Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

TRONG XƯỞNG MỘC CỦA THÁNH GIUSE



                                                                                                         § Lm. Nguyễn ngọc Long
Có lẽ không vị Thánh nào trong Giáo hội được biết đến, được cầu khẩn nhiều như Thánh cả Giuse. Vì ngài là cha nuôi dưỡng Chúa Giêsu ngày xưa trên trần gian, và trên trời bây giờ cũng gần bên cạnh Thiên Chúa nữa.
Và người tín hữu Công giáo thường kêu cầu: Giêsu, Maria, Giuse, xin cứu giúp con! Trong khi vui cũng như khi buồn sầu, đau khổ.
Thánh cả Giuse được Giáo hội Công giáo hoàn vũ nhận là vị Thánh quan thầy bầu cử cho Hội Thánh trên trần gian. Chưa kể nhiều Giáo hội địa phương, nhiều xứ đạo, nhiều hội đoàn, nhiều người nhận ngài là đấng quan thầy bảo trợ riêng nữa.
Ngài là vị thánh được biết đến nhiều. Nhưng lại là người có đời sống âm thầm. Ngay trong Phúc âm khi nói về gia đình Chúa Giêsu cũng chỉ nhắc đến tên Giuse vài lần, với những hoàn cảnh nhiệm vụ khó khăn cùng âm thầm chịu đựng phải thi hành thôi.
Bốn Phúc âm ghi lại những lời Chúa Giêsu rao giảng nước Thiên Chúa, những lời của Đức Mẹ nói chuyện với Thiên Thần, với Chúa Giêsu. Nhưng không có một lời nào của Thánh Giuse với ai cả.
Một vị Thánh âm thầm. Nhưng lại là người có nhiều ảnh hưởng tới đời sống, vâng có lẽ cả trong lãnh vực văn hóa tinh thần của Chúa Giêsu, là con Thiên Chúa ở trần gian.
1. An cư lạc nghiệp
Kinh thánh nói đến Chúa Giêsu là con bác Thợ mộc ( Mt 13,55). Như thế Thánh Giuse làm nghề thợ mộc đóng, sửa giường tủ bàn ghế kiếm tiền nuôi sống gia đình. Chúa Giêsu 30 năm sinh sống ở nhà với cha mẹ trong làng Nadaréth, khi khôn lớn, có thể theo tập tục cách sinh sống ngày xưa, cũng học làm nghề thợ mộc với thánh Giuse. Trong khi học nghề, làm nghề chắc chắn hai người đâu có im lặng mãi. Họ cũng có lúc phải nói chuyện với nhau trong bầu khí cha con, trong bầu khí chỉ vẽ cách làm nghề nghiệp, trong bầu khí hỏi han giải đáp thắc mắc, hay trong bầu khí cùng nhau tìm ra cách thức làm việc sao cho có kết qủa tốt đẹp.
Chuyện nghề nghiệp, chuyện giao tế, chuyện vui buồn trong cuộc sống, trong xã hội, trong đạo giáo chắc chắn là những thông tin họ trao đổi với nhau thường xuyên.
Xưởng mộc của gia đình Giuse không còn chỉ là nơi làm việc kiếm kế sinh nhai. Nhưng còn là một tổ ấm, một trường học về đời sống giữa hai cha con nữa.
2. Lúc học nghề mộc
Lúc còn trẻ mới bắt đầu làm việc với thánh Giuse trong xưởng mộc, chắc chắn Chúa Giêsu đã phải học cách cưa bào gỗ, đục mộng bàn tủ, học cách đánh sơn vẹcni. Học cách đo, cách trừ khấu bào đục đẽo để sao cho mặt bằng phẳng không còn đường lằn trũng lồi, gồ ghề, cùng góc cạnh bằng nhẵn ăn khớp khít với nhau.
Cách thức làm ăn và hình ảnh ngôn ngữ này đã ăn sâu thấm nhập vào tâm khảm của Chúa Giêsu. Nên khi đi rao giảng nước Thiên Chúa, Ngài đã dùng nhiều hình ảnh tương tự, như cái rác nhỏ lợn cợn trong mắt người khác dễ nhận ra hơn cái xà nơi con mắt của chính mình.
Những hình ảnh, ngôn ngữ dễ hiểu cùng uyển chuyển tương tự như vậy, Chúa Giêsu đã dùng nhiều nhan nhản trong các bài giảng dậy của Ngài.
Phải chăng những ngôn ngữ hình ảnh đó, Ngài đã học được nơi Thánh Giuse với nghề thợ mộc cưa đục bào bàn ghế?
3. Câu chuyện về đời sống xã hội
Đọc trong Phúc âm không thấy chi tiết nào nói về thái độ của Thánh Giuse với đời sống chính trị thời đó. Nói rõ hơn gia đình Thánh Giuse là nạn nhân của chính trị lúc đó nhiều hơn: phải về quê quán cũ khai lại tên tuổi nguồn gốc của mình, phải chạy trốn đi tị nạn sang xứ Aicập, sống tha hương bên đó và sau cùng trở về làng quê Nadaréth làm ăn sinh sống.
Có lẽ Thánh Giuse, tuy không có thiện cảm với ách thống trị của đế quốc Roma, như những người đồng hương Do Thái lúc bấy giờ. Nhưng qua kinh nghiệm đau thương sợ hãi, đen tối phải đi trốn sang Aicập, vì bị vua bản xứ Do Thái Herode tìm lùng bắt, Ông cũng phần nào cho quân Roma lúc đó có điểm an tòan bảo đảm hơn!
Và có lẽ thánh Giuse trong xưởng thợ cũng đã có lần trao đổi với Chúa Giêsu về điểm này rồi. Nên sau này khi đi rao giảng về nước Thiên Chúa, Ngài đã nói về thái độ với chính trị: “Hãy trả vua Cesar, những gì thuộc về Cesar..”
4. Cách sống đức tin
Hội Đường - Synagogue” trong làng và đền thờ Giêrusalem là trung tâm nơi thờ phượng kính thờ Thiên Chúa. Hằng tuần, lúc còn nhỏ, Chúa Giêsu đã theo Thánh Giuse đến Hội Đường Synagogue dâng lễ cầu nguyện, nghe đọc Kinh Thánh. Nên khi đi rao giảng nước Thiên Chúa, Ngài đã vào Hội Đường ngày Sabbath, lên bục giảng đọc Lời Chúa và còn cắt nghĩa Lời Chúa nữa. Điều này khiến mọi người kinh ngạc về Ngài.
Cũng khi còn tuổi thanh thiếu niên, gia đình Giuse hằng năm vào dịp lễ Vượt Qua đều tham dự cuộc hành hương lên đền Thánh Chúa. Vào những dịp này Chúa Giêsu đã làm quen với lễ hội hành hương, với không khí cầu nguyện trong đền thánh Đức Chúa Trời, đã nghe và cũng đã nói chuyện với các Thầy cả Tư Tế trong ngoài đền Thờ, đã nhìn thấy cảnh mua bán chung quanh và cả trong đền thờ nữa…
Và trong khi làm việc ở xưởng mộc, chắc chắn cha con cũng đã trao đổi với nhau cảm nghĩ tốt cũng như không tốt của mình về những gì xảy ra nơi đền thờ Giêsusalem rồi. Nên sau này khi đi rao giảng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không ngần ngại nói nặng lời với đám thầy cả, với đám người Luật sĩ, và giận dữ xua đuổi con buôn bán ra khỏi đền Thờ.
Ngài hành động như thế nhân danh cha mình là Thiên Chúa và cũng có thể nhân danh cả cha nuôi mình là Thánh Giuse nữa.
5. Tìm hiểu về lịch sử đất nước dân tộc
Trong việc nuôi dưỡng dậy dỗ giáo dục con cái, chắc chắn Thánh Giuse đã kể nhiều cho Chúa Giêsu nghe về lịch đất nước dân tộc Do Thái như thế nào, theo như sử sách Kinh Thánh cựu ước còn ghi chép để lại trong sách Sáng Thế ký, sách Xuất Hành, sách Dân Số, sách Đệ nhị luật,sách Thánh Vịnh, sách các Tiên Tri…

Có lẽ Thánh Giuse, cũng như bao người cha khác thời đó, nhấn mạnh nhiều đến lịch sử thời dân Do Thái sống cảnh nô lệ bên Aicập, rồi cuộc trở về quê hương đất hứa do Maisen cùng Giosua theo ý muốn của Thiên Chúa lãnh đạo để cứu dân Do Thái. Thánh cả đã dùng tên Giêsu của con mình cắt nghĩa để làm sáng tỏ hành động của Thiên Chúa: Thiên Chúa cứu độ!
Lịch sử ngày xưa còn ghi lại, ông Giuse con của Tổ phụ Giacóp đã cứu dân Do Thái khỏi bị chết đói thế nào đã ghi sâu đậm trong tâm trí Chúa Giêsu. Và bây giờ chính Ngài cũng đang được Thánh Giuse, cha nuôi Ngài săn sóc cho ăn mặc no đủ không bị đói khát thiếu thốn.
6. Đời sống làm việc cùng cầu nguyện


Hãng xưởng nào cũng cần có người đặt làm mua hàng. Hãng xưởng nào cũng có thời kỳ lên xuống. Xưởng mộc của Thánh Giuse, có lẽ cũng có thời kỳ ế ẩm ít hay không có người đặt mua làm hàng. Những lúc như thế nền kinh tế trong gia đình lâm vào tình trạng lung túng, phai lo nghĩ nhiều.
Và những lúc lâm vào hoàn cảnh như thế, niềm tin tôn giáo giúp nâng đỡ tinh thần con người rất nhiều. Những lúc gặp khó khăn lúng túng, lại là lúc thúc bách hay dậy con người biết cầu nguyện đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa nhiều hơn: Chúa là mục tử. Ngài lo chăn dắt đời con!
Lời cầu nguyện này không phải chỉ là lời cầu nguyện của hàng tư tế linh mục trong đền thờ. Nhưng cho toàn dân Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Khi còn thơ bé, cũng như bao trẻ em khác xưa nay, Chúa Giêsu cũng đã học đọc kinh cầu nguyện ngay từ lúc còn ngồi trong lòng mẹ Maria, rồi trên tay bồng ẵm của Thánh Giuse. Và trong xưởng mộc, có lẽ hai cha con cũng đã cùng nhau cầu nguyện thường xuyên, nhất là những lúc gặp hoàn cảnh khó khăn.
Vì thế, cách sống cầu nguyện đã ăn sâu vào đời sống của Chúa Giêsu. Trong vườn cây Dầu trước lúc bị bắt, Ngài đã cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Và trên thánh giá lúc hấp hối Chúa Giêsu đã cầu khẩn cùng Thiên Chúa: Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa đành bỏ rơi con?
7. Câu chuyện nhận xét về hoàn cảnh đời sống
Đã có những cuộc khảo nghiệm điều tra về đời sống xã hội đất nước Do Thái thời thánh Giuse và Chúa Giêsu.
Cuộc điều tra khảo nghiệm đưa ra kết qủa: Một phần tư tới một nửa tài nguyên, hàng hóa nằm trong tay triều đình vua chúa. Rồi đến các quan chức, các thương gia giầu có và binh sĩ chia phần. Phần còn lại không đầy 10% thuộc về đại đa số dân chúng trong nước.
Như thế, những người dân lao động, những người buôn bán nhỏ lẻ tẻ thuộc vào hàng ngũ thành phần bên dưới của nấc thang xã hội, trong đó có gia đình Thánh Giuse.
Đã xem thấy tận mắt, đã nghe biết về thực trạng đó qua những cuộc nói chuyện trao đổi với Thánh Giuse trong xưởng mộc, cùng sống trải qua trong chính gia đình mình. Nên sau này Chúa Giêsu trong bài giảng tám mối Phúc Thật trên núi đã hướng về người nghèo, người bé nhỏ không có quyền hành của cải, người sống “tay làm hàm nhai”, trong đó có gia đình thánh Giuse.
Những hình ảnh, những thực trạng đó nổi bật rõ nét: người kiến tạo hòa bình, người có lòng nhân từ thương xót, người đói khát sự công chính của Thiên Chúa, người không ức hiếp người khác là những người công chính được Thiên Chúa chúc phúc.
Kinh Thánh nói về Giuse, người cha nuôi của Chúa Giêsu: “Ông Giuse, là người công chính” (Mt 1,19).
Và Chúa Giêsu khi rao giảng nước Thiên Chúa đã luôn luôn nhắn nhủ, kéo con người sống sao trở nên người công chính.
Thánh Giuse, một người công chính sống âm thầm, nhưng lại gây nhiều ảnh hưởng đạo đức tốt lành trong đời sống đức tin hôm qua, hôm nay cùng ngày mai.


(Nguồn : tinmung.net)



Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

KHÁM PHÁ THÚ VỊ VỀ NGHỀ NGHIỆP XƯA Ở VN QUA ẢNH

Hầu hết những bức ảnh này được chụp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Hầu như chúng không còn bản quyền, không rõ ai là tác giả. Những thước ảnh quý giá này đang được lưu truyền rất nhiều trên mạng xã hội, giúp cho giới trẻ Việt Nam hiểu rõ hơn về nghề nghiệp ngày xưa của ông cha.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 1
Một quán bán đồ ăn dạo. 
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 2
Những sạp đồ gốm ở ven đường tại Hà Nội xưa. Gốm được bày bán chủ yếu là bình, chậu hoa, chum, chĩnh,...
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 3
Gánh trầu cau bán dạo. 
Ăn trầu là một tục lâu đời của người Việt, có từ thời Hùng Vương. Hình ảnh phụ nữ Việt với bộ răng đen nhánh đã gắn liền với lịch sử của dân tộc. Nhai trầu vừa giúp thơm miệng, vừa là một biện pháp để bảo vệ răng của người xưa.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 4
Lấy ráy tai dạo tại Hà Nội. Chỉ cần một que sắt và một chiếc ghế đẩu, người đàn ông này đã có thể hành nghề.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 5
Hớt tóc dạo ở Sài Gòn xưa.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 6
Thợ mộc đang xẻ gỗ ở một xưởng mộc.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 7
Một thiếu phụ bên khung dệt.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 8
Một người làm nghề thu tiền với cuốn sổ ghi chép trên tay.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 9
Ảnh chụp những người thợ trong một xưởng làm giấy. Thời xưa, giấy được làm từ vỏ cây, ngâm, giã, ép,... qua nhiều công đoạn.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 10
Người thợ săn tại Nam Kỳ xưa với vũ khí tự chế.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 11
Một gánh phở rong. Người bán hàng gánh cả bếp lò, nồi nước sôi đi khắp nơi.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 12
Một họa sĩ ở làng tranh dân gian Hàng Trống.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 13
Xưởng thợ rèn làm từ căn nhà tranh.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 14
Dàn nhạc biểu diễn ở Nam Kỳ...
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 15
... và ở Hà Nội xưa.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 16
Ảnh chụp một đoàn xe chở thư từ Sài Gòn về Cần Thơ.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 17
Một xe đưa thư chuyến từ Sài Gòn về Tây Ninh.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 18
Trái với hình ảnh hiện đại bên trên, một đoàn vận chuyển thư và bưu chính bằng chân.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 19
Họ nghỉ đêm trong rừng ở một chỗ trú chân giản đơn.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 20
Một phụ nữ hành nghề thầy bói ở chợ.  Bức ảnh được chụp vào năm 1921. Ngày xưa, có rất nhiều người mù hành nghề thầy bói, họ thường đeo kính đen hoặc dùng mạng che mặt.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 21
Một cửa hàng ở phố Hàng Thiếc, Hà Nội.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 22
Cửa hàng bán đồ đồng thau ở Bắc Kỳ xưa, với đủ loại vật dụng: lư hương, mâm, nồi, chảo, ấm,...

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 23
Nghề đan nón rơm.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 24
Thợ khảm tại Bắc Kỳ ngày xưa.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 25
Thợ làm mành.
Ngày xưa, mành được sử dụng để ngăn nắng mưa, gió bụi, chống côn trùng. Mành thường được làm từ tre, trúc, cỏ lau,...
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 26
Một cửa hiệu sửa và bán giầy dép làm thủ công.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 27
Lớp dạy nghề khảm ở trường dạy nghề Hà Nội xưa.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 28
Một người đàn ông đan phên trên phố Hàng Mành. Phên được đan từ tre, nứa, thường được dùng để ngăn phòng, hoặc che cửa,...

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 29
Một cụ già làm nghề in tranh. 
Ở các làng tranh dân gian, người ta dùng các bản in có sẵn để tạo nên các bức tranh. Thợ in phải in từng loại màu, phơi khô rồi mới tiếp tục in màu khác. Khi in phải ấn bản in đều tay, để màu đều, không bị loang làm mờ đường nét.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 30
Một nhà làm lọng. Nghề làm lọng của nước ta bắt đầu từ thời nhà Lê. Lọng là dụng cụ thường dùng cho các quan lại và vua chúa hoặc được sử dụng trong đình, chùa,...

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 31
Ảnh được chụp ở một xưởng thuộc da. Những người thợ đang làm công đoạn phơi da.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 32
Một cửa hàng bán cân tiểu ly. Ngày xưa, người ta thường dùng loại cân tiểu ly đơn giản, được làm thủ công. Một đầu là đĩa cân, một đầu là cán khắc vạch nhỏ với quả cân. Loại cân này khó đọc và cho sai số khá cao.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 33
Diễn viên Hồ Quảng trong đoàn ca kịch của người Hoa tại Sài Gòn. Thời xưa, ca kịch thường được diễn ở các sân khấu đất lưu động.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 34
Nghề làm bánh đa.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 35
Nghề phơi tằm. Tằm được nuôi để nhả tơ, dùng dệt vải may quần áo.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 36
Hai người phụ nữ đang phơi gạch.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 37
Phu kéo xe. 
Ngày xưa, ở Đông Dương, những chiếc xe kéo có mặt tại Hà Nội vào năm 1883 do được đem từ Nhật qua. Sau đó gần 15 năm, xe kéo mới có mặt tại Sài Gòn.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 38
Một quán nước nhỏ tại Hà Nội,

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 39
Thợ vẽ và thợ thêu ở Bắc Kỳ xưa.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 40
Xưởng làm đồ bạc hiệu Tiến Bảo tại phố Hàng Bạc. Ngày xưa, đồ trang sức được làm thủ công, rất tỉ mỉ, tinh xảo.
Theo Mia (TH) / Trí Thức Trẻ

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

TÌM....







Thế là cánh diều, một chiều rơi xuống
Nước mắt rưng rưng trên lứa tuổi học trò
Diều nằm đâu đó trong ngút ngát mộng mơ
Thỉnh thoảng lật bật gió lùa, không dậy nổi…

Vậy đó, đời chúng ta như cánh diều mệt mỏi
Quay lưng đi khỏi mọi nhám nhúa trần gian
Những ngày xưa thúc giục dưới ánh trăng vàng
Nghe xao xuyến, mà đường về ôi xa tít tắp…

Sợi chỉ buộc trên lưng, thẫn thờ, ngằn ngặt
khóc theo cơn mưa đang ồn ã hằm hè
Cứ như thế này, diều mãi mãi chơ vơ
Trống trải thở giữa vô vàn nhớ tiếc…

Diều và chỉ, hai cuộc đời mải miết
Theo nhau đi, ghìm gió giữa lưng trời
Đan chân nhau sau một cú nhào rơi
Để biền biệt mắt học trò đỏ lệ…

Ừ! Có lẽ chúng ta là từng chút thật tệ
Chút diều mơ đã lảo đảo xa rời
Chút chỉ buộc một phút chếnh choáng thôi
Mà mất hút màu hồng trên lưng trời chiều tím ngắt…

Còn một chút thằng bé con trong ta là ngâm nga câu hát
Đứng dậy đi! Cuộn lại nhúm chỉ thừa
Mặc lũ tay run, mang máng mẫu diều xưa
Làm cái khác, chờ thằng cháu kia lớn chút nữa…
                        
                                                  LAM TRẦN 25.05.2015  (***)



                       

(***) Không biết  là do  "cái quên" ngày tháng rất dễ thương của tác giả  hay là  một sự cố tình . Dù gì , cũng xin cáo lỗi cùng bạn đọc . 
bllcht .




Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

MỤC TỬ NHÂN LÀNH




SUY NIỆM
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH - NĂM B     
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Dân Do Thái là dân du mục. Cuộc đời họ gắn liền với đoàn vật và những đồng cỏ. Nên khi Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người mục tử và đoàn chiên, người Do Thái hiểu ngay tức khắc. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc ấy để nói lên mối liên hệ của ta với Người và của Người với ta. Người là Mục tử nhân lành. Ta là đoàn chiên của Người. Người lãnh đạo đoàn chiên không phải bằng uy quyền áp chế, bằng kỷ luật khắc nghiệt, nhưng bằng tình yêu tha thiết. Tình yêu của Người được biểu lộ qua ba khía cạnh: hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.
Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hiểu biết
Sự hiểu biết này không phát xuất từ lý trí, do học hỏi, nhưng phát xuất từ trái tim, do tình yêu. Khi yêu, trái tim trở nên vô cùng nhậy bén đến độ hiểu được hết những âm thanh của tâm hồn và tai người thường không nghe thấy, nhìn thấy hết những gì ẩn kín trong tâm hồn mà mắt thường không nhìn thấy, cảm nhận được hết những chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn mà không một nhà tâm lý học nào có thể cảm được. Khi Đức Giêsu nói: “Ta biết chiên Ta” có nghĩa là Người hiểu biết từng người trong chúng ta. Người không chỉ hiểu rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, mà còn thấu rõ tâm tư tình cảm của ta. Người biết những gánh nặng mà ta đang phải gánh. Người thông cảm với những đau đớn mà ta đang phải chịu. Người đau những nỗi đau trong tâm hồn ta. Người khổ những nỗi khổ đang dày vò ta. Người nhức nhối trong vết thương của tâm hồn ta.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu quan tâm chăm sóc. 
Sự hiểu biết sâu xa đến từ sự quan tâm chăm sóc. Sự quan tâm chăm sóc cũng phát xuất từ tình yêu. Có yêu mới quan tâm. Có quan tâm mới hiểu biết nhu cầu. Có hiểu biết nhu cầu mới biết đường chăm sóc. Đức Giêsu yêu thương ta nên Người quan tâm đến ta. Người biết rõ những nhu cầu của ta. Người chăm sóc ta. Có những tình yêu muốn chiếm hữu. Đó là thứ tình yêu ích kỷ. Có những chăm sóc khiến ta trở nên ấu trĩ, yếu ớt, không lớn lên được. Đó là thứ chăm sóc độc đoán ràng buộc. Đức Giêsu chăm sóc không phải để ràng buộc ta nhưng để giúp ta sống trong tự do. Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên ấu trĩ, nhưng là để giúp ta trưởng thành. Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên yếu ớt nhút nhát, nhưng là để giúp ta mạnh mẽ, tự tin. Vì thế, Người cung cấp cho ta những lương thực lành mạnh. Người đưa ta đến những đồng cỏ non, đến những giòng suối trong. Lương thực Người mang đến, đó là Lời Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa, là Thánh ý Chúa Cha. Những lương thực ấy sẽ cho ta được sống và sống dồi dào.


Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hy sinh. 
Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu. Càng yêu mến nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều. Yêu đến sẵn sàng hy sinh mạng sống là một tình yêu cao cả không có gì sánh được. Đức Giêsu đã xác nhận điều ấy khi Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã thực hiện điều ấy. Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng, một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên. Người đã tự hiến mạng sống vì ta. Người đã chấp nhận chết đi để ta được sống.
Hạnh phúc cho ta được là đoàn chiên của Người. Ta được an ủi vì Người hiểu ta. Ta an tâm vì Người hằng quan tâm chăm sóc ta. Ta sung sướng vì Người yêu thương đến nỗi chết vì ta.
Người muốn ta chia sẻ hạnh phúc ấy cho mọi người. Người muốn ta lớn mạnh để đến lượt ta, chính ta trở thành mục tử nhân lành theo gương Người. Cha mẹ là mục tử của con cái. Thày cô giáo là mục tử của học sinh. Giám đốc là mục tử của công nhân. Y bác sĩ là mục tử của bệnh nhân. Anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ.
Nhưng đặc biệt hơn hết, Người muốn có những người tiếp tục công việc của Người, chăm sóc đời sống tâm linh nhân loại. Chính vì thế, Giáo Hội dành ngày hôm nay để cầu nguyện cho ơn kêu gọi làm linh mục. Nhìn tình hình chung trên toàn thế giới, và riêng trong Giáo phận, ta thấy còn thiếu rất nhiều linh mục. Giáo dân cần linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ. Giáo dân cần linh mục như học sinh cần thầy cô giáo. Giáo dân cần linh mục như một người bạn sẵn sàng cảm thông, chia sẻ vui buồn trong đời sống và như một người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.
Hãy cầu nguyện cho có nhiều thanh niên sẵn sàng hiến thân làm linh mục. Hãy khuyến khích con cháu dâng mình cho Chúa, làm linh mục để phục vụ anh em. Nhất là hãy cầu nguyện cho các linh mục được trở nên những mục tử như Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đoàn chiên.
Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa. Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong khu phố, trong xã hội. Amen.


Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

MỪNG SINH NHẬT CÁC LINH MỤC


Con yêu quý của mẹ,
Mẹ tin khi đọc được những dòng chữ này, con sẽ hết giận mẹ.
Vì con đã mời mẹ thứ năm đi lễ thiếu nhi. Với con đó là ngày trọng đại vì lần đầu tiên con được hát lễ cùng ca đoàn thiếu nhi trong thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, có nghi thức rửa chân cho các tông đồ. Và con muốn có mẹ cùng đi.
Thật đáng tiếc, chiều hôm đó mẹ không đi lễ với con được, vì phải tham gia công tác bác ái với nhóm thiện nguyện Tín Thác. Mẹ hi vọng khi biết lý do, sự mừng vui của con được nhân lên gấp nhiều lần, và con sẽ hết giận mẹ.
Con gái nhỏ,
Thứ Năm Tuần Thánh, kỷ niệm việc Chúa Giêsu lập bí tích Truyền Chức và bí tích Thánh Thể, cho nên hôm đó chính là ngày sinh nhật của tất cả các linh mục trên toàn thế giới, vì có bí tích Truyền Chức mới có chức linh mục, không biết con có biết điều đó không? Dường như ít ai nghĩ hôm đó là sinh nhật của các linh mục. Là sinh nhật của các linh mục đang hoạt động mục vụ trong các xứ đạo, trong các dòng tu, trong các cánh đồng truyền giáo dưới nhiều lãnh vực... Và cũng là sinh nhật của các linh mục “dở” đến độ chẳng còn sức để dâng được một thánh lễ nào nữa, và "tệ" đến độ chẳng còn đọc được dù chỉ một chữ, một câu của Tin Mừng.
Con sẽ bảo mẹ hoang đường, sao mà lại có linh mục tệ gì mà tệ thế !
Có đấy con ạ! Có một lớp linh mục "dở" và "tệ" vậy đó! Con lắng nghe mẹ kể nhe:
Con gái yêu quý,
Khi ngân nga những bài thánh ca cùng ca đoàn thiếu nhi của con, có nhiều bài hát do linh mục viết ra, bây giờ tác giả của những bài hát đó già yếu về hưu rồi. Hưu dưỡng của các linh mục, không hề giống hưu dưỡng của ngoại con, được quây quần bên gia đình, con cháu. Nghĩa là các cha đi tu thì không lập gia đình, sống độc thân suốt đời để phục vụ Chúa và tha nhân, khi đến tuổi già, các cha về ở chung trong một nơi, gọi là nhà hưu dưỡng các linh mục. Cha này cũng về ở đó, chân yếu tay run, căn bệnh của tuổi già gọi là enzimơ xóa hết trí nhớ rồi, một nốt nhạc cũng quên, làm sao còn hát nổi một bài hát như các con đang vui hát ngân nga.
Và con ạ, cách đây hàng mấy chục năm có một "chàng linh mục” trẻ trung đã cặm cụi miệt mài giam mình trong phòng tu đơn lạnh, chuyển ngữ từng chữ la tinh của bộ Thánh Kinh sang tiếng Việt. Cha không làm một mình, có nhiều cha khác giúp sức với cha trong bao năm trời. Nếu có gặp, như lẽ đời thường, con phải cúi mình chào cha ấy bằng ngôi vị ông sơ ông cố. Người linh mục một đời chuyên chăm dịch Kinh Thánh, ước mong cho người công giáo Việt Nam có thể đọc và hiểu Kinh Thánh dễ dàng, sau khi đã hoàn tất công việc, rút vào bóng tối, giam mình trong một ô phòng đầy sách ở tầng ba cũ kỹ của nhà hưu, tóc bạc trắng, chân thì không thể bước nổi một bậc cầu thang. Năm ngoái khi mẹ và các anh chị trong nhóm thiện nguyện Tín Thác đến thăm thì cha cũng gần trăm tuổi rồi. Cha ở trong phòng đó, thở còn khó khăn, thi thoảng lại nhắc về một lối giảng bình dân giản dị, thuần tiếng Việt, các cha trẻ đừng xen tiếng nước ngoài vô bài giảng cho ra vẻ sành sỏi trí thức, đừng giảng cao quá triết lý thần học quá, giáo dân nghe cắc cớ vất vả chẳng hiểu gì cả. Giảng Lời Chúa mà người khác không hiểu thì giảng làm gì?…”
Thế con có thấy cha già đó khó tính quá không ? Con có thấy cha già ấy nói đúng không? Đã nhiều lần mẹ kêu con đi lễ, con cằn nhằn: “Con chán đi lễ lắm, vì cha giảng con chẳng hiểu gì cả!” Thú thật lúc đó mẹ cũng chẳng biết nói sao, vì chính mẹ đôi khi cũng ngáp vặt khi nghe những bài giảng trên mây trên gió, những bài giảng không phải là giảng mà là đọc bài, đọc những bài chia sẻ Lời Chúa được viết sẵn trên mạng. Những bài đó dù văn chương chữ nghĩa có hay cách mấy, dù trích dẫn có chính xác cách mấy, thì cũng đâu phải là cảm xúc, cảm nghĩ, cảm nhận của người giảng, vẫn là sao chép vay mượn, như thế thì làm sao truyền cảm hứng cho người nghe?
Không biết có mấy vị linh mục rao giảng Lời Chúa chịu nghe và thực hành điều nhắn nhủ của cha già “lẩm cẩm” ấy? Cha già đó lẩm cẩm, hay những cha trẻ mà giảng lẩm cẩm như cha già? Có muốn học lấy cái “lẩm cẩm” của cha già ấy bây giờ cũng không được nữa. Không và không bao giờ còn được nghe một lời, dù một lời, từ môi miệng gìa cả đó thốt lên nữa, bởi vì… lần này mẹ tới thăm, căn phòng đó đã trống không!!! Cha già đã được Chúa gọi về rồi con ạ. Có lẽ dấu tích còn lại trên đời chính là công sức hoàn thành trọn bộ cuốn thánh kinh cho lớp người mai hậu…
À, còn chuyện này nữa, mỗi lần tới thăm nhà hưu dưỡng các linh mục, thiện nguyện viên ai cũng được cười và trẻ trung ra, bởi có một cha già như cụ cố rồi, nhưng một hai cha bảo mới có “15 tuổi” thôi. Với cha vùng ký ức chỉ còn lại mơ màng thuở là cậu bé giúp lễ 15 tuổi ở vùng quê nào đó nơi cha mẹ sinh ra. Cha già “15 tuổi” ngơ ngác đó, khi trẻ trung là một linh mục quản xứ tài hoa, lo xây dựng nhà thờ nhà xứ, thành lập các hội đoàn, hướng  giáo dân về các hoạt động đầy tính bác ái và sống đạo hạnh theo lời Chúa. Khi tới tuổi về hưu, mọi sự hoàn thành, cha thanh thản rũ áo ra đi, không chần chừ, không cầm giữ, không níu kéo, không tiếc nuối, giao nhà thờ lại cho một linh mục trẻ. Về nhà hưu thì cha bệnh... và làm một trẻ thơ mãi “tuổi 15” ở cùng với các linh mục già, yếu đau, mà mỗi vị là cả một trời tâm sự.


Cả nhóm không cầm được nước mắt khi đứng trước giường của một cha bị tai biến. Từ đó đến nay, cuộc sống của cha chỉ là những ngày tháng nằm chơ vơ đếm thời gian trôi lặng lẽ. Cha vẫn ý thức được mọi sự, nhưng không thể làm được điều gì khác, ngoài đôi mắt có thể đưa qua đưa lại. Thời oanh liệt của cha không còn nữa khi cơn tai biến bất thình lình ập tới lấy đi hết mọi sự. Chức vụ, tài năng, hoạt động, những dự án, công trình, bạn bè, hội đoàn, giáo dân… tất cả đều rời bỏ cha mà đi, chỉ còn lại nơi góc phòng này  là một thân hình tiều tụy. Phũ phàng quá phải không con? Mắt mẹ cay xè và cổ họng khô đắng khi viết những giòng này! Miếng chanh đã vắt hết nước rồi thì bỏ vỏ vào thùng rác chứ làm gì được?
Các linh mục từ ngày về nhà hưu dưỡng, danh tiếng cha nào cũng phai nhạt. Chẳng mấy ai còn để ý đến các cha. Người ta còn bận rộn việc đón tiếp các cha mới trẻ trung, với bao chương trình dự án hào nhoáng hấp dẫn, chẳng có thì giờ để hỏi xem giờ đây cha xứ cũ đang làm gì, sống ra sao. Các cha già hưu chỉ còn lại một mình ngày ngày gặm nhấm sự bạc bẽo của nhân tình thế thái. Chẳng phải lỗi của ai. Chẳng dám trách ai. Quy luật đào thải của cuộc sống là thế thôi. Các cha cũng hiểu và dần quen với điều đó. Thiện nguyện Tín Thác được cha linh hướng nhắc nhở “quy luật đào thải” khắc nghiệt đó, nên cứ “đến hẹn lại lên”, chốn hẹn hò của lòng Chúa thương xót nơi các cha hưu dưỡng.
Con gái nhỏ!
Chính các cha già hưu đó là lý do mà mẹ không đi cùng con trong thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh. Mẹ có hẹn với bạn bè trong nhóm thiện nguyện Tín Thác rồi. Các cô chú anh chị sẽ cùng nhau đi thăm 3 nhà hưu dưỡng đó con. Một chút phần quà bổ dưỡng, đặc biệt là một bộ sách nho nhỏ xinh xinh mầu đỏ mang hàng chữ “Tư Liệu Lòng Thương Xót Chúa- Mừng Đại Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót và năm Thánh Lòng Thương Xót 2015-2016” trong đó có 3 cuốn sách bỏ túi: cuốn 1: Tiếng Gọi Lòng Thương Xót; cuốn 2: Lòng Thương Xót Trong Thời Đại Ngày Nay; cuốn 3: Đường Về Thiên Đàng, để các cha đọc, suy niệm và cầu nguyện, vì bây giờ còn làm gì được nữa. Chính vì thế, điều quan trọng hơn cả là nhóm thiện nguyện đến để chuyện trò, lắng nghe, san sẻ cái buồn, cái cô đơn của các cha nơi những nhà hưu dưỡng.
Con gái ơi, con còn quá nhỏ, nếu lớn hơn chút nữa, con sẽ hiểu rằng “mọi sự đều có buổi có thời”. Cái lá xanh mởn hôm nay đang hào hứng vẫy vùng trên cành cây cao tít tắp, mai lại sẽ úa vàng im lìm nơi gốc cây mà người ta đi qua chả ai nhìn ngó. Ai cũng long trọng ngước lên cao cả cao vời, chẳng mấy ai cúi mình xuống thấp, vậy sẽ lấy ai quan tâm nâng niu cánh lá vàng, cũng một thời vi vu cao cả?
Và còn nữa, con có dám suy nghĩ thế này không. Theo thời gian, một ngày kia chắc chắn cha sở bây giờ sẽ già nua, không còn là “bố” mà hôm nay các con thần tượng. Ngài cũng sẽ phải về sống trong nhà hưu dưỡng, lúc đó các con có đến thăm ngài không? Yêu thương ngưỡng mộ của các con có bị cạn vơi vì sức hủy diệt của thời gian không nhỉ...? Có lẽ mẹ nghĩ hơi xa, vì tuổi nhỏ của các con cứ vui với những lời hát ngân nga, những sắc mầu mà các con thỏa thích, nhưng mẹ nghĩ, hướng các con tới cái suy nghĩ sâu sắc cũng là cần thiết.
Cũng như các cha trẻ ngày nay đang vung văng hoạt động mục vụ sôi nổi, thường kêu ca các cha già là “cổ hủ, lạc hậu, lẩm cẩm, chậm chạp, tham quyền cố vị…” thế nhưng liệu khi các cha đó tới tuổi già hưu, có được tinh thần tông đồ và lòng đạo đức như các cha già bây giờ không? Có mấy “cha sở đương kim” dắt con chiên của mình đến thăm các “cha sở về hưu” trong ngày sinh nhật các linh mục hôm nay? Chồi non chả lẽ cứ non hoài, không bao giờ thành cây cổ thụ? Lá xanh không lẽ cứ mãi mơn mởn không bao giờ thành lá vàng úa? Người trẻ không nghĩ đến người già, đến khi mình về già mong chi có ai nghĩ đến mình?
Vậy con gái, con hết giận mẹ rồi phải không? Đọc xong lá thư này, chắc con cũng thấy yêu mến, tôn quí cái “dở tệ” của các cha hưu. Một hôm nào đó, con xin phép cha sở, rủ bạn bè, cùng mẹ và các anh chị trong nhóm thiện nguyện Tín Thác đến thăm các cha hưu, thay vì đi chơi đi nhảy nhót thì sẽ vui và có ý nghĩa hơn. Chắc hẳn cha sở cũng sẽ rất vui, rất hài lòng vì các con nhỏ bé của ngài, con nhỉ!
Con gái yêu quý của mẹ,
Hãy hát lên một khúc ca vui, thắp lên một ngọn nến tin yêu để Mừng Sinh Nhật Các Linh Mục trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, mà trước tiên là mừng sinh nhật các cha già đang sống âm thầm trong các nhà hưu dưỡng…
Thiện Nguyện Tín Thác
Chí Hòa
2015