Một vài suy nghĩ khi đọc thư của ĐTC Phanxicô gởi cho dân Chúa về những tội phạm tình dục trong hàng giáo sĩ.
Hội
Thánh Công giáo đang phải đối diện với một thử thách lớn, có thể gây
tác động rất xấu lên đời sống đức tin của các tín hữu cũng như uy tín
tinh thần của Hội Thánh trên thế giới. Làn sóng cáo buộc những tội phạm
tình dục trong hàng giáo sĩ Chile chưa nguôi ngoai thì mới đây, làn sóng
đó lại dâng cao hơn nữa tại Hoa Kỳ.
Trong
bối cảnh đó, Đức Thánh Cha Phanxicô viết thư, không chỉ gửi cho người
Công giáo tại Hoa Kỳ hay Chile nhưng là cho toàn thể Dân Chúa. Hi vọng
lá thư này sẽ sớm được dịch sang tiếng Việt để mọi người có thể trực
tiếp đọc và suy nghĩ. Ở đây chỉ xin chia sẻ vài suy nghĩ.
1. Nỗi đau chung chứ không của riêng ai.
Thư
của Đức Thánh Cha mở đầu bằng lời của Thánh Phaolô: “Nếu một chi thể bị
đau, mọi chi thể cùng đau” (1Cr 12,26), và lời này cũng được chọn làm
tiêu đề cho hai phần chính của lá thư. Chọn lựa đó làm nổi bật tình liên
đới giữa các chi thể trong cùng một Thân thể Đức Kitô là Hội Thánh. Đó
là sự liên đới trong tình thương cảm với các nạn nhân, với nỗi đau thể
lý và tinh thần mà họ phải chịu đựng trong nhiều năm qua.
Đó
là sự liên đới trong việc thực thi công lý, chứ không thể chỉ tìm cách
che giấu hoặc dàn xếp bên trong cho ổn thỏa, còn kẻ thủ ác cứ tiếp tục
lối sống cũ.
Đó
còn là sự liên đới trong việc ngăn ngừa những tội phạm tình dục, ngăn
ngừa bằng giáo dục, bằng những quy định và bằng cả luật pháp.
Đó
cũng là sự liên đới trong việc đền bồi phạt tạ vì scandal này quá lớn
trong lòng Hội Thánh: “Đức Kitô bị phản bội do chính các môn đệ Ngài, do
việc họ rước Mình Máu Chúa cách bất xứng, chắc chắn đây là nỗi đau khổ
lớn nhất mà Đấng Cứu độ phải chịu; nó đâm thấu trái tim Ngài. Từ đáy
lòng, chúng ta chỉ có thể kêu lên: Kyrie eleison, Lạy Chúa, xin cứu chúng con” (Hồng y Joseph Ratzinger, Thư của Đức Thánh Cha).
2. Lạm dụng tình dục và những mối liên hệ.
Thông
thường, khi nói đến scandal hiện nay, người ta chỉ nhấn mạnh việc lạm
dụng tình dục, nhưng trong Thư gửi Dân Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn
nói đến bộ ba: lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực, lạm dụng lương
tâm. Bởi lẽ những lạm dụng tình dục bị tố giác thường xảy ra trong tương
quan giữa người cầm quyền và người dưới quyền: nhà đào tạo và người
được đào tạo, cha giáo và chủng sinh, bề trên và bề dưới, cha và con
thiêng liêng. Ngoài ra, khi xảy ra sai phạm, người trên lại tìm cách ép
buộc hoặc gây áp lực để người dưới không được tiết lộ, với đe dọa ngầm
là sẽ phải nguy hiểm hoặc chịu thiệt thòi. Những lạm dụng này gắn liền
với chủ trương giáo sĩ trị, vì thế, Đức Thánh Cha khẳng định: “Nói không
với lạm dụng là cương quyết nói không với mọi hình thức của giáo sĩ
trị”. Đây chẳng phải là lời cảnh cáo, hoặc ít ra là lời mời gọi gửi đến
các giám mục, linh mục sao? Không chỉ về những lỗi phạm luật độc thân
nhưng còn là cách sử dụng quyền bính trong việc điều hành cộng đoàn được
trao phó cho mình.
Ngoài
ra, tuy không được nói đến trong thư nhưng có một vấn đề được bàn tới
rất nhiều trong giới Công giáo tại Hoa Kỳ, là vấn đề đồng tính luyến ái.
Độc giả nào quan tâm có thể đọc một vài bài sau trên mạng internet.
- Msgr. Charles Pope, Active Homosexuality in the Priesthood Helped Cause this Crisis, ncregister.com
- Daniel Mattson, Why Men like me should not be Priests?firstthings.com
- Dominic Legge, O.P., Cleansing the Church,firstthings.com
Các
tác giả nêu lên mối quan ngại về quan hệ đồng tính trong các chủng viện
và hàng giáo sĩ, đến nỗi được cho là thứ văn hóa ngầm (subculture), và
điều này được cho là nguyên nhân chính dẫn đến những cáo buộc về lạm
dụng tình dục hiện nay. Mối quan ngại trên không phải là không có cơ sở
vì theo bản Tường trình năm 2004 do chính Hội đồng Giám mục Hoa
Kỳ chủ trương thì: (1) 81% những vụ linh mục bị cáo buộc lạm dụng tình
dục là với trẻ nam; (2) 78% những vụ cáo buộc là quan hệ tình dục đồng
tính với những trẻ nam đã qua tuổi dạy thì chứ không phải với trẻ con
(x.The Nature and Scope of the Problem of Sexual Abuse of Minors by Catholic Priests and Deacons in the United States).
Ngoài
ra, theo Đức Ông Charles Pope, chỉ cần nhận thức thông thường cũng đủ
thấy không nên nhận những thanh niên có khuynh hướng đồng tính vào chủng
viện, vì để một chủng sinh đồng tính (homosexual) sống trong chủng viện
chẳng khác gì để một chủng sinh có khuynh hướng dị tính (hetero-sexual)
ở trong một tu viện nữ! Tuy Đức Thánh Cha Phanxicô không nói đến vấn đề
này trong thư nhưng ngài từng nói với các nhà đào tạo chủng viện: “Nếu
có chút nghi ngờ nào thì tốt hơn là đừng nhận vào”.
3. Giải pháp thiêng liêng.
Trong
lá thư quan trọng này, Đức Thánh Cha kêu gọi toàn thể Dân thánh Chúa
“thực hành sám hối bằng cầu nguyện và chay tịnh”. Người ta có thể thắc
mắc: Trước một scandal lớn như thế mà chỉ kêu gọi ăn chay và cầu nguyện
thôi thì giải quyết được gì? Thế nhưng từ nhãn quan thiêng liêng, đây
chính là giải pháp căn cơ nhất vì chính Chúa Giêsu đã dạy: “Không thể
trục xuất giống qủy này nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (Mt
17,21).
Lời
kêu gọi của Đức Thánh Cha cũng phản ánh tâm tư của nhiều người trong
cuộc. Đức Cha Scharfenberger, Giáo phận Albany tại Hoa Kỳ, nói: “Chúng
ta có thể và tôi tin tưởng là chúng ta sẽ củng cố những luật lệ, quy
định và biện pháp để ngăn ngừa những vi phạm trầm trọng này, thế nhưng ở
tâm điểm của vấn đề, đây không chỉ là chuyện thi hành luật pháp, đây là
cuộc khủng hoảng sâu xa về mặt thiêng liêng”. Giám mục Robert Baron
viết, “Thánh Phaolô đã cảnh giác là chúng ta không chỉ chiến đấu chống
lại xác thịt và máu huyết nhưng là chống lại “những quyền lực thần
thiêng”. Vì thế công việc chính của Hội Thánh trong thời điểm tàn phá
này là phải cầu nguyện, ý thức và kiên trì kêu cầu Đức Kitô và các
thánh”. Giáo sư Robert P. George, Đại học Princeton, cho rằng gốc rễ của
vấn đề là sự bất trung và giải pháp tốt nhất là sự trung tín của những
người có chức thánh: trung tín với lời thề hứa khi chịu chức, trung
thành với giáo huấn của Hội Thánh.
Tất
cả đều hàm chứa lời mời gọi quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo thiêng
liêng cho những người chuẩn bị lãnh nhận chức thánh. Đào tạo tri thức và
mục vụ đương nhiên là cần thiết trong thời đại ngày nay, nhưng ở nền
tảng vẫn là việc đào tạo nhân bản và thiêng liêng, hướng đến sự trưởng
thành nhân bản và thiêng liêng nơi các chủng sinh. Đây là nền tảng để
các linh mục tương lai sống ơn gọi của mình cách đúng đắn, thiết lập
những tương quan lành mạnh, vững vàng trước những thử thách và cảm nhận
niềm vui trong đời dâng hiến.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
(Nguồn : Hội Đồng Giám Mục Việt Nam )
Ngày đăng : 10/9/2018