thờ của Đức Giáo Hoàng Clemente VIII năm 1594 cũng là bàn thờ hiện nay, có một bàn thờ thời Đức Giáo Hoàng Callisto II năm 1123.

Bên trong bàn thờ của Đức Giáo Hoàng Callisto II có bàn thờ thời Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả cai quản Giáo Hội từ năm 590 tới 604. Thế rồi bàn thờ của Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả lại dựa trên một đài kỷ niệm, mà hoàng đế Constantino cho dựng trên mộ của thánh Phêrô, trước khi cho xây đền thờ giữa các năm 321-326. Đài kỷ niệm này của hoàng đế Constantino bao gồm một đài kỷ niệm cổ hơn thuộc thế kỷ thứ II, là đài kỷ niệm đầu tiên kính thánh Phêrô. Nó gồm một một phần của một điện thờ nhỏ tựa lưng vào một bức tường mầu đỏ, làm nền cho đài kỷ niệm đầu tiên kính thánh Phêrô. Trong điện thờ nhỏ này có một bức tường đầy các chữ vạch trên đó, dĩ nhiên là trước thời hoàng đế Constantino, vì nó được bao gồm trong đài kỷ niệm do hoàng đế cho xây để kính thánh nhân. Các chữ viết dầy đặc này là bằng chứng lòng sùng kính tín hữu dành cho thánh Phêrô. Ngoài ra người ta còn thấy trên nền của đài kỷ niệm có một nắp đậy ghi dấu sự hiện diện của một ngôi mộ cổ chôn trong lòng đất, trên ngôi mộ này có tất cả các đài kỷ niệm chồng chất lên nhau như vừa nói. Nhưng rất tiếc là bên dưới nắp đậy đó không có gì cả, chỉ có đất ngổn ngang. Đó đã là tình trạng kết thúc các cuộc đào bới khảo cổ từ năm 1940 đến 1949. Trong một sứ điệp qua đài phát thanh năm 1950 Đức Pio XII loan báo cho biết đã tìm thấy mộ thánh Phêrô.

Hỏi: Như thế
 giáo sư đã bắt đầu các nghiên cứu sau khi các cuộc đào bới khảo cổ kết thúc và sau khi bản tường trình được công bố năm 1952?

Đáp:
 Vâng. Một trong các chuyên viên đào bới đã công bố, cho dù một cách không đúng đắn, một bản chữ vạch trên tường được tìm thấy trên nơi có bức tường đầy các chữ vạch trên đó. Tôi đã biết tới một bản viết và trực giác được chữ ”Petrus eni” có nghĩa là ”Phêrô ở bên trong”, Khi đó tôi xin Đức Giáo Hoàng Pio XII cho phép thăm khu đào bới khảo cổ, và bắt đầu làm việc từ năm 1952 tới năm 1965. Tôi bắt đầu nghiên cứu bức tường có đầy các chữ vạch chồng chéo lên nhau đó. Việc đọc ra nó kéo dài nhiều tháng trời và đã là công trình khó nhất từ trước tới nay. Thế rồi đến một lúc nào đó tôi nắm được nút thắt của vấn đề và hiểu được nó. Các chữ vạch trên bức tường đó là một loại mật tự, nghĩa là người ta chơi mẫu tự. Có rất nhiều tên của thánh Phêrô nhưng viết tắt với các chữ P, PE, PET, và thường kết hiệp với tên Chúa Kitô, với biểu tượng của Chúa Kitô, nguyên cổ tự của Chúa Kitô và tên Đức Maria, nhất là nhiều lời tung hô chiến thắng của Chúa Kitô, thánh Phêrô và Đức Maria. Thế rồi các chữ vạch trên bức tường đó cũng nhắc đến Thiên Chua Ba Ngôi, Chúa Kitô là Ngôi Hai vv... Tóm lại, có tất cả nền thần học thời đó được vạch trên bức tường này.
 
Hỏi: Thế còn liên quan tới xương thánh Phêrô thì sao thưa giáo sư?

Đáp:
 Ban đầu tôi không hề nghĩ là một ngày kia mình có thể cầm hài cốt của thánh Phêrô trong tay. Hài cốt của thánh Phêrô nằm trong mộ chôn dưới đất, bên dưới nắp đậy nói trên, như Giáo Hội vẫn tuyên bố. Thế rồi khi hoàng đế Constantino muốn xây điện thờ dâng kính thánh nhân người ta đã lấy hài cốt của thánh nhân lên và bọc trong một miếng nhung đỏ thêu chỉ vàng và đặt vào bên trong một hộc và được đóng kín lại.

Nhưng xảy ra là trong cuộc đào bới khảo cổ, để cho nhanh việc các nhân viên đào bới dùng loại cọc nhọn đóng thủng bàn thờ của Đức Giáo Hoàng Callisto II để mau tới mộ thánh Phêrô. Do đó có rất nhiều mảnh vữa rơi từ bên trong và bên ngoài của bức tường đỏ, và tất cả rơi vào trong hộc nói trên và trên hài cốt bọc trong mảnh nhung đỏ thêu chỉ vàng, mà hoàng đế Constantino đã cho đặt bên trong hộc mộ của đài kỷ niệm. Vì thế nên nó giống như một đống mảnh vụn, và người ta đã không nhận ra xương cốt của thánh Phêrô.

Hỏi: Thế rồi câu chuyện ra sao thưa giáo sư?

Đáp:
 Hồi đó Đức Ông Kaas, người thân tín của Đức Giáo Hoàng Pio XII là giám đốc cơ quan tu sửa đền thờ thánh Phêrô. Nhận thấy trong các đống mảnh vụn có xương người Đức ông sai vứt các mảnh vữa vụn đi và thu lượm xương vào một chiếc hộp và cất giữ ở một nơi trong hầm đền thờ Vaticăng, và chiếc hộp này không được biết đến trong 10 năm trời. Giáo sư Correnti, một nhà nhân chủng thân tín của tôi đã phân tích hài cốt và cho biết đó là các xương của cùng một người đàn ông cao niên, có thân hình vạm vỡ thuộc thế kỷ thứ I.

Các cuộc khám nghiệm kết thúc năm 1964. Và năm 1965 tôi cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Các thánh tích của thánh Phêrô dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin của đền thờ thánh Phêrô”. Cuốn sách đã gây ra tranh luận sôi nổi: có người thì sung sướng vì các kết qủa đạt được, có người khác thì không hài lòng. Sau khi tôi đưa ra các minh xác năm 1967, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố là Giáo Hội đã tìm thấy hài cốt của thánh Phêrô. Theo tôi không phải tình cờ mà xương thánh Phêrô đã được giữ gìn trong đền thờ thánh Phêrô ngay từ đầu cho tới ngày nay.

(Avvenire 26-10-2008)

Linh Tiến Khải
(vi.radiovaticana.va)