Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

TRÊN ĐƯỜNG EMMAU

                                     

Phúc Âm: Lc 24, 13-35
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp".
Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông.
Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Các vị đó bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

*********


TRÊN ĐƯỜNG EMMAU

Hai người lữ khách Em-mau
Lê chân với nỗi sầu đau chiều tàn
Bao nhiêu hy vọng tiêu tan:
''Tiên Tri giải phóng Giang San'' bất thành!
Bỗng đâu có Chúa đồng hành!
Ngài liền hỏi họ đang tranh luận gì!
Ba người tiếp tục bước đi
Một người kể lại những gì xảy ra:
''...Đến nay là bữa thứ ba
Từ khi sự việc xảy ra không ngờ!
Mấy bà từ sáng tinh mơ
Ra mồ viếng Xác, ai ngờ trống không!
Mấy người bên phía đàn ông
Chạy ra thật lẹ, chẳng trông thấy gì!
Thiên Thần giải thích tại vì
Giê-su đã mãn tử kỳ, phục sinh!''
Ngài liền trách họ chậm tin:
''Giêsu khổ nạn mới vinh quang mà
Như Lời Kinh Thánh chép ra
Từ Mai-sen đến các Nhà Tiên Tri!''
Ba người lại tiếp tục đi
Chúa còn giảng giải tới khi đến nhà
Vào bàn, Chúa bẻ bánh ra
Sau khi chúc tụng thiết tha bằng lời
Rồi Ngài trân trọng trao mời
Hai người dùng bữa cho vơi nỗi sầu
Bỗng nhiên Ngài biến đi đâu!
Hai người sửng sốt, bắt đầu vững tin
Giêsu đã bị đóng đinh
Để rồi sống lại hiển vinh muôn đời:
''Tim ta chẳng nóng vì Lời
Mà Ngài đã nói về đời Ngài sao?''
Hai người hớn hở biết bao
Đi tìm các bạn để rao Tin Mừng!

***
Đaminh Phan văn Phước

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Ý NGHĨA CÁC BIỂU TƯƠNG LỄ PHỤC SINH

Lửa phục sinh (Osterfeuer/ Easterfire) 
Người ở vùng quê sống đời nông nghiệp vui mừng mùa đông giá lạnh đi qua, xuân đến bắt đầu gieo trồng rồi gặt hái. Nguồn gốc lửa phục sinh ngày xưa được đốt lên từ những cánh đồng trong đêm đầu tiên phục sinh, từ đó sẽ thắp lên ánh nến phục sinh. Ngọn lửa sưởi ấm mùa đông dài lạnh lẽo vì thời xa xưa không đủ tiện nghi như ngày nay có lò sưởi điện. Người Ai Cập từng tôn thờ thần mặt trời, họ xem ánh lửa như thần thiêng. Miền bắc Na Uy không có mặt trời, mặt trời tái xuất hiện vào cuối tháng giêng khoảng 4 phút, học sinh ở Trombo nghỉ học một ngày để chào mừng ánh mặt trời. Ngược lại, mùa hè đêm 23 tháng 7 thì mặt trời không hề lặn, không có mặt trời thì trên trái đất này sẽ không có sự sống, vì thế ánh lửa phục sinh cũng là nguồn sống của con người.
Lửa phục sinh tượng trưng cho ánh sáng mới mà Chúa đã mang đến cho chúng ta. Từ năm 750, ở Pháp đã có phong tục đốt lửa phục sinh.

Nến phục sinh (Osterkerze/ Eastercandle) 
Các Tôn giáo đều sử dụng nến (đèn cầy) để đốt sáng trên bàn thờ. Ánh sáng nến có thể đem vào nơi tối tăm. Năm 384, lần đầu tiên ở Piacenca thánh Hiêrônimô (347- 419) viết về ý nghiã biểu tượng của nến phục sinh là sự sống. Đến năm 417, Đức Giáo Hoàng Zosimus cùng công nhận biểu tượng đó là sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Từ thế kỷ thứ 7, thánh địa La Mã công nhận và sử dụng nến phục sinh, cho đến thế kỷ thứ 10 được các quốc gia theo đạo Thiên Chúa sử dụng cho đến ngày nay. 
Nến Phục sinh được đốt lên từ đống lửa trước nhà thờ trong đêm phục sinh được thánh hóa theo phong tục lâu đời. Nến đốt sáng được rước vào nhà thờ, các tín hữu sẽ thắp nến của mình từ cây nến phục sinh. Cả nhà thờ được rực sáng bởi ánh nến là dấu hiệu của sự sống, chiến thắng tội lỗi và sự chết. Trên nến có cắm 5 dấu đinh, phía trên ghi mẫu tự Alpha và bên dưới mẫu tự Omega với ý nghĩa: Khởi nguyên và tận cùng của tiếng Hy Lạp. Điều đó tượng trưng cho Chúa Giêsu là khởi đầu và cuối cùng. Chung quanh cây nến ghi số năm với ý nghĩa "Chúa Giêsu là Đấng cứu độ: Hôm qua, hôm nay và mãi mãi". Trong các lễ nghi phụng vụ của Giáo Hội như Rửa tội hay An táng, nến phục sinh được thắp sáng. 

Trứng (Ostereier/ Easter egg) 
Từ thế kỷ thứ 12, Thứ bảy phục sinh (Ostersamstag) người ta có thói quen luộc trứng gà chín và sơn màu sắc sặc sỡ: màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn; màu xanh cho hy vọng, trẻ trung vô tội; màu vàng cho sự khôn ngoan; màu trắng thể hiện sự thanh bạch và màu cam thể hiện sức mạnh. Trong lễ Phục Sinh, người ta bỏ những quả trứng đó vào trong giỏ với những thức ăn khác để mang đến nhà thờ.
Trứng còn là biểu tượng cho sự khởi nguyên của sự sống, bởi vậy theo truyền thuyết, người chết được tẩm liệm trong quan tài hình quả trứng, biểu tượng cho sự cứu chuộc và sự sống đời sau. Cũng chính vì vậy mà trên nắp quan tài, người ta thường cúng cơm với trứng gà.
Sau cùng, người ta quan niệm con gà con tự mổ vỏ trứng chui ra, cũng vậy, Chúa Giêsu sau khi bị hành hạ, đánh đập rồi bị đóng đinh vào thập giá, Ngài đã thực sự chết và sau ba ngày, Ngài đã đội cửa mồ và sống lại.

Thỏ phục sinh Osterhase/ Easter bunny 
Thỏ vốn là con vật hiền lành, không làm hại sinh vật nào bao giờ. Thỏ không có khả năng tấn công hoặc gây nguy hại cho các loài động vật khác, nhưng lại thường xuyên bị những con như sói, báo, chim ưng, cú... uy hiếp. Chính vì vậy, thỏ thường xuyên phải vểnh tai để chú ý xem bốn phía chung quanh nhằm đề phòng bất trắc. Chính vì vậy mà đôi tai của thỏ đặc biệt to dài nghe rất thính để chạy trốn khi nghe tiếng động trước sự tấn công. 
Nữ thần ái tình Hy Lạp "Liebesgưttin Aphrodite" cho đến Nữ Thổ Thần Nhật "Erdgưttin Holda" đều yêu chuộng thỏ. Ở Byzanz - Tây Ban Nha các nhà biểu tượng học xem biểu tượng con thỏ là một Thiên sứ.
Các nhà sinh vật học cho biết thỏ sinh sản nhiều, nên được xem là biểu tượng của sự sinh nở phong phú. Một con thỏ mẹ hàng năm có thể đẻ 20 thỏ con. Mùa xuân đến, các chú thỏ non vào tận trong vườn để tìm thức ăn. Trong lễ Phục Sinh, người lớn đã đem giấu những quả trứng phục sinh được sơn nhiều màu trong các khu vườn, rồi cắt nghĩa rằng: những quả trứng đó là do các chú thỏ mang tới.
Thành phố Zurich (Thụy Sĩ) là nơi phát xuất ra chú thỏ và cái trứng trong mùa phục sinh. Từ năm 1875, các hãng sản xuất kẹo bánh đã làm những chú thỏ bằng schololate.

Hoa phục sinh 
Người Đức thường dùng cành cây tươi, treo những cái vỏ trứng gà, sơn nhiều màu và những con thỏ nhỏ bằng schocolat cho trẻ em và các loại hoa thường dùng như: Thủy tiên, Cúc đồng, Bồ công anh…
(Góp nhặt)
(Nguồn : giaophanthaibinh.org)

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

BẮT CÁ NGƯỜI


Kính mời nghe Thánh Ca:

VUI NGÀY TRỞ VỀ Lm THÀNH TÂM CSsR CĐ THÁNH TÂM ...




và xem cảnh câu cá ở ngoài khơi: 



BẮT CÁ NGƯỜI

Người đi ''câu cá'' ngoài khơi!
Con đi ''bắt cá người đời'' hôm nay!
Người ta ''câu cá'' bằng tay!
Con đi ''bắt cá'': tỏ bày Tình Thương
Cho người lỡ bước, lầm đường
Gieo neo trong cảnh thê lương, não nùng
Giữa trời băng tuyết lạnh lùng
Không giường, áo ấm, chăn, mùng ..., người thân!!!
Chúa cho con có đôi chân
Để con bước tới, ân cần hỏi han
Những người khốn khổ, lầm than
Là Hình Ảnh Chúa gian nan giữa đời!!!
Người đi bủa lưới, chờ thời...
Con đi tung lưới là Lời Lòng Ngay:
Nêu gương sống Đạo từng ngày
Là ''gieo Lời Chúa'' vào ngay cõi lòng
Những người khao khát chờ mong
Tình thương đồng loại lau dòng lệ rơi!!!
Con đi''gieo Giống'' là ''Lời
Cũng là Thiên Chúa Cứu Đời'' vì yêu!!!
Tình Ngài Vĩ Đại, Cao Siêu!!!
Trần gian nầy có quá nhiều sách hay
Không bằng Kinh Thánh giải bày
''Tình Yêu là Chúa'' đổi thay lòng người!!!
Ai đi câu cá, ướp tươi...
Con đi bắt cá, nụ cười không phai
Vì con có Chúa An Bài
Và luôn nhờ Mẹ vì Ngài thương con!!!


Đức Quốc, Thứ Hai, 28.3.2016
(Vẫn còn mừng Lễ Phục Sinh ở nơi nầy.)

Đaminh Phan văn Phước

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

MỪNG LỄ PHỤC SINH



PHỤC SINH VỚI CHÚA

Mỗi lần mừng Chúa Phục Sinh
Lòng nghe dào dạt ''Diễm Tình Thiên Ân'':
Vì con, Thiên Chúa giáng trần!!!
Vì con, Ngài phải mang ''thân phận người''!!!
Vì con, Ngài bị nhạo cười!!!
Vì con, Ngài đổ Máu Tươi dọc đường!!!
Vì con, ở chốn Pháp Trường
Ngài yêu, gánh tội của dương thế này!!!
Vì con, Ngài bị dang tay

Tréo chân để ''kẻ hăng say giết mình''(quân dữ)
Cúi đầu, cầm búa đóng đinh
Ngài trên ''Thập Giá Hy Sinh Đền Bù''!!!
Con quỳ lạy Chúa Giêsu
Phục Sinh đè bẹp ''ba thù hung hăng'':
Thế gian, xác thịt, Xa-tăng (Satan)
Giúp con thờ Chúa Vĩnh Hằng, Tối Cao!!!
''Phục Sinh với Chúa'' là Rao
Tin Mừng Cứu Độ cho bao nhiêu người!!!


Đức Quốc, Thứ Bảy Tuần Thánh, 26.3.2016

Đaminh Phan văn Phước




MỪNG LỄ PHỤC SINH 

Để tới lễ Phục Sinh,
Phải qua tuần thương khó.
Vậy ai đang đau khổ,
Sẽ tới ngày hiển vinh…
             ***
Chúa sống lại như lời đã phán hứa.
Khắp nhân gian mừng rỡ cất tiếng ca :
Halleluia! Halleluia!!!
Nay sự Chết không còn đáng sợ nữa.
              ***
Nay sự Chết chỉ còn là cánh cửa 
Để Ki Tô hữu mạnh dạn bước vào;
Với xác hồn trong sạch và thanh cao,
Vượt Cửa Tử có thiên thần đón rước.
                  ***
Ôi! Thiên Chúa quyền năng ai suy được:
Tự giáng trần, hiến mạng rồi phục sinh,
         Chuộc tự do cho hết thảy chúng sinh,
Và đưa họ về hưởng Nhan Thánh Chúa.
Halleluia! Halleluia!!!

                               (Thế Kiên Dominic)


     MẦU NHIỆM CHÚA PHỤC SINH
                  ********
Mẩu nhiệm quyền uy Chúa Phục Sinh:
Vượt qua tri thức mọi sinh linh.
Vì chưng Thiên Chúa thương nhân loại
Đến nỗi Ngôi Hai tự hiến mình.
Tưởng niệm Giê Su Vua Cứu Thế
Vững tin Thánh Tử Chúa Chiên lành.
Chết đi, sống lại: lập Vương Quốc,
Kinh Thánh,Tin Mừng đủ chứng minh.

                               (Thế Kiên Dominic)

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI

SUY NIỆM

CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM C - 26/03/2016 
                                                                       ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Phụng vụ hôm nay trình bày cho ta sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng.
Mở đầu phần nghi thức, nhà thờ chìm vào bóng tối. Bóng tối tượng trưng cho thế lực sự dữ, sự ác. Khi Đức Giêsu chưa Phục Sinh, sự dữ, sự ác còn thống trị. Nhân loại chìm ngập trong bóng tối sự chết.
Cây nến Phục Sinh tượng trưng cho Đức Kitô Phục Sinh. Đức Kitô Phục Sinh chiếu lên nguồn sáng mới, xua tan đi bóng đêm. Đức Kitô Phục Sinh là sự sống mới đã chiến thắng sự chết.
Như cây nến muốn chiếu sáng phải tiêu hao chính mình. Đức Kitô đã phải chịu tiêu hao đi trong những đớn đau, khổ cực, tủi nhục và cả trong cái chết, mới đem lại ánh sáng sự sống cho ta.
Chúng ta là con cái Chúa, là con cái của sự sáng. Nhưng trong ta còn nhiều phần chưa thuộc về Chúa. Nhiều phần trong tâm hồn ta còn thuộc về bóng tối.
Có thứ bóng tối tội lỗi nhận chìm linh hồn ta trong những vực sâu tối đen không có đường thoát ra.
Có thứ bóng tối đam mê dục vọng gìm linh hồn ta trong cơn mê ngủ miệt mài, mất hết ý chí phấn đấu tiến lên.
Có thứ bóng tối tham lam ích kỷ làm lu mờ lương tâm, lý trí, khiến ta coi tiền bạc trọng hơn tình nghĩa. Vì tiền bạc mà dám phạm những tội ác tày trời. Vì lợi nhuận của mình mà làm thiệt hại cho người khác.
Có thứ bóng tối ghen ghét oán thù nó làm cho tâm hồn ta không lúc nào bình an, vì chìm ngập trong nỗi hận thù dai dẳng.
Có thứ bóng tối tự ái kiêu căng khiến cho linh hồn ta không tìm thấy niềm vui trong sự khiêm nhường tha thứ.
Tất cả những bóng tối đó đang khiến linh hồn ta suy yếu, chết dần chết mòn. Tất cả những bóng tối đó ngăn chặn ánh sáng của Chúa, ngăn chặn dòng suối ơn lành của Chúa đổ vào hồn ta.
Để ánh sáng Phục Sinh của Chúa tràn vào hồn ta, ta phải quét sạch những bóng tối còn vương vấn trong tâm hồn.
Cũng như cây nến phải chịu tiêu hao mòn mỏi mới nuôi được ánh sáng soi chiếu đêm tối, ta cũng phải phấn đấu với chính bản thân mình, quên mình, chịu chết cho tội lỗi, để ta sống một đời sống mới.
Khi phấn đấu đẩy lùi bóng tối tội lỗi, ta thoát được ách ma quỷ và được sống trong ánh sáng của Chúa, trở nên con cái ánh sáng.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, Chúa đã chiến thắng ma quỷ, xin giúp chúng con chiến đấu với ma quỷ, để được sống một đời sống mới trong ánh sáng của Chúa.


Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

NGƯỜI KHÔNG CÓ Ở ĐÂY, ĐÃ TRỖI DẬY RỒI


Có bao giờ bạn tìm một vật gì đó bị thất lạc? Một cây bút bi, một đồng tiền lẻ, một chú cún thân yêu… Tìm là hành động có chủ đích để mong thấy được đối tượng, là nỗ lực hướng đến cái đang tồn tại, cái có thật nhưng còn ngoài tầm tay. Đoạn Tin Mừng đưa ta vào một cuộc tìm kiếm, cuộc tìm kiếm của những người phụ nữ. Trên đường đi có lẽ họ tự nhủ: Chúa phải nằm ở đây, phải nằm như thế này và ta sẽ làm những điều này… Những tâm hồn thật đẹp, những con người hào hiệp giữa bóng tối mờ sương đi tìm Chúa của họ. Nhưng kết quả không như họ muốn, bởi Thiên Chúa không hoạt động như ý muốn của con người. Chúa đã bù đắp thật cân xứng những tấm lòng chân thành và ước nguyện đơn sơ của họ, bằng chứng là Chúa đã hiện ra đầu tiên với Maria Macđala. Đây là biến cố quan trọng để cho biết Chúa đã sống lại, biến cố quan trọng bậc nhất trong niềm tin Kitô giáo, tầm quan trọng ấy được thể hiện rất sống động trong thánh lễ Canh Thức Phục Sinh đêm nay.
“Giờ khải hoàn đã đến, hiệu lệnh đã vang. Giờ chiến thắng. Giờ vinh quang. Giờ hồng phúc. Người là thủ lãnh thập toàn, đã phục sinh từ trong cõi chết. Sứ điệp này đã được các thiên thần loan báo, Maria đã loan truyền, các Tông đồ đã làm chứng, Hội thánh vẫn tuyên xưng… Biến cố vượt qua đã trở thành giờ ân sủng, giờ cứu độ, giờ quyết định cho tôi, cho bạn, cho mọi người. Từ chốn tối tăm bước vào ánh sáng, từ nơi thất vọng bước vào hy vọng.” – Alleluia.

Lạy Chúa Kitô Phục sinh, Chúa mang đến cho nhân loại chúng con niềm hạnh phúc vô biên và hy vọng tràn trề vì được tham dự vào sự sống của Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa và nguyện xin Chúa giúp chúng con biết sẵn sàng chấp nhận thử thách, vác thập giá hằng ngày để được kết hợp với Chúa trong cuộc khổ nạn phục sinh của Chúa. Amen. 

(Nguồn : dcvxuanloc.net)

TÌNH CHÚA VÔ VÀN



Món Quà mà Chúa thương ban
Là Cây Thập Giá chứa chan Tình Ngài!
Bạc vàng, châu báu, lâu đài
Thay nhau đổi chủ, nên Ngài chẳng ban!
Dù đời lận đận, gian nan
Không quên ''Tình Chúa Vô Vàn'', Chúa ơi!
Trước ''Giây Phút Chúa Tắt Hơi'
Ngài ban ''Thánh Mẫu Tuyệt Vời'' cho con!
Nhờ Tình Mẫu-Tử sắt son
Nhìn lên ''Thánh Giá cho con: Diễm Tình!''
Vì con, Thiên Chúa Giáng Sinh!
Vì con, Ngài bị đóng đinh trên đồi!
Vì con, ''Tế Lễ Đền Bồi''
Vì con, Chúa chết để rồi Phục Sinh!
Vì con, Chúa lại ''Ẩn Mình''
Ở trong ''Bánh-Rượu'', chứng minh Tình Ngài!!!
Đời con dù lắm chông gai
Vẫn tin rằng ''Chúa An Bài'' đoái thương!!!
Tạ Ơn ''Tình Chúa Khôn Lường!''
Đời là cõi tạm ở dương thế này!!!
Trước khi, nhắm mắt, xuôi tay
Ôm hôn ''Thánh Giá giải bày Tình Thương''
Tạ Ơn ''Thánh Mẫu Thiên Đường''
Giúp con theo Chúa, chẳng vương vấn gì!!!



Đức Quốc, Thứ Sáu Tuần Thánh, 25.3.2016
Đaminh Phan văn Phước


Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

BẠN BIẾT GÌ VỀ THỨ SÁU TUẦN THÁNH ?

Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày khủng khiếp nhất trong năm. Bạn đã xem phim “The Passion of theChrist” (Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu) chưa? Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày mà Chúa Giêsu chịu sự bất công oan sai nhất: bị phản bội, bị chế nhạo, bị nhục nhã, rồi bị giết chết bằng cách chịu đóng đinh vào Thập Giá – loại hình phạt tệ nhất dành cho các tử tội dạng “đại ca” thời đó. Tiếng Anh gọi Thứ Sáu Tuần Thánh là Good Friday – Thứ Sáu Tốt Lành. Thứ Sáu Tuần Thánh có là Ngày Tốt Lành không? Sao người ta sợ Thứ Sáu ngày 13 vậy?


Tại sao người ta cho rằng cái chết của Chúa Giêsu là ngày TỐT LÀNH trong khi lại là ngày Đại Tang của Kitô giáo?

Thứ Sáu Tuần Thánh đã được hoạch định

Từ đầu, Thiên Chúa đã biết những gì sẽ xảy ra nên Ngài đã hoạch định phương cách. Ngài hóa thân làm người để giải quyết tất cả mọi khúc mắc. Chúng ta đã biết điều này, đúng không? Nhưng đôi khi chúng ta bỏ lỡ Phụng Vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Thiên Chúa biết rõ: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19:30).
Khi Chúa Giêsu trở nên của lễ cứu chuộc, tất cả đã xong. Những gì còn dở dang cũng được hoàn tất. Cái chết của Ngài là “chất xúc tác” làm cho mọi điều nên trọn. Sự sống lại, Chúa Thánh Thần hiện xuống, sự tái lâm của Chúa Giêsu. Khi cái chết xảy ra, mọi thứ khác cũng được thực hiện theo cách nhìn của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi hướng thượng để được vào Nước Trời. Ngài muốn chúng ta hy vọng sự sống lại và mong đợi ngày Ngài tái lâm. Ngài đã hoàn tất mọi sự, không còn gì dở dang. Sự chết không còn quyền gì đối với linh hồn chúng ta, vì mọi sự đã hoàn tất. Tội lỗi không còn có thể làm chúng ta dơ bẩn khi Thiên Chúa nhìn chúng ta, vì mọi sự đã hoàn tất.

Ngày duy nhất không có Thánh Lễ

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hợp với truyền thống cổ xưa: Không có Thánh Lễ – tức là không có truyền phép Thánh Thể. Tuy nhiên, Thánh Thể vẫn được giữ từ Thánh Lễ hôm trước, và chúng ta vẫn được đón nhận Thánh Thể. Các bí tích khác vẫn được cử hành trong trường hợp khẩn cấp, như rửa tội cho người hấp hối hoặc xức dầu cho người bệnh nặng. Nghi thức an táng được cử hành nhưng không có đàn hát hoặc chuông.

Chúa Giêsu bị phản bội hai lần

Lần thứ nhất là Tông đồ Giuđa Ítcariốt. Ông nhận 30 đồng bạc, tiền “bán đứng” Thầy mình, ở một góc tối trong Vườn Ghếtsimani, nơi Chúa Giêsu thường tới cầu nguyện vào ban đêm. Lúc đó Giuđa thay đổi ý định, nhưng không thể được. Vì thất vọng, Giuđa đã treo cổ tự kết liễu đời mình. Lần thứ hai là Tông đồ Phêrô. Chỉ vài giờ sau khi Chúa Giêsu bị bắt, ông đã sợ nên chối phăng là không biết Thầy Giêsu khi có người nhận ra ông là người đi theo Chúa Giêsu. Ông không chối một lần mà chối tới ba lần. Khi bị dẫn đi, ánh mắt Chúa Giêsu đã nhìn Phêrô với ánh mắt nghiêm nghị và đầy lòng trắc ẩn.

Sự phản bội đã biến đổi Phêrô

Sau khi thấy ánh mắt Chúa Giêsu, Phêrô sợ hãi và hoảng hốt vì tính hèn nhát của mình, ông bật khóc ăn năn. Ông được Chúa tha thứ và can đảm rao giảng Tin Mừng. Bài giảng của ông vào ngày lễ Ngũ Tuần đã khiến 3.000 người xin được rửa tội. Ông trở nên giáo hoàng tiên khởi và chịu tử đạo tại Rôma. Khi người Rôma đóng đinh ông vào thập giá, ông cảm thấy mình không xứng với Chúa Giêsu nên xin được đóng đinh ngược. Quân lính đã lật ngược thập giá theo ý ông muốn. Hằng trăm năm sau, các Kitô hữu bị bách hại đã bí mật đến viếng mộ Thánh Phêrô, và rồi Kitô giáo được công nhận thời Hoàng đế Constantine. Hài cốt Thánh Phêrô được cải táng về Đền thờ Thánh Phêrô. Ngày nay, Vatican lưu giữ những gì được tin là hài cốt Thánh Phêrô, được phát hiện những năm trước đây tại hầm mộ bên dưới bàn thờ của đền thờ này.

Không ăn uống gì từ 12 giờ tới 15 giờ

Ăn chay và kiêng thịt là truyền thống ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Tại sao? Vì đây là ngày Thiên Chúa bị phản bội, hạ nhục, hành hạ, mỉa mai bởi chính đám người mà mới vài ngày trước tung hô vạn tuế Ngài, rồi giết chết Ngài như một tên tội phạm. Truyền thống nói rằng Chúa Giêsu bị treo Thập Giá từ trưa cho tới 3 giờ chiều. Đây là khoảng thời gian nắng gay gắt. Đây cũng là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ơn cứu độ, nhưng chúng ta đã rũ bỏ. Để nhớ ba tiếng đồng hồ ghê rợn này, nhiều người nhịn ăn uống bất cứ thứ gì. Tại sao? Để than khóc chính mình, để đền tội mình, để thông phần đau khổ với Chúa Giêsu, đặc biệt là để sám hối về những lần chúng ta đã hèn nhát, không dám đứng lên bảo vệ sự thật, không dám đấu tranh chống lại bất công, hoặc không dám tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu độ.

Thứ Sáu Tuần Thánh: Tôn kính Thánh Giá

Trong Giáo Hội Công giáo, Thứ Sáu Tuần Thánh không cử hành Thánh Lễ, nhưng có nghi thức tôn kính Thánh Giá để tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu. Nghi thức này thường được cử hành lúc 3 giờ chiều, giờ Con Thiên Chúa trút hơi thở trên Thánh Giá. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh, có thể cử hành trễ hơn, nhưng phải trước 9 giờ tối.

Thứ Sáu Tuần Thánh: Tử thần chiến bại

Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày ảm đạm, ngày đại tang, nhưng lại là ngày tốt lành vì Con Thiên Chúa đã hoàn tất mọi sự. Chính cái chết của Ngài khiến Tử Thần phải bó tay, đành thua cuộc. Kẻ thù vẫn tìm cách hãm hại chúng ta, muốn kéo chúng ta về phe chúng, nhưng chúng không thể chiến thắng vì chúng đã thua Con Thiên Chúa.

Thứ Sáu Tuần Thánh: Khởi đầu phục sinh

Thứ Sáu Tuần Thánh là khởi đầu của sự chết, nhưng cũng chính là khởi điểm của sự phục sinh. Alleluia, Chúa Giêsu đã sống lại vinh quang!
Người ta sợ Thứ Sáu ngày 13 vì người ta thấy trong Bữa Tiệc Ly có 13 người: Chúa Giêsu và 12 môn đệ. Giuđa Ítcariốt là người phản bội, bị coi là người mang "bí số" 13. Đừng dị đoan nhảm nhí mà "sợ" ngày này. Thứ Sáu nào cũng tốt lành, Thứ Sáu Tuần Thánh càng tốt lành hơn!

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)


Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

CHUYỆN LẠ TỪ BÍCH HỌA BỮA TIỆC LY VÀ DANH HỌA LEONARDO DA VINCI

Khoảng tháng Ba, tháng Tư hằng năm, vào những ngày nắng nóng gay gắt và oi ả nhất, người Công giáo nói riêng và các giáo hội có niềm tin Kitô khác long trọng kính nhớ và tưởng niệm Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô. Và danh họa Leonardo Da Vinci có công lớn khi tạo nên bức họa Bữa Tiệc Ly kỳ diệu…
Leonardo Da Vinci
Danh họa Leonardo Da Vinci vẽ bích họa Bữa Tiệc Ly (The Last Supper) mất 3 năm liền – không là 7 hoặc 20 năm như một số người nghĩ. Ðó là bức tranh vẽ mô tả Chúa Giêsu và 12 môn đệ trong bữa ăn cuối cùng trước khi Ngài bị môn đệ Giuđa phản bội. Bữa Tiệc Ly vào chiều tối một ngày thứ Năm, thời điểm Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức Linh mục tư tế.
Leonardo đã tốn nhiều công phu đi tìm người mẫu. Giữa hàng ngàn thanh niên ông mới chọn được một chàng trai có gương mặt thánh thiện, một tính cách thanh khiết tuyệt đối làm người mẫu vẽ Chúa Giêsu. Da Vinci làm việc không mệt mỏi suốt 6 tháng liền trước chàng trai để hình ảnh Chúa Giêsu có thể hiện ra trên bức họa.
Những năm tiếp theo ông lần lượt vẽ xong 11 môn đệ, chỉ còn Giuđa – người môn đệ đã phản bội Chúa vì 30 đồng bạc. Hoạ sĩ muốn tìm một người đàn ông có khuôn mặt hằn lên sự hám lợi, lừa lọc, đạo đức giả và cực kỳ thâm độc. Khuôn mặt đó phải toát lên tính cách của kẻ sẵn sàng bán đi người bạn thân nhất, người thầy kính yêu nhất của chính mình…
Cuộc tìm kiếm dường như vô vọng. Bao nhiêu gương mặt xấu xa nhất, độc ác nhất, Vinci đều thấy vẫn chưa đủ để biểu lộ cái ác của Giuđa. Một hôm, Da Vinci được thông báo có một người mà ngoại hình có thể đáp ứng yêu cầu của ông. Người đó đang ở trong một hầm ngục ở Roma, bị kết án tử hình vì tội giết người và nhiều tội ác tày trời khác.
Da Vinci lập tức lên đường đi Rôma. Trước mặt ông là một gã đàn ông nước da đen sạm với mái tóc dài bẩn thỉu xoã xuống, một khuôn mặt xấu xa, hiểm ác, hiển hiện rõ tính cách của một kẻ hoàn toàn bị tha hoá. Ðúng, đây là Giuđa!
Ðược phép đặc biệt của Đức Vua, người tù được đưa tới Milan, nơi bức tranh đang vẽ dang dở. Mỗi ngày tên tù ngồi trước Da Vinci và người hoạ sĩ thiên tài cần mẫn với công việc truyền tải vào bức tranh diện mạo của kẻ phản phúc.
Khi nét vẽ cuối cùng hoàn thành, kiệt sức vì phải đối mặt với cái ác một thời gian dài, Vinci quay sang bảo với lính gác: "Các anh đem người này đi đi…". Lính canh túm lấy kẻ tử tù nhưng hắn đột nhiên vùng ra, lao đến quỳ xuống bên chân Da Vinci và khóc nức lên: "Ôi, ngài Da Vinci! Hãy nhìn tôi! Ngài không nhận ra tôi sao?".
Da Vinci quan sát kẻ mà 6 tháng qua ông đã liên tục nhìn mặt, rồi ông đáp: "Không, tôi chưa từng nhìn thấy anh cho đến khi anh được đưa đến từ hầm ngục Rôma". Tên tử tù kêu lên: "Ngài Vinci, hãy nhìn kỹ tôi đi! Tôi chính là người mà ngài đã chọn làm mẫu để vẽ Chúa Giêsu đây…".
Câu chuyện này có thật, như bích họa Bữa Tiệc Ly là có thật. Chàng trai từng được chọn làm hình mẫu vẽ Chúa Giêsu đã tự biến mình thành hình tượng của kẻ phản bội ghê gớm nhất trong lịch sử chỉ sau một thời gian ngắn!
Leonardo di ser Piero da Vinci sinh ngày 15/4/1452 tại Anchiano (Ý), mất ngày 2/5/1519 tại Amboise (Pháp). Ông là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà sáng tạo và là một triết gia tự nhiên. Ông được coi là một thiên tài toàn năng người Ý. Tên thành phố Vinci, nơi sinh của ông, nằm trong lãnh thổ của tỉnh Firenze, cách thành phố Firenze 30 km về phía Tây, gần Empoli, cũng là họ của ông. Người ta gọi ông ngắn gọn là Leonardo vì Da Vinci có nghĩa là "đến từ Vinci", không phải là họ thật của ông. Tên khai sinh là Leonardo di ser Piero da Vinci có nghĩa là "Leonardo là con của Ser Piero, đến từ Vinci". Ông nổi tiếng với những bức hoạ cổ điển của mình như bức Mona Lisa, bức Bữa Tiệc Ly…
Ông là người có những ý tưởng đi trước thời đại của mình, đặc biệt là sự sáng chế máy bay trực thăng, xe tăng, cách sử dụng hội tụ năng lượng mặt trời, máy tính, sơ thảo lý thuyết kiến tạo địa hình, tàu đáy kép (double hull), cùng nhiều sáng chế khác, khó có thể liệt kê hết ở đây. Một vài thiết kế của ông đã được thực hiện và khả thi ngay lúc ông còn sinh thời. Ứng dụng khoa học trong chế biến kim loại và trong kỹ thuật ở thời đại Phục Hưng còn đang ở trong thời kỳ trứng nước. Thêm vào đó, ông có đóng góp rất lớn vào kiến thức và sự hiểu biết trong lĩnh vực giải phẫu học, thiên văn học, xây dựng dân dụng (civil engineering), quang học và nghiên cứu về thủy lực. Những sản phẩm lưu lại trong cuộc đời ông chỉ còn lại vài bức hoạ, cùng với một vài quyển sổ nháp tay (rơi vãi trong nhiều bộ sưu tập khác nhau các sáng tác của ông), bên trong chứa đựng các ký hoạ, minh hoạ về khoa học, và bút ký.
Bức họa Bữa Tiệc Ly
Nội dung: Bức tranh mô tả một sự kiện tôn giáo trong Kinh Thánh: Giuđa Iscariôt – một môn đệ của Chúa Giêsu – đã tố giác với nhà cầm quyền La Mã để bán đứng thầy của mình chỉ với 30 đồng bạc. Chính giữa bức tranh là chúa Giêsu đang nói với các môn đệ: "Trong anh em có người sẽ bán rẻ Thầy". 12 môn đệ ngồi đồng bàn, mỗi người một vẻ mặt khác nhau: 3 người thì thầm bàn bạc, 3 người tỏ vẻ giận dữ (trong đó có 1 người đập mạnh tay xuống bàn), 1 người lộ vẻ nghi ngờ, 1 người tỏ ra ngạc nhiên, 1 người ngồi ngay ngắn tỏ lòng trung thành, 2 người lộ vẻ xúc động. Chỉ có một môn đồ mặt tái nhợt, lưng hơi ngả về sau, tay nắm chặt túi tiền – đó chính là Giuđa, người mặc áo xanh thứ tư từ bên trái, tay cầm bọc tiền, có thể là tiền bán Chúa. Sau lưng ông là một khoảng tối, còn sau lưng Chúa Giêsu là ô cửa đầy ánh sáng. Những tia sáng chiếu vào gương mặt Chúa Giêsu làm ánh lên vẻ điềm tĩnh, hiền từ mà cương nghị. Sự tương phản mạnh mẽ này đã biểu đạt được sự căm giận sâu sắc của tác giả đối với lũ gian ác, sự ngưỡng vọng đối với chính nghĩa.
Nghệ thuật: Trước Vinci đã có nhiều họa sĩ nổi tiếng đã vẽ đề tài này, tuy nhiên họ đều thất bại. Bích họa của Da Vinci nổi tiếng nhất vì hai lý do: Thứ nhất, lần đầu tiên buổi tiệc ly được vẽ với các nhân vật hết sức sống động như người thật. Mỗi môn đệ tỏ một thái độ khác nhau khi nghe Chúa báo tin có người phản bội. Người thì bàng hoàng, người thì muốn ngất xỉu (thánh Gioan, người ngồi bên phải Chúa), mấy người khác ngạc nhiên hỏi nhau. Thứ hai, khả năng thể hiện luật viễn cận của Da Vinci trong bức họa rất tuyệt vời, mọi điểm trên bức tranh đều tụ về một điểm chung là khuôn mặt của Chúa. Một trong những nguyên nhân gây thất bại ở các họa phẩm khác là chưa phản ánh chân thực về 12 môn đệ, đặc biệt là hoạt động tâm lý phức tạp của Giuđa. Tác phẩm của Da Vinci đã giải quyết mỹ mãn vấn đề này. Từ đó về sau, không hoạ sĩ nào vẽ lại đề tài này nữa bởi họ cho rằng không thể vượt qua tác phẩm của danh họa Da Vinci.
Để vẽ nên bức tranh này, Vinci đã gặp không ít khó khăn, nhất là phải xử lý nhân vật Giuđa. Để giải quyết khó khăn này, hàng ngày Vinci phải đi lang thang trong thành phố để quan sát cử chỉ, hành động của bọn tội phạm, lưu manh rồi vẽ đi vẽ lại hàng trăm bức họa Judas ở các tư thế khác nhau. Việc đi lang thang trong thành phố như vậy đã nảy sinh lòng nghi ngờ của bao người, trong đó có cả giáo sĩ. Sau đó, nhờ thị trưởng thành phố, Vinci đã giải quyết được hiểu lầm, và bức tranh ngày nay vẫn còn trên tường nhà thờ.
Thời gian: Có một địa điểm mà mọi du khách đến thành phố Milan (Ý) đều muốn được xem, đó là nơi có bích họa Bữa Tiệc Ly của danh họa Leonardo Da Vinci, được vẽ trên tường nhà thờ Santa Maria della Grazie từ thế kỷ XV (trong 3 năm, từ 1495–1498). Thời gian đó, danh họa làm việc ở Milan dưới sự bảo trợ của công tước Sforza, và chính Sforza đã đặt vẽ bức tranh này.
Do lượng khách muốn xem tranh rất đông, mà theo quy định thì mỗi lần chỉ có 25 người được vào xem trong 15 phút nên khách thường phải đặt mua vé trên Internet trước 2 tháng (giá 8 euro). Muốn xem sớm hơn thì có thể mua vé tại một số công ty du lịch với giá đắt hơn, khoảng 20 euro.
Du khách được nhân viên dẫn qua mấy lớp cửa bảo vệ để vào nhà thờ, nơi bức họa được Da Vinci vẽ trên bức tường cách đây 600 năm với kích thước 8,8m x 4,6m. Khi sáng tác bức họa, Da Vinci không theo kỹ thuật lúc bấy giờ là sử dụng thạch cao ướt mà dùng thạch cao khô. Vì vậy, bức tranh bị tàn phai nhanh chóng theo thời gian. Nhiều thế kỷ sau, người ta phải tu sửa rất nhiều lần và việc này cũng gây nhiều tranh cãi về độ chính xác của bức họa.
Khi Pháp chiếm Milan hồi thế kỷ XVIII, quân lính của Napoléon đã phá hoại không thương tiếc bằng cách ném đá lên bích họa này. Trước đó (thế kỷ XVII), một người vô ý thức ở nhà thờ còn nảy ra ý định đục một cánh cửa ra vào ở giữa bức tường, ngay vị trí chân của Chúa. Sau này, cánh cửa bị bít lại, nhưng phần chân Chúa phía dưới bàn (theo các bản vẽ ban đầu có tư thế bắt chéo như khi bị treo trên thánh giá) không được phục hồi lại. Lần bức họa bị phá hoại nặng nề nhất là thời Đệ nhị Thế Chiến, khi nhà thờ bị bỏ bom và hư hỏng nặng.
Cũng trong căn phòng này, đối diện với bức tranh Buổi tiệc ly là bức Thập Tự Giá của Giovanni Donato da Montorfano – một họa sĩ cùng thời với Da Vinci nhưng ít nổi danh hơn. Cho dù đã từng xem bức tranh nổi tiếng của Da Vinci trong sách, nhưng khi đứng trước tuyệt tác này, nhiều người mới khả dĩ cảm nhận được kích thước to lớn của nó và đặc biệt là nghệ thuật xử lý ánh sáng của danh họa, vì ánh sáng trong bức tranh được vẽ là hướng từ cửa sổ bên trái phía sau.
Phần bên phải của bức tranh được danh họa vẽ sáng hơn, màu sắc trang phục các nhân vật cũng được xử lý rất khéo: Cùng màu xanh, nhưng chiếc áo của những người ngồi bên phải khác với màu xanh chiếc áo của Chúa ở giữa và những người ngồi bên trái. Những điều này khó có thể cảm nhận được trên các bản sao, dù là hình hoặc phim ảnh.
(tổng hợp)
(Nguồn: tgpsaigon.net)