Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

NGHỀ ĐỘI TRƯỞNG

LỜI GIỚI THIỆU

Loại sách cho Đội trưởng có mục đích chỉ bày lớp tuổi này và cả huynh trưởng, nhất là các Thiếu trưởng, cách thức làm cho Đội sống. Sống đời sống Hướng đạo phong phú hơn, vui thú hơn, lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội hơn bằng tập luyện khả năng và tư cách theo phương pháp Hướng đạo.

Các Hội Hướng đạo tây phương hầu hết đều dùng cuốn Thủ bản Đội trưởng của W. Hillcourt (Patrol Leader Handbook by W. Hillcourt). Một trong những sách giá trị khác là cuốn Nghề Đội trưởng của Pélican Noir (Ton Métier C.P par Pélican Noir) viết từ hồi tiền chiến cho Liên hội Hướng đạo Đông Dương, được dịch sang Việt ngữ và tái bản nhiều lần.

Sách gồm hai phần, chia ra bảy chương.

Phần đầu giúp Đội trưởng tổ chức Đội thành một Đội Hướng đạo, khác hẳn với đội của mọi đoàn thể thanh thiếu niên.

Phần thứ nhì hệ trọng hơn, nhằm tập luyện Đội sinh thành Hướng đạo sinh, người có tinh thần Hướng đạo tức tinh thần tuân giữ Lời Hứa và Luật Hướng đạo. số trang sách dành cho phần nhì đã ít lại dù muốn đạt một đích cao, nhưng chúng ta vẫn yên tâm vì thực hiện được phần đẩu thì Tinh thần Hướng đạo đã nhen nhúm từ lâu rồi.

Chương phụ lục gồm những bí quyết trao tay Đội trưởng để nắm chắc thành công trong nghề.

Sau chót vẫn là điểm tinh thần, ngọn lửa thiêng bốc cháy trong lòng hăng hái nơi tâm hồn Đội trưởng.

 Đọc hết cuốn sách chúng ta thấy câu trả lời “Tôi muốn làm Đội trưởng” của Baden-Powell càng rõ ràng, thâm thúy hơn khi một người hỏi ông muốn làm gì, dù lúc đó Phong trào Hướng đạo đã rất phổ cập.

Tùy cuơng vị của độc giả, mỗi người đọc sách với lối nhận thức, áp dụng riêng tư. Nhưng đối với Đội trưởng và huynh trưởng ngành Thiếu lại khác : cần đọc sách rất cẩn thận sau khi xem mục lục chi tiết để đối chiếu với công việc đã hay sẽ làm. Có theo đường hướng này sách mới thực lợi ích cho ngành Thiếu. Có được vậy, Đội Hướng đạo mới khác đội của các đoàn thể bạn và đạt đến Tinh thần Hướng đạo.

Ước mong sự cố gắng của tác giả, dịch giả và những người góp công sức nhất đinh sẽ được đáp ứng bởi sự xuất hiện của những Đội trưởng lành nghề nhờ dùng cuốn sách. Được vậy, nhiều người đã mãn nguyện và vui mừng kỳ vọng vào tương lai.
Lê Mộng Ngọ

Em Đội trưởng,

Đây là quyển sách đầu giường của em. Anh chia nó ra hai phần để nói rõ nhiệm vụ của em.
Nhiệm vụ của em cũng có hai phần như hai sọc trắng em mang ở túi áo bên trái, trên quả tim :

1.             Luyện các Đội sinh thành một Đội vững vàng
2.             Luyện các Đội sinh của em thành những Hướng đạo sinh chân chính
Nhưng trước khi đọc hai phần nhiệm vụ của em kế đây, anh muốn các em hiểu những điều sau này :
Nhà điêu khắc trứ danh Rodin B; một cái mộng ám ảnh : mộng chạm trổ được những nét gần như linh động. Em không thể chạm một “hoa huệ sống”, nhưng em có thể đào tạo những tánh khí hiên ngang, những tâm hồn hùng mạnh. Và như thế em đã phụng sự Đấng Chí Tôn, Tổ quốc, Gia đình em, và Đại gia đình Hướng đạo.
Em là Đội trưởng. Thế là em giữ trong tay em những trí não, những quả tim, những sinh mạng, những linh hồn. Phải ! Những linh hồn, và đối với chúng ta, linh hồn là tất cả.
Khả năng của em thật là mênh mông. Vì thế em phải nhận định rõ nhiệm vụ của em. Em hãnh diện được rèn luyện 7 Đội sinh thành Hướng đạo sinh. Điều đó là chính đáng. Nhưng hãy coi chừng : nếu em không xứng đáng, thì trong các Đội sinh của em, có thể có em này hay em kia không khi nào thành Hướng đạo sinh (Anh muốn nói Hướng đạo sinh chân chính)
Dù em là một tay cừ về kỹ thuật, đã được nhiều chuyên hiệu, nhưng nếu em không phải là một Đội trưởng “đáng mặt” thì Đội em có kính phục em không ? Em phải là một kẻ dẫn đầu, kẻ dẫn đầu Đội, người “tông đồ”.
Dù em đã giảng giải Luật Hướng đạo, các Nguyên tắc, Việc thiện, với những chữ rất kêu, với lời văn súc tích, với giọng nói hùng hồn, dễ rung cảm, nhưng nếu em không nêu gương, thì cũng như em bỏ Đội em đó để đi đá banh. 
Đã có nhiều kẻ cuồng tín dắt dẫn nhiều người đến một tai họa, vì họ đã tự dấn thân vào trước nguy nan. Em phải hy sinh. Hy sinh cho linh hồn Đội em thì không đáng hy sinh sao ? Em hy sinh đi. Rồi thì Đội sinh em sẽ noi theo, dù có các chú do dự nhất, các chú lươn ươn nhất.
Họ sẽ cảm phục, không phải cảm phục anh Đội trưởng (vì chúng ta không đáng kể), nhưng cảm phục Phong trào Hướng đạo, và đến lượt họ, họ cũng hy sinh đời họ cho Hướng đạo. Em hy sinh cho Đội. Các vị Thánh - những huynh trưởng rất xứng đáng - đã mở đường cho em.
Muốn hy sinh em phải tự nhen một ngọn lửa lòng cao, sáng. Nhen nhúm ngọn lửa thiêng ấy với củi nào ?

·                     Tin nơi em
·                     Tin các Trưởng
·                     Tin Đấng Chí Tôn
Và trách nhiệm nặng nề của em, em phải nhận lấy.
Em hiến thân em. Em hy sinh.
Như thế có phải là đòi hỏi em nhiều quá không ?

 Em có ý làm ít đi chăng, khi em sẽ được Đấng Chí Tôn trả công cho em.
PHẦN ĐẦU : EM PHẢI LUYỆN ĐỘI SINH EM THÀNH MỘT ĐỘI VỮNG VÀNG
Vậy trong phần này chúng ta sẽ nói đến :
1.      Em
2.      Đội em trong Đoàn
3.      Đội em trong Đội

4.      Đội em ở Trại.
CHƯƠNG I: EM
Anh vừa nói trên đây “Tin nơi em”. Em có thể làm được nhiều việc. Em có thể tiến xa hơn nhiều, lên cao hơn nữa nếu em muốn.
Người ta đã nói và viết rất nhiều về nhiệm vụ của em ! Nếu anh chép vào đây bảng kê các sách anh đã đọc để viết tập này, thì choán hết ba bốn trang giấy. Vì trách nhiệm của em rất quan trọng, vì sứ mệnh của em rất cao cả. Khi Baden-Powell lập ra Phép Hàng đội Tự trị, Cụ có ý muốn trao cho Đội trưởng nhiều trách nhiệm nặng nề.


Tất cả Đội nhờ ở sự đào luyện ở từng người một. Em có bổn phận phải thu thập những tài liệu hay, những trí lực mạnh nơi đâu em, nơi tay em, nơi mắt em, nơi tâm hồn em, không phải để rồi tự đẳc, kiêu ngạo, nhưng để bày vẽ, phân phát cho Đội sinh của em.

Muốn tự luyện được như thế, em phải suy nghĩ vẽ những điều sau đây, Luật của Đội trưởng :
1.            Đội trưởng là một Trưởng trong Đoàn
2.            Đội trưởng là người Hướng đạo thứ nhất trong Đội.
3.            Đội trưởng có một Đội phó và nhiều anh em Đội sinh
4.          Đội trưởng không làm việc một mình. Còn có Cha Tuyên úy hay Thầy Cố vấn Giáo hạnh, anh Đoàn trưởng và các anh Phó Đoàn trưởng
5.            Đội trưởng có tình thân ái và nhẫn nại.
6.            Đội trưởng vui và hăng luôn.
7.            Đội trưởng không gào thét. Đội trưởng làm việc và cầu nguyện cho cả Đội.
8.            Đội trưởng theo Đấng Chí Tôn và cả Đội theo Đội trưởng.
Điều Luật thứ 1: Em là một Trưởng trong Đoàn.
Điều Luật này là điều Luật thứ nhât của em vì bổn phận trước nhất của Đội trưởng là phải đặt quyền lợi Đoàn TRƯỚC quyền lợi Đội. Anh nói rõ là: TRƯỚC, vì không phải Đoàn sống cho Đội, mà là Đội phải sống cho Đoàn.
Em phải nghĩ kỹ lại, nhất là trong các cuộc chơi của Đoàn và trong các cuộc thi giữa các Đội.

Nếu Đội em phải hy sinh một Đội sinh, một Đội phó hay là em phải tự hy sinh để làm tròn việc của Đoàn. Em nên nhớ lại điều Luật thứ nhất này. Khi nào cần phải bênh vực các huynh trưởng trước mắt các Đội sinh, em lại phải nhớ đến điều Luật này nữa. Em đừng do dự lúc nào, vì các Trưởng càng tín nhiệm em, em càng được các Đội sinh tín nhiệm hơn.

Trong các buổi họp Đội trưởng, em sẽ đem các kinh nghiệm lượm lặt trong đời sống của Đoàn và em lại bày tỏ các sáng kiến của em cho các Trưởng biết. Có thế em mới gây được ảnh hưởng tốt cho các Đội khác, và em sẽ học thêm được những điều hay hơn. Có thế Đoàn em mới mạnh vững được.

Em lại có thể nói cả những điều mà các Trưởng có thể không để ý đến. Một hôm ở trại, một Đội trưởng của anh tỏ ý với anh muốn làm Việc thiện chung cả Đoàn, cho người có đám đất mà Đoàn anh đóng trại. Tuy cử chỉ này không quan trọng gì, nhưng chính nhờ nó mà năm sau ở đó đã thành lập được một Thiếu đoàn mới.

Em nên biết rằng Đoàn vững thì Đội cũng có ảnh hưởng tốt. Đội là tay chân mà Đoàn là thân hình. Em nên nhớ thế.
Điều Luật thứ 2 : Em là Hướng đạo sinh thứ nhất của đội em.
Em là một Hướng đạo sinh. Một hôm, trước mặt các Trưởng và các anh em trong Đoàn, em đã đưa cao ba ngón tay lên và em đã hứa. Trong cặp mắt em, anh nhận thấy bao hào quang rực rỡ của mặt trời, trong tim em lại có một ngọn lửa cháy mạnh tràn lan ra ngoài. Lòng em hăng hái vô cùng.
Em nên chú ý rằng em chớ nên ngủ gục ở bậc Hướng đạo Hạng Nhì và ở hai sọc trắng nơi túi áo của em. Những cái ấy không biểu hiệu cho tài năng và sự can đảm của em.

Em cố luôn luôn tự sửa mình và học tập thêm, vì khi nào các Đội sinh của em thấy em, em cũng phải cho chúng tự nhủ trong lòng rằng : “Làm thế nào mình cũng bắt chước được như anh Đội trưởng mình để trở nên một Hướng đạo sinh hoàn toàn”.
Em hãy nghe chuyện của Thánh François d’Assise : một lần Thánh nói cùng một sư huynh : “Chúng ta đi giảng đạo”. Hai người đi qua tất cả các đường trong thành phố, François không nói một lời từ khi đi đến khi về tu viện. Lẽ dĩ nhiên Thánh đã làm nhiều Việc thiện một cách lặng lẽ. Về đến nhà sư huynh hỏi: “Khi nào chúng ta mới giảng đạo?” Thánh trả lời : “Giảng rồi”.

Các Đội sinh em cũng thế, chúng nhìn em. Em không cần nói nhiều, em chỉ làm thôi. Các Đội sinh em sẽ noi gương em. Em là Hướng đạo sinh. Em là Hướng đạo sinh thứ nhất của Đội em. Chính em phải đi trước dẫn đường và vạch đường cho Đội sinh theo. Muốn xứng đáng với chức vụ, em hãy tự rèn luyện cho cương cường hơn.
Em phải:
a) Có đức hạnh cao :

·                     Lòng hiếu thảo của em đối với cha mẹ : giản dị và đầy tình thương nghĩa nặng. Luôn luôn em làm vui lòng cha mẹ.
·                     Lòng trong sạch của em không ai ngờ vực được.
·                     Không bao giờ em tỏ bộ sợ hãi yếu hèn.
·                     Lòng sùng kính Đấng Chí Tôn. Tại sao khi em đi ngang qua một giáo đường hay một ngôi chùa em lại không đưa lên ba ngón tay chào ? Cử chỉ ấy làm em nhớ lại Lời Hứa của em. Lời Hứa chỉ đường cho em thành người dân có ích. Nếu có thì giờ, em sẽ không ngần ngại gì không vào cầu nguyện. Anh đã được thấy một Đội đi trại bằng xe đạp, khi đi ngang một cái mả mới chôn thì đạp xe chậm lại và đưa tay lên chào rất nghiêm trang. Cử chỉ ấy cũng cho ta biết rằng tinh thẩn Đội kia là tốt rồi.
·                     Em phải nhắm mắt và bịt tai em lại, khi em thấy và nghe những điều làm bẩn tinh thần trong sạch của em, làm hại đời sống Hướng đạo tươi đẹp của em.
·                     Em gắng giữ tinh thần, tâm hồn em trong sạch và trắng tinh như hai sọc trắng em đeo ở túi áo.
·                     Có nhiều cách hãm hại tinh thần em : chiếu bóng lổ lăng, tiểu thuyết nhảm, bạn xằng, nhưng cũng có nhiều cách giữ gìn tinh thần em trong sạch : một tu sĩ, giáo lý, bạn hữu tốt, sách hay.
b) Giỏi về kỹ thuật Hướng đạo :
Khi nào em cũng phải hơn các Đội sinh của em về kỹ thuật. Em nên tìm những tiếng reo, những trò chơi mới để làm vui Đội em và cả những sáng kiến mới về thủ công hay về việc trang hoàng góc Đội. Anh có biết một em Đội trưởng góp lượm trong sổ tay đến 43 tiếng reo. Đó là một điều đáng khen.
Em nên làm thế nào để cho trong lúc chơi hay cắm trại, các Trưởng thấy em hăng hái và biết xoay xở tháo vát. Không phải các Trưởng thôi đâu, mà các Đội sinh khác còn nhận xét kỹ càng tài năng em nữa. Chúng muốn bắt chước em, vì chúng nhận thấy em quả là một anh Đội trưởng có tái và xứng đáng.

Nói tóm lại, em gắng thành một kiểu mẫu hoạt động cho các Đội sinh em noi theo. Lý tưởng là em phải có đẳng thứ hạng nhất, hay là ít nhất em cũng phải có được mấy chuyên hiệu như : cứu thương, bơi lội, cắm trại, bếp, gút, thông tin,. ..
Em phải sắp sẵn luôn vì nhiệm vụ em bắt em thế.
c) Có nhiều kiến thức :
Không bắt buộc em phải là một từ điển sống để biết cả mọi điều. Nhưng em phải tự mở mang lấy trí thông minh em và tìm biết rõ những điều thường thức. Có thế em mới khuyên bảo, giảng giải cho các Đội sinh em nghe.
Muốn có kiến thức rộng thì phải làm gì ? Em phải ham biết. Chớ để cặp mắt em trong túi áo hay nói một cách khác là chớ nhắm tít nó lại. Em vểnh tai và mở mắt. Chính nơi mà một thiếu niên không Hướng đạo ngáp dài và tỏ bộ chán nản là nơi em có thể học thêm nhiều điều hay cho cuộc chơi lớn của chúng ta là Phong trào Hướng đạo. Chính cuộc chơi lớn ấy làm ta có tinh thần mạnh và lòng ưa giúp ích.

Một thi sĩ có viết: “Một cái đồng hồ dù không chạy cũng chỉ giờ được hai lần trong một ngày”. Em cũng thế. Nếu em không tiến về Hướng đạo, các Đội sinh em cũng để ý đến em. Vậy em gắng tiến lên.
Điều Luật thứ 3 : Em có một Đội phó và nhiều Đội sinh.
Đội em không phải chỉ có một mình em hay có 7, 8 anh em sống chung đụng lộn xộn đâu. Đây là một nhóm có anh Đội trưởng, anh Đội phó và 6 em Đội sinh. Đấy là một gia đình nhỏ mà anh em thương nhau như ruột thịt, Đây là một chuỗi hột, có hột lớn hột nhỏ, nhưng sắp liền nhau, kết lại với nhau. Đội là chuỗi hạt mà Đội sinh là các hạt sống thân mật sát cạnh nhau.
Tinh thần Đội là sợi dây kết các hạt lại với nhau. Ai phải lo cho tinh thần ấy ? Đội trưởng và tất cả Đội sinh.

Nhưng cần phải có vài điều kiện để hợp thành tinh thần Đội. Trật tự và lòng mến Đội đem lại tinh thần cho Đội.
- Trật tự trong Đội: Trong Đội mỗi Đội sinh mang một số, tùy theo số năm Hướng đạo các em đã trải qua. Đội trưởng là số 1, Đội phó là sổ 2, .. . khi sắp hàng phải đứng theo thứ tự ấy nhưng Đội phó đứng sau cùng.
- Lòng mến Đội : Muốn các em có lòng mến Đội mình và các Đội sinh đối với nhau có tình thân ái, thì hiểu nghĩa hợp quần. Khi một Đội sinh thắng trong một trò chơi, đây là cả Đội thắng. Nhưng khi có một Đội sinh bê trễ, lười biếng, đấy là cả Đội mang nhục. Phải giao một trách nhiệm riêng cho mỗi Đội sinh. Trước hết là Đội phó của em. Đội phó giúp em điều khiển Đội và thay em khi em vắng mặt.

Đội phó và Đội trưởng là một đôi bạn rất tâm đắc. Nếu em quên rằng em có một Đội phó trong Đội em, đấy là em quên bổn phận của Đội phó và cả bổn phận của em về công việc Đội. Làm sao cho Đội phó em cảm thấy như em trách nhiệm về Đội. Em giao cho Đội phó dẫn các trò chơi, dạy kỹ thuật hay món gì mà Đội phó em đã thạo hay dìu một em đi lạc đường (tinh thần), tập cho một em còn kém (về kỹ thuật) hay tập cho vài em khác để họ được tuyên Lời Hứa.
Em lại giao cho Đội phó em giữ vật dụng của Đội, đưa giấy báo họp Đội, coi về dấu hiệu, đồng phục, khăn quàng của Đội sinh cho chỉnh tề khi đi đường và khi họp Đoàn, coi về quỹ Đội và tiền nguyệt liễm của các Đội sinh. Đội phó xem xét Đội sinh có hiểu trách nhiệm và làm tròn trách nhiệm không.
Ở trại, Đội phó sẽ coi về việc vận lương. Nếu có tờ báo Đội, Đội phó sẽ là chủ nhiệm, chủ in và là người phát hành báo ra đúng kỳ hạn.
Em đừng bao giờ trách Đội phó trước mặt các Đội sinh. Một sự không trật tự, không vâng lời ở Đội phó là một lỗi nặng hơn là một sự không vâng lời của một Đội sinh thường. Em chớ bỏ qua điều ấy : em chờ lúc bình tĩnh để làm cho Đội phó hiểu lỗi và trách nhiệm của Đội phó em. Chắc em đã nhận thấy rằng anh phó thác cho Đội phó nhiều việc quá. Đấy là một điều có ích. Có thế, Đội phó mới thấy mình là cần thiết trong Đội, mới hiểu sự tận tâm. Đội phó không phải là người để làm vui lòng em mà để làm việc cho Đội. Nếu em giúp cho Đội phó em tự rèn luyện thêm, Đội phó em có thể trở nên một Đội trưởng tốt sau này. Đó là một Việc thiện hay lắm em ạ ! Mà Việc thiện ấy em có thể làm được.

Em yêu các Đội sinh như em yêu các em ở nhà, nhưng em yêu nhất cánh tay phải của em, em Đội phó.

Và em cho phép anh nói với Đội phó em vài lời.
- Vài lời cùng em Đội phó : Em là Hướng đạo sinh thứ hai trong Đội em. Chiếc sọc trắng em đeo trên tim như nói với em rằng em giữ một phần đời em cho riêng em và một phần khác cho Đội em. Em là người em thân yêu nhất của anh Đội trưởng em. Vì thế em nên theo những lời dặn này :

Em chớ tranh quyền với Đội trưởng em, Nói thế chắc em sẽ nhìn anh với cặp mắt ngạc nhiên ! Vâng, có thể là em có ý ấy trong lòng. Em có thể tưởng rằng em làm nhanh hơn một cái gút hay chơi giỏi hơn Đội trưởng em một trò chơi gì hay là em có thể làm một Đội trưởng cừ. Em chớ bao giờ nghĩ thế. Vì ý nghĩ ấy hại đến tinh thần Đội em và hại đến cả tinh thần Đội sinh.
Điều Luật thứ 7 của chúng ta càng gắt gao với em hơn là với Đội sinh khác. Anh nói rõ là “gắt gao” hơn. Vì các Đội sinh nhìn xem em vâng lời Đội trưởng em cách nào. Và nếu có thể rằng em hơn Đội trưởng em trong một vài công việc gì (chớ nghĩ thế, vì vô ích) các Đội sinh em sẽ thấy và tự bảo rằng : “Anh Đội phó mình là một tay cừ chứ không phải tay thường. Anh biết rằng anh không phải Đội trưởng mà !”

Đối với các Đội sinh trong Đội, em cố giữ lòng tử tế, niềm nở, tận tâm giúp đỡ họ, mặc dầu đôi khi em phải làm nghiêm với họ khi họ không đóng nguyệt liễm hay họ đi lầm đường. Dầu sao nữa, em phải tìm cách làm họ yêu em.

Gắng mà hiểu rõ họ. Thế em mới giúp được Đội trưởng em nhiều việc. Và gắng nhất về cả mọi phương diện : kỹ thuật, tinh thần, tình thân ái, lòng hăng hái, em phải tỏ ra là người Hướng đạo hoàn toàn trong Đội.
Khi đi, em đi sau cùng cả, vì người ta biết rằng em theo sau để thúc giục. Khi Đội trưởng giao công việc gì cho em, Đội trưởng biết rằng việc ấy sẽ thành công. Thế là Đội trưởng tin em. Nếu trong Đội có người mà Đội trưởng tin nhất, người ấy là em. Phó Đội trưởng.

Em có một phần việc kín đáo, và trong việc ấy không ai biết lòng tận tâm của em cả. Hay là ở chỗ đó, Hướng đạo là thế em ạ !
Phần thưởng danh dự về nơi em. Mọi người đều không biết lòng tận tâm của em trong tất cả các công việc ư ? Nhưng em, em biết, Đội trưởng em biết, và Đấng Chí Tôn biết. Thế là đủ rồi.

- Các Đội sinh :
Anh đã nói với em rồi : “Em là Đội trưởng. Em phải giao cho mỗi Đội sinh một công việc, một trách nhiệm rõ ràng. Có biết bao là việc : nhà sử gia khảo tầm về lịch sử Đội, nhà bài tri trang hoàng góc Đội, kẻ giữ vật liệu, người quản thủ thư viện, người giữ hộp cứu thương, thư ký, thủ quỹ, v.v...

Muốn thế, em hãy cùng với Đội phó em tìm biết tài năng mỗi Đội sinh một để giao phó công việc. Nhiều khi trách nhiệm giúp cho tài năng nảy nở ra. Nhưng chớ đặt ra cho có chức vị suông. Nếu là một công việc nhẹ nhàng quá, em hãy giao thêm một việc khác. Khi Hội đồng Đội, em phải kiểm soát tất cả công việc em đã giao phó. Nếu công việc chạy, em khuyến khích, khuyên nhủ thêm và bày vẽ thêm. Nếu công việc “ngủ” một chỗ, em phải nói rõ là danh dự Đội có liên hệ đến việc ấy và em sẽ tìm những điều bổ khuyết. Không bao giờ bỏ dở một việc gì. Ai có phần việc nấy. Và mỗi người cảm thấy Đội mình nhờ mình mà đang thành một Đội giỏi nhất Đoàn.
Điều Luật thứ 4 : Em không phải sống một mình, em còn có Cha Tuyên úy hay Thầy cố vấn Giáo hạnh, anh Đoàn trưởng và các anh Đoàn phó.
Đội không phải là “một nước trong nước đâu”. Các Trưởng tín nhiệm em. Vậy em phải nhận trách nhiệm với tất cả lòng can đảm của em và chớ quên rằng bổn phận em nặng nề. Bổn phận chánh là em phải giúp 6, 7 Đội sinh của em trở thành Hướng đạo sinh hoàn toàn.

Ngoài công việc ấy, em còn có bổn phận đối với các Trưởng em như :
- Dễ bảo : để giúp em thích hỏi và biết nghe lời khuyên bảo.
- Tín nhiệm : để theo và noi gương các Trưởng.
- Trung thực : để các Trưởng biết rõ về Đội em và bênh vực các Trưởng bất cứ lúc nào, trước mặt các Đội sinh em.

Em sẽ đọc thấy trong tập này những bổn phận của em và của Đội em đôi với các Trưởng em, để cho mọi người giúp việc cho Đội và Đoàn càng ngày càng mạnh vững.

Đoàn không phải là một tiệm buôn trong ấy mỗi người bán hàng coi một gian riêng một mình. Cái hay là em không phải Gà số 1 hay Sóc số 1 mà thôi.
Điều Luật thứ 5 : Đội trưởng có tinh thần thân ái và lòng nhẫn nại.
Em là người Anh Cả. Em phải dắt cái gia đình nhỏ của em sống trong tình thân mật. Chớ có ra vẻ quân sự quá. Chớ có lễ nghi quá. Chớ quá nghiêm quá lính cảnh sát. Điều cần là giữ lòng em trong sạch.
Không có một phong trào thanh niên nào mà người ta đật lòng tín nhiệm vào những huynh trưởng còn trẻ như ở trong Phong trào Hướng đạo. Đến cả tâm hồn các Đội sinh người ta cũng giao em chịu trách nhiệm. Điều ấy làm cho trách nhiệm em càng nặng nề hơn. Em gắng cho xứng đáng với lòng tin ấy.

Làm thế nào mà em đạt được cả tình thân ái em và lòng quảng đại em vào các Đội sinh của em thì hay vô cùng. Chính Đấng Chí Tôn giao các Đội sinh cho em đấy.

Lòng yêu của em đối với các Đội sinh phải chân thật, tin tưởng và trong sạch.

-
 Tinh yêu chân thật: “Ở một Đội sinh dù đầy tật xấu cũng có được 5 phần trăm tốt”, Cụ B.P. đã nói thế.

Vậy em phải yêu các Đội sinh về phương diện ấy. Đây là em cố yêu cái hay để cố làm nó nảy nở và đè bẹp cái xấu để chữa cho khỏi và bỏ hẳn nó đi, để làm thành một thiếu sinh hoàn toàn.
Tình bạn nơi em là lòng thân ái. Em là Anh các em trong Đội em, không hơn không kém. Cũng như các em chỉ có một màu tua vai, một màu cờ Đội, các em nên cùng một lòng, cùng một tâm hồn.

-
 Lòng tin tưởng : Dầu khi bị thất bại, em hãy tự hỏi : “Tôi có lầm không?” Không ! Em nên tín nhiệm hoàn toàn vào các Đội sinh em. Lòng tín nhiệm ấy sẽ gây nơi các em khác mà xưa nay chưa từng được ai tin, một lòng tín nhiệm không bờ bến. Một hôm, anh được nghe một anh Đội trưởng nói với Đội về một lỗi mà mọi người đều biết : “Tôi không muốn biết ai là thủ phạm, nhưng tôi tin chắc rằng thủ phạm sẽ tới nhận lỗi riêng với tôi, nếu không thì anh ấy sẽ không đáng được dự lửa trại thân mật tối nay hay buổi chào cờ trang nghiêm ngày mai”.
Em hãy tin yêu Đội sinh em, dầu chúng ngu dốt, dầu chúng yếu hèn, tráo trở, dầu thân phụ chúng là người vào tù ra tội, dầu khi chúng đến với em, chúng có ngón tay dài đầy cả ghét và đẩu tóc bù xù, em lại cần tin yêu chúng. Đáng lẽ ta không nên nói “dầu” mà phải nói “nhất là”. Nếu chúng bị sa đọa trầm trọng, những em ấy, những tâm hồn ấy cần đến lòng nhân ái, chí nhẫn nại, sự tận tâm không bờ bến của em.

Em nên tránh những lời mỉa mai, kiêu ngạo, khinh bỉ. Vì như thế là không thương nhau, tin nhau nữa. Em phải điều khiển khéo léo, khéo léo hết sức. Em gắng bắt chước anh Đội trưởng đã nói câu này: “Một Đội sinh của tôi thường đau bụng, thật những hồi ấy tôi cũng thấy tôi đau ở bụng em ấy”.

- Tình bạn trong sạch.
 Không bao giờ có một tình bạn giả dối trong Đội. Tất cả những cái gì không làm ta mạnh thêm được, cương quyết và có nghị lực hơn được, tập tánh ta tốt hơn được, thì ta nên tránh đi. Tất cả những cái gì không thẳng thắn, thật thà, trong sạch, nên diệt bỏ ngay.
Tình bạn trong sạch khuyến khích ta dìu dắt nhau để ta tiến mãi đến đích, để ta tự rèn tâm giũa tánh càng ngày càng thiện hơn lên để được xứng đáng là một Hướng đạo sinh chân chính, Hướng đạo sinh hoàn toàn. Điều ấy rất dễ nhận thấy.

Còn một điều nữa : Em yêu ai hơn cả ? Không một ai và chỉ riêng từng người. Đây là riêng từng em Đội sinh một của em. Em làm thế nào cho em Đội sinh cảm thấy rằng em yêu Đội sinh ấy một cách đặc biệt hơn các em khác và em khác lại nghĩ rằng anh Đội trưởng yêu mình hơn ai cả. Thật ra em yêu em nào cũng như em nào và em có thể hy sinh cả cho các Đội sinh của em nếu cần.
Điều Luật thử 6 : Đội trưởng vui và hăng luôn.
Anh muốn nói thẳng với em điều này : khi em để ý thấy một Đội sinh của em không tiến lên được, nếu mà em buồn rầu than thở như phải mang cả thế giới trên chiếc lưng tí hon của em, em hãy bỏ ngay hai chiếc lon trắng của em đi.
Em nên biết, đã là Đội trưởng, cần tin đến sự tốt đẹp của ngày mai, mặc dầu trời mưa như thác đổ và gió thổi như lên cơn điên.

Joubert có nói câu này : “Khi nào bạn tôi đui một mắt, tôi nhìn bạn một bên”. Làm sao cho Đội sinh của em có thể thốt rằng : “Anh Đội trưởng mình khá thật !” Bao giờ trong lòng anh cũng có một con họa mi.


Mặt trời Hướng đạo không bao giờ bị che lấp. Em nên dạy điều này cho Đội sinh em biết. Không phải dạy bằng lời nói, mà em dạy bằng nét mặt vui tươi và đời sống hăng hái của em.
Vậy bây giờ em có muốn vui không ? Không gì dễ bằng.
1. Em phải vui vì các Đội sinh và cho các Đội sinh của em
2. Đây chính là cách tránh những điều khó khăn hay tính cau có một cách có hiệu quả hơn cả. Nhờ lòng hăng hái của em, em làm cho các Đội sinh em hăng và vui thêm, và có chí tự sửa mình.
Có một điều mà ai cũng công nhận là dại dột ngu ngốc là việc trình bày điều tốt, cái hay với bộ mặt buồn bã khó khăn. Khi nào người ta rõ rằng Hướng đạo là hay, người ta vồn vã xin vào, mặc dầu là khó và đường đi không phải một ngày mà đến được.
Tuy rằng em là một “cây” trò chơi, bài hát, thủ thuật, có nhiều lúc cũng chưa đủ, em lại còn
phải hiến thân em.

Em hãy tin anh, trong những lúc mà tánh ham mê đang hoành hành, lúc các Đội sinh em đang đắm mình trong lầm lỗi, thì cách huyền diệu nhất để sửa chữa họ là đời sống vui tươi, đằm thắm ở Đội, đời sống phiêu lưu mạo hiểm của Đội.

Nếu gặp lúc khó khăn mà nói : “Hết phương rồi !” thì đó là đường ích kỷ, không đáng theo. Hoặc nói : “Cứ làm như mọi người, mặc cho cuộc đời đến đâu thì đến !” thì cũng là dại dột.

Muốn hưởng hạnh phúc thì đừng nghe lời nói trên, và chỉ có một đường là nắm chặt bàn tay lại, và cương quyết không buồn nản. Em gắng hát hay huýt gió như Cụ B.P. Chớ bao giờ nhăn nhó, thất vọng và ở không. Anh khuyên em nên huýt gió, hát, chơi, nhảy, hoạt động luôn. Em không nên để nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn.
Điều Luật thử 7 : Đội trưởng không bao giờ gào thét. Đội trưởng làm việc cho cả Đội.
Nói thế, anh không có ý luyện Đội em thành một cái máy. Chớ bao giờ có một thái độ nghiêm khắc quá. Chớ có vẻ mặt lạnh lùng. Chớ làm cho Đội sinh nào sợ, vì thế lòng hăng hái sẽ nhụt đi. Em không gào thét mà làm việc để dẫn cả Đội em.

Em cũng đã biết rằng các Đội sinh đặt hy vọng và tin nơi em. Vậy phải làm việc cho cả Đội em. Làm sao cho hành vi em còn một dấu tích rõ ràng. Đích của em là “bảo các Đội sinh làm và em cùng làm chung với họ”. Nếu em chỉ điều khiển mà không nhúng tay vào việc thì Đội sinh em không bao giờ làm thành việc cả.

Dầu em có nhắc các Đội sinh đến châm ngôn của Đội, gợi danh dự của Đội thì lòng hăng hái của các Đội sinh mà em đã bỏ qua không bao giờ tìm thấy lại cả. Em làm đi. Ở Đội, ở trại hay tại Đoàn quán, khi chơi, khi hát, em phải ở chính giữa các Đội sinh em. Nơi có công việc nặng nề nhất là công việc mà em phải tự bắt tay làm trước.

Chớ tránh việc làm bếp mà cũng đừng đứng nhìn khi các Đội sinh chơi.

Chớ bao giờ nói : “Các em làm đi !” hay là nói : “Tôi sẽ làm việc ấy !”.

Nên nói : “Chúng ta làm cái này !” Làm riêng một mình là có ý chia rẽ và không vui, vậy em phải tập cho các Đội sinh em làm việc chung với nhau, mới mong có kết quả tốt.
Em gắng biết sống cho các Đội sinh của em và sống chung với chúng. Em làm việc đi, và các Đội sinh sẽ bắt chước em, các Hướng đạo sinh ở các Đội khác sẽ bắt chước Đội sinh em. Em phải can đảm. Anh ít thấy Đội trưởng không can đảm. Em nên nhớ Kha-luân-bố đi tìm Tân Thế Giới, lúc được nửa đường, các thủy thủ của ông tìm cách giết ông vì họ ngỡ rằng ông đưa họ đi phiêu lưu nguy hiểm, không kết quả, thế mà ông cũng tìm cách tự vệ và đi đến đích mới thôi.

Khi các Đội sinh em có ý chán nản thì em phải tiến và gắng thành công để cho Đội sinh em có cảm giác rằng Đội em là Đội cừ nhất. Rồi như thế họ luôn luôn tin tưởng ở tài lực em.
Điều Luật thứ 8 : Đội trưởng theo Đấng Chí Tôn và Đội sinh theo Đội trưởng.
Em có theo gót Đấng Chí Tôn không ? Em có tập cho Đội sinh em theo đường của Đấng Chí Tôn không ?
Em nên biết rằng 3/4 những trẻ hư hỏng chỉ vì không biết hướng về Đạo. Tâm hồn trẻ rất trong trắng nên cần phải hướng dẫn đi đúng đường.
Vậy em cần phải chăm lo về phần tinh thần của các em. Không phải vì em vẽ đẹp, vì em chơi nhạc giỏi, hay biết sửa máy móc mà em trở thành một Trưởng cừ, tất cả những điều trên cũng có thể dùng được, nhưng chớ quên điều chính rằng em phải là một “cây” vui tươi, sức khỏe, và phải là kẻ giữ ngọn lửa thiêng luôn luôn bùng cháy.


Em làm cho các em thích các đức tính Hướng đạo bằng cách làm cho các đức tính ấy hấp dẫn.
Các Đội sinh em nhìn em để noi theo. Đối với các Đội sinh em, em cũng như máy truyền hình của Đấng Chí Tôn, chẳng những em phát ra những bản nhạc lòng làm cho các em rung cảm, mà lại còn chiếu ra những hình ảnh nữa, vì các Đội sinh em nhìn em luôn.

Là Đội trưởng em có bổn phận phụng sự và cứu vớt tâm hồn Đội sinh.

Em đã nhận trách nhiệm điều khiển Đội em, và em đã được tấn phong Đội trưởng trong buổi lễ như sau :

Tất cả các Đội đều họp đông đủ như Lễ Tuyên Hứa, y phục chỉnh tề, trừ ra em là không có gậy và mũ, vì anh Phó Thiếu trường cầm gậy và mũ của em.

Anh Đoàn trưởng gọi em ra trước Đoàn và nói:
-  Em, Hội đồng Đoàn đã chọn em làm Đội trưởng, em có hứa trở thành một Đội trưởng tốt không ?
   Em hơi cảm động nhưng lòng đã nhất quyết tận tâm với anh em, nên em trả lời:
-  Thưa Trưởng, có.
-  Em có hứa luôn luôn nêu gương không ?
-  Thưa Trưởng, có.
-  Em có hứa luôn luôn trung thành với các Trưởng không ?
-  Thưa Trưởng, có.
-  Em có hứa thương yêu, dạy vẽ và điều khiển Đội em một cách ôn hòa và khiêm tốn không ?
-  Thưa Trưởng, có.
-  Em có hứa làm cho Đội em tuân theo Luật Hướng đạo, nội lệ của Hội và của Đoàn không ?
-  Thưa Trưởng, có.

Em nên nhớ lại những tiếng “có” ấy mà các Đội sinh em đã nghe và em đã nói ra với tất cả lòng thành của em.

Sau đó, Thiếu trưởng nói:
- Được. Từ nay, các Đội sinh em xem em là Đội trưởng chính thức của Đội. Em hãy nhận lấy trách nhiệm điều khiển Đội.

Em đưa tay lên mũ chào và nói:
-  Thưa Trưởng, em xin cảm ơn Trưởng và xin hứa với Trưởng sẽ tuân theo lệnh Trưởng và đem hết tâm lực ra giúp Trưởng trong công việc Đoàn, giúp các Đội sinh em trong mọi trường hợp.

Liền đó em nhận hai vạch trắng và gậy Đội trưởng với lá cờ Đội.

Em chào và bắt tay các Trưởng. Đoạn quay mặt lại, em chào anh em trong Đoàn và được anh em chào mừng. Không một Đội sinh nào quên được phút cảm động ày

Lần lượt mỗi Đội sinh em em đến, tay trái cầm tay trái em, rồi tay mặt em đặt lên tay của Đội sinh, Đội sinh em nói:
-  Anh Đội trưởng, tôi hứa vâng lời anh như vâng lời anh Đoàn trưởng, thương yêu anh như người Anh Cả, trung thành với Đội và không khi nào rời bỏ Đội cả.
 
“Và không khi nào rời bỏ Đội”, đó là lời hứa của các Đội sinh em. Còn em ?

Dù nặng nhọc, dù cực mệt, dù khó khăn, em chớ sờn lòng. Cứ hăng hái thẳng tiến đến ĐÍCH.
CHƯƠNG II: ĐỘI EM TRONG ĐOÀN
Một Thiếu trưởng Anh quốc, một hôm đang soạn chương trình trại Đoàn, đang lo tìm cách xin phép chủ đất cắm trại và xin Sở Thủy Lâm cho phép đốn củi gỗ để nấu bếp và để làm thủ công. Nhưng trước ngày đi trại, một ý nghĩ ngộ nghĩnh nẩy trước trí anh : “Anh có ý cho 3 Đội trưởng tự xoay xở lấy”. Anh mỉm cười sung sướng và đưa tin cho Đội trưởng Nhất của anh rằng : “Anh có việc cần phải đi xa, chúc các em đi trại vui vẻ”. Các Đội trưởng thực hiện lần cắm trại ấy rất hoàn toàn.

Ở trong Đoàn, ở trong Hướng đạo đoàn, Đội của em có tự do hoàn toàn ấy vì Đội có nhân cách riêng của Đội, có tinh thần đoàn kết của Đội, và cả Đội họp lại như một phiến đá hay tảng xi-măng chắc chắn, có tinh thần Hướng đạo, có tình thân ái, có lòng ưa giúp việc và luôn luôn vui vẻ.

Em nghe chuyện này : - Một bọn thợ đang xây nhà thờ Cologne (Nước Bỉ). Một du khách qua đường hỏi một bác thợ nề: Anh làm gì đó ? Bác thợ trả lời : Tôi đục đá. Cùng câu ấy, hỏi người thợ khác, người thợ thứ hai trả lời : Tôi đang đổi việc để lấy cơm ăn. Cũng câu hỏi ấy hỏi người thứ ba, người thứ ba trả lời: chúng tôi đang xây ngôi thánh đường đẹp nhất thế giới.

Các Đội sinh của em và em cũng vậy, cũng đang xây chung một đoàn Hướng đạo vẻ vang nhất thế giới. Đội em sẵn sàng để đem vinh dự lại cho Đoàn em. Anh đã nói rõ trên đây rồi. Đoàn là vòng tròn lớn mà những vòng tròn nhỏ là các Đội. Nếu lấy Đội đi, vòng tròn lớn sẽ thấy rỗng và Đoàn sẽ không còn nữa. Nếu vòng tròn lớn tan rã đi, Đội sẽ sống lẻ loi và sẽ sống không vững, như rắn không đầu.

Nếu huynh trưởng của em cần nâng đỡ và khuyên nhủ các em, thì các em cũng cần tín nhiệm, giúp đỡ và tận tâm với các Trưởng. Em cũng là một huynh trưởng của Đoàn em, anh đã nói rồi. Em phải liệu trước và dìu dắt, như bổn phận huynh trưởng bắt buộc em phải thế.
Liệu trước.

- Nếu sự tiến bộ của Đoàn không làm em để ý tới, thì làm thế nào em cho biết ý kiến của em trong các buổi họp Đội trưởng. Đoàn tin tưởng nơi em và nếu có khi anh không hỏi ý kiến của em, thì sẽ lấy làm sung sướng mà được nghe kinh nghiệm của em. Ví dụ em kể lại một trò chơi mà em đã bày ra để làm cho Đội sinh em yên lặng buổi tối trong lều.
Dìu dắt.
Em phải giúp vào việc dẫn Đoàn làm việc, nhất là khi Thiếu trường yêu cầu Đội trưởng phải nghĩ kỹ một việc, xử trí một việc gì hay là sáng kiến ra một điều gì, hay tìm điều gì đáng tránh, điều gì đáng sửa đổi, sự lạm dụng gì đáng bỏ.

Em tránh sự ganh tỵ giữa Đội em và các Đội khác. Nhờ sự tiến bộ của Đội em mà em dìu dắt một cách gián tiếp các Đội khác. 


Ví dụ có thể xảy ra chuyện này : Anh Thiếu trưởng bị bắt buộc mời Đội phó hay Đội sinh giỏi nhất của Đội em sang Đội khác vì Đội ấy cần một Đội trưởng. Cũng có thể xảy ra trường hợp em phải để Đội phó của em lên làm Đội trưởng và em sang làm Đội trưởng một Đội khác hay lên làm Phó Thiếu trưởng. 

Ở những trường hợp ấy em sẽ sung sướng thấy mình có ích cho Đoàn, mặc dầu mình phải hy sinh nhiều. Em cũng biết rằng bao giờ ở trận tiền cũng phải có những lính tiền phong phải chết để hy sinh. Em cũng biết những nhà thám hiểm, những bác sĩ, những bậc vĩ nhân tìm chết để cứu muôn ngàn người. Một Đội trưởng không biết hy sinh cho Đoàn không xứng đáng nữa, Đội nào không biết đặt quyền lợi Đoàn trên quyền lợi Đội là Đội của loài Sên. Muốn làm tròn phận sự trong Đoàn, Đội em phải :
·                     Thi đua với các Đội
·                     Đi thăm các Đội khác
·                     Dự Hội đồng Minh nghĩa
·         Những cuộc thi đua giữa các đội.
·         Chắc em cũng biết câu nói này của Cụ B.P. : “Những cuộc đấu túc cầu và những cuộc tranh vô địch khác về thể thao đang luyện cho dân ta thành những tên vũ phu !”
·          
·         Những cuộc thi cốt gây tinh thần thi đua giữa các Đội, không phải cốt để trở thành vô đích về một môn thể thao nào, nhưng mà tập tự túc, tập xoay xở, tháo vát, nhanh chóng, dịu dàng, vui vẻ bất cứ lúc nào, khéo tay, nhanh mắt, nhanh trí, v.v...
·          
·         Và nhân đó có lẽ em sẽ có dịp giảng cho Đội sinh hiểu quyền lợi Đội chưa phải là tối thượng, và điều cần nhất là phải tin vào Trưởng và phải có tình đoàn kết trong Đoàn.
·         Cũng trong cuộc thi, em gắng gây lại tình thân ái giữa Đội em và các Đội. Vì Đội em là Đội của một Đoàn nào có tên tuổi chứ không phải sống lẻ loi một mình.
·          
·         Có một em Đội trưởng bị loại hai lần trong cuộc thi tìm dấu đường giữa 4 Đội, làm một tiếng reo mừng Đội thắng cuộc và mời Đội ây về góc Đội mình uống nước trà. Em nghĩ sao ? Em Đội trưởng trên nói thế này : “Nếu Đội Chồn thắng về Dấu đường, thì chúng mình thắng về những cái khác; ví dụ : lễ phép và lịch sự chẳng hạn. Có phải không các em ?
·          
·          
·         Em cố tiến và để ý đến tinh thần tốt của Đội em. Nhưng em cũng phải làm việc hẳn hoi để gây tinh thẩn tốt cho Đoàn em.
·         Những cuộc đi thăm giữa các Đội. -
·         Trong quyển “Phép Hàng Đội Tự Trị” Roland Philips có viết: “Những cuộc đi thăm giữa các Đội rất có lợi”. Roland lại có viết cả một chương về các cuộc đi thăm giữa các Đội. Em tìm chương sách ấy mà xem, vì có nhiều điều có thể áp dụng được trong ấy.
·          
·         Khi có một Đội nào đến thăm Đội em, em chớ quên làm một tiếng reo để mừng, hay cho hát một bài hát vui để trình diện Đội em (bài hát Đội hay tiếng reo Đội cũng được) . Em lại tổ chức những trò chơi vui, mạnh để chơi chung; em lại nói chuyện về các trại đã đi, sắp đi, nói về Đoàn quán, góc Đội hay những cuộc thắng vẻ vang của Đội đến thăm và Đội em, hay là những chuyện vui khác mà em thích.
·          
·         Các em có thể cùng nhau ăn bánh, uống nước trà. Rồi trước khi chia tay, cầm tay mà hát bài “Vui mà tạm biệt”. Có biết bao nhiêu là dịp để các Đội gặp nhau : một buổi kịch, một buổi triển lãm thủ công của Đội hay Đoàn, ... Có biết bao nhiêu là dịp để gây tình thân ái, để học điều mới, để khơi ngọn lửa thiêng : Lễ Tuyên Hứa, lễ phong nhậm Đội trưởng, ngày cả Đội đều được lên Hạng Nhì, ngày lễ Đoàn, . . . Những buổi họp như thế càng thắt chặt dây đoàn kết của Đoàn và giữa các Đoàn. Những buổi diễn kịch, lửa trại là dịp tốt nhất để kết hợp các Đội. Lửa trại là nguồn vui, nguồn thân ái, nguồn huấn luyện, dẫn dắt ta đến lý tưởng.
·          
·         Trong lửa trại, tinh thần Đoàn được nảy nở nếu mỗi Đội biết góp sức vào. Chính nơi lửa trại là nơi em phải nhớ rằng Đoàn chì là một nhóm 3,4 Đội.
·          
·         Ở một vài Đoàn có những Đội tập được nhiều điệu múa hát rất đẹp mà lời ca là câu thơ ca tụng đức tính của con thú tên Đội. Trong những vũ khúc ấy, dầu giản dị đến đâu, em cũng thấy cái khéo léo dịu dàng, nhịp nhàng của chân tay và tình thân ái trong Đội.
·         Hội đồng Minh nghĩa
·         Đây là những buổi họp Huynh trưởng mà người ta gọi là Hội đồng Minh nghĩa, Hội đồng Đoàn hay Đội Đội trưởng tùy theo mục đích của buổi họp ấy.
·          
·         Một anh ủy viên Đạo Trưởng thán phục sức sống hăng hái, mãnh liệt của một Đoàn, anh khen nhiệt tình thân ái giữa các Đoàn sinh và phép lịch sự của họ. Anh tỏ ý muốn biết cái bí quyết thành công ấy. Tất cả các Trưởng trong Đoàn đều nói với anh rằng : “Ấy là nhờ Đội Đội trưởng (Đội Kiểu Mẫu) chúng tôi làm việc rất chạy, rất hăng”.
·          
·          
·         Các Đội trưởng một Đoàn họp lại làm một Đội mà anh Đoàn trưởng là Đội trưởng. Các Đội sinh của Đội ấy sẽ mau trở thành những Hướng đạo sinh hoàn toàn và những Trưởng đáng mặt. Vì thế Đội Đội trưởng trong một Đoàn có thể có 3 đích và 3 hình thức : Đội ấy sẽ là Tòa án hay Ban Quản trị Đoàn hay là Đội Huynh trưởng.
·          
·         Về Tòa án thì gọi là Hội đồng Minh nghĩa. Trong Hội đồng Minh nghĩa chính các huynh trưởng đem Luật Hướng đạo ra thi hành hay đặt thêm nội lệ cho Đoàn. Khi có điều gì phạm nặng Luật Hướng đạo hay nội lệ Đoàn hay phạm đến Hội Hướng đạo, hay phạm đến chủ nghĩa Hướng đạo, Hội đồng Minh nghĩa sẽ họp, bàn tính và xét xử cho yên việc. Chớ có gì nghiêm nghị lắm. Bao giờ cũng giữ tình thân ái Hướng đạo, nhưng cũng phải có trật tự Hướng đạo nữa. Nếu một ngày kia em bắt buộc đưa một Đội sinh em ra Hội đồng Minh nghĩa, em nên để các Trưởng khác xử đoán vê việc ấy. Đây là em làm bổn phận em rồi.
·          
·          
·         Tất cả Hướng đạo sinh nào cũng có thể xin mở một phiên Hội đồng Minh nghĩa để xử về việc gì mà em ấy cho là nặng. Em cũng rõ là Hội đồng Minh nghĩa ít khi họp lắm.
Hội đồng Đoàn.
Đây là một nhóm người điều khiển Đoàn. Ở nhóm ấy, giữa các huynh trưởng với nhau, người ta bàn tất cả điều gì có ích cho Đoàn. Tốt hơn hết là mỗi tuần nên họp Hội đồng Đoàn một lần, mỗi Đội trưởng sẽ trình bày về hoạt động của Đội mình trong tuần. Rồi Hội đồng lại xem xét về các phần việc trong Đoàn : như người giữ tủ sách Đoàn, thư ký Đoàn, người giữ vật liệu, trang hoàng Đoàn quán, . . .
Đoàn trưởng cho biết ý kiến và cho tin tức về Đoàn. Rồi lại thảo luận về hoạt động của tuần sắp tới : trại, châm ngôn trong tuần ấy, ngày họp Đoàn hay Việc thiện của Đoàn. Chính ở Hội đồng Đoàn, người ta quyết định mọi điều quan hệ của Đoàn. Chính nơi ấy mà góp sức nhau lại người ta điều khiển Đoàn một cách hiệu quả. Đây là Bộ Tham mưu của Đoàn, là trái tim điều khiển các cơ quan và cả cơ thể, cơ thể là Đoàn.

Em là Đội trưởng, ở Hội đồng Đoàn, em phải trổ tài sáng kiến của em, tài tìm tòi, óc tháo vát của em. Sợ hành động, sợ làm việc là bóp cổ Đoàn cho chết ngạt đó em ạ ! Hoạt động can đảm ở Đoàn lại cho Đoàn không khí trong sạch của đỉnh núi cao, anh thích đương đầu với việc khó khăn và đôi khi lại luyện tập chí anh hùng. Điều này thấy rõ lắm. Một nhóm huynh trưởng là một đội binh sắt đá, vững vàng của Đoàn mà trong đội binh ấy bao giờ cũng hòa thuận, hợp ý nhau và can đảm.

Nếu em cần những đề tài để thảo luận, thì anh xin đề nghị :

·                     Một Đội trưởng làm thế nào để có uy tín trong Đội.
·                     Tinh thần Đội.
·                     Cách phát huy tinh thẩn Đội.
·                     Đội trưởng nhờ ai giúp.
·                     Đội trưởng làm gì để luyện tính khí anh em trong Đội.
·                     Công việc Đội trưởng ở trại.
·                     Sách của Đội.
·                     Việc thiện Đội.
·                     Cử chỉ Hướng đạo.

Nếu các Đội sinh không nghe theo lời khuyên nhủ của em thì em nên nhớ rằng điều cốt yếu không phải là giúp ích như ý ta muốn mà như ta có thể làm được.
Đội Đội trưởng (Đội Kiểu mẫu). -
Gọi thế vì tất cả các Trưởng trong Đoàn họp lại thành Đội này. Như thế, mỗi tuần lại họp thêm một bữa nữa sao ? - Phải, tuy rằng ta có thể làm chung Hội đồng Đoàn và họp Đội Đội trưởng vào một buổi. Cũng có thể luân phiên tuần này họp Hội đồng Đoàn, tuần sau họp Đội Đội trưởng.

Anh Đoàn trưởng là Đội trưởng Đội này. Anh ấy sẽ bắt đầu buổi họp bằng một câu chuyện nhỏ về một vấn đề gì mà anh thấy cần phải dặn lại các Đội trưởng. Vị cố vấn tinh thẩn của Đoàn, Cha Tuyên úy hay Thầy cố vấn Giáo hạnh cũng sẽ nhân buổi họp này để nâng cao tâm hồn của các Trưởng trong Đoàn : giảng giải một đoạn kinh, nói về Việc thiện, một đức tính của một tông đồ, ... và biết bao nhiêu vấn đề khác nữa, để giúp các em trở thành những người “dẫn đường”, những tín đồ sùng đạo.

Chính trong buổi họp này, các em hiểu và học biết Hướng đạo càng sâu xa hơn : học về các chuyên hiệu, về ích lợi của trò chơi trong việc rèn luyện tính khí, về phương pháp Hướng đạo, trò chơi và bài hát mới, tập nói chuyện,. ..

Chúng ta đã nói về phận sự Đội trong Đoàn và có chỉ phương pháp để làm tròn phận sự ấy. Bây giờ các em đã hiểu rằng, Phép Hàng Đội Tự Trị thi hành triệt để, dẫu cả giữa các Trưởng, là một sáng kiến tài tình không ? Nhưng với một điều kiện là đừng có những cuộc tranh luận dài dòng vô ích và có khi lại gây thêm xích mích. Giữa các Trưởng (Thiếu trưởng, Thiếu phó, Cha Tuyên úy hoặc Thầy cố vấn Giáo hạnh) phải hoàn toàn tin nhau cũng như các Đội sinh tin Đội trưởng.

Các Đội sinh tin em, các Đội trưởng tin các Trưởng trong Đoàn. Được thế thì Đoàn mạnh biết bao và trong Đoàn biết bao là nguồn hăng hái, biết bao là nguồn vui, có gì đẹp hơn ở trên quả địa câu này nữa ! Và nếu xung quanh em, người ta không hiểu những điều hay mà các em đã thực hiện được nhờ chí hăng hái và mối đồng tâm của đội, thì em cứ yên tâm, Đấng Chí Tôn nhìn chúng ta. Thế là đủ rồi.

Bây giờ ta hãy nói vài lời về cách giao thiệp giữa các em và các Trưởng, giữa em và Cha Tuyên úy hay Thầy cố vấn Giáo hạnh.


Trước hết, đối với các vị ấy, em là một người em. Như anh đã nói, em phải giúp đỡ họ và tận tâm với họ để cho Đoàn chạy. Em lại phải tin vào các Trưởng ấy, thứ nhất là khi nói đến Đội em. Nếu có một Trưởng nghĩ rằng Đội em có hơi “xuống” và lưu ý em về điều ấy, thì em cũng đừng lơ là bỏ qua. Nếu có Trưởng thấy điều gì trong Đội em cần phải sửa chữa và tin cho em biết, thì em có oán trách không ? Nên tập tin các Trưởng, tin hoàn toàn thì hơn. Và trước hết.
Em với các Trưởng trong Đoàn
Nếu một hôm em có điều gì phàn nàn về anh Thiếu trưởng hay một Trưởng trong Đoàn, và nếu em muốn phá cho tan Đoàn thì em hãy đi rêu rao cùng hết, thứ nhất là trước mặt các Đội sinh.

Nếu em có điều gì phàn nàn về một Đội sinh em về điều Luật thứ 10 và nếu em muốn giựt giải quán quân về vụng về, thì hãy đi nói cho mọi người đều biết, nhưng đừng nói cho Cha Tuyên úy hay Thầy cổ vấn Giáo hạnh hay. Rồi thế là ngoài lỗi lầm là em đã không nói với người đang nói, em lại còn làm như đốt rừng.

Em nên biết rằng anh Thiếu trưởng là người Anh Cả của em, anh ấy có nhiều kinh nghiệm, về cách điều khiển, tổ chức, tìm cái mới, gây hứng thú, em nên hỏi anh Thiếu trưởng. Em sẽ học trong mắt anh Thiếu trưởng nhiều hơn học ở trong sách. Em hãy tin cho anh Thiếu trưởng biết về tình hình Đội em, tin thường xuyên và đầy đủ, mà không cần chớ anh Thiếu trưởng hỏi.

Tại sao thế ? - Bởi vì :

1.  Anh Thiếu trưởng cùng với Cha Tuyên úy hay Thầy cổ vấn Giáo hạnh có trách nhiệm về các Đoàn sinh, trước Đấng Chí Tôn và trước các bậc phụ huynh, cũng như trước xã hội.
2.  Và nếu có thể, anh Thiếu trưởng mới có thể dìu dắt, khuyến khích, giúp đỡ em để thắng các trở ngại. Em hãy đối xử với anh Thiếu trưởng như em muốn các Đội sinh em đối xử với em. Và mỗi lần có thể được, thì em cố gắng noi gương anh Thiếu trưởng và các Trưởng khác, thế còn hơn là làm giảm uy tín các anh ấy bằng lời gièm pha, chỉ trích của em mỗi lần họ vụng về, lầm lỗi, hay là em tưởng tượng họ vụng về, lầm lỗi. Các Đội sinh em tinh mắt lắm, và rất dễ bắt chước. Nếu em chỉ trích các Trưởng thì đó là cách gián tiếp em vẽ cho chúng chỉ trích em.

Nếu trong Đoàn có một anh Phó Thiếu trưởng mà em gần gũi nhất vì tuổi và vì hoạt động của anh ấy thì em nên tin cậy vào anh ấy, nói rõ cho anh ấy biết những khó khăn, những thắc mắc, băn khoăn của em. Anh ấy có thể giúp em nhiều việc mà không cần ơn cũng như không cần vinh dự đã giúp. Anh ấy có thể cho em hàng ngàn lời chỉ vẽ về kỹ thuật cũng như về tinh thần, mà em không cần phải hỏi anh Đoàn trưởng.


Lại còn có một anh Phó Thiếu trưởng nữa ở trong Đoàn. Đó lại là một người anh cả, một người quý của em về nhiều phương diện, thứ nhất là vì anh ta là Phó của Đấng Chí Tôn nữa. Ấy là Cha Tuyên úy hay Thầy Cố vấn Giáo hạnh. Vậy ta hãy nói về Cha Tuyên úy và Thầy cố vấn Giáo hạnh.
Em và Cha Tuyên úy hay Thầy cố vấn Giáo hạnh.
Đó là người mà ở trại, chúng ta gọi là người thầy thuốc, vì người ấy săn sóc cả thể xác lẫn tâm hồn các em, và trong sự giáo dục Hướng đạo chúng ta, thể xác và tâm hồn là một.

Nếu em chỉ chào qua Cha Tuyên úy hay Thầy cổ vấn Giáo hạnh mà không khi nào nói chuyện nhiều với người (điều đó Cha Tuyên úy và Thầy cố vấn Giáo hạnh để em hoàn toàn tự do cũng như Đấng Chí Tôn sinh em hoàn toàn tự do).
Nếu không khi nào em mở tâm hồn em và tâm hồn các Đội sinh em để đón rước người,
Nếu em không xin hỏi người điều gì,
Nếu em sợ người đòi hỏi em nhiều lắm chăng,


Thì em chưa hiểu trách nhiệm của Cha Tuyên úy và của Thầy Cố vấn Giáo hạnh, người cùng đi với em trên đường Hướng đạo. Thế thì em Đội trưởng, em hãy nghĩ lại : em phải nhìn nhận rằng em khá hơn là em tưởng, em có một tâm hồn ham biết và lo âu. Em muốn có một người giúp em trong cuộc tranh đấu để chiến thắng mình. Vậy tại sao lại giấu kín gì. Nếu em hiểu rằng Cha Tuyên úy và Thầy cố vấn Giáo hạnh có thể giúp em trở thành một người mạnh, một người trong sạch, một người tông đồ!

Khi em buồn, khi em cần ánh sáng, khi em cần hăng hái, em hãy đến gặp Cha Tuyên úy hay Thầy cố vấn Giáo hạnh. Nếu có một em Đội sinh mà em không hiểu nổi tính tình thì cũng đưa em ấy đến gập Cha Tuyên úy hay Thầy cổ vấn Giáo hạnh, ở trại em sẽ thấy Cha Tuyên úy hay Thầy cố vấn Giáo hạnh là cả một sức mạnh tinh thần, là nguồn thanh tịnh, nguồn vui, nguồn khôn, nguồn sức mạnh.

Em có thể đến uống nước nguồn ấy. Và khi nào em thấy rằng gánh của Đội em quá nặng, em hãy đến nói với Cha Tuyên úy hay Thầy cố vấn Giáo hạnh, người sẽ chỉ cho em sức lực tiềm tàng có thể gánh được cả Thế giới.

Em muốn biết trách nhiệm của Cha Tuyên úy hay Thầy cố vấn Giáo hạnh ở trong Đoàn không ? Anh Đoàn trưởng là cái đầu của Đoàn, Cha Tuyên úy hay Thầy cố vấn Giáo hạnh là tâm hồn của Đoàn và Đấng Chí Tôn là quả tim.

Cách đây không lâu, một anh Tráng sinh lỗi lạc của chúng ta qua đời, người ta tìm thấy trong ví tiền của anh một tờ giấy ghi “kỷ luật sống” của anh. Trong tờ kỷ luật ấy, anh đã tự nhủ : đọc kinh hằng ngày, thường sám hối và dự các lễ thường xuyên ở giáo đường. Các tráng sinh và thiếu sinh đã được may mắn biết anh ấy tỏ lòng trung thành với anh bằng cách theo nếp sống của anh, theo gương trong sạch và thẳng thắn của anh. Một Đội trưởng đã nói với anh rằng : “Gần anh ấy, tôi thấy tôi khác hẳn!”


Với niềm tin tưởng nơi Cha Tuyên úy hay Thầy cố vấn Giáo hạnh, một Trưởng có thể dần bước trên đường đời thênh thang. Và mọi người sẽ theo anh ấy.
CHƯƠNG III: ĐỘI EM TRONG ĐỘI

Sau khi đã nói về “Em” ở Chương Nhất, rồi về Đội em ở trong Đoàn ở Chương Nhì, bây giờ chúng ta hãy nói đến “Đội em ở trong Đội”

Trong Đội nghĩa là trong đời sống riêng của Đội.

Vì thế ta sẽ nói đến những điều lạc quan đến đời sống của nó và trước hết là “đời sống tư” của Đội. Trại sẽ là “đời sống giữa công chúng”.

Chúng ta sẽ nói đến :

1. Họp và trại Đội :
 những buổi này cũng giống như nhịp đập của trái tim, sự tuần hoàn trong Đội.

2. Hội đồng Đội :
 như óc não của Đội

3. Kỹ thuật và các cuộc thi :
 làm cho Đội tiến, làm cho các em tiến.

4. Tinh thần Đội :
 nó sẽ hướng dẫn, thúc đẩy tất cả, đó là linh hồn của Đội, sức sống của Đội.

Với chương này em có thể bắt mạch Đội em, xem Đội em ra thế nào, biết nhiệt độ của anh em trong Đội có bình thản quá không ? Có bị cơn sốt không ? Bình thường hay tiến bộ, thế là “Đội chạy”.

Ta hãy nói về :
A. HỌP VÀ TRẠI ĐỘI
Hai thứ họp: họp để học kỹ thuật hay xuất du và Hội đồng Đội.
Trong những buổi họp và xuất du cần gì ? - 4 điều :
·                     Hoạt động
·                     Chơi nhiều
·                     Học điều mới
·                     Tự luyện tập tính tình

Nếu bốn điều trên có đủ, thì em có thể yên tâm, Đội em sẽ tiến.


Hoạt động. - Em biết rằng các Đội sinh em không phải là những ông lão ở dưỡng đường. Chúng còn cần tiêu phí sức khỏe của chúng, vì ở tuổi 12, 15, chúng đầy nhựa sống. Vậy cần phải cho chúng trò chơi, cuộc thi, tập luyện, nếu không chúng không ngồi yên.

Chơi nhiều. - Kể chuyện, trò chơi, bài hát, làm náo. Những điều này cần lăm, chúng ta sẽ nói nhiều sau này.

Học điều mới. - Một Đội trưởng đã chọn châm ngôn cho các buổi họp là : Mới luôn. Em ấy có lý. Nếu Đội sinh em không học được điều mới thì làm sao mà tiến được. Và trong Hướng đạo, không tiến là lùi.

Tự luyện tập tính tình . - Phần thứ hai của quyển sách này sẽ nói rõ điều đó; ngay bây giờ em nên biết rằng sự tập luyện ấy phải vui vẻ, hấp dẫn. Vài lời của Cha Tuyên úy hay Thầy Cố vấn Giáo hạnh hay của em về một đức tính Hướng đạo, hay về một điều Luật, những lời khuyên bảo làm em yếu hèn thành cương nghị, tất cả những điều đó phải vui vẻ, hấp dẫn. 

Anh còn nhớ một thiếu sinh chậm chạp và hay dụ dự được đặt tên rừng là “Sên quả quyết” và sau đó tỏ ra xứng đáng với tên rừng.

Anh chắc rằng Đội sinh em sẽ thay đổi nhanh chóng nếu tự chúng muốn trở nên xứng đáng.
Sau đây là cách làm cho buổi họp em vui vẻ.
Ta hãy gọi là 10 điều khôn của Đội trưởng :

1.             Khi họp em phải đến sớm nhất và bắt đẩu buổi họp đúng giờ. Không chờ các em đến trễ dầu chỉ mới có hai người, em và Đội phó.
2.             Mỗi buổi họp phải mỗi mới : nếu không mới về nội dung thì cũng mới về hình thức. Họp ở góc Đội, họp ngoài trời, họp tại nhà em Đội phó. Một buổi họp bắt đầu bằng một dấu đường.Một lần khác buổi họp bắt đầu bằng thư gởi cho tất cả Đội sinh để tổ chức một trò chơi quan sát lúc mấy giờ. Đừng có sợ quá thay đổi, càng mới nhiều càng hay.
3.             Em đừng ra lệnh. Em hãy khích lệ, dẫn dìu. Em đừng nói “Làm việc kia” hay “tôi sẽ làm việc kia”, “anh hãy giúp tôi”, nhưng em hô tiếng Đội rồi nói : “Chúng ta hãy làm việc này và làm cho được”. Rồi nếu em tìm ra một bài hát để bắt tay vào việc thì càng quý.
4.             Em hãy giải thích sự ích lợi về điều của em dạy vẽ. Học gút thì gút phải dùng vào việc gì. Thông tin thì để đưa tin đi xa, v.v...
5.             Tất cả mọi Đội sinh đều có việc. Muốn thế, phải sẵn cẩm nang trong túi về trò chơi, câu chuyện, bài hát và cả chương trình buổi họp của em.
6.             Họp ngoài trời, mỗi lần có thể được. Các em không phải là những người tu kín.
7.             Mỗi lần ít nhất là một trò chơi vui.
8.             Em giảng rõ ràng, nếu cần giảng đi giảng lại hai ba lần rồi thực hành với anh em trong Đội.
9.             Em có thể thành công. Dạy mọi điều bằng trò chơi. Dạy gút, dạy thông tin hay dạy về vạn vật học cũng bằng trò chơi. Muốn dẫn trò chơi, bắt đầu bằng một câu chuyện.
10.          Các Đội sinh em ngủ à ? Thức chúng dậy bằng một tiếng reo, một bài hát. Nếu chúng ồn ào thì tổ chức một trò chơi im lặng. Khi nào cũng sẵn trò chơi cả. Dầu trời có mưa, em cũng đã chuẩn bị trước. Phải sẵn sàng luôn để không khi nào bị khan (thiếu) bất ngờ.
Anh cần thêm vài lời nữa.
Trong Hướng đạo, lý tưởng là làm điều gì cũng bằng trò chơi cả. Em sẽ đọc thấy lời dặn này trong sách này và trong các sách của Baden-Powell hay là của những tác giả Hướng đạo khác. Sau đây là vài lời khuyên về trò chơi :
·                     Phải xen lẫn trò chơi trong lúc làm việc, lúc ăn, lúc nghỉ trưa im lặng.
·                     Đừng cho trò chơi ồn ào lúc ban đầu hay lúc tan họp.
·                     Chấm dứt một trò chơi lúc các em đang còn thích chơi là giữ hy vọng thành công cho lần chơi sau.
·                     Trong trò chơi, chú ý đến những em chậm lụt.
·                     Sau trò chơi, các Đội sinh được phép tỏ ý kiến của mình nhưng Đội trưởng vẫn là Trưởng của Đội.


Và bây giờ anh bàn đến chương trình buổi họp của em:
Họp Đội

·                     Vì em phải biết rõ em sẽ làm điều gì và tại sao em làm điều ấy. Nếu em mới làm Đội trưởng chưa được bao lâu, thì nên soạn rất kỹ chương trình buổi họp Đội, vì trong buổi họp em sẽ thấy thiếu sót nhiều, nhất là lúc mới làm Đội trưởng. Sau này, có thể rằng em sẽ điều khiển một buổi họp một cách đầy đủ hoặc là em luôn sẵn sàng điều khiển một buổi họp hay một trại Đội.
·                     Các Đội sinh đến với em để học và để chơi, chớ để chúng thất vọng.
·                     Nếu em họp Đội trong tuần, thì chớ họp quá hai giờ. Còn như họp ngày chủ nhật, thì có thể thêm trò chơi lớn, nấu bếp, nhưng chớ làm luôn một việc.
·                     Trước hết em phải có một chương trình chung : ghi những điểm chính trong năm, rồi chia ra từng mùa, từng tháng. Em sẽ nhờ anh Thiếu trưởng giúp ý cho.
Sau đây là vài ví dụ về chương trình theo mùa.
·                     Chương trình mùa Đông : (Họp nhiều ở góc Đội) Làm việc ở góc Đội, ở Đoàn quán. Học chương trình đẳng thứ (hạng Nhì, hạng Nhất) và các chuyên hiệu. Trò chơi lớn về dấu đường và tìm học thiên nhiên : mây, cây cối, chim, v.v... Cây mùa Xuân ở Đoàn hay cho trẻ em nghèo. Lễ Đoàn, lễ Đội. Sửa soạn cuộc triển lãm Hướng đạo. Việc thiện giúp kẻ nghèo, người già cả.
·                     Chương trình mùa Xuân : Kiểm soát lại tỷ mỷ dụng cụ và vật liệu dùng ở Đoàn quán và ở trại. Chuẩn bị trại ngày lễ Phục Sinh. Học tiếp chương trình đẳng thứ hạng Nhì, hạng Nhất. Học thiên nhiên về mùa Xuân : chim, tổ chim, hoa xuân, lá cây. Trò chơi lớn về phương hướng và dấu đường.
·                     Chương trình mùa Hạ : về mùa Hạ, trại là mục phiêu chính của đời sống Hướng đạo. Thực hiện các điều dự định về trại. Trò chơi lớn ngoài trời : ẩn nấp, tiến đến gần, học dấu vết hoặc những trò chơi khác ngoài trời. Trại hè.
·                     Chương trình mùa Thu : Tập lại những kịch ngắn, vũ khúc đã học trong mùa Hè. Học những chuyên hiệu : trồng cây, chăn nuôi, bạn thú vật,. ..

Bây giờ chúng ta hãy soạn chương trình một buổi họp kiểu mẫu. Trước hết ta bắt đầu bằng lời cầu nguyện của Đội trưởng : “Kính xin Đấng Chí Tôn giúp cho lời nói và gương tốt của con soi sáng con đường của các Đội sinh con đi đến cõi toàn Thiện, toàn Mỹ. Kính xin Ngài giúp cho con chỉ vẽ cho các Đội sinh sự hiện diện của Đấng Chí Tôn trong thiên nhiên, giúp con dạy vẽ cho chúng những điều con phải dạy, và dẫn dắt các Đội sinh con đến cõi hạnh phúc hoàn toàn”.

Lẽ cố nhiên là em có thể tự viết lấy lời cầu nguyện của em. Rồi em xem lại những điều đã ghi chép sau buổi họp trước. Và em nên ghi lại, sau mỗi buổi họp, những điều em đã làm được, tinh thần Đội sinh em trong buổi họp, những thành công và thất bại trong buổi họp, ưu và khuyết điểm.

Soạn chương trình họp xong, phải ghi lại trong một quyển vở nhỏ hay một thẻ ghi chú để giữ lại. Nhờ thế, sau một thời gian, em sẽ có những tờ trình đầy đủ về hoạt động của Đội em, nếu em đã ra công ghi lại sau mỗi buổi họp những ý nghĩ, những nhận xét của em. 

Phương pháp dùng thẻ ấy rất tiện lợi, những nhà hùng biện, những diễn giả, những giáo sư thường dùng lắm. Em hãy thử dùng rồi sẽ biết ích lợi.

Sau đây là những điều em có thể ghi trong chương trình họp :
1.             Tập họp bằng một tiếng Đội. Lời cầu nguyện. Bài hát Đội. Khám Đội. Đừng nghiêm ngặt lắm, nhưng cũng đừng bỏ qua những điều lầm lỗi.
2.             Trò chơi lớn kỹ thuật hoặc học theo chương trình của mùa. Nhắc các Đội sinh những điều cần làm cho buổi họp hay trại sau.
3.             Trò chơi nhỏ.
4.             Học chương trình đẳng thứ hạng Nhì hay hạng Nhất hay chuyên hiệu. Em có thể chia Đội ra làm nhiều nhóm. Một em giỏi cứu thương dạy cho một bạn kém, em khác do Hội đồng Đội cử hay Đội trưởng cử, chỉ vẽ cho một em mới để em này sửa soạn tuyên hứa. Em Đội trưởng dạy về các chuyên hiệu,.. .
5.             Trò chơi lớn hay trò chơi nhỏ.
6.             Học về kỹ thuật của Đội.
7.             Hát. Anh để hát ở đây, nhưng anh chắc rằng em không đợi đến gần tan họp mới hát, mà hát giữa buổi họp vào những lúc cần. Hát - anh nói đây là hát bài “Giữ chặt mối dây”, hay một bài tương tự.

Sau buổi họp như anh đã nói trước, em nhớ ghi lại những điều đã làm trong buổi họp, những ưu khuyết điểm, những nhận xét về trò chơi này hay trò chơi nọ, phương pháp đã dùng để dạy mau chóng một cái gút, những chuyên hiệu mà các em Đội sinh đã qua được, những bài hát Đội thích, và lý do những vụng về, lỗi lầm của em để sau này mà tránh.
ĐỘI XUẤT DU
Em tìm hết cách để họp Đội ngoài trời. Cảnh tạo vật là lâu đài cung điện đẹp đẽ nhất. Hướng đạo sẽ sống nhiều ở đây, mắt chúng ta sẽ thấy rộng, phổi chúng ta sẽ đầy không khí trong sạch và tâm hồn được thảnh thơi hơn.

Thỉnh thoảng cũng sẽ tổ chức xuất du Đoàn, nhưng Đội vẫn sống đời sống Đội, để các Đội sinh quây quần gần nhau và gần lá cờ Đội để làm việc hăng hái, để nêu cao lá cờ Đội và chiến thắng luôn.

Trong dịp xuất du biết bao nhiêu trò chơi mới lạ và nhiều điều về đường, nhắm phương hướng, đọc bản đồ, thi thổi cơm, giựt khăn quàng. Tóm lại đem thực hành những điều các Đội sinh đã học bằng lý thuyết trong các buổi họp Đội.

Anh đã tặng em 10 điều khôn về buổi họp, thì đây anh cũng biếu em 10 điều luật vàng về trại Đội:

1.             Đi sớm và về sớm
2.             Đi về cho đúng giờ đã định
3.             Em phải để ý: không những người ngoài nhìn chúng ta mà họ còn quan sát chúng ta nữa.
4.             Một buổi trại Đội mà không làm một Việc thiện nào là một buổi trại tồi.
5.             Làm mọi việc bằng trò chơi, dầu là khi nhặt củi để nấu cơm. Một việc làm không làm bằng trò chơi cũng như một món ăn không gia vị.
6.             Rửa thật sạch các nồi niêu khi ăn xong.
7.             Những cuộc thi hay học kỹ thuật cho vào buổi sáng, chiều đến là trò chơi lớn. Một lòng thương yêu nhau và buổi tối nhớ đến phút tĩnh tâm.
8.             Giáo đường hay Niệm Phật đường là lều của Đấng Chí Tôn
9.             Khinh thường vệ sinh ở trại là khinh thường sức khỏe của Đội sinh (ăn luôn mồm, uống nước lã, không chú ý lúc mồ hôi ra nhiều)
10.          Hát trước khi về, ngay khi về, cũng như hát khi đi. Có thế mới thấy đường gần lại và quên mệt, nhưng chớ hát ở đường thành phố ồn ào, sợ phá giấc những ai đã ngủ sớm (buổi tối), hay những ai còn ngủ (buổi sáng). Anh biết có một Đoàn 32 em đi trại về. Một em bé thường ngủ lúc 9 giờ tối, nhưng vì thích Hướng đạo, nên nằm thức chờ nghe Đoàn đi trại về (vì trong Đoàn có anh của em ấy). Đoàn sẽ về lúc 10 giờ. Em ấy thức đến 12 giờ khuya nhưng không nghe gì hết, tuy Đoàn đã về ngang nhà em lúc 9 giờ 45 phút. Hướng đạo sinh đi qua mà không ai biết.

Em cũng có thể tổ chức trại Đội với một đích riêng, một đích thôi, nhất là khi các Đội sinh em đã lên hạng Nhì cả. 

Ví dụ : Trại để học biết tạo vật. Nếu có thể được, em sẽ tổ chức một buổi ẩn nấp buổi sớm, học sớm để quan sát cây cỏ, thú vật lúc chúng mới thức dậy. 

Em phải xin phép huynh trưởng trước và tốt hơn, em nên mời một huynh trưởng dự vào buổi chơi ấy. 

Những trò chơi sẽ là những trò chơi Kim hay là trò chơi tập đổ bộ gần núi rừng một cách im lặng, trật tự và nhanh chóng. 

Em lại bày một cuộc thi về học cây (cây thuốc, cây ăn trái, cây lấy gỗ, cây lấy dầu, cây lấy sơn, v.v...) và học các loại côn trùng, sâu bọ để làm bảng thực vật (ép cây cối) và những bảng côn trùng học (phơi khô lại để dành). 

Em lại tập bò sao cho lẹ làng và nhanh nhẹn và tập trá hình, tập ẩn nấp.

Kỹ thuật Hướng đạo buổi trại ấy cũng thiên về một đề : học biết các thứ cây cỏ, công dụng của chúng (cây thuốc đáng để ý nhất). Nấu bếp với lá củi khô của rừng, tập đốt các thứ lửa bếp với lá cây rừng.

Em lại học rõ về đời sống của một con thú rừng, tìm chỗ ẩn nấp kín đáo và chắc chắn để quan sát nó. Ví dụ, con nhím thường hay làm ổ ở mấy gốc cây dẻ to, con cút làm ổ rât mau và rất đẹp, v.v...

Em lại dạy về phương hướng với : gió thổi, rêu mọc, chim đổi chỗ ở, ổ sóc, v.v...

Em hát hay đặt những bài hát thích hợp với cảnh trời đất thiên nhiên.

Và còn thủ công nữa : em sẽ tập đẽo cây với rìu, chặt cây với dao, rựa, tập bắt cầu qua suối, làm ghế ngồi xem sách ở trại, bàn ăn, giá để đồ nấu bếp và cả một Việc thiện Đội nữa như đi cột một hàng rào xiêu vẹo và trống trải của một bà lão.

Nếu có đủ thời giờ và được phép đốn gỗ, em sẽ làm một lều bằng cây và lá để nằm buổi trưa. Em cũng có thể tổ chức một buổi trại cứu thương hay một buổi trại thăm đường và khảo sát vùng em ở, một buổi trại Việc thiện và một buổi trại thủ công.

Đây anh tặng em một ví dụ về buổi trại cứu thương.

Trò chơi: một bọn cướp đánh hai bộ hành bị thương nặng, bộ hành rên la, . . . Một tiều phu bị té cây; một Hướng đạo sinh hay người ngoài đóng vai người bị thương vì té xe đạp.
Kỹ thuật Hướng đạo. Biết bao là chuyện : thắt cổ, đuối nước, bị sét đánh, gãy tay, lỗ đầu. què chân, phỏng cổ, băng bó.

Phải làm gì ? Thử làm xem. Gọi bác sĩ. Đánh điện tín cấp cứu.

Một Đoàn kia cắm trại gần núi. Lẽ cố nhiên là có canh đêm. Anh Thiếu trưởng chưa ngủ được, mặc dầu đã 12 giờ khuya. Anh nẩy ra ý muốn thử tài cứu thương, trí can đảm và lòng bình tĩnh của Đoàn sinh. Anh đến nói chuyện với hai Đội trưởng đang canh. Hai Đội trưởng đồng ý. Thế là tiếng la cứu, tiếng cầu cứu, tiếng lửa cháy (khơi đổng lửa trại ra, bỏ muối và củi khô vào), tiếng thanh la kêu (đánh vào thùng thiếc hay nắp hộp) tiếng người la khóc vang lừng.

Các Đoàn sinh lật đật dậy, hoảng hốt tìm y phục mặc vào, tìm dây gậy chạy đến và làm việc dưới quyền điều khiển của anh Thiếu trưởng. Ví dụ , Đội Cò chạy về phía Nam 200 thước, có người bị cọp vồ bị thương trong ấy. Có băng bó và làm cáng khiêng nạn nhân về. Đội Ong chạy 300 thước về phía Đông cứu anh X. canh đêm bị 3 tên cướp đánh trọng thương, v.v...

Thế là rõ em nào lanh lẹ, cả quyết, can đảm, sợ sệt đến khóc được ... và biết tài cứu thương của ai giỏi và lanh.

Muốn tổ chức những buổi trại đặc biệt như thế, ban đẩu chắc em còn ngần ngại chưa kinh nghiệm, chứ về sau quen dần đi và các Đội sinh của em sẽ thích. Chúng sẽ trở nên những y tá lành nghề, những tiều phu giỏi, những thợ đan đồ tre (giỏ, sọt, thúng mủng) thành thạo.


Nhưng muốn thế em phải bàn tính kỹ lưỡng với Hội đồng Đội về công việc sẽ làm.
B. - HỘI ĐỒNG ĐỘI.
Phải có Hội đồng Đội để các Đội sinh em rõ về công việc của Đội, có tiến hành hay bê trễ. Tất cả các Đội sinh đều được dự.
Em có thể họp Hội đồng Đội ngay trước khi bắt đầu họp Đội hay ngay sau khi họp Đội. Chớ bao giờ họp Hội đồng Đội quá 1 giờ 30, vì chúng ta nói ít làm nhiều. Em có thể làm một chương trình kiểu mẫu về Hội đồng Đội trong ấy em thêm những điều dặn dò của anh Thiếu trưởng hay những công việc giao phó cho Đội em, và những thay đổi cần thiết tùy lúc.
Đây là một chương trình Hội đồng Đội:


1.             Đọc chung Luật hay Lời Hứa Hướng đạo.
2.             Anh Đội trưởng nói vài câu về một điều Luật gì và nói điều nhận xét của mình.Em nên nhìn mặt các Đội sinh để xem chúng có hiểu, có để ý đến lời em nói hay chúng lơ đảng.
3.             Cho biết những điều dặn của Thiếu trưởng hay những việc Đội phải làm. Tin mới, v.v...
4.             Đời hoạt động của Đội (sau sẽ nói kỹ)
Có thể thêm lời nói của Cha Tuyên úy hay Thầy cố vấn Giáo hạnh về một vấn đề tôn giáo hay ngoài, ví dụ nói về những danh nhân hay đọc một đoạn sách hay. Nên cho các em góp ý kiến vào.
Sau cùng cho các Đội sinh bày tỏ ý kiến và cảm tưởng đối với Đội, hay về một vấn đề liên quan đến Đội. Ớ Hội đồng Đội em có thể bày một bài hát hay một kịch mới để dự hôm lửa trại Đoàn kỳ sau.
Em là Đội trưởng, em phải giữ khỏi bàn cãi một cách không trật tự hay không thỏa thuận nhau vì một vấn đề nhỏ. Em tập cho Đội sinh em biết hy sinh ý nghĩ của mình, vì quyền lợi chung của Đội, hay vì có nhiều ý kiến khác trái lại.

Về đời hoạt động của Đội, là phần quan trọng trong buổi họp. Phần ấy có :

·                     Tổ chức của Đội
·                     Những món thi
·                     Đời của Đội trong Đoàn
·                     Đội quán (góc Đội)
·                     Những Việc thiện của Đội
·                     Trò chơi, thám du, trại.
·                     Quản trị Đội

Chúng ta sẽ nói rõ mỗi mục riêng của đời sống Đội. Có thế em mới rõ sự quan trọng của đời sống Đội.
1. TỔ CHỨC CỦA ĐỘI
- Đội em và các Đội khác trong Đoàn có chỗ giống nhau và có chỗ khác nhau.

a) Chỗ khác nhau. - Thú rừng, châm ngôn Đội, tên Đội, kỹ thuật Hướng đạo đặc biệt của Đội, luật Đội, tập tục Đội, điều bí mật Đội. Chúng ta sẽ nói chuyện này vào mục tinh thần Đội.
·                     Luật Đội. Chớ nhiều điều lắm. Một vài điều để giúp Đội em trở nên cừ nhất Đoàn em. Khi họp Hội đồng Đội thì em sẽ đặt luật, giảng giải rõ và cho mọi người đều thỏa thuận về các luật ấy.
Luật về khiếm diện, đi họp trể, về tiền nguyệt liễm của Đội, về các trách nhiệm trong Đội.
·                     Tập tục Đội. Tập tục đặc biệt ở Đội như lễ Đội để kỷ niệm ngày thành lập Đội, hay tập tục làm Việc thiện cần hằng tháng hay hằng tuần ở Đội.

b) Chỗ giống nhau. Những Đội làm việc chạy hay giống nhau về cách chia công việc cho các Đội sinh trong Đội. Nhờ cách ấy mà công việc được phân phối đều nhau và làm việc được chỉnh đốn : mỗi Đội sinh có một trách nhiệm riêng. Đấy là cách thăt chặt các Đội sinh vào một Đội để tập chúng tánh tự xoay xở, tháo vát, có thứ tự và có cái hay là gắng mỗi ngày một khá trong công việc của mình. Ví dụ : các công việc trong Đội.
2&3: QUẢN TRỊ ĐỘI VÀ THI
2. Quản trị Đội.
·                     Em Đội phó : giúp và thay thế Đội trưởng, nếu cần, Đội phó coi về y phục Đội sinh giữ cho các Đội sinh theo tập tục Đội cho đúng, coi về các môn thi và chuyên hiệu.
·                     Em Thư ký : giữ sổ Đội, viết biên bản các buổi họp, trại, thám du, lịch sử Đội, thông tin về Đội cho các Đội sinh biết.
·                     Em Thủ quỹ : Tính toán tiền, giữ tiền, thu tiền đúng hạn, sổ sách minh bạch. Biên chép thứ tự, rõ ràng, chi ít thu nhiều. Và tìm cách làm giàu cho Quỹ : lễ Đội, bán đồ thủ công.
·                     Em giữ vật liệu : Trước lúc đi trại phải xem xét vật liệu. Lo giữ gìn tử tế, cẩn thận. Trước khi cất nên phơi lều và các vật liệu khác cho kỹ. Tốt hơn nên ghi dấu riêng của Đội vào vật liệu Đội. Coi chừng dán và chuột. Trước khi nhận lại một cái nồi hay soong nấu phải buộc nồi hay soong ấy phải hết sức sạch. Có thế mới sẵn để đi trại lân sau.
·                     Em quản thủ thư viện : giữ sách báo cẩn thận, cho mượn có phương pháp. Bao giờ cũng có thứ tự và hơi nghiêm nhặt một tí. Ví dụ : cho mượn một quyển hai tuần, để quá một ngày phạt một đồng chẳng hạn. Muốn mua sách cho Đội phải hỏi ý kiến anh Đội trưởng và anh Đoàn trưởng vì có nhiều sách hay mà cũng có lắm sách dở. (Sách hay có ích là bạn của Hướng đạo)
·                     Em coi về sạch sẽ : hay là mỗi em thay phiên coi môi lần về sạch sẽ ở góc Đội. Chỗ nào sắp vật nào, vật nào để chỗ nào nhất định. Em nào cũng có thể bày ra cách trang hoàng góc Đội, để đem ra bàn ở Hội đồng Đội có nên thực hành hay không. Cách trình bày này cần thay đổi hằng năm hay hai năm một.
·                     Còn có nhiều phần việc khác trong Đội, em coi về thành tích Đội, ghi chép Việc thiện Đội, việc giúp các Đội khác, những cử chỉ đáng khen, những cuộc thắng vẻ vang.
·                     Em Chủ nhiệm tờ báo Đội : viêt, vẽ, đóng báo, cho ra báo, để các Đội sinh xem.

Sự quản trị Đội bằng cách chia công việc như thế là phương pháp rất hay. Các Đội sinh thấy Đội mình tiến nhờ mình một phần và có thể chúng tự tập lấy tính tình chúng và cố gắng làm tròn phận sự chúng.

Ấy vậy mà còn phải Hội đồng kiểm soát và dìu dắt các công việc nữa, và em Đội trưởng cũng kín đáo để mắt và chăm chú vào mọi việc mới thành được. Không phải Đội trưởng làm giám thị các công việc đâu, nhưng anh xem xét để khuyến khích và dìu dắt thêm vào công việc cho chạy.
3.      Những món thi.

- Ai sẽ coi cho các em mới vào Đội thi chương trình Hướng đạo Tân sinh ? Em nào giỏi về thông tin sẽ dạy một em kém hơn. Cứu thương cũng thế. Bằng chuyên hiệu ? Nghề riêng của Đội? Ai dạy ? Đó là những vấn đề phải bàn ở Hội đồng Đội.
4. ĐỜI SỐNG CỦA ĐỘI TRONG ĐOÀN
- Những cuộc thi giữa các Đội phải được chuẩn bỊ trước. Làm sao cho Đội em là Đội nhất của Đoàn, và làm sao cho Đội sinh em biết rằng em quý quyền lợi Đoàn trước quyền lợi Đội. Chớ có ganh tỵ các Đội khác. 

Trái lại phải khen hay làm tiếng reo mừng Đội thắng. Nói thế chứ em cũng dành phần thắng về Đội em. Lại còn làm tiếng reo tặng Đội đã thua một cách vẻ vang nhất.
 

Còn vấn đề trại, họp, thám du cũng phải bàn ở Hội đồng Đội. Có nên chia công việc cho Đội sinh không ? Khi đi thám du phải có gì ? Ai làm việc gì ? Bữa trại vừa rồi chúng ta có hát nhiều không ? Hát có hay không ? Có vừa làm vừa hát như bác nông phu ở đồng quê không ?

Em nên bảo các Đội sinh em rõ hát là đoàn kết anh em lại, tập anh em quên mệt, vui chơi, dù dưới mưa hay dù vác cây nặng đi đường dài về mùa hè. Em có nên đặt một cuộc thi giữa các Đội sinh em : em nào sẽ hát nhiều nhất ở buổi trại sau chẳng hạn.


Trong đời sống của Đội lại còn : 
5. VIỆC THIỆN ĐỘI
- Đấy là những cử chỉ hay của Đội. Có Đội tự bắt buộc phải làm một Việc thiện lớn mỗi tháng chung cho cả Đội. Còn Việc thiện riêng, em nào cũng sẽ ghi chép vào một mảnh giấy để chủ nhật sau họp Đội đưa cho Đội trưởng. 

Bên nước Anh có một Đội, chỉ trong một tháng mà đã lượm được 7.232 đồ đạc vất bỏ : sắt vụn, mẻ chai, vỏ chuối, đinh nhọn rơi ngoài đường. 

Tốt hơn em nên bảo Đội sinh em, khi nào thấy lá khô, giấy rơi hay vật gì dơ bẩn giữa đường thì lấy đi, như bên Nhật bản, dù là ông quan to đến đâu khi thấy mảnh giấy con giữa đường cũng cúi xuống nhặt bỏ vào giỏ rác đặt trên lề đường ấy. Có thế người ngoại quốc mới biết phục cái sạch của họ. Còn một sự vinh quang hơn là làm Việc thiện mà không cần quảng cáo hay nói cho ai hay.

Có nhiều Đội lượm củi giúp một bà già, quét vôi vách tường cho một người nghèo hay dọn vườn ông cụ cho sạch sẽ. Biết bao là Việc thiện, biết bao là người nghèo khổ đang cần lòng tốt các em giúp.

Em nhớ đến gương các hiệp sĩ xưa.


Còn một vấn đề căn bản ở Hội đồng Đội nữa là góc Đội.
6. GÓC ĐỘI
Đoàn phải có Đoàn quán, Đội phải có góc Đội và các Đội sinh thường gọi là ổ, như ổ gà, ổ én, ổ ong, . . . hay hang như hang sư tử, hang chồn, hang gấu, .. .

Em phải có một góc Đội tử tế, đẹp đẽ để có thể nói chuyện thân mật được, chơi, hát, họp Đội. Em nên tìm cái gì hay đẹp, hay sáng kiến ra cái gì lạ để làm cho góc Đội đẹp thêm, đầy mỹ thuật, công phu.


Trong góc Đội ấy có tủ sách, tủ tiền, ghế ngồi, bàn thờ và các đồ mỹ thuật khác mà em vẽ treo trên tường.

Những cuộc đi thăm góc Đội khác là để gây thêm sáng kiến cho em để làm góc Đội em càng đẹp chứ không phải để bắt chước họ. Anh dặn em nên lấy đề là con thú tên Đội em mà nghĩ ra thêm phần mới lạ. Tốt hơn, là tất cả Đội sinh đều chung tay vào việc trang hoàng góc Đội. Một bức vẽ của một Đội sinh dù không được khéo lắm cũng còn đáng giá hơn trăm ngàn lần một bức vẽ của một họa sĩ trứ danh.

Chắc em sẽ treo những ảnh chụp. Anh mong rằng đây không phải là chỗ trưng bày một cách lộn xộn trăm ngàn ảnh tài tử chiếu bóng hay ảnh kép hát, mà ở đây em sẽ treo những ảnh đời sống hoạt động của Hướng đạo ở trại, ở Đoàn quán, hay những phong cảnh đẹp, những buổi họp bạn đông đúc, những Hướng đạo sinh đang truyền tin, đang thi gút hay đang thi bơi, .. .

Một cách hay cho các Đội sinh làm việc là mở cuộc thi, ví dụ làm ghế ngồi. Công việc sẽ làm ở nhà giữ kín, đến hạn sẽ đem nạp cho Đội trưởng chấm. Những cuộc thi này có nhiều kết quả phi thường lắm em ạ ! Em có thể tổ chức những buổi họp để làm việc chung, nhưng em phải báo trước các Đội sinh biết mình sẽ làm gì để chúng đem đủ dụng cụ mà làm.

Em phải treo con vật tên Đội em vào chỗ danh dự. Con vật ấy sẽ vẽ trên giấy hay sơn trên vải, hay chạm bằng đá, bằng gỗ hay nặn bằng đất sét. Em nên thu góp tất cả những cái gì dính dáng đến con vật Đội, về tranh ảnh, về hình ảnh đời sống, về tính tình, về phong tục của nó, hay em núp kín để quan sát nó, để em có thể biết rõ nó và viết về đời sống của nó. 

Các em tự gắng đóng lấy những đồ dùng: ghế ngồi, bàn ăn, bàn giấy, móc áo hay giá treo gương để soi mà mặc áo quần chỉnh tề trước khi đi họp hay đi trại vì rằng Hướng đạo không bao giờ ăn mặc xốc xếch; những ghế ngồi mà có thể sắp xếp cái này trên cái kia rất tiện lợi, những cái bàn gấp đôi lại được cũng đầy vẻ mỹ thuật. Lại còn bản đồ của các vùng, bảng gút, bảng Morse, bảng xêmapho hay những bức tranh nhảy lửa trại hay bóng dáng cũng con vật tên Đội, hay giá để gậy, giá treo nón, bảng sao, bảng dấu đường, những kiểu cầu, kiểu lều, kiểu trại, kiểu bếp đào, kiểu nhà lá, là tất cả những thứ mà em có thể trang hoàng trong góc Đội một cách thứ tự, đơn giản và đầy mỹ thuật.

Nếu em còn chê là chưa đủ, thì đây là bức vẽ Cụ B.P., bảng ghi các trại đã đi, một hộp tiền hay đồ vật để làm Việc thiện, một bình hoa nho nhỏ, tươi tắn, một bảng tên Đội sinh hay bảng những bằng chuyên hiệu đã qua được, những điểm đã thắng về các trò chơi hay về khám Đội, bảng yết thị, bảng lịch tự làm lấy. Cũng chưa hết, lại còn chỗ để vật liệu về trò chơi, cờ truyền tin, tủ để số tay, viết chì, dây lớn, dây nhỏ, quả bóng và các gậy của Đội mà trên ấy các Đội sinh của Đội biết chạm trổ tên Đoàn, Đội, con thú Đội hay lịch sử về Hướng đạo hay muôn ngàn cảnh đẹp hơn nữa.

Em có thể đóng một cái bảng đen để viết với phấn, bảng ấy sẽ giúp em viết, vẽ hình ảnh mà giảng dạy, để viết những yết thị, châm ngôn cả tuần hay là dấu Hướng đạo.


Em lại đóng một quyển “Đội phả” (như gia phả) để viết những kỷ niệm trại hay họp Đội, trong ấy sẽ viết tử tế, vẽ rất đẹp đẽ, làm rất cẩn thận và em sẽ giao cho mỗi Đội sinh viết một lần.
C. Kỹ THUẬT HƯỚNG ĐAO VÀ CÁC MÔN THI RIỂNG CỦA ĐỘI
Em đã vào Hướng đạo, em không cần đem theo vào một phương pháp nào hay hơn phương pháp Hướng đạo mà các Trưởng đã dạy em. Phương pháp Hướng đạo đã kinh nghiệm nhiều, thử thách nhiều mà vẫn đứng vững và có điều chắc chắn là ai cũng nhận là nó đúng với sự giáo dục thiếu nhi vì khắp hoàn cầu đâu cũng có và cũng biết Hướng đạo là gì. Em chỉ cần tìm lấy nó, nắm nó trong tay, yêu mến nó, để đem nó ra thi hành trong đời em, rồi em sẽ không khi nào hối tiếc đã làm “Hướng đạo".


Em đã biết chương trình Hướng đạo Hạng Nhì, Hướng đạo Hạng Nhất gồm những món gì. Biết bao sách nói về cái ấy. Điều cần là em biết áp dụng kỹ thuật Hướng đạo của em vào công việc em và chỉ cho các Đội sinh em tập “sẵn” để giúp người. Vì em biết rằng, ta chỉ có thể là một Hướng đạo sinh tốt khi đã lên hạng Nhất. Nên em muốn cho Đội sinh em lên hạng Nhất càng sớm càng hay, không phải là vì em chỉ cốt học kỹ thuật, mà cốt để tự tập luyện, và để có thể giúp ích. 

Kỹ thuật Hướng đạo giúp cho các Đội sinh trở nên khéo léo nhờ gương Đội trưởng và các huynh trưởng, nhờ công việc mình làm riêng, hay công việc làm chung với Đội, nhờ trò chơi và cuộc thi.
Gương các Huynh trưởng.
 - Hướng đạo là trò chơi mà các em Đội sinh tự học lẫn nhau : em biết dạy em chưa biết. Các Đội sinh thường thầm phục các em giỏi, cái gì cũng biết, cũng thạo và nhờ thế mà các Đội sinh mới cố gắng cho bằng, cho giống các em ấy. Muốn thế, em là Đội trưởng, em phải giỏi, phải thạo để các Đội sinh em phục tài em mà bắt chước theo em.
Công việc riêng và chung.
- Em biết rằng các Đội sinh em không chỉ tìm để biết mà thôi mà lại còn tìm biết mà làm ra được nữa. Điều cần là phải làm, làm luôn, làm nhiều về những kỹ thuật đã học được.

Ví dụ về gút: em cho làm những thủ công cần có gút mới làm được. Em chớ quên bắt Đội sinh em làm với em. 

Ví dụ : em dạy một cái gút, em chớ để các Đội sinh ở không. Chúng cười giỡn nhau hay đãng trí khi em cắt nghĩa : con rắn nó bò lên bờ giếng, nó gặp cái cây,... em phải bắt chúng tìm một đoạn dây làm theo em. Rồi bày ra trò chơi cần áp dụng gút ấy.
Cuộc thi.
- Muốn cho các em có tinh thần thi đua với nhau (nhưng chớ ganh ghét nhau) em nên mở những cuộc thi trong Đội. Em nên cho thi riêng những em kém với nhau, những em giỏi với nhau.

Em nên ghi nhớ rằng : làm gì cũng bằng trò chơi cả, ở đâu cũng có sự thi đua, ở đâu cũng hát, ở đâu cũng vui, nhất là ở góc Đội.

Nếu em muốn thấy bảy miệng đồng cười, em cười trước, vừa cười vừa làm, vừa dạy vừa tập và tập các Đội sinh em cười thăng thắn khi chơi cũng như khi làm.

Muốn các em hăng hơn, em giao cho chúng tự chép tên mình vào bảng ghi các chuyên hiệu đã đậu, với ngày tháng rõ ràng và ghi cả ngày mình mang đẳng thứ Hạng Nhất hay Hạng Nhì Hướng đạo.

Nếu chúng có lòng làm việc, chúng sẽ gắng học tập để ghi tên mình vào bảng trống.

Nhưng em nên tránh những cuộc chạy đua đến chuyên hiệu hay cuộc săn chuyên hiệu, vì săn chuyên hiệu không phải là Hướng đạo, như Cụ B. P. đã nói. Điều quan hệ là tự tập tính tình.

Được nhiều chuyên hiệu mà mất tinh thần Hướng đạo thì có ích gì ?

Hiểu rõ kỹ thuật, biết thực hành kỹ thuật Hướng đạo là một cách tập nghi lực, chí nhẫn nại, lòng giúp người, lòng tự tin, óc tự túc, tánh tháo vát và sức khỏe. Đây cũng là một cách tập tính tình cho can trường, thẳng thắn, cẩn thận.

Còn một điều quan trọng nên tránh nữa là chớ xem những món thi như những cuộc thi quan trọng ở học đường. Chớ có hạn ngày thi, giờ thi trước. 

Trong một Đội, có khi anh Đoàn trưởng đến thăm và cho một trò chơi lớn về truyền tin trong lúc ngẫu nhiên, chứ không nghĩ trước hay báo trước cho Đội biết. Những em nào thắng cuộc chơi ấy là phải giỏi Morse và xêmapho và lẽ tất nhiên em ấy phải qua về truyền tin Hạng Nhất hay Hạng Nhì Hướng đạo. 

Thi như thế giản tiện và hợp lẽ, phải không ?

Muốn cho món thi qua hẳn, thì phải làm thật sự; ví dụ : băng bó tử tế sau khi đã rửa tay, làm một bếp lửa đúng cách, bó chắc chắn một chân gãy, trước mặt nạn nhân tỏ ra điềm tĩnh và biết rõ điều mình phải làm. Thế là qua môn Cứu thương rồi.

Muốn các Đội sinh em mau tiến bộ về kỹ thuật Hướng đạo, em hãy nghe đây :
·                     Về các môn thi ở chương trình đẳng thứ Hạng Nhì và Hạng Nhất, đấy là dịp để nhớ đến điều Luật thứ 7 và để làm xong công việc chứ không bao giờ bỏ dở.
·                     Nên bắt làm lại nhiều lần những việc dầu thường đi nữa, trước khi nói “dễ” hay “biết rồi”.

Làm cho các Đội sinh biết rõ ràng : biết qua loa một điều gì không đủ mà phải biết kỹ càng, biết rõ đến nơi đến chốn, biết rõ ràng, chắc chắn, mau lẹ.

Biết cũng được, nhưng cần biết làm nữa. Muốn vậy, em kể một chuyện khi làm một cái gút, khi săn sóc một đầu gối bị thương hay khi truyền tin cho ai.

Có thể em sẽ thấy trong cặp mắt của các Đội sinh em bao lòng hăng hái muốn làm, muốn sẵn sàng làm hay do dự không dám làm. Nếu em thấy hơi lơ đãng, ít vui khi nghe bảo làm, em phải dạy lại kỹ hơn cho chúng biết kỹ.

Chia công việc ra nhiều nhóm nhỏ sẽ giúp cho công việc chóng thành công một cách không ngờ được. Nguyên tắc “Kẻ biết dạy người không biết” là một luật vàng. Có vài lúc trong buổi trại hay buổi họp, em chia Đội ra làm ba bốn nhóm nhỏ. Em này đã lên Hướng đạo Hạng Nhì sẽ dạy dấu đường cho một em mới còn “mặt tái” (mới vào). Em kia đã qua chuyên hiệu cứu thương sẽ chỉ lại cách băng bó cho những em muốn thi Hướng đạo Hạng Nhì. 

Đấy là hợp với phương pháp Hướng đạo và rất vui, rât mầu nhiệm.về chuyên hiệu, em nên khuyến khích các Đội sinh thi trước, lấy những chuyên hiệu nào có ích và hay dùng được và có thể nâng cao tâm hồn các em : cứu thương,.. .

Em lại phải tùy theo sở thích của Đội sinh mà khuyến khích : em nào có khiếu về thiên nhiên, cây cỏ sẽ học về thảo mộc, em nào ưa về thú rừng sẽ học “bạn thú rừng hay bạn chim chóc”,. ..

Tóm lại, anh nói cho em biết là chớ khinh thường kỹ thuật Hướng đạo vì nó là “cơm bữa”.

Nếu em nghĩ rằng biết cả 36 cái gút không ích gì, em nên hiểu xa rằng có một sợi dây thân ái kết chặt anh em Hướng đạo trong việc học kỹ thuật với nhau và làm cho anh em thích làm việc hơn là ngủ, thích giúp kẻ khác hơn là sống an nhàn, thích kỹ thuật Hướng đạo mới có lòng giúp người và giúp được việc cho người.
D. TINH THẦN ĐỘI
Và đây, chúng ta lại tìm biết cái hay trong Đoàn để giúp Đoàn tiến mãi, tiến xa : đây là tinh thần Đội.

Sách này không nói tinh thần Hướng đạo đã giúp cho Đoàn nên hoàn toàn, giúp cho Hướng đạo sinh quyết trung thành theo lý tưởng, quyết tận tâm giúp người, thân yêu, vui vẻ với anh em. Nhưng nếu Đội sinh của em có tinh thần Đội vững vàng, anh chắc chúng sẽ có tinh thần Hướng đạo vững, vì tinh thần Đội giúp nhiều cho tinh thần Hướng đạo.

Tóm lại, tinh thần Đội chỉ là tinh thần Hướng đạo trong Đội mà thôi. Đội phải là một tảng, một tảng xi-măng rắn chắc. Cả tảng ấy cần một chất để gắn bó lại, ấy là tinh thân Đội. Tình đoàn kết trong Đội, lòng quyến luyến theo Đội, ý muốn cho Đội mình tiến, lo cho danh dự Đội, đời sống Đội: đó là tinh thần Đội.

Nếu em thích Đội em thua cuộc thi, nếu em ham đi xem chiếu bóng, coi hát hơn là đi họp hay đi trại thì em khác còn tinh thần Đội nữa. 

Nhưng nếu em lập được một gia đình nhỏ quây quần chung quanh ngọn cờ Đội và người giữ cờ ấy (Đội trưởng), nếu các Đội sinh để ý đến danh dự lá cờ Đội, đến sự tiến bộ của Đội, các em sẽ thấy buồn khi một em phạm vào một điều luật hay làm điều gì để mất danh dự Đội, nếu các em vui khi thấy một Đội sinh tiến về kỹ thuật hay về tinh thần, hay làm được Việc thiện quý, nếu các em tập tành cho nhau trở thành những Hướng đạo sinh luôn luôn chân chính, hoặc lúc nào, ở đâu cũng thế, trước mặt huynh trưởng hay trước mặt cha mẹ, thầy giáo, bạn hữu. Như thế là các em có một tinh thần Đội vững vàng, và anh muốn vào gia đình vui vẻ các em vì trong ấy tất cả mọi người đều làm việc cho nhau.

Đây anh chỉ cho phương pháp gây tinh thần Đội:
l. Tên Đội
- Có tên Đội, mà không gieo tính tốt của con vật biểu hiệu Đội thì không ích gì. Chúng ta không có ý thờ một con vật gì như nhiều dân tộc thuở xưa, để mong nó phù hộ cho họ khi họ khoanh tay không làm gì cả.

Đáng lẽ là có một tên gì tốt đẹp, Đội lại mang tên một con cầm thú. Em nên chọn một con vật gì mà em thường thấy và có biết về đời sống của nó. Làm sao cho Đội sinh em biết cảm động cho danh dự con vật tên Đội em. 

Ví dụ : Đội Sóc lấy làm vinh dự là luôn luôn lanh lẹ chạy đến khi còi tập họp; Đội Gà dậy sớm, Đội Họa Mi hát hay. Phải biết nhiều về con vật Đội, tập quán nhỏ, đời sống, tính tốt của nó. Lại phải biết vẽ con vật đó rât nhanh : một nét hay hai nét. Quan sát kỹ nó, tập vẽ các kiểu đi, đứng, năm, đậu của nó. Chạm nó vào gậy, vẽ nó vào tường, năn hình nó với đất sét.

Nêu em yêu nó, và nếu em vẽ đẹp, nó sẽ giúp em trong nhiều việc hay và em sẽ sáng kiến được nhiều cái đẹp với nó.

Tự lựa một tên Đội rất có ích. Đội sẽ có màu Đội và biểu hiệu của Đội. Các màu ấy em dùng luôn vì là màu cờ em, và làm màu tua vai em.

Đội có thể chạm một cây gậy để treo cờ Đội. Các em sẽ đem cả mỹ thuật mà làm cho gậy Đội đẹp đẽ, hùng dũng khi dùng cắm trước cổng trại hay khi chơi lửa trại.
2.  Châm ngôn Đội
- Khi quan sát con vật biểu hiệu Đội, em cố tìm một tính tốt đậc biệt của con thú Đội, em thích có tính hay ấy và em đật làm châm ngôn Đội, để bắt chước đó mà theo. Đáng lẽ họp Đội sinh với tiếng gọi : “ Hướng đạo sinh, sắp...” - “...sẵn” như ở Đoàn, em lại họp bằng tiếng gọi châm ngôn Đội; Gà ! ... Dậy sớm ! Ong ! ... Siêng năng ! Nai!...Lanh lẹ! Châm ngôn càng ngắn, càng mau thì lại càng giống tiếng còi thúc giục các em hăng hái lên để làm việc trong sự trật tự, trong vòng thân ái, trong lòng ưa giúp việc.
Anh quả quyết với em rằng tinh thẩn Đội là một sức mạnh cho em dẫn Đội.
Em hãy tìm một châm ngôn đẹp đẽ như châm ngôn các hiệp sĩ và cố gắng mà noi theo.
3. Tiếng của Đội
- Tiếng của Đội và châm ngôn Đội có thể là
một mà cũng có thể là hai điều riêng biệt. Tiếng của Đội sẽ là tiếng kêu của con thú tên Đội, dùng để gọi các Đội sinh khi bắt đâu nhảy vào cuộc chơi, cuộc thi, khi khám trại hay đê cảm ơn hay chào ai,... Nếu trong Đội em có em nào kêu giống tiếng kêu 56      SINH HOẠT HƯỚNG ĐẠO - ĐHQ
của con thú tên Đội, em sẽ cho em ây băt đâu tiêng kêu của Đội và chỉ huy tiếng kêu Đội mỗi khi cần. Phải kêu thế nào cho to, cho mạnh, cho đều nhau và nhất là cho giống. Tiếng kêu phải ngộ nghĩnh, không phải chỉ để hét lên cho ồn, mà phải ngắn, có nh;p điệu hấp dẫn, vui vẻ, nhẹ nhàng, thanh tao hay mạnh mẽ, hùng dũng tùy theo lúc.
4. Đặc điểm của Đội
- Người ta còn gọi là “nghề riêng của Đội”. Đây cũng là một cách giúp cho tinh thần Đội em càng mạnh. “Nghề riêng của Đội” sẽ giúp cho Đội thành một Đội đậc biệt, không giống những Đội khác. Đấy là đời sống riêng của Đội, là tinh thần riêng của Đội em. Nghề riêng ấy hợp tinh thần Đội em lại, nếu tinh thần ấy bị xao lãng đi. Còn cái hay là nghề riêng của Đội sẽ thu tiên vê cho Đội.
Làm thế nào chọn kỹ nghề riêng của Đội ? Em phải để ý đến tài năng và lòng ham thích của các Đội sinh đậc biệt về một điều gì. Sao cho các Đội sinh thích nghề ấy và ưa thực hành.
Các em có muốn trở nên những người Cứu thương rành nghề không ? Các em sẽ làm biết bao là Việc thiện. Nhimg các em phải sắm cho sẵn sàng. Nào hộp thuốc, nào băng bông, nào cáng khiêng, . . . Cần phải có sẵn luôn. Nếu biết cấp cứu mà không sẵn đồ thì cũng thành vô dụng.
Các em có muốn thành những người thợ rừng lành nghề không ? Nếu các em ở gần rimg núi, đây là d;p hay để các em học hỏi về các thứ cây rimg, tính chất và công dụng của mỗi thứ. Các em sẽ theo những thợ rừng, tập sống đời sống của họ để học hỏi nhiều cái hay. Các em sẽ tự làm lấy và tự trang hoàng lấy gậy, dụng cụ, đô đạc hoặc làm đô đê triên lãm.
Hay là các em muốn thành những người thợ điện ? Em sẽ sống và học hỏi theo một người thợ điện thật rành. Em sẽ giúp nhiều cho Đoàn quán em và cho gia đình em. Nhưng phải làm cách nào cho thạo nghề riêng ấy.
Em nên chia ra từng nhóm nhỏ, từng hai người một để làm việc chung nhau theo chương trình đã định ở Hội đồng Đội. Mỗi người sẽ làm một việc rõ ràng. Hay em cũng có thẻ cho thi trong Đội. Mỗi người cố gắng làm một cái thủ công thật tinh xảo.
Anh có biết một Đội chuyên nghề nuôi thỏ từ hai năm nay. Họ thi nhau mà nuôi. Nuôi mà thi. Con thỏ nào đẹp nhất, to nhất sẽ biếu cho một bà cụ già nghèo khổ, đông con cháu mồ côi. Còn những con khác thì đem bán lấy tiền cho quỹ Đội. Có một Đội trong ký túc xá trong một trường trung học lại chuyên nghề đóng sách mạ vàng rất đẹp. Nấu các em lấy chuyên hiệu làm nghề riêng cho Đội, ví dụ “chỉ đường” thì phải làm cho các Đội sinh em hiêu rõ ràng vê nghê ày. Ròi các em sẽ làm việc chung nhau, làm một việc hơi khó có dính dáng tới nghề ấy để thử tài năng của các Đội sinh. Ví dụ : vẽ bản đồ các đường đi từ nhỏ chí lớn trong vùng của em đúng theo phương hướng và bề rộng và khoảng đường dài ngăn. Sau lại tập vẽ một bản đô đây đủ hơn.
Cái hay là đi từ dễ đến khó, từ giản dị đến phức tạp. Em sẽ chia công việc ra và tự điẽu khiên lây công việc. Em găng làm thật tử tế và làm nên việc mới thôi ! “Không bỏ dở” là luật của em.
Nhưng dù sao, em là Đội trưởng, em phải mau thạo nghề riêng của Đội, lại phải khéo léo, có nhiẽu ý kiên, nhiẽu sáng kiên hay. Em còn phải can đảm, bền chí để đi đến cùng.
5. Bài hát Đội
- Bài hát Đội cũng giúp cho tinh thẩn Đội càng vững thêm. Em chớ tự em đặt bài hát theo điệu mới hay cũ khi mà em đã có một Đội sinh biết âm nhạc và hát hay nhất trong Đội. Các em có thể ca tụng các đức tính con vật Đội mà quyết noi theo.
6. Nhật ký của Đội
- Có nhiều Đội có nhật ký Đội và lấy đó làm vinh dự. Có thẻ là một tập bích báo đóng góp từng tờ giấy một của các Đội sinh tự mình viêt và vẽ vào đây đê anh em trong Đội đọc chung. Trong ấy sẽ viết những chiến công oanh liệt về các cuộc thi, vê họp, vê trại Đội, trại Đoàn, hay những ý kiên riêng của các huynh trưởng, của Đội trưởng, của Đoàn trưởng hay những bài hát mới, bài khảo cứu về lịch sử Đội, đời sống con vật tên Đội và đức tính của nó.
Em sẽ giao công việc ây cho một em giỏi quôc văn, vẽ đẹp, làm chủ nhiệm, chủ bút.
Đấy có thể là một tờ báo mà nhiều người viết, đánh máy. Đôi khi em nên cho ra một tờ đậc san về lễ gì, về d;p Tết, về dịp hè, hay vê một trại huân luyện Đội trưởng chăng hạn.
Neu các em là văn sĩ hay họa sĩ, các em sẽ bán các báo Đội các em và nêu có người mua thì anh Thủ quỹ Đội sẽ vui lòng lăm.
7. Lễ Đội
- Anh đã nói ở mục trên rồi. Có lễ Đội, tinh thần Đội mới thêm chặt chẽ hơn vì sự sửa soạn của Đội cần tinh thần đoàn kết, thân ái, lòng giúp việc nhau, ý hợp với nhau. Có lễ Đội, các Đội sinh mới vui hơn, mới nhiẽu sáng kiên hơn, mới thô lộ được lòng can đảm, quảng đại của mình và mới rõ được tinh thần Hướng đạo các em.
8.  Tinh thần Đội hoạt động
- Tinh thần Đội mà chúng ta để ca tụng ở mục trên đem đến kết quả nào ? Lẽ tất nhiên là nó có nhiều ảnh hưởng tốt trong Đội và cả ngoài Đội nữa. Trong Đội thì là một sự giúp đõ nhau rất thân thiện. Lớn giúp nhỏ, chân cứng giúp chân mềm. Người này lo cho người khác về mọi người đều lo cho sự tiến bộ của Đội. Các Đội sinh sẽ cùng nhau vui sướng khi được nhất môn gì và cùng nhau chia buồn khi có sự không may.
Tinh thẩn Đội mà được thế thì giúp cho Đội trưởng biết bao là uy quyền hơn. Trong Đội sẽ có trật tự tự giác của Hướng đạo, một nền trật tự, vâng lời, tự mình bắt buộc lấy mình. Trật tự ấy là thi hành lanh lẹ và đúng đắn theo luật Đội, Luật Hướng đạo, lệnh của Đội trưởng và của Đoàn trưởng. Trong trật tự Hướng đạo không có cái gì là bắt buộc hay đem quyền bính ra áp chế bao giờ. Đây chỉ là lòng thành của các Đội sinh và chỉ vì ai cũng cùng một lòng muốn thế mà thôi. Làm sao cho Đội sinh lo làm công việc chung, phải làm không phải vì chúng đã vâng lệnh làm mà vì chúng muôn làm và thày vì sao cân phải làm.
Và đôi khi nên giải thích tại sao có lệnh này hay quy định kia, không phải để cho các em “dễ nuốt hơn”, nhưng để các em hiểu Nghề Đội Tnrởng           59
rõ hơn và do đó, thi hành hăng hái hơn. Như thế, làm cho ta tránh những câu hỏi, những do dự, những cãi cọ, và đó cũng là một cách tỏ lòng tin các Hướng đạo sinh.
Và vì chúng ta nói đến kỷ luật, nói đến điều khiển, thì em Đội trưởng ơi, em cũng đừng quên rằng em cũng là một người anh cả trong Đội. Phải tránh hai thái cực : quá tốt, làm cho các em nhờn; quá nghiêm, làm cho các em tránh xa.
Tinh thần Đội cũng đưa đến nhiều kết quả tốt về Đội. Tinh thần ấy thúc giục các Hướng đạo sinh làm Việc thiện Đội. Làm Việc thiện chung thì vui sướng biết bao. Còn vui sướng nào hơn là cùng nhau giữ kín được một Việc thiện đã làm, giữ kín được là giữ cho mình vinh dự đã làm Việc thiện. Nếu các em có một tinh thần Đội cao, thì tại sao, trong d;p lửa trại, trong một lễ Đội, các em lại không lôi kéo được một em mới vào chơi Hướng đạo, đê giáo hóa em ây nhờ sự vui tươi và gương tôt của các em.
Rồi các em sẽ làm cho cả những người lớn thấy rằng cố gắng đến Đức Hạnh là một việc rất thích thú và rằng chúng ta có thể tìm thấy vui sướng trên những con đường khác của Thế tục, trên những con đường Trung tín, Giúp ích, Trong sạch.

Anh không chấm dứt Chương “Đội em trong Đội” mà không nói với em vẻ một vật rât hữu ích cho Đội trường :
SỔ ĐỘI
Anh không chấm dứt Chương “Đội em trong Đội” mà không nói với em vẻ một vật rất hữu ích cho Đội trường :
Quyển sổ Đội
Không phải là quyển sổ bò túi của em, quyển số chép đầy trò chơi, bài hát mà anh sẽ bàn đến sau. Đây là quyển sổ của Đội. Trong đó em có những trang để ghi chi tiết về Đội em, những trang dành riêng cho các Đội sinh, mỗi Đội sinh một trang, trên trang đó em ghi họ tên, tuổi, ngày tuyên hứa, các chuyên hiệu đã qua của mỗi em, những trang ghi bảng kê các vật dụng của Đội, lịch sử của Đội, bảng chi thu, bảng kiểm diện các buổi họp, v.v...
Đó là quyển sổ chính của Đội, và phải được giữ gìn cẩn thận trong thư tịch của Đội.

Những khó khăn, trở ngại.
Em đừng là một Trưởng “hỏng bét” cứ đi than thở mãi, cũng đừng là một Trưởng “cóc cần”, không lo nghĩ gì cả.

Em hãy nhìn thẳng công việc phải làm, và cả những khó khăn phải đương đầu. Không thể thành một Trưởng dễ như trở bàn tay đâu. Đôi khi có những điều dị nghị, có nhiều khó khăn phải vượt qua. Nhìn các trở ngại, khó khăn ấy với lòng can đảm của em rồi lướt qua hết.

Ví dụ có em Đội trưởng dị nghị rằng : “Tôi không có đủ thì giờ để dẫn dắt tích cực Đội tôi”.

Có cần nhiều thì giờ lắm đâu ? Hai giờ mỗi tuần, có nhiều lắm không? Nếu mỗi tuần em cần 1 giờ để đọc truyện nhảm, một giờ để bàn tán về thể thao, 2 giờ để xem chiếu bóng, thì trong trường hợp đó, anh đồng ý với em, em không có thì giờ để làm một Đội trưởng đang mặt, và anh phải khuyên em : “Em từ chức đi !”

Về phần các nhà giáo dục, các phụ huynh, có khi em nghe nói câu này, và phải biết cách trả lời :
“Làm thế nào mà một trẻ 15 tuổi có thể thành một Trưởng được?”

Em phải giải thích cho họ - không phải bằng cách nói rằng : “Quý vị không biết gì hết !” Hay bằng sự khinh bỉ, ngạo mạn - mà bằng hành vi, cử chỉ của em, bằng tinh thần, bằng tính khí của em. Biết vâng lời để biết điều khiển. Và em sẽ trả lời rằng : “Xin Quý vị cố gắng quan sát Hướng đạo, rồi Quý vị sẽ thấy là có thể được”.
Những cuộc thi giữa các Đội đem lòng ghen ghét nhau.
Có người nói thế. Có lẽ em cũng sợ cái nạn đó phải không ? Và có lẽ em cũng nhận thấy rằng đó là hòn đá ngầm, một trở ngại thật sự.

Lòng tranh đua có thể trở nên lòng ganh ghét nhau nếu anh huynh trưởng thiếu uy quyền và nếu anh ấy không biết gieo mầm thân ái chặt chẽ vào mỗi Đoàn sinh. 

Anh ấy quên nhắc điều Luật thứ 4 cho các em rõ. Anh ấy quên bảo bên thua thành thực làm tiếng reo khen bên thắng, và quên cho các Đội đến thăm nhau, làm Việc thiện hay giúp việc lẫn nhau.

Có đôi khi vì việc Đội em : một Hướng đạo sinh đã lâu mà không lên được Hạng Nhì, một em khác có một tính rất xấu mà em chưa sửa được, em Đội phó của em trở nên lãnh đạm và ít hăng làm việc, cần kiên nhẫn, kiên nhẫn, kiên nhẫn. Việc đó thất bại, em làm lại. Có lẽ lần trước em làm sai chăng ? Em thử đủ mọi cách chưa ?

Nếu em đã thử đủ mọi cách rồi mà một Đội sinh của em vẫn không tiến, thì cách làm cho em ấy tiến không phải là la rầy em ấy, hay em sinh ra chán nản. Nên cầu nguyện rồi với chí bền gan và lòng tin tưởng nơi phương pháp Hướng đạo, nơi em, nơi Đấng Chí Tôn, em sẽ thành công. Em nhớ câu này của Cụ B.P. : “Trong khi các anh còn thở được một hơi thở, các anh chớ vội tưởng mình đã chết rồi”.

Trên đây anh đã nói cả về : Đội ở nhà rồi. Em còn mong gì hơn ? Anh thành thật khuyên em gắng làm việc, suy nghĩ, tìm tòi và vui tươi mà làm việc.



Bây giờ chúng ta nói về trại.
TRƯỚC KHI ĐI TRẠI
Chắc em cũng thừa hiểu rằng theo lý thuyết mà nói thì phải là Hướng đạo sinh Hạng Nhì mới được đi trại Đoàn và Hướng đạo sinh Hạng Nhất mới có thể dẫn trại Đội.

Muốn đi trại Đội, em phải xin phép cha mẹ. Phải xin phép chủ đất cắm trại. Các Đội sinh phải biết trước chỗ đi.

Em nên hỏi thăm anh Đoàn trưởng em trước, nhất là buổi trại đầu tiên. Có lẽ anh Đoàn trưởng hoặc Cha Tuyên úy hay Thầy Cố vấn Giáo hạnh sẽ đến thăm trại, nhưng em cứ sửa soạn trại như không có các Trưởng ấy đến. 

Trại Đội cần được chuẩn bị lâu dài: đời sống hăng hái ở Đội, học tập cẩn thận chương trình Hạng Nhì, tìm cách gây quỹ Đội, kiểm soát lại vật dụng.

Rồi gần đến ngày trại, lại phải chuẩn bị : em phải ghi những điều đem đi : tay, chân, răng, lòng, ... để dành riêng cho trại được vui vẻ. Lại còn tập tục ở trại. Ví dụ, tục ăn tráng miệng, tục uống nước đã đun sôi, tục rửa nồi thật sạch, tục tắm mát và tục rửa tay thật sạch trước khi ăn cơm,. ..

Trại Đội cần đủ vật liệu và sắp sẵn trước. Điều cần là đem rất ít và chỉ đem những đồ cần dùng, để khỏi nói : À mình quên đem cái này hay quên đem cái kia rồi. Chớ đem thừa, mang nặng. Trại Đội giúp tinh thần Đội càng lên và là nơi đem thực hành những điều đã học ở nhà. Trại phải vui luôn và hoạt động luôn. Có một em Đội trưởng nói với anh câu này : “Ở trại em, chỉ vắng tiếng hát khi đi rình săn thú, khi ngủ và lúc đang ăn thôi”.


Em nên năng cho đi trại Đội, nhưng trại phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Có thế các em mới quen cắm trại và rành nghề cắm trại. Các em còn học tập được nhiều tính hay.
CHƯƠNG IV: ĐỘI EM Ở TRẠI
Có một huynh trưởng bảo rằng : “ Đoàn ta làm việc về mùa Đông rất tiến bộ, chắc là có nhiều trại được mỹ mãn về mùa hè”.

Trại là thiên đường ở thế gian của Hướng đạo. Chính đó là nơi thực hành lý tưởng Hướng đạo, nơi chơi nhiều để nảy nở tài năng và đức tính của em.


Muốn chơi nhiều ở trại, em phải sửa soạn trước chương trình và sắp sẵn ngay đi để khi lên đường em có thể thênh thang dong ruổi với các Đội sinh em, để sống một đời thần tiên như các hiệp sĩ thuở xưa. Lòng các em sẽ vui tươi, trong trắng khi ánh sáng mặt trời lên thiêu cháy cả những tật xấu nhỏ nhen của em và đưa em lên đường xán lạn. Chính trại là nơi mà em có thể tập rèn cho các Đội sinh em thành những Hướng đạo sinh tốt.

Cũng chính ở trại mà các em sống đời sống hoạt động và phiêu lưu như hiệp khách : các em sống đời sống thần tiên xa lánh bụi trần. Ở trại em mới thấy cái đẹp, cái cao quý của nghề Đội trưởng và thấy sức mạnh của ảnh hưởng của em.

Điều lo lớn của em là làm sao cho Đội sinh em thành những Hướng đạo sinh rành nghề cắm trại. Em để ý đến công việc họ mà giao cho họ tự do làm việc. Em chớ tự mình làm tất cả các việc ở trại.

Trước khi đi : xem bị, đồng phục, đồ ngủ, đồ đắp; trong ngày trại xem sự tiến bộ, lòng hăng hái, sức khỏe và tinh th
n của Đội sinh.
SAU TRẠI
Em nên vấn tâm và quyết định những điều cần thiết để bổ khuyết những khuyết điểm. Sau đây là những câu hỏi mà em có thể tự hỏi sau khi mãn trại:
1.             Tôi có sửa soạn cho Đội tôi đi trại không ? Tôi có sắp chương trình trại từ lâu không ?
2.             Y phục của các Đội sinh có chỉnh tề lúc ở trại không ?
3.             Chúng có để ý đến của cải của những người quanh trại không ? Cây cối, rào dậu, đồng cỏ, trái cây, cây gỗ làm thủ công hoặc lửa trại ?
4.             Tôi có đem hộp cứu thương theo không ? Hộp ấy có sạch sẽ và đầy đủ không ?
5.              Tôi có để ý đến sức khỏe của Đội sinh tôi không ?
6.             Tôi có cố gắng rèn luyện các Đội sinh tôi không ? hay tôi chỉ sai khiến họ thôi ?
7.             Tôi có lo cho các Đội sinh tôi luôn luôn có việc làm không ?
8.             Tôi có la mắng họ sau một trò chơi không thành không ?
9.             Trái lại, tôi có cười và hát để khuyến khích họ làm việc không?
10.          Tôi có nêu gương cho họ về lòng kính mộ đạo không ?
11.          Chúng tôi có nêu gương vui tươi và lịch sự không ? Chúng tôi có giúp được gì cho lửa trại, Việc thiện không ?
12.          Cử chỉ của tôi và của Đội sinh tôi đối với các Trưởng có xứng đang không ?
13.          Ở trong lều, chúng tôi có giữ im lặng không ? Có dễ dàng và tự ý không ?
14.          Chúng tôi đã phải bực đầu bực óc mấy lần ? Các Đội sinh của tôi có gây lộn với người ngoài không ?
15.          Chúng tôi có giúp về sạch sẽ trại, lều và nhà bếp không ?
16.          Chúng tôi làm việc ra sao ? lúc đến, lúc đi ?
17.          Tôi đã giữ điều Luật thứ 8 như thế nào ? Tôi đã nổi giận mấy lần , có nản chí lúc nào không ?
18.          Chúng tôi có tiến bộ về Hạng Nhì hay Hạng Nhất không ? Có tiến bộ về tinh thần Hướng đạo, về cắm trại, về hát, về vui tươi không ?Có tiến bộ về môn gì ?
19.          Sau trại, chúng tôi xếp đặt vật dụng ra sao ?
·                     Nếu có phạm lỗi, thì đừng chán nản, đừng mất bình tĩnh, đừng la rầy, nếu không phải là rầy em, và chỉ la rầy em thôi, rồi vui tươi lên. Nếu có sai lầm, thì lại còn có dịp để vui vẻ, để hát, vì nhờ thế em được thêm kinh nghiệm.
·         PHẦN THỨ NHÌ
·         EM PHẢI TẬP RÈN CÁC ĐỘI SINH CỦA EM THÀNH NHỮNG HƯỚNG ĐẠO SINH HOÀN TOÀN
·         Trong phần này chúng ta sẽ nói đến :

1- Các Đội sinh em trong đời sống Hướng đạo
2- Các Đội sinh em trước Đấng Chí Tôn
3- Các Đội sinh em trong nước
CHƯƠNG I: CÁC ĐỘI SINH EM TRONG ĐỜI SỐNG HƯỚNG ĐẠO
Em chớ lầm. Trong đời sống Hướng đạo không phải là trong lúc bận y phục Hướng đạo đâu, cũng không phải là sự sống chung, sự giao thiệp với các Hướng đạo sinh khác. Cũng không phải là sống theo chủ nghĩa Hướng đạo. 

Mà là sống đời sống Hướng đạo, dù ở đâu, dù lúc nào cũng vậy. Khi Đội em tiến bộ về công việc hay hoàn toàn về kỹ thuật, em chớ tưởng thế là đủ. Phải làm thế nào cho các Đội sinh em thành những Hướng đạo sinh chân chính. Đấy mới là điều cần. Đành rằng, nếu Đội em là một Đội “cừ” thì chắc là các Đội sinh em là những Hướng đạo sinh chân chính cả. Nhưng anh muốn lưu ý em là đừng có thỏa mãn khi thấy các Đội sinh vui hăng, khi được phụ huynh khích lệ, khi cả toàn Đội đều hăng hái.

Vậy muốn cho các Đội sinh em sống đời sống Hướng đạo hoàn toàn thì phải cần những gì?

 Muốn thế có hai đích mà em nên theo :
·                     Chơi đầy đủ trò chơi Hướng đạo.
·                     Luyện tinh thần hào hiệp, trung thành, ưa giúp ích và nhiệt tâm truyên giáo.

Trò chơi ở cảnh thiên nhiên giúp cho tinh thần càng mở rộng và các đức tính càng nảy nở ra. Những cuộc thi ở Đội, những buổi họp Đội, trại Đội, Nghề chuyên môn của Đội cũng giúp vào sự đào luyện tinh thần các Đội sinh. Những điều mới mẻ, những điều kỳ lạ mà chúng tìm thấy ở cảnh thiên nhiên khai hóa trí óc chúng, chúng ta càng khỏe về xác thịt cũng như khỏe về tinh thần.

Tất cả những điều trên thực hiện trong hoàn cảnh, trong không khí Hướng đạo.

Hướng đạo tập cho trẻ em quan sát tận mắt những điều chúng cần biết để có thể sau này nói rõ những điều đã thấy.

Hướng đạo lại còn trừ bỏ những tật xấu bằng cách làm nảy nở những tánh tốt. Hướng đạo làm tay của trẻ khéo léo hơn để làm cho tâm hồn nó trong trắng hơn.

Hướng đạo nhận trẻ với tất cả tánh tốt, nết hay của trẻ để huấn luyện trẻ về mọi phương diện. Hướng đạo cố thỏa mãn tất cả những đại nguyện, những sở thích, những năng khiếu của các em để hướng các em theo gương Đấng Chí Tôn.

Em có thấy rằng “trò chơi thích thú” ấy là phương tiện để rèn luyện tâm hồn cao thượng không ? Em cần hiểu rõ điều đó vì em phải sống cuộc chơi ấy, phải chứng minh điều ấy và đôi khi phải nói điều ấy.

Một câu hỏi: Tại sao Hướng đạo là một trò chơi, một trò chơi lớn. Một trò chơi thích thú ?

Có phải làm cho các em tự giáo huấn lấy một cách vui vẻ không? 

Không ! cốt để làm cho các em hiểu rằng tự huấn luyện mình là một việc vui thích và để cho các em hưởng hạnh phúc được tự rèn luyện về mọi mặt, mỗi ngày mỗi khá hơn lên. B.P. đã nói: “Các anh mỗi ngày cần mỗi tiến bộ, vui sướng biết bao !”.

Đối với những người không tin những điều nói trên. Em có thể trả lời thẳng thắn rằng : “Kinh nghiệm đã chứng minh điều đó”.

Chúng ta sẽ thấy điều đó không phải là ảo tưởng.
Em bé đến, bỡ ngỡ trong đời.
Đó là trang giấy đã viết một ít rồi cần phải đọc kỹ.
Đó là một tờ giấy trắng: cần viết lên trên.

  Trang giấy đã viết rồi. - Em Đội trưởng phải tìm biết mầm tốt trong người em ấy, những sở thích của em, những nỗi lo âu, những ước muốn, sức khỏe của em, và cả những mầm thói xấu mà em phải trừ bỏ lần đi, vì đó là kẻ thù của Đội trưởng.

•   Trang giấy trắng. - Em phải viết trên ấy và tập cho em ấy tự mình viết lấy vì Hướng đạo là tự tập lấy tính tình cho mình với sự giúp đỡ và lời khuyên nhủ chỉ bảo của các huynh trưởng.
    Điều quan hệ là em phải hiểu rõ em Đội sinh ấy. Đây là một cuộc thám du dài lâu của Đội trưởng. Em sẽ tìm thấy luôn luôn những điều mới lạ trong tâm hồn của em ấy. Em sẽ dùng những điều khám phá được để làm lợi cho việc tiến tu của các em. “Biết bao nhiêu năng lực đã bị xài phí vì không ai biết để hướng dẫn hay vì anh Trưởng đã vụng về, đã bỏ mất cơ hội hay làm hỏng việc”.

    Muốn thành công trong công việc ấy, anh xin tặng em những bí quyết này :
10 BÍ QUYẾT CỦA ĐỘI TRƯỞNG
1. - Em hãy cương quyết thường nói lại một điều.

2. - Người hiền lặp lại một điều 7 lần trong miệng trước khi nói. Anh Đội trưởng lặp lại trong miệng 7 lần một lời nói giận dữ trước khi thốt ra, rồi nuốt luôn lời đó, không nói ra.
 

3. - Nếu các Đội sinh em có thể khâm phục em về mọi phương diện, em sẽ là một kiểu mẫu sống để các em noi theo.

4. - Khi nào em lầm, nói thật là lầm.

5. - Trước những việc khó khăn chỉ có bước đầu là đáng kể.

6. - Có hai thứ tâm hồn : một hạng dìu dắt kẻ khác và một hạng để kẻ khác dắt đi.

7. - Em gắng giữ tâm hồn em luôn luôn trong sạch và hướng về tôn giáo.

8. - Nếu Đội em không chạy, 3/4 lỗi là ở em, còn 1/4 là ở việc khác.

9. - Người Trưởng xứng mặt là người biết làm cho kẻ khác muốn điều gì.

10. - Đội trưởng phải làm chủ lấy mình và là người giúp việc cho các Đội sinh trong Đội.



Mười điều trên là bí quyết thành công của em .
GIÁO HOÁ TÂN SINH
Và bây giờ ta hãy bàn đến phương pháp Hướng đạo mầu nhiệm trong việc giáo hóa em Tân sinh mới nhập Đội em.
Trò chơi của chúng ta đinh tập cho em ấy trở thành một Hướng đạo sinh, nghĩa là một thiếu sinh có lý tưởng “Sắp sẵn”
·                     nhờ sự khéo léo
·                     nhờ sức khỏe
·                     nhờ tính khí của nó.

A.- Nhờ sự khéo léo. 

     Đây là sự khéo léo giúp ích cho mình và cho kẻ khác, trong lúc hiện giờ biết bao nhiêu người vụng về, không suy nghĩ, lạc hướng trong đường đời, về dễ dàng lâm nạn về thể chất cũng như về tâm hồn dễ dàng sa đọa.
      Phương pháp Hướng đạo dùng những phương tiện mầu nhiệm để làm cho các em trở nên khéo léo. Em hãy đọc kỹ những điều sau đây, rồi thì với 15 tuổi của em, em cũng có thể hiểu “triết lý” của Hướng đạo. Đó là một chữ lớn. Thực ra đó là một việc lớn, như em đã thấy.

1. Phương pháp Hướng đạo làm cho các em vui thích .
Trong Hướng đạo đoàn, các trẻ em chắc chắn tìm được những điều sở thích. Họ biết rằng họ sẽ được làm những điều họ muốn làm. Có gì sung sướng bằng những cuộc du ngoạn, cắm trại, lửa trại, hát, vui cười, tình thân ái, những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, còn gì hơn nữa ?

2. Phương pháp Hướng đạo là thực hành . Ít nói. Chỉ làm. 

Luật Hướng đạo nói : Hướng đạo sinh là . . .; Hướng đạo sinh làm . . .; không nói : đừng có thô tục, mà nói : Hướng đạo sinh lễ độ và liêm khiết; không nói : sau này em sẽ cố gắng thương yêu kẻ khác, mà nói : Hướng đạo sinh là bạn của mọi người. Toàn là điều thực hành, tích cực. 

Không những thế mà thôi. Để cho các em làm những điều đó, Hướng đạo thu nhận sinh viên, thợ thuyền, nghèo, giàu, mạnh, yếu trong một Đội, trong một đoàn để sống chung, làm việc chung. Các em cùng chơi, cùng hát, cùng làm, cùng cầu nguyện, cùng ngắm tạo vật. Nhờ thế các em thương yêu nhau như ruột thịt.

Trong một kỳ trại, có xảy ra một sự bất hòa giữa anh Đội trưởng và Đội phó. Đến lúc lửa trại, anh Đội trưởng đi tìm Đội phó và nói : “Anh Họa Mi của tôi ơi ! chúng ta cần chơi nhiều ở lửa trại, chúng ta cần ngủ ngon, vì là ngày cuối trại nên ngày mai chúng ta cần cầu nguyện và . . .”. Anh Đội phó nói : “Tôi hiểu rồi, không cần nói nhiều. Anh này, nếu trong lửa trại, chúng ta diễn kịch “Hai anh Trưởng?”

Rồi Đội phó đi nói với các Đội sinh (anh được nghe nói) : “Anh Đội trưởng ta là một tay cừ thật!”.

Đó, em thấy chưa? Hướng đạo chẳng những nói : “Các em hãy là những tay cừ” mà lại đặt trước mắt ta “những tay cừ” và chúng ta chỉ cần làm theo họ.

3. Phưong pháp Hướng đạo làm những điều khó thành dễ.

Anh cũng có thể nhắc nhở điều Luật thứ 10. Các Thiếu trưởng, các Cha Tuyên úy và các Thầy cố vấn Giáo hạnh có thể nói rõ những lợi ích quý hóa mà Hướng đạo đoàn đem lại cho các tâm hồn từ 12 đến 20 tuổi, dù chỉ là nguồn vui sướng trong sạch mà Hướng đạo đoàn đã hiến các em và tình thân ái nồng hậu gương các em và các Trưởng mến phục (Thiếu trưởng, Cha Tuyên úy hay Thầy cố vấn Giáo hạnh)

Em đã thấy chưa ? Phương pháp Hướng đạo thật là tài tình. Dầu Cụ B.P. đã ngẫu nhiên nghĩ ra, hay dầu Đấng Chí Tôn vì thương trẻ em mà giúp cho Cụ B.P. đề ra, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng Cụ B.P. đã làm một Việc thiện lớn cho tất cả trẻ em trên thế giới.

Một Đội kia đã treo ảnh của Cụ B.P. trong góc Đội với mấy chữ “Ông ấy đã hiểu chúng ta” dưới bức ảnh.


Thiếu sinh lại còn phải sắp sẵn :
SỨC KHOẺ
B.- về sức khỏe. Từ xưa người ta đã nói : “Một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”.

Một thân thể cường tráng giúp cho tâm hồn thêm minh mẫn. Một người khỏe có thể giúp ích cho xã hội, cho giáo hội. Chúng ta có bổn phận giữ gìn sức khỏe và làm cho sức khỏe tăng tiến. Và Đội trưởng có trách nhiệm về sức khỏe của toàn Đội.

Lẽ cố nhiên là Hướng đạo có thể giúp Đội trưởng nếu Đội trưởng hiểu Hướng đạo. sống ngoài trời nhiều chừng nào quý chừng nấy. Nhưng đừng quá mệt. Tránh những cuộc đi quá nhọc, kiệt sức. Quá nhọc ở trại, trong các cuộc du ngoạn, trong các cuộc thi đua, cũng cần phải tránh. Tránh cảm lạnh vào buổi sáng và buổi tối. Thở bằng mũi, đứng thẳng. Ở trại, phòng bệnh nhờ đêm ngủ ngon, giấc ngủ trưa, tắm mát, . . . 

Trong khi sửa soạn trại, Hội đồng Đội hay Đoàn cần chú ý đến các điều đó. Ở trại, ăn đủ và bổ. Tập thể dục đúng phương pháp theo các động tác mà Cụ B.P. đã chỉ, tùy theo tuổi của các em. Em sẽ quan sát xem về thể chất mỗi một Đội sinh em cần tiến bộ về phương diện nào.
Cho lớn hơn ? cho mạnh hơn ? ốm bớt ? Em phải biết các phương sách để giữ gìn sức khỏe và dùng những phương sách ấy. 

Chắc em cũng biết những phương sách sau đây :
·                     Răng xấu, bao tử xấu, máy xấu.
·                     Thuốc lá và rượu hại sức khỏe.
·                     Sạch sẽ và sức khỏe là bạn thân.
·                     Sự dơ bẩn hại sức khỏe.

Sau cùng, Thiếu sinh lại còn phải sắp sẵn :
TÍNH KHÍ
c.- về tính khí. Đó là đích của Hướng đạo. Mỗi Hướng đạo sinh có thể tự rèn luyện hay tự sửa chữa tính khí mình. Chỉ có em ấy tự làm lấy thôi, không ai làm thay em ấy được. Đấng Chí Tôn cũng để cho em ấy tự toàn quyền tự rèn luyện lấy mình. Nhưng không thể để em ấy tự làm lấy; chúng ta cần giúp vào; Đấng Chí Tôn muốn thế.


Đội trưởng phải giúp các Đội sinh hiểu rõ bổn phận họ và làm tròn bổn phận ấy.

Muốn giúp các Đội sinh trong công việc tu thân trọng đại ấy, ngoài sự cầu nguyện và noi gương của Đội trưởng, còn cần lòng nhiệt thành, sự mẫn tiệp của Đội trưởng.


Nhưng chớ thành một kẻ cuồng tín. Vì như thế dễ bị lầm lỗi vì thích thay đổi, làm cái mới lạ vì bị ảnh hưởng của trí tưởng tượng quá mạnh. Giữ lòng nhiệt thành của em, nghĩa là trông cậy nơi em, trông cậy vào Đấng Chí Tôn, vào các Trưởng và vào trò chơi Hướng đạo. 

Đừng có xếp cánh lại, dầu bị thất bại luôn, lòng em phải luôn luôn vui tiến, cử chỉ luôn luôn hoạt bát, đôi mắt luôn luôn sáng. Nếu em luôn luôn cầu nguyện Đấng Chí Tôn gia ân phù hộ em vững tiến trên đường cao quý ấy, thì em lo gì mà chẳng đi đến đích. Em không cô độc, cứ mạnh dạn tiến. Và cố gắng cải hóa các Đội sinh em, dầu tính tình họ ra sao.
ĐỘI SINH CÁ BIỆT
Sau đây là vài trường hợp em phải giải quyết. Cần quan sát và tìm hiểu, cần gần gũi để hiểu rõ hơn rồi tìm cách sửa chữa.
Trước hết là :
1.             Em dễ dãi. Em ấy khi nào cũng thỏa mãn cả. Sẵn sàng hưởng ứng những đề nghị của Đội. Thường thường em ấy là con một gia đình khá giả. Có lẽ em ấy ít sáng kiến và không ham muốn gì. Vậy em xem em ấy có năng khiếu về gì, rồi giao cho em ấy việc này hay việc nọ trong Đội để em tập sáng kiến. Dẫu việc có khó, nếu em biết khuyên nhủ, em ấy cũng sẽ nhận trách nhiệm và việc sẽ thành.
2.             Em thụ động. Đã không sáng kiến mà lại ai bảo gì cũng ừ. Vậy cần tìm hiểu nhiều về em ấy, thúc giục em, giao cho em trách nhiệm cần nhiều sáng kiến, cần tìm tòi, cần can đảm, cân tính khí. Khuyến khích em ấy thường “dám làm việc”. Nâng đỡ em ấy, và nếu em ấy có một ý kiến gì, khuyên em ấy thực hành thành công.
3.             Em buông trôi. Dù có thúc đẩy mấy, em ấy cũng vẫn ít hoạt động. Hoặc là em ấy bị mệt nhọc, hoặc em thích cái khác. Em có ý tưởng đó là một con trăn ngủ, dầu trong lúc mọi anh em trong Đội hăng hái. Mỗi lần em ấy hờ hững là mỗi lần em cố gắng làm cho công việc vui hoạt, thích thú, để cho em ấy hiểu rằng “ngủ” thì thất lợi nhiều. Nếu em thấy có thể giao cho em ấy một việc mà em ấy thích thì đừng ngần ngại. Có lẽ nhờ thế mà nếm môi biết ngon, em sẽ hăng lên.
4.             Chú tinh ranh . Có lẽ đó là người em sợ nhất. Nó là cả một “cây lý sự”. Nó chỉ trích mọi việc: trò chơi, các Đội sinh, các Trưởng, các Cha Tuyên úy, các Thầy cố vấn Giáo hạnh, cố nhiên là nó không chừa anh Đội trưởng.
Coi chừng ! Có lẽ nó rất tinh mắt để thấy những lỗi lầm, những vụng về của em. Tránh đừng để nó điều khiển thật sự Đội vì điều gì nó cũng chỉ trích cả. Nên dùng trí thông minh của nó vào ích chung cho cả Đội, cho em ấy một trách nhiệm quan trọng, để em dùng tất cả thời giờ vào đó. Tỏ ra biết tài năng của em ấy rồi hoàn toàn tín nhiệm em ấy và bảo em ấy giúp ý kiến, nhờ thế em ấy có thể trở thành một người phụ lực em rất quý.
5.             Em lém mồm. Có những người lém mồm 100 phần 100. Khi nào các em ấy cũng có điều gì để nói, nói không suy nghĩ, rồi lại quên mất những lời đã nói.
Nói rõ cho em ấy biết rằng với năng khiếu ấy, em ấy có thể tập thi lấy chuyên hiệu “hoạt náo viên”. Và khi em ấy đã ngồi yên trong muốn lúc thì khen em ấy trước mặt Đội sinh (nhưng không có ý châm biếm). Làm cho em ấy phải nhọc mệt và dùng tánh quen nói của em ấy để giao phó cho em ấy điều khiển các tiếng reo, những bài hát, những cuộc hát đuổi, cốt nhất là việc thực tế. Bảo với em ấy “
em không nên chỉ trích nhiều lắm, phỏng có ích gì ? Cần làm việc !

       Để đánh đổ những tật xẩu, chỉ có một cách thần diệu : tập đức tính trái lại. Làm cho ghét điều ác bằng cách bảo làm việc thiện.

     Bằng mọi cách, khuyến khích các em làm những điều tốt trái với những tính xấu của các em hay thực hành những tính tốt sẵn có mầm trong các em Đội sinh.

    Khi nào em thấy một cử chỉ đẹp, một sự cố gắng, một điều hay, thì đừng quên khen một vài lời. Ví dụ, hoan hô Chồn, vì đã thực hành điều Luật thứ 8 của Hướng đạo trong trò chơi. Làm thế không phải để nịnh, để tâng bốc, nhưng để khuyến khích, để gây lòng tự tin, để cho các Đội sinh em thấy rằng muốn thành một Hướng đạo sinh chân chính mà em mong ước, thì phải làm gì.
TÊN RỪNG
Bây giờ ta hãy bàn vài lời về Tên Rừng.

Tên Rừng có một công hiệu lớn trong việc đào luyện Đội sinh em. 
Có hai thứ Tên Rừng : thứ chỉ đức tính của em Hướng đạo sinh và thứ chỉ tật xấu. Anh chắc rằng em cũng như anh, em ghét bỏ loại Tên Rừng thứ hai. 

Gọi một Hướng đạo sinh “Thỏ càu nhàu” là nhục mạ em ấy trước mặt bạn hữu và lại còn làm cho em ấy dần dần tưởng răng tật xấu ấy là trời phú cho và khó mà thay đổi được. Dầu sao, đó cũng chỉ là việc tiêu cực.


Tại sao chúng ta không giúp các Hướng đạo sinh của chúng ta tự bỏ tật xấu của họ bằng những phương tiện khác hơn là cứ loan báo trước mọi người tật xấu ấy. Nếu chúng ta đặt cho em ấy một Tên Rừng với một đức tính ngược lại với tật xấu kia, thì sự cải hóa của em ấy có thể dễ dàng hơn không ?

Có khi người ta nói : tên con vật phải ám chỉ một đức tính và chữ đệm thêm chỉ một tật xấu. Nếu thế thì nên để tật xấu trong tên con vật và bỏ chữ đệm đi.

Anh thích kiểu này hơn : xem tánh khí và bộ dạng để chọn con vật đặt tên, chữ đệm chỉ một đức tính cần có.

Đừng chọn lựa Tên Rừng mà không suy nghĩ trước hay chọn theo sở thích. 
Mỗi Hướng đạo sinh có những năng khiếu đặc biệt tiêu biểu cho đức tính này hay đức tính nọ; ở mỗi em có ít nhất 5 phần trăm mầm tốt; Cụ B.P. đã bảo thế. 
Một em vui vẻ sẽ thành Họa Mi, muốn em lanh lợi sẽ là Chồn. Nên để các Trưởng chọn Tên Rừng nhưng đôi khi cũng có thể để cho Hướng đạo sinh tự chọn lấy rồi huynh trưởng chấp thuận, nếu em ấy chọn đúng. Chứ không phải theo ý ngông

Ý ngông, trò chơi khôi hài phải tránh xa; Tên Rừng sẽ không còn ý nghĩa gì nếu ta mang nó chỉ để làm trò cười.

Muốn Tên Rừng chọn đúng có thể giúp rất nhiều vào việc đào luyện đức hạnh, nên người ta đã viết nhiều bài với nhan đề : “Từ Tên Rừng đến thánh tính”. 

Vâng, Thánh tính ! Ta có thể đến đó bằng cách phát triển liên tục một nết mà Đấng Chí Tôn đã phú cho trẻ em. Vì thế phải tránh những Tên Rừng kỳ khôi và nên trọng Tên Rừng để cho các em chú ý đến và tìm cách thể hiện nó. Rồi thì nó sẽ thành “Hươu Đỉnh Cao”, Hươu vì tánh hiền lành, và “đỉnh cao” vì có lý tưởng, không muốn sống một đời thấp hèn, nhất là đời sống tôn giáo. 

Vài ví dụ khác :

 ‘Thỏ Vui Cười”, Thỏ vì em ấy chạy mau và nhanh nhẹn và cũng vì em ấy thích con thú ấy và nó có thể quan sát nó dễ dàng và theo vết nó, “vui cười” vì em ấy tươi cười luôn và tánh tươi cười có thể dẫn đến lòng đại lượng, chí hy sinh, sự tận tâm. Cười trong khó khăn, cười để thúc đẩy lôi kéo kẻ khác hay gây tin tưởng cho họ khi cần.

“Sư Tử Bạch”, Sư Tử vì mạnh, nói tiếng to; “Bạch” vì muốn trong trắng như điều Luật thứ 10 đã dặn.

Muốn các em chú trọng đến Tên Rừng, thì nên đặt Tên Rừng sau buổi lễ nhỏ, như :

Ở lửa trại, Hướng đạo sinh sắp được đặt Tên Rừng rời khỏi vòng tròn. Đội em ấy họp lại quanh đống lửa và định Tên Rừng sẽ đặt, đoạn giải thích cho cả Đoàn tại sao đặt Tên Rừng ấy. Đoàn cho biết ý kiến. 

Rồi tìm những cách thử thách Hướng đạo sinh để xem nó có xứng với Tên Rừng ấy không; lẽ cố nhiên sẽ chọn những thử thách để cười. 

Rồi gọi Hướng đạo sinh đến. Lễ có thể bắt đầu bằng một điệu múa Tên Rừng. Đoạn trao cho em ấy hai miếng “vỏ cây”, một cái đề tên thật của em và một cái đề Tên Rừng. Sẽ đốt cái thứ nhất vào ngọn lửa vì con người cũ đã chết; trên cái thứ nhì cùng với Tên Rừng có viết thêm vài chữ hoặc vài châm ngôn ngắn giải thích ý nghĩa Tên Rừng. Trao vỏ thứ hai này cho Hướng đạo sinh để giữ làm kỷ niệm. Nhưng trước khi mở mắt xem vỏ ấy thì phải qua các cuộc thử thách đã.

Sau lễ, hát một bài hùng mạnh nhắc nhở đến lý tưởng Hướng đạo. Thiếu sinh mới được Tên Rừng sẽ nhớ lâu dài kỷ niệm buổi tối mà em đã trở thành một Thỏ, Chồn, Sư Tử, v.v...


Trong một vài Đoàn, người ta lại còn mặc cho thiếu sinh ấy thế nào gần giống con thú đã chọn để đặt tên. Điều cốt yếu là làm lễ đặt Tên Rừng long trọng. Trong Hướng đạo, mỗi cái có một ý nghĩa, ta gắng đừng quên ý nghĩa đó.
CHƯƠNG II: ĐỘI SINH CỦA EM TRƯỚC ĐẤNG CHÍ TÔN
Em vừa hiểu rằng có những Đội sinh “mặt mày bảnh bao” trong Đội chưa đủ cho một Đội trưởng tốt. Lại còn phải huấn luyện tính khí họ với phương pháp Hướng đạo.

Dù các Đội sinh em toàn là những trẻ chính trực cũng chưa đủ. Lại còn điều thứ nhất của Lời Hứa : “Làm tròn phận sự đối với tín ngưỡng tâm linh”. Thế là rõ và đủ lắm, vì một Hướng đạo sinh không làm điều gì nửa chừng.

Phương pháp Hướng đạo sẽ giúp em một cách mẩu nhiệm trong việc trên, hơn nữa Cha Tuyên úy hay Thầy cố vấn Giáo hạnh sẽ nêu gương sáng cho tâm hồn các em và làm cho các Đội sinh em trở thành những giáo đồ gương mẫu. Rồi nhờ thường cầu nguyện chung với nhau, thường tỉnh túc với nhau, dần dần các em sẽ thành những tông đồ xứng đáng.

Anh không nói rằng em phải nêu gương sáng một giáo đồ nhiệt thành; điều đó em đã biết và anh đã bàn với các em trong mục Luật của Đội trưởng rồi. Vì thế em sẽ cầu nguyện nhiều bên cạnh bàn thờ Đấng Chí Tôn.

Để gây lòng sùng kính cho các Đội sinh em, em sẽ làm cho các buổi cầu nguyện của Đội em rất trang nghiêm.

Ở trại, em sẽ nâng cao tâm hồn của Đội sinh nhờ kinh cầu nguyện buổi sáng và cầu nguyện vắn tắt sau buổi lửa trại và lắm khi nhắc nhở đến sự hiện diện của Đấng Chí Tôn trong thiên nhiên và trong tâm hồn các em.

Sau đây là vài lời khuyên :

- Em hãy nhờ Cha Tuyên úy hay Thầy cố vấn Giáo hạnh giảng về giáo lý hay về điều Luật thứ 10. 

Em hãy tìm hiểu các Đội sinh em cả về lòng kính tín của họ, không phải để theo dõi họ hay để khiển trách mà để làm cho họ thêm sùng kính.

Em phải cầu nguyện cho Đội sinh em, em phải hy sinh cho Đội sinh em, em phải là vị tông đồ của các Đội sinh em. Sứ mệnh của em rất thiêng liêng.
CHƯƠNG III: CÁC ĐỘI SINH EM TRONG NƯỚC
Điều Luật thứ 2 đã nói : “Hướng đạo sinh trung thành với Tổ quôc, với cha mẹ, với người cộng sự”, nên mỗi lần có dịp, em sẽ khêu gợi lòng ái quốc của các em nhớ vài lời nói hay nhờ một bài hát thích ứng, lúc chào cờ, khi hội họp, lúc cùng nhau ôn lại lịch sử nước nhà, v.v...


Lại còn những đức tính tốt. Làm sao cho các Đội sinh em là Luật Hướng đạo “sống” trước mắt mọi người. Nếu người ta không hiểu Hướng đạo, nếu người ta chưa mến phục Hướng đạo đúng mức, lắm khi lỗi đó tại chúng ta.

Muốn cho các Đội sinh em thực hành các điều trên, anh xin nhắc em: những cử chỉ Hướng đạo.

- Nhếch miệng cười lúc khó khăn. (điều Luật thứ 8)
- Xăn tay áo để cứu giúp. (điêu Luật thứ 3)
- Bắt tay trái để kết bạn. (điều Luật thứ 4)
- Mắt nhìn mắt để tỏ ra thành thật như một suối trong, (điều Luật thứ 10)

Hai cử chỉ đầu và cuối làm cho người khác biết rằng em là Hướng đạo sinh.

1. Nhếch mép cười.

- Dưới huy hiệu Hướng đạo em thấy vẽ dung “băng” với hai đầu cong lên, tượng trưng cho nụ cười của chúng ta. Nụ cười Hướng đạo là nụ cười của người đã làm đầy đủ bổn phận. Đằng khác, những Hướng đạo sinh chân chính còn làm cho người xung quanh vui tươi và khuyên họ không nên đập đầu vào vách khi gặp khó khăn.

Nhếch mép cười lại còn là ý thân thiết giúp cho đời sống của kẻ khác cũng tươi đẹp như đời sống của ta. Trong lúc giao thiệp với kẻ khác, trong những lúc giúp đồng bào, trong lối chào, trong lời xin lỗi, các em hãy lịch sự như những hiệp sĩ xưa.

Câu chuyện của Hướng đạo sinh phải vui tươi và trong sạch.

2. Xắn tay áo. 

- Để sẵn sàng làm việc. Với cử chỉ này, Hướng đạo sinh muốn nói với mọi người : “Ông có việc ? Tay chúng tôi đây, chúng tôi muốn giúp ích. Chúng tôi muốn phụng sự”. Rồi dầu lạnh buốt xương hay nóng phỏng da, chúng ta sẵn sàng giúp ích và giúp ích lập tức.

3. Mắt nhìn mắt.

- Ấy, em Đội trưởng ơi, có lẽ em chưa biết rằng ở đời biết bao nhiêu người chưa biết lòng chính trực, sự thật thà ngay thẳng, lời nói thật. Có những nguyên tắc mà anh em Hướng đạo chúng ta muốn đạp đổ như : “Không nên tin ai hết. Ai khôn thì nhờ. Nói là một đàng, làm là một ngả”.

Mắt nhìn mắt, vì Hướng đạo sinh nói hay làm, khi nào cũng thẳng thắn. Cử chỉ ấy muốn nói: “Anh tin ở tôi ư ? Anh sẽ không thất vọng”. Hay nói: “Hãy nhìn vào mắt tôi, tôi nghĩ điều gì, tôi nói điều ấy”. Hoặc nói: “Tôi đã hứa, tôi sẽ giữ lời”.

Mắt nhìn mắt còn nghĩa là nhìn thân ái với tất cả mọi người, người ở phải, và cả người phạm lỗi.

Tóm lại, mắt nhìn mắt là biểu hiện tâm hồn thẳng thắn, không có gì uẩn khúc, không có gì giấu giếm, không có gì tà vậy.

Nhờ những cử chỉ ấy chúng ta làm cho mọi người mến thích Hướng đạo và lắm khi lại làm cho họ tìm thấy “Con đường hạnh phúc” nữa.

Trong Hướng đạo đoàn chúng ta lại còn những chuyên hiệu để phục vụ xã hội: cứu thương, dẫn đường, xã hội học,.. .
CHƯƠNG PHỤ LỤC: NHỮNG BÍ QUYẾT
Trước hết là những bí quyết căn bản :
1.             Điều gì cũng có thể quên được cả. Vậy cần ôn tập luôn. Ai có chuyên hiệu cứu thương, hằng năm xin phép thi chuyên hiệu ấy lại; cũng như biết bao nhiêu điều mà em đã biết, mỗi năm cần học lại.
Vì điều gì cũng quên dần, nên cần phải chép.
 Em cần phải có một sổ tay.
2.             Học thêm được điều gì, giá trị ta càng tăng. Đọc một cuốn sách cũng có thể có ích cho ta. Vậy cần ghi chép. Em cần có sổ tay.
3.             Điều khiển là chuẩn bị trước. Vậy em phải chuẩn bị, phải ghi chép. Cần có sổ tay. Một bí quyết để mỗi ngày mỗi khá hơn là sổ tay. Một Đội trưởng cừ là một em ham học hỏi điều mới, tìm trò chơi, bài hát, kịch ngắn, v.v...


      Vậy em cần có một quyển sổ tay nhỏ, chắc và ghi chép nhiều. 
     Nhỏ để có thể bỏ túi được (và để nó ở trong túi nhiều hơn là ở ngăn kéo tủ bàn). Chắc, vì nếu nó xệch xạc, thì không dùng được nữa. Ghi chép nhiều để khi cần đến thì có thể tìm được những gì cần dùng. Nên ghi vào trong sổ tay ấy toát yếu những đoạn sách đã đọc, những buổi học kỹ thuật, những chuyện hay, những trò chơi, những điều đã quan sát, những dấu vết, những điều đã nghe thấy. Thật là một kho tàng quý báu.
     Nhưng chưa hết. Em còn tìm ra nhiều điều khác để ghi chép vào nữa, nên sổ tay em quý vô giá.
     Em có thể chia sổ tay bỏ túi của em (anh nói sổ tay bỏ túi vì sổ ấy không thể rời em được) ra nhiều phần  : Tiếng reo - Bài hát - Trò chơi trong phòng - Trò chơi ở ngoài trời - Bếp - Thiên nhiên - Tư tưởng hay, v.v...
     Chỉ khi nào em có một sổ tay như thế, và ghi chép nhiều, em mới thấy rằng nó quý vô song, em sẽ cảm tạ nó, dầu cho nó chỉ giúp em thêm thích học hỏi, thêm ưa quan sát và chú ý. Em hãy để ý đến sổ tay em để ghi chép mỗi ngày thêm đầy đủ; nhờ thế em sẽ hiểu biết rộng hơn.
    Trong các điều cần ghi vào sổ, anh có kể “Tư tưởng”. 
    Em có nghĩ rằng, chúng ta thường hay bỏ quên những ý tưởng hay, những điều lạ tìm thấy trong sách, trong các cuộc nói chuyện việc bạn hữu, trong những buổi đàm thoại thân mật với một anh Trưởng. 
     Em có nghĩ rằng nên em chép những ý tưởng hay, thì sau này em sẽ được vui sướng khi đọc lại và nó sẽ giúp em nhiều. Cũng như một liều thuốc bổ. 
    Em cứ thử mà xem. Nếu đọc sách, em thấy một ý tưởng đẹp làm cho em vui thích em hãy ghi vào sổ tay. Có nhiều Hướng đạo sinh tự buộc mình phải viết ít nhất ba hàng trong sổ “Tư tưởng”: điều đó rất có ích.

    Và đây, bí quyêt cuôi cùng mà anh muốn dặn em, bí quyết mà anh có thể kê vào đầu tập sách này là : “Nếu có dịp, em nên đi dự trại huấn luyện Đội trưởng”.
THÔNG ĐIỆP GỞI EM ĐỘI TRƯỞNG
Em Đội trưởng,
     Những người cắm trại rành nghề, nhen lửa với rễ cây dương xỉ, vì vỏ rễ cây ấy không thấm nước, nên rễ cây khô. Họ lấy rễ cây, cắm vào đất rồi chất chung quanh vài vỏ cây khô, đoạn châm lửa, lửa bốc cháy rực đỏ.
     Trước đây là những “vỏ” anh biếu em. Mong rằng những vỏ ấy bốc cháy mạnh, nếu lửa đã không bùng cháy trong lòng em rồi. Mong rằng nó sẽ giữ gìn ngọn lửa thiêng ấy, nếu em là một Đội trưởng hăng hái.
     Em cần có ngọn lửa hồng ấy vì em phải điều khiển, vì em phải là một tông đồ. Nếu em là một Đội trưởng cừ, các Đội sinh sẽ theo gót em, không phải vì hai sọc trắng của em nhưng nhờ tâm hồn chói lọi, rực rỡ của em.
     Em thấy rõ chưa. Em cần ngọn lửa thiêng. Và Đấng Chí Tôn sẽ dìu dắt em.
     Và em sẽ dẫn dắt các Đội sinh em lên trên đường của Đấng Chí Tôn.
     Em sẽ làm cho họ trở thành những Hướng đạo sinh sẵn sàng tiến trên đường đời, gậy nạng của Tráng sinh nơi tay, .. .

     Và khi em thấy họ đi đến chân trời xa, lòng em sẽ se lại dưới hai sọc trắng, nhưng tâm hồn thảnh thơi vui thích vì trước Đấng Chí Tôn và trước nhân loại các Đội sinh em đã “sẵn”.


(Nguồn : http://nghedoitruong.blogspot.com/)