Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

KÍNH RÂM



Họ chia tay nhau đầy cảm động. Ông nắm lấy tay bà khi đôi tay bà đã không còn đủ sức mà run rẩy nữa. Trái tim ông lay chuyển như có động đất. Ông cố nuốt nước mắt nhưng nó vẫn trào ra như con đập vỡ. Ông không đủ thời gian để nói với vợ mình những điều đáng lẽ phải nói từ rất lâu rồi. Con đập tự ái đã nhiều năm trường ngăn lại những con sóng dập dềnh muốn thoát ra khỏi cái kiêu ngạo của chính nó…
Để hôm nay, đột nhiên ông thấy tất cả sự rực rỡ của mối tình vợ ông dành cho ông suốt cả cuộc đời. Những ánh hào quang ấy, ông đã từng nhận ra khi hai người quen nhau. Đến khi họ chung sống trong một mái nhà thì ánh hào quang lu mờ dần, đến nỗi ông chỉ nhận ra ông là người duy nhất hiện diện trong túp lều từng có hai trái tim vàng. Ông đắc thắng với lời lẽ từng suốt đời làm bà quy phục! Ông hả hê khi vợ ông khóc thầm vì những lời càu nhàu không ngớt trên môi ông…
Khi con đập nứt ra, rồi tan tác để cả giòng thác thời gian trôi sạch sẽ xuống hạ lưu. Trong lòng hồ bỗng tìm thấy những viên ngọc lấp lánh cánh môi cười của người ông từng yêu. Không cần phải bới lên, ông thừa biết lẫn trong vô vàn rêu phong, là cái đẹp vĩnh hằng của sự nhường nhịn mà vợ ông cả đời dành cho ông.
Tất cả, buồn thay, lại trở nên rõ ràng khi ông sắp mất người yêu ông nhiều nhất trên chốn dương trần này. Cả cuộc đời, ông đã bắt vợ mình phải mặc chiếc áo chỉ vừa với bản thân bất nhất của ông. Bà vẫn cố mặc, dù biết chiếc áo ấy chẳng hề vừa với bà. Nhưng có sao, nếu điều ấy làm ông vui lòng?
Dĩ nhiên là bà không còn sống để nhường nhịn ông thêm nữa. Sự hối lỗi chẳng làm bà sống thêm với ông dù chỉ một phút giây…
Vậy đó, con người ta luôn tự cho mình có toàn quyền quyết định về mọi sự trong đời sống. Dù đó là một mái gia đình đơn sơ, hay trong một cộng đoàn phức tạp hơn, thì cái tôi của mỗi người vẫn luôn là nguyên cớ cho mọi sự bất hòa. Cái tôi ấy chưa từng đáp ứng được những cái tôi khác trong đời, vì nó phát xuất từ lòng ích kỷ. Lắm lúc, sự ích kỷ ấy còn khoác áo nhà tu để gây ngộ nhận nơi người khác. Nhưng như lớp sơn sẽ bong tróc theo thời gian và theo nắng mưa liên lỉ, chiếc áo nâu sòng sẽ rách ra, để lộ chân tướng của kẻ đạo tặc dấu mặt.
Nếu có cái tôi nào phát xuất từ tình yêu thì may ra bóng của nó còn làm mát chút ít cho cuộc đời. Ngược lại, những cái tôi, những định chế phù phiếm của con người chỉ dẫn chính con người đến bến bờ chia rẽ.
Nghĩ thế, để nhớ lại lời Đức Giê su khi Ngài khẳng định với những kẻ đạo đức giả: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”
Chỉ một chút không rửa tay trước khi ăn của môn đệ Ngài như luật lệ từng quy định, mà những kẻ đạo đức giả kết án họ. Chỉ vì lòng họ chất đầy sự tị hiềm. Chỉ khi nào con đập vỡ ra, họ mới nhìn thấy chính họ mới là kẻ đáng bị kết án. Mắt họ chỉ đeo kính đen, nên dù trời chói nắng thì họ vẫn than vãn về bóng tối. Chỉ cần họ mở lớn con mắt yêu thương, thì hẳn rằng họ sẽ thấy lấp lánh vô vàn những hạt ngọc dưới đáy hồ nhơm nhớp rêu phong.
                                                
                                                         LAM TRẦN 29.08.2015


Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

VỚI CẢ TÂM TÌNH

                                                                                                    (www.40giayloichua.net)

SUY NIỆM
CHÚA NHẬT XXII MÙA THƯỜNG NIÊN B - 30/8/2015

                                                                                ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Truyện thiền kể có hai nhà sư xuống núi. Dọc đường các ngài gặp một thiếu nữ đứng bên vũng nước sâu. Thiếu nữ muốn đi qua mà không sao đi được. Thấy vậy, một nhà sư liền bế thiếu nữ vượt qua vũng nước. Trở về gần đến chùa, nhà sư kia trách bạn: "Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế?" Nhà sư trả lời: "Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa".
Câu chuyện ý nhị trên đã minh họa rõ nét về hai lối sống đạo. Lối sống đạo theo hình thức và lối sống đạo theo nội tâm. Nhà sư trọng hình thức không dám động đến thiếu nữ, nhưng tâm hồn ông lại nặng vấn vương. Thế mà ông vẫn yên tâm cho rằng mình đã giữ trọn luật giới sắc. Ông tự hào về mình và trách móc bạn đã vi phạm luật tu hành. Ông đã hoàn toàn giữ luật theo hình thức bề ngoài mà không xét đến nội tâm của mình.
Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do Thái cũng giữ đạo theo hình thức như thế. Họ rất trọng những lề luật theo hình thức bề ngoài. Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Theo họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Đặc biệt là luật thanh sạch. Người Do Thái có nhiều cấm kỵ ô uế. Bị coi là ô uế những người mắc bệnh phong, những người phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo. Ai tiếp xúc với những người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ngay cả những đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế. Ai động đến những đồ vật đã bị ô uế cũng sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ô uế là tội lỗi. Những người bị ô uế sẽ không được dâng lễ vật cho Chúa. Để tránh ô uế, người Do thái luôn rửa tay, rửa bát bên ngoài cho sạch.
Đức Giêsu chê trách họ là giả hình. Vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Đức Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám xấu xa. Vì quá chú trọng đến những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài, họ biến đạo thành một mớ những nghi thức trống rỗng vô hồn. Đọc kinh cho đủ bổn phận mà không cầu nguyện. Ăn chay để giữ đúng luật hơn là để hạn chế tính mê tật xấu. Làm việc bác ái để phô trương hơn là để chia sẻ với người anh em cơ nhỡ. Tệ hại nhất là họ giữ đạo mà không thật lòng yêu mến Chúa. Nên hôm nay, Đức Giêsu đã nặng lời chỉ trích họ: "Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta".
Những hình thức bên ngoài không phải là không cần thiết. Nhưng những hình thức bên ngoài, muốn có giá trị, cần phải phát xuất từ tâm tình bên trong. Nội tâm con người là nguồn mạch của mọi hành vi. Nội tâm có tốt thì hành vi mới tốt. Nội tâm có chân thật thì hành vi mới có giá trị. Đạo Chúa không phải là hình thức. Đạo Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phaolô dạy: "Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi".
Vì thế, khi làm việc gì, điều cần thiết là cho cử chỉ phản ánh trung thực tâm hồn. Tất cả mọi việc làm lời nói ra bên ngoài phải phát xuất từ tâm hồn chân thực. Nhất là phải làm sao cho mọi nghi thức tôn giáo phát nguồn từ trái tim yêu mến chân thành. Việc từ thiện phải phát nguồn từ một tình yêu mến huynh đệ, thành thực muốn chia sẻ. Lời cầu nguyện phải phát xuất từ một trái tim yêu mến của người con hiếu thảo đối với Cha trên trời. Việc ăn chay phải khởi đi từ ý muốn chế ngự các nết xấu. Nghi thức thanh tẩy phải cử hành trong tâm tình sám hối. Có như thế, khi môi miệng đọc kinh, lòng ta mới gần gũi Chúa. Khi ăn chay, tâm hồn ta mới tan nát vì tội lỗi. Khi làm việc bác ái, ta tránh được thói phô trương. Khi rửa tay, tâm hồn ta mới được thanh tẩy nên trong trắng. Với tất cả tâm tình, những nghi thức mới trở nên có hồn, thành thực. Với tất cả tâm tình, ta mới thực sự sống đạo. Với tất cả tâm tình, đạo mới đưa ta đến gần Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa.

(Nguồn : tonggiaophanhanoi.org)


Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

PHIM : " THÁNH AUGUSTINO TỰ THUẬT "




                     Thánh Augustinô, Giám mục Tiến sĩ Giáo hội (354-430)


Ngài vào đạo lúc 33 tuổi, làm linh mục lúc 36 tuổi, và làm giám mục lúc 41 tuổi. Ngài là một tội nhân trở thành thánh nhân.
Đó là nhờ nước mắt của người mẹ là thánh Monica, sự hướng dẫn của thánh giám mục Ambrôsiô, và nhất là chính Thiên Chúa đã nói với thánh Augustinô qua Kinh thánh để soi dẫn Augustinô từ tình-yêu-cuộc-sống đến cuộc-sống-tình-yêu.
Trong những năm đầu đời, ngài đắm chìm trong kiêu ngạo và tội lỗi, nhưng ngài đã trở lại và sống thánh thiện, chống lại mọi thủ đoạn của ma quỷ thời ngài – suy đồi về chính trị, xã hội và luân lý. Chính kinh nghiệm đời ngài mà ngài đã để lại cho chúng ta những câu nói bất hủ.
Cũng như tiên tri Giêrêmia và các tiên tri khác, thánh Augustinô cũng không thể im lặng: “Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20:9).

               KÍNH MỜI XEM PHIM :
  " THÁNH AUGUSTINO TỰ THUẬT  "


                   

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

THÁNH AUGUSTINO, BẬC TRÍ THỨC CỦA MỌI THỜI



1. Hối nhân trở thành thánh nhân
Thánh Augustinô sinh ngày 13 tháng 11 năm 354, tại Tagaste, nay là thành phố Souk-Ahras thuộc nước Algeria, nằm phía Bắc Phi Châu. Cha ngài là thị trưởng Patricius, thuộc gia tộc quyền quý và mẹ là Monica, một tín hữu công giáo, đạo hạnh, gương mẫu và giàu nhân đức. Mẹ Monica đã kiên trì cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và mở lòng người chồng và người con trai yêu quý tìm về nguồn Chân Thiện Mỹ. Ơn Chúa rất huyền nhiệm và linh động nơi cuộc đời Augustinô.
Khi còn bé, Augustinô là một cậu bé tinh nghịch, thông minh xuất chúng, nên cậu là niềm hãnh diện của ông Patricius. Sau 16 năm sống với gia đình tại Tagaste, ngài đã được cha mẹ cho đi học về văn khoa hùng biện tại Carthage vào cuối năm 370.
Thành phố Carthage là một thành đô phồn thịnh, những toà nhà nguy nga lộng lẫy, thổ dân ở đây đa số là đa thần, và lối sống cao xa dễ đưa con người vào con đường xa hoa trụy lạc. Cuộc sống ở đô thành đã thu hút biết bao bạn trẻ, và Augustinô cũng không ngoại lệ. Tuy con đường học vấn trổi vượt hơn các bạn học nhưng đời sống tâm linh và luân lý bị suy sụp.
Năm 19 tuổi, Augustinô đã trở thành giáo sư triết học. Sự thành công trong học vấn đã tạo cho ngài một chỗ đứng vững vàng trong xã hội. Những kiến thức thâm thúy và sự khôn ngoan của triết gia Cicero đã gợi trong tâm thức Augustinô nỗi khát vọng tìm kiếm sự khôn ngoan chân thật. Khi nghe giáo chủ của giáo phái Manikê hùng biện về giáo thuyết của họ, ngài bị thu hút và đã gia nhập giáo phái này. Với tài hùng biện sẵn có, ngài đã thuyết phục được bao nhiêu người gia nhập vào giáo phái đó.
Sau những năm theo học tại Carthage, năm 373, ngài trở về quê Tagaste, nhưng mẹ ngài không thể đón nhận một người thuộc bè phái Manikê dù đó là con trai của mình. Nhưng tình yêu đã khiến Monica tha thứ và hết lời khuyên con trở về chính lộ. Thời gian ở Tagaste, Augustinô đã mở lớp dạy môn khoa Ngữ Văn để kiếm tiền sinh sống.
Suốt 9 năm làm tín đồ Manikê, đến năm 383, khi tròn 29 tuổi, ngài ao ước sang Ý để lập nghiệp, nhưng ý định này không được mẹ tác thành. Tuy nhiên, ngài vẫn trốn mẹ mà đi sang thánh đô Rôma, nước Ý. Khi đến nơi, ngài đã lâm trọng bệnh và sau khi hồi phục ngài đã mở lớp dạy chuyên khoa văn hùng biện. Học sinh ở đây không trả lệ phí nên ngài nản lòng và bỏ dạy. Cuối cùng, ngài xin dạy tại đại học ở Milan. Là một giáo sư dạy triết học, ngài say mê tìm kiếm và đào sâu vào triết lý của Plato.
Năm 384-387, là giai đoạn khủng hoảng niềm tin. Giai đoạn khủng hoảng được chấm dứt khi ngài nghe bài giảng thật huyền nhiệm của thánh Giám mục Ambrôsiô. Phục Sinh năm 387, Augustinô được Rửa tội tại Nhà thờ Milan. Ít lâu sau, đang khi phải chiến đấu dữ dội với những ham muốn của xác thịt, ngài đã nghe như có tiếng thúc bách từ nội tâm là hãy cầm sách Thánh lên để đọc. Ngài mở thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma: “Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14). Niềm vui và sự bình an khôn tả tràn ngập tâm hồn Augustinô và đã biến đổi cuộc đời của ngài hoàn toàn.
Hè năm 387, Augustinô cùng với mẹ và các bạn đồng hành đến cảng Ostia. Ít lâu sau, mẹ ngài qua đời và được chôn cất tại đây. Năm 388, ngài trở về Tagaste. Cùng với người bạn Alypius, ngài đã thành lập đan viện để sống chiêm niệm. Năm 391, ngài được phong chức linh mục thành Hippo và ở đây cho đến chết.
Khi nhận ra Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ, ngài đã viết rất nhiều sách để phi bác các lạc thuyết thời bấy giờ. Năm 395, ngài được phong làm phụ tá Đức Giám mục thành Hippo. Sau khi Đức Giám mục Valerius thành Hippo băng hà năm 396, thánh Augustinô lên kế vị. Sự khôn ngoan và thánh thiện của ngài đã giúp cho Giáo hội Phi Châu tiến triển rất nhiều. Ngài còn để lại những bộ sách quý giá về thần học, minh giáo và chú giải Thánh Kinh. Trong suốt quãng thời gian làm Giám mục, ngài còn thể hiện một tinh thần khiêm tốn và tình huynh đệ bác ái tuyệt hảo đối với các linh mục dưới quyền ngài.
Sau khi trở lại, thánh Augustinô sống nhưng không còn phải là ngài sống nữa, mà là Đức Kitô sống nơi ngài. Khi mọi sự đã hoàn tất, Chúa đã gọi ngài một lần nữa qua cơn bệnh trầm trọng và đã qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430 tại Hippo. Ngài đã được phong thánh và được nâng lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1303.
Thánh Augustinô trở lại vào năm 33 tuổi và 3 năm sau Ngài trở thành linh mục, rồi năm 41 tuổi làm giám mục. Ngài biết Chúa và yêu Chúa tuy muộn màng nhưng thật nồng cháy “Con đã yêu mến Ngài quá muộn, ôi Đấng tốt đẹp rất cổ kính và rất tân kỳ! Con đã yêu mến Ngài quá muộn!
"Này, Ngài vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con và vì thế con tìm Ngài ở bên ngoài; là kẻ xấu xa, con đã lăn xả vào những vật xinh đẹp Ngài đã tạo dựng nên. Ngài đã ở với con mà con lại không ở với Ngài. Chính những vật, nếu không hiện hữu trong Ngài thì không bao giờ hiện hữu, đã cầm giữ con xa Ngài. Ngài đã kêu gọi, đã gào thét, đã thắng sự điếc lác của con. Ngài đã soi sáng, đã chiếu rọi, đã xua đuổi sự mù lòa của con. Ngài đã tỏa mùi thơm của Ngài ra và con đã được hít lấy và đâm ra say mê Ngài. Con đã được nếm Ngài, và đâm ra đói khát Ngài; Ngài đã đụng tới con và con ước ao sự bình an của Ngài”. (Tự thuật X, 27, 38 ). Ngài đã cầu nguyện, đọc tìm hiểu Kinh Thánh và lắng nghe Lời Chúa nên luôn thao thức “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa” (Tự thuật I, 1, 1).    
                                          

2. Thánh Augustinô, bậc trí thức của mọi thời
Thánh Augustinô để lại cho Giáo hội một kho tàng tư tưởng quý giá trong 252 cuốn sách lớn nhỏ, 509 bài giảng đủ loại, và 207 lá thư xa gần. Những tư tưởng bất hủ của ngài thường được trích từ ba cuốn sách nổi tiếng là: Những thú nhận, Thành trì của Thiên Chúa, về Chúa Ba Ngôi.
Nội dung tư tưởng phần lớn tập trung vào ba lãnh vực: Triết học, thần học, linh đạo. Hình thức ngài dùng để diễn tả nội dung là rất phong phú. Tất cả đều mang dấu ấn của một người học cao về văn chương và hùng biện.
Đọc những tác phẩm của thánh Augustinô, người nghiên cứu thấy: Phần, mà ngài nhận được bởi người khác, là rất đa dạng. Phần, mà ngài tự suy nghĩ ra, là rất sâu sắc. Ngài đã là giáo sư ở Thagaste, Carthage, Roma và Milan. Ngài có quan hệ mật thiết với nhiều bạn bè trí thức, trong đó có thánh Ambrôsiô.
Trí thức của thánh Augustinô được nhận thấy ở điểm chung này là: Say mê đi tìm sự thật, lẽ phải và đức khôn ngoan. Đối tượng là Thiên Chúa và con người. Sau khi đã mải miết đi tìm ở các trường phái, các trường học, các học giả, thánh nhân đã đi tìm nơi Đức Kitô. Ngài thú nhận: Chỉ Đức Kitô mới cho ngài thấy rõ sự thực, lẽ phải và sự khôn ngoan. Chỉ Đức Kitô mới là thầy chỉ cho ngài thấy con đường phần rỗi. Đức Kitô dạy ngài qua gương đạo đức của mẹ ngài là thánh Monica, qua Lời Chúa và trong nội tâm sâu thẳm của ngài. Ngài ghi lại tất cả cuộc đời thăng trầm của ngài một cách rất khiêm nhường. Với những tư tưởng trí thức trộn vào những kinh nghiệm bản thân, thánh Augutinh đã phản bác các bè rối một cách trí thức và đạo đức. Cũng với trí thức và đạo đức, ngài đã lập cộng đoàn tu viện ở Thagaste, đã sống đời mục vụ khi làm giám mục ở Hippone. Tại đây, ngài cũng đã trí thức trong lối sống của ngài.
Một chọn lựa đã được thánh Augustinô hay nhắc tới, đó là đời sống bên trong hơn đời sống bên ngoài. Trong mục vụ, thánh Augustinô lo cho đời sống bên ngoài của con chiên bằng nhiều cách, nhất là bằng cách dạy bảo, cảnh báo, khuyên răn. Nhưng điều quan trọng hơn ngài luôn cố gắng là, lo cho con chiên đi vào nội tâm mình, để gặp gỡ Đức Kitô. Trong cố gắng ấy, ngài thường nhấn mạnh đến đời sống phục vụ trong yêu thương, tình nghĩa theo gương Đức Kitô. Chính Đức Kitô mới là Đấng dạy dỗ nội tâm và đổi mới con người bên trong. Vì thế, mục đích sau cùng, mà ngài nhắm tới trong mọi bài giảng, là dẫn con người đến với Đức Kitô.
Thánh Augustinô là niềm tự hào của giáo phận Hippone, của Hội Thánh Phi châu, của Hội Thánh toàn cầu.
Nếu nhìn Hội Thánh Việt Nam qua gương trí thức của ngài, chúng ta sẽ thấy mình còn nhiều điều phải cố gắng thêm.
Bước đầu của trí thức là biết nhận thấy vấn đề. Trong lãnh vực tư tưởng cũng như trong lãnh vực đời sống, trí thức vẫn là một tiếng gọi. Dù đối thoại, dù đối kháng, chúng ta cần phải trí thức. Nhất là trí thức Phúc Âm. Những chọn lựa đạo đức, nếu thiếu chiều sâu trí thức, sẽ khó có thể làm cho Chúa được vinh quang trên đất nước Việt Nam hôm nay một cách hữu hiệu và lâu bền.
Trên đất nước Việt Nam hôm nay và ngày mai, trí thức đang và sẽ phát triển ở mọi tầng lớp. Trí thức cũng đang được khát khao ngay ở thôn quê bình dân nghèo túng.
Ước mong Công giáo Việt Nam khi hiện diện và đồng hành, sẽ không thiếu một đội ngũ trí thức tầm cỡ đi đầu. Vừa trí thức trong đạo, vừa trí thức ngoài đời. Khối trí thức ấy sẽ sát cánh kề vai với các trí thức xã hội, để cùng với tất cả đồng bào, xây dựng quê hương chung là Việt Nam yêu mến của chúng ta. Chúng ta thành khẩn dâng lên Chúa mong ước trên đây với tâm tình cầu nguyện khiêm cung. (x. Vietcatholic 27-8-2010, nhân lễ kính thánh Augustinô, suy nghĩ về trí thức; ĐGM Bùi Tuần).
3. “Giám mục vì anh chị em, Kitô hữu với anh chị em”
Cho anh chị em, tôi là Giám mục, cùng với anh chị em tôi là Kitô hữu. Tước hiệu thứ nhất là trách vụ đã lãnh nhận, tước hiệu thứ hai là của ân sủng. Tước hiệu đầu nói lên mối nguy hiểm, tước hiệu sau nói lên ơn cứu độ.
Thánh Augustinô đã sống một đời sống cầu nguyện liên lỉ, không ngừng đào sâu Kinh Thánh. Kinh nguyện trong cộng đoàn giúp ngài thêm mạnh mẽ. Sự ân cần của ngài đối với mọi người luôn là một huyền thoại: những người dự tòng chuẩn bị bí tích Rửa Tội, những người bị mất phương hướng luân lý viết thư xin ngài chỉ giáo, những giáo lý viên chán nản, những linh mục mất định hướng thần học…
Đối với Augustinô, người Kitô hữu phải kết hợp thành một thân thể duy nhất với Chúa Kitô. Vả lại, cuộc sống Kitô hữu là gì, nếu không phải là mặc lấy Chúa Kitô, tái sinh trong Thiên Chúa và trong sự thăng tiến tâm linh cho đến lúc gặp gỡ Thiên Chúa mặt đối mặt?
Cầu nguyện
Ôi thánh Augustinô ngàn đời hạnh phúc.
Thiên Chúa đã chọn Ngài để trở thành mục tử của Hội Thánh. 
Thiên Chúa đã ban cho Ngài đầy tinh thần Khôn ngoan và thông hiểu. 
Suốt đời, Ngài đã tìm kiếm Thiên Chúa với cả con tim thổn thức của mình. 
Trong đức tin, với lòng tín thác, tình yêu và sự bền chí, chúng con kêu cầu Ngài vì Ngài là cha chúng con: 
Xin giúp chúng con được củng cố trong đức tin, đức cậy và đức mến. 
Xin giúp chúng con biết noi gương Ngài luôn khát khao Thiên Chúa là nguồn mạch của sự khôn ngoan đích thực. 
Xin cũng giúp chúng con tìm thấy sự nghỉ an trong Thiên Chúa, chủ thể tình yêu vĩnh cửu mà thôi. Amen.
(Lời nguyện trong tuần cửu nhật chuẩn bị Năm Thánh của Tiểu chủng viện Thánh Augustinô-Koupélà).
(Nguồn : tgpsaigon.net)

THÁNH NỮ MONICA




Có những giọt nước mắt đem lại hạnh phúc cho người khác.Có những giọt lệ làm lay chuyển tâm hồn người khác . Giọt nước mắt của người mẹ luôn có tác dụng rất lớn đối với con cái. Giọt nước mắt của thánh nữ Monica đã biến đổi cả cuộc đời của Augustinô,người con trai, đầu lòng thông minh nhưng ngang tàng, trụy lạc. Thánh nữ Monica đã cầu nguyện, đã khóc lóc, Chúa đã nhậm lời và ban cho con của thánh nữ là Augustinô ơn cải hóa từ tâm, ơn đổi mới tâm hồn,ơn làm đẹp con tim :con tim mới,cái nhìn mới .

MỘT CON NGƯỜI


Có một người nữ được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, thánh thiện:tên người nữ ấy là Monica . Monica sinh vào năm 332 tại làng Sucara bên Phi Châu.Gia đình Monica vốn có truyền thống đạo đức,yêu thương tha nhân,yêu thương người nghèo .Được sống trong bầu khí đạo đức của gia đình, monica sớm trở thành một cô bé ngoan hiền, nhiệt thành, sốt sắng. Ngay từ lúc còn nhỏ Monica đã có tâm hồn quảng đại yêu thương người nghèo:mỗi bữa cơm Monica thường dành ra một phần cho người đói túng thiếu và Monica thường tìm chỗ vắng vẻ để thân mật nói chuyện với Chúa .Monica đã biết biến những phút giây gặp gỡ người nghèo, chia sẻ cho người nghèo, cầu nguyện làm hạnh phúc cho đời mình. Cô đã biết biến những phút giây ấy làm phút giây cứu độ cho mình và cho người khác.

Con người đạo đức vẫn thường gặp truân chiên như nhiều người thường nói . Oâng Gióp đã là chứng minh hùng hồn cho cuộc đời thánh thiện,nhưng gặp toàn những chuyện thử thách,rắc rối .

Thánh Giuse là người công chính nhưng cũng gặp đắng cay nếu không hiểu được ý Chúa, chắc chắn Người đã đứt gánh giữa đường. Monica cũng nằm trong diện ấy . Năm 22 tuổi,vì vâng lời cha mẹ, thánh nữ đã kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi quí phái,nhưng tính tình xấu xa,ngang ngược,độc ác và lại hơn Monica cả hai con giáp.Đau khổ nhưng Monica đã chấp nhận ý cha mẹ và âm thầm cầu nguyện cho chồng vì thánh nữ xác tín mình sẽ cứu được một linh hồn trở về với Chúa.Nhờ lòng quả cảm,đức tính khiêm nhường,và nhờ cầu nguyện vững tin vào Chúa, Monica đã cảm hóa được người chồng và sau này bà sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng sau này chính nhờ những giọt lệ thành tâm và nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của thánh nữ, Augustinô đã trở lại và trở nên thế giá , trở nên thánh .

VẪN GIỌT NƯỚC MẮT CỦA MONICA


Monica tuy sống trong một gia đình ngoại giáo,đã luôn chứng tỏ bà có Chúa ở cùng.Sự thánh thiện, lòng quảng đại, yêu thương của Monica đã cảm hóa được người chồng ác độc,ngang tàng,ích kỷ. Monica luôn dậy con cái biết mến Chúa, yêu người .Bà luôn yêu thương con cái với tất cả con tim,với tâm hồn đầy ắp Chúa . Bà đã biết biến mọi giây phút trong cuộc đời của bà trở thành những giây phút,những cơ hội hồng ân để thay đổi lòng người khác. Chính cái phút giây bà vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius đã thay đổi đời bà, nghĩa là bà đã chấp nhận điều mình không ưa thích để biến nó thành phút giây cứu độ cho mình và cho người mình sẽ sống, sẽ nhận làm chồng dù rằng bà biết bà sẽ phải đau khổ nhiều, phải hy sinh, phải từ bỏ.Tình yêu Đức Kitô thúc bách bà . Bà đã đi tới cùng, bà đã làm thay đổi chồng, con và biến đổi người con trụy lạc,ham chơi, ham lạc thú là Augustinô trở nên người con tốt, người con đẹp cho Giáo Hội . Qua những giọt lệ của Monica, qua lời cầu xin tha thiết của bà, monica đã làm thay đổi tất cả, đã làm mới mọi sự để bà có thể nói được như ông già Siméon :” Giờ đây xin để tôi tớ ra đi bình an…” .

Thánh nữ Monica đã qua đời năm 387 sau khi Augustinô được thánh Giám mục Ambrosiô rửa tội.Thánh nữ được an táng tại Otti . Đức Thánh Cha Martinô truyền đem xác thánh nữ về nhà thờ Thánh Augustinô ở Roma vào năm 1430.

 Lạy Thánh nữ Monica, xin ban cho các bà mẹ công giáo luôn có tâm hồn thánh thiện và đạo đức  như thánh nữ .
 Xin cho các bà mẹ luôn biết giáo dục con cái mình biết mến Chúa và yêu người .
 Xin cho các bà mẹ công giáo luôn biết nêu gương sáng cho con cái trong đời sống để con cái nhiệt thành mến Chúa và yêu tha nhân.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

(Nguồn : simonhoadalat.com)

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

MONICA - NGƯỜI MẸ CÔNG GIÁO




BIẾT CÁCH LÀM THẬP GIÁ KHỔ ĐAU THÀNH THÁNH GIÁ TIN MỪNG CỨU ĐỘ 


(Lc 7, 11-17)

Giáo Hội hôm nay mừng kính một bà mẹ Công Giáo tuyệt vời: Thánh nữ Monica, quan thầy
của mỗi Bà mẹ Công Giáo và của giới Hiền mẫu. Mẹ Monica được Giáo Hội kính trước ngày
kính đại thánh Augustino, hoa quả của lòng Mẹ Monica như một cách trân trọng- tri ơn đã
góp phần tích cức làm tỏa sáng hương thơm trong vườn hoa thánh thiện trong Giáo Hội của
 Đức Giêsu Kitô.

Bây giờ, giả như chẳng may làm vợ phải tay lang quân hay rượu chè, nóng tính, thường cau có,
chắc hẳn qúy bà đã thấy thật khổ, thấy mình thật bất hạnh.

Người vợ sẽ khổ lắm, có khi nỗi đau xoắn lại thành cơn ghen tuông khi biết chồng đi ‘ăn phở’-
chăng hoa với người phụ nữ khác, có vợ bé, vợ nhỏ…

Người mẹ sẽ sẽ rơi vào thảm kịch có lẽ bi đát nhất đời ng hơn khi thấy con cái- khúc ruột mình
sinh ra phản trác, hư hỏng dù mình đã hết lời hết cách gióa dục, dạy bảo

Vâng chỉ cần một trong những cái khổ trên đã là bi kịch- bi kịch lớn đôi với chị em.

Thế mà Mẹ Monica- quan thầy của giới Hiền mẫu, phần lớn cuộc đời Bà bi bao trùm, bik vây quanh
tất cả khốn khổ trên, kể cả người mẹ chồng không dễ chịu chút nào nữa: Chồng ăn chơi, chăng hoa,
nóng tính…đau khổ nhất là người con trai cả Augustino.

Bài Tin Mừng hôm nay thuận lại nỗi đau ngất trời của người Mẹ góa thành Naim khi đưa con trai
nối dõi tông tường độc nhất chết. Đấy là nỗi đau thường tình của người Mẹ khi thấy con chết, chảng
lạ gì trong phận đời nhân sinh khi lá vàng còn mà lá xanh- lá non sớm rơi rụng. “Bà đừng khóc”
Trái Tim của Chúa Giêsu xúc động trước hoàn cảnh bà góa thành Naim. Sự hiện diện của Chúa Giêsu
đã làm cho nỗi đau Mẹ mất con thành niềm vui lớn hơn khi thấy con được Chúa Giêsu cho sống lại.

Con chết thể xác đã là nỗi mất mát khôn tả. Con chết về phần Linh hồn vì sống trong tội lỗi, có nguy
có mất ơn cứu độ đời đời thì nỗi đau đứng trước con chết theo lẽ tự nhiên bỗng trở nên qúa nhỏ bé.

Thống thân- nỗi đau thể xác làm sao sánh vơi thống tâm- nỗi đau tinh thân, rất là nỗi đau tinh thần
liên quan đến Đức tin. Mẹ Monica đã ôm trọn nỗi thống tâm này, không chỉ một ngày, hai ngày,
không phải một năm hai năm mà là nhiều chục năm: Hơn 30 năm Mẹ Monica đã khổ đau trong
nước mắt vì chồng con.

Điều đáng nói, giữa những nghịch cảnh bi thương ấy, Mẹ Monica đã bừng sáng Đức tin trong kiên
nhẫn cầu nguyện, trong tín thác hy vọng. Hơn 30 năm cầu nguyện trong khóc lóc, phải có một Đức
tin mạnh mẽ- kiên trung lắm mới trụ vững..

Bằng đời sống thánh thiện, khiêm tốn, luôn đối xử tốt đầy yêu thương với chồng con và mẹ chồng,
cuối cùng nhờ ơn Chúa Mẹ Monica đã chinh phục được chồng và mẹ chồng đều lương dân đón
nhận Tin Mừng Cứu độ là Chúa Giêsu trước khi họ giã từ trần thế.

Đáng kể nhất là người cậu con Augustina đã trở về Đạo Thật lúc 33 tuổi (năm 387) và sau trở thành
một đại thánh sau hàng chục năm ăn chơi, sống trong lầm lạc tội lỗi hơn cả bố, kể cả theo bè rối
chống lại Giáo Hội.

Ít ngày trước khi mất, Mẹ Monica nói với con: “Mẹ chẳng trông mong điều gì trên đời này nữa.
Trước đây lý do duy nhất khiến mẹ ước mong được nán lại trên trần gian là để thấy xon được trở
thành Kitô hữu trong Hội Thánh Công Giáo trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời. Thiên Chúa đã ban cho
mẹ quá điều mong ước: Mẹ còn đang được thấy con khinh chế hạnh phúc trần gian mà làm tôi tớ
phụng sự Thiên Chúa…” (trích “Tự Thuận” của thánh Augustino) .

“Thiên Chúa đã ban cho mẹ quá điều mong ước”.

Người Mẹ thành Naim được Chúa Giêsu ban cho quá điều mong ước khi cho người con trai sống
lại. Mẹ Monica- như lời mẹ xác quyết đã được Thiên Chúa đã ban cho quá điều mong mỏi khi thấy
người con sống lại về phần hồn, hết mình phục vụ, bảo vệ Đức tin Tông truyền của Giáo Hội, nhất
là trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội luôn trực diện sóng gió từ nhiều lạc giáo, bè rối.

Ta nhận Mẹ Monica làm Bổn mạng, vậy ta học hỏi - noi gương mẹ được điều gì trong trong vai trò
làm mẹ làm vợ nơi gia đình, để góp phần xây dựng gia đình hiệp thông và yêu thương, giúp ra đình
cùng nên thánh?

Thánh nữ Monica là Người Đàn Bà tuyệt vời mà tất cả chúng ta- nhất là các đức lang quân đều kỳ
vọng, đều mong được phúc ấy mà sách Huấn ca vừa nghe nói đến.

“Phúc thay ai cưới được vợ hiền,

tuổi thọ se? tăng lên gấp đôi.

Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng,

được an vui suốt cả cuộc đời.

Vợ hiền là số tốt phận may

dành cho như?ng người kính sợ Đức Chúa :

Giàu hay nghèo, lòng va?n cứ an vui,

lúc nào nét mặt cu?ng tươi cười…” (x. Hc 26, 1-14)

Điểm nổi bật nơi Thánh quan Thầy Monica mà ta cần học hỏi noi gương Mẹ Moniac không chỉ ở
một người vợ đảm đang hết lòng hết tình yêu thương thủy chung với chồng con, dù chồng con
thế nào, mà là ở Đức tin trưởng thành: càng trong đau khổ, nghịch cảnh Đức tin càng tỏa sáng,
càng tín thác vào Chúa.

Chính trong Đức tin này, Mẹ Monica đã biết cách làm cho thập giá khổ đau trở thánh Thánh giá
Tin Mừng góp pần đem ơn Cứu độ cho người khác, trước tiên cho chồng con.

Hẳn nhiên trong đời sống gia đình không ai và không sao tránh khỏi những sóng gió, khổ đau bởi
thập giá. Vấn đề ta có như Mẹ Monica trong ơn Chúa biết làm cho thập giá thành Thánh giá hay
không?

Ta được mang danh thơm là phái đẹp là Mẹ hiền liệu có phản cảm không khi trong gia đình người
ta lại chủ lực trong việc nổi nóng, la chồng quát con, không phải chuyện cá biệt mà là nhịp độ xem
ra thường xuyên.

Điều mà tất cả chúng ta cần học- phải học nơi mẹ Monica ở việc kiên nhẫn một niềm tí thác- hy
vọng vào trong cầu nguyện.

Điều ta tốt ta xin hợp ý Chúa thì tra tin chắc Chúa đã nhận lời, và Chúa sẽ trọng thưởng cho ta hơn
cả những điều ta xin. Chúa đã nhận lời, còn việc khi nào Chúa cho thành hiện thực đấy là việc của
Chúa, ta không có quyền đòi Chúa phải làm lúc nay lúc kia để rồi chán nản thất vọng.

Chúa đã nhận lời, điều đó không có nghĩa phó mặc cho Chúa theo kiểu phủi trách nhiệm: ta tin
Chúa đã nhận lời, Chúa cho thành hiện thực khi nào tùy Chúa, việc ta cầu nguyện đã xong, đã
hết trách nhiệm và phủi tay vô can…

Đời sống cầu nguyện liên lỉ và kiên nhẫn mà Chúa Giêsu dạy không phải như thế.

Mẹ Monica cầu nguyện không phải như thế, bằng chứng mẹ đã hơn 30 năm cầu nguyện trong nước
mắt mặc dù Mẹ biết rõ Chúa đã nhận lời. Ngay ở những dòng nước mắt đầu tiên trong nguyện xin,
 như bà góa thành Naim trong Tin Mừng vừa nghe, Chúa đã trấn an “bà đùng khóc”, tức Chúa đã
nhận lời.

Chúa nhận lời, Mẹ Monica biết thế, chúng ta biết thế song Chúa cũng đòi tao không ngừng cộng
tác với Chúa trong việc tỏa sáng điều ta xin. Hơn nữa đứng trước Tình yêu cao lơn và nhưng không
của Ngài ban cho ta ta không thể thờ ơ, đúng hơn cần phải tích cực thêm trong việc làm tỏa sáng
Đức tin, trong việc làm vợ- làm mẹ nơi gia đình, trở nên một Monica trong thời đại mới.

Minh họa: Vợ không chịu nổi thói nhậu nhẹt, thói trăng hoa nghẹo hoa đùa bướm, nhất là chuyện
bia ôm bia ấp của Chồng.

La mắng, đay nghiến, dọa đuổi … Vợ đã tìm hết cách mà vẫn không trị được Chồng. Cuối cùng họ
ra tòa ly dị. Mọi sai trái đều do chồng

Ngày Chồng xách vali từ giã Vợ Con ra đi, đứa Con gái bé bỏng hồn nhiên hỏi bố:

- Bố đi bao giờ bố về.

- Bố sẽ không còn ở nhà này nữa. Mẹ không cho bớ ở nhà này nữa. Bố hứa hàng tuần sẽ về thăm
các Con.

Đứa bé hỏi mẹ:

- Sao Mẹ không cho Bố ở nhà ?

- Tại bố hư.

Để nó khỏi vặn vẹo lôi thôi, người mẹ mua cho nó cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ của
em một miếng to bỏ ngay vào mồm. Con bé khóc thét bắt đền.

Người mẹ dỗ: - Anh con hư quá. Nhưng thôi nín đi con, tha cho anh đi.

Đứa bé phụng phịu: - Thế mẹ có tha cho bố không ?.

Mẹ bừng tỉnh…

Ra ôm Con gái cưng, thật lòng: Mẹ xin lỗi con. Mẹ cũng hư…

Và hai dòng lệ…

Khi nhận thấy “mình hư”, ta sẽ rõ thấy lỗi lầm không nhỏ của ta trong việc làm gia đình bất ổn, ly tán.

Hôm sau, vợ đã chủ động đến giao hòa- xin lỗi Chồng.

Chồng thấy Vợ qúa đẹp, qúa quảng đại và đã quyết tâm tu sửa.

Mái ấm tưởng chừng sắp đổ nát nhờ biết ‘mình hư’, rồi yêu thương cảm thông tha thứ cho nhau
nên mái âm đã không đổ vỡ, trái lại lại thêm vững chắc hơn.

Xin Thánh Monica Quan Thầy cầu bầu để mỗi người mẹ trong Gia đình Công Giáo không chỉ là
Mẹ hiền mà còn là Vợ hiền. Nhờ sống gương sáng Đức tin của mình góp phần tích cực làm cho
cả nhà nên thánh, thành Monica mới.

Lm. Đaminh Hương Quất

(Nguồn : vietcatholic.com)

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

PHIM : LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM



(Nguồn : videoconggiao.org)


Dân ta phải biết sử ta.
Giáo dân công giáo Việt Nam phải biết Giáo sử Việt Nam.
Trên bốn trăm năm hiện diện, một bề dày lịch sử phong phú.
Từ việc khai móng thế kỷ 16, đến giai đoạn bước vào tuổi trưởng thành yêu thương và phục vụ  quê hương hôm nay, có ánh sáng chen lẫn bóng tối (Thư chung 1980), khi vinh quang lúc tủi nhục.
Biết để yêu, biết để tránh sai lầm , để  vững bước trên đường chân lý.
                                                                      (Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng )

Để biết sâu hơn về lịch sử công giáo VN ,
Kính mời các bạn xem : Tìm Hiểu Lịch Sử Công Giáo Tại Việt Nam
của Lm An Tôn Nguyễn Trường Thăng

TÌM HIỂU LỊCH SỬ CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM


Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

CHÚC MỪNG KIM KHÁNH SOEUR NGUYỄN THỊ KHIẾT


HÂN HOAN 
CHÚC MỪNG HỒNG ÂN
KIM KHÁNH (50 NĂM) KHẤN DÒNG
vào ngày 29/08/2015  ( ngày lễ kính thánh Gioan Tẩy Giả  Bị Trảm Quyết ) .

của Soeur MARIE  STÉPHANE  NGUYỄN THỊ KHIẾT

Nguyên Trợ Úy HTDC An Hòa,  Đà Nẵng 
Giáo Viên trường GIOAN XXIII An Hòa,  Đà Nẳng (cũ)

Cầu chúc Sr.Marie Stéphane được mọi Hồng Ân Thiên Chúa  

Trong ngày vui này , cũng vang lời tạ ơn hồng phúc vĩnh khấn, 50 năm, 60 năm,70 năm .... khấn dòng của  rất nhiều Soeurs ở Tỉnh dòng Thánh Phao lô,  Đà Nẵng .


Nguyện xin mọi người hiệp thông cầu nguyện  cho các Soeurs và cầu chúc các Soeurs thánh đức,  và hạnh phúc đích thực trong suốt cuộc đời thánh hiến của mình  .



                                                           C. HT-DC VÀ C.HS Trường GIOAN  XXIII Chúc Mừng

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

SỐNG MUÔN ĐỜI

                                       (www.40giayloichua.net)

Rõ ràng, càng văn minh, con người càng dễ xa lạ nhau, thậm chí dễ gây tổn thương cho nhau. Còn hơn thế nữa, người ta nhân danh sự văn minh, tiến bộ của mình và bắt ép kẻ khác phải tuân theo “luật” của mình. Bằng không, mọi sự đảo điên lại bắt đầu với khí giới ngày càng ác hiểm sản sinh ra từ những nền “văn minh” ấy! Có lúc, kẻ bại trận phải quy phục người thắng cuộc. Nhưng rồi ra, sự quy phục ấy chỉ là nhất thời! Vì sâu trong tâm tưởng của kẻ chiến bại vẫn ăm ắp lòng hận thù cùng ước mơ một ngày nào đó, nỗi hận ấy sẽ được hả hê trả lại cả vốn lẫn lời. Rồi giòng chảy của thù hận vẫn mãi ngấm ngầm chảy trong lịch sử nhân loại, và trong huyết quản của con người vốn thiếu thốn tình yêu!
Ở một mặt khác, sự tiến bộ lại chỉ ra rằng còn lâu lắm, hay chính xác hơn, là không bao giờ con người có thể đạt đến cái mức “muốn là được”. Vừa chế tạo ra thứ vũ khí tối thượng này, thì không biết chừng, ngay đêm nay, đã có thứ khác khắc chế được thứ kia ra đời, với sự hỉ hả kéo dài chẳng được là bao. Vừa tìm ra thứ dược phẩm trị dứt được căn bệnh trầm kha đã làm lo lắng con người suốt bao năm trường, thì lại xuất hiện một thứ bệnh khác bí hiểm hơn, có nguy cơ phải mất rất nhiều mạng người cùng bao thời gian nghiên cứu để cho ra đời phương thuốc hữu hiệu nào đó.
Và mãi mãi, con người ngụp lặn trong lo âu bắt nguồn không những từ sự trở chứng của bà mẹ thiên nhiên, mà còn từ chính não trạng bất nhân của loài người. Có biết bao nhà lãnh đạo đang dẫn đất nước mình vào mê lộ chiến tranh? Có biết bao người quản gia chỉ biết lo cho cái tôi của mình, mà quên đi nhiệm vụ thiết yếu là làm sao cho trong ngoài yên ấm? Có bao nhiêu lời nói độc cay được phun ra đôi khi là rất khéo léo, để hạ độc thủ ai đó chưa biết cúi lưng trước mặt mình?
Thật đã có ai làm trọn được vai trò dưỡng nuôi con em mình trong bầu trời xanh đầy thiện ý? Thật đã có ai đem lại cơm no áo ấm cho con người mà chẳng hề để họ bén mảng đến những suy nghĩ vô nhân? Thật đã có ai từng nuôi nấng con người bằng lương thực no đầy và niềm tin vĩnh viễn vào tương lai tươi sáng? Hay cơm no mà vẫn ngay ngáy một ngày nào khói lửa bùng lên chỉ vì ai đó ném đuốc vào nhà do ghen ăn tức ở? Hay ở mãi tầng cao mà vẫn nghĩ ngợi về căn nhà mình xây có được cũng phần nào nhờ vào chuyện buôn bán bất công?
Chẳng ai dám quả quyết về những việc như thế. Tất cả chỉ là bụi mờ có khi chỉ sau ít giây đồng hồ ngắn ngủi. Một cơn gió độc. Một tai nạn ngẫu nhiên. Một cố tình nho nhỏ…, cũng đều làm những thứ ta có mất hút vào hoang vu, chỉ vì khi ấy, ta không còn thở hơi trên chốn dương gian này nữa!
Vậy thì, chiến tranh-hòa bình, khổ đau-vui sướng…, lúc ấy, chỉ còn là con số không to tướng, đối với kẻ đã rời xa cõi tục.
Chẳng có gì là vĩnh viễn!
Chẳng làm sao để có vĩnh viễn niềm vui!
Vậy mà, Đức Ki tô đã nhắc đi nhắc lại: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta, thì được sống muôn đời”
Cuộc sống ấy là vô tận. Và nguồn vô tận ấy là chính Máu Thịt  của Ngài!

                                                                                                            LAM TRẦN 14.08.2015

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

CẬU BÉ VÀ CÂY CỔ THỤ

                                  

Có cậu bé nọ, mỗi ngày đều đến bên cây, cậu leo trèo hái quả ăn và nằm ngủ dưới bóng cây. Cậu yêu cây cổ thụ, cây cổ thụ cũng thích được chơi đùa cùng cậu. 
Cậu bé và cây cổ thụ, sau khi đọc xong, trong lòng cứ mãi chua xót không thôi………


Cách đây rất lâu rất lâu, một cây cổ thụ vừa cao vừa lớn……..

Có cậu bé nọ, mỗi ngày đều đến bên cây, cậu leo trèo hái quả ăn và nằm ngủ dưới bóng cây. Cậu yêu cây cổ thụ, cây cổ thụ cũng thích được chơi đùa cùng cậu.

Về sau, cậu bé đã khôn lớn, không còn chơi đùa hàng ngày như trước nữa.

Một ngày nọ, cậu lại đến bên cây, dáng vẻ rất là sầu khổ. Cây cổ thụ muốn được chơi đùa cùng cậu, nhưng cậu bé nói:“Không được, mình đã không còn nhỏ nữa, không thể chơi đùa cùng cậu như trước được nữa, mình muốn có đồ chơi, nhưng lại không có tiền để mua”.

Cổ thụ nói: “Thật đáng tiếc, mình cũng không có tiền, nhưng mà cậu hãy hái tất cả hoa quả của mình xuống rồi đem đi bán, không phải sẽ có tiền rồi sao?”.

Cậu bé vô cùng kích động, liền hái hết tất cả số trái trên cây, vui vui vẻ vẻ đi mất.

Sau đó, cậu bé trong một khoảng thời gian dài không còn ghé đến nữa. Cây cổ thụ rất đau lòng………

Cậu có thể chặt hết cành cây của mình xuống, rồi đem đi dựng nhà……….

Rồi một ngày kia, cậu bé cuối cùng đã đến, cổ thụ hăng hái rủ cậu chơi đùa như trước. Cậu bé nói: “Không được, mình không có thời gian, mình còn phải làm việc nuôi gia đình nữa, chúng mình rất cần một căn nhà, cậu có thể giúp mình không?”

“Mình không có nhà, nhưng cậu có thể cưa chặt hết tất cả cành cây của mình, rồi đem đi mà dựng nhà”, cổ thụ nói.

Thế là cậu bé cưa chặt hết tất cả cành cây, vui vui vẻ vẻ chuyển đi dựng nhà.

Nhìn thấy cậu bé vui mừng, cây cũng vui theo.

Từ đó, cậu bé lại không còn đến nữa.

Cổ thụ rơi vào trạng thái cô đơn và buồn bã.

Mùa hè một năm nọ, cậu bé lại quay lại, cây cổ thụ mừng rõ: “Đến đây nào bạn, hãy cùng chơi với mình đi”.

Hãy chặt lấy thân cây của mình, đem đi làm chiếc thuyền vậy………

Cậu bé lại nói: “Tâm trạng mình không tốt, mỗi ngày một già thêm, mình muốn giương buồm ra biền, thả lỏng một chút, cậu có thể cho mình một chiếc thuyền không?”.

Cổ thụ nói: “Hãy chặt lấy thân cây của mình, rồi đem nó đi đóng thuyền đi!”.

Thế là cậu bé đã chặt thân cây cổ thụ xuống, chế tạo một chiếc thuyền, rồi lên thuyền ra biển khơi, rất lâu đều không thấy trở về.

Cây cổ thụ rất lấy làm vui mừng, nhưng …..

Con à, ta đã không còn gì để có thể cho con nữa rồi……..

Rất nhiều năm đã qua đi, cậu bé cuối cùng đã trở về, cổ thụ nói: “Xin lỗi, con à, ta đã không còn gì có thể cho con nữa rồi, ta cũng không còn trái cây nữa”.

Cậu bé nói: “Răng của mình đều rụng hết cả rồi, không còn ăn trái cây được nữa”.

Cổ thụ lại nói: “Ta cũng không còn thân cây, để cho cậu leo trèo như xưa nữa”.

Cậu bé nói: “Mình đã già quá rồi, không còn sức để leo nữa”.

“Mình không còn có gì có thể cho cậu nữa……., chỉ còn lại bộ rễ đang dần dần chết khô đi”, cổ thụ nước mắt lưng tròng nói.

Cậu bé nói: “Bao nhiêu năm đã trôi qua rồi, bây giờ tớ cảm thấy mệt mỏi lắm rồi, cái gì cũng không cần nữa, chỉ cần một chỗ để nghỉ ngơi thôi”.

“Được thôi! Cội rễ là nơi thích hợp nhất để ngồi nghỉ, đến đây, hãy ngồi xuống cùng mình nghỉ ngơi đi!”.

Cậu bé ngồi xuống, cổ thụ mừng đến chảy nước mắt……….

Bạn có thấy câu chuyện ấy quen thuộc không, đây chính là câu chuyện của bất kì ai, cây cổ thụ trong câu chuyện này chẳng phải chính là cha mẹ của chúng ta.


Lúc còn nhỏ, chúng ta thích được chơi đùa cùng cha mẹ…Sau khi lớn lên rồi, chúng ta liền rời xa họ, chỉ những lúc cần có điều gì đó hoặc khi gặp phiền não, chúng ta mới trở về bên cạnh họ.

Vậy mà cha mẹ chúng ta vẫn như cây cổ thụ kia, sẵn sàng đón nhận chúng ta, sẵn sàng cho đi tất cả những gì của bản thân để cố gắng hết sức khiến chúng ta vui lòng.

Bạn có thể cho rằng cậu bé đối với cái cây thật rất tàn nhẫn, nhưng phải chăng đây cũng chính là cách mà chúng ta đối đãi với ba mẹ mình.

Đời người quả thật là như vậy.

Xin các bạn hãy trân quý quãng thời gian ở cùng với ba mẹ, bởi vì sẽ có lúc: “Cây muốn yên mà gió chẳng ngừng, con muốn hiếu dưỡng nhưng ba mẹ đã không còn nữa rồi!”.

Tiểu Thiện, dịch từ cmoney.tw

(Tinh Hoa)

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

VỊ CAO TĂNG VÀ MIẾNG THỊT HEO


 alt 

   Một cao tăng được mời đi dự tiệc, giữa bàn tiệc bày đầy những món ăn chay trang trí vô cùng đẹp mắt, bỗng ông phát hiện trong một đĩa có miếng thịt heo, một đệ tử đi theo cao tăng cố ý dùng cái đũa bới miếng thịt lên, ý định để cho gia chủ trông thấy, nhưng thật không ngờ vị cao tăng lại dùng đũa của mình đẩy miếng thịt che khuất đi.
 
   Một lát sau, người đệ tử kia lại bới miếng thịt heo lên, thế là cao tăng lại phải thêm lần nữa che miếng thịt heo đi, đồng thời còn nói khẽ vào tai đệ tử: “Con mà còn lật nó lên ta sẽ ăn luôn”. Người đệ tử nghe thầy nói thế thì không dám bới miếng thịt heo lên nữa.
   Tiệc xong, thầy trò cao tăng từ biệt gia chủ ra về. Trên đường về, đệ tử băn khoăn hỏi thầy: “Thưa thầy, vừa rồi rõ ràng đầu bếp biết chúng ta không ăn mặn, lại vô ý để lẫn miếng thịt heo vào trong đồ ăn chay của chúng ta? Đệ tử chẳng qua muốn gia chủ biết mà trừng phạt ông ta.”
   Cao tăng từ tốn nói: “Trên đời ai cũng phạm sai lầm, dù vô tâm hay hữu ý. Nếu để người chủ thấy miếng thịt heo trong món ăn chay, ông ấy sẽ nổi giận mà trừng phạt người đầu bếp, thậm chí còn cho người đó nghỉ việc, đây không phải điều chúng ta muốn thấy. Đoạt lý đương nhiên là quan trọng, nhưng tuyệt đối tránh ‘chỉ biết lý mà bỏ quên người’, phải nhận ra chỗ nào nên bỏ qua thì cho qua.”
   “Hoàn cảnh sống và quan niệm sống của mỗi người thường không giống nhau, vì thế sự khác biệt trong cuộc sống là khó tránh khỏi. Đa số người rơi vào vòng xoáy của tranh đấu thường hay “đoạt lý mà quên người”, như thế nếu có thắng cũng không khiến người ta phục, trong vòng xoáy của tranh đấu hơn thua rất nhiều khi đối phương sẽ tìm cách đánh lén sau lưng.
   Con hãy xem chỗ nào bỏ qua được thì bỏ qua, không nên chỉ biết ép người một cách quái gở, phải biết cho người ta một lối thoát, vấn đề ở đây không chỉ là cho người ta con đường sống, quan trọng hơn là cho chính mình một đường lùi, đây cũng là con đường sáng để xã hội hài hòa.”./-