Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

HẠNH PHÚC VÀ ĐƠN SƠ



Hai ông bà đã ngoài 80. Họ chẳng ở với ai trừ chính họ, vì con cái đã ra riêng như bao gia đình khác. Bà lúi húi nấu nồi canh, thêm món thịt kho nóng hổi là 11 giờ trưa đã sẵn sàng cho bữa ăn đơn sơ như nó vẫn như vậy từ ngày thằng út lấy vợ rồi ở tiệt bên ấy.
Chẳng đến nỗi lọm khọm, nhưng ông cũng phải từ tốn lắm mới bưng được mâm cơm ấy lên nhà trên, để hai vợ chồng đã hơn 60 năm chung sống thưởng thức hương vị gia đình đã rất quen thuộc.
_Ông ăn nhớ…lè xương ra nhé, kẻo mắc cổ đấy!
_Bà lo cho phần bà đi! Đã hay lở mồm mà cứ cho đẫy tiêu vào!
_Ăn vậy nó mới ngon. Mà tôi nói ông bao nhiêu lần là đừng có vừa uống vừa ăn như vậy, sao ông chẳng…nghe lời tôi nhỉ?
_Tại tôi quen rồi bà ơi! Mà bà cũng nhớ là chớ có vừa ăn nóng lại uống nước đá ngay, nứt răng hết !
_Ờ ! Chuyện ấy xưa rồi, với lại răng tôi có còn mấy cái đâu mà ông cứ lo vớ lo vẩn vậy…
Nghe các cụ nói chuyện với nhau mà tức cười. Các ngài dặn dò bạn đời của mình cứ như dặn đứa trẻ ranh ! Vậy mà họ chẳng buồn vì chuyện ấy. Thậm chí hai ông bà còn nhắc nhau :
_Quần áo ướt ông chớ mà mặc, ngứa chết !
_Rửa chén xong, bà chớ có đổ nước tráng chén bát vào ấm mà nấu nhé. Tiết kiệm thì cũng vừa vừa thôi !
Có bao giờ ông mặc đồ ướt đâu mà bà nhắc hoài vậy !
Có bao giờ bà không đổ nước rửa chén đi mà ông làm như bà…ở dơ như thế !
Cụ ông và cụ bà nghe riết cũng nhàm tai, và họ cũng chẳng hề giận dỗi vì cái lỗi buồn cười như vậy ! Ấy là họ thừa hiểu rằng, trong cái mái nhà tranh này, nếu ông không khéo nhịn bà, và nếu bà cứ làm tới với ông, thì mỗi người chỉ còn cách ra ngoài sân ngủ với ánh sao trời cô lẻ. Họ chẳng chịu ở với đứa con nào, vì họ biết già trẻ khó mà hòa hợp với nhau. Già đời như họ mà lắm khi còn câu nọ câu kia nghe nẫu cả ruột. Nhưng như ngọn gió đùa qua rặng cây, hai cái bóng cổ thụ ấy cũng chỉ cà khịa nhau chút chút, rồi trời quang mây tạnh. Những đứa con « để » cha mẹ ở một mình cũng thấy băn khoăn trong dạ, nhưng bọn họ cũng sớm nhận ra, tình già của cha mẹ họ là cái không thể thiếu trên đường đời còn rất ngắn này. Trong cái lắng lo của con cái khi không kề bên chăm sóc đấng sinh thành, thì cũng có niềm tin cậy rằng, chính sự chịu đựng lẫn nhau trên suốt đoạn đời dài đã qua, khiến tình vợ chồng của cha mẹ họ đã giúp họ vẫn đầy niềm vui, nhất là khi con cháu tíu tít tụm về mái nhà xưa, nghèo nàn mà đầy ân nghĩa.
Hẳn rằng,tình yêu cần được tôi luyện trong gian nan mới bền vững như vậy ! Hẳn rằng, hai con tim muốn cùng chung nhịp đập thì đều phải chờ nhau chung bước ! Hẳn rằng, nếu không có sự khiêm tốn thì không bao giờ nhận ra được những lời nhắc nhở lẩm cẩm kia thật ra lại là hoa trái của cả một đời vun tưới ! Chỉ cần một chút tự ái, chỉ cần một giây quên đi lời hẹn ước từ xưa, thì chỉ cần một lời nói không đúng chỗ, cũng đủ làm cho tàng cây mãi xao động.
Rõ ràng, cần có một tâm hồn đơn sơ như trẻ thơ để hiểu được người bên cạnh, và để cùng nhau khoan thai bước đi trên đường. Chẳng cần phải suy diễn thêm về một thái độ, một câu nói đôi khi rất vô tình, mà đôi khi cũng rất chân tình. Việc ấy chỉ làm cho mọi bức tranh đều tối đen, đen cả đến chính tờ giấy chứa đựng bức tranh tội nghiệp ấy.
Vâng, chính Chúa cũng muốn gia đình luôn bền vững. Một yếu tố để bền vững chính là sự đơn sơ như trẻ thơ. Muốn hạnh phúc thì hãy đơn sơ. Nói gì đến chuyện vào Nước Trời là hạnh phúc lớn nhất của những ai mến tin vào Chúa…

                                                                                                                       LAM TRẦN  03.10.2015