Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

THÁNG MÂN CÔI




Tháng Mân Côi

        Hằng năm, Giáo hội Công giáo dành Tháng Mười để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi. Theo miêu tả của tu sĩ Alan de la Roch, Dòng Đa Minh thế kỷ XV, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Đa Minh năm 1206 sau khi thánh nhân cầu nguyện và sám hối vì đã không thành công trong việc chống tà thuyết Albigensianism (*). Đức Mẹ đã khen ngài về sự chiến đấu anh dũng của ngài chống lại tà thuyết và trao cho ngài Chuỗi Mân Côi làm vũ khí phi thường, đồng thời giải thích cách sử dụng và hiệu quả của Chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ bảo thánh Đa Minh rao truyền Chuỗi Mân Côi cho những người khác.
         Kinh Mân Côi có nguồn gốc từ chính Thiên Chúa, từ Kinh thánh, và từ Giáo hội. Không lạ gì khi Chuỗi Mân Côi gần gũi với Đức Mẹ và mạnh mẽ đối với Nước Trời.
      Rất nhiều người đã được ơn từ việc lần Chuỗi Mân Côi. Chân phước GH Gioan Phaolô II cũng thường xuyên lần Chuỗi Mân Côi khi ngài đi bách bộ. Nếu xem lại lịch sử, chúng ta thấy có nhiều chiến thắng nhờ Chuỗi Mân Côi. Truyền thống ban đầu đã có chiến thắng tà thuyết Anbi tại trận Muret năm 1213 nhờ Chuỗi Mân Côi.
      Dù không muốn chấp nhận truyền thống đó thì cũng phải chân nhận rằng thánh GH Piô V đã góp phần chiến thắng đội quân Thổ Nhĩ Kỳ vào Chúa Nhật đầu tháng 10 năm 1571. Ngay thời điểm đó có Hội Mân Côi (Rosary confraternities) tại Rôma và những nơi khác. Do đó, thánh GH Piô V đã truyền phải tôn kính Kinh Mân Côi vào chính ngày đó.
Năm 1573, ĐGH Grêgôriô XIII công bố việc mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi tại các nhà thờ có bàn thờ dâng kính Đức Mẹ Mân Côi. Năm 1671, ĐGH Clêmentô X mở rộng lễ này trên toàn cõi nước Tây Ban Nha. Chiến thắng anh dũng lần thứ hai trên người Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã có lần (cũng như người Nga) đe dọa phá hủy văn minh Kitô giáo, xảy ra vào ngày 5-8-1716, khi hoàng tử Eugene đánh bại họ tại Peterwardein (Hungary). Do đó, ĐGH Clêmentô XI mở rộng lễ Đức Mẹ Mân Côi trong toàn Giáo hội.
         Lm. William G. Most đã viết trong cuốn “Đức Maria trong Đời sống Chúng ta” (Mary in Our Lives): “Ngày nay, các mối nguy hiểm còn lớn hơn người Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ đe dọa Kitô giáo mà đe dọa cả nền văn minh, Đức Mẹ thúc giục chúng ta trở lại với Chuỗi Mân Côi để được giúp đỡ. Nếu nhân loại đủ số người làm vậy, đồng thời thực hiện các điều kiện khác mà Đức Mẹ đã đưa ra, chúng ta có lý do chính đáng để tin rằng chúng ta sẽ thoát khỏi mọi mối nguy hiểm”.
         Nhưng thiết nghĩ chúng ta cần tích cực lần Chuỗi Mân Côi hàng ngày không vì mong được lợi cho mình mà vì lòng yêu mến chân thành. Người Việt Nam có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Cứ hành động bằng tất cả niềm tin, cậy, mến thì chúng ta không bao giờ phải thất vọng.

                                                    

       Chúng con xin trao phó mọi sự cho Thiên Chúa và Đức Mẹ, xin quan phòng và lo liệu cho chúng con hôm nay và mãi mãi. Amen.

                                                                               Trầm Thiên Thu chuyển ngữ 
                                                                                                               (lamhong.org)

(*) Albigensianism: Anbi giáo, một phong trào Kitô giáo được coi là hậu duệ thời trung cổ của Mani giáo (Manichaeism – xem chú thích bên dưới) ở miền Nam nước Pháp hồi thế kỷ XII và XIII, có đặc tính của thuyết nhị nguyên (đồng hiện hữu của hai quy luật đối nghịch là Thiện và Ác). Thuyết này bị kết án là tà thuyết thời Tòa án Dị giáo (Inquisition).
Manichaeism: Mani giáo, hệ thống tôn giáo nhị nguyên do tiên tri Manes (khoảng 216–276) sáng lập ở Ba Tư hồi thế kỷ III, dựa trên vụ xung đột nguyên thủy giữa ánh sáng và bóng tối, kết hợp với các yếu tố của Kitô giáo ngộ đạo (Gnostic Christianity), Phật giáo (Buddhism), Bái hỏa giáo (Zoroastrianism), và các yếu tố ngoại giáo khác. Thuyết này bị chống đối từ phía Hoàng đế La mã, các triết gia phái tân Platon (Neo-Platonist) và các Kitô hữu chính thống.

TERESA : THÁNH NỮ CỦA TÌNH YÊU

Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu 

§ Lm Anton Nguyen Van Thang
Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu
  • Ngài là Thánh Trinh nữ và là Thánh Tiến sĩ tình yêu.
  • Sinh 1873 tại Alençon nước Pháp.
  • Lúc nhỏ, xin vào đan viện Cát-Minh ở Lisieux.
  • Khám phá lối sống Tin Mừng khiêm tốn, mở ra một linh đạo nên Thánh mới mẻ: con đường thơ ấu thiêng liêng.
  • Qua đời: 30.09.1897 (24 tuổi).
  • Ước ao dâng mạng sống, cuộc đời, sự đau khổ, hiểu lầm để các linh hồn được cứu và để Hội Thánh phát triển.
  • 10.1997 (100 năm sau) Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong chị là Thánh Tiến sĩ tình yêu.
  • Lúc bé thơ, thánh nữ nhìn lên trời chiêm ngắm những vì sao, và cô sung sướng nhìn thấy có các ngôi sao dệt nên chữ chữ T xinh đẹp. Ôi! Tên của mình đã được Chúa khắc ghi trên trời. Ngài ước ao nên thánh…


Giảng

Vì sao Têrêxa bé nhỏ được nhiều người khắc sâu hình ảnh?
Vì sao thánh nữ được nhiều người tưởng nhớ, mến thương?
Có phải vì tuổi đời còn quá trẻ (24 tuổi), mà người trẻ thì thường khiến cho mọi người dậy lên niềm cảm xúc? Hay là do nét thanh tú, dễ thương trên khuôn mặt hiền hòa, vì cái đẹp bao giờ cũng lay động lòng người? Hay vì nẻo đường nên thánh đơn sơ, khiến cho chúng ta dễ bắt chước, và cảm thấy Thiên Chúa là Đấng gần gũi?
Có thể là tất cả, nhưng hình như vẫn chưa phải là câu trả lời đủ và trọn nghĩa.
Nàng muốn làm linh mục để tế lễ, nàng muốn trở thành sứ đồ đi rao giảng Tin Mừng, mà không phải một nơi mà khắp nơi, cũng không phải chỉ một thời, mà mọi thời: từ thuở tạo thiên lập địa đến ngày tận thế, nàng còn muốn là kẻ tử vì đạo với mọi hình khổ: đóng đinh, vào vạc nước sôi, lên giàn hỏa thiêu, chịu chém bay đầu..., Khiếp, người đâu mà tham thế.
Thế nhưng nghĩ cho cùng, không tham sao được, khi người tình của chị là Chúa Tể càn khôn, bao trùm vũ trụ và lịch sử, vì thế, tình yêu của chị cũng bao trùm cả lịch sử lẫn vũ trụ. Trong thư, chị viết: “Em hiểu rằng, Hội Thánh có một trái tim, và trái tim ấy rực sáng Tình Yêu. Em hiểu rằng chỉ có Tình Yêu mới làm cho các chi thể trong Hội Thánh hoạt động. Nếu Tình Yêu nguội tắt, thì các sứ đồ không ai đi rao giảng Tin Mừng, nếu Tình Yêu đã tắt, thì các vị tử vì đạo sẽ từ chối việc đổ máu đào. Tình Yêu bao gồm mọi ơn gọi, Tình Yêu là tất cả, Tình Yêu ôm gọn không gian lẫn thời gian. Tắt một lời: Tình Yêu là Vĩnh Cửu”.


Đức cố Hồng y FX. Nguyễn Văn Thuận viết về Thánh nữ như sau:
Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, vị Thánh lớn nhất của thế kỷ XX, bổn mạng các xứ truyền giáo, là vị Thánh chẳng làm việc gì có giá trị vĩ đại bên ngoài: không giảng thuyết, không đi truyền giáo, không viết sách thần học, không làm phép lạ, không chịu các cực hình như bao vị thánh tử đạo xưa nay. Chị chỉ sống kết hiệp với Chúa từng giây phút qua mọi công việc tầm thường của đời một nữ tu Dòng Kín Carmel. 
Chị viết: “Tôi muốn có một quả tim bao la để yêu mến Thiên Chúa, để ôm ấp tất cả nhu cầu của Giáo Hội…, tôi muốn hy sinh cả cuộc sống tôi để cầu nguyện cho việc truyền giáo” (Lữ hành Hy vọng, tr. 36).
Têrêxa đọc hạnh các thánh và đã thấy có nhiều vị thánh vĩ đại, thánh nữ muốn bắt chước. Có lần Thánh nữ mang cây thánh giá nặng với nhiều gai nhọn, nhưng đau quá, nàng đành phải tháo ra và than: “Con bắt chước không được”. Thế là nàng mở cuốn Phúc âm, và đọc thấy còn đường nên thánh dễ hơn, vừa tầm mình: sống như người bé con trước Thiên Chúa là Cha.
Tâm tư sâu lắng của Têrêxa là thế đó. Chính nhờ đó mà chị đạt đến nét thuần túy nhất của Tin Mừng. Cũng như chính thế đó, mà chị trở thành điểm thu hút của bao nhiêu người. Hằng năm, người ta tìm đến kính viếng xác Thánh đến 80.000 lượt người.
Con người vốn được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng, mỗi con người được gắn liền với Đấng yêu thương ngay từ ngày đầu tiên hiện hữu trên cõi đời.
Khát vọng Tình Yêu hoài còn đó, nhưng xem ra cuộc sống thiếu vắng hơn bao giờ hết. Vì lẽ đó người đời càng ngưỡng vọng những ai dám hiến trọn đời mình cho Tình Yêu.

      

Chuyện:
Hôm ấy, vào dịp lễ Thánh Têrêxa Avila, một nhà Dòng Kín nọ mở cổng cho giáo dân và bà con vào tham quan. Có một người khách hiếu kỳ không hiểu được lý do cuộc sống khắc khổ nhiệm nhặt của các nữ tu này, bèn nghĩ bụng: “Chỉ những người không đủ cơm ăn áo mặc, nghèo khổ xấu số mới liều mình dấn thân vào một nơi kinh khủng như thế này!”.
Ông gặp một nữ tu tại hành lang và hỏi: “Này Chị, giả như Chị có một tòa nhà sang trọng như tòa nhà ở ngoài cổng kia kìa, đối diện với Nhà Dòng Chị đây, thì Chị có thể hy sinh chôn mình vào trong 4 bức tường đóng kín này chăng?”
Chị nữ tu vui vẻ trả lời: “Thưa ông, ngôi nhà ấy chính là nhà của tôi!”.
Quả vậy, đó là tòa nhà của Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng, người nữ tu mà ông khách hiếu kỳ vừa chất vấn. Bố của Chị, ông Louis Martin đã xây nên để được ở gần con (Lữ hành Hy vọng, tr. 172).
Tình yêu làm nên muôn việc diệu kỳ. Đời sống tu trì là dại, là khó, là uổng… đối với người đời, nhưng với lòng yêu mến Chúa, thì điều này đã hiện thực trong Hội Thánh suốt 20 thế kỷ qua.
Chị Chiara Lubich đã kinh nghiệm: “Ai kết hiệp với Đức Kikô, người ấy có thể làm được những điều bất khả”.
Thánh nữ Têrê xa đã nói: “Với lòng kính mến Chúa, thì dù cúi xuống nhặt một cái kim nhỏ, ta cũng cứu được một linh hồn” (Một tâm hồn).

Cần lưu ý:

Tình yêu thì làm nên, và làm được muôn điều kỳ diệu.
Còn có khoáng vật ngăn lối tình yêu, đó là ích kỷ.
Thánh Phaolô có viết một câu khiến chúng ta khó hiểu, thắc mắc: “Giả như tôi đem cả tư gia, vốn liếng mà bố thí, nhưng không có lòng mến thì ích gì?”
Bán cả gia tài, giúp đỡ kẻ nghèo, chẳng phải là hành vi bác ái sao?, sao mà bảo không có lòng mến?
Thưa, vì có khi chỉ là để củng cố cái tôi. Người nghèo được giúp đỡ không vì chính họ, mà chỉ là phương tiện để quay về với chính tôi. La Rochefoucauld cũng có lý khi nói: ”Mọi dòng sông bác ái cuối cùng cũng đỏ về biển cả của ích kỷ”.
Trong Giáo Hội, có những tu sĩ, có nhiều nữ tu chịu giam mình trong 4 bức tường tu viện, trong căn phòng chật chội, nhưng tâm hồn họ mở ra với cả thế giới với các chiều dài rộng và sâu của suốt dòng lịch sử nhân sinh.
Ngược lại, ngày sống của nhiều người lấp đầy bằng những chuyện trò huyên náo, rỗng tuyếch, những gặp gỡ đổi trao, kể cả những nồng nàn say đắm, mà thật ra vẫn chỉ là vòng quay của cái tôi ích kỷ. Trong cuộc sống như vậy có hai hướng đi: Tình yêu và Ích kỷ.
Lạy Chúa, Tình yêu làm nên tất cả, còn Ích kỷ đục khoét tất cả. Amen.
Lm Anton Nguyen Van Thang