Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

DÙNG TIỀN MUA BẠN


Suy niệm Lời Chúa CN 25 thường niên năm C 

Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng op




          Người ta kể rằng : thời Chiến quốc, Phùng Huyên phục vụ cho Mạnh Thường Quân, là tướng quân của nước Tề. 
          Một lần kia, Mạnh Thường Quân nhờ Phùng Huyên đi sang đất Tiết để thu các món nợ. Trước khi ra đi, Phùng Huyên hỏi : “Thu xong nợ rồi có cần mua vật gì không ?”. Mạnh Thường Quân bảo : “Xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về”. Phùng Huyên đến đất Tiết, cho mời tất cả những con nợ của chủ đến và nói : “Mạnh Thường Quân ra lệnh xóa bỏ tất cả các món nợ”, và để cho mọi người tin lời ông nói, Phùng Huyên đem đốt hết giấy nợ. Toàn dân đất Tiết rất vui mừng, tung hô vạn tuế.
         Khi Phùng Huyên trở về, Mạnh Thường Quân ngạc nhiên thắc mắc : sao Phùng Huyên đi đòi nợ mà mau chóng thế, nên hỏi thu nợ xong chưa ? Phùng Huyên trả lời : “Thu xong cả rồi”.  Mạnh Thường Quân hỏi : “Còn vật mua về đâu ?”. Phùng Huyên nói : “Trước khi đi, tướng quân bảo tôi mua vật gì trong nhà còn thiếu, tôi trộm nghĩ trong nhà tướng quân chất chứa đầy những đồ quý giá, ngoài chuồng nuôi đầy bò ngựa, vậy vật tướng quân còn thiếu là điều nghĩa, nên tôi mua điều nghĩa đem về”. Mạnh Thường Quân hỏi : “Mua điều nghĩa là thế nào ?”. Phùng Huyên đáp : “Tôi tha cho tất cả các con nợ và nhân đó thiêu hủy các giấy nợ, và được dân chúng vui mừng tung hô vạn tuế, tôi vì tướng quân nên mua được điều nghĩa về”. 
         Một năm sau, vua nước Tề không dùng Mạnh Thường Quân làm tướng quân nữa, nên ông phải thu về đất Tiết ở. Bấy giờ rất đông người già trẻ lớn bé ra đường đón chào, hoan nghênh nhiệt liệt. Khi ấy Mạnh Thường Quân nói với Phùng Huyên : “Tiên sinh vì tôi mà mua điều nghĩa, bây giờ tôi mới trông thấy”.
Bài Tin Mừng Chúa Giêsu cũng dạy : “Hãy dùng tiền của mà mua lấy bạn hữu”. Trước khi dạy điều trên, chúng ta thấy Chúa kể một dụ ngôn, qua dụ ngôn này Chúa dạy chúng ta hãy biết cách dùng tiền của để mua lấy điều nghĩa. Dụ ngôn được gọi là dụ ngôn người quản gia bất lương.
        Anh được ông chủ tín nhiệm trao cho nhiệm vụ quản lý công việc kinh doanh làm ăn và trông coi tài sản của ông. Nhưng anh đã quản lý tồi tệ, làm ăn lem nhem, nên bị ông chủ đuổi, cho nghỉ việc luôn. Từ lúc được tin ông chủ thải hồi, anh đã khôn khéo tính toán cho tương lai đời mình, anh tìm cách qua mặt ông chủ một lần nữa và bịt mắt mọi người, kể cả các con nợ.
       Anh cho gọi các con nợ của chủ đến mà trước đây chính anh đã thay mặt chủ cho họ vay mượn, người nào anh cũng giảm số nợ cho họ : Một con nợ về dầu ô-liu, anh giảm cho 50%, một người nợ lúa mì, anh giảm cho 20%... Từ con nợ của ông chủ, anh làm cho họ thành con nợ của anh, bằng cách giảm đi như thế. Đó là cách mua chuộc bạn bè, mua chuộc tình cảm bằng sự gian dối, đó là cách làm ơn cho người để sau này họ sẽ giúp đỡ anh, anh biến họ nên những kẻ đồng lõa, và thấy lợi trước mắt, họ đã làm theo anh. Cư xử như vậy, đối với chủ là bất lương và Chúa khen viên quản gia bất lương ấy, đã biết xử trí mưu lược lo xa cho mình để khi mất việc sẽ có người thương giúp mình.
       Tại sao Chúa Giêsu lại khen cách làm bất lương của anh ta ? Như thế có phải là Chúa đề cao sự xấu, là sự bất lương của viên quản gia không ? Thưa, không bao giờ, Chúa không khen việc làm của người quản gia kia, vì việc làm của anh là bất lương, nhưng Ngài nhìn nhận rằng anh khôn khéo, tháo vát, mau lẹ xoay trở, Chúa bảo đó là sự khôn khéo theo kiểu thế gian. Nói cách khác, Chúa không dạy : hãy học thói gian tham biển lận của anh ta, Chúa cũng không dạy “mục đích biện minh cho phương tiện”, nghĩa là mục đích tốt thì phải có phương tiện tốt, và phương tiện tốt sẽ đạt mục đích tốt, chứ mục đích tốt không biện minh cho phương tiện xấu được. Thí dụ : không thể ăn cắp để làm bác ái, không thể gian tham để làm việc từ thiện. Cho nên, không thể dùng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt được : cây xấu sinh quả xấu, chứ cây xấu không thể sinh trái tốt được. Người quản gia đã dùng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt cho tương lai đời mình.
       Từ việc làm và cách xử trí của người quản gia này Chúa Giêsu liên tưởng đến phương diện nước trời, và Ngài tỏ ra đau lòng khi thấy người ta không mau lẹ và khôn khéo như vậy, Chúa đem ơn cứu độ đến qua lời giảng dạy và gương sáng của Ngài, nhưng sao người ta hững hờ và chậm chạp đến như thế. Người ta không lanh lẹ mau trí xoay trở đối với nước trời như người quản gia bất lương kia lanh lẹ mau trí xoay trở đối với việc ở đời này, bởi vì con cái đời này khôn khéo hơn con cái sự sáng.
      Tóm lại, chủ đích của Chúa Giêsu khi nói dụ ngôn này là Ngài muốn dạy : phải biết khôn khéo, phải biết cố gắng, phải biết lo xa như người quản gia ấy, nhưng không bao giờ được bắt chước cách làm gian tham, biển lận và bất lương của anh ta. 

       Xin Chúa cho chúng ta một nghị lực và can đảm để luôn chế ngự được hấp lực của đồng tiền, đừng bao giờ vì tiền bạc mà bôi đen lòng mình : “Hoàng kim hắc thế tâm”. Và xin Chúa cho chúng ta biết sử dụng tiền bạc của cải trần gian cho hợp tình hợp lý, nhất là cho tình yêu thương, bác ái, chia sẻ. Đó là một cách đầu tư cho cuộc sống mai sau, đó là một cách cư xử khôn khéo để có nhiều bạn hữu chân thành đón rước chúng ta vào hạnh phúc nước trời.

Giacôbê Phạm Văn Phượng OP