Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

MỘT SỐ TRÒ CHƠI SINH HOẠT VÒNG TRÒN (1)



01. BÃO THỔI – BÃO THỔI
Quản trò hô to: “Bão thổi, bão thổi”, mọi người hỏi lại: “Thổi ai ? Thổi ai ?” Quản trò bảo: “Thổi những ai đeo đồng hô !” Những ai có đeo đồng hồ đều phải chạy đổi chỗ cho nhau trong vòng tròn. Ai chậm chân nhất sẽ phải ra thay quản trò tiếp tục điều khiển.
Lưu ý: Câu hô “bão thổi, bão thổi” có thể thay bằng các câu khác như: “Kiến cắn, kiến cắn”, “Điện giựt, điện giựt”... "đeo đồng hồ" có thể thành "mặc áo trắng " ...v.v....

02. TỰ HỌA CHÂN DUNG
Quản trò bắt bài hát chỉ có ba chữ “Trán-cằm-tai” theo điệu nhạc phần đầu của bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, mọi người hát theo, tay chỉ đúng vào vào trán, vào cằm hay vào tai của mình khớp với lời đang hát. Tốc độ hát ngày một tăng.

03. TÔI BẢO THÌ LÀM
Quản trò hô: “Tôi bảo đứng !” Mọi người phải đứng. Quản trò bất ngờ không nói “Tôi bảo” mà chỉ hô: “Ngồi xuống !”, những ai lỡ ngồi xuống thì sẽ bị phạt sau khi trò chơi đã kết thúc. Cứ thế quản trò cứ đổi hành động và khẩu lệnh ngày một nhanh cho đến khi có được khoảng 10 bị phạt thì chuyển sang trò chơi phạt.

04. ÔNG NÓI GÀ, BÀ NÓI VỊT
Quản trò đứng trước một người nào đó trong vòng tròn, chỉ vào tai anh ta và nói: “Đây là cái mũi của tôi”, người kia phải chỉ mũi của mình và nói: “Đây là cái tai của tôi”. Ai nói hoặc làm sai thì phải ra thay quản trò tiếp tục điều khiển trò chơi hoặc bị phạt.
Lưu ý:      Có thể nâng thêm mức độ khó: Quản trò chỉ vào đầu mình và nói: “Đây là cái lưng của các bạn”, mọi người phải tự vỗ vào lưng mà nói: “Đây là cái vai của anh”...

05. THỜI SỰ GIỰT GÂN
Quản trò ngồi giữa vòng tròn, hỏi to lên: “Ai ?” Một người chạy lên nói nhỏ vào tai quản trò tên ai đó có mặt trong vòng, ví dụ: “Anh Tèo !” Quản trò lại hỏi: “Làm gì ?” Một người khác chạy lên nói nhỏ một động từ, ví dụ: “Ăn vụng !” Quản trò lại hỏi về nơi chốn: “Ở đâu ?” – “Trong Sở Thú !” Quản trò hỏi tiếp: “Lúc nào ?” – “Giữa đêm khuya !” Có thể hỏi thêm: “Như thế nào ?” – “Một cách lấm lét !”
Cuối cùng, quản trò công bố bản tin thời sự cuối cùng: “Anh Tèo ăn vụng trong Sở Thú giũa đêm khuya một cách lấm lét...” Người có tên vừa nêu sẽ phải vào thay quản trò để hỏi và lập một bản tin mới .

06. BẮN CHÌM TẦU CHIẾN
Ngồi vòng tròn, quản trò cho điểm số 1, 2, 3. Cứ 3 người mang số 1, 2 và 3 thì họp lại thành một chiến hạm có mang số thứ tự ( như: tầu 1, tầu 2, tầu 3... ) hoặc mang tên ( như: tầu Đen, tầu Trắng, tầu Vàng... ). Ở mỗi tầu, khi nghe tầu khác gọi tên của tầu mình mà bắn, thì lập tức người bên trái nạp đạn kêu “clic”, tới người bên phải lên nòng kêu “clac”, rồi cuối cùng người ở giữa bắn “đùng” kèm theo tên của một tầu khác. Tầu nào bị sai hoặc bị chậm ở bất cứ khâu nào thì coi như chìm. Những tầu còn lại nếu gọi lầm tên của những tầu đã chìm cũng coi như bị loại. Cuối cùng, tầu nào sống sót sẽ được tất cả hát tặng một bài.

7. NỐI LỬA CHO ĐỜI
2 người bị bịt mắt, người lớn tuổi nhất cầm nến sáng, người nhỏ tuổi nhất cầm nến chưa thắp, được quản trò dẫn đến 2 nơi xa nhau. Mọi người hát chung bài “Nối lửa” của cha Tiến Lộc ( hoặc một bài có ý về thắp lửa ) đồng thời giúp 2 người tìm gặp nhau bằng cách vỗ tay mạnh hơn nếu đang đến gần nhau, vỗ tay nhẹ đi nếu đang rời xa nhau. Khi đã gặp nhau, 2 người cố gắng “nối lửa” cho nhau mà không làm tắt mất ngọn nến.

8. SỐNG-CHẾT-THIÊN ĐÀNG-HỎA NGỤC
Mọi người đứng thành vòng tròn. Quản trò hô “Sống, sống, sống !”, tất cả chạy nhẹ tại chỗ, nhanh chậm tùy theo nhịp độ hô thưa hay dồn của quản trò. Bất ngờ quản trò hô “Chết !”, tất cả phải đứng im lại ngay. Nếu nghe hô “Thiên Đàng !”, tất cả nhảy lên giang hai tay lên cao hình chữ V. Nếu nghe hô “Địa Ngục !”, tất cả ngồi xuống, hai tay bó gối. Quản trò sẽ hô một đàng, nhưng lại làm một nẻo, ai phản xạ chậm hoặc không đúng với tiếng hô khoảng 3 lần thì bị loại. Nếu có được 5, 6 người bị loại thì cho một trò chơi phạt, mọi người hát bài “Thiên Đàng, Địa Ngục hai bên...”

9. VỪA ĂN CƯỚP, VỪA LA LÀNG
Quản trò xin một người tình nguyện làm thám tử, dẫn anh ta đi khuất xa khỏi vòng tròn, rồi quản trò sẽ nhờ một người dùng kim băng gài sợi dây đeo còi ở sau lưng mình, dặn dò nhỏ cho mọi người biết cách thức mình sẽ đánh lừa ra sao. Mời thám tử trở lại vòng tròn, bảo anh ta rằng ở đây có một người đang bí mật giữ một chiếc còi và thỉnh thoảng lại thổi còi phá bĩnh, đề nghị anh ta điều tra. Quản trò khéo léo di động trong vòng tròn, luôn quay mặt về phía thám tử, thỉnh thoảng dừng lại đưa lưng trước mặt một người trong vòng, người này nhanh tay cầm lấy chiếc còi đeo sau lưng quản trò để thổi một tiếng. Quản trò lại nhanh chân di chuyển ngay sang chỗ khác, ra vẻ ngạc nhiên để đánh lừa thám tử. Thám tử sẽ phải cố gắng phát giác thủ phạm chính là quản trò “vừa ăn cướp, vừa la làng”. Tất cả sẽ hát tặng thám tử tài ba bài “Hoan hô anh này một cái...”
Vật dụng:1 chiếc còi có dây đeo không quá dài, 1 cây kim băng.
     
10. MỘT CÂY CÓ MẤY ĐẦU ?
Mọi người đứng vòng tròn, quản trò chỉ tay vào bất cứ ai và liên tục hỏi thật nhanh các câu hỏi sau đây: “Một cái que mấy đầu ?” ( 2 đầu ) “Hai cái que mấy đầu ?” ( 4 đầu ) “Một cái que rưỡi mấy đầu ?” ( 4 đầu ) “ Hai que một phần ba mấy đầu ?” ( 6 đầu ). Những ai trả lời sai sẽ bị tập trung phạt bằng một trò chơi khác.
11. ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ
Luôn luôn số ghế ( hoặc dép ) ít hơn một so với số người chơi. Tất cả nắm tay nhau vừa hát một bài hát sinh hoạt quen thuộc, vừa đi vòng tròn quanh các chiếc ghế ( hoặc dép ). Bất ngờ, quản trò hô to: “Đăng ký !”, tất cả phải đáp lại: “Tạm trú !” rồi nhanh chân nhảy vào ngồi lên một chiếc ghế ( hoặc giẫm chân phải lên một chiếc dép ). Chắc chắn sẽ có một người chậm chân bị lọt sổ, loại ra khỏi vòng tròn. Quản trò cứ thế lấy bớt đi một chiếc ghế ( hoặc dép ) cho đến khi còn có 5, 6 người có nhà ở. Quản trò sẽ hô: “Thường trú !”, những người này sẽ mở vòng tay ra và hô to: “Xin mời !” rồi đón những người bị loại “vào nhà mình” bằng bài hát “Cái nhà là nhà của chung, xin đón anh em vào chung, sống chung trong tình thương mến, vui chung thân thiết vô cùng !”

12. CÁC DẤU CÂU
Quản trò quy định các ký hiệu bằng chân như sau:
§        Giậm mũi chân phải một cái: dấu chấm câu ( . )
§                Xoay người ngang, nhảy giậm cả hai chân: dấu 2 chấm ( : )
§        Mũi chân phải ngoáy một cái: dấu phẩy ( , )
§        Mũi chân phải ngoặc một vòng rộng rồi giậm 1 cái: dấu chấm hỏi ( ? )
§                Nhảy hai chân vào trong vòng tròn: dấu mở ngoặc kép ( “ ).
§                Nhảy hai chân ra ngoài vòng tròn: dấu đóng ngoặc kép ( “ ).
Sau đó, quản trò sẽ kể một câu truyện vui, đến các chỗ có các dấu thì hô to từng loại dấu câu, mọi người đồng loạt hô lại và làm theo. Coi chừng quản trò sẽ hô một đàng lại làm một nẻo, ai sơ ý bắt chước thì bị phạt.

13. TRUYỆN THẰNG CU TÝ
Các em đứng thành vòng tròn. Quản trò đưa hai tay làm loa và kể truyện: “Thằng Cu Tý !” Tất cả hỏi lại: “Thằng Cu Tý nó làm sao ?” Quản trò làm động tác nghịch đất, miệng bảo: “Thằng Cu Tý nó làm như thế này !” Tất cả lập lại câu nói và làm theo động tác. Quản trò lại đập hai tay liên tiếp, bảo: “Thằng Cu Tý bẩn lắm, hư lắm !” Tất cả nói và làm theo. Quản trò đập hai tay vào mông, nói: “Thằng Cu Tý bị ăn đòn!”... Cứ thế thành một câu truyện nhân bản với các câu: “Thằng Cu Tý khóc !”, “Thằng Cu Tý xin lỗi mẹ”, “Thằng Cu Tý ngoan !”, “Thằng Cu Tý cười...” hoặc một câu truyện giáo dục việc cầu nguyện: “Thằng Cu Tý đi ngủ !”, Thằng Cu Tý chợt nhớ còn quên một chuyện !”, “Thằng Cu Tý đọc kinh !”, “Thằng Cu Tý được Chúa khen ngoan !”
Lưu ý: Nên chọn các câu nói ngắn, vui, dễ hiểu và có ý dẫn tới một bài học đạo đức. Cũng nên chọn những động tác phù hợp cho dễ thương mà không bị thô lỗ, phản giáo dục, phản tác dụng.

14. THĂNG TRẦM ĐẢO LỘN
Quản trò đứng giữa vòng tròn, chỉ thật nhanh vào bất cứ ai, người này đưa cao hai tay lên và hô to: “Ta là vua !” Tức thì hai người hai bên phải quỳ một chân, chắp tay hướng về người ấy và nói: “Muôn tâu bệ hạ !”. Cứ thế, có khi người mới làm vua đã chuyển thành thần dân, hoặc ngược lại. Ai làm chậm hoặc sai thì bị loại bằng cách phải ngồi bệt xuống đất.
Lưu ý: Có thể chơi ngay trong lớp học, quản trò đứng ở lối đi giữa lớp và vừa hô vừa làm động tác. Có thể thêm những câu và động tác khác như: “Vua đi xuống hang !” thì tất cả phải chui xuống gầm bàn để luôn thấp hơn vua; hoặc “Vua đi ngủ !” thì tất cả phải đưa tay quạt; hoặc quản trò chỉ các dãy bàn trái: “Ta là vua !” thì các dãy bàn bên trái phải quay sang mà xá và hô: “Muôn tâu bệ hạ !”

15. KẾT MỘT CHÙM HOA
      Mọi người đứng vòng tròn. Quản trò hô: “Kết chùm ! Kết chùm !” Tất cả hỏi lại: “Chùm mấy ? Chùm mấy ?” Quản trò hô: “Chùm 5 ! Chùm 5 !” Tất cả nhanh chóng tản ra tìm nhau để kết thành từng cụm 5 người một. Ai chậm chân không tìm được cụm để vào thì bị loại ngay chờ phạt. Có thể tăng mức độ khó hơn, ví dụ: “Chùm 3 cây, 4 rễ, 2 cành !” tức là mỗi cụm chỉ có 3 người đứng trên 4 chân và 2 tay chạm đất. Xen kẽ và kết thúc có thể hát: “Mỗi người là một cành hoa...”

16. CHANH CHUA, CUA KẸP
      Mọi người đứng thành vòng tròn, tay trái mở ra đưa cao ngang ngực, còn tay phải thì chụm lại đặt vào giữa lòng bàn tay trái của người bên cạnh. Quản trò sẽ đóng vai một người đầu bếp đi chợ, vừa đi rảo quanh vòng tròn, vừa kể lể. Bất ngờ trong câu chuyện, quản trò sẽ hô: “Mua cua !”, mọi người sẽ hô đáp lại “Cua kẹp !” và tay trái chụp ngay tay phải của người bên cạnh. Quản trò lại có thể hô: “Mua chanh !”, mọi người hô đáp lại: “Chanh chua !” và tay phải sẽ xòe ra đập thật nhanh xuống tay trái của người bên cạnh. Nếu ai không nhanh tay tránh, để bị người khác kẹp hoặc đập trúng thì coi như bị loại, vòng tròn thu nhỏ lại. Khi số người thua đã kha khá thì ngưng lại để cho một trò chơi phạt.

17. TRẢ LẠI CHO XÊ-DA
      Mọi người ngồi vòng tròn, tự mỗi người chọn một vật nhỏ của mình rồi đặt trước mặt mình. Tất cả đều phải quan sát kỹ vật gì và của ai. Quản trò đi thu tất cả các món vật, bỏ vào một cái túi lớn, đặt túi ở giữa vòng tròn. Nghe hiệu lệnh bắt đầu, quản trò sẽ đếm từ 1 tới 10, tất cả phải chạy lên, nhặt lấy một vật trong túi rồi bằng trí nhớ, chạy đi tìm đúng chủ của nó để trao. Nếu trả lầm người thì không được nhận. Sau 10 tiếng đếm, ai không tìm được chủ của món vật mình đang cầm thì bị phạt.

Vật dụng:Các vật dụng tùy thân của mỗi người như: chùm chìa khóa, bật lửa ga, bút viết, ví tiền, đồng hồ...

18. TRUYỀN ĐIỆN, CHUÔNG REO.
      Tất cả ngồi vòng tròn nắm lấy tay nhau. Quản trò mời một người tình nguyện làm kỹ sư công ty điện lực. Người này sẽ ra ngoài một lát. Những người còn lại thỏa thuận chọn một người làm nguồn phát điện. Một người khác làm chuông reo và một người làm ra-đi-ô. 3 người này ngồi tương đối cách xa nhau. Mời kỹ sư vào. Quản trò ra hiệu lệnh. Người làm nguồn điện bí mật phát điện về bên trái ( hoặc về bên phải tùy ý ) bằng cách bấm nhẹ vào tay người bên trái ( hoặc tay người bên phải ). Người này lại tiếp tục truyền điện. Điện truyền đến chuông thì chuông reo, truyền đến ra-đi-ô thì ra-đi-ô phát ra một bài hát sinh hoạt, thế là mọi người hát theo. Điện truyền về đến máy phát điện thì người này có quyền đổi chiều dòng điện để truyền ngược lại. Kỹ sư công ty điện phải “bắt quả tang” điện đang truyền tới người nào. Người bị bắt phải thay anh ta làm kỹ sư và trò chơi tiếp tục.

(Nguồn : http://giaophanthaibinh.org/)