Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

TÔI TIN



GIÁO LÝ TÍN LÝ - BÀI 1: TÔI TIN


       1. Tại sao nói “Tôi tin” ?
        Không nói : “chúng tôi tin”, như trong các kinh Phụng Vụ mà lại nói “tôi tin”, vì đây là lời tuyên xưng Đức Tin của người có đủ trí khôn.
        Đức Tin chân chính, thực sự, phải là Đức Tin của chính mình, của cá nhân mình, không thể ai tin thay cho mình được. Thánh Kinh thuật lại nhiều câu truyện chứng tỏ Đức Tin như thế.
        Như những người ở Samaria, sau khi nhờ người đàn bà ra lấy nước ở giếng Jacob…, giới thiệu Chúa Giêsu và được nghe chính Chúa giảng dạy, họ đã nói với bà :
         “Bây giờ không phải vì bà nói mà chúng tôi tin nữa ; chính chúng tôi đã được nghe Ngài nói và bây giờ chúng tôi biết Ngài chính là Đấng Cứu Thế !” (Ga 4,42).
          Các tông đồ cũng vậy, sau 3 năm theo Chúa, nghe Chúa giảng dạy, chứng kiến mọi việc Chúa làm, các ngài đã được như Chúa Giêsu nhận định :
         “Con đã tỏ danh Cha cho những người mà Cha đã trao cho con… Bây giờ thì chúng biết rằng mọi sự Cha ban cho Con đều là do Cha…, chúng thực sự đã xác nhận là Con bởi Cha mà ra và chúng đã tin là Cha đã sai con”(Ga 17,6-8).
         Thánh Phaolô cũng đã đạt tới niềm tin như vậy, khi ngài viết cho môn đệ Timôtê của ngài :
         “Tôi biết tôi tin vào ai, và tôi xác tín rằng Đấng ấy có đủ quyền năng để bảo tồn kho tàng của tôi cho tới Ngày đó” (2 Tm 1,12).
         Qua ba đoạn Thánh Kinh trên, chúng ta có thể ghi nhận điều này : Đức Tin Công Giáo chính là “Tôi tin”!
         “Tôi” : chứ không phải ai khác thay tôi !
         “Tôi” : một chủ thể độc lập sáng suốt, sẵn sàng lãnh mọi trách nhiệm, mọi hậu quả về lập trường, về hạnh kiểm của tôi, chứ không phải sống dựa, sống gửi !
         “Tôi” : sẵn sàng hoạt động truyền bá niềm xác tín nơi Sự Thật, Sự Thiện mà tôi đã gặp được ! Sẵn sàng hành động để cải tạo, xoay chiều mọi sự theo chiều hướng Sự Thật mà tôi biết rõ đó là Sự Thật duy nhất và cho mọi người !
         “Tin” là “biết”, là “xác nhận”, là “xác tín” đấy chính là Sự Thật ! “Thật” cho trí khôn nhận định, suy nghĩ ; “Thật” cho tâm hôn khát vọng, tìm kiếm, vui hưởng, an nghỉ ; “Thật” cho đời sống thực tế của con người với bao ngả đường quyến rũ, với trăm hình vạn trạng, với khả năng tiến bộ gần như vô biên ! Vì Đấng tôi tin là “Sự Sung Mãn” (Cl 1,19), “mọi vật hữu hình, vô hình, mọi Uy Quyền, Vương Chức, Bá Chủ, Quyền Năng : tất cả đều đã được dựng nên bởi Ngài và cho Ngài” (Cl 1,16) “đời này hay đời sau”(Ep 1,21) “trên Trời hay dưới đất” (Ep 1,10).
         Con người “tin” là con người nắm chắc sự Thật và là sự Thật hoàn toàn đầy đủ, nên không bị như gió cuốn chạy theo các tư tưởng, các lý thuyết, các dụ dỗ (Ep 4,14 ; Cl 2,8) dù là cho thần thánh trên trời xuống nói (Gl 1,8). Trái lại, con người đó “đi trong ánh sáng” (Ga 8,12) và sống vui an hưởng  “mạch nước trong mát phát xuất tự trong tâm hồn” vững một niềm tin (Ga 7,37).
        Chúng ta học Giáo lý, chúng ta được những người đại diện Giáo Hội, nhân danh Giáo Hội dẫn chúng ta  tìm gặp Lời Chúa trong Thánh Kinh : chính chúng ta  nghe chính Chúa nói, chúng ta biết việc chính Chúa làm!
        Chúng ta phải cố gắng suy nghĩ, nhận định như những người lớn, “trưởng thành”, để làm sao chúng ta  có thể nói như các người ở thành Samaria trên kia : Bây giờ, không phải Ba Má, người đỡ đầu nói tin thay tôi như lúc nhỏ…, nhưng là chính tôi đã nghe Chúa nói trong Thánh Kinh, và tôi tin, tôi biết, tôi xác nhận, tôi xác tín!

        2. Tôi tin gì ?
        Nếu tìm lại trong Thánh Kinh từ đầu với Ông Tổ của Đức Tin là Abraham, thì chúng ta thấy những “người tin” đã tin khác nhau, tuỳ như Chúa mạc khải cho họ !
        Abraham tin Chúa có thể thực hiện lời hứa bất chấp mọi trái ngược bề ngoài, trong vụ tế lễ Isaac (St 15,6).
        Maisen tin Chúa trợ giúp để lướt thắng mọi trở ngại trong việc đưa dân Chúa ra khỏi Ai Cập (Xh 3,12).
        Dân Israel tin Chúa bênh vực mình như Dân riêng của Chúa (Đnl 26,5-9).
        Các Tiên Tri là những người nhắc nhủ cho Dân Chúa luôn giữ một niềm tin vững chắc vào một mình Chúa là Đấng có thể cứu được Dân Chúa mà thôi ; mọi hư thần khác đều bất lực ! Lòng tin tưởng vào Chúa che chở bênh vực này tạo nên lòng kính yêu Chúa, khát khao Chúa, và sự an vui sống với Chúa (Thánh vịnh).
         Các người suy nghĩ và hoạt động thì tin vào Chúa thưởng phạt đời này và nhất là đời sau(Khôn ngoan, Macabê).
          Bước sang Tân Ước, niềm tin Cựu Ước được bổ túc bằng những mạc khải do Chúa Giêsu : về thân thế Đức Kitô Đấng Thiên Chúa sai đến, Đấng Cứu Thế là chính Ngài, và về Chúa Ba Ngôi Cha, Con và Thánh Thần trong Chương Trình Cứu Độ.
          Đức Tin các Tông Đồ, các giáo hữu tiên khởi và cũng là của cả Giáo Hội cho đến ngày nay, chính là Đức Tin của  Cựu Ước được hoàn bị do Chúa Giêsu.
          Các bản tuyên xưng Đức Tin, các bản Kinh Tin Kính có trong Giáo Hội từ đầu cho tới nay đều phản ảnh Đức Tin đó.
Đức Tin gồm 2 phần :
-       Tin Thiên Chúa Ba Ngôi.
-       Và tin Đấng Thiên Chúa sai là Đức Kitô (Ga 17,3)
Hai phần này được quảng diễn nhiều hay ít, nhấn mạnh phương diện này hay phương diện khác, đó là những yếu tố tạo thành vô số những bản tuyên xưng Đức Tin và Kinh Tin Kính.
Trong số các Kinh Tin Kính, có 3 bản ngày nay được dùng đến nhiều. Đó là : Kinh Tin Kính quen gọi là của các Tông Đồ, Kinh Tin Kính của công đồng Nicée-Constantinople đọc trong Thánh Lễ, bản thề chống Tân Phái do Đức Giáo Hoàng Piô X đặt ra mà các Tân Linh Mục, Giám Mục, các Giáo Sư Chủng Viện, Đại Học của Giáo Hội… phải đọc trước khi chịu chức hay nhận chức.
Chương trình giáo lý này quảng diễn Kinh Tin Kính các Thánh Tông Đồ sẽ giúp ta hiểu rõ : Tôi tin gì ?

Đề tài trao đổi
Phải làm gì để có một Đức Tin cá nhân thật ?
Nếu tin thật, ta sẽ phải sống thế nào ?

Lm. An tôn  Trần văn Trường 
(nguồn : giaolyductin.net)