Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

LỊCH SỬ THÀNH JERUSALEM





Nguyễn Hữu An
King-Solomons-Temple
HÃY PHÁ NGÔI ĐỀN NÀY ĐI” (Ga 2,19) 
Không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa thấy sự huy hoàng của Đền thờ, nhưng Chúa Giêsu lại nói rằng: sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. 
Khi người Do thái chất vấn : Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ?Chúa Giêsu bảo: cứ phá Đền thờ này đi, trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại. Thân thể của Chúa là Đền Thờ kỳ công của Mầu Nhiệm Nhập Thể. Người ta phá huỷ Đền Thờ này, chôn vùi vào lòng đất. Sau ba ngày, Chúa xây lại, đó là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh là Đền Thờ Mới, mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên Đền Thờ ấy. 
1. Lịch Sử thành thánh Giêrusalem 
Để hiểu câu nói của người Do thái: “Đền Thờ phải mất 46 năm mới xây xong”, chúng ta tìm hiểu đôi nét lịch sử thành thánh Giêrusalem. 
Giêrusalem được xem là thành phố thiêng liêng của ba tôn giáo lớn trên thế giới: Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Tư liệu lịch sử cổ Ai Cập đã nói đến Giêrusalem, có từ 3.000 năm trước CN. 
Với người Do Thái giáo, Giêrusalem là nơi Đavít lập thành đô. 
Với người Kitô giáo, Giêrusalem là nơi xảy ra nhiều sự kiện cuối đời của Chúa Giêsu, nhất là biến cố tử nạn phục sinh của Ngài. 
Với người Hồi giáo, Giêrusalem là nơi giáo chủ Mahômét đã đến hành hương, là thánh địa quan trọng của họ sau Mecca và Medina trung tâm của đạo Hồi ở Ả rập Sauđi. 
Giêrusalem, tiếng Do Thái gọi là Yerushalayim, người Ả rập gọi là Al Quds, có nghĩa là thành phố văn hoá đa dạng. Như một trung tâm tôn giáo quan trọng vào thời cổ, thuộc miền Cận Đông, Giêrusalem như ngã tư nơi xảy ra nhiều cuộc tranh chấp. Khảo cổ xác minh điều đó ở những di tích của thành cổ còn sót lại. 
Lịch sử của Thành Thánh là những cuộc chiến tranh, thôn tính, tàn phá và xây dựng lại. Đế quốc Babilon, Batư, Hylạp, La Mã, Byzantine, Thỗ Nhĩ Kỳ, Ottoman, Đế Quốc Anh đều đã đặt chân lên Giêrusalem. Có lẽ ít nơi nào trên thế ghi lại chứng kiến sự biến thiên cũng như sự cộng hưởng của nhiều nền văn hóa, tôn giáo như miền đất này. Trong mọi thời kỳ, đền thờ vốn là biểu tượng của Israel vinh quang và nhục nhã, trung thành và phản bội. 
Ba ngàn năm trước CN, Giêrusalem chỉ là vùng đất nhỏ bé. Người Canaan đã đến đó sinh sống, đồng hoá sắc dân bản địa. Họ ở trên vùng đất cao, dùng nguồn nước cạnh Gikhon, nằm giữa hai thung lũng Cedron và Tyropocon. Khoảng năm 2000, dân Amôri chiếm được miền này. Khoảng 1800, họ thành lập thành luỹ ở Giêrusalem, tường thành bao gồm cả đất của dixième dân và chiếm Ôphel ở phía bắc, họ còn đào một đường hầm xuyên qua đá để lấy nước ở suối Gikhon. Vào thế kỷ 14, các bức thư của El Amarna cho biết Giêrusalem lọt vào tay một quân vương tên là AbbiHepa. Sự thống trị của người Canaan kéo dài tới thời Đavít. 
Nằm trên độ cao 800m, bao gồm thành phố mới và thành phố cổ. Thành phố cổ do vua Đavít thành lập và con ông, vua Salomon đã cho kiến thiết một Đền thờ vĩ đại nhất thời bấy giờ, nhưng Đền thờ đã hai lần bị phá huỷ và bị người La mã bình địa năm 70 sau CN. Giêrusalem trải qua một quãng thời gian dài thành nơi linh thiêng của người Kitô giáo, nhưng năm 637 người Ả rập chiếm đóng và Giêrusalem lại thành thánh địa của đạo Hồi, họ tin rằng: chính trên mỏm núi Moriah, Mahomet đã bay về trời, thế là họ cho xây đền thờ Đá (Dome of the Rock). Năm 1099, Thập Tự quân chiếm đóng, Giêrusalem thành một nước thuộc quyền người Kitô giáo và sau cuộc đánh chiếm người Hồi Ottoman 1250 lại đặt dưới sự thống trị người Hồi Ả rập. 
Sau chiến tranh thế giới lần I, năm 1922 Giêrusalem đặt dưới quyền kiểm soát của người Anh. Năm 1948, người Do Thái về lập quốc, chiến tranh xung đột giữa Israel và Ả rập xảy ra, Liên Hiệp quốc đã phân chia khu Cổ thành Thánh địa Giêrusalem thuộc về xứ Jordanie. Năm 1967, chiến tranh “Sáu ngày” Israel chớp nhoáng chiếm lĩnh khu Cổ thành. Năm 1980, viện Knesset (viện dân biểu) chính thức tuyên bố “thủ đô vĩnh viễn” bất chấp sự phản đối của khối Ả rập. Trong khu vực cổ thành có các bức tường từ thời Thổ Nhĩ Kỳ, những bức tường từ thời Salomon và Herod còn dấu tích và còn nhiều di tích thánh, những vết tích Đền Thánh còn sót lại. Mỗi tôn giáo đều có khu phố riêng: khu vực Kitô giáo nằm về phía Tây Bắc quanh mộ Chúa Giêsu; khu Hồi giáo năm hướng Đông Nam trên thung lũng Cedron. 
Salomon xây Đền Thờ 
Thế kỷ thứ 10 trước CN, Đavít lấy Giêrusalem làm trung tâm của nước Do Thái. Ông muốn xây một thành Thánh. Kế nghiệp cha, Salomon đã cho xây dựng một Đền Thánh nguy nga, lộng lẫy. 
Vua Salomon có vàng bạc, đàn gia súc, có mùa màng và lòng kiêu căng nhưng không có vật dụng hảo hạng, thợ lành nghề và ý niệm nghệ thuật xây dựng. Vì vậy ông phải nhờ đến các người Tyrians, họ có đủ tài nguyên cần thiết và quan niệm kiến trúc cơ bản cộng với nghệ thuật của Ai cập và Assyria. 
Trong vòng bảy năm, từ 1013 tới 1006, nhà của Giavê được hoàn thành. Giống như các đền đài Ai Cập, phần căn bản của nó là Pylon hay tiền đường mặc áo, cung thánh ngoại vi hay nơi thiêng liêng, phần bên trong linh thiêng hơn, nơi cực thánh không ai được đặt chân vào ngoại trừ các thượng tế, một năm một lần. Một số các phòng phụ cận dùng vào việc phục dịch đền thờ. Toàn bộ kiến trúc được dẫy cột bao quanh gọi là hành lang có mái. Phần này được hoàn tất muộn về sau. 
Bên dưới Haram của Salomon là các hồ chứa nước dùng cho các nhu cầu của nhân viên phục vụ đền thánh và việc tế lễ. Còn việc tắm rửa thì đã có một bể bằng đồng lớn gọi là “biển đồng” ( the sea ofBronze). Nó bắt chước các chậu tắm của Susa và cuối cùng là cung điện vua thượng vị với hoàng hậu của ông ở. Ông cư ngụ bên cạnh Đức Chúa của mình. 
Như thế, Salomon hoàn thành công trình thật tráng lệ. Các kích thước cùng với hình thể, hoa văn, phù điêu, chữ nghĩa là phổ thông nơi não trạng Ai cập. Chiều kích của từng phần và các chi tiết được trù liệu như các yếu tố của một bài toán mà lời giải là toàn thể kiến trúc. Nền cao bên hông tam giác đều, phía trước là tam giác vuông – mà theo Platô tam giác đẹp nhất, hoàn thiện nhất là tam giác vuông góc các cạnh được đo như sau 3, 4 và 5. 
Việc trang trí gồm có các tấm phù điêu dát vàng theo như thói quen người Babylon. Sàn nhà làm bằng gỗ bá hương và thông già, gồm luôn cả vỉa hè. Các bình thiêng thánh gần như bằng vàng ròng toàn khối. Các bàn lễ vật, các chân đèn, các cánh thiên thần Cherubim khắc bằng gỗ dát vàng. Các dụng cụ tuỳ tùng khác được trang trí hào phóng. 
Dân Israel đã đồng hóa tình yêu đền thánh với lòng sùng mộ Đức Chúa: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, cung điện Ngài xiết bao khả ái, mảnh hồn này khát khao mòn mỏi, mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng” (Tv 83, 2-3). 
Đất nước chia đôi, lưu đày 
Vương triều của Salomon đến cuối đời thì bị phân chia. Trong số 12 chi tộc Israel chỉ có hai chi tộc – Giuđa và Benjamin – trung thành với nhà vua, còn các chi tộc khác lập một vương quốc mới, vương quốc Israel. Do vậy nước chia làm hai: Giuđa và Israel. Chiến tranh giữa hai nước xảy ra. Miền Bắc bị đế quốc Assyri xâm chiếm vào năm 721. Miền nam Giuđa Bị đế quốc Babilon tàn phá năm 587, Đền Thánh bị thiêu đốt, dân Do Thái phải tha phương cầu thực sống kiếp lưu đày. 
Hồi hương, xây lại đền thờ lần thứ hai. 
Đế quốc Assyri và Babylon bị đế quốc Ba Tư đánh bại. Năm 538, vua Ba Tư là Cyrus hạ chỉ cho phép người Do Thái lưu đầy được hồi hương trở về quê cha đất tổ. Vua Zorobabel xây dựng tạm đền thờ trên đống đổ nát. Nó được đặt trên nền cũ nhưng nhỏ hơn chút ít. Năm 537, Đền thờ bắt đầu được tái thiết nhưng 17 năm ròng rã vẫn chưa xong. Sau cùng, nhờ Khacgai và Giacaria, Đền thờ được hoàn thành, được xây cất theo Đền thờ của Salomon và cùng một kích thước. Năm 445, Nêhêmia xin vua Ba Tư xây dựng lại tường luỹ bảo vệ chung quanh. Ông thực hiện trong một thời gian kỷ lục, hai tháng thì xây xong. 
Đế quốc Hy Lạp, anh em nhà Maccabê. 
Rồi thành Giêrusalem bị đế quốc Hy lạp chiếm. Năm 166-165, một cuộc nổi dậy trong dân Do Thái, ngoài Mattathia còn có anh em nhà ái quốc Maccabê, họ nổi dậy và đã thành công. Tháng 12 năm 165 Giuđa chiếm được Đền thờ, tổ chức lễ Hanmica cũng gọi là lễ Ánh sáng, để nhắc lại ngày tẩy uế và dâng hiến lại Đền thờ cách trọng thể. Cuộc nổi dậy đó không là một sự thành công hoàn toàn nhất là về phương diện tôn giáo. 
Hêrôđê xây đền thờ lần thứ ba. 
Ngôi đền thứ hai tồn tại cho đến khi Pompey của Roma thôn tính Giêrusalem và Hêrôđê cả tự phong mình lên ngôi vua ở thành phố. Ông vua tiếm vị và sát nhân này cho xây lại đền thờ Zorobabel, để hoà giải với dân tộc Do Thái, nhất là giai cấp tư tế và đền bù muôn vàn tội lỗi đã xúc phạm đến dân tộc ấy. Ông cần tới ba năm để thu gom vật liệu cần thiết, và bám sát vào đồ án trước đây, chỉ tôn tạo dấu vết cổ xưa, cố gắng dựng lại cách sắp xếp thuở ban đầu, mặc dù chủ yếu dùng kỹ thuật Hy lạp – Roma. 
Khi mọi sự đã sẵn sàng, Hêrôđê bắt tay vào việc. Mười ngàn thợ tốt được sử dụng dưới sự giám sát của một ngàn tư tế. Chỉ những tư tế này mới được làm việc nơi cung thánh và cực thánh. Trong vòng 18 tháng, phần “Naos” (nơi cực thánh) được hoàn tất và cung hiến. Tám năm nữa để xây dựng tiền đường và hành lang. Nhưng những công việc phụ kéo dài đến thời Agrippa, phỏng năm 64 sau công nguyên nghĩa là cho tới chiều hôm trước ngày lại bị tàn phá.
Xét theo tổng thể, thì ngôi đền Hêrôđê để lại, thể hiện quan niệm kiến trúc tinh tế. Các cột hành lang quay quanh một dinh cơ đồ sộ, cái nọ chồng lên cái kia, gọi là hiên hàng cột mà tuyệt đỉnh là chính cung thánh nằm ngay trên đỉnh đồi.
Coi từ phía xa, và trong nguồn ánh sáng thuận lợi, nó có một hiệu ứng ánh sáng kỳ diệu, tuờng đá cẩm thạch trắng, trang trí vàng bạc giống như một khối tuyết lóng lánh. Nhìn từ phía núi Olivêtê, khi mặt trời mọc nó sáng chói với các mái vòm mạ vàng, các cổng, các hoa văn, các dây leo to tuớng bằng vàng ròng ở cổng chính lấp loáng dưới ánh mặt trời lung linh. Trước quang cảnh rực rỡ đó, lòng khách hành hương không khỏi bùng lên một ngọn lửa kiêu hãnh, thì thầm lời Thánh vịnh: “Tại Sion, cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh”(Tv 59,2).
Thế nhưng, khi thiên hạ tiến đến từng đoàn lũ từ khắp nơi để tham dự các lễ hội lớn, xô lấn nhau vào cổng, tràn ngập các sân. Khi các tư tế lăng xăng đây đó để chu toàn chức vụ. Khi các tiến sĩ tranh luận lề luật, chung quanh là học trò vãng lai hay thường xuyên. Khi hội đồng Sanhedrin nhóm họp để cân nhắc. Khi các chiên cừu, bò lừa, chiên dê được dẫn qua cổng để làm lễ hiến tế, khi các cùi hủi đến để được tẩy sạch, khi các người chồng lo lắng dẫn vợ tới chịu phép thanh tẩy bằng nước “cay đắng”, khi những người đổi tiền, những lái buôn bồ câu và bánh tiến, thực hiện dịch vụ ồn ào, thì kiến trúc khổng lồ này trở nên náo nhiệt, sống động, diễn tả sức sống của tất cả những thứ mà nó đứng làm tiêu biểu. Lúc ấy toàn bộ nơi chốn uy nghiêm này đầy ắp tiếng lách tách của lửa cháy, tiếng rống của súc vật bị giết, tiếng nói, giọng cười, tiếng chân bước và kèn đồng thúc giục. Đền thờ giống như một “siêu thị”, tấp nập buôn bán, ồn ào náo nhiệt. Điều đó, khiến Chúa Giêsu nổi giận làm một cuộc “thanh tẩy đền thờ” (Ga 2). Khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ.Thật là bất công và càng tệ hơn nữa khi người ta nhân danh Tôn giáo để trục lợi. Bên cạnh bọn đổi tiền còn có một số người bán bò, chiên, bồ câu để khách hành hương mua làm lễ vật toàn thiêu. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua đựơc các con vật ở sân Đền Thờ. Luật quy định các con vật làm của lễ phải lành lặn không tỳ vết. Có những chức sắc kiểm tra khám xét con vật. Mỗi lần khám xét phải trả 1/12 siếc-lơ, không được mua vật ở ngoài Đền thờ. Khốn nổi, mỗi con vật mua trong đền thờ đắt gấp 15 lần ở bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bốc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công này lại càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo. Chính vì những điều ấy đã làm Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận.Chúa lấy dây thừng bện thành roi đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 
jerusalem
Đế quốc Lamã phá đền thờ
Đối với người Do Thái, tôn giáo và chính trị là một. Những người kế vị Maccabê quá trần tục, họ tranh dành nhau địa vị, người thì tự xưng là vua: Aristôbôrô I; người tự xưng là Thượng tế: Hátmon. Người Do Thái phản ứng quyết liệt, họ phủ nhận quyền lãnh đạo tôn giáo cũng như chính trị đó. Trong bối cảnh đó, người La mã đã đặt chân đến theo lời mời giảng hoà việc tranh chấp giữa vua và Thượng tế. Dịp này, người La mã tiến vào Giêrusalem, nước Giuđa bị biến thành chư hầu. Hicanô được đặt làm vua Do Thái từ năm 37-4 trước CN, ông cho xây dựng Đền thờ. Dưới sự cai trị của quan tổng trấn La mã, Pônxiô Philatô (ông được hoàng đế Tibêriô bổ nhiệm năm 26, giữ chức vụ 10 năm, rồi bị mất chức năm 36 sau vụ giết hại một số người Samaria vô tội), Chúa Giêsu bị xử tử ở Giêrusalem.
Vào năm 70 sau CN, vị tướng La mã Titus đem đại quân vây hãm thành. Ông ra lệnh không được đốt phá. Một quân nhân như bị thúc đẩy bởi một sức kỳ lạ đã cầm bó đuốc đang cháy ném vào bên trong Đền thờ, lửa bốc cháy nhanh, không chữa được. Sau khi đám cháy tàn lụi, Titus ra lệnh phá huỷ thành và Đền thờ, ngoại trừ, như sử gia Josèphe cho biết, ba lều tháp và một bức tường, để cho hậu lai thấy sự kiên cố của thành bị phá.
Năm 132 vào thời hoàng đế Adrien, ông truyền xây một ngôi chùa thờ thần Jupiter, Giêrusalem gọi là Aelia Capitolina, là một thành chính thức thuộc về La mã. Năm 362, Julius mệnh danh là “người chối đạo” cho phép cũng như giúp mọi phương tiện cho người Do Thái xây lại Đền thờ, nhưng không thành vì khi khởi công có chuyện kỳ lạ là những ngọn lửa từ dưới nền móng bốc lên khiến thợ xây phải bỏ cuộc (sự việc đó đã được các giáo phụ như Grêgôriô Nazianze, Gioan Kim Khẩu và một số sử gia không có đạo sống vào năm 363 như Socrate, Sozomène, Theodoret kể lại). 
Thời vua Constantin.
Năm 333 thời Constantin, người Do Thái được phép đến than vãn chỗ đặt Bàn thờ Toàn thiêu, ông cho phá đền Capitolina, để lộ thiên đồi Golgotha và mồ thánh. Thánh nữ Hêlêna, mẹ hoàng đế đã tìm ra Thánh giá của Chúa Giêsu và hai cây thập giá của hai tên tử tội, Constantin đã cho xây một giáo đường trùm lên khu vực đó. 
Nhiều thăng trầm.
Thế kỷ thứ 5, bắt đầu có phong trào người Kitô hữu về hành hương Đất Thánh, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đã cho lập nhiều lữ quán để đón tiếp các đoàn hành hương. Năm 614 người Ba Tư chiếm được Giêrusalem, đốt phá các nơi thờ tự, bắt thượng phụ Zacaria và lấy di tích Thập Giá đem theo. Ít lâu sau, Heracliô lấy lại được Thập giá trong tay người Ba Tư (629). Năm 638, người Ả rập chiếm được Giêrusalem, họ cho xây tại chính tâm Đền thờ giáo đường El Apsa, sau đó giáo đường Omar. Kể từ đó, người Do Thái thường đến than khóc tại bức tường Than Khóc. Người Hồi giáo đã chiếm Thánh địa từ lâu, nhưng các chủ nhân Ả rập này tương đối dễ dãi với các tín hữu địa phương và khách hành hương, miễn là nộp thuế cho họ. Hoàng đế Charlemange còn cho xây dựng một đan viện ở núi cây dầu. Nhưng từ năm 1009, vua Hakim phá Mồ Thánh. Năm 1071, Hồi giáo Ả Rập gốc Thổ Nhĩ Kì phá huỷ, bôi nhọ những nơi thánh thiêng nhất của Kitô giáo cũng như cản trản những đoàn hành hương Thánh địa.
Một cuộc chiến tranh mới xảy ra: chiến tranh của lòng tin. Bấy giờ, vua La mã, Alexius Commecus thỉnh ý Đức Giáo hoàng Urban II. Giáo hoàng cho triệu công nghị ở Clermont nước Pháp, người kêu mời mọi người sẵn sàng lên đường bảo vệ đức tin. Trước lời hiệu triệu vừa hùng hồn vừa thống thiết của Đức Giáo hoàng, như ngọn lửa nhiệt thành bốc cháy, mọi người từ tu sĩ, tín hữu la lên: “Chúa sẽ phù trợ”. Đạo binh Thánh giá không phải là quân đội có tổ chức mà là sự tập trung ô hợp, nhưng không vì thế mà không có người lãnh đạo. Một đội quân mà thành phần là: tu sĩ, hiệp sĩ, nhà quý tộc, binh lính, nông dân, người buôn bán, có cả trẻ em.. Họ tin rằng họ thắng chỉ vì có Chúa độ trì… năm 1096, đoàn quân thứ nhất lãnh đạo của Godfrey of Bouillon đa phần là hiệp sĩ và những nhà quí tộc. Sau chín tháng ở Antioch…Tháng 6 năm 1099 họ bắt đầu vào Giêrusalem vào ngày 15/07/1099 họ chiếm được Giêrusalem. Khi tiến vào Mồ thánh họ đi bộ, đầu để trần, đến nơi họ quì gối rồi hôn phần đất mà Chúa Giêsu chịu chết. Họ cho xây các thánh đường mới, trong đó có thánh đường Mồ thánh, nhà Tiệc ly…
Năm 1187, Saladin chiếm được Giêrusalem. Năm 1516, lại rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào năm 1540, Soliman II cho xây một tường luỹ ở phía Bắc chạy dọc theo tường luỹ của Agrippa, còn phía Nam nơi từ tường thành phía nam Đền thờ chạy dài đến phía bắc Nhà Tiệc Ly. Đó là bức thành hiện có và cũng từ đó bắt đầu thời suy tàn…
Giêrusalem bây giờ được phân chia thành hai phần rõ rệt. Phần ngoại thành được xây cất hiện đại, với những cơ quan đầu nảo của chính phủ Dothái. Phần Cổ Thành, nằm trong bức tường đá cổ xưa, với các nơi thánh đối với Kitô giáo, cũng như Do Thái giáo và Hồi giáo. 
2Ngôi Đền Thờ mới. 
Người Do thái xưa đã xây 46 năm mới xong Đền Thờ. Họ tự hào về công trình vĩ đại ấy. Chúa Giêsu lại nói đến ngôi đền thờ thân xác Ngài, một kỳ công không gì sánh nổi, vì đó là Mầu Nhiệm Thiên Chúa làm người. Chúa cho phép thần chết đựơc quyền hành động. thân xác Chúa đã bị huỷ diệt, chôn vùi trong nấm mồ lạnh tử khí.
Người Do thái tin rằng công trình kiến trúc do tay họ dựng lên sẽ bất diệt. Vì thế họ phẫn nộ khi nghe Chúa nói đến ngôi đền thờ sẽ bị phá, lại còn đựoc xây mới chỉ trong ba ngày. Câu nói của Chúa làm họ chói tai. Họ căm phẫn và tìm mọi cách để loại trừ Ngài.
Con người mọi thời đại cũng có những “ngôi đền” mà họ tin là sẽ bất diệt. Những “ngôi đền” đựơc dựng lên để con người tôn thờ chính mình. Chúng rất kiên cố vì được xây bằng cố chấp và tham vọng, được trang trí bằng giả dối và thủ đoạn của con người.Trải qua các thời đại, “ngôi đền” của con người có rất nhiều kiểu cách, nhiều mẫu mã, nhiều thương hiệu. Nhưng tựu trung vẫn thể hiện một phong cách kiến trúc duy nhất: chuộng tiền tài, ưa quyền lực, ham vật dục. Phong cách kiến trúc này rất thích hợp để thờ những ông thần độc tài, độc đoán và độc tôn.
Chúa Giêsu đến để phá huỷ những ngôi đền đó và dựng ngôi đền thờ mới. Ngôi đền thờ mới chính là Thân thể được Thần khí hoá của Chúa. Thánh Phaolô mô tả ngôi đền thờ ấy với một lối kiến trúc mới
: “bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, tiết độ” (Gal 5,22). Ngôi đền thờ mới bất diệt vì Đấng Cứu Độ đã chiến thắng tử thần.
Lịch sử đền thờ Giêrusalem trải qua những thăng trầm thịnh suy. Đền thờ mới vững bền muôn vạn thưở. Đền thờ mới là một thách đố đối với thế gian vốn chỉ quen tôn thờ quyền lực, giàu sang và tham lam vô độ.
Giữa xã hội hôm nay, “bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, tiết độ” trở thành những âm thanh lạc lõng, khó chịu đối với dòng thác âm thanh cuồng nộ trong cơn say thế tục.
Chúa Giêsu thực hiện một cuộc thanh tẩy Đền thờ vì Ngài yêu mến đền thờ. “Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa,mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Tv 69,10). Lòng nhiệt thành với Đền thờ sẽ dẫn Chúa Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x. Ga 15,5).
“ Hãy phá huỷ đền thờ này đi”; những đền thờ thế tục cũ kỹ, hãy phá bỏ. Hãy nhiệt tâm cùng Chúa Giêsu xây dựng đền thờ mới để chúng ta luôn sống trong bình an và hoan lạc của Thánh Thần.

                                     ( nguồn : nghiencuulichsu.com)

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

LÊN GIÊRUSALEM



Con đường ngắn nhất để lên Giêrusalem, đó là con đường đi ngang qua xứ Samaria. Thế nhưng, dân chúng ở đây thù ghét người Do Thái. Một sự thù ghét thật tệ hại, đã có từ lâu đời, làm cho hai dân tộc luôn ở trong tư thế đối nghịch cùng nhau và nhiều khi đã bùng nổ thành những cuộc thảm sát dã man và đẫm máu, nhất là khi người Do Thái có công chuyện phải đi ngang qua vùng đất này.
Vì thế, những đoàn hành hương thận trọng hơn, thường đi vòng qua bên kia sông Giócđan, tới tận Giêricô, băng qua sa mạc Giuđêa, trước khi đặt chân vào đền thờ Giêrusalem.
Hôm ấy, Chúa Giêsu trở về thủ đô. Ngài muốn đi qua xứ Samaria. Vì phải ngủ qua đêm, nên Ngài đã sai Gioan và Giacôbê đi trước để chuẩn bị. Ngài hy vọng mọi sự được tốt đẹp, bởi vì toàn cõi Samaria đã biết đến danh tiếng Ngài. Làm gì mà họ lại không được nghe nói tới những việc lạ lùng Ngài đã làm ở Capharnaum và ở nhiều nơi khác.
Thế nhưng, chỉ một lúc sau, hai môn đệ được sai đi trở về, lòng đầy căm tức. Các ông nói:
- Thưa Thầy, nếu Thầy muốn, chúng con sẽ sai lửa trời xuống thiêu hủy họ.
Sở dĩ như vậy, vì các ông đã bị họ từ chối, không cho được một chỗ trú ngụ qua đêm.
Chúng ta có thể tưởng tượng ra câu trả lời đầy mỉa mai của họ:
- Nếu Thầy các ông muốn lên Giêrusalem, thì hãy đi thẳng vào những làng mạc của dân Do Thái. Chúng tôi chẳng có liên hệ gì với ông ấy và cũng chẳng cần ông ấy làm phép lạ, bởi vì chúng tôi chẳng có người nào đau yếu bệnh tật.
Rồi họ lại còn đe dọa, khiến cho hai ông cảm thấy cần phải tường trình lại sự việc cho Chúa Giêsu được rõ. Họ đã không tuân giữ khoản luật về việc cho khách đỗ nhà, lại còn miệt thị dân Do Thái và coi thường đền thờ. Hành động như vậy phải chăng là đã đổ dầu vào lửa. Và hơn thế nữa, họ đã không đón tiếp Thầy mình, là Đấng được Thiên Chúa sai đến.
Như vậy, phải áp dụng cho họ một hình phạt nặng nề nhất mà tiên tri Elia ngày xưa đã dùng đến, đó là sai lửa trời xuống thiêu hủy họ.
Tuy nhiên, câu trả lời của Chúa Giêsu đã thực sự đi ngược lại với lòng mong đợi của họ:
- Các con không hiểu gì hết. Con người đến không phải để hủy diệt, nhưng đến để cứu vớt.
Ai sống tinh thần của Chúa sẽ không bẻ gẫy cây sậy đã bị dập nát và không thổi tắt tim đèn còn khói.
Cho tới lúc bấy giờ, các ông có lẽ cũng chưa hiểu thấu được ý nghĩa của dụ ngôn về tên đầy tớ độc ác, được chủ tha cho món nợ khổng lồ, nhưng lại cư xử hà khác với người bạn mình.
Không kết án những người Samaria, Chúa Giêsu đi tới một làng khác và thực hiện đúng như lời Ngài đã dạy:
- Nếu người ta từ chối không tiếp đón và nghe lời các con, thì các con hãy ra khỏi nhà của họ, rồi phủi bụi dưới chân các con.
Với chúng ta cũng vậy, nhiều khi chúng ta bị cám dỗ hành động một cách nóng nảy và vội vã như các môn đệ. Nhìn thấy tội lỗi tràn lan và những kẻ chống đối Giáo hội không ngừng tìm mọi cách để bôi bác và hạ nhục Giáo hội, chúng ta cũng muốn sai lửa trời xuống tiêu diệt họ.
Thế nhưng, Chúa Giêsu có lẽ cũng muốn nói với mỗi người chúng ta:
- Các con không hiểu gì hết. Con người đến không phải để hủy diệt, nhưng đến để cứu vớt.
Bổn phận của chúng ta là phải cứu vớt những kẻ sa ngã vấp phạm, là phải tìm kiếm những kẻ lầm đường lạc lối, là phải đem Tin mừng đến cho những người chung quanh bằng lời cầu nguyện và nhất là bằng những hành động bác ái, là phải lấy tình thương xóa bỏ hận thù.
Hãy bắt chước Chúa vì Ngài là Đấng nhân hậu, chậm bất bình và đầy lòng khoan dung.
                                                                                   Nguồn : menchuayeunguoi.com


Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

TẠO RA LỬA VÀ GIỮ LỬA

Tạo ra lửa thủa sơ khai 

Sự phát hiện ra ngọn lửa và sử dụng chúng cho mục đích sinh hoạt hàng ngày đã tạo ra một bước tiến quan trọng trong nền văn minh nhân loại.
Ngoài việc là một phát minh quan trọng nhất của loài người. Ngọn lửa cũng mang một sắc thái thần bí nhưng cũng rất thân thuộc. Ngọn lửa xuất hiện trong rất nhiều loại tôn giáo cổ xưa ở khắp nơi trên thế giới, con người thờ cúng lửa, phụng sự lửa khi lửa ban cho con người một cuộc sống ấm no và thoải mái hơn…
Hiện tại, cuộc sống văn minh đã làm cho chúng ta thoải mái và dễ dàng để tạo ra ngọn lửa. Từ các loại bếp ga, bếp điện, từ các vật dụng đánh lửa như bật lửa, diêm. Cho đến cách thức sử dụng và khai thác ngọn lửa cũng đã đạt đến trình độ rất cao. Đôi khi những điều đó khiến ta quên đi tầm quan trọng và cách thức tạo ra ngọn lửa khi không có sự hỗ trợ của các công cụ hiện đại. Ở nơi hoang dã với hai bàn tay trắng, bạn sẽ tạo ra một bếp lửa ấm áp như thế nào?

Lửa là gì?
Chúng ta đã đều nắm rõ bản chất của ngọn lửa nên tôi sẽ không phức tạp hóa thêm vấn đề nữa. Lửa chỉ đơn giản là sự ô xy hóa nhanh chóngcác vật liệu và tỏa ra nhiệt mạnh. Biểu hiện của ngọn lửa là ánh sáng được phát ra khiến ta có thể nhìn thấy lửa từ xa, lại gần thì cảm thấy nóng.

Nguyên tắc căn bản của sự cháy


Nguyên liệu cháy, không khí và nhiệt là 3 yếu tố căn bản của một đám cháy. Chỉ cần nhớ và áp dụng được 3 yếu tố này bạn có thể xây dựng hay duy trì một đám cháy. Ngoài ra thì tỉ lệ giữa các thành phần này cũng cần phải hài hòa mới duy trì được sự ổn định của ngọn lửa. Không phải cứ nhét thật nhiều củi, chất cháy vào là sẽ làm ngọn lửa cháy to hơn đâu. Chất cháy dày đặc chiếm hết không gian của không khí sẽ ngăn cản sự cháy và dập tắt ngọn lửa. Với việc này thì cần bạn trang bị một chút kinh nghiệm thực tế chứ không đơn giản chỉ là một chút kiến thức mang tính chất sách vở.
Bạn cần đến ngọn lửa để làm gì?
Ngoài hoang dã, trong nhiều tình huống thì ngọn lửa mang một vai trò sống còn. Mang lại sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Ở nơi băng giá lạnh lẽo, một ngọn lửa đem đến sự ấm áp, duy trì nhiệt độ cho cơ thể trong cái lạnh dưới 0 độ. Nó không chỉ giúp ta nấu ăn và bảo quản thực phẩm, nó còn mang lại ánh sáng ở những nơi tối tăm, làm sạch nước, khử trùng, sử dụng nó như một tín hiệu cứu hộ hay một loại vũ khí chống lại các loại động vật nguy hiểm … Nó cũng đem lại cảm giác yên tâm, an toàn giống như có một người bạn đồng hành lúc cô đơn hay từ đó ta có thể sản xuất các loại công cụ và vũ khí.
Có rất nhiều tác dụng của ngọn lửa mà ta có thể liệt kê ra:
- Cung cấp ánh sáng cho ta khi tối trời, một bó đuốc có thể có tác dụng ngang với đèn pin. Giúp ta soi sáng trong lúc di chuyển, đánh bắt, làm việc trong đêm tối.
- Lửa giúp ta nấu ăn, hong khô các loại thực phẩm ( hun khói, nướng, sấy khô ) để bảo quản lâu dài.
- Lửa và khói có thể xua đuổi các loài động vật ra khỏi hang của chúng để ta đánh bắt ( xua chúng vào bẫy chẳng hạn ). VD: các loài chuột, chuột túi, chồn, cáo, thỏ, heo đồng cỏ …
- Giúp ta hong khô quần áo, y phục nhanh chóng trong những ngày ẩm ướt. Giúp ta không bị nhiễm lạnh. Một mẹo nhỏ ở đây là đặt một hòn đá lớn ngay sát vào bếp lửa và để quần áo lên trên. Đá nóng sẽ hút ẩm và làm khô quần áo một cách mau chóng mà không làm hỏng chúng.
- Lửa và khói có thể làm để tạo các tín hiệu cầu cứu, để liên lạc từ xa.
- Lửa dùng để diệt khuẩn, làm tinh khiết nước.
- Tạo ánh sáng, sưởi ấm và an thần. Giúp ta cảm thấy an toàn trước bóng tối và các loài thú dữ. Nó cũng là thứ vũ khí hiệu quả để chống lại các loại thú dữ tại mọi thời điểm.
Lửa còn có rất nhiều công dụng đặc biệt mà bạn có thể tự khám phá ra trong những tình huống khác nhau khi mình gặp phải. Bất kì khi nào bạn cần, bạn có khả năng làm ra lửa thì khả năng sinh tồn nơi hoang dã của bạn sẽ được đảm bảo hơn rất nhiều.

1.Tạo ra ngọn lửa
Quả thật đây là một vấn đề không mấy dễ dàng, giống như ở kì trước một số bạn đã thắc mắc cách tạo ra ngọn lửa trong một số điều kiện hiểm nghèo. Có khá nhiều vấn đề để nói đến trong việc tưởng chừng như đơn giản này.
Cuộc sống hiện đại đã tối giản hóa việc tạo ra lửa chỉ với 1 vài bước đơn giản khiến ta nghĩ việc tạo ra lửa là một việc rất dễ dàng. Đôi khi nó còn làm bạn quên đi tầm quan trọng của ngọn lửa. Nhưng thử nghĩ, khi mà ta không có bất kì thứ gì liên quan đến cuộc sống văn minh để tạo ra lửa như bật lửa, diêm, bếp ga, bếp điện … Bạn sẽ tạo ra chúng như thế nào?
Bạn có nhớ láng máng ở đâu đó có hướng dẫn cách làm ra lửa kiểu nguyên thủy như ma sát các thanh gỗ, đánh lửa từ đá … Nhưng liệu bạn đã lường trước được mức độ khó khăn và sự nhẫn nại phải bỏ ra để tạo ra ngọn lửa là như thế nào chưa ?
Vậy tôi xin phép đi ngay vào chủ đề : phương pháp tạo ra ngọn lửa. Nguồn năng lượng quan trọng bậc nhất trong việc sinh tồn ngoài hoang dã.

Chuẩn bị nhiên liệu
Thiên nhiên luôn đem lại cho ta rất nhiều thứ có thể tận dụng. Trong đó là những loại vật liệu, nguyên liệu để duy trì sự cháy. Chúng có mặt ở khắp nơi và rất dễ dàng để ta có thể tìm ra chúng.
- Củi : các loại cành cây khô, thân cây, cỏ khô. Một số loại cây chứa tinh dầu rất dễ bén lửa ngay cả khi nó còn tươi như cây tuyết tùng, cây bu lô (cây Birch)
- Than: các loại than bùn, than đá, than củi dễ tìm thấy trong tự nhiên.
- Từ động vật : như phân ( đã khô ) của các loại động vật ăn cỏ, các loại mỡ động vật. Phân gia súc khô được sử dụng như một loại nhiên liệu đun nấu ở rất nhiều nơi trên thế giới. Chúng tơi xốp, bắt lửa nhanh và không tạo ra khói nhiều như các loại than củi.

Bùi nhùi.

Một điều quan trọng ở đây không phải nằm ở khâu tìm kiếm nguyên liệu mà chính là ở giai đoạn làm thế nào để tạo ra ngọn lửa. Tất cả những thứ kể trên đều không hề dễ cháy một cách nhanh chóng, thậm chí với một ngọn lửa nhỏ. Cho nên thứ ta cần nhất ở đây là một loại bùi nhùi dễ bắt lửa cho giai đoạn sản xuất ra một ngọn lửa.
Bùi nhùi chỉ đơn giản là những vật tơi xốp,khô dễ bắt lửa. Chúng sẽ bén lửa và bùng cháy một cách nhanh chóng chỉ với một ít tàn lửa nhỏ. Có chúng thì việc tạo ra ngọn lửa sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nói đơn giản là thế nhưng trong một số tình huống hiểm nghèo như trời mưa, tuyết, hay thời tiết ẩm ướt thì mọi chuyện lại trở nên cực kì khó khăn khi phải tìm kiếm chúng.
Một số vật liệu có thể làm bùi nhùi mà bạn có thể bắt gặp ngoài hoang dã:
- Các loại lá khô, cỏ khô, hoa khô như dương xỉ, rêu mốc, vỏ cây khô, các loại quả khô như quả thông, quả tuyết tùng, quả gòn.
- Các loại lông chim mềm, phân gia súc khô, mỡ động vật
- Các loại sợi thực vật khô,mạt cưa,gỗ mục, lông thú đều là những lựa chọn rất tốt để làm bùi nhùi.
- Trong những lúc thời tiết xấu, ẩm ướt. Nếu có thể thì bạn hãy cố gắng tìm được một vài loại cây có tinh dầu dễ cháy như thông, tùng, bu lô, song tử điệp … Cắt lây một nhánh mang về, dùng dao tách lấy phần lõi phía trong và bào, băm chúng thật vụn. Bạn đã có một thứ bùi nhùi dùng tạm rất tốt.
- Thậm chí khi không kiếm được tất cả những thứ như trên. Bạn có thể tận dụng các loại vật dụng còn lại như: giấy mềm, bông, vải ( từ quần áo ), băng gạc cứu thương, hay là xăng dầu nếu có .Nếu để ý bạn có thể thấy một số loại thuốc diệt côn trùng (loại ống xịt) rất dễ bắt lửa như xăng vậy. Xịt chúng lên các loại bùi nhùi như trên thì rất dễ dàng tạo ra lửa.
- Nếu bạn có được thuốc súng (từ một viên đạn chẳng hạn) thì mình cũng xin nhắc là nó rất dễ cháy. Nó sẽ cháy khi phơi ngoài nắng gay gắt vài phút và chỉ vài giây nếu bạn có trong tay một chiếc kính lúp.

                                
Bùi nhùi là thứ khô và rất dễ cháy.

Đánh lửa
Đánh lửa là giai đoạn đầu tiên để đốt cháy lên bùi nhùi khô, từ đó nhóm ngọn lửa vào những vật liệu cháy. Đây là bước không thể không có nếu bạn không có trong tay các vật đánh lửa hiện đại..

Sử dụng những vật dụng có sẵn mà bạn còn giữ lại được.
Dù là lưu lạc trên hoang đảo hay ở bất kì đâu. Những gì bạn còn có thể giữ lại được sau biến cố luôn là hữu ích. Một vài cái túi nylon hay vài ba thanh kim loại tại thời điểm này cũng là hết sức quý giá. Trong trường hợp như chủ đề bài viết này đưa ra xoay quanh vấn đề đánh lửa, theo mình thì những thứ có thể có ích trong việc này đó là : Các loại pin còn xài được, len của máy ảnh, máy quay phim hay mắt kính cận, giấy ăn, bông gòn trong túi cứu thương, thuốc nổ hay thuốc súng ( lấy từ những viên đạn) , xăng dầu, và tốt nhất là diêm hay bật lửa nếu giữ lại được…
- Sử dụng pin: Nối hai dây kim loại vào 2 cực của pin và cọ xát chúng với nhau. Các tia lửa sẽ phát ra ở vị trí tiếp túc. Khéo léo để các tia lửa này vào gần bùi nhùi. Thông thường một cục pin tiểu (pin con thỏ) cũng có thể nhóm lửa vào các bùi nhùi khô ( có tẩm xăng càng tốt) sau vài chục lần đánh lửa. Chú ý cần đánh lửa nhanh và liên tiếp nếu làm theo cách này. Khi bùi nhùi bốc khói, cầm lên thổi nhè nhẹ cho đến khi lửa bùng lên.
Nếu có một loại bùi nhùi kim loại gọi là steel wool thì chỉ cần chạm nhẹ 2 cực của cục pin vào là đã dễ dàng làm cháy steel wool.

                               
Pin và steel wool là thứ đánh lửa tuyệt vời. 

- Sử dụng kính lúp: Kính lúp lấy từ ống kính máy ảnh, ống nhòm, máy quay phim, kính cận,lão cao độ hay đơn giản hơn là đập ra từ các loại chai thủy tinh trong suốt. Những chai thủy tinh thông thường ở phần đáy có lồi lên y hệt như một chiếc kính lúp. Khéo léo làm thế nào khi đập vỡ phần ở trên mà vẫn giữ dc phần hình tròn ở đáy chai. Sử dụng nó như một chiếc kính lúp khá tốt.

                           

Đây là một phương pháp đơn giản. Bạn đưa thấu kính lên hướng về phía mặt trời, để thẳng góc. Xê dịch sao cho điểm sáng hội tụ nhận được gom thành một chấm nhỏ nhất. Để bùi nhùi khô xuống phía để điểm sáng đó chiếu lên, chỉ vài phút sau bạn sẽ thấy có khói bốc lên. Chờ khi có điểm lửa hơi đỏ thì cầm bùi nhùi lên thổi nhẹ, lửa sẽ bùng lên.
- Sử dụng các thanh kim loại mỏng và cứng: Cách này thỉnh thoảng bạn có nhìn thấy trên tivi trong một vài phim hành động. Một vài người đánh 2 con dao vào nhau để tạo ra các tia lửa. Hay ít ra là từng thấy các kiếm thủ bên Tàu khi giao đấu thường tạo ra các hoa lửa từ thanh kiếm của họ.
Dùng 2 thanh kim loại đánh mạnh vào nhau phía trên đám bùi nhùi khô để tạo ra các tia lửa. Đây cũng là một cách nhưng sự thật là thực hiện nó rất khó khăn, đòi hỏi sự chính xác và kiên nhẫn cao. Hiệu quả cũng không thự sự cao so với năng lượng bỏ ra.

Những phương pháp đánh lửa nguyên thủy
Hầu hết những phương pháp này đều dựa trên nguyên tắc ma sát các vật thể với nhau để sinh nhiệt và cháy. Đây là phương pháp mà tổ tiên của chúng ta từ thời kì còn sống trong hang động đã tìm ra và biết cách sử dụng thành thạo. Tuy nhiên chúng không hề dễ dàng nếu không có các vật dụng hỗ trợ và các thao tác đúng kỹ thuật.
- Sử dụng đá lửa : đá lửa thường được tìm thấy ở vách núi hoặc chân núi đá vôi. Nó có màu xám sẫm hay xanh đen, ở dạng tinh thể hơi trong. Đá lửa khá dễ tìm thấy ở những nơi này hoặc bị xói mòn ra đến tận bờ biển. Nói chung nó là vật liệu dễ kiếm.

                                          
Đá lửa là vật liệu chính để chế tạo các công cụ và đánh lửa ở thời kì đồ đá.
Ghè các cạnh sắc của các viên đá lửa với nhau để tạo thành các tia lửa bắt vào bùi nhùi. Cách này tương tự như các sử dụng 2 thanh kim loại nhưng do tính chất của đá lửa tạo ra được các tia lửa liên tục nên cách này thường hiệu quả hơn rất nhiều.
- Fire-plow ( tạm dịch là cày cháy )
Đây là một phương pháp gây cháy rất đơn giản và hiệu quả. Sử dụng một thanh gỗ cứng chà xát nó thật mạnh theo chiều dọc của môt khúc gỗ khác mềm hơn ( Gỗ thông, tùng hay từ cây bulo là hiệu quả nhất ). Khi cày dọc theo trục của khúc gỗ thì những mạt vụn của khúc gỗ này sẽ rơi xuống. Chà xát càng lâu thì các mạt vụn này càng nóng.Liên tục làm lại động tác đó cho đến lúc các hạt mạt này đủ nóng nó sẽ bốc khói. Đưa chúng vào bùi nhùi và thổi nhẹ thành ngọn lửa.

                                   

- Bow and Drill ( Cần cung và khoan):
Đây cũng là một cách tạo lửa rất hiệu quả. Nhờ sự hỗ trợ của cần cung nên việc tạo ma sát trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn. Cách này cũng rất nhanh chóng cho ta lửa, nếu làm đúng kĩ thuật thì chỉ sau 15-20 phút là ta đã có thể có một bếp lửa cháy rực.
Tạo ra một cần cung bằng cách sử dụng một thanh tre, cành cây dẻo dài khoảng 60-80 cm như hình dưới. Sử dụng nó như một cái khoan tre để khoan một thanh gỗ cứng, tròn xuống một tấm ván gỗ như hình dưới. Gom phần mạt nóng sinh ra để lên bùi nhùi và tạo thành lửa.

                                        


                                     

- Kéo dây tạo lửa:
Sử dụng những đoạn dây bền chắc và thật khô có đường kính 7-10 mm (VD dây mây, dây thừng ). Chẻ dọc một khúc gỗ khô và đủ mềm,nhét bùi nhùi vào giữ phần tiếp xúc giữa sợi dây và khúc gỗ rồi thực hiện động tác kéo lên xuông như hình dưới.
Đến khi bùi nhùi bốc khói thì kéo nhanh dần. Tương tự như vậy cho đến khi ta thu được một lượng bùi nhùi đủ nóng để thổi thành ngọn lửa.


                                     

2.Khai thác ngọn lửa
Tất nhiên là ngọn lửa vẫn được chúng ta sử dụng để nấu nướng, sưởi ấm, hong khô, thắp sáng… ( bài viết hướng dẫn về cách nấu nướng và bảo quản thức ăn sử dụng ngọn lửa như thế nào sẽ được đề cập vào kì sau ) Nhưng chúng ta làm việc đó như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất lại là chuyện khác.
Ngoài hoang dã bạn không có những vật dụng cần thiết để thắp sáng như đèn pin hay chỉ là các loại đèn nến đơn giản thì bạn có thể đốt lên một đống lửa để soi sáng và sưởi ấm. Tuy thế bạn cũng không thể bê nguyên chúng để đặt vào trong nơi trú ẩn như hang động, lều trại được. Bạn sẽ bị ngộp khói hoặc nhiễm độc khí carbon monoxide, 1 đống lửa to để trong lều trại thì nguy cơ gây cháy rất cao, cực kì nguy hiểm.
Vậy chúng ta sẽ chi phối và sử dụng ngọn lửa như thế nào là đúng cách nhất ?

Lửa trong lều trại
- Nếu bạn đã xây dựng được một căn lều đơn giản kiểu lều du mục khá thuận tiên cho việc đốt lửa phía bên trong thì bạn có thể nhóm lên một đống lửa nhỏ. Tuy nhiên phải kiểm soát ngọn lửa ở mức độ vừa đủ, bao quanh bếp lửa là những viên đá nhỏ xếp theo vòng tròn để tránh việc lửa sẽ lan ra xung quanh trong lúc ta không để ý.
Chú ý: chọn những viên đá khô và chắc chắn. Những viên đá ẩm ướt, đá vôi rất dễ bị nổ nếu nung nóng. Bị những mảnh đá nóng này bắn vào mắt cũng là cả một vấn đề đấy.
- Đối với những loại lều trại kiên cố và kín đáo hơn. Bạn có thể làm một loại bếp ngầm kiểu Dakota như hình dưới. Đây là một loại bếp đơn giản, an toàn nhưng rất thuận lợi đáp ứng nhiều loại nhu cầu khác nhau của bạn. Nó kiểm soát, che giấu ngọn lửa tốt. Phục vụ cho việc nấu ăn hay sưởi ấm đều rất an toàn tiện lợi.
Loại bếp Dakota ngầm này có thể sử dụng ở trong lều hoặc ngoài trời.

                                

Cách làm một bếp Dakota ngầm như sau:
+ Đào một lỗ đường kính khoảng 40cm, sâu khoảng 50-70 cm dưới mặt đất. Lỗ này ở trong lều hay ngoài trời đều được. Nếu ở trong lều thì nên đặt gần cửa để lều được thoáng khí và không bị ngộp khói.
+ Đào thêm một lỗ khác có tác dụng thông gió, lỗ này ở hướng gió là tốt nhất.
+ Thông 2 lỗ này với nhau và sắp xếp bếp lửa bên dưới tùy theo nhu cầu của bạn như hình minh họa.

Đốt lửa trên tuyết hoặc trên sàn gỗ
Ở những nơi có tuyết phủ dầy bạn không thể nhóm lên được một đống lửa theo cách thông thường hoặc những nơi bạn không muốn cho ngọn lửa tiếp xúc với sàn đất (VD đốt bếp trên sàn gỗ chẳng hạn). Bạn có thể áp dụng theo cách sau để có được một đống lửa ấm áp theo như mong muốn.
Ở những khu vực lạnh giá tuyết phủ, những thân cây xanh cỡ cổ chân cổ tay thường rất giòn và được bẻ gẫy một cách dễ dàng bằng tay không. Giữ lấy phần thân cây và đạp mạnh vào phần gần gốc ta có thể thu được một thân cây xanh nguyên vẹn. Với vài ba cây còn xanh tươi kiểu đó, ta có thể sắp xếp thành một bếp lửa cháy trên tuyết theo hình minh họa dưới đây.
+ Đặt liên tiếp những thân cây này cạnh nhau thành một sàn gỗ nhỏ.
+ Xếp thêm một lớp thân gỗ tươi lên phía trên. 2 lớp hoặc 3 lớp thì càng tốt.
+ Những thân gỗ tươi này đặt phía dưới ngọn lửa nên không dễ bắt lửa. Bếp lửa kiểu này có thể duy trì khá lâu ở những vùng đất tuyết phủ.

                           
Đốt lửa trên băng tuyết hoặc vùng lầy lội.

Các loại đống lửa
Nói chung để tạo ra một đống lửa khi đã có mồi lửa rồi là việc khá đơn giản. Bạn thu thập những nguyên liệu dễ cháy và duy trì được sự cháy tốt xung quanh như: những cành cây khô, thân cây gỗ chết khô, cỏ khô, than bùn, phân gia súc khô, than đá … rất nhiều thứ để bạn có thể tận dụng và sau đó hình thành nên một đống lửa.
Ở đây mình chỉ nói sơ qua vài cách tạo ra những đống lửa khác nhau từ củi khô. Ưu điểm khác nhau của từng loại để các bạn có thể tận dụng nó trong những tình huống đặc thù nhất.
- Đống lửa kiểu hình nón thông dụng:
Không có gì phức tạp để nói thêm về dạng này. Đây là dạng bếp lửa bạn hay được thấy nhất ở bất kì đâu. Chúng đều ở dạng hình nón cho dù những thanh củi được xếp ở góc độ cao hay thấp. Ở hình dạng này, các thanh củi được xếp xen kẽ và dựa vào nhau để tạo thành một hình nón. Khi bắt lửa, lửa sẽ cháy đều từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.
- Đống lửa kiểu Lean to ( đống lửa kiểu nghiêng )
                                

Đây là dạng đống lửa cho phép ta hẹn giờ lửa tắt hay kiểm soát, dập tắt ngọn lửa một cách dễ dàng nhất. Tuy nhiên ngọn lửa từ loại đống lửa này khá yếu. Ta có thể khắc phục bằng cách sử dụng những thanh củi to hơn.
Cách tạo ra đống lửa kiểu này như sau:
+ Cắm một thân gỗ tươi xuống mặt đất, nghiêng 1 góc 30 độ so với mặt đất.
+ Xếp lần lượt những thanh củi gác lên thân gỗ tươi đó theo như hình minh họa. Xếp xen kẽ và sát vào nhau.
+ Khi đốt cháy, các thanh củi cháy lần lượt từ cao xuống đến thấp. Tùy vào cách ta bố trí củi dày hay mỏng, nhiều hay ít mà ta có thể kiểm soát được thời gian đống lửa sẽ tắt
+ Khi muốn dập tắt đống lửa ta chỉ việc loại bỏ phần củi chưa cháy đến, chỉ mất vài giây là ta có thể làm tắt lửa. Đây cũng là loại bếp lửa cháy rất tốt ngay cả với gỗ ướt. Xếp gỗ ướt ở phía sau lửa cháy ở phía trước sẽ tự động hong khô chúng để nuôi dưỡng sự cháy.
- Đống lửa kiểu mương chữ thập (Cross ditch)
Đống lửa kiểu này được tạo ra để hình thành nên những ngọn lửa mạnh mà các loại đống lửa bình thường khác không làm được. Thông thường những đống lửa trại chỉ có thể kiểm soát theo kiểu làm lửa yếu mạnh bằng cách rút bớt ra hay thêm củi vào. Loại đống lửa Cross ditch này sẽ cho ta những đám lửa cháy mạnh, tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn gấp đôi so với loại đống lửa khác.
                                            

Cách tạo ra đống lửa kiểu này như sau:
+ Đào một cái rãnh hình chữ thập dưới mặt đất, sâu gần 1 gang tay, chiều rộng khoảng 1 gang tay như hình minh họa.
+ Ở giữa của rãnh chữ thập ta xếp củi, bùi nhùi và nhiên liệu cháy lên trên.
+ Rãnh cạn hình chữ thập này sẽ hút không khí xung quanh để cung cấp cho đống lửa một cách liên tục. Đống lửa này sẽ cháy rất to và mạnh.
- Đống lửa kiểu kim tự tháp (Pyramid)
Đây là kiểu đống lưa giúp bạn có thêm thời gian rảnh rỗi khi không cần phải chú ý đến nó. Nó sẽ cháy đều và liên tục qua đêm mà không cần phải thêm củi hay trông nom gì cả ( thông thường với những đống lửa kiểu khác phải có một người thức canh để giữ cho lửa không bị tắt )
                                                   

Cách tạo ra đống lửa kiểu này như sau:
+ Đặt 2 thân gỗ lớn nhất phía dưới cùng.
+ Lần lượt xếp các thanh gỗ đều nhau lên phía trên, so le nhau như hình minh họa.
+ Thêm một lớp khác theo chiều ngang lên phía trên. Phía trên nữa là một lớp thân gỗ khác so le theo chiều dọc.
+ Càng nhiều lớp củi như thế ta càng có một bếp lửa cháy lâu. Cũng không nhất thiết lớp sau phải nhỏ hơn lớp trước. Loại đống lửa này sẽ cháy từ trên xuống dưới rất đều đặn.

Các loại bếp mini và đèn thắp sáng đơn giản
Bếp mini.

                                                    

Như tôi đã nói ở nhiều kì trước, có rất nhiều thứ bạn có thể tận dụng được ngoài hoang dã ngay cả khi bình thường đối với bạn nó là vật vô dụng bỏ đi. Các loại vỏ lon, vỏ hộp bằng kim loại là một ví dụ. Từ nó ta có thể làm nên rất nhiều thứ có ích cho cuộc sống sinh tồn ngoài hoang dã. Ở đây tôi xin hướng dẫn các bạn sử dụng các loại vỏ lon, vỏ hộp thức ăn đóng hộp làm thành một chiếc bếp mini cực kì thuận tiện.
Nhiên liệu để chiếc bếp này hoạt động là các loại mỡ động vật, dầu thực vật, sáp ong ( lấy ra từ các tổ ong, mình sẽ hướng dẫn rõ hơn về tổ ong vào các kì sau )
Cách tạo ra chiếc bếp mini này như sau:
- Đục 4 lỗ nhỏ theo hình chữ thập trên nắp lon.
- Xâu 4 sợi dây vải hay bong gòn có tác dụng giống như tim đèn vào 4 cái lỗ đó. Để thừa ra một đoạn lên phía trên làm bấc.
- Cắt 2 miếng thiếc từ một chiếc lon khác để làm kiềng như hình dưới. 2 miếng kim loại này phải đủ cứng để có thể chống đỡ được những chiếc nồi.

                                                 

- Đổ mỡ động vật, dầu hay sáp ong vào trong lon.Khi đốt lửa lên, 4 tim đèn sẽ hút mỡ hay dầu phía dưới để tiếp tục cháy. Bếp sẽ cháy khoảng nửa ngày với ngọn lửa vừa đủ để đun nấu. Khi hết dầu mỡ phía dưới ta phải tiếp tục thêm vào.
Đây là một loại bếp nhỏ gọn, có tác dụng lớn và thuận tiện để di chuyển.
Bếp Koolik của người Eskimo:
Với những vùng đất băng tuyết lạnh giá như Eskimo, ngay cả nước còn đóng băng dày hàng tấc thì mỡ động vật cũng bị đóng băng ngay cả khi ở trong lon. Nó sẽ bị đóng cục và không cung cấp được dầu lên trên như loại bếp mini ở trên. Ta phải sử dụng loại bếp Koolik của người Eskimo để khắc phục nhược điểm đó.
Ta cần chuẩn bị: vải hay bông gòn làm bấc, một hộp thiếc rộng, 2 miếng thiếc mỏng để đỡ bấc đèn.
Thiết kế chúng như hình sau đây để tạo thành một chiếc bếp Koolik Eskimo
- Mỡ động vật được để lên tấm thiếc để luôn bị tan chảy cung cấp mỡ nước cho bấc đèn.
- 2 tấm thiếc vừa nâng đỡ bấc đèn vừa làm nóng mỡ đông phía dưới, đảm bảo cho bấc đèn luôn hút được mỡ lỏng từ dưới lên giúp đèn hoạt động liên tục.
- Loại bếp này có thể đun nấu, sưởi ấm hay thắp sáng đều được. Thời gian hoạt động của nó cũng rất dài.

                                   

Đèn thợ rừng:
Đây là một loại đèn cực kì đơn giản. Đựng mỡ động vật trong các vật liệu như vỏ dừa, vỏ sò. Lấy một sợi vải hay bong gòn làm bấc đèn. Cố định nó bằng cách xuyên qua một sợi kim loại nhỏ qua rồi gác lên phía trên vỏ sò vỏ dừa như hình vẽ. Ta cũng có thể cố định bằng cách kẹp nó bằng 2 viên đá nhỏ. Nói chung chỉ cần cố định bấc đèn lên trên là được. Khi đốt lên cũng cho ta ánh sáng khá ổn định.
Đèn mù u.
                                            

Cây mù u là loại cây hoang mọc nhiều ở nước ta. Nhiều nơi trồng loại cây này để ép lấy dầu thắp đèn. Loại cây này cũng mọc hoang dã ở một số nước nhiệt đới trên thế giới
Quả của loại cây này chứa rất nhiều tinh dầu dễ cháy. Ta có thể ép tinh dầu từ quả đó hoặc phơi khô, cắt lát và xâu vào một cái que kim loại nhỏ. Khi đốt nó sẽ cháy rất sáng và lâu. Đem ra gió cũng không bị tắt.

                                                
Cây mù u

3.Lưu trữ lửa
Một sự thật ở đây là để làm ra được một ngọn lửa thì cực kì tốn công sức và sự kiên nhẫn cao độ. Bạn cũng chẳng dễ dàng gì để kiếm nguyên liệu mà duy trì cho lửa cháy mãi được nên sẽ có một vấn đề được đặt ra ở đây là làm thế nào để bảo quản và lưu trữ ngọn lửa trong một thời gian dài.
Nếu bạn ở yên một chỗ và có thời gian trông coi, duy trì ngọn lửa thì không có vấn đề gì.Nhưng nếu bạn muốn đi đâu đó một vài ngày mà khi quay về vẫn còn giữ được ngọn lửa đang cháy thì có thể làm theo cách như sau:
- Sắp xếp những thanh gỗ lớn theo hướng gió thổi, thanh gỗ sau gác lên phần đuôi của thanh phía trước.
- Đốt thanh gỗ đầu tiên ( phần ở hướng gió) . Thanh gỗ này sẽ cháy từ từ cho đến phần đuôi.
- Khi cháy hết thanh thứ nhất, do thanh phía sau được gối lên thanh trước nên nó sẽ được nhóm lên và tiếp tục cháy về phía đuôi. Tương tự như thế lửa sẽ được duy trì cho đến khi thanh gỗ cuối cùng cháy hết.



Sử dụng một đoạn thừng khô: Lấy một đoạn dây thừng khô bện bằng các loại sợi cây và đốt một đầu. Thổi tắt nó chỉ để lửa cháy âm ỉ. Tùy thuộc vào độ dài của sợi dây thừng mà ta có thể giữ được lửa trong thời gian dài hay ngắn. Nhiều nhất cũng có thể lên đến vài ngày.
Khi cần ta đưa đầu đang cháy âm ỉ đó vào bùi nhùi và thổi bùng lên ngọn lửa.



Nếu không có dây thừng ta có thể bện cỏ khô, rơm khô, sợi cây lại thật chặt và sử dụng như sợi dây thừng ở phía trên. Đây là cách mà người Việt Nam ta xưa vẫn sử dụng để lưu trữ lửa. Sợi rơm này được gọi là sợi rơm con cúi, đựng chúng trong các hộp kim loại hoặc ống tre tươi có thể mang vác đi dễ dàng.Nếu bện dài một chút ta có thể giữ lửa được rất lâu.
Sử dụng một chiếc lon, vỏ đồ hộp, vỏ dừa, vỏ trai, mai rùa …Đổ một lớp tro để lót phía dưới sau đó để những viên than nóng vào giữa.Trên cùng ta phủ lên một lớp tro mỏng nữa cũng có thể giữ được than cháy âm ỉ khá lâu khoảng nửa ngày. Dùng một sợi dây xỏ qua để mang vác, di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác khi bạn làm việc.

Tổng kết
Ở ngoài hoang dã, đôi khi một ngọn lửa cháy trong đêm cũng quyết định số phận của bạn. Chưa kể đến những vùng đất băng giá lạnh lẽo ,sống trong một khu rừng sâu, những hang động tối tăm mà quanh mình chỉ dày đặc một màu đen tối thì cảm giác khủng bố sẽ mau chóng đến với bạn. Ngọn lửa giúp bạn an tâm hơn trong hoàn cảnh đó. Một ngọn lửa le lói trong rừng sâu sẽ soi sáng, sưởi ấm, xua đuổi các loài thú dữ và còn cả trăm cách khai thác nó mà bạn sẽ phải tự tìm ra nếu thất lạc ngoài hoang dã. Trong những hoàn cảnh khốn cùng đó, việc tạo ra một nguồn năng lượng quan trọng là ngọn lửa sẽ là một nấc thang vững chắc giúp bạn bước tiếp trên con đường sinh tồn.

                                                                                       nguồn : Genk.vn