Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

NHỮNG VỊ TỬ ĐẠO CHƯA ĐƯỢC PHONG THÁNH

Giáo hội Công giáo Việt Nam đã diễm phúc khi có 117 vị tử đạo được phong thánh và một vị được tôn phong chân phước. Tuy nhiên, theo nhiều sử liệu những chứng nhân tử vì đạo ở Việt Nam có thể hơn 130.000 vị và cũng có thể là ngoài 300.000 người đã ngã xuống để làm chứng cho đức tin từ ngày Tin Mừng hiện diện trên mảnh đất hình chữ S
Cuối tháng 9, chúng tôi có dịp ghé thăm một vài giáo xứ thuộc giáo phận Thái Bình – địa phận có 19 thánh nhân trong hàng ngũ 117 vị Hiển thánh (5 linh mục, 4 thầy giảng, 5 nông dân, 4 ngư dân và 1 thợ may) và hơn 500 vị tử đạo. Tại nhiều nhà thờ chúng tôi đến, nhiều ngôi mộ tập thể đã được cải táng hoặc còn nguyên vẹn từ ngày đầu chôn những chứng nhân đức tin sẵn sàng chọn cái chết để không bước qua Thánh Giá hay vì “ngoan cố không chịu bỏ đạo”.
Hài cốt các tử đạo họ Kính Danh 
Ở họ lẻ Kính Danh thuộc giáo xứ Đông Thành, hạt Tiền Hải, một họ lẻ có khoảng 500 nhân danh, nhưng Kính Danh tự hào là quê hương của các Thánh tử đạo với hai hiền phúc là Thánh Đaminh Vi và Phêrô Khang. Dưới tầng hầm cung thánh nhà thờ còn có 38 hài cốt được cho là của các vị tử đạo trong họ, có bộ còn nguyên vẹn, có bộ đã bị hư hại đôi chỗ nhưng được xếp đặt trang trọng bên thánh tích của hai Thánh. Ông Bùi Xuân Giản, người có ba đời là chánh tổng, chánh trương họ Kính Danh, cho biết: “Theo các tài liệu của các cụ để lại, đặc biệt là công hàm cổ của GP Bùi Chu (trước họ Kính Danh thuộc Gp Bùi Chu), dưới cung thánh có 41 vị tử đạo được chôn chung nhưng khi chúng tôi xây mới nhà thờ vào năm 2010, đào lên chỉ tìm được 38 bộ hài cốt. Ở mỗi vị đều có thẻ bài trùng tên với tài liệu của giáo họ, tuy có một số thẻ đã bị hư hại không thể đọc được nhưng đa phần chúng tôi vẫn phân biệt được các vị với nhau”.
Nhắc đến Thái Bình sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến giáo xứ Kẻ Bái (Bồ Ngọc ngày nay), hạt Đông Hưng, giáo xứ đầu tiên của giáo phận. Với hơn 375 năm đón nhận Tin Mừng (1639), giáo dân Kẻ Bái đã không ít lần đối mặt với nguy nan trước cuộc bách hại đạo. Nhưng lòng đạo của giáo xứ nằm bên dòng sông Luộc vẫn vững vàng và minh chứng cụ thể nhất chính là ba giáo dân được Giáo hội tôn phong Thánh Tử đạo và hai mươi hiền phúc tử đạo sinh trưởng tại Kẻ Bái. Trên đất Kẻ Bái còn có Đống Năm Mươi, nơi giam cầm và thiêu sinh năm mươi vị tử đạo năm 1862. Đống Năm Mươi ấy ngày nay đã được các cha xứ dựng làm nhà nguyện nhỏ trong nghĩa trang giáo xứ và một lăng chôn cất 13 tử đạo của xứ như để lưu giữ một chứng tích kiên trung của giáo dân Việt nói chung và Thái Bình nói riêng.
Đống Năm Mươi ngày nay
Cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 70km, chúng tôi ghé thăm giáo họ Trần Xá thuộc giáo xứ Cao Xá, hạt Hưng Yên, một giáo họ lâu đời của giáo phận Thái Bình. Phía trước ngôi nhà thờ cổ được dựng bằng gỗ có niên đại hơn trăm tuổi là một lăng nhỏ chôn chung 18 vị trong số  42 tử đạo của giáo họ cạnh lăng của cha Thánh Giuse Tuân. “Họ chúng tôi may mắn có một vị thánh và 42 vị tử đạo. Chính những tiền nhân anh dũng này đã giúp nhiều thế hệ trong họ vượt qua được nghịch cảnh cũng như khó khăn để giữ đạo”, ông Nguyễn Đức Đắc, trùm họ Trần Xá khẳng định. Riêng Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục GP Thái Bình cho hay, trong giáo phận còn rất nhiều lăng chôn tập thể các vị tử vì đạo, nhiều giáo xứ, giáo họ còn ghi lại địa danh là pháp trường xử các thánh Tử Đạo hoặc các vị tử đạo.
Cuộc bách hại đạo không chỉ diễn ra ở giáo phận Thái Bình mà ở khắp mọi miền đất nước. Nơi nào có dấu chân những tín hữu nơi đó đều ít nhiều thắm đẫm giọt hồng đức tin. Như  giáo xứ Kẻ Bền – GP Thánh Hóa, có một ngôi mộ tập thể chôn xác 72 giáo dân bị thiêu chết vào năm 1883. Tấm bia của mộ mang tên “Bia Cam Phần” đã được lập ngày 29.6.1910, ghi tên tuổi của 72 người bằng chữ Nôm và chữ Hán, từ trẻ em thai nhi cho đến người lớn 80 tuổi. Từ người mới theo đạo đến các cặp vợ chồng, hay những đứa trẻ mới được sinh ra cùng những bà mẹ mang thai, và có những người là anh em, họ hàng với nhau cùng những người là binh sĩ... Đã chết trong cuộc bách đạo.
Lăng tử đạo họ Trần Xá 
Ngược vào giáo phận Huế  có thể kể đến giáo xứ Cây Da nơi gần như toàn tòng và có bề dày lịch sử về sự phát triển của hạt giống Tin Mừng. Lăng tử đạo của giáo xứ chứa đựng 120 hài cốt các vị đã được phước tử đạo năm 1885, thời kỳ Văn Thân. Hay ở nhà thờ Mồ Vũng Tàu, cách nhà thờ Chánh tòa Vũng Tàu khoảng 300m, dù chỉ là một ngôi nguyện đường khiêm tốn, không có dáng vẻ gì đặc biệt, nhưng đây chính là nơi cất giữ 300 hài cốt của các tín hữu Bà Rịa tử đạo vào năm 1862 tại nhà ngục Phước Lễ.
Trải dài 3 thế kỷ, từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, từ thời chúa Trịnh, chúa Nguyễn, sang đến thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, không biết bao nhiêu vị tử đạo đã gục ngã trong lao tù, hoặc bị tử hình dưới nhiều hình thức như xử trảm, thắt cổ, phân thây, voi dày, trầm hà, thiêu sinh, chôn sống, bắt nhịn đói đến chết trên quê hương Việt Nam. Hàng ngàn họ đạo, giáo xứ bị tiêu hủy và hàng vạn vạn người có đạo đã phải âm thầm dìu dắt nhau trốn vào rừng hoang núi hiểm để mong duy trì đức tin và bảo toàn mạng sống của mình. Không biết bao nhiêu người đã làm mồi cho dã thú hoặc chết vì đói khát bệnh tật. Với những cuộc bách hại đạo có biết bao gia đình phải tan cửa nát nhà, vợ chồng chia lìa nhau, con cái phải xa cha mẹ phiêu bạt khắp nơi, ngay cả vượt biên sang Lào, Camuchia và Thái Lan. Nhưng không vì thế mà hạt giống Tin Mừng biến mất trên đất Việt mà ngược lại còn vươn lên mạnh mẽ.
Mộ tử đạo vùng Bà Rịa 
Đi qua những ngôi thánh đường, nơi còn lưu giữ những ngôi mộ hay hài cốt các Thánh Tử Ðạo và những chứng nhân tử đạo; hay các địa danh như Bẩy Mẫu, Cầu Giấy, Hải Dương, Đồng Hới, Thợ Đúc, Trí Bưu, An Hòa, Bà Rịa..., xưa kia là những pháp trường diễn ra những vụ hành quyết rùng rợn... Để thấy rằng đức tin của giáo dân Việt Nam vẫn luôn tồn tại dẫu lịch sử có đầy bất trắc. Ở thời điểm nào công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo hội Công giáo Việt Nam vẫn tiếp diễn bằng cách này hay cách khác và những chứng nhân anh dũng vẫn xuất hiện trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử. Những chứng nhân ngã xuống đã làm mảnh đất Việt thêm màu mỡ, phong phú cho đức tin triển nở. Và, những tín hữu sống sót như những vết dầu loang, đi đến đâu rao giảng Tin Mừng đến đó như chính lời nhận xét của giáo phụ Tertuliano “Máu các vị Tử Đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”.


Trung Nhân
(Nguồn :cgvdt.vn)