Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

KHIÊM TỐN VÀ TỰ TIN



Chào các bạn,

Rất nhiều người trong chúng ta lầm tưởng khiêm tốn và tự tin là hai điều đối nghịch nhau.
Ví dụ: Nếu ai hỏi bạn “Làm được việc này không?”, người ta nghĩ rằng người khiêm tốn thì phải trả lời “Dạ, em cũng biết chút chút” trong khi thực sự mình đã có 10 năm kinh nghiệm. Tức là người ta cho rằng cách nói chuyện khiêm tốn là cách tự hạ tài năng của mình như thế.
Sự thật là người nói với bạn “Em cũng biết chút chút” nghe rất thiếu tự tin. Nếu bạn đang tìm bác sĩ chữa bệnh gan, bạn không muốn nhờ bác sĩ chỉ “biết chút chút” về bệnh gan. Bạn muốn bác sĩ đã có ít nhất là 10 năm kinh nghiệm về bệnh gan.
• Tự tin hay thiếu tự tin về khả năng của mình thì chẳng ăn nhập gì đến khiêm tốn hay không khiêm tốn. Mình đã có 10 năm kinh nghiệm thì hãy nói: “Dạ em đã làm việc này 10 năm nay” hay “Em có 10 năm kinh nghiệm. Em tin là em sẽ làm tốt việc này.” Nếu bạn thuê kỹ sư, luật sư, bác sĩ, công ty xây dựng… bạn muốn thuê người nói với bạn tự tin và chắc chắn như thế.
Và nếu bạn đã được vài giải thưởng y học về nghiên cứu gan, nếu bạn không muốn nói cho bệnh nhân nghe (vì họ cũng chẳng hiểu lắm về các giải y học), thì ít nhất cũng nên viết trên website của bạn, để các bệnh nhân có thể định giá bạn một chút.
Tự tin là nói đến khả năng của mình, và lòng tự tin của mình về công việc.
• Kiêu căng, hay thiếu khiêm tốn, là so sánh mình với người khác và cho rằng người khác dốt hơn, tồi hơn, xấu hơn mình.
Người tử tế không cần so mình với ai và chẳng cần phải hạ ai xuống như thế. Đó là không khiêm tốn, đó là kiêu căng, và cũng thường phản ánh tâm ly’‎ thiếu tự tin.
Ta có thể tự tin về ta mà vẫn khiêm tốn trong ứng xử với người khác, kể cả trong cạnh tranh nghề nghiệp hay cạnh tranh kinh doanh.
– Không nói gì xấu đến đối thủ, tự nó là một hình thức khiêm tốn.
– Nâng người khác lên ngang mình là khiêm tốn. Ví dụ: “Nhà hàng đó có tiếng nấu ăn theo kiểu Bắc, nhà hàng của em nổi tiếng về nấu kiểu Nam.” Vẫn lịch sự với nhau như thế, nhưng không ảnh hưởng đến cạnh tranh kinh doanh của mình.
– Ngay cả khi cạnh tranh trực diện, ta cũng có thể nói: “Ở thành phố này, đó là công ty đối địch với công ty em. Bọn em thích nghĩ rằng bọn em hay hơn họ, nhưng chị có thể thử đến đó một lần rồi cho em biết cảm tưởng chị thế nào. Em cũng muốn học hỏi thêm từ chị.”
Khiêm tốn là cách mình ứng xử với người khác, cách mình nói về người khác, kể cả về đối thủ, một cách khiêm tốn, ân cần, tử tế, dù là cách nói mình vẫn rất tự tin, và dù mình vẫn không nhượng bộ chút nào khi nói về đối thủ.
• Sự thật là trong môi trường kinh doanh, mình tự cạnh tranh với chính mình thì đúng hơn là cạnh tranh với đối thủ. Các công ty chú trọng quá nhiều vào đối thủ thường không làm chủ tình thế, vì chỉ chạy theo và phản ứng đối với các chiêu thức của các công ty kia.
Cạnh tranh thực sự là cạnh tranh với chính mình, để công ty mình ngày càng sáng tạo, nhân viên ngày càng khắng khít và đoàn kết, khách hàng ngày càng tin tưởng và yêu mến mình. Đối với khách hàng, mình là số 1, vì khách hàng thực sự yêu mình, như là hai người yêu nhau thì người tình của mình luôn luôn là số 1. Đó mới là cạnh tranh thực sự trong kinh doanh.
Lèm bèm nói xấu đối thủ thường là dốt, vì đặt trọng tâm của năng lực cạnh tranh vào sai chỗ. Lâu lâu để ‎y’ đến hành động của đối thủ để mình nắm vững tình hình trên thị trường thì được. Nhưng cạnh tranh thực sự luôn là cạnh tranh với chính mình.
Công ty cũng thế mà cá nhân cũng thế.
Cho nên hãy tự tin khi nói đến khả năng làm việc của mình. Và khiêm tốn bằng cách nâng người khác lên khi nói về người khác, và ngay với cả đối thủ của mình, ít nhất mình cũng nói về đối thủ một cách tử tế lịch sự.
Chúc các bạn một ngày tự tin và khiêm tốn.
Mến,
Trần Đình Hoành