LM. An tôn Nguyễn Trường Thăng
Ngày nay tại Giáo phận Đà Nẵng, nói đến Phong trào giới trẻ Hùng Tâm Dũng Chí, đa số lại nghĩ đến linh mục Antôn Bùi Hữu Ngạn, Antôn Trần Văn Trường, Giuse Đinh Công Hạnh, Giuse Nguyễn Trung Thành….những người đã phát triển phong trào mạnh mẽ tại vùng đất này thập niên 1960 và kết thúc tháng 3 năm 1975.
Ngày đó nhà in Thanh Tâm, An Hòa, đã cho xuất bản rất nhiều sách huấn luyện hội đoàn và tại Huế cũng ra đời nhiều bài ca hùng tráng thôi thúc giới trẻ dấn thân vì Chúa, vì Giáo hội.
Thực ra Phong trào du nhập rất sớm vào vùng Sài Gòn.Hà Nội năm 1942, với các linh mục lừng danh như cha Anton Bùi văn Nho, giáo xứ Ngã sáu (Jeanne d’Arc) Chợ Lớn. Là chủng sinh Qui Nhơn theo học tại Đại chủng viện Thánh Giuse, Đại Lộ Luro, Đại chủng sinh năng động thầy Nguyễn Văn Ban (?), có lẽ gốc Rừng Lai, Ninh Thuận, chắc hẳn rất hứng thú với phong trào giới trẻ này nên khi đi giúp xứ Trà Kiệu vào năm 1949, 1950, thầy Ban đã xin thừa sai Pierre Jeanningros Vị, MEP, cho phép thành lập hội đoàn Hùng Tâm (Coeurs Vaillants) . Vào thời đó, việc “nam nữ thọ thọ bất thân” vẫn còn rất nặng. nên không có nhóm con gái Dũng chí (Ames Vaillantes).
Tại Giáo xứ An Ngãi, linh mục trẻ vừa từ giáo đô Roma về, Giuse Lê Văn Ấn, cũng rất ấn tượng với hội đoàn mới lạ này nên cho phép thí nghiệm.
Cậu bé Antôn, 7 tuổi, rước lễ lần đầu năm 1949, là thành phần nhỏ tuổi nhất trong đoàn Hùng Tâm giáo xứ An Ngãi, một đoàn hỗn hợp từ người đã có gia đình, thanh niên và thiếu nhi. Đòan không có đồng phục, ngoại trử một chiếc khăn quàng và beret đen.
Mùa hè 1951, tại Lăng Cô, hai đoàn Trà Kiệu và An Ngãi gặp nhau. Đòan Hùng Tâm Trà Kiệu đông đảo, với thầy Ban thủ lĩnh, với đồng phục, cờ đoàn, trống phách, kỷ luật, hát xướng, lửa trại …rất bài bản. Trong khi đó, đoàn An Ngãi rất “tả pín lù”, đi picnic, du ngoạn, vui chơi, thưởng thức đặc sản là chính.Thời ấy, rừng còn phủ quanh ga Lăng Cô, biển , đập Lập An đầy cá…Đứng trên cầu sắt Lăng Cô nhìn xuống làn nước trong xanh là hàng trăm con cá to nào cá hồng, cá mú bơi lượn…cảnh chỉ còn trong giấc mơ. Tụi nhỏ 9, 10 tuồi tha hồ ăn hải sản… hơi buồn, xấu hổ vì thấy nhóm mình thua xa đoàn Trà Kiệu.
Từ cuộc gặp gỡ đó, các anh phụ trách trở về phúc trình với cha sở Giuse Ấn, ngài tức tốc cho phép cải tổ. Đồng phục Hùng Tâm với áo trắng cụt tay, quần short xanh nước biển, dép cao su trắng có quai, mũ beret đen có gắn phù hiệu thánh giá Hùng tâm. Cha sở, nhân dịp ra Bắc, đã đặt thêu một lá cờ đoàn màu sắc tuyệt đẹp và những dây trang trí ngũ sắc tại một tiệm thêu nổi tiếng Phát Diệm. Giáo xứ An Ngãi may mắn đón một thầy xứ gốc dòng Thánh Giuse Kim Châu, thầy Jean, đến giúp xứ. Người nhỏ nhắn, nghiêm khắc nhưng có rất nhiều tài. Thầy giúp đoàn Hùng Tâm lột xác với nhiều sinh hoạt. Sáng sớm ngày Chúa Nhật, đoàn tập hợp tập thể dục, sinh hoạt, tập hát…sau đó về nhà, tắm rửa, thay đồng phục, xếp hàng vào nhà thờ dâng lễ (thời đó chỉ có một thánh lễ Chúa nhật, thường vào lúc 9 giờ và kéo dài đến 11 giờ). Bài giảng, cha sở đứng trên giảng đài, thao thao bất tuyệt ít nhất 45 phút, thỉnh thoảng xen vài câu tiếng La tinh “xí lô xí là”. Tụi nhỏ ra về xụi lơ vì luật giữ chay rước lễ thời đó. “Từ nửa đêm cho đến khi chịu lễ chẳng nên ăn uống vật gì, một hãy giữ lòng sạch sẽ mà rước Mình Thánh Chúa”. Mà đâu có phải từ nữa đêm, vào thời đó chạng vạng là đã ăn tối, khoảng 7 giờ tối là “tắt đèn đi ngủ” rồi. Các cô và cậu nhỏ phải nhịn đói gần 15 tiếng đống hồ đấy. Vậy mà rất vui vẻ giữ đạo. Từ đó, đoàn Hùng Tâm được coi trọng. Đòan dẫn đầu các cuộc rước kiệu, nhất là khi thầy Jean sáng tạo được bộ trống con, trống cái….mặt trống gồm giấy xi măng dán hồ nhiều lớp, nhưng khi trang trí râu ria, không khác gì giàn trống lính Lê Dương. Gặp trời nắng, gõ bon bon, khí thế, nhưng khi trời mưa…thật là thảm họa, phải làm lại tất cả (ngày đó 1950 đâu có bao ni lông để che mưa). Đoàn Hùng Tâm còn tỗ chức những đêm lửa trại giúp vui, những ngày lễ Giáng Sinh với thiên thần hiện xuống tay cầm pháo hoa…đẹp tuyệt vời, hay những con trâu to thay lạc đà chở của ba vua cùng đoàn tùy tùng, đi viếng Chúa Hài đồng.
Năm 1953, cậu bé Antôn phải xa rời đoàn để xuống Đà Nẵng học hành thêm tiếng Tây và tiếng La Tinh giúp lễ “Ách Đê Um lê ti phi cách giu vên tu têm mê am” (Ad Deum laetificat juventutem meam), chuẩn bị vào Tiểu Chủng viện Nha Trang vào năm 1954.
Mấy năm vắn või sống với đoàn Hùng Tâm An Ngãi đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng cậu bé Antôn. Những bài hát thời đó như Hướng về Vatican với những lời ca : “Ta xin thề, ta theo Vua Giêsu mà tranh đấu….quyết theo Chúa trên đường cao sáng, sống dương gian không màn thế gian”. Những bài ca sinh hoạt hội đoàn rất ít, phải thêm các bài tiếng Tây như Frère Jacques,dormez vous, sonnez les matines…và các bài từ Sài Gòn. “Chèo đi bơi đi, nước trong đang chờ ta….mà hát vang lên cho lòng hăng hái”. “Ngày đẹp tươi ta hãy cứ cười… cười cùng muôn chim chuyền cành hót … Ngày sầu đau ta hãy ráng cười, can chi giọt lệ mãi nhỏ sa….” đã ảnh hưởng sâu đậm tuổi thơ cậu bé Antôn.
Nhờ sống phong trào Hùng Tâm trong thời gian ngắn, cậu đã cố gắng phục vụ Chúa, Giáo hội và con người suốt cả cuộc đời.
Sau Trà Kiệu, An Ngãi là các đoàn Phú Thượng, Cồn Dầu. Tourane (Đà Nẵng)…
Từ thập niên 1960, phong trào Hùng Tâm Dũng chí bùng phát mạnh> Con số lên trên 30.000 tại nhiều giáo phận. Từ phong trào Hùng Tâm Dũng chí có ai thống kê bao nhiêu linh mục, nữ tu, giáo hữu nam nữ nhiệt thành…xuất thân từ Hội đoàn quí giá này? Họ đã trở thành những lãnh đạo khắp nơi trong các Giáo phận tại Việt Nam, nhất là những vùng kinh tế không có linh mục và sau đó trên thế giới
Mong các vị Giám mục Việt Nam hỗ trợ cho việc hồi sinh giai đoạn 3 cho Hội đoàn này, bắt đầu tại Giáo phận Đà Nẵng nơi đã được tái lập nhưng xem ra còn èo uột do thiếu lãnh đạo.
Xin quý cha Antôn Trường, Giuse Hạnh, Giuse Thành… giúp cập nhật hóa cẩm nang Phong trào mà tên gọi Hùng Tâm (Coeurs Vaillants) và Dũng Chí (Ames Vaillantes) đã biến mất trên thế giới để thay vào một từ rất rộng, rất mơ hồ Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi (Mouvement International d’Apostolat des Enfants, viết tắt là M.I.D.A.D.E.).
(Nguồn :https://antontruongthang.com)