Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

PHẢI NGHE BẰNG BA LỖ TAI



Vào thời Chúa Giêsu, tại Israel có hai nơi dành cho việc phụng tự, là Đền thờ và Hội đường. 
Đền thờ thì chỉ có một, tức là Đền thờ tại Giêrusalem, nhưng có tới hàng trăm hội đường, hầu như mỗi làng đều có một cái. Đền thờ là nơi dân Do thái dâng hy lễ cho Chúa, chẳng hạn chiên, cừu, bồ câu… Còn hội đường là nơi dành cho việc giảng huấn, nơi dân chúng lắng nghe Lời Chúa và cố gắng áp dụng lời ấy vào cuộc sống của họ. Như chúng ta thấy, nghi thức phụng tự trong hội đường và trong Đền thờ tương ứng với nghi thức phụng tự trong thánh lễ của chúng ta. Nửa phần đầu của thánh lễ tương ứng với nghi thức trong hội đường được gọi là phần phụng vụ Lời Chúa, bao gồm việc nghe đọc các bài Kinh Thánh và áp dụng chúng vào cuộc sống giống như Chúa Giêsu đã chỉ dẫn cho dân Nagiarét trong Phúc Âm hôm nay. Nửa phần sau của thánh lễ tương ứng với nghi thức phụng tự trong đền thờ, được gọi là phụng vụ Thánh Thể, liên quan đến việc dâng hy lễ, giống như Chúa Giêsu đã thực hiện trong bữa Tiệc ly: “Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20)
Giờ đây chúng ta hãy xét một cách sâu sát hơn phần đầu của thánh lễ, tức phần phụng vụ Lời Chúa. Trong phần này nhiệm vụ chính của chúng ta là lắng nghe Kinh Thánh. Vấn đề then chốt ở đây là ‘lắng nghe’. 
Cách đây nhiều năm có một vở kịch ở Broadway tựa là ‘Hoàng gia đi săn mặt trời’ (The Royal Hunt of the Sun). Vở kịch kể lại cuộc chinh phục dân da đỏ ở Pêru của người Tây Ban Nha vào thế kỷ 16, trong đó có một màn kể lại câu chuyện một người nọ biếu cho tù trưởng bộ lạc da đỏ một cuốn Kinh Thánh và bảo ông ta: “Đây là Lời Chúa, Ngài nói với chúng ta qua cuốn sách này”. Viên tù trưởng nghiêm trang cầm cuốn Kinh Thánh lên, xem xét kỹ lưỡng và dịu dàng đặt nó vào lỗ tai. Ông cố gắng nghe đi nghe lại nhưng chẳng nghe được gì hết. Thế là ông ta nghĩ rằng mình bị phỉnh gạt, nên giận dữ dằn mạnh cuốn sách xuống đất. 
Màn bi kịch trên khiến chúng ta tự nhủ: “Vậy thì chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa thế nào đây?” Chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa bằng cả ba cách thức: bằng lỗ tai của tâm trí, bằng lỗ tai của trái tim và bằng lỗ tai của linh hồn.
Trước hết, thế nào là nghe bằng lỗ tai tâm trí?
Đó là cố gắng tìm hiểu Lời Chúa, và hơn nữa, làm cho lời ấy sống động y như chúng ta đang nghe chính Chúa nói. Chẳng hạn, thánh Ignatiô Loyola thường nghe Lời Chúa theo kiểu này bằng cách nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang có mặt trong hội đường Do thái để nghe Chúa Giêsu nói. Thánh nhân tưởng tượng ra niềm xúc động khiến giọng nói của Chúa Giêsu nghẹn ngào khi Chúa đọc đến câu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi”, và thánh nhân còn tưởng tượng ra nỗi phấn kích như điện giật lan truyền nơi cộng đoàn tham dự khi Chúa Giêsu tuyên bố “Hôm nay, lời Kinh Thánh trên đã được ứng nghiệm khi anh chị em nghe đọc nó”. Như thế, nghe bằng tâm trí tức là không những chỉ hiểu Lời Chúa, mà còn làm cho Lời ấy trở nên sống động như thể nghe từ miệng Chúa nói ra.
Cách thứ hai là lắng nghe Lời Chúa bằng lỗ tai trái tim, nghĩa là ghi tạc Lời Chúa vào trái tim và cố gắng tìm cách áp dụng lời ấy vào hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống chúng ta. Cách đây nhiều năm, Charlie Pitts là chủ nhân một công ty xây dựng chuyên xây đường điện ngầm ở Toronto, Canada. Công việc làm ăn của ông càng khuếch trương bao nhiêu thì đời sống cá nhân và gia đình ông càng khốn đốn bấy nhiêu. Ngày nọ, vì thấy tình thế tồi tệ quá, Charlie phải cầu cứu tới việc đọc Kinh Thánh. Tình cờ trong lúc đọc Kinh Thánh, một câu nói đập mạnh vào mắt ông: “Nào người ta được ích gì khi được lời lãi tất cả thế gian, mà lại mất hay thiệt chính mình?” (Lc 9,25). Những lời này như nói trực tiếp với Charlie, như hàm ý bảo ông: “Này Charlie, chính điều ấy đang xảy đến cho ông đó!”. Như thế, nghe bằng trái tim tức là ghi khắc Lời Chúa vào trái tim và xét xem có thể áp dụng lời ấy vào hoàn cảnh cụ thể của chúng ta như thế nào.
Và cách thức lắng nghe Lời Chúa sau cùng là lắng nghe bằng lỗ tai của linh hồn, nghĩa là ngoài việc ghi khắc Lời Chúa vào trái tim, chúng ta còn chuyện vãn với Ngài về lời ấy, đồng thời làm những gì mà Charlie Pitts đã làm. Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta thực hiện những bước cần thiết để làm cho cuộc sống chúng ta phù hợp với Lời Ngài. Chẳng hạn, sau khi Charlie Pitts cầu nguyện về tình trạng sống của ông và bàn luận với vợ xong, ông liền bán toàn bộ công ty của ông trước khi nó huỷ diệt đời sống của ông. Tiếp đó, Charlie bỏ tiền ra mua một khách sạn có bãi sân gôn rồi quản trị nó. Lợi tức của công việc kinh doanh này ông dùng để truyền bá Phúc Âm.
Như thế bước thứ ba trong việc lắng nghe Lời Chúa là tâm sự với Ngài để xem Ngài muốn chúng ta làm gì khi nghe lời đọc trên. Dĩ nhiên, chúng ta không mong Chúa dùng lời nói để đáp trả lại lời nói của chúng ta, vì Ngài thường nói với chúng ta một cách thiêng liêng từ thâm sâu linh hồn ta. Và hơn nữa, không phải là Ngài sẽ luôn luôn đáp lời chúng ta ngay lập tức trong giờ cầu nguyện, mà Ngài thường đáp lời chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, ngoài giây phút chúng ta cầu nguyện. Chẳng hạn, Ngài làm cho chúng ta từ từ cảm nghiệm được niềm ước muốn đang lớn mạnh, khiến ta phải làm một điều gì đó để cải tạo hoàn cảnh hiện tại; Ngài khiến chúng ta tìm ra những ý tưởng về cách thức cải tạo cảnh ngộ chúng ta; hoặc Ngài khiến chúng ta cảm thấy nghiêng chiều về một trong những ý tưởng trên. Nói rõ hơn, nhưng chuyển biến tâm linh này có thể là do Lời Chúa đang âm thầm nói với chúng ta từ sâu thẳm của linh hồn.

Tóm lại, chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa bằng ba cách thức: Bằng lỗ tai tâm trí, bằng lỗ tai trái tim và bằng lỗ tai linh hồn. Nói cách khác, chúng ta phải làm sao để Lời Chúa được diễn lại sống động nơi tâm trí chúng ta; phải ghi khắc lời ấy vào trái tim chúng ta; và phải bàn bạc với Chúa cũng như lắng nghe điều Ngài muốn nhắn nhủ chúng ta qua lời ấy
(Nguồn :daichungvienvinhthanh.com)



HÔM NAY ỨNG NGHIỆM
       (Phỏng theo  Lc1. 1-4, 14-21) 
Tại sinh quán hội đường, Chúa cầu nguyện
Người thừa tác trao Chúa tập Thánh Kinh.
Chúa mở ra gặp đoạn nói về mình,
Chúa cất giọng thanh thanh trước thính giả…
Đoạn sách I- sa- i- a tác giả
Rằng: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi
Ngài xức dầu, sai rao giảng Nước Trời,
Kẻ tội lỗi mau hạ mình sám hối.
Ngài khích lệ: cứu chữa dân vô tội,
Kẻ yếu dau, tàn tật, kẻ cơ hàn…
Rao Tin Mừng giải thoát tục trần gian.
Nhận hồng ân trong ngày Vua khen thưởng…
Gấp sách lại, Chúa trao người hội trưởng,
Cả cộng đoàn ngồi thinh lặng ngất ngây…
Chúa lên tiếng: lời tiên tri nghe đây
Nay ứng nghiệm đúng như lời Kinh Thánh.

                                        Thế Kiên Dominic