Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

NHỮNG NGÀY LỄ CỦA GIA ĐÌNH

  Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
anh em được sống vui vầy bên nhau.
  (Tv 133,1)
Mỗi gia đình đều có những ngày lễ riêng, đánh dấu những biến cố vui, buồn của gia đình. Chẳng hạn như ngày giỗ của ông bà, cha mẹ, ngày kỷ niệm thành hôn của vợ chồng, ngày sinh nhật, ngày lễ bổn mạng của một người trong gia đình... Những ngày lễ của gia đình là dịp để mọi người trong gia đình quây quần bên nhau trong tình yêu thương hiệp nhất, vun xới thêm tình gia đình.
Đầu năm, mỗi gia đình nên ghi các ngày lễ của gia đình mình vào cuốn lịch Công giáo để dễ nhớ.

1. Lễ Gia tiên

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường tự xưng là Thiên Chúa của Abraham, của Ixaác, của Giacop, nghĩa là Thiên Chúa các tổ phụ. Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của người sống.[1] Bên kia cái chết, các bậc tiền nhân đã thực sự “sống khôn thác thiêng” đều đang sống trong Thiên Chúa. Các tín hữu ở trần gian kết hợp với họ trong mầu nhiệm các thánh thông công. Do đó, khi bày tỏ lòng hiếu kính, nhớ đến gia tiên tổ phụ, người Công giáo không làm một sự thờ phượng nằm ngoài sự thờ phượng Thiên Chúa, nhưng là để nhờ đó mà thêm lòng biết ơn và kính mến Thiên Chúa là nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất[2]. Đàng khác, khi nhớ đến tổ tiên theo huyết thống, người Công giáo cũng nhớ đến các tổ phụ trong đức tin.
Người Việt Nam thường có thói quen rất tốt: mỗi khi gia đình có việc buồn vui đều luôn tưởng nhớ gia tiên và biểu lộ tâm tình ấy bằng việc cúng lễ, hoặc đơn giản thắp một nén nhang trên bàn thờ. Người tín hữu Công giáo Việt Nam tiếp nhận truyền thống tốt đẹp ấy với một cái nhìn chính xác, phù hợp với đức tin Kitô giáo.
Mỗi gia đình nên có một bàn thờ gia tiên đơn sơ. Ngày tết, ngày giỗ nên giữ một cây hương cháy suốt ngày. Tránh những chi tiết trái với đức tin và tránh tốn kém không hợp tình hợp lý. Về hình thức, cốt sao biểu lộ được tấm lòng và giúp con cháu trong nhà học được tâm tình biết ơn tổ tiên và biết ơn Thiên Chúa Tạo Hoá.
Khi cúng lễ, cần nhắc cho mọi người trong nhà nhớ: đức tin Công giáo dạy ta biết rằng người quá cố không cần đến thức ăn vật chất, các lễ vật chỉ nhằm bày tỏ lòng biết ơn kính nhớ mà thôi.
Lễ gia tiên thường do vị trưởng tộc hoặc người cha trong gia đình chủ lễ. Nếu vị này vắng mặt, thì vợ hoặc con trai hoặc con dâu trưởng chủ lễ.

2. Dọn tất niên

Tết Nguyên đán là dịp sum họp gia đình, kính nhớ tổ tiên và thăm viếng nhau để gia tăng tình thân ái. Cần loại bỏ những chi tiết phong tục quá rườm rà, cũng như những gì đi ngược lại với Tin mừng, và phải lưu ý phát huy những gì tốt đẹp. Khởi đầu là việc dọn tất niên.
Từ giữa tháng chạp là thời gian thuận tiện để mỗi gia đình tổng kết một năm. Cha mẹ và con cái sẽ cùng nhau:
- Làm xong những việc cần thiết còn đọng lại.
- Tổng kết chi thu, thanh toán nợ nần.
- Tổng kết kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc một năm qua.
- Chọn hướng sống hoặc chủ đề giáo dục gia đình trong năm mới.
- Dọn mình xưng tội cuối năm.
- Cha mẹ đỡ đầu thăm nom nhắc nhở con thiêng liêng (các con thiêng liêng thì chúc tết cha mẹ đỡ đầu dịp cuối năm hoặc đầu năm).
- Cũng nên dành một tuần lễ kết bó hoa thiêng liêng tạ ơn Thiên Chúa và cầu cho nhau (gồm: dâng lễ, rước lễ, đọc Lời Chúa, lần hạt, hy sinh...)
Những việc trên đây sẽ làm xong trước ngày ăn bữa tất niên (vào ngày cuối năm hoặc một ngày nào sớm hơn, tùy tiện). Bữa ăn này được coi như để kết toán mọi chuyện: còn gì phải xin lỗi nhau, hoặc góp ý xây dựng đều nói hết trong dịp này, để rồi ngày đầu năm sẽ không còn phải nhắc gì đến chuyện cũ, chỉ chúc tuổi nhau thật vui vẻ.
Cũng nên nhân bữa ăn này mà trình bày chủ đề sống của năm tới và dự tính trước việc vui xuân của gia đình, thu xếp sao để trẻ em khỏi lây nhiễm thói xấu cờ bạc ngoài xã hội.

3. Tưởng nhớ gia tiên dịp Tết Nguyên Đán

Dịp Tết Nguyên Đán, trong những gia đình theo đúng tinh thần Việt Nam, ẩn dưới những niềm vui rộn rã đầu xuân là cả một thực tại linh thiêng trầm mặc đầy ắp không gian: cõi hữu hình và cõi vô hình đan dệt vào nhau, ông bà tổ tiên đã khuất như thể đang có mặt giữa con cháu một cách thân thiết, gần gũi, linh thiêng và đầy an ủi. Có được bầu khí ấy là nhờ các nghi lễ rất nghiêm túc của phụng tự gia đình.
Các nghi lễ này mở đầu với giờ “cúng đón” (đón ông bà về ăn tết với con cháu) vào ngày 29 hoặc 30 tết, và kết thúc với giờ “cúng đưa” (tiễn chân ông bà) vào ngày mùng 3 hay mùng 4 tết (có nhà cúng đưa từ chiều mùng 2). Người Công giáo biết rằng các linh hồn đã về với Thiên Chúa vẫn hiệp thông với các tín hữu ở trần gian thường xuyên, chứ không riêng mấy ngày tết, cho nên không có chuyện đón ông bà về ăn tết và tiễn ông bà đi. Tuy nhiên, thiết tưởng ngày nay cả nơi đại chúng người không có đạo, không mấy ai còn hiểu hai chữ đón đưa này theo nghĩa đen, nhưng hiểu theo một nghĩa tượng trưng sâu sắc, nhằm xác định một thái độ nội tâm và đánh dấu khoảng thời gian họ muốn dành để tưởng nhớ gia tiên một cách thật sâu đậm, khoảng thời gian họ muốn để cho tâm hồn lắng đọng trong niềm cảm mến biết ơn.
Trong khoảng thời gian ấy, bàn thờ gia tiên lúc nào cũng có khói hương, mỗi ngày người ta cúng hai ba lần vào đúng giờ cả nhà quy định trước. Mỗi gia đình có một người trực ở nhà để giữ cho hương đèn được liên tục, và lo nấu thức ăn, đúng giờ thì bày lên bàn thờ, thành tâm cầu nguyện. Người trực đóng vai đại diện gia đình, luôn ở trong tâm tình cung kính trước sự hiện diện của anh linh tiên tổ, để bày tỏ niềm biết ơn và tưởng nhớ. Ngày nay, cả người không có đạo cũng không mấy ai còn nghĩ ông bà tổ tiên cần “ăn tết”, nhưng người ta thấy rằng sự túc trực để bày tỏ lòng thành là điều cần thiết. Đó là một tâm tình rất thiêng liêng cao quý mà bầu khí của các lễ nghi gia tiên đã đem lại.
Khi đón nhận các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, người Công giáo nhằm đạt được phần tinh hoa, chứ không vụ vào những hình thức rườm rà. Tuy vậy, trong mức độ vừa phải, hình thức vẫn cần thiết. Để phục hồi và phát huy được bầu khí linh thiêng thuận lợi cho tình cảm và hạnh phúc gia đình, rất cần giữ lấy những hình thức diễn tả tối thiểu và chính yếu.

4. Lễ giao thừa

Tối cuối năm, gia đình đoàn tụ, giải trí chung với nhau, cùng thức đón giao thừa. Giây phút kết thúc năm cũ và bắt đầu năm mới là lúc thật ý nghĩa để ca tụng Chúa, Đấng làm chủ thời gian và lịch sử. Khí xuân mới cũng gợi cho ta nhớ đến công trình sáng tạo của Ngài. Chúng ta xin Chúa chúc lành cho một năm mới đang bắt đầu. Sau khi cầu nguyện, mọi người chúc tuổi nhau rồi đi ngủ.
Lễ giao thừa không phải là lễ gia tiên. Lễ gia tiên đã được thực hiện vào lúc “tiên thừa”, tức là lúc đầu hôm đêm cuối năm. Tuần hương thắp lúc giao thừa là để kính thờ Đấng Tạo Hoá và cầu nguyện với Ngài.

5. Lễ Minh niên

Gia đình sum họp buổi sáng đầu năm là điều rất quý giá. Thánh lễ ở nhà thờ xong, mọi người về nhà ngay. Các cháu mừng tuổi ông bà, con cái mừng tuổi cha mẹ, mọi người mừng tuổi nhau.

6. Lễ bổn mạng một người trong gia đình

Trước ngày lễ, người có tên thánh bổn mạng nên dành vài giờ tĩnh tâm cầu nguyện. Ngày lễ, cả nhà đi dự lễ, rước lễ sốt sắng. Kinh tối, theo chương trình trong tuần (nên hỏi linh mục về lời nguyện ngày lễ, chép sẵn từ trước). Nhớ nhắc con thiêng liêng dọn mừng lễ bổn mạng. Hôm lễ, nên mời các con thiêng liêng dùng cơm.

7. Giáp năm ngày rửa tội

Trước ngày lễ, người có lễ kỷ niệm nên dành vài giờ tĩnh tâm cầu nguyện. Ngày lễ, cả nhà đi dự lễ, rước lễ sốt sắng. Trong giờ Kinh tối, gia đình cùng hiệp ý dâng lời tạ ơn, đồng thời cũng nhắc nhớ nhau sống xứng đáng ơn gọi làm Kitô hữu.

8. Thôi nôi hoặc sinh nhật

Đây là dịp vui của toàn gia đình. Những món quà nho nhỏ của mọi người vào dịp này là một cách bày tỏ sự quan tâm và yêu thương nhau. Nên tổ chức một bữa ăn để tạo thêm bầu khí yêu thương. Giờ kinh tối cũng là dịp để toàn thể gia đình cùng hiệp thông với nhau trong niềm vui này.

9. Giáp năm ngày cưới

Mỗi lần phong thánh, Hội Thánh cũng ấn định ngày mừng lễ hằng năm, thường là vào ngày qua đời của vị thánh. Ngày 22-10-2001 vừa qua, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho đôi vợ chồng người Ý là Luy và Maria Beltrame Quattrocchi. Tuy nhiên, để ấn định ngày mừng lễ, ngài không chọn ngày qua đời của họ như thường lệ, mà lại chọn ngày kỷ niệm lễ thành hôn của họ: ngày 25-11-1905.
Trước ngày kỷ niệm lễ thành hôn, nếu có điều kiện, vợ chồng nên tĩnh tâm vài giờ, nhớ lại tình thương Chúa và kiểm điểm đời sống để tiếp tục xây dựng hạnh phúc gia đình. Ngày kỷ niệm, vợ chồng, con cái cùng đi dự lễ. Ở nhà, trong bữa ăn kỷ niệm, nên nhắc đến niềm vui này. Những dịp khác trong năm có thể mang những hình thức đơn giản, nhưng hôm nay phải là đại lễ của gia đình. Nếu được, cũng nên mời vài đôi bạn thân thiết cùng dự bữa ăn và chia sẻ kinh nghiệm. Giờ kinh tối, nên dành ít phút để dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn, xin Chúa chúc lành và củng cố mối giây yêu thương giữa hai vợ chồng và tất cả gia đình.

10. Ma chay

10.1. Trong thánh lễ an táng cũng như trong những dịp cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, Hội Thánh cử hành mầu nhiệm phục sinh, xác tín rằng những người đã tin vào Đức Kitô và đã chịu phép Rửa tội để nên chi thể Ngài, sẽ được cùng Ngài vượt qua sự chết mà đến sự sống. Vì thế, mọi lời dẫn giải, lời ca, lời kinh trong các dịp ấy phải diễn tả được niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cửu. Trong tinh thần đức tin, thân nhân của người mới qua đời cũng cần tỏ ra can đảm, bình an, tránh khóc lóc ai oán.
10.2. Người Công giáo đón nhận tất cả những gì tốt đẹp trong truyền thống dân tộc về việc tôn kính ông bà tổ tiên cũng như về việc mai táng, nhưng dứt khoát loại bỏ những chi tiết không phù hợp với đức tin, như coi ngày giờ, coi phương hướng, rải giấy vàng bạc, vẽ bùa, đập chén bát khi động quan, vv...
10.3. Tang phục: Nên có một dấu hiệu nào đó để nói lên tâm tình đau buồn thương tiếc tự nhiên của ta, nhưng không nên để nó che mờ nỗi vui mừng lớn lao đích thực của người con vừa được gọi về nhà Cha và niềm hy vọng vào một ngày kia sẽ gặp lại người ấy trong hạnh phúc quê trời. Tránh những tang phục rườm rà gây cảm tưởng mình hoàn toàn mất mát, thất vọng ê chề và những gì không rõ ý nghĩa.
10.4. Mọi cách diễn tả trong tang lễ cũng như trong việc thờ kính tổ tiên phải có ý nghĩa rõ ràng chính xác, hợp với đức tin và tình yêu thương. Làm một hành vi, ta phải hiểu ý nghĩa của hành vi đó. Ví dụ, việc rảy nước thánh và vái kính thi hài phải được hiểu đúng:
- Rảy nước thánh trên thi hài là để nhớ rằng nhờ nước rửa tội, người tín hữu đã được ghi tên vào số những người được sống đời đời.
- Thắp nhang đèn, vái kính trước thi hài tín hữu là vì thân xác ấy đáng tôn trọng: lúc còn sống, thân xác ấy đã là đền thờ Chúa Thánh Thần, và giờ đây đang đợi chờ ngày sống lại.
10.5. Trong việc cầu nguyện cho người quá cố, Lời Chúa là phần quan trọng, nên chọn đoạn Kinh Thánh cho thích hợp.
10.6. Người hướng dẫn các giờ cầu nguyện nên làm phấn khởi lòng trông cậy của thân nhân người quá cố, cũng như hun đúc niềm tin của mọi người đang hiện diện, nhưng phải liệu sao để không làm phật lòng những người đang buồn phiền.

11. Lễ giỗ

Việc cầu nguyện trong ngày giỗ vừa để cảm tạ Chúa đã giải thoát các bậc tổ tiên, đưa về hưởng nhan Chúa, vừa để cầu xin Chúa sớm giải thoát những người đang phải ở luyện ngục (thường đối với những người mới qua đời, ta hướng tới việc cầu hồn, còn đối với những người đã qua đời từ lâu, ta có thể tin vào lòng Chúa nhân từ mà dâng lời cảm tạ). Ngay cả những vị đã chết mà không chịu phép Rửa tội, ta vẫn tin rằng Thiên Chúa nhân từ và đầy quyền năng đã có cách cứu vớt họ trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô.
Giờ kinh tối sẽ theo ngày trong tuần, với lời nguyện giỗ. Nếu là cầu hồn, thì theo mẫu canh thức cầu nguyện cho tín hữu đã qua đời.
Cũng đừng quên rằng chúng ta có thể cầu nguyện với những bậc tổ tiên đang được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Nói đúng hơn, ta có thể xin họ cầu nguyện với Chúa cho ta. Khi còn sống, họ đã yêu thương cầu nguyện cho ta, thì khi đã về với Chúa, họ còn yêu thương ta hơn và lời cầu nguyện của họ còn hữu hiệu hơn.

4 CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa,
Cha đã làm cho chúng con thành một gia đình.
Chúng con cần đến nhau
Chúng con yêu thương nhau.
Chúng con tha thứ cho nhau.
Chúng con làm việc với nhau.
Chúng con vui đùa có nhau
Chúng con cầu nguyện bên nhau.
Cùng với nhau chúng con lắng nghe Lời Chúa
Cùng với nhau chúng con lớn lên trong Đức Kitô
Cùng với nhau chúng con yêu thương mọi người chung quanh
Cùng với nhau chúng con phụng thờ Chúa
Cùng với nhau chúng con hy vọng Nước Trời.
Lạy Chúa,
Đó là những điều chúng con ước nguyện,
Xin giúp chúng con đạt tới
nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.


(Nguồn :simonhoadalat.com)

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

GIÁO DỤC CON CÁI TRONG GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO


Thời gian đang dần trôi về những ngày cuối năm. Đây cũng là khoảng thời gian bận rộn và hạnh phúc của gia đình và các đôi uyên ương. Bận rộn vì lo lắng chuẩn bị cho những công việc trong ngày tân hôn; hạnh phúc vì sau bao ngày tháng tìm hiểu đôi bạn trẻ chính thức, trước mặt Chúa và mọi người, được chung sống với nhau, cùng nhau sẻ chia những quyền lợi và trách nhiệm để từ đó xây dựng một gia đình mới góp phần vào sự phát triển của Giáo hội cũng như xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm hạnh phúc của các tân gia đình này vẫn phảng phất một chút ưu tư. Đó là làm sao có thể nuôi dưỡng con cái phát triển cách toàn diện? Làm sao có thể dạy dỗ con cái phù hợp và đáp ứng được với những nhu cầu của Giáo Hội, xã hội?
Để góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc gia đình nên trọn, với tâm trạng hòa mình vào niềm vui cũng như những ưu tư của các đôi bạn trẻ, người viết xin chia sẻ một vài suy nghĩ về vấn đề Giáo dục con cái trong gia đình Công Giáo.

1/ Quan điểm của Giáo Hội về giáo dục con cái trong gia đình Công Giáo
Giáo dục là một yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Chính vì thế có ý kiến cho rằng muốn biết tương lai của một xã hội thì hãy nhìn vào thực trạng giáo dục hiện có của xã hội ấy. Thông thường khi nói đến giáo dục người ta nghĩ ngay đến nhà trường, các mối quan hệ thầy – trò. Nhưng quá trình giáo dục của một con người không chỉ xảy ra trên ghế nhà trường, trong các mối quan hệ thầy – trò mà còn xảy ra chính ngay trong gia đình người đó nữa. Bởi vậy người thầy đầu tiên của một người không phải là người thầy ở nhà trường mà là chính cha mẹ mình. 
Đức cố Giáo hoàng PIO XI, trong thông điệp Casti Connubii, đã nói: “Thiên Chúa, Đấng khôn ngoan vô cùng, đã quan phòng việc sinh sản cho gia đình như thế, cho toàn thể nhân loại, thì đối với cha mẹ là những người mà Ngài đã ban cho quyền và khả năng để sinh sản, không lẽ Ngài lại không ban thêm cho bổn phận và quyền giáo dục con cái”. 
Thánh công đồng Vaticanô II cũng phán quyết: “Vì là những người truyền thông sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục những người con trong gia đình, và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng
Qua việc giáo dục, gia đình đào tạo con người đạt tới phẩm giá viên mãn, theo tất cả mọi chiều hướng xã hội. Tức  là gia đình là môi trường giáo dục, huấn luyện con người để có tất cả những phẩm giá, đức tính phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Hơn nữa, đối với gia đình Công Giáo thì những điều giáo dục gia đình hướng tới còn phải theo giáo huấn của Giáo Hội. Quả vậy, thánh công đồng đã nói: “Trong gia đình các Ki-tô hữu, với ân sủng dồi dào và trách nhiệm đã lãnh nhận qua bí tích Hôn Nhân, cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay khi chúng còn trong tuổi ấu thơ, hợp với đức tin đã lãnh nhận qua bí tích Thanh Tẩy, để nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa, đồng thời yêu thương mọi người xung quanh
Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cung cấp một nền giáo dục tôn giáo và một sự đào tạo luân lý cho con cái mình, một quyền Nhà nước không thể hủy bỏ mà phải tôn trọng. Bởi vì quyền và nghĩa vụ này của cha mẹ liên kết với việc lưu truyền sự sống (lưu truyền sự sống và nuôi dạy con cái là hai trục chính của Hôn Nhân), và nó cũng thể hiện mối quan hệ yêu thương giữa cha mẹ và con cái.
Như vậy, giáo dục con cái là hồng ân và cũng là đòi hỏi cấp thiết đối với mỗi người cha, người mẹ trong gia đình Công Giáo. Do đó cần có một nội dung và phương pháp giáo dục con cái hợp lý trong mỗi gia đình Công Giáo.

2/ Nội dung giáo dục con cái trong gia đình Công Giáo
Nội dung của giáo dục con cái trong gia đình Công Giáo trước hết là giáo dục để hướng đứa trẻ đến yêu mến, phụng sự Chúa và yêu thương tha nhân. Cha mẹ phải nói cho đứa con về Thiên Chúa, dạy cho chúng thấu cảm về tình thương của Ngài dành cho nhân loại. Thiên Chúa là một người Cha nhân lành, giàu lòng thương xót chứ không phải là một Thiên Chúa hay nổi nóng, hay xử phạt. Điều đáng buồn là có những bậ cha mẹ không biết dạy con cái cầu nguyện như thế nào cho đẹp lòng Chúa, rồi thì nếu con cái không nghe lời thì dọa nạt Chúa sẽ nổi giận, Chúa sẽ xử phạt. Từ đó mà vô tình gieo vào đầu con cái hình ảnh một vị Chúa tàn nhẫn, gian ác.
Bên cạnh giáo dục cho con cái biết kính sợ Thiên Chúa, các bậc cha mẹ còn phải dạy cho chúng biết yêu thương tha nhân. Không thể yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh em mình. Bởi thế, cha mẹ có nhiệm vụ giáo dục con cái yêu thương, trước hết, các thành viên trong gia đình mình, đặc biệt cần dạy cho trẻ biết thảo kính cha mẹ vì đó là một trong những điều răn của Chúa.
Yêu thương tha nhân không chỉ gói gọn tình thương đó đối với các thành viên trong gia đình mà còn phải hướng tới tình làng nghĩa xóm, tình dân tộc: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thật đáng sợ bởi vì trong xã hội ngày nay người ta sống thờ ơ, lạnh nhạt với nhau. Tính cộng đồng, tình tương thân tương ái bị suy giảm. Con người không còn biết chạnh lòng, thương xót trước những gian truân vất vả của tha nhân nữa. Bởi vậy giáo dục cho con cái biết yêu thương là điều hết sức cần thiết trong môi trường xã hội ngày nay.
Song song với việc giáo dục cho con cái biết mến Chúa, yêu người cũng cần giáo dục cho con cái những nhân đức nhân bản. Đó là những nhân đức cơ bản, nền tảng để con trẻ có thể bước vào xã hội con người.
Vậy những nhân đức nhân bản đó là gì?  Có thể liệt kê như sau: Ngũ thường (Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín), Tứ đức (Công-Dung-Ngôn-Hạnh), Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Khôn ngoan, Công bình, Can đảm, Tiết độ, Khiêm nhường, Nhẫn nại,… Đây là những nhân đức thiết yếu để một đứa trẻ phát triển toàn diện, biết cách ứng xử phù hợp và lịch sự với mọi người trong cuộc sống hành ngày.

3/ Phương pháp giáo dục con cái trong gia đình Công Giáo
Nền tảng của mọi phương pháp giáo dục là tình yêu thương bởi vì tình yêu là sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay. Hơn nữa, thánh Âu Tinh đã từng dạy rằng: “Cứ yêu rồi làm điều mình muốn”. Bởi vậy, cho dù có dùng phương pháp giáo dục nào đi chăng nữa mà không xuất phát từ tình yêu thì sẽ không gặt hái được thành công.
Trên nền tảng tình yêu thương, để giáo dục con cái trong gia đình Công Giáo diễn ra thuận lợi, xin đơn cử một vài phương pháp sau:
Trao đổi, tâm sự với con cái. Từ những trao đổi tâm sự chân tình giữa cha mẹ và con cái sẽ làm cho con cái an tâm, tin cậy vào cha mẹ. Nhờ có sự tin cậy như vậy, đứa trẻ sẽ dễ dàng nói lên những mong muốn, tâm tư của mình và từ đó các bậc cha mẹ sẽ hiểu con cái mình hơn, kịp thời can thiệp khi con cái có những hành vi không đúng mực.
Sửa phạt : Thánh Phao-lô nói về bổn phận của cha mẹ trong việc giáo dục con cái như sau: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy”. Ngày nay khi mà vấn đề nhân quyền được đề cao thì việc dùng roi vọt để sửa phạt con cái có vẻ không phù hợp lắm. Mặc dù thế phương pháp này vẫn còn giá trị của nó. Vấn đề là các bậc cha mẹ không nên sửa phạt con cái bằng roi vọt khi đang trong tâm trạng nóng giận kẻo “giận quá mất khôn”. Cũng cần giải thích rõ cho con cái biết tại sao chúng bị hình phạt như vậy. Bên cạnh đó, không nên (đúng hơn là không được) dùng những từ ngữ cay nghiệt để sửa dạy con cái. Phải dùng những lời nói yêu thương giúp con cái nhận ra vấn đề, nhận ra sai lầm của chúng để từ đó cùng giúp chúng sửa chữa lỗi lầm.
Kỷ luật: Cho dù yêu thương con cái đến mấy cũng không được quá dễ dãi với chúng. Cần phải có kỷ luật, khuôn phép. Tuy nhiên, kỷ luật cần phải linh động, phù hợp vì luật tạo ra là vì con người chứ không phải con người làm ra là vì luật. Nếu kỷ luật dễ dàng quá sẽ làm cho con trẻ coi thường khuôn phép, ngược lại sẽ gây nên tình trạng khô cứng, áp đặt.
Gương sáng: Cha mẹ sẽ không thể dạy dỗ con cái sống đúng đắn nếu như cuộc sống của chính bản thân cha mẹ cũng tà tà, lèng phèng. Trong môi trường gia đình con cái sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi phong cách, lối sống của cha mẹ. Chính vì vậy, để có một cuộc sống tốt thì chính cha mẹ hãy làm gương cho con cái noi theo như lời dạy của thánh công đồng: “Nhờ có gương sáng của cha mẹ, con cái trong gia đình sẽ dễ dàng thực thi lòng nhân ái, lãnh nhận ơn cứu độ và sống thánh thiện hơn”.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên nêu lên những gương sáng về người thực việc thực trong đời sống để cùng con cái noi theo. Đặc biệt là gương sáng của các bậc thánh nhân trong Giáo Hội.

Tạm kết
Giáo dục con cái trong gia đình là một trong hai trục chính của bí tích Hôn nhân Công giáo. Nếu như truyền sinh có vai trò duy trì nòi giống và đảm bảo sự tồn tại của xã hội thì giáo dục giúp con người thực sự là người hơn trong xã hội mình đang sống. Chính vì vậy giáo dục con cái trong gia đình Công giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người, giúp con người trưởng thành hơn trong việc kính Chúa và yêu người. Bởi thế, chúng ta cần quan tâm thúc đẩy và xây dựng một nền giáo dục gia đình xứng đáng với tầm quan trọng vốn có của nó.
Giuse Trần
                                                                      (Nguồn: ditimchanly.org)

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

GIA ĐÌNH CỦA TÔI ƠI!



SUY NIỆM 
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT - NĂM B -  2014

                                                                   Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Chúng ta cùng cả Giáo Hội Việt Nam dành năm 2014 cho việc nhìn lại đời sống gia đình để cùng nhau làm cho Tin Mừng trở nên mới mẻ và thành động lực sống cho gia đình. Lý do Giáo Hội Việt Nam và Giáo phận chúng ta chọn năm nay cho việc Sống và loan báo Tin Mừng là vì trong những năm vừa qua nhìn lại lại đời sống của các gia đình, nó đã mất đi nhiều vẻ đẹp và sự tươi sáng của một mái ấm, mà thay vào đó, gia đình đang chịu sức ép và sự công phá nặng nề bới các khuynh hướng của xã hội đưa đến sự đổ vỡ, bất hạnh và nạn nhân đầu tiên của các cuộc chiến trong gia đình chính là con cái.
Ai cũng biết rằng gia đình là tế bào đầu tiên của xã hội, là Hội Thánh tại gia, thế nhưng nhiều gia đình đã bỏ quên đời sống cầu nguyện, đã không còn phải là một tổ ấm hiệp nhất yêu thương, đã không còn là nơi an toàn cho con cái và sự sống, và mất đi nhiệt tâm sống đạo và giới thiệu về Chúa Kitô cho người bên cạnh.
Nhìn vào những bản thống kê gần đây thực sự đã gây lo ngại cho tương lai của các gia đình, các cuộc hôn nhân không tình yêu, hôn nhân vì kinh tế với người ngoại kiều gia tăng. Tình trạng hôn nhân tan vỡ đã lên đến mức báo động khoảng 40%, trong đó người Công Giáo khoảng 15%. Tình trạng bỏ quê lên thành phố hoặc vào Nam làm ăn khiến cho hàng chục triệu người phải ly tán xa gia đình vì công ăn việc làm. Con số ca nạo phá thai ở một số các bệnh viện lớn khoảng 300.000 ca trong một năm… và bao nhiêu vấn đề về kinh tế, lối sống khác nữa đang ảnh hưởng đến gia đình.
Trong bối cảnh ấy chúng ta mừng lễ Thánh Gia Chúa Giêsu Đức Mẹ và Thánh Giuse, đồng thời mừng các gia đình kỷ niệm giáp năm ngày thành hôn, đây là dịp tốt nhất để chúng ta nhìn vào mẫu gương gia đình của Chúa để soi rọi và điều chỉnh gia đình của mình.
Không phải chỉ ngày nay mới có nhiều khó khăn cho gia đình, nhưng có thể nói thời nào cũng có những khó khăn riêng của nó, và vì thế Giuse Maria cũng có những khó khăn riêng trong gia đình của các Ngài, nhưng các Ngài vẫn giữ gìn được sự bình an và làm cho gia đình mình trở thành một gia đình tuy nghèo nàn đơn sơ, nhưng rất ấm cúng, hạnh phúc và thánh thiện. Các Ngài đã làm cách nào?



Các Ngài đã biến gia đình mình trở thành một gia đình cầu nguyện. Nói như thế không có nghĩa là lúc nào họ cũng đọc kinh, mà là gia đình của các ngài luôn sống trong bầu khí cầu nguyện, luôn có tâm tình cầu nguyện. Vì Giuse Maria rất ý thức về sự hiện diện của Chúa trong gia đình của mình, Đức Giêsu vừa là con, song lại vừa là Thiên Chúa đang ở trong gia đình, nên mọi công việc, mọi lo toan trong gia đình, hai ông bà đã làm vì Chúa và làm mọi việc để cho Chúa được lớn lên trong gia đình. Chính vì thế họ dễ dàng nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa qua lời mộng báo đem trẻ Giêsu và Mẹ Người trốn qua Ai Cập để tránh nguy hiểm cho Giêsu.
Chắc chắn nhìn vào khung cảnh của hang đá giáng sinh chúng ta đã có thể thấy được bầu khí đạo đức thánh thiện và yêu thương toát lên từ gia đình này. Gia đình này đã nêu gương cho tình tình yêu chung thủy. Có những lúc Giuse bị “cám dỗ giải quyết vấn đề theo thói thường của xã hội, tức là chấp nhận một cuộc ly hôn, bỏ trốn một mình. Thế nhưng trong hoàn cảnh ấy, Giuse vẫn dằn vặt để mong tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong thử thách đầu đời cuộc sống gia đình của mình. Vì trăn trở và lo lắng cho Maria, nên Giuse đã không tố cáo Maria, mà lại đón nhận Maria về nhà theo lời của Sứ thần mộng báo. Điều đó chứng tỏ Giuse đã chọn để trung tín trong cuộc sống hôn nhân mà Chúa đã muốn, là đón nhận và yêu thương Maria như là vợ của mình.

Kế đến Gia đình Thánh Gia nêu gương bảo vệ sự sống. Sự sống là quà tặng của Thiên Chúa, thuộc chủ quyền của Thiên Chúa, con người không bao giờ được phép định đoạt cho đứa con này được sống, được sinh ra, đứa kia phải chết. Giuse và Maria ý thức rất rõ mầm sống trong lòng của Maria là chính Thiên Chúa nữa. Vì thế mà Giuse và Maria đã hết lòng để bênh vực và bảo vệ sư sống này. Khi vua Herode ra lệnh tiêu diệt tất cả các hài nhi trong vùng, thì Giuse đã dựa vào giải pháp của Thiên Chúa, đó là đem Hài nhi và Mẹ Người trốn qua Ai Cập. Một cuộc tẩu thoát như thế quả thật là nhiều nguy hiểm gian nan, nhưng bằng mọi giá, Giuse đã đem Maria và Hài nhi ra đi ngay lúc nửa đêm để tránh bàn tay độc ác của Herôđe và bảo vệ sự an toàn cho hài nhi. Rồi khi được lệnh trở về, Giuse cũng đã khôn ngoan để chọn vùng Nazaret là một làng quê bình yên để cư ngụ giúp cho sự an toàn của hài nhi và cả gia đình.

Sau cùng, Gia đình Thánh gia đã nêu gương cho chúng ta trong việc sống và loan báo Tin Mừng. Nếu hiểu Tin Mừng là tin vui cứu độ, tin giải thoát cho nhân loại và chính con người của Chúa Giêsu là Tin Mừng, Ngài đến từ Thiên Chúa để ở với con người, thì Giuse Maria quả thật đã trở thành tấm gương sống và loan báo Tin Mừng này. Giuse Maria đã sống Tin Mừng bằng cách mở rộng tâm hồn để cho Thiên Chúa, Đấng cứu thế bước vào tâm hồn và chi phối cuộc đời của mình. Cả Giuse và Maria không thể hiểu hết những lời giải thích của sứ thần về việc đầu thai của Hài nhi, của việc đón nhận Hài nhi và đặt tên là Giêsu, song ông bà đã xin vâng không hề nghi nan. Trong khung cảnh Giáng sinh thì chính Giuse và Maria đã giới thiệu Hài nhi mới sinh bọc trong khăn và đặt nằm nơi máng cỏ cho các mục đồng, cho các nhà đạo sĩ và chắc chắn các mục đồng các đạo sĩ không chỉ thờ lạy Hải nhi mà còn được ẵm bế hài nhi và tin rằng Ngài là tin vui cho toàn dân.
Thưa quý OBACE, với trách nhiệm làm cha mẹ, có khi nào chúng ta tự đặt vấn đề với nhau hoặc với chính mình để tìm nguyên nhân tại sao gia đình mình không hạnh phúc? Tại sao gia đình mình hay lục đục cãi vã…? Đừng tránh né sự thật hãy đặt vấn đề với chính lương tâm của mình chúng ta sẽ tìm được câu trả lời.
Nhiều gia đình hôm nay đã để cho cái ti vi và các chương trình trên đó thống lĩnh suốt ngày trong gia đình và khiến họ không còn giờ cho việc đọc kinh mỗi tối, không còn giờ để nói chuyện với nhau, và thậm chí bữa cơm gia đình mọi người cũng dán mắt vào cái tivi và không còn cười đùa được với nhau nữa. Vì không nói chuyện được với nhau, khiến họ cũng không thể hiểu nhau và không còn thông cảm yêu thương nhau được nữa.
Nhiều cha mẹ vì ích kỷ hẹp hòi, vì thiếu lòng quảng đại mà họ biến gia đình mình trở thành lò sát sinh, giết chết nhiều đứa con của mình. Một gia đình như thế sẽ không thể có bằng an trong tâm hồn và vì thế sẽ không thể nào có bình an trong gia đình, ngược lai chỉ có sự dằn vặt và cắu gắt mà thôi. Nhiều gia đình khác đã không biết phải dạy dỗ con cái thế nào, đã để cho công việc, ăn uống  say sưa, cờ bạc, cá độ và bạn bè chiếm hết thời giờ của con cái, khiến cho con cái cảm thấy lạc lõng ngay trong gia đình.
Hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân gia đình Chúa ban cho mỗi người, và tạ ơn Chúa vì món quà là vợ, là chồng, là con cái Chúa đã ban tặng cho gia đình. Hãy đón nhận nhau như là quà tặng của Thiên Chúa để biết trân trọng đối với nhau và nhất là trân trọng với Đấng đã trao tặng mình. Hãy nhìn vào gia đình Thánh gia để học ở nơi đó tấm gương của người chồng, người vợ thánh này, mà biết vun đắp cho gia đình mình trở nên một gia đình thánh thiện, ấm cúng, thuận hòa.
Điều chúng ta cần quan tâm không chỉ là gia đình chúng ta ăn cái gì, mua sắm cái gì, điều mà mọi người cần phải đầu tư nhiều hơn đó là gia đình chúng ta sống như thế nào, có hạnh phúc hay không. Đó mới là điều đáng hãnh diện và mơ ước. Khi vun đắp cho gia đình mình mỗi ngày như thế, thì chúng ta sẽ là gia đình sống và làm chứng về Chúa cho người chung quanh. Amen.

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

VÀI LỜI KHUYÊN ĐÁNG GIÁ CHO CÁC ĐÔI VỢ CHỒNG


Hãy xét kỹ từng bước cụ thể để kiến tạo hoặc tái tạo một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

1/ Nhớ xem bạn đã làm gì trước khi lấy nhau. Bạn đã chẳng giành làm mọi việc, luôn tỏ ra dễ thương, luôn cư xử đúng đắn, ân cần lịch sự, chu đáo và tử tế đấy ư ? Đây là phương cách tuyệt hảo giúp cho đời sống hôn nhân của bạn được luôn vững chắc, cho dù nó có gặp trắc trở đi nữa thì bạn vẫn có thể khiến nó lại nở hoa.


2/ Khởi đầu và kết thúc mỗi ngày bằng một lời tình tứ, trong ngày, nếu có thể, hãy dành vài phút gọi điện cho vợ để nói vài câu tình tứ. Sau hết, nhớ rằng dịp biểu lộ tình yêu tốt nhất là trước mặt người khác. Thỉnh thoảng nên gởi một lá “thư tình” qua bưu điện. Những món đầu tư này tuy nhỏ nhưng lãi suất rất cao.


3/ Thỉnh thoảng, nên tặng quà hoặc ảnh. Giá trị không phải ở món quà mà ở tình yêu biểu lộ qua món quà. “Không có người tặng thì quà chẳng là gì cả”. Một thi sĩ cũng đã viết: “Nhẫn và ngọc không phải là quà mà chỉ là lời biện minh cho món quà”. Món quà đích thực chính là bản thân người trao tặng.


4/ Cùng nhau sống những giây phút đầy ý nghĩa. Hãy nhớ lại xem các bạn từng khao khát tỏ tình với nhau ra sao và đã tốn biết bao thời giờ để nói yêu nhau trước khi kết hôn? Hãy lặp lại những tiến trình trên. Đi dạo hoặc tắt truyền hình cho người bạn đời thấy như thể họ là người trọng yếu nhất của đời bạn. Mà thực sự là thế, dù bạn có thừa nhận hay không cũng vậy.


5/ Biết lắng nghe. Một nhà thông thái đã nói: “Nói là chia sẻ còn nghe là săn sóc”. Hãy lắng nghe muôn vàn tình tiết và câu chuyện vụn vặt mỗi ngày của người bạn đời. Hãy nhớ luôn rằng: BỔN PHẬN KHIẾN TA LÀM VIỆC TỐT NHƯNG TÌNH YÊU KHIẾN TA LÀM VIỆC HOÀN HẢO. TÔI XIN nhấn mạnh một lần nữa: “Điều ta bắt đầu như một bổn phận sẽ kết thúc thành tình yêu”.


6/ Đừng để người bạn đời phải tranh giành với con cái sự quan tâm của bạn. Hãy dành thời giờ riêng cho người bạn đời.


7/ Mỗi khi xung khắc, hãy nhớ là có thể xung khắc mà không gắt gỏng. Song, đừng bao giờ đi ngủ mà chưa hoà giải. Bạn sẽ chẳng ngủ ngon nổi và những xung khắc ấy sẽ in vào tiềm thức cả hai người để rồi sẽ trở nên nguyên nhân cho những xung khắc khác.


8/ Hãy nhớ rằng Tạo Hoá đã đặt người nam làm chủ gia đình. Có lẽ đây chính là bước quan trọng nhất khi có đàn ông nắm giữ những quyết định quan trọng, người phụ nữ sẽ được an tâm. Rất ít khi tôi gặp một cuộc hôn nhân thực sự hạnh phúc khi người chồng không phải là chủ gia đình. Tuy nhiên, người chồng cũng phải nhớ rằng mình chỉ có thể chu toàn bổn phận bằng tình yêu và thân ái cũng như với uy quyền và sự cương quyết. Người xưa dạy: Chồng phải kính trọng và yêu thương vợ như chính bản thân mình.


9/ Hãy nhớ mình sẽ thường phải “nhượng bộ” để làm vui lòng hay thông cảm với người bạn đời. Tình cảnh lúc ấy có lẽ hơi khó chịu đấy, nhưng nó sẽ giúp bạn và cuộc hôn nhân của bạn khỏi tan vỡ.


10/ Cố dùng công thức có bảo chứng sau đây để pha chế món: “Hôn nhân hạnh phúc”.


- 1 chén tình yêu 5 muỗng hy vọng


- 2 chén chung thuỷ 2 muỗng dịu dàng


- 3 chén thứ tha 4 cân cậy tin


- 1 chén nghĩa tình 5 thùng nụ cười


Lấy tình yêu và chung thủy hoà trộn với cậy tin khuấy lên với dịu dàng, ân cần và hiểu biết, bạn nên thêm nghĩa tình và hy vọng. Pha màu cho tươi bằng nụ cười. Đem nướng dưới ánh mặt trời. Dùng thật nhiều mỗi ngày.


11/ Lấy câu: “Hãy sống tử tế, nhân hậu và tha thứ cho nhau” làm kim chỉ nam hằng ngày.


12/ Khi gặp những xung khắc không thể tránh thì ai dàn hoà trước cũng được. Song người dàn hoà chứng tỏ mình chín chắn và biết yêu thương hơn.



  Sưu Tầm
(Nguồn : giaoducconggiao.net)

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

BẠN SẼ LÀM GÌ ?


● Đang lái xe trong một đêm gió bão, bạn đi ngang qua một trạm xe buýt và thấy có ba người đang ngồi đợi xe:
1. Một bà lão rất yếu ớt, dường như sắp chết.
2. Một người bạn cũ đã từng cứu sống bạn.
3. Người trong mộng của bạn - người mà bạn từng mơ ước về một Happy Ending.
Vì chỉ có thể chở duy nhất một người, bạn sẽ chọn ai ?
Hãy dừng lại và suy nghĩ trước khi bạn đọc tiếp…..
● Hoàn cảnh khó xử này đã được dùng trong một cuộc phỏng vấn xin việc làm để xem những người dự tuyển xử lý ra sao. Bạn có thể chọn bà lão, bởi vì bà ta sắp chết, do đó bạn nên cứu trước hết. Hoặc bạn có thể chọn người bạn cũ bởi vì anh ta đã từng cứu sống bạn và đây là cơ hội thích hợp nhất để đáp trả lại tình nghĩa năm xưa. Tuy nhiên, có thể là bạn sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội gặp lại “ người trong mộng” của mình.
● Ứng cử viên được chọn trong số 200 người dự tuyển đã không khó khăn gì để đưa ra câu trả lời của mình. Tôi rất thích câu trả lời đó?
ANH TA ĐÃ NÓI GÌ ? Anh ta đơn giản trả lời rằng: “Tôi sẽ đưa chìa khoá xe hơi của mình cho người bạn cũ để anh ta đưa bà lão vào bệnh viện. Còn tôi sẽ ngồi lại cùng đợi xe buýt với người phụ nữ của cuộc đời tôi!”
● Vậy đấy, chúng ta cứ ngồi nghĩ đi nghĩ lại đắn đo xem nên chọn ai đây trong khi chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn nếu chúng ta biết cho đi và phá vỡ những giới hạn nhỏ bé tự đặt ra.
● Đừng bao giờ quên rằng: “Hãy suy nghĩ một cách bao quát hơn”
------------
(internet)

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2014 - THƠ TINH HOA



MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2014
& ĐÓN CHÀO NĂM MỚI 2015
                                                       * * * * * * * * *
Trong niềm vui tươi thắm ân tình
Mừng đón đêm đông Chúa Giáng Sinh
Năm mới an khang sống ước vọng
Xuân về tươi thắm cảnh thanh bình
Đồng Xanh thi hữu ngày thăng tiến
Lúa thắm ruộng nương mãi kết tinh
Kính chúc muôn người luôn tiến bước
Vinh thăng thân thế đẹp tâm linh./


* * * * * * * *
Tinh Hoa 
Clb-ĐXT-Saigon


NOEL: LỄ CỦA TÌNH YÊU, HY VỌNG VÀ SẺ CHIA


"Đừng sợ, này ta báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại. Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta " (Lc, 2, 10).

Vâng, một niềm vui cả thể không trọng đại sao được, bởi niềm vui này không dành cho riêng ai hay cho một nhóm người nào, mà là cho toàn dân !
1) Noel lễ của TÌNH YÊU
Sống ở trên đời, ai trong chúng ta cũng muốn yêu và được yêu, bởi tất cả chúng ta đã được yêu bằng một tình yêu cao cả. Bằng chứng là "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một Người " (Ga. 3, 16-17).
Mấy ngày nay, khi dạo thăm một số nhà thờ và ngắm nhìn nào là hang đá, hay cảnh Belem, tôi bỗng dừng lại hồi lâu trước một hang đá trang hoàng rất sống động, tôi có cảm tưởng như mình đang đối diện với cánh đồng Belem khi xưa và tự nhủ thầm trong lòng rằng, à cách đây hơn 2000 năm tại Belem, Con Một Thiên Chúa đã giáng sinh làm người. Đó là một tình yêu cao cả, mà Thiên Chúa đã tặng ban cho mỗi người chúng ta.
2) Noel, lễ của HY VỌNG
Trong lúc tôi đang trâm ngâm suy ngắm thì thấy một người mẹ đưa tay chỉ về phía tượng Chúa Hài Đồng và nói với thằng con nhỏ của bà rằng : "Đấy, con thấy không Thiên Chúa hóa thân làm em bé đấy ! "
Thiên Chúa giáng sinh làm người để giải thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi muôn điều lo sợ, sợ thiên tai, nhân tai, sợ chết... Đó là niềm tin và hy vọng cho chúng ta.
3) Noel, lễ của sự SẺ CHIA.
Các đấng giáo phụ nhắc đi nhắc lại ý muốn: "Thiên Chúa làm người để con người trở nên thiên chúa". Quả thật, Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta món quà vô giá là chính Con một Chúa. Chúng ta cũng phải chia sẻ cho nhau những món quà nhân dịp kỷ niệm ngày Giáng sinh Con Một Chúa, đặc biệt trong gia đình, món quà ấy có thể là vật chất, là sự cảm thông với tinh thần vị tha, bằng lời nói, tiếng cười.
Thế giới xung quanh ta còn thiếu tiếng cười, còn biết bao người nghèo khổ và bất công, phải chăng chúng ta chưa có sẻ chia? Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã nói: "chính trong đêm Giáng sinh mà nền văn minh tình thương đã khai mào". Chúa chỉ thực sự ở trong ta và giáng sinh trong lòng ta khi chúng ta đón tiếp tha nhân; câu hỏi được đặt ra trong Mùa Giáng sinh này là, tha nhân có vị trí nào trong trái tim tôi?
Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ






Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

HANG BÊLEM VÀ NHẠC SƯ HẢI LINH




Bài hát “Hang Bê-lem” có lẽ rất quen thuộc với người dân Việt. Mỗi mùa Giáng Sinh về, giai điệu thanh thoát của nó lại rộn ràng vang lên khắp các phố phường:
Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…
Nằm trong hang đá, nơi máng lừa
Bài hát Hang Bê-lem được chính tác giả điều khiển ca đoàn nhà thờ chính tòa Phát Diệm hát lần đầu tiên trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh 1945.
Thầy Phanxicô Hải Linh (tên thật là Trần văn Linh, quê Ứng Luật, Kim Sơn, Ninh Bình) là một tên tuổi lẫy lừng trong giới thánh nhạc. Suốt một đời hoạt động âm nhạc đã để lại hơn 100 tác phẩm âm nhạc nhằm tôn vinh Thiên Chúa và tán tụng quê hương Việt Nam.
“Tôi phải cảm tạ Thiên Chúa suốt ngày, suốt đời tôi, vì Ngài đã cho tôi biết được một thứ ngôn ngữ tế vi và phổ quát của nhân loại. Tôi cũng phải luôn luôn tán tụng Quê Hương vì đã dưỡng dục tôi.”
Nhạc sư Hải Linh sinh năm 1920 và mất năm 1988, ông là người…nghiện thuốc lào rất nặng dù từ năm 1950 đến 1956 ông đã được Cha Phạm Ngọc Chi (Giám mục giáo phận Bùi Chu) gởi sang học tại Âu Châu. Ông học nhạc tại Pontifical de Rome (Ý), rồi sau đó sang Ba Lê (Pháp), học ở trường Cesar Franck là một trường chuyên dạy về sáng tác.
Tôn vinh Thiên Chúa nhưng cũng không quên Tán tụng Quê hương . Hai đại thi phẩm của dân tộc như CHINH PHỤ NGÂM và KIM VÂN KIỀU đã được ông phổ thành những bản hợp ca vĩ đại, mang hình thức ca nhạc giao hưởng (poème symphonique ) hay tiểu nhạc kịch (micro – opéra ).
Nhạc sư Hải Linh là một người điều khiển hợp ca, hợp xướng (chef de Choeur) rất nổi tiếng. Những người có may mắn được xem ông điều khiển, chỉ huy ban nhạc đều kính nể. Chính ông kể rằng:
“Lối điều khiển của tôi rất khác nên rất khó mà có thể hấp thụ mà không có người chỉ dẫn trực tiếp. Mỗi cái cất tay của tôi là một thế võ (chiêu thức) và tôi đã sáng chế ra 300 miếng võ… “
Hồi còn sinh tiền, cố nhạc sư Hải Linh đã có lần kể về sự ra đời của bài hát Hang Bê-lem :
“Đó là bài đầu tiên mà tôi viết vào tháng 11 năm 1945. Lúc ấy tôi được 25 tuổi và đang dạy học ở trường thầy Giảng Bùi Chu.
Một hôm, tôi đi ngang qua Tòa sọan bán nguyệt san Đường Sống ở Nam Định, ông Minh Châu-chủ nhiệm-thấy tôi thường hay hát nên đố tôi làm được một bài để đăng vào báo Đường Sống nhân mùa Giáng Sinh. Tôi nhận lời và hẹn ba ngày sau trở lại.
Sau ba ngày tôi đưa bản nhạc Hang Bê-lem tới Tòa soạn và tập sơ qua cho một số anh chị em trong Tòa soạn. Khi hát lên, mọi người thấy thích quá nên ông Minh Châu mới thương lượng với tôi thế này : Ông sẽ chi phí cho người cầm bản nhạc lên Hà Nội để tìm Mạnh Quỳnh và thuê Mạnh Quỳnh khắc vào bản gỗ. Sau khi đã in 2000 số báo Đường Sống, ông Minh Châu sẽ cho tôi lại bản gỗ của bản nhạc. Tôi cũng đồng ý như vậy.
Tôi còn nhớ, lúc đó tôi đã in ra 500 bản với giá 3 hào hay 5 xu gì đó. Tôi gởi lên Hà Nội 10 bản. Một số nhà thờ hát và nhiều người thấy hay nhưng không tìm đâu ra bản nhạc. Thật đúng tôi là một anh nhà quê ! Đối với thủ đô Hà Nội mà chỉ có gởi 10 bản nhạc !”

Mời nghe một số bài hát  các năm xưa viết về Noel 












Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

ÔNG GIÀ NOEL KHÔNG MẶC ÁO ĐỎ

            Tôi ngồi phành chân trên ghế trước trong xe Pontiac cũ của chúng tôi, bởi vì đó là cách ngồi hay nhất dành cho một đứa trẻ lớp bốn.  Ba tôi lái xe vào thành phố để mua sắm, còn tôi chỉ đi theo chơi.  Đó là lý do tôi nói với ông.  Thật ra, tôi có một vấn đề quan trọng cần hỏi ông, mà vấn đề đó cứ lởn vởn trong đầu tôi mấy tuần nay.  Tôi bắt đầu lên tiếng: 

            - Ba à...
Tôi ngập ngừng. Ông không quay sang nói:
            - Gì vậy?
            - Dạo này, mấy đứa bạn trong trường con thường bàn tán về một điều mà con biết là không đúng...
            Tôi cảm thấy môi dưới mình run rẩy vì phải cố kìm lại những giọt nước mắt chỉ trực trào ra.
            - Chuyện gì vậy, Punkin?
            Tôi biết tâm trạng ông đang vui khi ông dùng cách gọi thân mật như vậy để gọi tôi.
            - Tụi nó nói là không có ông già Noel.
            Một giọt nước mắt bên phải trào ra.  Tôi ấm ức nói tiếp:
            - Tụi nó nói con ngốc lắm mới tin là có ông già Noel...  Chuyện đó chỉ dành cho con nít.
            Một giọt nước mắt bên trái lăn nhanh xuống má. Tôi sụt sùi:
            - Nhưng con tin những gì ba đã nói với con.  Ông già Noel là có thật.  Phải không ba?
            Ba tôi dịu dàng nói:
            - Patty, bọn trẻ ở trường con sai rồi.  Ông già Noel có thật.
            Tôi thở ra một hơi nhẹ nhõm:
            - Con biết ngay mà!
            - Nhưng ba cần nói thêm về ông già Noel với con. Ba nghĩ giờ đây con đã đủ lớn để có thể hiểu những gì ba sắp chia sẻ với con. Con sẵn sàng chưa?

            Nét mặt ba tôi dịu dàng hẳn, và ánh mắt của ông thật ấm áp.  Tôi biết sắp có một chuyện quan trọng, và tôi sẵn sàng vì tôi hoàn toàn tin tưởng nơi ông.  Ba tôi sẽ không bao giờ nói dối tôi.



            - Ngày xưa có một người đàn ông thường chu du khắp nơi trên thế giới.  Đi tới đâu, ông ấy cũng tặng quà cho những đứa trẻ mà ông thấy là xứng đáng.  Con sẽ tìm thấy ông ấy ở nhiều vùng đất khác nhau với nhiều tên khác nhau.  Ông ấy là tinh thần của yêu thương vô điều kiện, và ông ấy mong muốn chia sẻ yêu thương bằng cách tặng những món quà từ trái tim.  Khi con đến một độ tuổi nào đó, con sẽ biết ông già Noel thật sự không phải là người chui qua ống khói nhà con đêm trước Giáng Sinh.  Cuộc đời thật và linh hồn thật của vị thần tiên này sống mãi trong lòng con, trong lòng ba, trong lòng mẹ, trong lòng - cũng như trong tâm trí - của tất cả những ai tin vào niềm vui mà chúng ta tặng cho người khác.  Tinh thần thật sự của ông già Noel nằm trong điều con cho đi, chứ không phải điều con nhận được.  Một khi con hiểu và chấp nhận khái niệm này, Giáng Sinh càng thêm lý thú và kỳ diệu, vì con biết phép lạ xuất phát từ tâm hồn con, khi ông già Noel sống trong trái tim của con.  Con có hiểu những lời ba muốn nói với con không?

            Tôi nhìn chằm chằm ra ngoài khung cửa, tập trung vào một thân cây phía trước mặt.  Tôi sợ phải nhìn ba tôi - người mà lúc nào cũng đoan chắc với tôi rằng ông già Noel là có thật.  Tôi chỉ muốn tin như hồi năm ngoái tôi đã tin - ông già Noel là một vị thần tiên to lớn, mập mạp, mặc bộ đồ đỏ.  Tôi không muốn nuốt vào viên thuốc làm người lớn và nhìn thấy mọi việc khác đi.

            - Patty, con hãy nhìn ba.

            Ba tôi yên lặng chờ đợi.  Tôi quay đầu lại nhìn ông.

            Ba tôi cũng đang khóc - nước mắt của vui sướng.  Nét mặt ông rạng rỡ bởi ánh sáng của hàng ngàn thiên hà, và trong đôi mắt ông, tôi thấy đôi mắt của ông già Noel.  Ông già Noel thật sự.  Là người bỏ nhiều công sức lựa những món quà đặc biệt mà tôi muốn trong tất cả những dịp Giáng Sinh. Là người sẵn sàng ăn phần cà rốt mà tôi bỏ lại cho con chó Rudolph.  Là người - dù không có kỹ năng - vẫn ráp xe đạp, ráp cỗ xe ngựa, và những thứ linh tinh khác cho tôi trong suốt buổi sáng của những ngày Giáng Sinh.

            Tôi đã nhận được điều đó.  Tôi đã nhận được niềm vui, sự chia sẻ và yêu thương.  Ba tôi kéo tôi vào vòng tay ấm áp của ông, âu yếm ôm tôi thật lâu.  Hai cha con tôi cùng khóc với nhau.

            Ba tôi nói tiếp:

            - Bây giờ thì con thuộc về một nhóm người đặc biệt.  Kể từ giây phút này, mỗi ngày trong năm, con sẽ chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với mọi người.  Vì giờ đây, ông già Noel đang sống trong tâm hồn con như ông ấy đang sống trong tâm hồn ba.  Trách nhiệm của con là thực hiện trọn vẹn tinh thần trao tặng.  Đây là một trong những điều quan trọng nhất có thể xảy ra trong suốt cuộc đời con, vì bây giờ con biết ông già Noel không thể tồn tại nếu như không có những người như con và ba - luôn giữ cho ông ấy sống mãi.  Con có thể thực hiện được điều này không?

            Tâm hồn tôi tràn ngập niềm tự hào, và tôi chắc chắn ánh mắt tôi sáng rực lên vì xúc động.  Tôi nói:
            - Được, thưa ba. Con muốn ông ấy luôn ở trong tim con, như ông ấy luôn ở trong tim ba.  Ba ơi, con yêu ba lắm.  Ba là ông già Noel tuyệt vời nhất trong đời con.

            Khi đến lúc tôi phải giải thích sự hiện hữu của ông già Noel cho các con tôi biết, tôi cầu xin tôi có tài ăn nói và tình yêu thương như ba tôi vào ngày đã giúp tôi hiểu được ông già Noel không mặc bộ đồ màu đỏ.  Tôi hy vọng các con tôi cũng dễ dàng chấp nhận như tôi ngày đó.  Và tôi hoàn toàn tin tưởng nơi chúng.

Patty Hansen