Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

TÍCH LŨY CỦA CẢI



Một cách khác thường, Chúa Giêsu đã gọi người đàn ông trong dụ ngôn nầy là “người dại dột” (Lc 12, 20), không phải vì ông ta giàu có – giàu có không phải là một cái tội – nhưng vì thái độ sai lầm của ông đối với của cải.  
Một phi công đang bay trên không trung với ba hành khách trong máy bay: một hướng đạo sinh, một vị linh mục và một khoa học gia về không gian. Viên phi công quay về phía ba hành khách và đưa tin buồn một cách nhẫn tâm: “Máy bay đang rơi xuống! Chúng ta có bốn người nhưng chỉ có ba cái dù. Tôi có vợ và ba con đang cần đến tôi.”Anh ta chộp lấy một cái dù và nhảy ra khỏi máy bay.Nhà khoa học nói lớn tiếng: “Tôi là người khôn lanh nhất trần gian. Thật là một đại họa cho nhân loại nếu tôi phải chết.” Ông liền chộp lấy chiếc dù thứ hai và nhảy ra khỏi máy bay.
Còn lại vị linh mục và em hướng đạo sinh. Vị linh mục quay sang em đó và nói: “Con ơi, cha không có gia đình. Cha đã sống một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc rồi, nay cha sẵn sàng trực diện với Đấng Tạo Hóa. Con đang còn trẻ. Cả một cuộc sống dài lâu đang trải ra trước mặt con. Con hãy cầm lấy chiếc dù nầy đi.” Thật là một linh mục đáng khâm phục. (Bạn có thể tin tưởng tôi khi tôi tuyên dương vị linh mục đó là anh hùng!)
Em hướng đạo sinh trả lời: “Xin cám ơn Cha, nhưng điều đó không cần thiết. Cả cha và con đều có dù hết. Cha có biết không, cái ông khôn lanh nhất trên đời đó đã nhảy ra khỏi máy bay, mang theo cái ba-lô của con! Ông ta không khôn lanh như ông ta tưởng.”
Tôi thiết tưởng đó là phần chính của sứ điệp Tin Mừng hôm nay.
Linh đạo phá sản 
Chúng ta không luôn luôn khôn lanh như chúng ta thường nghĩ tưởng. Phần nhiều những gì chúng ta làm, quyết định hay chọn lựa không có ý nghĩa thật sự, sau khi chúng ta xem xét kỹ càng. Chúng ta cảm thấy mình ngu đần. Người đàn ông giàu có trong đoạn Phúc Âm nầy là một trường hợp điển hình.
Không có chỗ nào trong đoạn Phúc Âm nầy cho thấy ông là một con người xấu xa. Có thể ông là một người tốt, một người tao nhã nữa. Chắc chắn ông là một người làm việc đầu tắt mặt tối. Đúng thế, những người làm việc khó nhọc đôi khi có những quyết định tồi tệ. Người đàn ông trong đoạn Phúc Âm nầy đã lập kế hoạch đời mình căn cứ trên cuộc sống ở trần gian nầy mà thôi.
Cụm từ duy nhất mà ông biết đến là phải “có nhiều hơn nữa.” Ông ta bị thôi miên bởi cụm từ “thêm nữa” mà không bao giờ có thể nắm bắt được. Ông không bao giờ đi quá xa hơn cụm từ đó. Ông càng có thêm, ông càng muốn thêm hơn. Một người tham lam không bao giờ được thỏa mãn. Đủ không bao giờ là đủ hết.
Bỗng chốc quả bong bóng nổ tung. Chúa gọi ông ta và ông phải ra đi, để lại đằng sau tất cả của cải cho một người khác. Ông không thể mang theo một thứ gì với mình. Ông đứng trước mặt Chúa với tay không và trần trụi. Ông không có một lời nào để thốt lên. Sự trống rỗng của ông đã nói lên tất cả. Cả Chúa cũng không có một lời nào để ngỏ với ông.
Tới lúc đó, ông mới biết mình chưa bao giờ làm gì hết. Đám tang của ông cũng rầm rộ như đám tang của một tên trùm Mafia, với khối bông hoa và mộ bia bóng nhoáng. Cuối cùng, tên trùm Mafia là người giàu có nhất trong nghĩa địa, nhưng được công bố là bị phá sản về mặt tinh thần.
Như vậy, những ưu tiên của chúng ta là gì? Chúng ta đã sống cho lý tưởng nào? Tất cả cuộc sống chúng ta dùng để làm gì? Con tim chúng ta hướng về đâu? Điều gì chúng ta đã mong muốn nhiều nhất? Đó là những vấn nạn lớn lao. Tất cả đều tùy thuộc vào câu trả lời. 
Sự sống sau khi chết
            Số phận của người đàn ông trong dụ ngôn nầy đưa chúng ta đến một câu hỏi sâu xa hơn nữa: Điều gì xảy ra sau khi chết? Có phải chúng ta sẽ được kết thúc dưới ba tấc đất hay trong lò hỏa thiêu? Có phải chỉ thế thôi sao?  
Thánh Augustinô đã la lên: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa và con tim chúng con bồi hồi xao xuyến cho tới khi được nghỉ an trong Chúa!”Chúng ta có kinh nghiệm về sự bồi hồi thổn thức đó ở trong chúng ta hay không? Có một khoảng trống trong con tim và một sự nhức nhối trong tâm hồn mà chỉ Thiên Chúa mới khoả lấp được không? Lại một lần nữa, đó chính là những vấn đề quan trọng trong cuộc sống.
Sự sống trước khi chết
Có một vấn nạn khác chúng ta cần phải nêu lên: “Có một cuộc sống trước khi chết không?” Điều đó xem ra là một câu hỏi quái đản đang đập vào đầu óc bạn. Eric Fromm là một tâm lý học gia nổi tiếng đã viết: “Điều đáng thương hại trong cuộc sống ngày nay là phần đông chúng ta chết trước khi sống trọn vẹn.”Nhà tâm lý học nầy đã quan tâm đến những người chỉ “hiện hữu” chứ không “sống” thật sự.  
Tối chắc chắn nếu nhà tâm lý học Fromm có mặt ở Waterford vào ngày hội gọi là “Spraoi” vào thượng tuần tháng tám, ông ta sẽ lấy làm sung sướng thấy rất đông người đang vui hưởng cuộc sống mà không chút ngượng ngùng. Thiết tưởng ngay cả Chúa nữa cũng sẽ hết lòng tán thưởng. Tôi tưởng tượng Chúa đang nhìn xuống, mỉm cười và nói: “Cuộc thí nghiệm lớn lao của Ta với sự sống đã được chứng minh.”  
Tôi đã đọc đâu đó một câu chuyện nói về những người khóc than lớn tiếng trên giường bệnh, sắp chết, là những người chưa bao giờ biết sống. Họ chỉ là những quan sát viên đối với cuộc sống, những người ngoại cuộc, những khán giả thụ động. Thần học lớn lao của Kitô giáo cho biết vinh quang của Thiên Chúa chính là con người biết sống một cách trọn vẹn.
Giả thiết
Thử tưởng tượng một chút là Chúa hiện ra và nói đôi điều với chúng ta cũng như Ngài đã nói với người đàn ông giàu có trong đoạn Phúc Âm nầy: “Thời giờ của con đã điểm. Bây giờ là lúc con phải ra đi. Con còn sống vài giờ nữa thôi để sắp đặt cuộc sống cho ổn định. Bây giờ quá trễ để thay đổi được gì, ngoại trừ việc con nói lời giã biệt. Không cần phải sửa soạn hành lý. Tất cả những gì con mang theo với mình là những kỷ niệm của con.”
Những kỷ niệm gì bạn sẽ mang theo? Những kỷ niệm gì sẽ khiến bạn nói lên: “Tôi sung sướng vì đã biết sống. Tôi sung sướng vì đã cưới người phối ngẫu của tôi. Tôi đã được lớn lên trong gia đình tôi, yêu thương cha mẹ tôi, đối xử với mọi người với lòng kính trọng và đầy nhân phẩm, làm cho nhiều người cười thay vì khóc, làm cho nhiều người cảm thấy được thoải mái, biến cuộc sống trở thành hòa nhã hơn, ân cần hơn và chan chứa nhiều kinh nghiệm tốt đối với kẻ khác?”
Những ưu tiên
Nếu bạn chỉ còn sống thêm ít giờ nữa thôi, bạn có còn quan tâm đến sự thành công, đến trương mục ngân hàng, danh thơm tiếng tốt, chơi gôn thật giỏi hoặc bất cứ điều gì mà bạn thích thú trong cuộc sống? Tôi thiết tưởng tôi biết điều bạn muốn làm trong những giờ còn lại của bạn. Tôi ức đoán ra ngay bây giờ đây!
Bạn sẽ nói với càng nhiều người càng tốt về một trong ba điều sau đây – có thể hai điều hay cả ba điều. Có người bạn sẽ nói: “Tôi rất lấy làm buồn!” Với người khác, bạn lại nói: “Tôi tha thứ!”Và người khác nữa, bạn sẽ nói: “Tôi rất yêu thương!”Đó là những gì bạn sẽ nói, bởi vì rõ ràng cuộc sống là như thế đó.
Cuối cùng, cuộc sống có tương quan đến Thiên Chúa và đến tha nhân. Và như thế, người giàu có trong dụ ngôn nầy đã đánh mất điều đó ở đâu? Những ưu tiên của ông ta đã sai lầm. Ông đã săn đuổi hũ vàng cho tới khi cầu vồng biến mất và khi đến cuối cuộc đời, ông bàng hoàng khám phá ra rằng đó chỉ là ảo ảnh.  
Phúc Âm đưa chúng ta về với thực tại. Sống là sống trong thực tại, chứ không phải bằng trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng cũng tốt, bao lâu không làm cho thực tại trở nên nhầm lẫn. Phúc Âm đưa chúng ta trở về với những gì là quan trọng và những gì không quan trọng.
Lòng hào hiệp và sự chiếm hữu 
Trong vài giờ ngắn ngủi sau cùng đó, sự kiện trở nên giàu có hay nổi tiếng, trở thành vĩ đại và quyền thế, kho lẫm đầy thóc hay bất cứ chiến công, chiến tích nào mà chúng ta đã tích luỹ…không có điều gì trong những thứ đó sẽ trang trí cho khung ảnh cuộc đời.  
Điều quan trọng ở đây là lòng hào hiệp ở bên trong, chứ không phải sự chiếm hữu ở bên ngoài. Và nếu chúng ta chân nhận như thế, chúng ta sẽ không ngớ ngẩn sai phạm khi chộp lấy cái ba-lô mà tưởng là cái dù. Mong bạn hiểu điều tôi muốn nói!  
Phúc Âm đã dạy: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.” (2 Cr, 4 17-18)

Nguyên Tác In Step With God - LM Vincent Travers, OP

Hương Vĩnh chuyển ngữ



Làm Giầu Trước Mặt Chúa.
       (Phỏng theo Lc 12. 3-21)
     Lần kia, trước một đám đông,
Có người lên tiếng xin cùng Chúa Ta
     Lạy Thầy, xin ban lệnh ra,
Anh tôi chia của, ruộng, nhà cho tôi.
     Chúa rằng: anh đã lầm rồi,
Thầy đâu rao giảng việc đời này đâu.
     Những ai lo việc làm giầu
Sẽ mang lấy ách âu sầu mà thôi.
     Phú ông kia quá giầu rồi,
Lòng tham vô đáy, ông ngồi tính toan:
     Của tiền ta đã đầy tràn
Nhà kho chật hẹp ta cần phá đi.
     Xây toàn lớp mới, khó gì,
Bao năm sắp tới chẳng chi hao mòn.
     Gia tài mãi mãi an toàn,
Dù cho bão lụt có tràn tới đây
      Ta luôn an nghỉ vui say,
Bình tâm tĩnh dưỡng, đêm ngày khỏi lo…
      Chúa rằng: Ngươi quá dại khờ,
Đêm nay hồn xác bất ngờ lìa nhau,
      Gia tài ngươi ai tiếp thâu
Phần ngươi, ngươi sẽ đi đâu an lành,
      Sao ngươi tích trữ cho mình,
Mà không nghĩ tới Vinh Danh Chúa Trời,
      Thật là ngu muội, người ơi…
……………………………………………

                                     Thế Kiên Dominic 

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

ABBA. BỐ ƠI! KINH LẠY CHA PATER NOSTER.



Nếu có dịp hành hương Đất Thánh Palestina, chúng ta phải viếng thăm nhiều nơi, nào miền Galilê với Nazareth : nơi Chúa lớn lên; Biển Hồ Tibêriađê nơi Chúa rao giảng Tám mối phúc thật; nơi bão tố hoành hành , nơi các môn đệ sững sờ trước mẻ cá lạ . Chúng ta phấn khởi trèo lên đỉnh Ta Bo, đỉnh Carmel. Rồi chúng ta cũng sẽ xuôi về miền Nam, vào sa mạc Neguev nắng cháy, sẽ dừng chân tại Massada, Giêricô, Biển Chết, Quram…Điểm quan trọng nhất trong chuyến hành hương vẫn là thành Giêrusalem và vùng phụ cận : Bê Lêm nơi Chúa Giêsu cất tiếng khóc chào đời cùng bao di tích thánh khác : Núi Sion và đền thánh Giêrusalem , nhà Tiệc ly, vườn Giếtsêmani, đàng Thánh Giá ( via dolorosa), núi Sọ ( Canvê),  Mồ thánh hoặc nơi Chúa về trời. Nếu còn nhiều giờ hơn, chúng ta sẽ tham quan nơi Chúa khóc thương Đền thánh, nhà thờ thánh Phêrô gà gáy, dạo tường thành và thăm viếng nhà thờ Kinh Lạy Cha. Pater Noster, theo tiếng Latinh.
Ảnh vệ tinh  khu vực núi Cây Dầu ( Ô liu, Ôlivêtê ). Chúng ta thấy các địa điểm màu đỏ Vườn Giếtsimani ( B.Agony) ; Nơi Chúa khóc thành Giê rusalem ( Dominus flevit); Nơi Chúa về trời ( Ascencion Chapel); Nhà thờ và tu viện kinh Lạy Cha (Pater Noster). Nguồn Internet.
Đây là một địa điểm khá kín đáo vì là tu viện của các chị dòng Cát Minh, có tường cao vây quanh.
Chúng ta biết rõ , khi các môn đệ yêu cầu Chúa dạy cầu nguyện, Chúa đã dạy họ kinh Lạy Cha. Ở địa điểm nào? Tân ước không chỉ rõ như các di tích khác. Chỉ biết, kinh nầy được Chúa dạy sau bửa cơm tại nhà Matta và Maria, tại Bêtania , gần núi Cây Dầu. Chúa và các môn đệ qua đêm tại núi Cây Ô liu và tại đây Chúa đã dạy họ cầu nguyện. Qua truyền thống nhất là Công vụ Thánh Gioan ( ngụy thư thế kỷ thứ 3) cho biết có một cái hang tại nơi nầy, tuy không nói rõ về kinh Lạy Cha nhưng nói nơi đó Chúa đã giảng dạy.Theo chứng từ sử gia đương thời Eusôbiô (260-340), sau khi Giáo hội được tự do vào thế kỷ thứ tư, thời Hoàng đế Rôma Constantinô, mẹ ngài là Thánh nữ Hêlêna và giáo dân đã nô nức đến Giêrusalem hành hương . Tại nơi đây, một nhà thờ mọc lên che một hang động trên đồi núi Cây Dầu để mừng Chúa về trời. Sau một thời gian, nhà thờ Chúa Thăng Thiên được đưa lên đỉnh đồi gần đó thì nơi nầy ít được quan tâm.
Kể từ thời thánh nữ Hêlêna cho dựng xây những di tích thánh quan trọng ở Giêrusalem cho đến thế kỷ 21 , lịch sử đã ghi lại bao nhiêu vết  thăng trầm tại nơi nầy. Nhiều lần những địa điểm hành hương bị tàn phá, cướp bóc,  để rồi được xây dựng lại . Quân Ba Tư tàn phá thành thánh năm 614. Thời gian sau, Thập tự quân cất một nhà nguyện năm 1106. Một vị giám mục Đan Mạch xây dựng nhà thờ lớn hơn năm 1152. Khu vực lại bị tàn phá năm 1187, rồi bị phá hủy hoàn toàn năm 1345. Từ đó di tích không còn được lưu ý. Năm 1854, các vật liệu còn sót lại của nhà cũ được bán cho người Do Thái làm bia mộ ở Cánh đồng Giosaphát , thực ra là thung lũng Giosaphát.
May mắn thay,  vào thế kỷ 19, Công Chúa De la Tour d’Auvergne đã mua lại khu đất và bắt đầu tìm  dấu tích hang đá xưa. Năm 1868, bà cho xây một ngôi nhà theo mẫu Campo Santo ở Pisa và  lập tu viện Cát Minh nữ năm 1872.
Năm 1910, nền móng nhà thờ thời Byzantin được tìm thấy gần tu viện, buộc lòng lại phải di dời tu viện để bắt đầu xây dựng lại nhà thờ trên nền móng thời Byzantin vào năm 1915.
Tại đây trải qua năm tháng, các bản kinh Lạy Cha bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau viết trên gạch tráng men đã được gắn trên tường. Khách hành hương tìm thấy nguyên bản lời Chúa bằng tiếng Aramiên, đến tiếng Hy lạp, La Tinh, cho đến các sinh ngữ hiện đại, hoặc thổ ngữ của các dân tộc ít người. Mỗi năm, con số mỗi tăng thêm .
Nếu năm 1963, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đếm được  53 thứ tiếng thì nay nghe đâu đã có đến 114 văn bản. Năm 1997, người viết bài có dịp đến đó và hết sức cảm động khi thấy có kinh Lạy Cha tiếng Việt do Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi, lúc đó là Giám mục Qui Nhơn vận động thực hiện.
Các bản kinh Lạy Cha bằng nhiều ngôn ngữ trên các vách tường.Nguồn : Internet.
Ta hãy đọc đoạn văn sau đây của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi viết về chuyến hành hương của các Giám mục dự Công Đồng Vatican 2 cuối năm 1962 cho biết :
“ Chúng tôi mấy chục thước nữa thì có Nhà Dòng Kín của các nữ tu người Pháp. Tục truyền ở đây Chúa dạy kinh Lạy Cha. Chúng tôi vào nhà thờ và thi nhau đọc kinh đó bằng nhiều thứ tiếng. Chúng tôi đi chung quanh nhà thờ và các rẫy hành lang thấy kinh ấy được khắc bằng 53 thứ tiếng. Nhưng thiếu tiếng Việt ! Chúng tôi đã vào gặp Bà Mẹ nói chuyện việc đó. Bà hứa sẽ làm hài lòng vì mới đây chính ông Đại sứ Việt nam ở Giordania cũng có đề cấp đến việc đó…Hy vọng không lâu tại đây cũng sẽ có kinh Pater Noster bằng Việt ngữ!”
( Trích Bản Thông Tin Địa phận Qui Nhơn , số 34, tháng 1- 1963 trang 10.)
Qua những dòng chữ trên, thông tin trên mạng là bản kinh tiếng Việt có năm 1959, không chính xác. Chuyến đi nầy có 8 Giám mục Việt Nam . Các vị đáp chuyến bay vào lúc 9 giờ ngày 9 tháng 12 năm 1962, giờ Rôma. Sau sáu tiếng đồng hồ , phi cơ hạ cánh tại phi trường Amman và quan chức nước Giọt Đa Ni cho xe taxi chở đi Giêrusalem. Như thế, vào thời kỳ đó Giêrusalem còn thuộc quyền chính phủ Giọt Đa Ni.
Theo giới chuyên môn, Kinh Thánh hiện đã được dịch ra trên 3000 ngôn ngữ khác nhau. Nếu dành cho mỗi ngôn ngữ 10 mét tường để gắn văn bản trên, chúng ta cần đến 30. 000 mét tường , tức ba hecta để trình bày các bản dịch Kinh Lạy Cha.
Tại Việt Nam, nơi 54 dân tộc sinh sống, kinh Lạy Cha đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nhưng chưa ai thống kê được.
Riêng tiếng Kinh , từ thế kỷ thứ 17 đến đây đã có  nhiều bản dịch khác nhau và lưu hành qua nhiều năm tháng.
Theo linh mục Roland Jacques OMI trong tác phẩm  “ Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội công giáo Việt Nam, Sách song ngữ, quyển I, Định Hướng Tùng Thư năm 2004, Reichstett, France, trang 375- 377) cho thấy một số bản văn đặc biệt.
Bản văn kinh Lạy Cha năm  1632 .
Cha chúng tôi ở trên blời, chúng tôi nguyện danh cha cả sáng. Cuốc ( nước ) cha trị đến. Bvâng ý Cha làm trưng (chưng) đất ( đết) bằng trưng (chưng)  blời bậy. Chúng tôi trông cha rày  cho chúng tôi  hằng ngày dùng đủ, mà tha nợ chúng tôi bằng chúng tôi  ít tha chủ nợ tôi vậy. Lại chớ để chúng tôi sa trưng (chưng)  cám dỗ. bèn chữa chúng tôi trưng ( chưng ) tai dữ.
Bản văn kinh Lạy Cha năm  1700- 1750.
Chúng tôi lạy Thiên địa chân Chúa ở trên blời là cha chúng tôi. Chúng tôi nguyện danh ( cha cả sáng). Cuốc cha trị đến. Vâng ý Cha ( làm) dưới đất bằng trên blời vậy. Chúng tôi xin cha rày ( cho) chúng tôi hằng ngày dùng đủ. Mà tha nợ chúng tôi bằng chúng tôi cũng kẻ có nợ chúng tôi vậy. Xin chớ để chúng tôi sa chưng cám dỗ. Bèn chữa chúng tôi chưng sự dữ.
Bản kinh Lạy Cha tiếng Việt tại nhà thờ Kinh Lạy Cha. Giêrusalem.
Ảnh : Trường Thăng Mùa Hè 1997.
Bản văn kinh Lạy Cha năm 1905.
Lạy cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Vâng ý Cha làm dưới đất bằng trên trời vậy.
Xin Cha cho chúng tôi rày hằng ngày dùng đủ. Và tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi. Lại chớ để chúng tôi phải sa cám dỗ, bèn chữa chúng tôi cho khỏi sự dữ.
Bản văn kinh Lạy Cha năm 1992.
Lạy cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến. Ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con  cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
Bản văn kinh Lạy Cha hiện nay.
Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện danh Cha cả sáng; nước Cha trị  đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con . Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
Kinh Lạy cha, môt kinh rất ngắn nhưng lịch sử kinh nầy không hề ngắn.
Một kinh quý nhất trong các kinh vì kinh nầy do chính Chúa Giêsu dạy.
Một kinh phổ quát và đại kết vì đây là kinh mà toàn thể các Giáo hội Ki tô giáo : Chính thống, Tin lành, Anh giáo, Công giáo đều xử dụng vì nguồn gốc tông truyền từ Tân Ước.
Một kinh mà Thiên Chúa đã mặc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa đối vối loài người : Abba. Lạy cha.Ba ơi! Bố ơi! Papa! Daddy!  Như tiếng bập bẹ trẻ sơ sinh trao về một người cha yêu thương , bảo vệ và tha thứ.
Một kinh mẫu mực cho việc cầu nguyện. Kinh phá đổ cái thành kiến cho cầu nguyện chỉ là một loạt những lời van nài tỉ tê, xin xỏ mà nhân loại thường làm.
Kinh Lạy Cha, là kinh đưa chúng ta đến mầu nhiệm cao sâu “ Thiên Chúa Tình yêu”. Như trẻ thơ coi ba mình là thần tượng, chúng ta như con dại tán tụng hồng ân, ca tụng Đấng tạo hóa : cầu mong cho danh Chúa cả sáng, nước Chúa hiển trị.
Kinh Lạy Cha còn đi sâu vào thẳm sâu tâm thức con người trước sức mạnh vô hình đối kháng : sợ quỷ ma, sợ tội lỗi, sợ không đũ sức tha thứ… kể cả nhu cầu sinh tồn trần thế: cơm bánh hằng ngày.
Kinh Lạy Cha dễ đọc, dễ thuộc nhưng thực hành không dễ chút nào nhất là những câu : ý Cha thể hiện, tha kẻ có nợ, hằng ngày dùng đủ.
Khi khổ đau, hoạn nạn, thất bại, bệnh tật, tang chế, tình phụ…Ý Cha thể hiện sao mà khó quá!
Chúa tha cho con thì dễ, còn con tha cho những kẻ bách hại, làm tan nát đời con, gia đình, danh dự con …Chúa ơi, sao mà khó quá!
Quanh con, tiền của  là trên hết, kẻ giàu được tung hô “ đẳng cấp”, cơm bánh hàng ngày thôi sao, Chúa ơi mà sao khó quá!
Nhưng đối với những ai nghe, giữ và sống trọn Lời Chúa qua  tám mối phúc thật, lúc đó kinh Lạy Cha sẽ là thước đo hạnh phúc.
Những ai sống trọn kinh Lạy Cha,  họ đã bước một chân vào Thiên Đàng , không phải sau khi lâm tử mà ngay ngày hôm nay, trên cỏi hồng trần nầy.
Phúc cho ai tin vào Thiên Chúa và vui sống lời kinh  Lạy Cha . Amen.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.
Hội An 24 tháng 7 năm 2010.

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

THƯ MỜI LỄ NGÂN KHÁNH LM VINH SƠN ĐINH TRUNG NGHĨA,S.J. 30/7/2016


                     
                 
                  Quý Cha-Thày, Quý Sơ xuất thân Hoà Hưng
     và các bạn Hùng Tâm Dũng Chí Hoà Hưng thân mến,

   Cha VINH SƠN ĐINH TRUNG NGHĨA,S.J. là một trong các Trưởng đầu tiên của Hùng Tâm Dũng Chí Gx. Hoà Hưng trước khi nhập tu Dòng Tên : khấn dòng năm 1966 và thụ phong LM năm 1991, nay tổ chức Lễ ngân khánh Linh mục và Kim khánh Khấn dòng như sau :
- Thời giờ : 7g00 sáng thứ bảy 30.07.2016.
- Địa điểm : Trung tâm Đắc Lộ Dòng Tên : 171 Lý Chính Thắng, P.7 Q.3 Tp.HCM.
   Trong tình nghĩa Hoà Hưng, cha Nghĩa nhờ tôi chuyển lời mời Quý Cha-Thày, Quý Sơ và Anh chị em Hùng Tâm Dũng Chí : đến tham dự vào ngày giờ nói trên. Các cha đồng tế với áo lễ Trắng.
   Các bạn Hùng Dũng cố gắng đến dự lễ và nhờ anh Nguyễn Trần Ninh chuyển lời mời đến anh chị em.

***********
                              
                          
                       Tân Giám Mục GIUSE ĐỖ MẠNH HÙNG 


   Với Quý Cha-Thày và Quý Sơ : xin gửi Thiệp mời điện tử dự lễ tấn phong Tân Giám Mục GIUSE ĐỖ MẠNH HÙNG  : 8g30 thứ năm 4/8 tại ĐCV Sàigòn (dịp này có cha Nguyễn Văn Luân và cha Thái Quốc Bảo từ Mỹ về dự lễ). Có vài Phù hiệu dự lễ dành cho Hùng Dũng.
    Đức Tân GM Hùng có liên hệ với Hoà Hưng : giúp xứ Hoà Hưng tháng 6-7-8/1992 và giúp tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nt. Hoà Hưng 15/8/1992, sau đó được gọi chịu chức LM 30/8/1992.
   Với tình thân, Ngài sẽ về Hoà Hưng dâng lễ tạ ơn: 5g30 chiều thứ năm 11/8. Xin mời Quý Cha-Thày-Sơ và anh chị em Hùng Dũng tham dự. Các cha đồng tế đem áo Alba (đã có sẵn áo Vàng đồng tế).

     Xin xem các Thiệp mời điện tử. Cha Nghĩa có viết riêng cho tôi :
1. Trước hết con xin gửi đến cha Thiệp Mời này, và trân trọng kính mời Cha đến dự lễ kỷ niệm 25 năm (ngân khánh) Linh Mục của con (21/12/1991-2016), vào đúng ngày con vào dòng được 50 năm (30/07/1966-2016), dịp lễ cộng đoàn Dòng Tên Đắc Lộ mừng lễ I-Nhã, bổn mạng của cộng đoàn Dòng Tên Đắc Lộ, từ khi mới thành lập năm 1957. Đức Cha Cosma Bắc Ninh sẽ về chủ sự Thánh Lễ này. Vì không những Cha là Đàn Anh của con ở GHHV Đà-Lạt, mà còn là Cha Sở của con ở Hòa Hưng nữa. Con rất mong cha thu xếp thời gian để có mặt hôm đó.
2. Ngoài ra, con xin Cha giúp con gửi Thiệp Mời điện thư này đến các Cha ở Hòa Hưng : Cha Hiền (TTMV Sàigòn), cha Hùng, cha Tâm và các Cha khác của Hòa Hưng, các Thày các Sơ nữa. Con cũng xin mời các Anh Chị Cựu Hùng Tâm Dũng Chí, nhờ cha gửi qua Email. Con sẽ IN RA một cái thiệp mời để gửi đến Cha sau, vì sợ có nhiều người không có Email, và cũng tiện cho Cha, để THIỆP MỜI trên bàn, dễ nhớ... 
   Chúng ta cùng tạ ơn Chúa và vui mừng gặp nhau.

   Joseph Phạm Bá Lãm.





WHĐ (25.06.2016) – Hôm nay, thứ bảy 25.06.2016, vào lúc 12g00 giờ Roma (tức 17g00 giờ Việt Nam), Phòng Báo chí Toà Thánh đã công bố thông tin về việc bổ nhiệm Tân Giám mục Phụ tá cho Tổng Giáo phận Sàigòn - TP.HCM như sau :
   “Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng, cho đến nay là Chưởng Ấn và Thư Ký của Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sàigòn - TP.HCM, làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Sàigòn - TP.HCM, Việt Nam, hiệu toà Liberalia”.
                                                                      (Nguồn: http://press.vatican.va/)

Tiểu sử Ðức Tân Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng
15.09.1957 :   Sinh tại Tân Sơn Hoà, Gia Định, Sàigòn
1968-1976  :   Tu học tại Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse, Tổng Giáo phận Sàigòn.
1976-1982  :   Tu học tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Tổng Giáo phận Sàigòn.
1982-1983  :   Lao động tại Nông trường Lô 6, Củ Chi.
1983-1990  :   Công nhân Hợp Tác Xã Mây Tre Lá Bạch Đằng, Quận 1.
                       Theo học lớp tối Đại Học Tổng Hợp, TP.HCM, khoa Ngoại ngữ :
                        tốt nghiệp Cử nhân Anh văn và Cử nhân Pháp văn.
30.08.1990 :   Thụ phong Linh mục tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn
1990-1993 :   Linh mục Phụ tá giáo xứ Huyện Sỹ (Chợ Đũi), Tổng Giáo phận Sàigòn -  
                       TP.HCM, và là Giáo sư Anh văn tại ĐCV Thánh Giuse, Sàigòn.
1993-1998  :   Học tại Viện Đại Học Công Giáo Paris với Học vị Thạc sĩ Thần Học,   
                       chuyên ngành Đào tạo linh mục.
1998-2011  :   Linh hướng và là Giáo sư Thần học Linh đạo tại ĐCV Thánh Giuse Sàigòn
Từ 2005-nay: Tổng thư ký của Ủy Ban Giáo sĩ và Chủng sinh, trực thuộc HĐGM/VN.          
2011- 2014 :   Phó Giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn.
Từ tháng 6/2014 : Chưởng Ấn Toà Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Sàigòn - TP.HCM   và là Thư ký của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc.


Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

VÀI HÌNH ẢNH LỄ CHỊU CHỨC PHÓ TẾ CỦA THẦY NGUYỄN VŨ TRỌNG DUY TẠI TULSA , USA



Cảm tạ Hồng Ân Thiên Chúa đã ban cho Gia Đình An Hòa , Gia Đình Ông Bà Cố Ban - Loan ( Cựu Huynh Trưởng HTDC An Hòa , Đà Nẵng ) một Phó Tế mới chịu chức vào ngày 16/7/2016 vừa qua tại Tulsa, Oklahoma , USA  .
Và mong mọi người cầu nguyện để 27/5/2017 Gia Đình An Hòa và HTDC có thêm một linh mục nữa












1- THƠ MỪNG THẦY PHÓ TẾ
* * * * * * * * *
Hồng ơn Thiên Chúa xuống lao la
Phúc lộc Tổ Tiên mãi đậm đà
Năm tháng gắng công rèn trí đức
Thời gian thử thách mở lòng ra
Rõ kỳ đồng lúa thiếu tay gặt
Đúng lúc vườn nhà nẩy nụ hoa
Tin báo niềm vui nâng chén Thánh
Hiệp lời cảm tạ với toàn gia


* * * * * * * * *
2- THEO THẦY
 Quyết tâm con sẽ theo Thầy,
Dù cho gặp phải đắng cay thế nào !
Dù cho nguy khốn, ngặt nghèo,
Dù cho sóng gió, leo đèo vượt non .
Bước chân con có mỏi mòn
Đời con có phải héo hon, u sầu.
Được Ngài dẫn dắt đi đâu ,
Đường Ngài chân thật, nhiệm mầu, vững đi.!
Theo Thầy không chút suy bì,
Chỉ mong hạnh phúc, được đi đồng hành.
Ba lần Ngài đã thử thanh,
Phê-rô ! Con có trung thành hay không
Ba lần con đã quyết tâm
Thầy trao sứ vụ hãy chăm chiên Thầy,
Chiên mẹ cùng với chiên bầy
Bao nhiêu lạc lõng đem ngay về đàn .
Lòng con vui sướng, hân hoan.
Thầy là chân lý, là đàng con đi !
Bên Thầy con có lo gì .
Tìm về ”Sự Sống” quyết đi theo Thầy./.
* * * * * * * * *
GĐ Bác Quế Saigon VN 
Hiệp thông mừng chúc

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

LỄ GIỖ CHA CỐ AN TÔN BÙI HỮU NGẠN LẦN THỨ 43 NGÀY 23/7/2016 TẠI GX NGỌC LÂM ĐỒNG NAI


Vào 9g sáng ngày 23/7/2016 khoảng 300 giáo dân và con cháu Gia đình  An Hòa Đà Nẵng đã tham dự  lễ giỗ  Cha Cố ANTÔN  BÙI HỮU NGẠN  lần thứ 43 tại Nhà thờ GX Ngọc Lâm , Đồng Nai . Thánh lễ chủ  tế bởi Cha Nghĩa Tử  Giuse ĐINH CÔNG HẠNH , và 2 Cha  Giacôbê NGUYỄN HỒNG PHONG, Chánh xứ Vân Đõa , Thăng Bình, Quảng Nam,( nghĩa tử của Cha Hạnh) , và Cha Phêrô TẠ NGỌC HẢI SƠN , Chánh xứ Kinh Gãy, Cái Bè , Mỹ Tho , là cháu của 1 gia đình An Hòa Đà Nẵng ngày xưa .
Trong lần lễ giỗ này , Cha Nghĩa Tử , người sáng lập " QUỸ ƠN GỌI BÙI HỮU NGẠN " đã trao 4 phần hổ trợ ( mỗi phần 5 triệu đồng ) cho các thầy là con cháu gia đình An Hòa  : 
- Thầy Vũ Văn Hoàng , dòng Đồng Công 
- Thầy Nguyễn Văn Thắng ,  Học Viện Ngôi Lời 
- Thầy Trần Thế Anh Tài , Đại chủng viện Giuse  Sài Gòn 
-  Anh Nguyễn văn  Qui , dự bị tập trung năm đầu tại Đại chủng viện Giuse Sài Gòn .
Cũng trong tinh thần hổ trợ Ơn Thiên Triệu :
- Cha Nghĩa tử đã góp thêm cho quỹ  5 triệu đồng 
- Cha Vũ Đức Học và giáo dân gia đình An Hòa hiện ở giáo xứ Hiệp Tâm, Kinh02, Kiên Giang đã góp 3 triệu đồng ;
- Các giáo dân tham dự lễ giỗ đã công đức 1.870.000 đ 
Sau Thánh lễ , anh chị em Gia đình An Hòa  gần gũi thân thương nhau hơn với liên hoan nhẹ  và văn nghệ cây nhà lá vườn trong khuôn viên hội trường nhà xứ GX Ngọc Lâm .  
Cũng trong lần lễ giỗ Cha Cố Antôn này, một tin vui cho cả cộng động gia đình An Hòa là  Thầy NGUYỄN VŨ TRỌNG DUY , là con của Ông Bà Cố Ban- Loan  mới được phong chức Phó Tế vào ngày 16/7/2016 tại Tulsa,Oklahoma, USA  và rất mong mọi người cầu nguyện để sang năm vào ngày 27/5/2017 Gia Đình An Hòa sẽ có thêm một linh mục mới ở Mỹ . 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH LỄ GIỖ CHA CỐ AN TÔN LẦN THỨ 43 TẠI GX NGỌC LÂM 


Một số ace Gia Đình An Hòa 



Cha Giacôbê Nguyễn Hồng Phong đọc Tin Mừng trong Thánh lễ 

Dâng của lễ 
Cha Giuse Đinh công Hạnh (đứng giữa) cùng với 4 Thầy nhận Quỹ Ơn Gọi Bùi Hữu Ngạn năm 2016

Thầy Tài Cảm ơn Quý Cha và cộng đoàn 

Cha Hạnh cho ý kiến và phát động Quỹ Ơn Gọi Bùi Hữu Ngạn 2016

Cha Hạnh góp thêm cho quỹ 5 triệu đồng 


Liên hoan buổi trưa tại Hội trường nhà xứ Ngọc Lâm 

Văn nghệ cây nhà lá vườn 





Lưu luyến trước khi ra về