Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

GIẢI ÐÁP MỘT SỐ THẮC MẮC VỀ "XƯNG TỘI"


                                                 Linh Mục Giuse Vũ Thái Hoà

Linh mục Vũ Thái Hoà hiện cư ngụ tại Pháp, hiện nay đang dạy phụng vụ trong đại chủng viện Rennes và trách nhiệm Ủy Ban Phụng Tự của địa phận Rennes là tác giả của bài viết này, bài đã được đăng trên nguyệt san Dân Chúa Âu Châu. Xin chân thành cám ơn tác giả linh mục Vũ Thái Hoà đã gởi bài và đồng ý cho Lavang Parish webmaster đăng bài viết này.


Chúng ta nhận xét thấy rằng, ngày nay, người công giáo ngày càng ít đi "xưng tội", nhất là ở các xứ tây phương. Họ không đi vì nhiều lý do khác nhau. Lý do quan trọng nhất, có lẽ họ chưa hiểu tường tận ý nghĩa và sự phong phú của bí tích Hòa Giải. 

Trong tinh thần ấy, tôi xin mạn phép trả lời và giải thích vắn tắt một vài lý do mà một số tín hữu thường đưa ra, cũng như giải đáp một số thắc mắc về vấn đề "xưng tội".

1. Tại sao bí tích Hòa Giải có nhiều cách gọi khác nhau?

Qua dòng lịch sử, bí tích Hòa Giải được gọi nhiều cách khác nhau:
Thống hối, hoặc sám hối, nhấn mạnh đến hành vi hối cải của tội nhân, chê ghét tội đã phạm và dốc lòng không phạm tội nữa;
Xưng tội chú trọng tới việc thú nhận tội lỗi của mình với vị linh mục (chúng ta thường dùng danh từ này để chỉ định bí tích);
Giải tội nhấn mạnh việc tha tội. 
Như thế, mỗi tên gọi chỉ nhấn mạnh đến một trong bốn điểm chính của bí tích Hòa Giải: 
- Thống hối ăn năn, 
- Xưng tội với một linh mục. 
- Lãnh ơn tha tội. 
- Làm việc đền tội. 
Hiện nay Giáo Hội không gọi "bí tích giải tội" nữa, nhưng là "bí tích Hòa Giải". Việc đổi danh từ làm nới rộng ý nghĩa sâu xa của bí tích này. Thật vậy "hòa giải" chỉ rõ mục đích và kết quả của bí tích: tình thân hữu được nối lại giữa Thiên Chúa và con người. Ðiều quan trọng nhất của bí tích không phải đặt nơi việc xưng tội nhưng là để Thiên Chúa hòa giải với chúng ta. Nói cách khác, đi "xưng tội" không phải để gây ra ơn tha thứ của Chúa, nhưng để lãnh nhận ơn tha thứ đó. Dụ ngôn người con hoang đàng trong Phúc Âm (Lc 15,11-32) cho chúng ta hiểu hơn về điểm này: trước khi người con thứ hối hận trở về, người cha, với đôi tay luôn mở rộng, hằng kiên nhẫn ngóng chờ con trước ngõ. Chúng ta đi "xưng" tội, nhưng đồng thời, chúng ta "tuyên xưng" lòng nhân từ vô biên của Chúa và niềm hân hoan khôn xiết của Ngài khi được ôm chúng ta chặt hơn nữa trong vòng tay của Ngài. 
Nhưng "hòa giải" cũng có nghĩa là sự hối cải trở về của chúng ta để làm hòa với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính bản thân mình. Như thế, để có bí tích Hòa Giải, phải có hai đối tượng: tội nhân sám hối trở về, và Thiên Chúa là Ðấng giàu tình thương và tha thứ.

2. Bí tích là gì?

Các bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu (efficace, efficacious) của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập và được trao ban lại cho Giáo Hội để ban sự sống thiêng liêng cho chúng ta.
Không những bí tích là dấu chỉ hữu hình diễn tả ân sủng vô hình, mà bí tích còn chuyển thông ân sủng nữa, vì chính Chúa Kitô hành động trong bí tích nhờ Thánh Thần của Ngài. Ðể lãnh nhận bí tích, cần phải có đức tin, đồng thời, cử hành bí tích là diễn tả và nuôi dưỡng đức tin. 
Chúa Kitô đã không ấn định rõ ràng con số 7 của bí tích. Nhưng theo dòng thời gian, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và với tư cách là người quản lý trung thành các Mầu nhiệm của Thiên Chúa (1 Cr 4,1), Giáo Hội đã xác định 7 bí tích: Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể, Hòa Giải, Xức dầu bệnh nhân, Truyền chức thánh và Hôn phối. 
Qua bí tích Hòa Giải, Thiên Chúa ban ơn tha tội, ban ơn hòa giải : hòa giải với Ngài, với Giáo Hội, với mọi người và với chính bản thân mình.

3. "Tôi ngại đi xưng tội vì lần nào cũng xưng tội đó hoài!"

Câu nói này nhắc lại cho chúng ta bốn điểm chính của bí tích Hòa Giải: thống hối ăn năn, xưng tội với một linh mục, lãnh ơn tha tội, làm việc đền tội.
Trước khi vào tòa cáo giải, chúng ta nhìn nhận những tội đã phạm, ăn năn sám hối và dốc lòng thay đổi đời sống: dốc quyết chừa cải những tội lỗi đã phạm cũng như đền bù những thiệt hại gây nên cho người khác bằng những quyết định cụ thể, chứ không bằng những quyết định hoặc lời hứa chung chung, không rõ rệt. 
Nhưng đàng khác, chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi chúng ta thường tái phạm những tội đó.Chúa có muốn chúng ta phạm thêm tội mới đâu! Ngay khi chúng ta thành thật sám hối và dốc lòng chừa, chúng ta vẫn còn tái phạm, vì tính xác thịt yếu đuối luôn ở trong chúng ta. Thánh Phaolô có nói: "Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm." (Rm 7,14-15). Ơn Chúa không hủy bỏ bản tính loài người của chúng ta, nhưng làm cho nó được hoàn thiện, với điều kiện là chúng ta chấp nhận biến đổi tâm hồn chúng ta. Vả lại hoán cải là một hành trình dài, và phải luôn tin vào tình thương tha thứ của Chúa.

4. "Tôi không biết phải nói gì với vị linh mục"
Muốn đi "xưng tội", nhưng phải có tội mới đi xưng được! Tuy thế, một số người mất cảm thức về tội lỗi của mình và khó nhận định được thế nào là tội, hoặc ngược lại, kiếm đủ mọi lý do để biện hộ hoặc tương đối hóa những hành động xấu của mình. 
Tội là sự bất tuân lề luật Chúa. Tội chỉ định một thái độ tiêu cực đối với Chúa, với tha nhân và với chính bản thân mình. Tội không chỉ là một loạt các điều vấp phạm "trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót" (Kinh Sám Hối đầu Thánh lễ), nhưng là sự phủ nhận tình yêu thương, đóng kín trái tim mình đối với người khác, hoặc sự đồng lõa của mình vào các sự dữ. 
Tội nặng hay nhẹ tùy theo nhân đức bị lỗi phạm, nhất là đức ái; cũng tùy theo nhiều yếu tố: hoàn cảnh, ý muốn của mình, trình độ vô ơn với Thiên Chúa, gây gương xấu cho kẻ khác. 
Tội trọng là tội trực tiếp nghịch với cùng đích đời sống siêu nhiên là đức ái. Thành tội trọng khi việc làm tự bản chất là một lỗi nặng, và cố tình phạm khi hoàn toàn hiểu biết. 
Ðể thành tội trọng, phải có đủ cả ba điều kiện này: 1. tự bản chất là một lỗi nặng (giết người, ngoại tình, làm chứng gian...); 2. ý thức rõ ràng về lỗi nặng đó; 3. cố tình phạm.

Bình thường, các hối nhân xét mình và xưng tội dựa theo mười Ðiều Răn Ðức Chúa Trời, sáu Ðiều Răn Hội Thánh và bảy mối tội đầu như: "Con phạm Ðiều Răn thứ... (bao nhiêu) lần". Ngoài cách trên đây, mỗi người có thể đến gặp linh mục để kiểm điểm đời sống mình và nhìn nhận những tội lỗi, thiếu xót của mình một cách chi tiết và cụ thể đối với Chúa, đối với tha nhân và đối với chính bản thân mình. 
Sau đây là những gợi ý giúp xét mình: 
- Ðối với Chúa:
- Là người tín hữu, có bao giờ ta quan tâm đến việc học hỏi giáo lý, Kinh Thánh để hiểu biết và giải thích cho những người khác biết thế nào là Thiên Chúa, và Chúa Giêsu Kitô là ai?
- Có bao giờ ta biết dành chút thời giờ trong tuần hoặc vài phút giây trong ngày để cầu nguyện không? 
- Việc thờ phượng Thiên Chúa: ta có siêng năng lãnh nhận các bí tích là nguồn ơn siêu nhiên (Thánh lễ, bí tích Hòa Giải...)? 
- Khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, thất bại... ta có biết sống tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa không? Hay ngược lại, ta chỉ biết than thân trách phận, nguyền rủa xúc phạm thánh danh Chúa? 
- Nơi trường học hay tại sở làm, ta có xấu hổ hoặc sợ người khác biết mình là Kitô hữu không? 
- Thay vì tin Thiên Chúa là tình yêu, là Ðấng cứu độ duy nhất và là sức mạnh trong cuộc sống, ta có mê tín tin dị đoan không: bói bài, tử vi...?

- Ðối với tha nhân:
- Thay vì yêu thương và giúp đỡ, ta có sống bất công và làm thiệt hại kẻ khác: ăn cắp, nói dối, vu khống làm thiệt hại thanh danh người khác? 
- Thay vì yêu thương và tha thứ, ta có làm cho gia đình, bạn bè hoặc những người khác đau buồn bởi sự khắc nghiệt, nóng giận, ghen tương hoặc bất trung của mình, không chịu tha thứ hoặc làm hòa với người khác, đã vậy ta còn thù oán hoặc chúc dữ họ? 
- Ta có làm gương xấu do lời nói hoặc việc làm của mình? 
- Ta có từ chối hoặc tránh giúp đỡ người khác do lòng ích kỷ hoặc keo kiệt của mình? - Ðối với chính bản thân 
- Ta có hay kiêu căng, tự phụ không? 
- Ta có thiếu sót bổn phận của mình trong gia đình, trong cộng đoàn...? 
- Ta có rượu chè say sưa, ăn uống không điều độ làm hại đến sức khỏe của mình? 
- Ta có phạm lỗi đức thanh sạch không? 
Mỗi người diễn tả theo cách của mình chứ không theo khuôn mẫu nhất định nào cả. Một số người có thói quen tốt trước khi xét mình, là đọc một đoạn Kinh Thánh, nhất là trong Phúc Âm (chẳng hạn: Mt 5,1-12: Tám mối Phúc thật; Mt 25,31-46: ngày Phán xét chung; Lc 15,11-32: dụ ngôn người con hoang đàng; Lc 19,1-10: Chúa vào nhà ông Gia-kêu; Ga 8,3-11: Chúa tha tội người đàn bà ngoại tình...). Lời Chúa soi sáng và giúp chúng ta nhận ra thân phận yếu đuối cũng như tội lỗi của mình.

5. "Tôi không cảm thấy cần đi xưng tội" 

Ðã có biết bao lần chúng ta không muốn làm một điều gì đó, mặc dù biết rằng điều đó rất cần thiết cho chúng ta! Chẳng hạn, ai cũng biết rằng, đối với một số bệnh nào đó, việc giải phẫu là điều cần thiết, nhưng có bệnh nhân nào hân hoan khi chuẩn bị lên bàn mổ không? 
Vai trò của việc "xưng tội" trước tiên không phải để thỏa mãn việc giải bày tâm sự những chuyện thầm kín. Vai trò của linh mục rộng lớn hơn vai trò của một thầy thuốc. Thật vậy, trong bí tích Hòa Giải, linh mục vừa là người mà chúng ta đến xin ơn tha thứ của Chúa, vừa là chứng nhân lòng nhân từ vô biên của Chúa. Qua trung gian của vị linh mục, ơn Chúa tuôn ban cho chúng ta. 
Giáo Hội không thể tha tội, hòa giải nếu hối nhân không tự thú các tội lỗi của mình bằng một cách nào đó. Do đó, việc xưng tội trở nên một đòi hỏi cần thiết để lãnh ơn tha tội.

6. "Tôi cảm thấy xấu hổ khi đi xưng tội"

Bí tích Hòa Giải đâu có phải là một hình phạt hoặc một việc hèn hạ mà Chúa bắt chúng ta chịu trước khi tha tội cho chúng ta đâu! Vả lại, chúng ta đừng quên rằng linh mục cũng là một người tội lỗi, và cũng thường đi "xưng tội". Khi thưa với linh mục là thừa tác viên của Chúa Kitô, điều chính yếu không đặt nơi bảng liệt kê các tội, nhưng là, qua các tội đã phạm, sự khiêm tốn nhìn nhận thân phận tội lỗi của chúng ta và dốc lòng không tái phạm. 
Lời thú nhận cá nhân trong tòa cáo giải rất cần thiết và quan trọng. Thật vậy, để lãnh ơn tha thứ, điều trước tiên là chúng ta phải xin! Làm sao có thể tha thứ cho một người nếu người đó không xin lỗi, nếu người đó không nghĩ rằng những việc mình làm là xấu xa, dù bị người khác trách cứ? Hơn nữa, thú tội lỗi của mình là hành vi của một người tự do: "Tôi không làm điều tôi mong muốn" hoặc "Tôi lại làm điều tôi không muốn" (Rm 7,15). Ðàng khác, khi biết rằng vị linh mục giữ bí mật tuyệt đối những gì ngài nghe trong tòa cáo giải, chúng ta sẽ không ái ngại khi xưng tội với ngài, là người đại diện của Chúa.

7. "Mỗi năm xưng tội một lần là đủ rồi!"

Một số người nghĩ rằng đi « xưng tội » thường xuyên là điều vô ích, vì họ lý luận như sau: sau khi xưng tội, tâm hồn họ lại bị hoen ố trở lại vì tiếp tục phạm tội. Nhưng tại sao họ không đi xa hơn trong lý luận của họ: tắm mỗi ngày làm chi vô ích, vì ngày hôm sau thân thể họ cũng sẽ dơ trở lại? Cũng thế, có ai cho rằng giặt quần áo thường xuyên làm chi cho uổng công, uổng tiền, vì một thời gian sau quần áo cũng sẽ bị dơ bẩn trở lại? 
Ðúng thế, Giáo Hội chỉ buộc đi "xưng tội" (xưng các tội trọng) mỗi năm ít nhất là một lần. Nhưng Giáo Hội mạnh mẽ khuyến khích các tín hữu năng đi lãnh nhận bí tích Hòa Giải, mặc dù chỉ xưng các tội nhẹ thường ngày. Thật vậy, giữ tâm hồn thanh sạch một thời gian, dù ngắn ngủi, cũng là việc nên làm, cũng như việc tắm rửa thân thể của mình. Hơn nữa, những ai hiểu ý nghĩa của bí tích Hòa Giải và năng lãnh bí tích này đúng cách sẽ thấy rằng bí tích Hòa Giải không những rửa sạch mọi vết nhơ của tội lỗi, mà còn giúp đào tạo lương tâm của chúng ta, giúp chúng ta chống lại những khuynh hướng xấu, để Chúa Kitô chữa lành chúng ta, và giúp chúng ta tiến bộ trong đời sống thiêng liêng.

8. "Tôi thích xưng tội tập thể hơn!"

Có ba hình thức lãnh bí tích Hòa Giải : 
- Xưng tội riêng
Việc xưng tội cá nhân và lãnh ơn tha tội sau đó vẫn là cách thức và hành vi phụng vụ thông thường trong Giáo Hội (ngoại trừ những ai không có khả năng về thể lý và tinh thần). Bởi vì, trong bí tích này, cũng như trong tất cả các bí tích, chính Chúa Kitô hành động, và Ngài nói với từng tội nhân: "này con, tội con đã được tha" (Mc 2,5). Ngài là thầy thuốc cúi xuống trên từng bệnh nhân cần đến Ngài để được chữa lành. Do đó, việc xưng tội cá nhân là hình thức có ý nghĩa nhất của việc hòa giải với Thiên Chúa và với Giáo Hội. 

- Nghi thức sám hối chung và xưng tội riêng
Ngoài việc xưng tội riêng, Giáo Hội khuyến khích tín hữu tham dự các nghi thức sám hối chung của cộng đoàn. Cộng đoàn cùng cử hành Phụng vụ Lời Chúa, nghe giảng, xét mình và sám hối chung, nhưng sau đó mỗi người sẽ xưng tội riêng với linh mục. Việc cử hành này làm nổi bật tính chất Giáo Hội của bí tích Hòa Giải và vai trò quan trọng của Lời Chúa: 
- Tính chất Giáo Hội được nổi bật: mọi tội lỗi, dù là tội cá nhân, đều ảnh hưởng đến cộng đoàn và Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Nghi thức chung làm nổi bật ơn tha thứ và hòa giải với Thiên Chúa và với Giáo Hội. 
- Vai trò quan trọng của Lời Chúa: sau công đồng Vaticanô II, Giáo Hội muốn nhấn mạnh vai trò chính yếu của Lời Chúa trong việc cử hành các bí tích. Trong việc cử hành bí tích Hòa Giải, nhất là trong việc xưng tội riêng, Lời Chúa thường bị quên lãng hoặc coi nhẹ. Kinh Thánh mạc khải Thiên Chúa luôn yêu thương con người và biểu lộ ơn tha thứ của Ngài trong Chúa Kitô. Lời Chúa là ánh sáng hướng dẫn đường đi và đổi mới cuộc đời chúng ta. 

- Xưng tội và giải tội tập thể
Việc xưng tội và giải tội tập thể chỉ được áp dụng trong những trường hợp khẩn thiết, chẳng hạn khi có nguy cơ tử vong mà không có đủ linh mục hoặc không đủ thời giờ để xưng tội riêng; hoặc trong những hoàn cảnh khó khăn, như trong lao tù, trại tị nạn... khiến giáo dân không thể Rước Lễ. 
Mặc dù có số đông đảo tín hữu tụ tập nhân dịp các lễ trọng, hoặc nhân dịp các cuộc hành hương, vẫn không được coi là trường hợp khẩn thiết (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1483). 
Có những trường hợp khẩn thiết khác tùy theo quốc gia, vùng hoặc địa phận, nhưng chỉ có các giám mục mới có thẩm quyền quyết định mà thôi. 
Trong trường hợp cho phép, và để bí tích được thành hiệu, phải hội đủ các điều kiện sau đây: 
- Ăn năn sám hối và dốc lòng chừa 
- Cương quyết sửa chữa lại gương xấu và đền bù những thiệt hại cho người khác 
- Phải xưng lại các tội trọng, khi có dịp xưng tội riêng sau đó, mà mình không thể xưng hôm đó được. 
Việc xưng tội riêng sau đó không đòi hỏi việc ban ơn tha tội lại, vì Chúa đã tha tội trong nghi thức giải tội tập thể rồi. Mục đích của việc xưng lại các tội trọng là được sự giúp đỡ hữu hiệu và thiết thực của vị linh mục.

9. "Tôi thích xưng tội trực tiếp với Chúa"

Trong cuộc đời truyền giáo của Chúa Giêsu, Ngài đã tha tội và hòa giải. Ngài đến để tha thứ và chữa lành chứ không phải để xét đoán và lên án. Hơn nữa Ngài muốn sự tha thứ và hòa giải này luôn hiện hữu giữa lòng nhân loại và qua mọi thời đại. Do đó, trước khi lên trời, Chúa Giêsu nói với các tông đồ: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Rồi, Ngài thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì người ấy được tha" (Ga 20,21-23). Khi tuyên bố điều đó, Chúa Giêsu trao quyền tha tội, quyền hòa giải cho các tông đồ. 
Ngay sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, các tông đồ bắt đầu thực hiện những gì Chúa Giêsu giao phó. Mặc dù có nhiều thay đổi về hình thức trong lịch sử của Giáo Hội, ơn tha thứ của Chúa luôn được trao ban qua bí tích Hòa Giải và qua Giáo Hội, nghĩa là qua trung gian của một vị giám mục, là người kế vị các tông đồ, hay một vị linh mục, là người cộng tác của hàng giám mục. 
Vì vậy, việc thống hối nhìn nhận tội lỗi của mình vẫn chưa đủ, mà còn phải thành thật thú tội với linh mục có thẩm quyền đại diện Chúa Kitô và Giáo Hội để xét xử, hướng dẫn và ban ơn tha tội (Giáo luật, số 959). Như thế linh mục ban phép giải tội không do danh nghĩa cá nhân nhưng nhân danh Chúa Ba Ngôi: "Vậy cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Chân phước Isaac de l'Étoile, vào thế kỷ XII, đã nhấn mạnh đến sự hiệp thông mật thiết giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài trong việc tha tội: "Giáo Hội không thể tha tội nếu không có Chúa Kitô, và Chúa Kitô không muốn tha tội nếu không có Giáo Hội" (xem Tông thư "Hòa giải và Thống hối", của ÐGH Gioan-Phaolô II, công bố ngày 2-12-1984, lời chú thích số 162).


Một số câu hỏi khác thường được đặt ra


Câu hỏi 1: Xưng tội qua điện thoại hoặc qua Internet (E-mail, Net Meeting...) có được không?
Trả lời: Trong chúng ta, có ai đã nhờ bác sĩ khám bệnh hoặc chữa một vết thương qua... điện thoại hoặc Internet chưa? Hay là, mời bạn bè ăn cơm... hàm thụ? 
Như đã đề cập trong mục số 8 ("Tôi thích xưng tội tập thể hơn", phần "xưng tội riêng"): bí tích Hòa Giải cần có cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa hối nhân và vị linh mục. Vì sau khi nghe xưng tội, linh mục sẽ hướng dẫn, giúp đỡ người đó một cách hữu hiệu và thiết thực. Sau đó, linh mục giơ tay lên ban ơn tha thứ và hòa giải nhân danh Chúa Kitô: "Vậy Cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Chính Chúa Kitô hiện diện và hành động trong bí tích này, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Như thế, bí tích Hòa Giải đòi hỏi sự hiện diện của linh mục và hối nhân. Do đó, không thể lãnh bí tích Hòa Giải qua điện thoại hoặc qua Internet được.

Câu hỏi 2: Khi xưng tội, có thể nhờ người thông dịch được không?
Trả lời: Là người Việt Nam tại hải ngoại, chúng ta thường gặp khó khăn về vấn đề ngôn ngữ, rồi lại ở xa Cộng đoàn Việt Nam, hiếm có dịp gặp linh mục Việt Nam để xưng tội. 
Giáo Hội cho phép xưng tội với sự giúp đỡ của thông dịch viên, với điều kiện phải tránh mọi lạm dụng, gương xấu, và người thông dịch phải giữ bí mật tuyệt đối (Giáo luật, số 990 và 983).

Câu hỏi 3: Có thể xưng tội bằng tiếng Việt với một linh mục ngoại quốc được không?
Trả lời: Nếu không găp được linh mục Việt Nam để xưng tội thì có thể nhờ thông dịch viên (xem Câu hỏi 2 trên đây). Có cách khác, là nhờ người quen viết trên giấy một câu bằng tiếng Anh, Pháp, Ðức, v.v... Ðại khái nội dung như sau: "Con không biết nói tiếng Anh (Pháp, Ðức...). Xin Cha cho phép con xưng tội bằng tiếng Việt". Rồi trao cho linh mục ngoại quốc khi vào xưng tội, và xưng tội bằng tiếng Việt. Sau đó Cha "tây" sẽ ban phép giải tội cho mình. Thiên Chúa thấu hiểu tâm hồn chúng ta và sẽ tha thứ mọi tội lỗi chúng ta. Về việc đền tội, chúng ta có thể đọc kinh, cầu nguyện, làm việc bác ái, và đền bù những thiệt hại đã gây nên cho kẻ khác. 
Giáo Hội chỉ cho phép xưng tội theo cách thức này trong những trường hợp khẩn cấp để tránh những lạm dụng. 
Theo luật của Giáo Hội, các tín hữu buộc đi xưng các tội trọng ít nhất mỗi năm một lần, nếu không, sẽ không được rước Mình Thánh Chúa, trừ khi người đó có lý do nghiêm trọng để rước lễ và không thể gặp một cha giải tội. Trong trường hợp này, người đó phải thành tâm thống hối và dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1457; Giáo luật, số 916 và 989). 
Như thế, Giáo Hội chỉ buộc xưng các tội trọng trước khi lên Rước Lễ. Nếu chỉ phạm các tội nhẹ thường ngày, thì chỉ cần ăn năn tội rồi lên Rước Lễ, không buộc phải xưng tội trước. 

***

Ðể kết luận, tôi xin mượn lời kêu mời của thánh Phaolô: "Nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy hòa giải với Thiên Chúa" (2 Cr 5,20). Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài, như người cha kiên tâm ngóng đợi người con hoang đàng trở về, để ban ơn tha thứ, ơn hòa giải và ơn bình an trong tâm hồn.
Ước mong tất cả anh chị em tín hữu biết tìm ra lại ý nghĩa phong phú của bí tích Hòa Giải là nguồn sức thiêng liêng, là "thuốc bổ" cho đời sống đức tin của chúng ta, cũng như niềm vui được tha thứ, niềm hân hoan được Thiên Chúa yêu thương.


(Nguồn : lavangparish.org)