Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

CHÚC MỪNG NĂM MỚI ĐINH DẬU 2017 - NẺO VỀ HẠNH PHÚC




2017

Trong không khí vui tươi, chào đón năm mới. 
Kính  gửi đến các bạn và gia đình lời chúc năm mới sức khỏe, thành đạt
với

LỜI CHÚC PHÚC CỦA CHÚA GIÊ SU 





NẺO VỀ HẠNH PHÚC

Thi đàn Trung Quốc từ cổ chí kim nổi lên một tên tuổi lớn, đó là nhà thơ Lý Bạch, thời Thịnh Đường (701 – 762).  Ông tự xem mình như tiên ông bị lưu đày xuống thế.  Ông ưa sống kiếp lãng du, say mê vẻ đẹp đất trời, vẻ đẹp sông núi, trăng sao…
Theo truyền tụng nhân gian, vào một đêm trăng tỏ, Lý Bạch buông thuyền xuôi theo giòng sông Thái Trạch lấp lánh ánh trăng đêm.  Ông đàn hát ngâm vịnh và uống rượu thưởng thức trăng.  Càng về khuya, men rượu nồng bốc lên càng làm ngây ngất lòng thi sĩ.  Sông nước, cảnh vật lúc ấy càng huyền ảo nên thơ.  Thi nhân cảm thấy mình như đang lạc vào bồng lai tiên cảnh.  Mảnh trăng diệu huyền in hình dưới làn nước lung linh như đang gọi mời ông tao ngộ.  Trong hơi men chếnh choáng, ông nhoài mình qua mạn thuyền, cúi thật sâu xuống nước để ôm lấy vầng trăng mà ông say đắm lâu nay. 
Than ôi! Ông đã bỏ hình bắt bóng và giòng sông oan nghiệt đã kết liễu đời ông.  Trên cao, vầng trăng thật như đang mỉm cười chế giễu ông.
Câu chuyện của nhà thơ họ Lý cũng là câu chuyện thời sự của thế kỷ chúng ta.  Nhân loại hôm nay đang kêu gào hạnh phúc, đang khao khát kiếm tìm hạnh phúc.  Nhưng họ đâu biết rằng Thiên Chúa là Cội Nguồn của hạnh phúc.
Một vầng trăng thật in thành hàng tỷ bóng trăng trên các ao hồ khe suối.  Một Cội Nguồn Hạnh Phúc (là Thiên Chúa) tỏa xuống vô vàn mảnh vụn hạnh phúc trong các sự vật phù du ở đời.  Thay vì tìm về Cội Nguồn hạnh phúc là Thiên Chúa, người ta dại dột đâm đầu vào những chiếc bóng của hạnh phúc nơi những tạo vật chóng tàn.  Quả thế, người ta tưởng hạnh phúc nằm nơi bạc tiền, của cải, nơi lạc thú vật chất… rồi người ta đâm đầu vào đó như những những con thiêu thân lao vào lửa, như Lý Bạch nhào xuống nước tìm trăng.
Thiên Chúa là Cội Nguồn hạnh phúc, Thiên Chúa là nguồn mạch của hoan lạc và an bình, Thiên Chúa là Tình Yêu.  Tất cả những ai đang khao khát tình yêu, an bình, hạnh phúc là đang khao khát Chúa.  Nhưng tiếc thay, người ta đã bỏ hình bắt bóng.  Người ta săn đuổi ảo ảnh của hạnh phúc mà không chịu tìm đến cội nguồn hạnh phúc là Chúa Cả trên trời.
Thời thanh xuân, Augustino là con người khao khát hạnh phúc cách mãnh liệt.  Anh bôn ba kiếm tìm hạnh phúc trong văn chương và triết lý, trong dục vọng và lạc thú trần gian… nhưng anh đã thất vọng ê chề và cảm thấy tâm hồn chất đầy sầu đau khắc khoải.  Mãi đến năm ba mươi tuổi, Augustino mới cảm thấy tất cả những gì Anh đạt được chỉ là ảo ảnh của hạnh phúc, chẳng khác chi bóng trăng in hình đáy nước và chỉ có Thiên Chúa mới là “Vầng Trăng” thật, là Hạnh Phúc thật mà thôi.  Bấy giờ, với tâm hồn tràn đầy hoan lạc, Augustino thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Ngài nên hồn con thổn thức khôn nguôi cho đến khi được an nghỉ trong Ngài.”
Thiên Chúa mới là nguồn Hạnh Phúc đích thật mà loài người luôn vươn tới, luôn khát khao.  Chính Thiên Chúa đã đặt vào cõi lòng mỗi người chúng ta một khát vọng vô biên hướng về hạnh phúc mà không gì trên đời nầy có thể khoả lấp được, và để lòng khao khát đó luôn thôi thúc chúng ta kiếm tìm, kiếm tìm không mệt mỏi cho đến khi gặp được Ngài là Hạnh Phúc đích thật.
Qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta tám nẻo đường đưa nhân loại về cội nguồn hạnh phúc mà ta quen gọi là tám mối phúc thật.  Ai bước theo tám nẻo đường nầy chắc chắn sẽ đi đến Cội Nguồn Hạnh Phúc là Thiên Chúa, là Nước Trời, là Đất hứa:
* Tinh thần nghèo khó: biết nhận ra sự nghèo nàn của nội tâm mình, nhận biết rằng mình không là gì cả, tất cả những gì ta có là của Chúa ban…
* Cư xử hiền lành, biết nhường biết nhịn và mềm mỏng với mọi người…
* Chấp nhận sầu khổ hơn là gây khổ đau cho người khác…
* Khao khát trở nên người công chính,
* Đầy lòng xót thương, đối xử nhân ái với mọi người…
* Tâm hồn trong sạch, không chất chứa điều tà, điều gian ác, điều bất công…
* Chung tay xây dựng hoà bình, sống hoà thuận với mọi người cũng như làm cho mọi người hoà thuận với nhau…
* Sẵn lòng chịu bách hại vì sống công chính thanh liêm…
Nẻo về Hạnh Phúc đã rộng mở.  Bí quyết vào Nước Trời đã được giải bày.  Vấn đề còn lại là chúng ta hôm nay có đủ khôn ngoan và bản lãnh để chọn cho mình con đường mà Chúa đã đề nghị với chúng ta hay không.
LM Ignatiô Trần Ngà
(trích từ “Cùng Đọc Tin Mừng”)

NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO VỚI TẾT NGUYÊN ĐÁN

Tết Nguyên đán, theo nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: trước hết đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, vẫn mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà, nơi mà gót chân một thời bé dại đã tung tăng và được sống lại với bao kỷ niệm đầy ắp yêu thương ở nơi mình cất tiếng chào đời. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về nơi cội nguồn, mảnh đất chôn nhau cắt rốn. 
Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu Xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng, làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình gia đình, tình thầy trò, con bệnh với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri, con nợ và chủ nợ… Tết cũng là dịp “tính sổ” mọi hoạt động của một năm qua, liên hoan vui mừng chào đón năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Nhưng rõ nét nhất là không khí chuẩn bị Tết của từng gia đình. Bước vào bất cứ nhà nào trong thời điểm những ngày 20 tháng Chạp trở đi, cũng có thể nhận thấy ngay không khí nhộn nhịp và khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về… Đối với các gia đình lớn, họ hàng đông, có quan hệ xã hội rộng, đông con cháu, dâu rể, thì công việc chuẩn bị càng phức tạp hơn. Nào là mua trữ lương thực, cải dưa, hành, kiệu, thịt heo gói giò, gạo nếp đậu xanh chuẩn bị gói bánh… Ngày 23 theo tục lệ là ngày đưa ông Táo, nhà nào cũng làm một mâm cỗ gọi là “Tiễn ông bà Táo “ về chầu Trời. Ở ngoài Bắc vẫn còn giữ lệ thả cá chép ra sông với ý nghĩa là giúp phương tiện để các Ông bà Táo cưỡi về chầu trời. Cá càng to, càng mập chứng tỏ người thả có lòng thành cao.
Người Việt Nam Công giáo, những ngày cận Tết, nhà thờ, nhà xứ được trang hoàng đón xuân sang bằng những chậu hoa tươi thắm chưng trên cung Thánh, bàn thờ, treo những câu đối Xuân chúc tụng Thiên Chúa là Chúa Xuân của vũ trụ. Nhiều nhà thờ cho dựng bàn thờ kính tổ tiên với ảnh hay phù điêu các Thánh tử đạo Việt Nam như các bậc tiên tổ của Hội Thánh Công giáo nước nhà. Trên bàn thờ có chưng bông hoa, đĩa trái cây truyền thống như biểu tỏ tinh thần Đạo Hiếu của dân tộc. Hầu như nhà thờ nào cũng thực hiện những “Lộc Lời Chúa” đặt trong phong bao màu đỏ treo trên cây mai hay cây đào để giáo dân đón nhận vào đêm Giao thừa.
Ngày 29, 30 Âm lịch, sau khi nhà cửa đã chuẩn bị chu đáo, gia chủ sẽ đi tảo mộ, viếng nghĩa trang chăm sóc phần mộ gia tộc, mời đón Ông Bà về ăn Tết với con cháu, đoạn đi chợ tất niên để mua cây trái quen gọi là ngũ quả, ít chục bông hoa hay đôi chậu cảnh. Ngoài Bắc thì thường sắm hoa Đào, trong Nam chủ yếu là hoa Mai chưng Tết. Cha mẹ, người lớn trong gia đình thì chuẩn bị ít phong bao lì xì. Trưa hoặc chiều, mỗi nhà đều làm một mâm cỗ để dâng trên bàn thờ Tổ tiên và thắp hương kính cẩn mời Ông Bà về ăn Tết. Sau đó con cháu trong họ tộc ngồi chung với nhau ngày cuối năm, gẫm sự đời, nhớ về những vui buồn của một năm đã qua. Quãng độ chập tối thì tiệc tàn, cả nhà chuẩn bị để đón Giao thừa.
Người Công giáo vào hai ngày này cũng dọn bàn thờ Thiên Chúa cho trang trọng, thường mỗi nhà treo hai câu đối như: “Phụng Thiên Chúa toàn tâm trí lực/ Hiếu Tổ tiên trọn nghĩa ân tình”... Gia đình xin lễ tạ ơn qua một năm và cầu bình an trong năm mới, đi viếng nhà chờ Phục sinh nơi giữ tro cốt của ông bà cha mẹ đã về với Chúa.
 Đúng Giao thừa, chủ gia mặc đồ lễ trang trọng làm lễ tế THIÊN tại bàn thờ ngoài sân, hay sân thượng. Con cái cháu chắt cùng tạ ơn Trời sau một năm làm ăn, học tập, cầu mong một năm mới an lành. Sau lễ, có tục lệ đi Chùa cầu phúc, hái lộc đầu năm.
Giáo dân thì tham dự thánh lễ chiều tối hay lễ đêm tại nhà thờ giáo xứ, hái lộc Lời Chúa, sau đó cũng về nhà đón Giao thừa theo truyền thống dân tộc bằng việc dâng kinh tạ ơn, công bố Lời Chúa mà gia đình nhận được, thắp hương kính nhớ tổ tiên, xin ơn bình an trong năm mới. Thường mỗi gia đình cũng có bữa tiệc nhỏ, cha mẹ, con cái liên hoan đón mừng năm mới theo dõi trên truyền hình.
Ngày mùng Một con cháu tập trung trong nhà chúc tuổi ông bà, cha mẹ, chúc nhau thêm một tuổi mới. Các ngày mùng Hai, mùng Ba, họ hàng đi thăm nhau, mở tiệc Xuân đãi nhau cho tới hết mùng. Ngày nay cũng gọn lại, nhưng cũng phải mùng 6 hay mùng 8 cửa tiệm mới mở lại, người người mới rục rịch trở lại cuộc sống đời thường.
Tết với người Việt Nam chúng ta có lẽ không bao giờ mất. Nước Việt còn thì Tết Việt còn. Tết với người Công giáo còn mang ý nghĩa sâu xa hơn, vì Tết là tận hưởng niềm vui Chúa ban. Chúa là mùa Xuân của nhân loại.
Fx. Đỗ Công Minh
(Nguồn :http://www.cgvdt.vn/)