KỸ NĂNG



* KỸ NĂNG TRÒ CHƠI

*  KỸ NĂNG TRUYỀN TÍN HIỆU       

@CÁC LOẠI TRUYỀN TIN KHÁC (bằng hình thể , bằng tay .....)

  

* MẬT THƯ

 @MẬT THƯ TRONG TRÒ CHƠI LỚN

        

* KỸ NĂNG XÁC ĐỊNH PHƯƠNG HƯỚNG 

       @ XÁC ĐỊNH PHƯƠNG HƯỚNG BẰNG TRĂNG , SAO 

SƠ CẤP CỨU KHI ĐI CẮM TRẠI , DÃ NGOẠI 

@(1) Cầm máu  

@(2) Bị bỏng

@(3) Bị rắn cắn 

@(4) Bị ong chích 
@(5) Bị chuột rút (vọp bẻ)
@(6) Ngộ độc thức ăn 
@(7) Vướng lông mắt mèo 
@(8) Chảy máu cam 
@(9) Bị đuối nước 


@KỸ NĂNG ĐỌC SÁCH



************************************************************

KỸ NĂNG CẮM TRẠI


 Cắm Trại
 là một phần trong cuốn sách  : Du Hành và Cắm Trại , trong bộ sách  : KỸ NĂNG SINH HOẠT DÃ NGOẠI của tác giả PHẠM VĂN NHÂN , do nhà xuất bản Trẻ  xuất bản vào  tháng 04 năm 2008 .
Bộ sách rất đồ sộ và có ích cho thanh thiếu niên  gồm nhiều tập  :
 -tập 1: Du hành và cắm trại
-tập 2 : Đến vùng sông núi
                -tập 4 : Phương hướng và ước đạc
                      -tập 5 : Đối phó với tình huống khẩn cấp
    -tập 6 : Sơ cấp cứu dã ngoại
Bộ sách này là một trong những bộ sách bán chạy nhất ở VN  trong những năm qua và được rất nhiều trang mạng trích đăng lại .
Các Trưởng và anh chị em HTDC nếu có điều kiện nên tìm đọc .
Vì rất nhiều nên chúng tôi chỉ có thể đưa lên một vài chương thật cần thiết như :
- Cắm trại; 
                                                    - Đối phó với những tình huống khẩn cấp,
           - Sơ cấp cứu ….
                                                                             bllcht


Kỹ năng cắm trại

Nói đến “cắm trại” nhiều người lại nghĩ ngay rằng: đó là cuộc vui chơi, giải trí, nghỉ mát, du lịch, dã ngoại... hoặc đại loại như vậy. Quan niệm sai lầm đó khá phổ biến ngay cả trong các đoàn thể thanh thiếu niên.
Trại là một nhu cầu cần thiết trong sinh hoạt và giáo dục thanh thiếu niên. Giúp các em thỏa mãn óc phiêu lưu, khám phá, huấn luyện tinh thần kỷ luật, trật tự, tăng cường sức khỏe, sự chịu đựng.
Trại là một thế giới thần tiên của những thanh thiếu niên yêu thiên nhiên và ham hoạt động. Ở đó các em thấy mình gần gũi và hòa quyện với thiên nhiên, thấy tâm hồn mình phóng khoáng và cao thượng hơn.
Trại cũng là một dịp để các em thoát ra khỏi sự ồn ào náo nhiệt của thành phố, sự đơn điệu buồn tẻ của các cao ốc và những bức tường.
Trong chương trình sinh hoạt trại, các em có dịp học hỏi và thực hành các kỹ năng trong đời sống thường ngày, trổ tài tháo vát, phát huy sáng kiến để tạo tiện nghi tối đa cho đời sống trại. Khi cùng làm việc với nhau, các em sẽ gây dựng một tình đồng đội, thân ái, vui tươi, đoàn kết...
Ai chưa một lần ngủ đêm dưới lều để nghe côn trùng hòa nhạc, chưa một lần tắm nắng đến cháy da bên bờ biển, chưa một lần bó gối nhìn cơn mưa ở giữa rừng hay cuống cuồng đắp bờ chắn nước đang lăm le tràn vào lều... thì coi như mình mất đi một phần đẹp của tuổi trẻ.
Có nhiều loại, nhiều hình thức trại tùy theo điều kiện và nhu cầu.
Các hình thức trại

1. Trại cuối tuần
Đây là một hình thức trại cho một nhóm nhỏ người do một Đội trưởng tổ chức (được sự đồng ý của Phụ trách) trong vòng 24 giờ.
Tuy là trại nhỏ, nhưng cũng phải có chương trình rõ ràng, đầy đủ. Phải cắm trại cho ra cắm trại. Không nên dùng thực phẩm chế biến sẵn mà phải nấu nướng đàng hoàng (đây cũng là một phần của sự huấn luyện).

2. Trại kỹ năng
Trong những lần sinh hoạt thường xuyên, chúng ta không có đủ thời giờ và điều kiện để huấn luyện một số kỹ năng chuyên môn đặc biệt. Trại kỹ năng được tổ chức để san lấp lỗ hổng đó.
Trại kỹ năng là dịp để cho các trại sinh ôn tập và huấn luyện một số kỹ năng đòi hỏi phải có không gian và địa điểm thoáng rộng, thiên nhiên thích hợp như: tìm phương hướng, tìm sao, ước đạc, quan sát dấu vết, thủ công trại, truyền tin, cứu thương.
Nếu có nhiều đơn vị cùng tham gia thì trại sinh sẽ có tinh thần ganh đua hào hứng hơn và kết quả sẽ tốt đẹp hơn.

3. Trại bay
Thường dùng trong các cuộc thám du khảo sát... Như tên gọi của nó, “Trại bay” không cố định như “Trại đứng” mà nó luôn theo bước chân của toán thám du. Cảnh vật luôn luôn thay đổi sẽ gây nhiều thú vị cho trại sinh. Muốn trại bay có kết quả, ta nên nhớ:
+ Tổ chức vào lúc thời tiết tốt
+ Trang bị gọn nhẹ
+ Có mục đích và đề tài rõ ràng

4. Trại hè
Đương nhiên sẽ tổ chức vào dịp các học sinh - sinh viên được nghỉ hè, cho nên trại hè có thể kéo dài nhiều ngày.
Trại hè cũng là dịp để tổng kết, ôn tập và thực hành những điều đã học trong năm qua.
Sự thành công của trại hè là do sự tổ chức, sắp xếp chương trình và duy trì kỷ luật.

5. Trại họp bạn
Nhiều đoàn thể cùng phong trào ở nhiều nơi, nhiều xứ (lớn nhỏ tùy theo qui mô tổ chức) cùng qui tụ về một địa điểm để:
+ Gặp gỡ, kết thân
+ Trao đổi, học hỏi kinh nghiệm
+ Báo cáo sự tiến bộ
+ Thể hiện tình huynh đệ cùng chí hướng
Thường thì mọi đoàn tham dự phải trình diễn mọi trình độ khả năng sinh hoạt của đơn vị mình trước các cán bộ Phụ trách cao cấp. Nhất định sẽ có cuộc thi đua để trắc nghiệm chung cho từng đoàn, từng ngành... và sẽ có thứ hạng trên dưới. Các đơn vị hãy coi đó là sự chứng minh tiến bộ của mình. Đừng vì hơn thua mà tự mãn hay thất vọng.

6. Trại huấn luyện
Như tên gọi của nó - Trại huấn luyện qui tụ các Phụ trách cùng một tổ chức để đào tạo hoặc hoàn thiện khả năng lãnh đạo. Tùy theo từng đẳng cấp và đề tài. Trại có thể kéo dài nhiều ngày. Những trại này sau khi bãi trại (mãn khóa) những trại sinh trúng cách, sẽ được xét duyệt để được cấp bằng hoặc chứng chỉ.

Tổ chức một cuộc trại

A. Chuẩn bị

Để chuẩn bị, chúng ta lần lượt tiến hành những điểm sau:
1. Chọn lựa địa điểm
2. Tiếp xúc, thông báo, xin phép
3. Chỉnh trang lều vải
4. Dụng cụ đi trại
5. Lên chương trình
1. Chọn lựa địa điểm
Đích thân anh chị Phụ trách phải đi tiền trạm để khảo sát và chọn lựa. Đất trại phải rộng rãi đủ chỗ để dựng lều. Và cần hội tụ đủ các yếu tố sau:
a. Phong cảnh
Đây là dịp đưa các em ở thành phố hòa mình với thiên nhiên, nên phong cảnh đẹp là yếu tố quan trọng giúp trại thành công. Đất trại ở gần biển, sông, suối, ao, hồ, rừng, núi... tha hồ cho các em tổ chức trò chơi. Nên dự phòng một nơi trú ẩn khi thời tiết trở nên xấu (giông, bão, lũ, lụt...).
Ngược lại, đối với các em ở nông thôn, chúng ta nên tổ chức những cuộc cắm trại hay tham quan ở những điểm trong thành phố (sở thú, tụ điểm vui chơi, du lịch...)
b. Thoát nước
Đất trại có phủ cỏ, khô ráo, sạch sẽ, thoai thoải, không bị lụt hay úng thủy khi mưa lớn.
c. Nước uống
Phải có nước sạch gần nơi cắm trại để có thể lấy được dễ dàng.
d. Cây, củi
Việc đun, nấu, làm thủ công trại đều phải sử dụng cây, củi, nên điểm cắm trại phải gần chỗ có thể lấy cây, củi...
e. Dễ tới
Địa điểm cắm trại phải phù hợp với khả năng kinh phí chuyên chở của đơn vị. Nếu có thể nên ở gần trục lộ giao thông để đề phòng trường hợp phải di tản trại sinh.
f. Chợ
Là nơi tiếp tế thực phẩm và nhu yếu phẩm cho trại. Tuy nhiên chúng ta không vì thế mà cắm trại gần chợ. Càng xa càng tốt nhưng phải thuận tiện cho việc đi lại mua sắm.
Ngoài ra, không nên cắm trại ở nơi đông người, bệnh viện, khu quân sự...

2. Tiếp xúc, thông báo, xin phép
a. Tiếp xúc
- Với chủ đất hay chính quyền địa phương để xin phép sử dụng địa điểm cắm trại.
- Với các đoàn bạn và các tổ chức thanh thiếu niên sở tại, để mời sinh hoạt chung hay nhờ họ hướng dẫn những tập quán phong tục địa phương. Cần nắm các đền chùa, nhà thờ và các giờ hành lễ, các di tích lịch sử, thắng cảnh địa phương... Các địa chỉ của bác sĩ hay trạm y tế gần nhất.
b. Thông báo, xin phép
Đến các cấp cao hơn trong phong trào và gửi giấy thông báo và xin phép đến từng phụ huynh của trại sinh.
Thông báo cho trại sinh biết ngày, giờ, địa điểm tập kết... thời gian đi trại, chủ đề hay mục đích của trại, lệ phí trại. Lên danh mục những vật cần mang theo cho đúng với nhu cầu của trại.

3. Chỉnh trang lều vải
Ta phải xem lại các lều vải, chỗ nào hư mục thì phải thay bỏ hay vá. Kiểm xem số lều có phù hợp với số trại sinh không? Nếu thiếu thì may hoặc mượn thêm. Kiểm tra dây, cọc, cột, dùi cui có đủ không?

4. Dụng cụ đi trại
a. Dụng cụ tập thể
Phân công cho trại sinh mỗi người mang một ít, người nào mang món nào phải có trách nhiệm giữ gìn bảo quản cho đến hết kỳ trại. Những dụng cụ chung cho cả tổ, đội gồm:
+ Lều vải, dây, cọc, dùi cui
+ Thùng hay xô chứa nước
+ Tô dĩa lớn
+ Vá, muỗng lớn, đũa lớn
+ Dao, rìu, rựa
+ Cuốc nhỏ hay xẻng (loại xếp được càng tốt)
+ Túi cứu thương
+ Địa bàn
+ Đèn bão
+ Tấm poncho hay nylon lót lều chống ẩm
+ Thực phẩm và gia vị
+ Nồi, soong, chảo, ấm nấu nước
b. Dụng cụ cá nhân
Chưa quen đi trại, nhiều em hay mang theo những thứ luộm thuộm vô ích. Hành trang của trại sinh phải gọn nhẹ và đa dụng.
Đây là những vật dụng gợi ý:
+ Y phục: Tùy theo mùa, đồ ngủ, đồng phục, đồ tắm, đồ lót, áo mưa, giày dép...
+ Đồ vệ sinh cá nhân: Kem, bàn chải răng, xà phòng, gương, lược, khăn, giấy vệ sinh...
+ Vật dụng ăn uống: Chén, đũa, muỗng, ly, dao đa năng, bình đựng nước...
+ Vật dụng học tập: Bút, sổ tay, còi, dây...
+ Vật dụng sinh hoạt: Đèn pin, đèn cầy, quẹt gas, nhang muỗi hay thuốc chống muỗi...
+ Mùng mền, võng cá nhân.
Tất cả sắp xếp thứ tự gọn gàng vào ba lô, những vật ít sử dụng để dưới, vật xài nhiều để ở trên.
Điều quan trọng mà mỗi trại sinh phải có là sổ tay cắm trại. Có thể gọi đây là Nhật ký trại, trong đó ghi chép:
- Thời gian, địa điểm và mục đích của những kỳ trại.
- Những kinh nghiệm, những ưu khuyết điểm đã gặp trong kỳ trại qua.
- Mô tả toàn bộ khung cảnh và hoạt động của trại (dưới dạng một ký sự)
- Phác họa hay dán những tấm hình đã chụp trong kỳ trại đó.
Liệt kê những thứ phải mang theo trong những kỳ trại, tìm ra những gì thừa hay thiếu để lần sau bỏ bớt hay mang theo.
Đây cũng là bằng chứng hùng hồn nhất để chứng minh khả năng của mình trong những lần Hội đồng Phụ trách xét duyệt để nâng cấp hay trao chuyên hiệu.

5. Lên chương trình
Trại không phải là nơi vui chơi, nghỉ mát một cách tùy tiện, vui đâu làm đó. Phải hoạt động nhiều để trại sinh không có những phút trống rỗng, bất động. Muốn được như vậy, Phụ trách phải có một chương trình thật hoàn chỉnh, khít khao với giờ giấc, đúng với chủ đề hay mục đích cắm trại. Có chương trình rồi cũng phải biết san lấp những lỗ hổng (nếu có) trong ngày. Đi đúng chương trình có nghĩa là không kéo dài tiết mục nào ra, dù tiết mục đó đang hấp dẫn.
Người Phụ trách cũng phải soạn một chương trình dự phòng - dành cho trời mưa hay trường hợp bất khả kháng - không để trại sinh ngồi bó tay chịu trận.
B. Chương trình sinh hoạt trại

Trong chương trình sinh hoạt trại chúng ta có những hoạt động sau:
1. Phân nhiệm
2. Theo đúng chương trình
3. Vệ sinh khu vực trại
4. Kỷ luật (nghiêm phép)
5. Bếp núc, ăn uống
6. Lửa trại

1. Phân nhiệm:
 
Để điều hành một cuộc trại, chúng ta có những thành phần nhân sự như sau:
Trại trưởng:
Chịu trách nhiệm chung về mặt pháp lý và điều hành trại, có quyền quyết định mọi hoạt động của trại, giám sát chương trình, chủ tọa mọi nghi thức.
Trại phó:
Tùy theo qui mô lớn nhỏ của trại, chúng ta có từ một đến vài Trại phó phụ tá cho Trại trưởng.
Trại phó trực:
Là một Phụ trách được phân công chịu trách nhiệm điều hành chương trình trại trong ngày. Giám sát và thi hành mọi mệnh lệnh của Trại trưởng. Có quyền quyết định mọi việc (miễn là theo đúng chương trình) trong thời gian mình trực. Tổ chức các buổi sinh hoạt.
Giúp cho việc điều hành trại, còn có các ban như:
+ Huấn luyện
+ Nghiêm phép (kỷ luật)
+ Hậu cần
+ Văn nghệ...
2. Theo đúng chương trình:
 
Trại có hấp dẫn và kết quả hay không là do nơi có theo đúng chương trình hay không. Chúng ta thà bỏ một vài tiết mục trong chương trình (vì thiếu thì giờ) còn hơn là soạn một chương trình lỏng lẻo, nhiều khoảng trống).
Giờ tự do (trường hợp trại sinh tự phụ trách phần giải trí hay hoạt động) cũng nằm trong chương trình.

3. Vệ sinh trại:
Khi vừa đến khu vực trại, chúng ta phải tổng vệ sinh khu vực (nhưng không được xâm phạm cảnh quang thiên nhiên).
Trại phải ngăn nắp, sạch sẽ, thứ tự. Phải chú ý đào ngay hố rác, nhà cầu và phải đào xa lều, dưới gió. Thức ăn thừa và thực phẩm chưa dùng phải được che đậy kỹ càng.
Lều và góc đội, góc đơn vị phải giữ ngăn nắp, sạch sẽ, không phải chỉ là lúc Phụ trách đi khám trại mà là suốt ngày.
Buổi sáng, khi thức dậy, trại sinh phải có đủ nước và tiện nghi tối thiểu để làm vệ sinh.
Ban đêm phải có mùng mền đủ ấm và chống muỗi cũng như côn trùng. Phải thay quần áo khô ráo để không bị cảm hay ho.

4. Kỷ luật (nghiêm phép)Nhìn vào một cảnh trại, thấy trại sinh ăn rồi nằm vật vạ trong lều, đọc truyện, tán nhảm, đi lang thang không mục đích. Đồ đạc, soong nồi, chén bát vất lung tung... ta thấy ngay rằng buổi trại đó chẳng thú vị gì, thà đừng tổ chức thì hơn.
Chương trình cắm trại có thành công hay không một phần là do kỷ luật trại. Anh Phụ trách kỷ luật có trách nhiệm nhắc nhở, kiểm tra. Dù là kỷ luật tự giác nhưng vẫn dùng biện pháp mạnh, nếu vi phạm luật trại.
Giờ nghỉ ngơi phải triệt để tôn trọng, nhất là giờ ngủ, bắt buộc các em phải im lặng ngủ (thường thì các em rất khó ngủ trong trường hợp này) ngày hôm sau các em mới có sức hoạt động tiếp mà không ảnh hưởng sức khỏe. Nên dành riêng cho các em một giờ nhất định để viết thư hay ghi nhật ký.
Ban đêm, phải cắt cử người gác đêm để gìn giữ an ninh và kỷ luật trại, cứ 1 hay 2 giờ đổi ca. Nhiệm vụ của các em gác là nhắc nhở trại sinh im lặng ngủ, kiểm tra các bạn mê ngủ, lăn ra khỏi chăn màn (nhưng không làm ảnh hưởng giấc ngủ trại sinh), phát hiện gì lạ, phải báo ngay cho Phụ trách trực.

5. Khám trại:Đây là thời gian Phụ trách đến từng lều kiểm tra vệ sinh, kỷ luật, sắp xếp, trình bày ngăn nắp, trang trí, nút dây... của từng lều.
Mỗi ngày, Phụ trách nên khám trại một hay hai lần, bằng nhiều cách khác nhau. Có khi đi xa xa mà quan sát, có khi bất ngờ đi ngang qua, thường thì đến một cách chính thức và có báo trước.
Khi các Phụ trách đến chính thức, Tổ, Đội trưởng phải tổ chức đón tiếp và hướng dẫn các anh chị đi thăm trại mình.
Nên có các hình thức khen thưởng cho Đội nào khá nhất.

6. Bếp núc
7. Lửa trại

C. Bãi trại

Trại sinh thu gom vật dụng chung và đồ đạc cá nhân gọn gàng. Khi được lệnh thì mới giỡ lều.
Trả lại nguyên trạng cảnh quang giống như lúc ta mới đến.
Xóa bỏ tất cả dấu vết của trại. Lấp hố rác, hố vệ sinh, nhổ hết cọc lều, tổng vệ sinh khu vực. Làm thế nào để khi chúng ta rời khu vực trại phải để lại những kỷ niệm đẹp và ấn tượng tốt đối với địa phương.
Trước khi ra về, ta cám ơn chủ đất, cám ơn chính quyền địa phương.
NHỚ: Đừng để lại gì ngoài lời cám ơn và một kỷ niệm đẹp.

Tổng kết trại
Sau khi đi trại về, trễ nhất là 1 tháng, chúng ta phải có một buổi họp tổng kết trại.
Trong buổi tổng kết, chúng ta rút ra những ưu khuyết điểm, những phê bình, xây dựng của Phụ trách, những ý kiến đóng góp của trại sinh, để chúng ta dần dần hoàn thiện hơn trong những kỳ trại tới.
Lều trại

Trên thị trường hiện tại, người ta có bày bán đủ các loại, dạng lều - từ lều một vài người cho đến loại vài chục người... đủ các hình thức, kiểu dáng, màu sắc... Tuy nhiên loại lều này giá hơi đắt.
Là một người tháo vát (hay tập làm người tháo vát) chúng ta phải biết cách tự may lấy lều của mình, vừa rẻ tiền, vừa đúng ý của mình.
Muốn may lều, trước hết ta chọn mẫu rồi làm bằng bìa cứng với tỷ lệ 1/10.
Phóng đại 10 lần lên vải rồi mới cắt.
Gọn và nhẹ nhất là dùng vải nylon dầu, không thấm nước và rất mau khô. Hoặc dùng vải kaki, katê, bạt nylon có sọc...
Muốn không thấm nước, ta dùng dung dịch Acetate d’alumine (mua ở các cửa hàng hóa chất) pha thêm 3-4 lần nước. Nhúng vải vào rồi đem phơi nắng thật khô. Hóa chất này không làm vải đổi màu, không làm vải nặng hơn, vẫn thông khí nhưng lại không thấm nước.
Về kiểu dáng, thì tùy chúng ta chọn. Ở đây, chúng tôi xin hướng dẫn cách may và kích thước loại lều hai mái thông thường mà chúng ta hay sử dụng nhất.
Loại này, về mùa lạnh hay mưa thì hai mái xuôi xuống. Nếu là mùa nắng nóng bức, ta căng một mái lên thì lều sẽ thoáng mát.
Khi may loại lều này, chúng ta vừa tiết kiệm tiền bạc, vừa tiện dùng và cũng vừa hợp với nhu cầu của chúng ta. Chúng ta chọn loại vải không thấm nước. Màu sắc thì nhạt và sáng để không hấp thụ sức nóng của mặt trời. Ở giữa nóc, chúng ta nên dằn một lằn dây dù dẹp. Các góc và đầu dây trên lều chúng ta đắp thêm vải hay da để tăng sức chịu đựng của lều.
Về kích thước thì tùy theo nhu cầu của chúng ta. Dưới đây là kích thước lều dành cho từ 6 đến 8 người: loại kích thước này tương ứng với cột lều 1,60m.
Ghi chú: Hai bên hông lều, nên có hai tấm riềm chắn gấp vào trong được, để chống mưa hắt và côn trùng.
Nếu có điều kiện, ta nên may những tấm chắn tam giác ở hai đầu lều dùng cho ban đêm và mùa mưa.
Vị trí dựng lều

- Cắm lều ở nơi đất trống, có bóng cây che nắng buổi chiều.
- Chọn chỗ đất bằng phẳng, không có đá lởm chởm, không có rễ cây lớn, không có bụi cây hay cỏ gai, dọn sạch sẽ và lượm bớt sỏi đá.
- Tránh hướng gió thốc vào lều.
- Không dựng lều sát tàn cây cao, rất nguy hiểm khi mưa gió.
- Không dựng lều dưới lòng suối cạn, nước lũ về trở tay không kịp.
- Khoảng cách các lều đủ gần để dễ điều hành nhưng phải đủ xa để các tổ, đội được độc lập với nhau.

Động tác dựng lều

Để dựng một cái lều cho nhanh và đúng quy cách, trại sinh phải được huấn luyện mọi thao tác cho đồng bộ. Phải biết nhiệm vụ của mình là làm gì trong đội hình dựng lều.
Đội hình dựng lều thay đổi từ 2 đến 8 người, các trại sinh phải được huấn luyện thuần thục để khi thực hành khỏi lúng túng. Tiêu chuẩn đặt ra là thời gian dựng mỗi lều không được quá 5 phút.
Với đội hình 8 người:
1. Hai trại sinh cầm hai cột lều, đặt vào vị trí 1 và 2 trên nóc lều. Cột cứng bằng nút quai chèo (cột thuyền). Giữ cho cột thẳng. Nóc lều quay đúng hướng quy định.
2. Hai trại sinh khác, đang đứng ở vị trí A1 và A2, đóng hai cọc hai đầu để căng nóc lều. Cọc đóng cách chân cột lều khoảng 1,6m (tương ứng với chiều cao cột lều). Kéo thật căng dây lèo và cột bằng nút quai chèo.
3. Bốn trại sinh đang đứng ở bốn vị trí B1, B2, B3, B4 cùng một lúc kéo bốn góc lều ra, đóng cọc và cột vào bằng nút căng lều (tenteur) hoặc nút quai chèo hay một vòng hai khóa. Phải kéo góc 450 cho mái lều thật căng.
4. Bốn trại sinh đang đứng ở vị trí 1, 2, A1, A2 rời vị trí, đến các đầu dây C đóng cọc và cột vào.
Lưu ý:
- Các cọc phải đóng 45o nghiêng ra phía ngoài.
- Các cọc B và C thẳng hàng với nhau tạo một hình chữ nhật tưởng tượng chung quanh lều.
- Hai cột lều 1,2 và hai cọc căng dây lèo A1 và A2 cùng nằm trên một đường thẳng.
- Hai cột lều phải thẳng góc với mặt đất.
- Các cọc B1, B2, B3, B4 cắt góc lều thành hai phần, mỗi phần 45o.

Với đội hình hai người:
Với hai trại sinh X và Y, chúng ta lần lượt thao tác:
1. Trại sinh X phải giữ thật chặt và thẳng cột lều số 1.
2. Trại sinh Y đóng cọc A1 và kéo dây lèo buộc vào.
3. Trại sinh Y lần lượt đóng các cọc B1, B3 và kéo dây buộc vào.
4. Trại sinh X rời vị trí, qua giữ cột lều số 2.
5. Trại sinh Y đóng cọc A 2 và kéo dây buộc vào.
6. Trại sinh Y lần lượt đóng các cọc góc B2, B4 và kéo dây góc lều buộc vào.
7. Trại sinh X và Y rời vị trí, đến đóng các cọc còn lại và điều chỉnh mái lều.
Nếu làm quen với hai người, chúng ta có thể dựng một cái lều trong vòng 10 phút.
Tiêu chuẩn của một cái lều

- Thao tác nhanh chóng
- Mái lều căng thẳng, không nếp nhăn
- Buộc đúng nút dây
- Cân đối, đẹp mắt
- Có rãnh thoát nước

Các vật dụng cần thiết

Để hoàn thành một cái lều nhanh chóng và dễ dàng, chúng ta phải có một số dụng cụ và vật liệu cần thiết, tương xứng với kích cỡ lều đang sử dụng.

Dây
Thường thì lều may sẵn lúc nào cũng có đủ bộ dây, lèo... nếu không chúng ta phải mang theo. Nên chọn những loại dây mềm, dễ thao tác, tương xứng với kích cỡ và màu sắc của lều như: Dây dù dẹp, dây dù tròn, dây thừng nylon... tuyệt đối không dùng dây kẽm hay dây loại nhỏ khó nhìn thấy, trại sinh rất dễ vấp ngã, gây tai nạn, thương tích.

Cọc
Tùy theo thế đất cứng hay mềm mà chúng ta sử dụng cọc ngắn hay dài, bằng hợp kim có bán trên thị trường hay bằng tre gỗ, sắt thép, tự chế... Dễ dàng nhất là sử dụng một khúc tre tầm vông chẻ đôi, chuốt bớt hai cạnh, vạt nhọn một đầu, là có một bộ cọc tốt, rẻ tiền.

Gậy (cột lều)
Phải tương xứng với kích cỡ lều, để không hở chân lều vì gậy cao quá hoặc phải kéo mái bẹt ra (rất dễ bị đọng nước và dột) vì gậy quá thấp. Thường thì nên sử dụng gậy 1,60m cho lều tổ, đội.
Gậy nên làm bằng tre tầm vông, vừa rẻ, vừa nhẹ và chắc... Ở thị trường có loại gậy xếp, gậy nối nhiều đoạn, rất gọn nhẹ.

Dùi cui (vồ)
Đây là một vật dụng mà các trại sinh ít lưu ý nhất và cũng hay quên mang theo nhất. Nhưng nếu muốn dựng một cái lều nhanh mà thiếu dùi cui hoặc chỉ có một cái rồi chuyền tay hết người này đến người khác, thì khó mà hoàn thành nhanh được... ÍT nhất mỗi đội phải có hai cái trở lên.
Dùi cui có thể làm bằng gốc tầm vông hoặc những thanh gỗ nặng, đẽo cán cho vừa tay cầm.
Ngoài ra chúng ta còn sử dụng cuốc xẻng hay cuốc chim để đào rãnh thoát nước.

Mương thoát nước
Khi đã dựng lều xong, chúng ta phải đào mương thoát nước ngay, và xin đừng làm lấy có mà phải đào thành một con mương đàng hoàng, sâu khoảng 10cm, rộng 20cm. Tâm của con mương ngay dưới mép lều (chỗ giọt nước nhỏ xuống). Bao nhiêu đất đào lên, nên đắp thành một con đê chắn phía bên trong lều.
Mương và đê nên đào và đắp thật thẳng để tăng thêm phần thẩm mỹ của lều.
Nếu đất bằng phẳng, thì chúng ta phải đào mương đủ bốn phía của lều và ít nhất là một mương tháo, dẫn nước ra xa lều. Cuối mương tháo là một hố chứa nước.
Nếu đất dốc, thì chỉ cần đào 3 phía của lều. Phía trên dốc đào hơi sâu hơn, phía hai bên hông thì đào dài ra khỏi lều một tí.
Đừng bao giờ thấy trời đang nắng mà không đào mương, vì nếu trời đổ mưa bất ngờ (nhất là về đêm) thì không thể nào trở tay kịp.

Gấp lều

Cũng giống như khi dựng lều, khi gấp lều chúng ta cũng phải thao tác theo thứ tự để được nhanh chóng và gọn gàng.
+ Dọn sạch sẽ đồ đạc trong lều và chung quanh.
+ Tháo dây và nhổ hết cọc hai bên hông lều (không nhổ hai cọc ở hai đầu lều)
+ Đóng cửa lều (nếu lều có cửa)
 
+ Chập hai mái lều lại và cho nghiêng về một bên
+ Tháo dây lèo và nhổ hai cọc đầu lều.
+ Xếp hai cửa lều vào giữa, gấp các riềm vào trong.
+ Xếp gọn lại sao cho vừa túi đựng lều (nếu có).
+ Dùng dây bó chặt lều lại.
Lưu ý:
Đừng gấp lều khi còn ướt. Nếu tình thế bắt buộc thì về nhà phải đem phơi lại. Nếu không lều sẽ dậy mùi, ẩm mục. Khi đem cất, nên nới lỏng dây buộc lều.
Một số loại nút dây thường sử dụng khi dựng lều
Một số kỹ thuật nhỏ
Trong cuộc sống ở trại, nhất thiết chúng ta phải biết một số kỹ thuật nhỏ (mẹo vặt) để dễ dàng khắc phục những trở ngại nho nhỏ mà chúng ta thường gặp trong các kỳ trại.

Căng mái lều
Mái lều của chúng ta lúc mới dựng, trông nó thẳng thóm và đẹp biết bao, thế nhưng sau vài cơn gió, một trận mưa hay một đêm ngủ lăn lộn... trông nó thảm hại làm sao. Nếu tháo ra làm lại thì rất mất công. Vậy khi cột lều vào cọc, ta hãy sử dụng nút căng dây (Tendeur) hoặc dùng một cái tendeur bằng gỗ như sau:
Dùng một miếng gỗ nhỏ, dùi hai lỗ vừa đường kính của dây lều, luồn dây vào (theo hình). Khi cần thì kéo miếng gỗ đến đâu là dây cố định đến đó.
Trong trường hợp thời tiết không ổn định, mưa gió nhiều, chúng ta có thể dùng những vòng dây thun như hình bên để căng lều, mái lều sẽ chịu được sức gió mà không bị xé rách hay chùng.

Cọc lều bị nhổ bật lên
- Trường hợp gặp đất mềm, cọc hay bị nhổ bật lên khi ta căng dây, ta hãy chèn đá theo hình.
- Khi cắm trại ở bờ biển, ta không tìm ra đá, thì hãy làm các hàng cọc neo như những hình dưới đây:

Muốn nâng cao cột lều:Xác định vị trí của chân gậy, ta cắm một vỏ chai hay ống tre có mắt ở giữa. Nếu cột bị lún, ta đập vỡ 1/2 nửa trên của chai rồi úp ngược xuống, hoặc úp một cái tô xuống đất để làm chân đế.
Nước chảy vào hai đầu võng:
Khi ta nằm võng dưới lều, nước mưa thường chảy theo hai đầu dây treo võng làm ướt lưng. Nếu muốn khắc phục, bạn chỉ cần mua hai khoen sắt (cỡ vòng đeo tay), cột ở hai đầu võng. Nước chảy đến khoen sắt sẽ tự nhỏ hết xuống đất.

Nước chảy vào trong lều:
Khi chúng ta sử dụng hai gốc cây thay thế hai gậy để căng lều, nếu trời mưa, chắc chắn nước sẽ theo dây rồi chảy vào lều, các bạn dùng một sợi dây ngắn, cột trên sợi dây căng lều (gần phía lều) nước sẽ nhỏ theo dây ngắn đó mà không chảy vào lều.

Mái lều bị dột:
Mái lều của bạn làm bằng vải thấm nước, nếu mưa lớn sẽ bị dột. Để khỏi bị ướt đồ đạc, các bạn đính vào chỗ dột một sợi dây, đầu dây cột một cục đá nhỏ, bỏ vào trong một cái tô hay một vật chứa nước. Nước dột sẽ theo sợi dây chảy vào trong tô.

Góc lều không có khuy:
Khi chúng ta sử dụng những tấm bạt hoặc drap để làm lều, thì ở góc không có khuy đồng để xỏ dây, ta có thể làm như sau: túm góc bạt quanh một viên sỏi tròn (không dùng đá sắc cạnh sẽ làm sờn rách vải) dùng dây làm nút thòng lọng để buộc góc bạt.

Hố rác lộ thiên:
Nếu gặp đất cát, đất quá cứng... không thể đào hố rác được, ta có thể làm như sau: lấy 3 hay 4 cái cọc, đóng ló lên khỏi mặt đất chừng 3 tấc (chu vi bằng túi nylon mà ta định sử dụng).
Bẻ miệng túi nylon lại và tròng vào đầu mấy cọc đó. Khi đầy, ta túm lại đem bỏ vào hố rác công cộng hay đốt bỏ.

Cọc nhổ không lên:
Trước khi ra về, chúng ta phải nhổ tất cả các cọc lều để khỏi gây tai nạn cho người đến sau. Trường hợp đất cứng hay cọc đóng quá sâu không nhổ lên được, chúng ta dùng phương pháp đòn bẩy như hình dưới đây:
Bếp núc nấu nướng

Những trại sinh nào nhận trách nhiệm làm bếp, phải hiểu giá trị dinh dưỡng của những thức ăn thông thường và nhớ kỹ hai phương châm: Tiết kiệm và vệ sinh.
 
Trại là cơ hội tốt nhất để các trại sinh thực tập và thể hiện tài năng bếp núc của mình. Đây là một trách nhiệm nặng nhọc, âm thầm nhưng không kém phần lý thú. Chúng ta đừng vội vã khui đồ hộp ra ăn khi thức ăn bị nấu hỏng. Hãy để cho trại sinh tự xoay sở, cho các em phát huy óc tháo vát, lòng tự tin... Đồ hộp chỉ nên dùng trong các kỳ trại dài ngày hoặc trường hợp bất khả kháng, không thể mua được thực phẩm tươi sống.
Ở trại, chúng ta nên nấu những món ăn đơn giản nhưng ngon và giàu dinh dưỡng. Không nên làm những món cầu kỳ, tỉa bông, tỉa hoa... xào nấu linh đình.
Tiêu chuẩn người làm bếp

Những người nhận trách nhiệm làm bếp, phải hội đủ các tiêu chuẩn sau:
1. Biết thảo thực đơn cho tổ, đội trong 3 ngày trại
2. Biết đi chợ
3. Biết chọn lựa và bảo quản thực phẩm
4. Chế tạo được các kiểu bếp thông thường
5. Biết nhóm lửa và bảo quản củi
6. Biết khử trùng nước
7. Biết nấu cơm và một số món ăn thông thường ở trại
8. Biết vệ sinh khu vực bếp
Thảo thực đơn

Trước tiên chúng ta phải nắm rõ: chúng ta có bao nhiêu tiền, cho bao nhiêu người ăn, trong bao nhiêu ngày. Sau đó chúng ta mới dự kiến những thực phẩm cần phải mua. Nếu cắm trại nhiều ngày mà ở xa chợ, hai ba ngày mới có thể đi một lần, người làm bếp phải biết những thức ăn nào để lâu mà không cần chế biến (trứng, lạp xưởng, cá khô, đồ hộp...), những thức ăn có thể để lâu nhưng phải chế biến (tôm rim, mắm chưng, ruốc xào, chà bông...), những thứ nào phải ăn ngay (thịt cá, rau cải...). Dựa vào đó ta thảo một thực đơn cho đội thật dễ dàng. Nếu tài chính rộng rãi, ta có thể mua gà vịt mang theo, vừa để được lâu, vừa có thức ăn tươi ngon, bổ dưỡng.
Thực đơn mẫu (cho 8 người ăn trong 3 ngày)
Đi chợ: (Một lần cho 3 ngày ăn)
- 8 ổ bánh mì, 8 gói mì, 8kg gạo, 2kg nếp
- 1kg thịt, 1kg cá, 1kg tôm, 1/2kg mắm muối vùi, 1/2kg các khô, 100gr tôm khô, 12 trứng vịt
- 1kg giá, 2 bó rau muống, 1kg cải xanh, 1kg cải trắng, 2kg bí đao, 2kg bí ngô, 1kg su su, 1kg su hào.
- Một trái dừa khô, me, hành, ngò, tỏi, ớt, tiêu, đường, muối, bột ngọt, dầu ăn, nước mắm, nước tương....
Làm món:
Ngày thứ nhất:
Sáng: Bánh mì thịt
Trưa: Cá chiên, giá xào, canh tôm cải xanh
Tối: Thịt kho, rau muống luộc, canh thịt cải trắng
Ngày thứ hai:
Sáng: Xôi
Trưa: Tôm rim, su su xào, canh bắp cải tôm khô
Tối: Mắm chưng trứng, bí ngô hầm dừa
Ngày thứ ba:
Sáng: Mì gói
Trưa: Cá khô chiên, su hào xào, canh chua cá khô
Tối: Trứng chiên, canh bí đao tôm khô
Trên đây chỉ là thực đơn gợi ý, chúng tôi tin rằng, các bạn thừa sức trở thành “đầu bếp kỳ tài”.

Đi chợ:

Ít có trại sinh nào “hân hạnh” được mẹ sai đi chợ hàng ngày, mà nắm được giá cả và không lúng túng trong khi đi chợ.
Hầu hết chúng ta năm thì mười họa mới đặt chân đến chợ một lần. Cho nên trước khi đi chợ, chúng ta phải nhờ những người đi chợ thường xuyên chỉ cho chúng ta biết rõ giá cả của từng loại thực phẩm, khu vực phân bố trong chợ. Vì nếu không biết rõ loại nào bán ở khu vực nào, thì chúng ta sẽ đi vòng vo, vừa mất thì giờ, vừa mệt... Ghi vào giấy, chúng ta cũng chia thành từng nhóm: Nhóm thực phẩm tươi sống, nhóm đồ khô hay thực phẩm chế biến sẵn, nhóm rau cải, nhóm gia vị và tạp hóa. Như vậy chúng ta chỉ đi một vòng chợ là có thể mua đầy đủ.
Người làm bếp cũng phải biết ước lượng thực phẩm vừa đủ cho tổ, đội. Không mua quá thừa hoặc quá thiếu, và cũng đừng mua những thực phẩm sang trọng, giá cao (bào ngư, nấm đông cô...).
Chọn lựa và bảo quản thực phẩm

Khi đi trại dài ngày mà chợ thì ở xa, chúng ta phải biết cách chọn lựa và bảo quản một số thực phẩm trong môi trường tự nhiên để vừa có thức ăn tươi nhiều ngày, vừa bảo đảm vệ sinh sức khỏe... Thông thường, để cho các trại sinh thực tập nấu nướng bằng thực phẩm tươi sống giúp các em phát huy óc sáng kiến, tháo vát, linh động... người ta không cho mang theo đồ hộp hay thực phẩm chế biến sẵn. Nhưng nếu tổ chức trại dài ngày (ở vùng sâu, vùng xa) đồ hộp dành cho những ngày cuối trại thì thật tiện lợi và hợp vệ sinh.
Chọn lựa thực phẩm

Trước tiên ta nên biết cách chọn thực phẩm tươi, ngon, thì mới có thể bảo quản lâu được.
Thịt:
Phải có màu đỏ hồng, sớ thịt săn, da mỏng, miếng thịt còn ươn ướt. Nếu ngả sang màu nâu, tím đen hay tái xanh và có mùi thì đừng mua.
Cá:
Vạch mang ra xem, nếu đỏ hồng là cá tươi. Nếu mang trắng bệch, dập đầu, bể bụng, ấn ngón tay thấy lõm xuống thì đừng mua.
Gà:
Chọn gà mái tơ gần đẻ, hậu môn nhỏ, sạch, màu hồng; chân vàng, lườn to. Không nên mua những con hậu môn ướt, bầu diều phồng to, miệng chảy dãi, mồng tím, ít phản ứng khi bắt, đó là gà bệnh.
Vịt:
Chọn những con vịt đực, mỏ to, mềm, ức tròn, da cổ da bụng dày, lông cánh đầy đủ.
Cua:
Lật ngửa cua ra, nhấn vào mép mai ở hai bên hông, cứng là cua chắc, mềm là cua ốp.
Trứng:
Khi mua trứng, đừng cầm lắc lắc, bạn có thể bị rầy. Bạn chỉ cần giơ trứng ra ánh sáng (hay ngọn đèn). Nếu khoảng trống trên đầu không có hay rất nhỏ là trứng tươi, nếu lớn thì trứng đã để lâu. Có thể bỏ vào nước, chìm ngay là tươi, nổi là trứng cũ.
Đồ hộp:
Không nên chọn những hộp móp méo nhất là phồng dộp hai đầu, ăn sẽ bị ngộ độc.
Chúng ta cũng cần phải lưu ý đến ngày tháng bảo hành ghi ở vỏ hộp.
Bảo quản thực phẩm
Khi cần để dành thực phẩm cho những ngày hôm sau. Người đầu bếp phải biết cách giữ gìn và bảo quản.
Những thực phẩm để qua đêm phải bỏ vào bao, dùng dây (có bôi thuốc chống muỗi) treo lên cây để khỏi bị kiến và thú rừng làm hỏng (nhất là những vùng đất hoang dã).

Những phương pháp giữ gìn và bảo quản thực phẩm:

Thịt sống:
- Nhúng vào nước phèn chua pha loãng (10gr phèn với 1 lít nước sôi để nguội) ngâm độ 1 giờ, vớt ra xát muối bọt, treo nơi thoáng mát. Khi dùng, rửa sạch lại. Cách này giữ được 3-4 ngày.
- Ngâm trong mật mía, mật ong, có thể để lâu 4-5 tháng mà vẫn tươi ngon.
- Người dân tộc họ giã sơ thịt với muối, đoạn treo nơi thoáng mát, +++g gió, cũng giữ được cả tuần lễ.
Thịt chín:
Cắt thịt sống thành từng miếng bằng bàn tay, rồi đem ram hoặc luộc chín. Xong đem ngâm vào nước mắm, nước tương hay nước muối, cách này để lâu được 1 đến 2 tháng.
Thịt khô:
Thịt nạt xắt mỏng, dùng dao to bản đập dẹp. Ướp nước mắm (hay muối), đường, nước cốt củ riềng - xong sấy hay phơi khô để dành.
Cá tươi:
Phải đập đầu cho nó chết ngay (không để chết từ từ). Mổ bụng cá, lấy hết ruột, rửa sạch, xát muối vào mang cá và đều khắp trong ngoài mình cá. Xong bạn lấy chén giấm pha một muỗng đường. Dùng miếng vải nhúng ướt hợp chất này gói cá lại. Cách này có thể để được 3-4 ngày.
Cá chín:
Kho cá cho đến khi thấm mặn. Cho thêm vào một ít rau câu hay thạch đen. Tiếp tục kho thêm một lúc nữa. Trút toàn bộ ra một cái thố sạch, để nguội. Rải một lớp muối lên trên, đậy nắp.
Cách này có thể bảo quản được vài tuần.
Thiết kế các kiểu bếp

Trong các cuộc cắm trại, chúng ta đều sử dụng cây khô làm củi và bếp tự tạo để nấu nướng. Tuy nhiên nếu có thể, chúng ta cho trại sinh dùng bếp gaz, hay lò dầu trong trường hợp cần nấu nhanh như trà, cà phê... hoặc cần nước sôi để sát trùng y cụ... nhưng các bữa ăn chính thì phải dùng bếp củi.
Chọn nơi làm bếp

Việc chọn và chuẩn bị nơi làm bếp, chúng ta phải lưu ý một số điểm sau:
- Bếp phải gần nơi lấy củi
- Đất trại thích hợp với loại bếp nào
- Thời gian sử dụng bếp
- Che mưa, nắng, gió
- Phát quang chỗ làm bếp, tránh tàn cây và gốc cây
- Dọn sạch các vật dễ bắt lửa
Lưu ý:
Nếu làm bếp trên đám cỏ tươi, hãy lột lớp cỏ để nơi ẩm mát, xong mới đào đất hay thiết kế bếp. Khi hết sử dụng bếp, ta lấp lại rồi đặt cỏ tươi lên đó, tưới ít nước nó sẽ sống lại.
Trường hợp đất quá ẩm ướt, hãy lấy cành cây hay vỏ cây mà lót trước khi đặt bếp lên.
Khi làm bếp trên nền xi măng, hãy lót đất, cát trước vì sức nóng có thể làm nứt hư nền xi măng.
Các kiểu bếp tham khảo

Bếp rất đa dạng, mỗi kiểu đều có những ưu, khuyết điểm khác nhau. Tùy thời tiết, thế đất, dụng cụ, vật liệu... mà thiết kế loại bếp cho thích hợp. Dưới đây là một số kiểu bếp để chúng ta tham khảo.
Bếp gọng sắt
Đây là kiểu bếp gọn nhẹ và tiện lợi nhất, với 3 gọng sắt này, bạn có thể sử dụng trên mọi loại đất, cát, nấu bất cứ loại nồi lớn nhỏ nào cũng được (chỉ cần dùng sắt 6 ly là được).

Bếp mini
Nếu bạn chỉ cần pha trà, cà phê... hoặc bạn đi trại một mình, nấu nướng ít, bạn có thể chế tạo một bếp mini đơn giản bằng các cách sau:
1/ Dùng một lon kim loại có nắp đậy, đục 4 lỗ trên nắp lon, xâu 4 tim đèn vào 4 lỗ đó. Nấu các vụn của đèn cầy hoặc paraffine đổ vào, để nguội, các bạn đã có một bếp mini.
2/ Lấy 4-5 tờ nhật báo cuộn tròn lại, cột từng khúc như bánh tét, rồi cắt từng đoạn ngắn (vừa bỏ vào lon). Nấu paraffine hay đèn cầy đổ vào lon như trên.

Dùng một miếng thiếc cắt theo như hình bên. Khi không dùng thì tháo ra xếp gọn, khi cần thì chồng lên nhau thành kiềng để đặt ca hay lon lên nấu.
Trong khi nấu, các bạn có thể bỏ bếp mini vào trong một lon nước lạnh lớn hơn (để làm nguội).

Nhóm lửa & bảo quản củi
Ở nhà, chúng ta có củi khô, có đầy đủ chất dẫn lửa, kín gió... thì nhóm một bếp lửa củi chẳng khó khăn gì (nhiều trại sinh không biết nhóm lửa như thế nào vì gia đình xài bếp gas hay bếp điện). Nhưng ở ngoài thiên nhiên thì khác: củi ẩm ướt, mưa gió, chất dẫn lửa tồi... Cho nên để có một bếp lửa thì nước mắt nước mũi ràn rụa.

Mồi lửa
Hãy dùng rơm, lá thông hoặc giấy, vỏ cây, trái gòn, các cây có chất dầu chẻ nhỏ... để làm vật dẫn lửa.
Sau khi có chất dẫn lửa rồi, ta dùng những cành khô thật nhỏ (cỡ bằng que diêm). Sắp thành hình tháp hay hình nón, trên đó chúng ta sắp thêm các cành cỡ bằng ngón tay, đoạn nhóm lửa cho cháy đượm lên, ta mới chất củi vào.
Với cách này chúng ta chỉ cần 1-2 que diêm là có thể nhóm được một bếp lửa.
Trường hợp có gió to, ta nên theo hướng gió mà nhóm lửa. Củi ẩm thì để dưới gió. Lưu ý đừng để tàn lửa gây nên hỏa hoạn, nhất là cháy rừng.

Bảo quản củi
Trong những kỳ trại dài ngày, chúng ta phải biết dự trữ và bảo quản củi cho đủ dùng.
- Chọn củi khô và nhỏ
- Che mưa và sương ẩm
- Nếu củi ướt phải phơi khô hay làm giàn hong
- Sắp xếp, phân loại củi lớn nhỏ khác nhau, để riêng từng nhóm cho dễ lấy.

Khử trùng nước
Nước sông, lạch, ao, hồ... nơi ta cắm trại, chắc chắn là không tinh khiết, nên ta phải biết khử trùng trước khi sử dụng.

Sau đây là một vài cách khử trùng nước uống:
Đun sôi: là phương pháp dễ dàng, rẻ tiền và hiệu quả nhất. Chỉ cần đun sôi nước lã trong 15 phút là dùng được.
Thuốc tím: cho một ít tinh thể nhỏ của thuốc tím (vài ba hạt) vào nước, khuấy đều cho đến khi nước có màu hồng lợt là uống được.
Dùng chloramine B: thường dùng khi chống dịch, tỷ lệ thuốc tùy theo tính chất của nước, thường thì người ta dùng 3gr Chloramine B 25% pha trong một lít nước.
Nước Javel: nhỏ một giọt nước javel 30o vào 2 lít nước, sau 2 giờ là uống được. Nhưng vì có mùi rất khó chịu, ta nhỏ thêm một giọt Hyposulfite de soude 10% để khử mùi.
Dùng iod: Iod được dùng dưới dạng Teinture D’iode 5% có bán ở các tiệm thuốc tây. Dùng 5 giọt này cho một lít nước, lắc đều. Để yên trong 30 phút là dùng được. Dùng iod vừa sát trùng vừa tránh được bệnh bướu cổ.
Ngoài ra còn một số thuốc khử trùng ít phổ biến hoặc thời gian sử dụng ngắn như Hypoclorite, Halojone nhưng ít khi dùng.

Nấu nướng

Nấu nướng ở trại không dễ như nấu ở nhà. Nắng gió, mưa, củi ẩm, bếp ướt... Đi trại dài ngày mà trong những ngày mưa gió nếu không có một căn bếp đàng hoàng, thì đầu bếp có giỏi cũng đành bó tay.
Trước tiên, căn bếp phải có thứ tự và sạch sẽ. Vật nào chỗ đó; củi khô xếp cạnh bếp. Chén, bát, nồi niêu, soong, chảo... thực phẩm và gia vị, phải có giàn cao và che đậy cẩn thận.
Nếu trại ngắn ngày thì chúng ta làm bếp tạm, nhưng nếu dài ngày thì làm bếp đứng cho tiện nghi và thoải mái, như thế chúng ta không quá vất vả khi nấu nướng.
Nấu nướng ở trại, chúng ta phải nhớ: không cần phải bày biện nhiều món, tỉa bông tỉa hoa, xào nấu như tiệc tùng đình đám, nhưng cũng không nên cho trại sinh ăn uống quá kham khổ. Thức ăn phải ngon, bổ, rẻ, giản dị, dễ làm, phù hợp với nguyên vật liệu và gia vị mà chúng ta mang theo, nhất là phải biết đổi món cho ngon miệng và dễ tiêu hóa.

Lưu ý khi nấu cơm

Trong mười lần ăn cơm trại thì hết chín lần cơm không đạt tiêu chuẩn vì những lý do sau:
+ Ở trại, củi ẩm ướt, gió nhiều nên lửa không đều, lúc nóng lúc không, nên cơm dễ bị sống.
+ Gạo do trại sinh góp, nên không đồng nhất, do đó khó nấu hơn một loại gạo như ở nhà.
+ Trại sinh hay nổi lửa lớn để kịp thời gian ấn định, nên cơm thường khê.
+ Trại sinh hay sốt ruột, mở nồi ra xem và ngoáy nhiều, nên cơm bị đổ lông và nhão.
+ Không quen ước lượng gạo để nấu cho nhiều người ăn, nên thường bị bung nắp nồi.
Trại sinh nào khắc phục được những trở ngại trên, để có thể nấu được những nồi cơm đạt tiêu chuẩn, thì thật xứng đáng là dân đi trại chuyên nghiệp.
Tiểu xảo - Mẹo vặt

Ngoài những công thức để chế biến thức ăn, chúng ta cũng cần biết một số tiểu xảo, mẹo vặt về nấu nướng, để khắc phục những sự cố nhỏ trong khi làm bếp.
Ghi nhớ:
+ Các món hầm, luộc, canh, súp... có thể nấu trước hay cùng lúc với nồi cơm.
+ Các món chiên, xào... làm sau khi “rế” cơm.
+ Thịt heo thì phải xào nấu thật chín, nhưng thịt bò thì xào tái.
+ Nấu lạt dễ điều chỉnh hơn nấu mặn.
Muốn thịt mau mềm:
- Cho vào nồi thịt hầm một chung rượu trắng, hoặc một cục nước đá.
- Bỏ một ít đu đủ xanh vào nồi thịt.
- Một vài miếng thơm (dứa) cũng làm thịt mau mềm.
- Gói thịt vào lá đu đủ (đã đập dập sống), hơ trên ngọn lửa cho nóng ấm. Sau đó đem ra thái mỏng, rồi xào, nấu.
- Ngâm thịt vào nước ấm có mủ đu đủ độ vài tiếng trước khi xào nấu.
Muốn cá không bị nát:
Nhúng cá (đã được làm sạch) vào nước ấm trước khi chiên hoặc kho, thịt cá sẽ dẽ, không nát.
Cá chiên không dính chảo:
Cá làm sạch, để vào rá, tẩm sơ một ít bột mì hoặc rắc muối bọt, xóc đều. Cho cá vào chảo mỡ nóng, dùng xạn (hay đũa) xê dịch con cá vài cái rồi để nằm yên, cho tới khi vàng bên này mới trở qua bên kia.
Luộc rau chín mà vẫn xanh:
Để nước thật sôi, cho vào tí giấm, chanh hay muối rồi mới nhúng rau vào, không đậy nắp, rau sẽ chín mà vẫn xanh.
Muối chua:
Bạn nên học cách muối chua một số rau cải, củ, trái... những thực phẩm này để được lâu, ăn ngon miệng và dễ tiêu hóa.
Cơm khét:
Ra lửa ngay, mở vung bỏ vào nồi cơm vài cục than còn cháy đỏ, đậy vung lại sẽ bớt mùi khét.
Cơm nhão:
Mở nắp vung để rẩy mồ hôi đọng trên vung nhiều lần. Khi cơm chín, xúc ra rá để cho bốc hơi, sẽ bớt nhão phần nào.
Cơm sống:
Cho vào một ít nước sôi, xới lên, đậy nắp vung thật kín. Gắp than cháy hồng bỏ lên trên nắp vung. Cơm sẽ chín đều.
Công dụng của nước vo gạo:
- Rửa chén đũa không cần xà bông
- Cá khô sẽ bớt tanh và mặn nếu được rửa bằng nước vo gạo
- Rửa cá tươi với nước vo gạo cũng sẽ bớt tanh
- Khoai mì sẽ trắng nếu được ngâm trong nước vo gạo
Cách chùi soong chảo
Trước khi nấu, bôi nhiều lớp xà phòng ở mặt ngoài nồi, soong, chảo... Khi rửa, bạn chỉ cần dùng giẻ ướt chùi sơ qua soong nồi sạch sẽ như mới.

Đồ hộp
Đối với các đồ hộp có thể ăn liền như: Gà càri, gà nấu đậu, thịt bò, thịt heo, hamburger, cá sốt cà chua... Muốn ăn nóng, chúng ta không nên mở hộp đổ vào soong để hâm nấu lại, mà hãy nấu một nồi nước và bỏ các hộp vào (như chưng cách thủy), để sôi khoảng 10-15 phút (bên trong hộp sẽ nóng khoảng 60-700C không làm hủy hoại sinh tố có sẵn trong thức ăn). Sau đó mở hộp ra ăn ngay, vừa nóng vừa ngon mà vẫn bổ dưỡng.
Vệ sinh khu vực bếp
Đức tính quan trọng của người làm bếp là: gọn gàng và sạch sẽ.
* Gọn gàng để vừa trông đẹp mắt vừa không mất công tìm kiếm dọn dẹp.
* Sạch sẽ là tiêu chuẩn hàng đầu của người làm bếp.
Chúng ta phải giữ nơi làm bếp và chung quanh khu vực bếp thật sạch sẽ. Thức ăn thừa hay thực phẩm chưa dùng tới phải để trên cao hay treo lên và đậy cẩn thận. Xô hay thùng đựng nước uống phải có nắp đậy và được treo lên hoặc để nơi cao ráo, sạch sẽ.
Đào hai hố; một hố ở gần nhà bếp để đổ nước dơ, một hố hơi xa bếp để chứa rác. Sau mỗi lần đổ rác, chúng ta rải một lớp đất hay tro mỏng.
Trước khi rời khu vực trại, hãy đốt bỏ những thứ gì có thể đốt được, còn những thứ không đốt được thì chôn thật sâu.
Nếu chúng ta có lột lớp cỏ trước khi làm bếp thì phải đặt vào chỗ cũ và tưới nước lên, trả lại nguyên thủy tình trạng khu vực như khi ta vừa đến.
 
Một số đồ dùng nhà bếp

Lửa trại

Trong một cuộc cắm trại (có ở lại đêm) sẽ không trọn vẹn nếu thiếu lửa trại. Nhưng đây cũng là một hoạt động dễ bị hiểu lầm và lạm dụng nhiều nhất trong sinh hoạt.
Hãy nên nhớ rằng: lửa trại không phải là một buổi trình diễn văn nghệ cho trại sinh có dịp giải trí sau một ngày hoạt động, hay để giúp vui cho dân chúng trong vùng, hoặc để phô diễn tài nghệ cá nhân... mà chúng ta phải lưu ý đến tính chất giáo dục và mục đích rèn luyện của lửa trại. Lửa trại không dành cho các tài tử hay diễn viên chuyên nghiệp mà dùng cho các trại sinh. Ở đây, họ được giao lưu kết bạn, xây dựng tình đồng đội, thân hữu... được cùng vui chơi, ca hát, nhảy múa, đóng kịch... giúp các em phát triển năng khiếu nghệ thuật, lòng tự tin, mạnh dạn, óc quan sát, trí tưởng tượng... Ngoài ra, lửa trại còn để lại trong tâm hồn trại sinh những dấu ấn sâu sắc, khó quên, nhất là những buổi lửa tĩnh tâm, lửa dặm đường.
Lửa trại phải diễn ra ở khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, tránh những khu vực đông đúc nhiều người qua lại, để bầu không khí được thân mật, ấm cúng, các trại sinh dễ dàng biểu lộ khả năng hay mạnh dạn sinh hoạt.

Các loại lửa trại:
Có nhiều loại lửa trại, nhưng tựu trung được chia làm hai loại chính:
- Lửa trại nguyên thủy
- Lửa trại tăng cường
Lửa trại nguyên thủy
Lửa trại nguyên thủy cũng chia thành nhiều loại như: lửa vui, lửa dặm đường (thanh đàm, mạn đàm), lửa tĩnh tâm...

1. Lửa vui
Đây là một hình thức của lửa trại nguyên thủy như các cổ nhân ta xưa, khi phát hiện ra lửa; cứ đêm đêm họ cùng tụ tập bên đống lửa, nghỉ ngơi, sưởi ấm, xua đuổi bóng đêm và thú dữ. Họ kể cho nhau nghe những chuyện đã làm, dự kiến những chuyện sẽ làm... Họ nói, họ hát cho nhau nghe, họ múa, họ nhảy để cảm tạ thiên nhiên, thần thánh, trời đất...
Lửa vui thường dành cho các tiểu trại, trong những đêm không có lửa trại chính thức.
Loại lửa trại này sau khi đốt lửa lên rồi, các trại sinh đến tụ tập bên đám lửa kể chuyện hay đàn hát tự do. Không có chương trình hay nghi thức sắp đặt trước. Trại sinh muốn tham dự hay không tùy ý. Nhưng phải có một anh chị Phụ trách ở đó giám sát, không cho xuất hiện những ngôn ngữ hay hành động quá đáng. Trong những lần lửa trại như thế này, người Phụ trách sẽ nhận thấy rằng: Chính nhờ ngồi quanh đống lửa để chuyện trò thân mật, mình mới có thể tìm hiểu các em một cách sâu sắc hơn bất cứ một dịp nào khác. Cũng chính tại nơi đây, bầu không khí thân hữu nảy nở, khiến những e dè thường nhật bị xóa bỏ, chúng ta sẽ có thể dễ dàng chuyện trò thân mật hơn.

2. Lửa dặm đường
Đây là loại lửa trại đặc trưng của những anh chị đã trưởng thành. Hình thức tổ chức cũng giống như lửa vui, nhưng (có thể) có những chủ đề sâu sắc hơn để cùng bàn luận, đàm đạo... trong không khí thân mật, thoải mái.
Như những người lữ hành, du mục, sau những chặng đường dài, họ đốt một đống lửa bên đường để tạm nghỉ. Ôn lại chặng đường đã qua và chuẩn bị cho chặng đường sắp đến. Họ truyền đạt cho nhau những kinh nghiệm sống, những kiến thức cuộc đời, động viên tinh thần, an ủi giúp đỡ lẫn nhau...
Lửa dặm đường tổ chức rất gọn nhẹ, ấm cúng, thân mật... Đây cũng là một buổi thanh đàm thoải mái và tự do, ai muốn ngâm thơ, đàn hát, kể chuyện... tùy thích.

3. Lửa tĩnh tâm
Thường được tổ chức sau các chương trình lửa trại, khi tất cả các trại sinh không phận sự đã về lều, chỉ còn lại các đối tượng đã được xét chọn, những người có trách nhiệm và các anh chị Phụ trách. Đây là một phương pháp giáo dục tâm hồn, nâng cao tinh thần hướng thượng...
Trong tình thân ái cởi mở, những người được chọn nói lên những suy nghĩ, thắc mắc, ước nguyện... để chia sẻ với những người tham dự. Những người này sẽ hướng dẫn, động viên, giải tỏa và bồi dưỡng thêm cho đối tượng. Sau đó, tùy theo nội lệ của từng đơn vị, sẽ có nghi thức tuyên hứa hay kết nạp.
Dù mỗi phong trào, mỗi đơn vị có nghi thức tĩnh tâm khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới điều thiêng liêng cao đẹp nhất của con người.

Lửa trại tăng cườngLoại lửa trại này bầu không khí hoàn toàn khác hẳn. Sẽ có nghi thức khai mạc và chương trình sắp đặt từ trước - do một Quản trò và một quản lửa điều hành buổi lửa trại.

“Lửa trại tăng cường” được chia thành nhiều hình thức.
1. Lửa trại khai mạc:
Đây là buổi lửa trại trong đêm đầu tiên ở đất trại - có thể xem đây cũng là một nghi thức khai mạc.
Nội dung gồm những tiết mục có tính cách tự giới thiệu và kết bạn (nếu có nhiều đoàn cùng tham dự). Nên ngắn gọn - không kéo dài quá 1 giờ 30 phút.

2. Lửa trại chính thức:
Đây là buổi lửa trại quan trọng nhất. Thường tổ chức vào đêm bế mạc trại. Đây cũng là buổi tổng kết, trao giải, biểu dương, khen thưởng những cá nhân và đơn vị đã xuất sắc trong kỳ trại. Chương trình được Quản trò +++g vào những tiết mục đã thu gom ở đơn vị hoặc cá nhân và được sắp xếp sao cho thật linh động, hấp dẫn.

3. Lửa trại kỷ niệm:
Được tổ chức nhân kỷ niệm một sự kiện hay một danh nhân, một thánh nhân hoặc trong dịp sinh nhật của đoàn hay của nhân vật quan trọng trong vùng.
Đây là loại lửa trại có đề tài riêng - cho nên nội dung chỉ xoay quanh chủ đề đó.
Khi tổ chức những hình thức lửa trại này, theo phép xã giao, ta nên mời chủ đất và gia đình, những nhân vật mà đoàn tiếp xúc, những ân nhân, v.v...
Ngoài ra, chúng ta nên mời các Phụ trách và các tổ chức thanh thiếu niên sở tại tham gia sinh hoạt lửa trại để tình huynh đệ phong trào thêm đoàn kết và phát triển.
Trường hợp cắm trại để tĩnh tâm tuyên hứa, thì sau giờ “lửa trại chính thức”, được tổ chức làm giờ tĩnh tâm.
Tổ chức một buổi lửa trại

Để tổ chức một buổi lửa trại cho có kết quả, chúng ta phải biết chuẩn bị những công đoạn sau:
Chuẩn bị khung:
Thông báo cho các Tiểu trại hay các Đội trưởng trước về chủ đề của buổi lửa trại và số lượng tiết mục mà họ có thể tham gia.
Trại sinh nếu chưa rành các nghi thức thì phải tập luyện hay ôn lại cho thống nhất và đồng bộ. Ôn lại những băng reo, bài hát, luân xướng, ca múa cộng đồng...
Các dụng cụ hóa trang thường được tận dụng những thứ có sẵn như chăn màn, khăn quàng... chứ đừng đặt nặng vấn đề đạo cụ, may sắm như một đoàn hát.
Các tiết mục trình diễn, được chuẩn bị trong thời gian ở trại. Nếu lửa trại có đề tài đã được thông báo trước, thì tiết mục nên xoay quanh chủ đề đã chọn.
Chuẩn bị địa điểm:
Chọn một khu đất khô ráo, rộng rãi, thoáng đãng, không có tàn cây de ra trên đống lửa, không có những hố trũng, gốc cây, rễ cây... Dọn sạch sẽ đất đá và gom sạch lá khô chung quanh.
Chuẩn bị chỗ ngồi cho quan khách (nếu có) và các Phụ trách được thoải mái tự do, trên gió, gần nơi trình diễn...
Nếu là sân xi măng hay gạch, chúng ta lót thiếc, vỏ cây, lá cây... ở dưới trước, sau đó đổ cát lên, để sân không bị quá nóng dẫn đến nứt nổ.
Chọn đề tài:
Để cho buổi lửa trại có ý nghĩa, chúng ta nên cô đọng chương trình trong một chủ đề nào đó.
Thí dụ: Nếu là buổi lửa trại kỷ niệm ngày thành lập đơn vị, chúng ta nên xoay quanh nguyên lý phong trào, truyền thống đơn vị... Nhưng vẫn không làm mất đi sự vui tươi, trẻ trung, dí dỏm...
Hoặc đang cắm trại tại một địa danh lịch sử, một đền thờ anh hùng dân tộc, một di tích tôn giáo... thì chủ đề cũng nên đặt trọng tâm vào đó, tìm hiểu và nêu gương để giáo dục trại sinh.
Sắp xếp củi
Có nhiều hình thức sắp xếp củi cho một buổi lửa trại như: hình nón, hình kim tự tháp, hình lục lăng, hình tam giác... Cho dù sắp kiểu nào, thì chúng ta cũng phải cho những vật dễ bắt lửa ở dưới trước, rồi sắp cành cây hay củi nhỏ lên, sau hết mới chất củi lớn (nhớ chừa nơi châm lửa).
Sắp xếp đội hình
Nếu là lửa trại nguyên thủy thì quá dễ dàng, vì trại sinh tự động đến ngồi xuống xung quanh đống lửa là đủ. Nhưng nếu lửa trại tăng cường, nhất là những buổi lửa trại có quan khách và khán giả tham dự, thì chúng ta phải biết cách sắp xếp đội hình.
Trại sinh ngồi hai ba vòng, không nên ngồi quá rộng, vì sẽ không nghe được tiếng nói của diễn viên (nếu không có hệ thống khuếch âm), cũng đừng để khán giả tràn vào nơi trình diễn, gây cảnh lộn xộn.
Quan khách được tiếp rước và hướng dẫn đến chỗ ngồi dành sẵn, trên gió, gần nơi trình diễn.
Nhưng các bạn hãy cẩn thận. Một buổi lửa trại mà có quan khách và khán giả thì sẽ biến thành buổi biểu diễn văn nghệ, không khí thân mật ấm cúng sẽ không tồn tại. Các trại sinh dễ rụt rè nhút nhát bỏ mất dịp thử nghiệm tài năng. Như thế thì giá trị giáo dục của lửa trại sẽ chẳng còn bao nhiêu.

Chương trình lửa trại
Lửa trại là một buổi trình diễn văn nghệ tự nhiên nhưng không vì thế mà chúng ta thiếu cố gắng và dễ dãi với mình để đi đến coi thường tình cảm của khán giả, và tự hạ thấp tính năng giáo dục của nghệ thuật.
Hãy suy nghĩ để sáng tạo cái đẹp, cái thiêng liêng của ngọn lửa - đừng để lố bịch, nhàm chán, rẻ tiền vì thiếu chuẩn bị.
Chương trình lửa trại được Quản trò sửa soạn ít nhất là một ngày. Nhưng hình thức và nội dung được giữ kín để tạo sự hấp dẫn (ngoại trừ Quản lửa, để kịp phối hợp).
Sau khi thu thập các tiết mục của các đơn vị - Quản trò sẽ tùy nghi sắp xếp, nhưng ca hát thường phải chiếm tối đa, nhất là ca múa cộng đồng. Như thế, bầu không khí sẽ sôi động, bớt uể oải, nhàm chán.
Nên thu xếp sao cho các anh chị Phụ trách và cả quan khách tham gia một vài tiết mục hay mẩu chuyện (nhưng phải hỏi ý kiến của họ trước).
Thường thì chương trình được thiết lập theo khung sau:
- Tập hợp (hò lửa)
- Đón các anh chị Phụ trách và quan khách.
- Gọi lửa, châm lửa, nhảy lửa
- Lời khai mạc (nếu có)
- Sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ, ca múa...
- Giờ tinh thần (câu chuyện tàn lửa)
- Giải tán
Quản trò nên sắp xếp làm sao cho đến khi gần kết thúc, thì chương trình trầm lắng dần dần và kết thúc trong im lặng.
Thủ tục khai mạc
Quản trò linh động lựa chọn các cách khai mạc lửa trại tùy theo điều kiện và tính chất của buổi lửa trại đó. Những thủ tục dưới đây chỉ là sự gợi ý:
Thủ tục 1:
- Quản trò và một số người “hò lửa”.
- Sau mỗi bài hát “Gọi lửa” thì nêu tên từng đơn vị mời ra khu vực lửa trại.
- Đơn vị nào nghe gọi tên mình sẽ “A” lên một tiếng thật dài và chạy ra.
- Sau khi trại sinh đã ra khu vực lửa trại hết thì mới mời các anh chị Phụ trách và quan khách.
- Trại trưởng hay chủ tọa châm lửa.
- Hát bài “nhảy lửa” và cùng nhảy chung.
- Lời khai mạc (nếu có)
- Chương trình sinh hoạt, văn nghệ.
Thủ tục 2:
- Anh chị phụ trách tiếp tân đón quan khách từ xa và hướng dẫn vào khu vực lửa trại.
- Thần Bóng đêm ra chận lại, vừa khoe khoang khoác lác vừa hù dọa.
- Thần Ánh sáng (Quản trò) xuất hiện trong tiếng động inh tai (do trại sinh gõ bằng đủ thứ loại dụng cụ) với cây đuốc trong tay, đánh đuổi Thần Bóng đêm và hướng dẫn quan khách an tọa (trại sinh im lặng). Thần Ánh sáng lên tiếng trấn an và ca ngợi ngọn lửa, ca ngợi ánh sáng...
- Thần Ánh sáng hát bài “Gọi lửa” lần thứ nhất, tất cả hát lại lần thứ hai.
- Quản trò mời anh chị Phụ trách hay chủ tọa châm lửa.
- Múa và hát bài “Nhảy lửa”.
- Chương trình sinh hoạt, văn nghệ....
Bế mạc

Hết chương trình, Trại trưởng cám ơn quan khách và khán giả. Anh chị Phụ trách tiễn quan khách trong khi trại sinh ca bài “Tạm biệt”.
Nếu có tĩnh tâm, tuyên hứa thì giờ này bắt đầu chuẩn bị tiến hành.
Câu chuyện tàn lửa
Nếu lửa trại thường, thì trước khi bế mạc, Trại trưởng có “Câu chuyện tàn lửa” với tất cả trại sinh. Đây cũng là giờ tinh thần với những lời tâm tình nhắn nhủ ngắn gọn. Sau đó hát bài “Tàn lửa” rồi từ từ im lặng rút lui về lều của mình, tuyệt đối không vỗ tay, reo hò hay hô giải tán lúc này.
Quản trò
Người ta thường hiểu lầm: Quản trò là một anh hề, lên nhảy nhót, uốn éo để chọc cười thiên hạ. Không đơn giản như vậy đâu, người Quản trò là linh hồn của buổi lửa trại, nó quyết định sự thành đạt của buổi lửa trại đó. Người Quản trò ngoài óc khôi hài, dí dỏm, còn phải năng động, phản ứng nhanh, san lấp ngay những lỗ hổng của chương trình. Người Quản trò phải có nhiều vốn liếng sinh hoạt như: trò chơi, băng reo, ca múa cộng đồng... Phải biết lúc nào tạo bầu không khí sôi động, lúc nào phải trầm lắng. Biết cắt ngang một cách khéo léo những tiết mục quá dài hoặc có nội dung nhảm nhí. Biết phối hợp cùng Quản ca và Quản lửa để tạo nên một chương trình sống động.
Quản ca
Thường thì nhiệm vụ này Quản trò có thể kiêm nhiệm nhưng nếu trong buổi lửa trại lớn hay Quản trò không có năng khiếu về ca hát, thì phải có Quản ca để chia bớt gánh nặng.
Quản ca không cần phải là ca sĩ mà chỉ cần biết hát và thuộc nhiều bài hát sinh hoạt, vui ca... Biết bắt nhịp, chia bè hát đuổi (luân xướng), biết một số bài ca múa cộng đồng, biết chọn bài hát cho đúng với hoàn cảnh, biết trại sinh đã thuộc những bài ca múa nào và cũng phải có óc hài hước, vui tươi, dí dỏm, phối hợp với Quản trò, Quản lửa cho nhịp nhàng.
Quản lửa
Là người chịu trách nhiệm về củi đốt và ánh sáng (nếu tổ chức lớn thì nên lập ra một ban ánh sáng) cho nên người Quản lửa phải biết kỹ thuật sắp củi sao cho cháy đều, hiểu rõ tính chất cháy của những loại củi khác nhau. Lo dự trù củi cho đủ dùng, không được thiếu nửa chừng. Là người chọn khu vực để đốt lửa, Quản lửa phải biết phòng hỏa, tránh đốt lửa dưới tàn cây xanh hay gần những cây có dầu.
Trong lúc sinh hoạt văn nghệ, phải phối hợp với Quản trò, Quản ca, để biết khi nào cần tăng, khi nào cần giảm ánh sáng. Vì vậy Quản lửa phải biết một số xảo thuật ánh sáng và cách tạo màu cho lửa.
Ghi nhớ:
- Quản trò, Quản lửa, Quản ca không nên xuất hiện khi trình diễn, trừ trường hợp cần thiết.
- Anh chị Phụ trách nào muốn tham gia cũng phải báo cho Quản trò để sắp xếp, không được giẫm chân lên phần việc của họ.

Công cụ hỗ trợ cho lửa trại
Chuột lửa:
Là một công cụ dùng cho việc châm lửa khai mạc, có nhiều cách để chế tạo chuột lửa, tùy theo sáng kiến của mỗi người. Hoặc từ trên cao chạy xuống đống lửa hoặc từ dưới thấp chạy lên cao rồi mới xuống đống lửa.

a. Từ trên cao chạy xuống:
- Căng dây kẽm đến thân cây hay một điểm cao và có độ dốc vừa phải, đầu dây kẽm (phía đống lửa) chúng ta nối bằng một đoạn dây nylon ngắn để sau khi cháy thì dây đứt, không gây trở ngại cho việc trình diễn.
- Lấy lon sữa bò, lon bia... cho giẻ tẩm dầu vào, lấy dây kẽm làm thành một cái quai. Dùng tim đèn nối dài (hay vải se lại thành sợi) cột vào lon.
- Treo lon trên điểm cao nhất của sợi dây kẽm, cố định bằng dây thun, thòng dây tim xuống cho vừa tầm.
- Khi đốt, dây thun đứt, lon lửa sẽ trôi theo độ dốc xuống đống lửa.

b. Từ dưới chạy lên:
Nguyên tắc thì vẫn trượt theo dây kẽm nhưng một bên thì nhờ trọng lượng, một bên thì nhờ dây thun đàn hồi. Loại chuột lửa này chúng ta để cho hộp lon nằm ngang và làm hai khoen bằng dây kẽm để dễ dàng trượt theo dây hướng dẫn.
Từ một góc nào đó, dùng dây thun tạo lực đàn hồi để bắn mồi lửa lên cao, có sẵn chuột lửa. Từ đó chuột sẽ chạy xuống đống củi.

Làm đuốc:
1. Dùng vải quấn quanh một cành cây tươi, lấy dây kẽm buộc lại, nhúng vào dầu. Cách này giản dị nhưng lửa cháy không bền.
2. Lấy một lóng tre, trúc, nứa... vừa tay cầm và có mắt (loại còn tươi), đổ dầu vào lóng tre và nhét giẻ lại, ta có một cây đuốc cháy khá lâu.
3. Chẻ một lóng tre ra làm 6 hay 8 phần đều nhau, lấy lon bia hay nước giải khát (loại nhỏ) để vào và dùng dây kẽm cố định cho thật chặt, đoạn đổ dầu và nhét giẻ vào.

Tạo màu cho lửa
Trong khi trình diễn văn nghệ, nếu Quản lửa biết cách tạo màu cho lửa, thì tiết mục sẽ thêm hấp dẫn và vui mắt. Dưới đây là một số vật liệu mà Quản lửa phải chuẩn bị để tạo màu cho lửa.
Lửa bừng sáng: Ném vào lửa những bao nylon nhỏ có chứa dầu lửa hay xăng, rơm khô, giấy cắt vụn, thuốc pháo bông.
Tạo khói: Ném vào lửa rơm ướt, lá cây tươi.
Lửa màu đỏ: Bột than.
Lửa xanh: Bột sulfate đồng, giấy bạc trắng.
Lửa vàng: Muối bọt, nhựa thương phẩm.
Lửa tóe bông: Muối hột.
Báo trại

Một trong những hoạt động lý thú của trại hè, trại họp bạn... là BÁO TƯỜNG. Báo tường là một hình thức thông tin, giới thiệu, giải trí... của trại sinh.
Thông tin: Thông báo những chỉ thị, huấn lệnh... của ban quản trại, phản ảnh lại cuộc sống và hoạt động của trại, đưa những tin tức mới nhất trong ngày.
Giới thiệu: Nếu có nhiều đoàn, nhiều địa phương tham gia thì nên nêu một vài nét về đơn vị mình như: truyền thống, tổ chức, số thành viên... và giới thiệu về địa phương của mình.
Giải trí: Gồm thơ, văn, truyện, tùy bút, tranh ảnh, sưu tầm, dịch thuật, vui cười...
Báo tường cũng là một hình thức thủ công trại, nên không thể làm sẵn ở nhà (dù chỉ là tiêu đề hay tên báo), rồi đem đến gắn vào. Tất cả phải được làm ở trại và chỉ được mang theo những vật dụng cần thiết như:
- Giấy, keo, hồ...
- Màu, bút màu, giấy màu...
- Hình chụp, tranh ảnh, tạp chí...

Đề tài:
a. Đề tài tự chọn: Nếu tự chọn đề tài, thì chuẩn bị nội trong một ngày là đủ. Tuy nhiên chúng ta cũng nên giới hạn trong một số chủ đề.
b. Đề tài quy định: Với hình thức này, nên thông báo cho trại sinh trước vài ngày để họ kịp sáng tác.
Cách chấm điểm:
1. Sự tham gia nhiệt tình của từng đơn vị.
2. Đúng chủ đề.
3. Trình bày đẹp, cân đối, hài hòa.
4. Văn thơ hay, tranh vẽ đẹp, có ý nghĩa.

Ghi nhớ:
Mục đích của Báo Trại là thúc đẩy khả năng sáng tạo, ứng biến linh động của trại sinh, nên không được làm sẵn ở nhà hay nhờ người khác làm dùm.
- Không nói xấu hay công kích lẫn nhau.
- Không khoe mẽ hay hoạt động tuyên truyền.



TRÒ CHƠI


CÔNG TÁC TỔ CHỨC VÀ QUY TRÌNH THỰC HIỆN MỘT TRÒ CHƠI


CÔNG TÁC T CHC TRÒ CHƠI

I.   GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ:
1.    Chuẩn bị đầy đủ trên giấy :
Như người thầy giáo soạn giáo án trước khi dạy : đưa những trò chơi gì vào chương trình sinh hoạt tại các buổi cắm trại, thứ tự tiến hành các loại trò chơi (lúc mở đầu, giữa và cuối buổi sinh hoạt, mỗi thời điểm cần có một số trò chơi thích hợp).
Việc chọn lựa các trò chơi trong một buổi sinh hoạt nhất định phải căn cứ vào nhiều yếu tố :
  • Người tham dự cuộc chơi :
-       độ tuổi (rất quan trọng),
-       tình hình sức khỏe, trình độ văn hóa, kỹ năng chuyên môn (trò chơi không vượt quá khả năng thể lực, trí tuệ, của người chơi),
-       giới tính : có loại trò chơi thích hợp với nam nhưng lại không thích hợp với nữ giới và ngược lại,
-       số lượng người tham dự : có loại trò chơi chỉ vui với số ít (do đó phải chia người chơi thành nhiều nhóm nhỏ, chơi làm nhiều đợt), ngược lại có loại trò chơi chỉ thích hợp với một số lượng người chơi đông,
-       có loại trò chơi chỉ có thể tiến hành với một số đối tượng đã quen biết nhau (cùng đội, cùng đoàn …) nên không thích hợp với đa số người mới gặp nhau lần đầu.
  • Địa điểm : trong nhà, ngoài trời, nơi trống trải, nơi có cỏ, cây xanh, sân bãi rộng hẹp, có hoặc không có giới hạn rõ ràng, ảnh ng qua lại của môi trường và việc tổ chức thực hiện trò chơi. Ví dụ : có thể tổ chức các trò chơi leo trèo, ẩn nấp các nơi có cây xanh, lùm cây, nhưng lại không tổ chức trò chơi ném bóng ở gần các loại cây hoang dại để đề phòng rắn rết khi kiếm bóng …
  • Khí hậu, thời tiết : mùa, tháng trong năm, ban ngày, ban đêm (để quyết định thời gian, cường độ thích hợp của các trò chơi).
  • Thời gian chơi : thời gian chung dành cho toàn bộ các trò chơi trong buổi sinh hoạt hoặc ngày cắm trại và thời gian riêng của từng trò chơi trong chương trình chung.
  • Tác dụng, hiệu quả chính phụ của mỗit rò chơi : trò chơi rèn luyện, phát triển đức tính hoặc khám phá những đức tính gì ở người chơi (thể lực, sự mềm dẻo, khéo léo, sự nhanh trí, óc quan sát ? …) người điều khiển phải xác định rõ mục tiêu giáo dục trong buổi sinh hoạt … để chọn những trò chơi đáp ứng yêu cầu của mình.
  • Tính chất của mỗi trò chơi : trò chơi rất đông (đòi hỏi một sự nổ lực hỗn hợp, kéo dài suốt cuộc chơi với cường độ cao hoặc vừa phải), trò chơi động (đòi hỏi một sự nổ lực liên tục nhưng có xen kẻ những lúc nghỉ ngơi ngắn), trò chơi tĩnh (sự nỗ lực về mặt thể lực yếu nhưng sự nỗ lực về tinh thần, trí tuệ lại cao, trò chơi mang tính chất giải trí nhưng thư giãn trong niềm vui).
Trong một buổi sinh hoạt, cắm trại nên xen kẽ các trò chơi rất hoạt động với các trò chơi động và tĩnh để tránh sự mệt mỏi quá sức về thể chất của người chơi hoặc sự mệt mỏi do ít hoạt động thể lực và nhàm chán (chơi một trò chơi quá lâu, lập lại một trò chơi mới hơn …

  1. Những trò chơi cần đến dụng cụ (bóng, gậy, khăn quàng, cờ, dây …):
Thì phải lập danh sách đầy đủ và nhớ đem theo đến nơi chơi. Dụng cụ phải thích hợp với độ tuổi, sức khỏe người chơi (ví dụ : bóng to hoặc nặng dành cho thanh thiếu niên lớn khỏe, bóng vừa và nhỏ, mềm, nhẹ cho thiếu nhi nhỏ tuổi và nhi đồng). Dự kiến cả một số bài hát kèm theo một số trò chơi nào đó để có kế hoạch ôn luyện trước.
Một số trò chơi cần thêm người giám sát, trong các cuộc tranh tài giữa các đội cũng phải chọn người, sắp xếp trước.
Ngoài số trò chơi chính đã lựa chọn cho chương trình sinh hoạt cần chuẩn bị thêm một số trò chơi dự trữ, đề phòng một số trò chơi chính vì những lý do, điều kiện ngoài trời dự kiến không thể tổ chức được ở nơi vui chơi, cắm trại (ví dụ : trời mưa, số người đi cắm trại ít hơn các lần trước …)
Các trò chơi trong một buổi sinh hoạt :
Phải đạt được tác dụng, hiệu quả giáo dục (mục đích, yêu cầu chính) đồng thời phải gây được hứng thú, phấn khởi với người chơi, đảm bảo an toàn đoàn kết, không để xảy ra tranh cải khi phân thắng, thua, xếp vị thứ, không để xảy ra tai biến gì dù rất nhỏ (cũng cần mang dự phòng một túi cấp cứu gồm ít bông băng, thuốc sát trùng …)
Vì vậy, việc chuẩn bị tốt các trò chơi trước khi tổ chức thực hiện là hết sức quan trọng, đảm bảo tới ba phần tư sự thành công của buổi chơi –chơi để mà học, rèn luyện. Một thiếu sót nhỏ trong việc chuẩn bị dễ làm hỏng cả một trò chơi thú vị, hấp dẫn, có tác dụng giáo dục tốt.
II.  GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN :
1.    Trình bày trò chơi :
o    Chọn lối giải thích rõ ràng. Ngắn gọn, dễ hiểu, dí dỏm. Giải thích sao cho người chậm hiểu nhất cũng hiểu được. Nếu cần thì không cần giải thích mà dẫn dắt ngưòi chơi từng bước để tạo sự hấp dẫn.
o    Nói và cử động làm mẫu thì dễ hiểu hơn, có thể chơi thử để giảng lại luật lệ trò chơi.
o    Đừng mất kiên nhẫn vì những phá rối nô đùa của những người đã biết trò chơi.
2.   Điều kiện trò chơi :
o    Chuẩn bị trước sự phân chia trong vòng tròn sao cho mạnh yếu đồng yếu, nếu nam nữ xen kẽ được thì tốt.
o    Phải luôn luôn di động để nhìn được mọi người. Điều khiển từ chậm đến nhanh để tạo sự căng thẳng.
o    Khai thác sự dí dỏm của người chơi, hay chế biến trò chơi sao cho vui vẻ, thoải mái.
o    Đề cao tinh thần tự giác, thẳng thắn trung thực, dành cho người phát huy sáng kiến trong phạm vi luật lệ trò chơi.
o    Phải đổi trò chơi sao cho ai cũng có dịp thắng cuộc, người thắng về nhanh nhẹn, người thắng về sức khỏe, người thắng về tính tự chủ.
o    Khi bắt lỗi phải khách quan, chính xác, dứt khoát, công bằng.
o    Phải biết dừng trò chơi đúng lúc, khi mọi người có dấu hiệu mệt mỏi, chán nản hay khi trò chơi đã có kết quả thắng thua rõ ràng.
III.   GIAI ĐOẠN KẾT THÚC :
1.    Phạt những người thua bằng những hình phạt nhẹ nhàng, thoải mái, để thực hiện, tránh những hình phạt thô bạo hay kéo dài thời gian phạt.
2.    Đánh giá ưu khuyết điểm của trò chơi cần thêm bớt gì không ? Về luật lệ, cách chơi và tính hấp dẫn, sự giáo dục của trò chơi đến đâu ?


QUY TRÌNH MỘT TRÒ CHƠI
1.        Ổn định :
Để tập trung sự chú ý của vòng tròn (người tham gia chơi), người quản trò cần tạo sự tập trung, ổn định bằng hai yếu tố : tiếng động (thường gặp) và hình dáng.
               Tiếng động : Cho vòng tròn hát, một trò chơi băng reo hoặc trò chơi phản xạ từ  thấp lên cao.
                Hình dáng : Ngưòi quản trò bước ra vòng tròn với dáng điệu ngộ nghĩnh, duyên dáng cũng tạo sự thu hút chú ý của vòng tròn.
2.        Giới thiệu trò chơi :
Có thể lồng trò chơi vào các câu chuyện cổ tích, chuyện vui để tạo sự háo hức, hứng thú. Tuy nhiên cần ngắn gọn và hấp dẫn.
3.        Hướng dẫn cách chơi, luật chơi :
Tuỳ theo mỗi trò chơi mà quản trò linh động hướng dẫn. Có những trò chơi phức tạp cần hướng dẫn đầy đủ trước rồi mới chơi, nhưng cũng có những trò chơi đơn giản thì có thể chơi ngay, vừa chơi thừ vừa giải thích, làm sao cho dễ hiểu, dễ nắm mới thu hút người chơi.
4.        Chơi thử (chơi nháp) :
Rất quan trọng nhưng cần lưu ý :
o    Nếu thử nhiều : khi chơi thật sẽ nhàm chán.
o    Nếu không chơi thử hoặc chơi thử quá ít thì người chơi chưa nắm được cách chơi sẽ gây khó khăn cho ni quản trò khi hướng dẫn chơi.
a. Chơi :
o    Khi chơi ngươi quản trò nên cùng chơi với vòng tròn để tránh khoảng cách và động viên khích lệ người chơi cần trọng tài.
o    Khi chơi ngươi quản trò phải quan sát ngưòi chơi (vòng tròn) nhất là khi chơi với trẻ em để biết được thái độ, cử chỉ, phong cách … từ đó giáo dục điều chỉnh phong cách của mình (quản trò).
o    Trong quá trình chơi, quản trò có thể chuyển hướng khác với dự kiến ban đầu một ít thì người quản trò nên linh động khéo léo dẫn đắt. Đừng quá nguyên tắc, cứngngắt làm mất vui, mất không khí sinh hoạt.
o    Người quản trò phải công bằng xử lý tình huống một cách khách quan, không thiên vị, không quá dễ dãi.
o    Tác phong ngưòi quản trò phải chuẩn mực, ngôn ngữ phải sư phạm không thô thiển, phong cách vui tươi, dí dỏm, duyên dáng.
o    Trò chơi hình phạt : Hãy quan niệm hình phạt là một trò chơi nhỏ, đừng nên bắt ép quá đáng mà nên khuyến khích động viên người bị phạt tham gia.
b. Ngừng đúng lúc :
Cần phải biết lúc nào ngừng trò chơi (do kinh nghiệm quan sát, kinhnghiệm chơi). Đảm bảo sức khỏe cho ngơi chơi, tạo sự luyến tiếc cho lần chơi sau. Đừng để người chơi nhàm chán, than mệt và ngán chơi.
LƯU Ý:
Trước khi tổ chức thực hiện các trò chơi, cần nắm lại đầy đủ tình hình các đối tượng dự chơi (những ai đau yếu, mệt mỏi, thiếu vắng …) nơi chơi (có gì thay đổi đột xuất), dụng cụ mang theo (đủ, thiếu, tốt, hư hỏng …)
                                                                                    (trích từ thpthungvuong.edu.vn)




NGƯỜI QUẢN TRÒ TRONG SINH HOẠT TẬP THỂ


I - ĐÔI LỜI DẪN NHẬP

Có thể dùng danh từ “nghề” để nói về công việc Quản Trò, mặc dù nghề này không hề nhắm đến vấn đề sinh kế hay một địa vị danh vọng nào trong xã hội như các nghề khác.
Thế nhưng, nhìn dưới góc độ phục vụ vị tha thì nghề Quản Trò có những đặc nét dễ thương, làm cho ai đã “lỡ” dấn thân vào thì trở thành cái nghiệp, không tài nào rũ bỏ được.
Ở đây, xin trình bày 3 đặc nét làm nên một Quản Trò, hay còn gọi là một Linh Hoạt Viên chân chính:
·         Tính cách
·         Vốn liếng
·         Kinh nghiệm
Khi lần lượt phân tích từng điểm rồi, chính bản thân chúng ta sẽ ý thức được giá trị sâu xa của nghề Quản Trò mà tự tin hơn, nỗ lực hơn để ngày một trở nên thành thạo hơn, đồng thời cũng cảm thông hơn với các anh chị em Quản Trò khác khi họ gặp thất bại khi “hành nghề”.


II - TÍNH CÁCH CỦA NGƯỜI QUẢN TRÒ

Người ta thường quan niệm một cách khá bạc bẽo rằng người Quản Trò là một anh, một chị chuyên làm “trò hề” cho thiên hạ mua vui, có chút máu tiếu lâm, tính tình lại hay bông đùa hời hợt, khi vào việc đứng đắn quan trọng thì chẳng ai dám tin tưởng giao phó, sợ bị người ấy biến thành trò đùa !
Thiết nghĩ, quan niệm như thế là nông cạn, hẹp hòi và tàn nhẫn. Để làm được một anh hề dễ thương, một chị Quản Trò tài giỏi, trước hết, bạn phải là một người có tâm hồn cởi mở, ý thức sâu sắc, bản lĩnh vững vàng và khả năng đa dạng.

<1>Tâm hồn cởi mở:
 Người Quản Trò có cái Tâm vị tha thì có thể sẵn sàng đóng góp phần mình một cách nhiệt thành cho cuộc vui chung, cho bầu khí tập thể thêm đậm đà, ý nhị và thân tình gắn bó.

<2> Ý thức sâu sắc:
 Người Quản Trò có ý thức, phán đoán tốt thì sẽ biết làm những gì, biết nói thế nào cho đúng lúc, đúng nội dung, đúng đối tượng, nhờ vậy, thông qua trò chơi, dần dần bồi đắp cho mỗi người và cho tập thể nhiều giá trị giáo dục.

<3> Bản lĩnh vững vàng:
 Người Quản Trò có bản lĩnh cứng cáp thì có thể biến báo nhanh nhẹn trong mọi việc; không tránh việc, không dựa hơi; thành công không kiêu, thất bại không nản; và đến một thời điểm nào đó sẵn sàng nhường bước cho người giỏi hơn, cho thế hệ trẻ hơn kế thừa mà không buồn, mặc cảm và ganh tỵ.
Khả năng đa dạng: Khả năng càng đa dạng thì người Quản Trò
 càng có thể biến mọi việc, mọi dịp thành một trò chơi đúng nghĩa và lý thú; biết khá rộng mọi lãnh vực để vận dụng; biết ăn nói dõng dạc mạch lạc, biết cư xử hài hòa. Người Quản Trò có đủ cả sở trường sở đoản thì dễ “nhập vai”: khi kể truyện, lúc đệm đàn, tập hát, tập mini vũ, lại có thể thành diễn viên kịch nghiệp dư hay người dẫn chương trình ( Speaker ), và đặc biệt là người chịu trách nhiệm cuối cùng khi có sự cố xẩy ra mà không còn ai có thể giải quyết.

Như thế, chúng ta không thể coi Quản Trò là một anh hề, có tài vặt và lém miệng. Ngược lại, phải nhìn nhận đây là một thủ lĩnh (leader) đầy trình độ và thiện chí, có thể làm chủ một tập thể từ 6 đến 600.000 người trong một thời gian ngắn hay dài. Kết quả cuối cùng mà người Quản Trò đón nhận được lại chỉ là những phần thưởng tinh thần tự mình cảm nhận được sau khi cuộc vui đã tàn, mọi người đã chia tay.
Vậy, tắt một lời, dù đòi hỏi nhiều kỹ năng, phương pháp, dù đã gọi là nghề, Quản Trò vẫn là cả một “nghệ thuật”.


III - VỐN LIẾNG CỦA NGƯỜI QUẢN TRÒ:
Chúng ta có thể xem vốn liếng ở đây là những gì bẩm sinh người Quản Trò được thiên phú như một năng khiếu quý và hiếm, không phải ai cũng có được. Tuy nhiên, chỉ thế thôi chưa đủ, cần còn rất nhiều nỗ lực học hỏi qua tài liệu sách vở, qua các bài khóa huấn luyện, qua kiến tập và thực tập cùng với các Huynh Trưởng lớn. Chắc chắn một điều là phải luôn trong tư thế sắp sẵn (toujours prêt ), không phải đợi thành tài mới ra nghề, nhưng chính là thành nghề lần hồi mới ra tài.
Ở đây chúng ta sẽ đề cập đến một số vốn liếng thiết thân tối thiểu người Quản Trò phải có:

1. GIỌNG NÓI VÀ KHUÔN MẶT
 
Người Quản Trò cần có giọng nói to, dõng dạc để trình bày trò chơi, hướng dẫn luật chơi thật ngắn gọn mà dễ hiểu, gây được sự chú ý tập trung và bất ngờ hấp dẫn chocả tập thể đông người, mặc dù có thể họ đã chơi trò ấy nhiều lần.
Khi người Quản Trò làm cả nhiệm vụ một Trọng Tài, cần có những quyết định công minh mà vẫn giữ được bầu khí vui tươi, khi đưa ra một số khẩu lệnh dứt khoát nhưng pha một chút dí dỏm, khiến mọi người dễ dàng tự nguyện làm theo.
Khuôn mặt người Quản Trò luôn tươi tỉnh, cởi mở, ánh mắt nhìn bao quát toàn bộ, tránh để lộ sự nóng nẩy hoặc nản lòng thoái chí, dứt khoát không nạt nộ, ra lệnh gay gắt.

2. CỬ CHỉ VÀ DÁNG ĐIỆU
Người Quản Trò cần có dáng vẻ tự nhiên, cư xử dễ thương, gây nhiều thiện cảm, tạo được sự chú ý, mới xuất hiện đã làm cho tập thể vui nhộn hẳn lên, tương tác giao kết với nhau thoải mái. Cần tránh các cử chỉ thừa, vụng về, tự mình sẽ dễ mất tự chủ trước đông đảo người tham dự đang tập chú về mình. Tất cả toát lên sự gần gũi thân tình, làm Quản Trò điều khiển cuộc chơi mà cứ như thể ở cùng một phía với người chơi.

3. SỨC KHỎE VÀ THÁO VÁT

Thể lực của người Quản Trò đòi hỏi phải tương đối dai bền, mau hồi phục để tránh tình trạng kiệt sức giữa chừng, thở hổn hển, nói đứt quãng, không chơi mẫu được như trò chơi yêu cầu. Sự thành thạo, nhanh nhẹn tháo vát về kỹ năng ( chơi bóng, vẽ, nút giây, ảo thuật, hò đối đáp... ) cũng hết sức cần thiết cho người Quản Trò dù không đến mức buộc phải là một cầu thủ, một họa sĩ, một thi sĩ, một lực sĩ hay một ảo thuật gia...

4. KIẾN THỨC VÀ Ý NIỆM
Kiến thức bước đầu của nghề Quản Trò có thể là “học lóm”, là bắt chước, nhưng muốn tiến lên mức cao hơn cần phải biết tự học trong sách, với thầy, với bạn để rồi dần dần tự hệ thống thành lý luận kiến thức, làm vốn liếng riêng của mình.
Người Quản Trò cần luôn tự nhủ rằng: mình đang góp phần giúp mọi người nhận ra các giá trị do trò chơi sinh hoạt đem lại. Muốn thế, bản thân phải “ngộ” được trước các giá trị ấy để sau đó mới có thể truyền đạt trò chơi một cách sinh động.
Sẽ không là cường điệu nếu nhận định rằng: nghề Quản Trò cũng góp một phần gián tiếp trong chức năng sư phạm và giáo dục, đặc biệt với các bạn trẻ sinh hoạt.

5. VỐN LIẾNG VÀ TRANG BỊ
Đã làm Quản Trò thì không bao giờ được cạn trò chơi, ngược lại, luôn tìm học và tự sáng tác trò chơi mới, ít ra cũng là biết chế biến, “thêm mắm thêm muối”, để mỗi lần xuất hiện là một lần hứa hẹn sẽ đem đến một trò hấp dẫn, có duyên, có ý nghĩa, đáp ứng được ngay nhu cầu của tập thể. Người Quản Trò cũng nên rủ các bạn trong nghề cùng nhau sưu tập, lập Trương Mục hoặc Ngân Hàng Trò Chơi để vốn liếng trang bị ngày một thêm phong phú đa dạng và hợp thời.


IV - KINH NGHIỆM CỦA NGƯỜI QUẢN TRÒ


Đã gọi là kinh nghiệm thì hay nhất vẫn là chính bản thân người Quản Trò phải tự học lấy, mắt thấy tai nghe, ghi chép vào Sổ Tay Quản Trò, thử nghiệm qua nhiều thành-bại.
Thật vậy, không có kinh nghiệm của người nào lại giống của người nào. Nhờ đó, mỗi Quản Trò sẽ tự hình thành cho mình một tính cách riêng, một nét duyên đặc thù không thể nhầm lẫn với ai khác.
Ở đây, xin nêu 5 vấn đề chính yếu phải thận trọng lưu ý:
·         Về số lượng người chơi;
·         Về đối tượng tham dự;
·         Về bầu khí cuộc chơi;
·         Về điều kiện tổ chức sinh hoạt;
·         Về chính bản thân Quản Trò
1. SỐ LƯỢNG NGƯỜI CHƠI
Có một hàm số nghịch biến về tâm lý tập thể ở đây: khi số lượng
 người tham gia sinh hoạt càng đông thì tính chất của trò chơi lại càng “trẻ con” đi ! Do vậy, người Quản Trò cần biết biến báo, chọn lựa trò chơi, đưa ra cho hợp với “độ tuổi tâm lý” nghịch thường nói trên. Ở đây chúng ta khảo sát 4 cấp độ của số lượng người chơi:

Trên dưới 12 người:
 
Cho dù đối tượng chỉ là các thanh thiếu niên còn rất trẻ đi nữa thì trò chơi vẫn phải ở cấp độ khá cao, thường đòi hỏi sự quan sát, óc lý luận, trí tưởng tượng và tính khôi hài dí dỏm, có vẻ “ông cụ non”.
Trò chơi không nhắm tới thắng-bại, hơn-thua, mà chỉ cốt những người cùng chơi cảm thấy thú vị khoái chí là thành công. Ví dụ: Trò chơi xếp giấy Origami; Các câu đố mẹo dân gian, chơi chữ; Trò Chơi Kim; Các dạng Trò Chơi Dùng Phiếu; Tòa Án Vườn.
Nếu cần dùng đến Bài Hát Sinh Hoạt thì nên chọn tập những bài ở mức độ khá cao, có thể đệm guitare hát chung với nhiều tâm tình như các bài: Cho Con, Trường Làng Tôi của Phạm Trọng Cầu; Mặt Trời Bé Con của Trần Tiến; Bông Hồng Cài Áo của Phạm Thế Mỹ; Quê Hương của Đỗ Trung Quân và Giáp Văn Thạch; Ngài Cho Anh Ngài Cho Tôi của Thành Tâm; Nối Lửa Cho Đời của Tiến Lộc và Võ Tá Khánh...

Trên dưới 60 người:

Trò chơi sẽ ở cấp độ trung bình, đòi hỏi sự nhanh nhẹn, tháo vát, khéo léo, dẻo dai, đầy sôi động. Ví dụ: Các Trò Chơi Vận Động Nhẹ hay Mạnh, Trò Chơi Phản Xạ, Đối Kháng, Thi Đua..., các Bài Hát Có Cử Điệu...
Sinh hoạt với khoảng 60 người là hoàn cảnh thông thường nhất dành cho các Quản Trò, không quá ít cũng không quá đông người tham dự, vừa sức cho một Quản Trò trẻ, đang thời gian “thử tay nghe”à có thể rèn luyện khả năng. Nếu cần hát sinh hoạt, nên chọn các bài ở mức trung bình, khá dễ tập, dễ nhớ như: Gặp Gỡ Đức Ki-tô của Tiến Lộc; Ra Khơi Với Đức Ki-tô, Ngôi Nhà Chúng Ta của Quang Uy...

Trên dưới 300 người:

Trò chơi ở mức độ đơn giản, chỉ đòi hỏi sự đồng loạt nhịp nhàng, vui nhộn, dễ bắt chước, luật chơi hết sức dễ hiểu và dễ thực hiện.
Nếu không gian chơi là một hội trường, nên áp dùng các Trò Chơi Phản Xạ. Nếu ở ngoài sân rộng rãi thì nên dùng các Trò Chơi Vận Động Nhẹ. Cũng đừng quên các Băng Reo là loại trò chơi vừa hợp với đám đông lại vừa tạo hiệu quả cao.
Bài Hát Sinh Hoạt nên chọn loại phổ biến, dễ hát, mau thuộc, nhịp độ vui hùng như: Hành Trang Người Trẻ của Hoàng Đức; Nối Vòng Tay Lớn của Trịnh Công Sơn; Phồn Ơi, Kìa Nhìn Xem của Tiến Lộc; Năm Châu Yêu Thương của Quang Uy...

Trên dưới 3000 người:

Trò chơi ở mức độ thấp nhất ( thấp nhất nhưng vẫn không phải là tầm thường ), chỉ đòi hỏi những động tác đơn giản nhất loạt dựa vào các khẩu lệnh ngắn và rõ, như trong các bài tập thể dục như: vỗ tay, đứng lên ngồi xuống, quay phải quay trái...
Các Bài Hát Sinh Hoạt ở mức dễ tối đa, 4 câu, nét nhạc lập đi lập lại, nhịp điệu đơn sơ rập ràng, như: Cái Nhà Là Nhà Của Ta của cha Nguyễn Văn Thích; Mình Với Ta Tuy Hai Mà Một của Phạm Duy; Anh Em Hãy Ca Lên của Tiến Lộc; Nào Mời Anh Lên Tàu Lửa của Thành Tâm; Gần Nhau Trao Cho Nhau...

2. ĐỐI TƯỢNG THAM DỰ
Khi nhận nhiệm vụ bất ngờ, Quản Trò cần chú ý nhận xét được sự khác biệt giữa một tập thể đã tương đối có đội ngũ nề nếp ( các học sinh Giáo Lý, các Hội Đoàn Giới Trẻ... ) với các đám đông được tập họp đột xuất và tạm thời mà thôi ( khách dự tiệc cưới, quần chúng đón một vị khách... ). Nhận định rồi, Quản Trò mới có thể tìm được phương án sinh hoạt thích ứng với từng trường hợp. Mặt khác, cũng cần lưu tâm ưu tiên đến đối tượng chính được đặc biệt nhắm đến hoặc đang chiếm đa số trong đám đông tham dự. Như vậy, có 6 trường hợp cần chú ý:

Đã có đội ngũ:

Trường hợp này, Quản Trò cần “tung chiêu” lạ, bất ngờ, mức độ chơi càng lúc càng khó, tận dụng những nét đặc trưng của đội ngũ họ đã có sẵn (tôn chỉ, hoạt động, truyền thống, tình thân, ý thức kỷ luật... ) để từ đó dẫn vào các trò chơi có ý nghĩa sâu sắc mà gần gũi với họ.

Không có đội ngũ:

Trường hợp phải đối diện với một đám đông phức tạp, lại chưa có đội ngũ, Quản Trò nên mở đầu thăm dò bằng các Trò Chơi và Bài Hát Sinh Hoạt đơn giản, dễ bắt chước, tạo sự chú ý tập trung nhanh. Sau đó, nếu cần mới nâng mức độ lên dần.

Chưa quen sinh hoạt:
 Ở thành thị hay thôn quê, chắc chắn vẫn luôn có những tập thể chưa quen sinh hoạt. Trước tiên, Quản Trò cần đưa ra loại trò chơi “đập đá phá băng” để hóa giải cái ngại ngần giữa nam và nữ, cái ngỡ ngàng với hình thức sinh hoạt lạ lẫm ( Ví dụ: các trò chơi Bão Thổi, Kết Chùm, Vỗ Tay Theo Nhịp... )
Bằng lời mời gọi khích lệ và cách hướng dẫn luật chơi cặn kẽ, Quản Trò dần dần lôi cuốn họ vào cuộc chơi cởi mở nhiệt tình bằng những trò chơi đơn giản.

Đã quen sinh hoạt:
 Đừng vội nghĩ là chuyện dễ, chuyện nhỏ khi đến với một tập thể đã quá quen với các dạng sinh hoạt.
Khi chọn đưa ra một trò chơi, Quản Trò nên thăm dò xem họ đã biết chưa, có thích trò ấy không, nương theo đó mà chế biến hoặc nâng cao liều lượng từ dễ đến khó. Trò chơi cũ nhưng cách chơi mới thì mới hấp dẫn họ, làm cho họ “kết” mình.

Có nhiều trẻ em:

Nếu trong đám đông, trẻ em chiếm đa số nhưng cũng hỗn tạp, nhiều trình độ, nhiều lứa tuổi, Quản Trò nên dùng các Trò Chơi và Bài Hát Có Cử Điệu ngắn, dễ tập, dễ thuộc, lại có ý nghĩa giáo dục nhân bản hoặc tôn giáo vừa tầm cho mọi người, cả trẻ em lẫn người lớn.

Có nhiều người lớn:

Đây là trường hợp người lớn có dắt theo con cái cùng đi dự một buổi họp mặt của người lớn với nhau. Quản Trò chỉ nên chọn loại Trò Chơi dễ chơi nhưng tương đối sâu sắc, không đòi hỏi vận động nhiều, lại có nét duyên dáng ý nhị, nhanh chóng gây được cảm tình, tạo được sự sinh động trẻ trung, người lớn lẫn trẻ em đều thấy vui.

3. BẦU KHÍ CUỘC CHƠIQuản Trò cần lượng giá được ngay tình hình chung của tập thể bằng một vài trò chơi ngắn để thăm dò: Họ có quen hoặc có thích sinh hoạt không ? Bầu khí háo hức sinh động hay rời rạc ơ hờ ?
Từ đó Quản Trò mới quyết định chọn lựa tung “trò ruột” nào để tạo hứng khởi, phá thế thụ động của tập thể.
Mặt khác, Quản Trò cần kịp thời ứng biến thay đổi loại trò chơi, tránh đơn điệu kéo dài, tránh để tập thể ngồi quá lâu hoặc chạy nhảy quá mệt, xen kẽ lúc thì sôi nổi, khi thì lắng đọng nhẹ nhàng hơn, vừa mở chiều rộng lại vừa nhấn chiều sâu.

4. ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC SINH HOẠT
Người Quản Trò có quyền chọn lựa trước địa điểm sinh hoạt tối ưu, nhưng nếu bất ưng, ngoài dự kiến thì vẫn phải luôn sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh và điều kiện của không gian tổ chức sinh hoạt sẵn có. Ở đây xin nêu 5 tình huống dặc trưng có thể gặp, đòi hỏi Quản Trò phải biến báo:

Sân bãi quá rộng:

Nếu số người tham gia không quá đông, Quản Trò cho lập vòng tròn SHO không quá lớn để bầu khí không bị loãng, tận dụng diện tích rộng để có thể chọn các Trò Chơi Vận Động Mạnh, di chuyển nhiều và nhanh, có tính đối kháng, nhưng cũng nên thỉnh thoảng xen kẽ bằng những Trò Chơi Vận Động Nhẹ, ngồi tại chỗ.

Phòng ốc quá chật:
 Nếu số người tham gia khá đông, Quản Trò nên chọn các Trò Chơi Vận Động Nhẹ tại chỗ, có thể tận dụng cả bàn ghế và các vật dụng sẵn có trong phòng vào các nội dung và tình huống chơi cho thêm lý thú, thỉnh thoảng cũng nên xen kẽ bằng các Bài Hát Sinh Hoạt. Thời gian sinh hoạt không nên lâu quá 1 giờ, tránh bị ngộp.

Không có micro để điều động:
 Nếu không gian quá rộng, số lượng người tham gia quá đông, mà lại không có micro điều động, thì quả là một tình huống khó khăn. Quản Trò có thể mời một số bạn trẻ biết nghề tình nguyện làm các Quản Trò Phụ Tá, chơi một trò mở đầu chung, sau đó chia tập thể thành 2, 3 nhóm sinh hoạt riêng, cuối cùng sẽ lại tập họp chung để sinh hoạt kết thúc.
Nếu tập thể hoàn toàn chưa quen sinh hoạt mà cũng không có ai phụ giúp, Quản Trò phải ít dùng khẩu lệnh hơn là thủ lệnh, dùng các trò có luật chơi đơn giản, dễ phổ biến ngắn gọn, có nhiều động tác để dễ bắt chước. Cũng đừng quên các Bài Hát Sinh Hoạt quen thuộc, các Băng Reo ngắn để gây bầu khí chung mà lại tiết kiệm sức nói. Cố gắng không nên kéo dài sinh hoạt quá 30 phút, sẽ bị khản cổ khan tiếng là... thua !

Bên cạnh đang có sinh hoạt khác quá ồn:

Không nên ganh đua bằng cách cố hò hát cho to hơn, cho át các sinh hoạt ồn ào gần đó. Quản Trò cần đưa ra các trò chơi thuộc dạng kiếm tìm, nhận xét bằng thị giác, khưú giác và xúc giác ( các Trò Chơi Kim ) hoặc các Trò Chơi Phản Xạ có nhiều động tác, lại dễ điều động bằng thủ lệnh.
Trong thực tế, có vị Quản Trò lão thành đã khéo léo lợi dụng cả nhịp điệu và âm thanh dàn nhạc vọng sang từ một buổi biểu diễn văn nghệ ngoài trời gần đó, để tạo ra một điệu múa chung cho nhóm của mình thật hết sức lý thú và ý nghĩa trước khi quyết định... chia tay giải tán.

Chung quanh đang cần yên tĩnh:
 Các Nhóm khi đi tĩnh tâm tại một Thiền Viện Phật Giáo hoặc Tu Viện Công Giáo, vẫn cần đôi chút sinh hoạt thay đổi bầu khí mà không sợ làm phiền đến các Nhóm tĩnh tâm khác và sự thanh tịnh chung nơi tu hành. Quản Trò nên chọn các Trò Chơi Lý Luận ( dùng phiếu ), Trò Chơi Kim, các câu Đố Vui... 

5. BẢN THÂN NGƯỜI QUẢN TRÒĐối với riêng người Quản Trò, kinh nghiệm cho biết nếu chủ quan, coi thường, ỷ y vào khả năng biến báo của mình, không lường trước được những rủi ro bất ưng của ngoại cảnh, có khi do người khác vô tình gây ra, khi ấy Quản Trò rất dễ nếm mùi thất bại cay đắng, vô phương “chữa cháy”. Ở đây xin nêu lên 4 bước cần lưu tâm:

Chuẩn bị trò chơi:
 Ngoại trừ trường hợp bị “bắt cóc bỏ dĩa”, người Quản Trò luôn có điều kiện chuẩn bị nghiên cứu trước các mặt sau đây:
·         Địa điểm tổ chức sinh hoạt có những thuận lợi và bất lợi nào ?
·         Đối tượng sinh hoạt là ai ? độ tuổi nào ? có những nhu cầu gì ?
·         Phân công cụ thể cho các Quản Trò Phụ Tá như thế nào cho hợp lý và hiệu quả ?
·         Các vật dụng liên quan đến trò chơi được sắp sẵn gồm những gì ? hiện để ở đâu ? do ai đang giữ ? Phải đưa ra lúc nào ?
·         Kịch bản cuộc chơi diễn tiến ra sao ? Có khả năng sẽ xẩy ra những sự cố đột xuất bất ưng nào ? Sẽ biến báo ra sao ?

Hướng dẫn luật chơi:

Quản Trò phải biết cách tập trung mọi người, sao cho tất cả đều bị thu hút, im lặng chú ý nghe phổ biến luật chơi, thỉnh thoảng hỏi xem mọi người đã hiểu, đã nắm vững luật chơi chưa ? Có thể dùng một câu truyện ngắn và vui để dẫn dụ vào trò chơi. Nên chơi mẫu và cho họ chơi nháp trước khi chơi thật.

Tiến Hành trò chơi:
 Quản Trò phải biết trực tiếp hòa mình một cách nhiệt tình cùng với người chơi, trong mọi trò chơi. Luôn nêu cao tinh thần tự nguyện tự giác, trung thực trong sáng khi chơi, nhất là với các em còn nhỏ, quá hăng máu, thích ganh đua, so kè hơn-thua.
Quản Trò cũng cần khéo léo và tế nhị khuyến khích những ai còn nhút nhát, chưa quen sinh hoạt, hoặc những người khách mới đến còn lạ lẫm với tập thể.

Kết thúc trò chơi:

Quản Trò đừng bao giờ để người chơi, nhất là các bạn nữ và các em nhỏ chơi đến mức kiệt sức. Nên biến báo thay đổi các dạng trò chơi mạnh và nhẹ, có thể dùng một... trò chơi để mọi người được giải lao, đi vệ sinh. Quản Trò đừng buộc mọi người phải im lặng tuyệt đối ngay sau khi chấm dứt trò chơi, vì thường thì họ vẫn còn thích bàn cãi sôi nổi, ồn ào thêm ít phút nữa mới có thể ổn định lại.
Nếu trò chơi mang tính đối kháng, Quản Trò phải thật công minh, thường thì nên có giải thưởng cho tất cả các Đội, khen người thắng và khích lệ người “chưa thắng”. Nên chuẩn bị sẵn một số Trò Chơi Thưởng-Phạt, bản thân Quản Trò cũng nhập cuộc cho thêm vui, người bị phạt sẽ không ngượng ngùng.
Cuối cùng, Quản Trò nên vắn tắt nêu ý nghĩa của trò chơi vừa chơi xong, về mặt nhân bản hoặc ý hướng sống đạo, khớp với chủ đề bài Giáo Lý hoặc câu ý lực Tin Mừng.
Nhìn chung, các kinh nghiệm nêu trên và nhiều điều khác nữa không hề có trong bài bản huấn luyện trường lớp, cần tích lũy ngay khi mới vào nghề, dần dần trưởng thành hơn thông qua thực tế “chiến trường” có nhiều phen thất bại hơn thành công.
___________________________________________

Nguồn: Giaophanthaibinh.org



Trò chơi sinh hoạt tập thể ngoài trời

1. NHẮC VÀ NÓI TÊN (HAY CÒN GỌI LÀ TRÒ CHƠI “GIỚI THIỆU TÊN”)
Người trời xếp thành vòng tròn, Người thứ nhất giới thiệu tên mình, người kế bên sẽ lặp lại tên người thứ nhất và giới thiệu tên mình. Người thứ ba nhắc lại tên hai người trước rồi đến tên mình.
Trò chơi tiếp tục và ai quên hoặc lộn tên thì đứng lên ngồi xuống 03 lần và chơi tiếp.
Khi cả vòng tròn đã biết tên nhau, chúng ta sẽ chuyển sang gọi tên.

2. BẠN NÀO ĐẤY (hay còn gọi là trò chơi “Nhớ tên”)
- Cách chơi:
Tất cả các bạn ngồi thành vòng tròn. Quản trò gọi tên một bạn nào đó lập tức hai bạn ngồi hai bên bạn được gọi tên sẽ hô “Có”. Và bạn được gọi tên lại tiếp tục gọi tên một bạn khác. Trò chơi cứ tiếp tục như thế.
- Luật chơi:
Bạn được gọi trúng tên mà hô “Có”, sẽ bị phạt. Cả hai bạn ở hai bên, nếu chậm trễ, hoặc làm sai cũng bị phạt.

3. KẾT THÂN
- Cách chơi:
Các bạn ngồi vòng tròn. Bắt đầu quản trò hô “Kết thân, kết thân”. tất cả các bạn khác sẽ hỏi: “Với ai, với ai?”. Quản trò đáp: Với A, với A”. Tức thì bạn được gọi tên phải tiếp tục hô, và gọi tên bạn muốn kết thân, Ai chậm trễ sẽ bị phạt
- Luật chơi:
1. Tránh lặp lại tên bạn đã được gọi.
2. Trò chơi chỉ nên kéo dài tối đa 5 phút (tuỳ theo số lượng các bạn ít hay nhiều)

4. TẬP LÀM QUEN CHO NHANH (tập trí nhớ)
Vòng tròn cùng nhắc câu “Tập Làm nhanh cho quen” trong lúc làm động tác.
Người quản trò ra đứng giữa vòng tròn, trong lần nhắc nhở đầu tiên cả vòng tròn không làm động tác chỉ người điều khiển vỗ tay, sang lần thứ hai thì người điều khiển sẽ thay thế sẽ thay động tác khác, lúc bấy giờ vòng tròn vỗ tay.
Và khi người điều kiển chuyển qua động tác thứ ba thì cả vòng tròn thực hiện động tác thứ hai của người quản trò.
Chú ý:
+ Vòng tròn thực hiện sau 01 động tác của quản trò ( bắt chước động tác của người điều khiển)
+ Người điều khiển nên đổi động tác từ dễ đến khó.
+ Vòng tròn thực hiện, nhịp đọc câu (*) “Tập làm nhanh cho quen”

Hát vài bài hát tập thể (tập cơ hàm)

5. TẬP TỰ CHỦ
Vòng tròn cử ra một người có khiếu để quản trò.
Tất cả vòng tròn đều im lặng, quản trò đến trước mặt một người trong vòng tròn và được làm 03 động tác thật hài hoặc nói một câu thật dí dỏm sao cho người đối diện với mình phải cười. Người đối diện và người quản trò không được cười, nếu cười là vi phạm sẽ thay thế làm quản trò hoặc bị phạt.


6. THEO BƯỚC CHÂN ANH (tập cơ tay)
Tất cả vòng tròn quan sát người điều khiển, và chỉ vỗ tay khi chân người điều khiển chạm đất Nếu chân người điều khiển chưa chạm đất mà trong vòng tròn có người vỗ tay là vi phạm luật chơi.

7. BỐN MÙA (tập phản xạ)
- Cách chơi:
Quản trò đứng giữa vòng, chỉ một bạn và nói tên một mùa, bạn đó sẽ đáp về thời tiết mùa ấy (Thí dụ: Mùa đông - Lạnh)
Các bạn có thể nói về khí hậu, hoặc về các ngày kỷ niệm … trong thời gian đó, tuỳ theo sự thống nhất của tập thể.
1. Các bạn phải đáp thật nhanh, đáp chậm dù đúng cũng bị phạt.
2. Khi bạn nào trả lời sai, quản trò phải chỉ cho biết sai chỗ nào, câu đáp đúng là gì.

7. TAI THỎ (BẮT THỎ)
- Tất cả các bạn đưa hai ngón trỏ lên để ở đầu, trên mang tai. Quản trò đi vòng quanh, đến gần một bạn bất chợt nắm ngón tay của bạn này. Ngay lập tức bạn này phải rụt ngón tay lại không để cho quản trò nắm được.
1. Các bạn phải tự giác để hai ngón tay lên đầu khi quản trò đi tới gần.
2. Quản trò làm động tác phải thật nhanh nhẹn, rứt khoát, thình lình sao cho bạn không rút kịp tay lại.
3. Bạn nào bị nắm tay phải vào làm thay cho quản trò.
4. Quá 5 lần, quản trò không bắt được ai, sẽ bị phạt.

8. CHANH – CHUA, CUA - KẸP
Mỗi người tham dự đưa tay ra, tay phải ngửa, tay trái chụm lại để trên tay phải người kế bên nhưng không đụng. Quản trò ra giữa vòng tròn hô to "Chanh" cả vòng tròn đáp "Chua" và đột xuất Quản trò hô "Cua" thì vòng tròn đáp nhanh "Kẹp" cùng lúc tiếng "kẹp" thì tay phải mỗi người phải nhanh chóng nắm lại thật nhanh sao cho nắm được bàn tay trái của người bên cạnh và đồng thời cũng thụt tay trái về không để bị kẹp. Người nào chậm bị kẹp là bắt phạt.

9. ĐẤU SÚNG
Quản trò đến chỉ vào bạn nào đó hô: “Đoàng”, bạn đấy phải ngồi xuống và hai bạn đứng bên chỉ vào nhau cùng hô “Đoàng”
1. Quản trò chỉ bạn nào mà bạn đó ngồi xuống không kịp coi như phạm lỗi
2. Hai bạn đứng hai bên, bạn nào bắn chậm hơn cũng bị thua. Người bị phạm lỗi phải ngồi xuống để vòng tròn không bị đứt vãng

10. NHANH TAY GIỮ LẤY (Bắt người)
Cho vòng tròn điểm số 1, 2 hoặc từ 1 đến hết, đánh dấu từng cặp số. Khi quản trò hô to “chẵn” thì tất cả những người mang số 2, 4, 6 … quay anh người bên cạnh số lẽ và giữ chặt.
Riêng các bạn mang số lẽ tìm cách chạy vào chính giữa vòng tròn thì thoát. Nếu bị bắt thì người bắt được có thể nắn tượng người bị bắt đứng im trong 30 giây hoặc hình phạt khác.

11. NHÓM YÊU THÍCH
Quản trò chia vòng trò ra thành 02 đến 04 nhóm.
Quản trò đọc to một mẫu tự và chỉ một nhóm, tức khắc nhóm bị chỉ phải đọc tên một tực đề phim hoặc tựa bài hát bắt đầu bằng mẫu tự đó.
Quản trò lại chỉ nhóm kế tiếp. Nếu nhóm nào nói chậm hoặc nói lại tựa đề phim, tực đề bài hát đã nói là bị xử thua.
Nên quy định tỉ số thắng bại
Chú ý: trò chơi này có thể phát triển thêm thành các kiển như sau:
a) Nói địa danh:
Nhóm A xướng địa danh: Tây Ninh
Nhóm B sẽ nói địa danh tiếp theo từ mẫu tự đầu của chữ cuối (N của Ninh): Nha Trang
Bên Nhóm A sẽ nói tiếp Thủ Dầu Một…
cuộc chơi tiếp tục khi có đội thua
Luật quy định: - Lặp lại địa danh đã nói rồi – Thua
- Sau 05 lần đếm của trọng tài mà không trả lời được thua.
b) Tên danh nhân ; nhân vật lịch sử Việt Nam
c) Hoặc hát theo chủ đề: Những bài hát có chữ “Mưa” chữ “Sông” chữ “Nhà”

12. ĐỐI THƠ
- Cách chơi:
Quản trò chia người chơi ra làm 02 nhóm, mỗi nhóm có từ 10 đến 15 thành viên. Quản trò bắt đầu xướng lên một vần trong 24 chữ cái và chỉ một trong 02 nhóm. Nhóm này lập tức đọc ngay một câu thơ bất kì bắt đầu bằng chữ cái ấy.
Thí dụ: Quản trò ra vần “T”, thì nhóm được chỉ định sẽ đọc
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ” (Tố Hữu)
Khi nhóm này đọc xong, nhóm kia sẽ tiếp tục bằng câu khác. Thí dụ:
“Tiến lên toàn thắng ắt về ta” (Bác Hồ)
Cuộc chơi sẽ tiếp tục, bên nào bí sẽ thua một điểm
- Luật chơi:
1. Câu thơ đọc phải có ý nghĩa. Nếu quản trò không hiểu có quyền hỏi tựa, tác giả bài thơ đó.
2. Các bạn có thể sáng tác thơ nhưng phải có ý nghĩa (dù là một câu)

13. NHANH TAY LẸ CHÂN (thử nhóm nào nhanh hơn)
- Địa điểm: Trong phòng hoặc ngoài trời
- Cách chơi: chơi toàn thể hoặc cử ra đại diện mỗi nhóm.
Quản trò hô: Trại ta (hoặc Lớp ta, Hội ta) đang cần. Tất cả người chơi cùng đồng thanh: “Cần gì, cần gì”? Quản trò trả lời: Cần (Một cái gì đó bất kì nhưng có khả năng thực hiện
Ví dụ cần 05 cái kẹp tóc
Hay cần 03 đôi giầy đen
hoặc 01 sơi tóc dài 01 mét…
Người chơi thực hiện theo yêu cầu của người quản trò, ai nhanh là thắng cuộc.
Để trò chơi thêm phong phú, quản trò có thể yêu cầu:
- Cần một bài vọng cổ
- Cần một nàng công chúa xinh đẹp
- Cần 04 câu thơ lục bát…

Trích nguồn: http://traitimyeuthuong.com







KỸ NĂNG TRUYỀN TIN

TRUYỀN TIN BẰNG TÍN HIỆU MORSE


Từ thời thượng cổ người ta đã biết dùng những tiếng hú , tiếng kêu riêng biệt để gọi nhau mà chỉ những người cùng bộ lạc mới hiểu được . Lần lượt theo nhu cầu mà con người nghĩ ra cách truyền tin nhanh chóng hơn và xa hơn.

Các bộ lạc da đỏ Châu Mỹ có cách liên lạc với nhau bằng khói, cũng như người thổ dân Phi Châu dùng nhịp trống ngắn và dài để báo tin. 

Ngay từ cuối thế kỷ XII, với hệ thống giao thông liên lạc hết sức khó khăn nhưng Thành Cát Tư Hãn đã tổ chức một hệ thống trạm dịch theo các trục lộ chính, sử dụng các kỵ sĩ cỡi thiên lý mã suốt đêm ngày gọi là “ mã  khoái” để đảm bảo  liên lạc xuyên suốt, đã góp phần lớn vào chiến thắng của quân Mông Cổ lúc bấy giờ.

Ở Việt Nam, Trần Nguyên Hãn trong thời kỳ chống giặc Minh đã sử dụng bồ câu liên lạc góp phần chiến thắng chống ngoại xâm của nhân dân ta. 
Tại Anh, tướng John Smith là người đầu tiên phát minh lối dùng lửa để truyền tin trong quân đội.

Những phương tiện thông tin trên dù sao cũng xem là chậm và đôi khi còn sai lạc .
Đến năm 1835, ông Morse khám phá ra một cách truyền tin mơí và có tính cách khoa học hơn, đó là phép truyền tin bằng mật mã Morse.
Samuel Finley Breese Morse (1791 - 1872) ,là con của một mục sư nổi tiếng. Thời niên thiếu Morse học tại Anh Quốc.
Năm 1832, Morse trở về Mỹ  sau khi được tuyển làm Giáo Sư Ðại Học  New York .Trên chuyến về Mỹ này, Morse đã đươc nghe những bàn luận sôi nổi về một phát minh mới thời đó, là nam-châm- điện (electromagnetics); và đây là ý tưởng để Morse thực hiện phát minh chiếc máy điện tín đầu tiên của mình trên thế  giới vào năm 1835 .
Tới đây, Morse bèn nghĩ làm cách nào để có thể chuyển “Thư Tín” bằng máy điện tín của mình, và Morse bắt đầu sáng tác cuốn “Từ Ðiển” chuyển các mẫu tự  ABC thành mật mã “chấm-gạch”.
Tới năm 1837, dưới sự trợ giúp của 2 người bạn thân, cùng là Giáo Sư, Leonard Gale và Alfred Vail, Morse hoàn chỉnh máy điên tín và hoàn tất cuốn “từ điển” mật mã “chấm-gạch”.
Năm 1843, được sự trợ giúp của Chính Phủ, Morse khởi sự công trình xây đường giây thép xuyên thành phố, từ Baltimore đến Washington DC
Tháng 5  năm 1844: Bản tin Morse đầu tiên trên thế giới được phát đi từ Washington đến Baltimore (khoảng 60 km) với nội dung lấy trong sách Phúc Âm là “What Hath God Wrought!” nghĩa  là  “Vinh danh những kỳ công của Thiên chúa”.
Mấy năm kế tiếp, máy Ðiện tín và mật mã của Morse ngày càng lan rộng, cho tới năm 1851, tại nước Mỹ, đã có trên 50 công ty điện tín. Tín hiệu Morse được truyền đi khắp thế giới được xem như một phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ 19. Trong một thời gian dài gần 2 thế kỷ, nó đã giúp cho biết bao nhiêu người ở những vị trí khác nhau trên thế giới liên lạc được với nhau .
Ngày nay, với sự phát triển cực kỳ nhanh chóng của KHKT đã hiện đại hóa việc liên lạc. Bây giờ, chúng ta có thể trò chuyện thoải mái hàng giờ bằng hệ thống điện thoại. 
Cao hơn nữa, trong những năm của thập kỷ 90 thế kỷ XX con người có thể cùng lúc liên lạc với nhiều người khác bằng hệ thống INTERNET toàn cầu. 
Đến năm 1998, trên thế giới đã tuyên bố chấm dứt thời kỳ liên lạc bằng Morse, mở ra thời kỳ liên lạc hiện đại bằng kỹ thuật số.
Tuy nhiên, trong trò chơi sinh hoạt tập thể của các đội nhóm hiện nay, chúng ta vẫn còn sử dụng tín hiệu Morse như một công cụ để phát triển trí tuệ, tập luyện sự nhạy bén và phản xạ nhanh. Nhưng lớn hơn hết, khi sử dụng tín hiệu Morse để giải mã, ta cũng trân trọng gìn giữ một di sản qúy báu của nhân loại. Nhờ vào đó mà cả thế giới đã đi một bước khá lớn trong công nghệ thông tin toàn cầu.

 

I-             Ký hiệu Morse


1. Bảng morse (đối xứng):




2. Quốc ngữ điện tín:
Trong tiếng Việt có đặc trưng là có dấu như: dấu sắc, huyền, hỏi, ngã và nặng và các chữ Â, Ă, Đ, ƯƠ.... cho nên ta cần phải tìm hiểu một số quy ước như sau:

* Dấu:Sắc là chữ S.
Huyền là chữ F.
Hỏi là chữ R.
Ngã là chữ X.
Nặng là chữ J.

* Một số chữ đặc biệt:AA = Â
AW = Ă
EE = Ê
DD = Đ
OO = Ô
OW = Ơ
UW = Ư
UOW = ƯƠ
3. Dấu hiệu trong sinh hoạt tập thể (Việt Nam):
- Bắt đầu phát : AAA hoặc NW
- Sai, phát lại : HH hoặc 8E
- Cấp cứu : SOS
- Hết bản tin : AR ( 3 lần )
- Chưa hiểu ( xin nhắc lại ) : IMI

Trong khi chúng ta truyền tin cho nhau từ những khoảng cách xa hay khi thời tiết xấu khiến cho việc nhận không rõ, do đó chúng ta xin ngắn bản tin. Do vậy ở đây xin được đề cập hệ thống nhận và phát tin của quốc tế.

* Dấu chấm câu:
- Chấm : AAA - Phẩy : MIM
- Gạch đầu dòng : THT – Dấu hỏi : IMI
- Dấu 2 chấm : OS – Gạch dưới : UNT
- Gạch phân số : DN – Mở đóng ngoặc : KK

* Dấu hiệu cầu cứu quốc tế:
SOS ( Chữ viết tắt của SAVE OUR SOULS)


DẤU HIỆU CẤP CỨU: SOS CHỈ DÙNG TRONG VIỆC KHẨN CẤP VÀ NHỮNG TRƯỜNG HỢP NGUY HIỂM. KHÔNG DÙNG ĐỂ ĐÙA GIỠN. KHI THỔI TÍN HIỆU NÀY NÊN THỔI NHANH DỒN DẬP, ĐỀU


* Một số ký hiệu thường dùng của thế giới:
- Bắt đầu : AAA
- Hết tin : AR
- Khẩn : DD
- Dấu hay chữ và đã hiểu : E
- Xin đợi : AS
- Truyền sai tin bỏ chữ đó : HH
- Chưa hiểu xin nhắc lại : IMI
- Sẵn sàng nhận : K
- Nhận không rõ nghĩa : SO
- Chữ hay dấu không hiểu : T
- Điện tín Télé Gramme : TG
- Đã hiểu bản tin của bạn : VE
- Tôi phải xin ngưng : XX
- Xin vui lòng phát chậm : VL
- Xin nhắc lại sau mỗi dấu : QR
- Xin nhắc lại toàn bộ bản tin : QT
- Xin để thêm ánh sáng : LL
- Xin bớt ánh sáng : PP
    II-  Hướng dẫn truyền tin bằng Morse:
- Cách phát tín hiệu bằng còi:
Còi Morse thường được chế tạo bằng kim loại (thau) hoặc bằng nhựa, chúng ta phải dùng môi ngặm kín miệng còi. Đầu lưỡi đè kín lỗ thổi.
Khi thổi âm thanh ngắn (TIC), chúng ta nhả lưỡi ra và đậy lại ngay. Động tác này xảy ra thật nhanh, làm cho người nghe thấy rõ một tiếng TIC thật đanh gọn.
Khi thổi âm thanh dài (TE), chúng ta nhả lưỡi ra một lúc và đậy lại sau khoảng ½ giây. Động tác này xảy ra thật thong thả, làm cho người nghe thấy rõ một tiếng TE dài hơn tiếng TIC.
                                             

 1- Các bước thực hiện phát một bản tin bằng tín hiệu Mosre:
        + Chuẩn bị: Một hồi te thật dài
        + Tín hiệu bắt đầu bản tin: Có một số tài liệu sử dụng nhiều chữ A để khởi đầu bản tin. Nhưng chính xác nhất là ta thổi 2 chữ NW khoảng mấy lần, như thế người dịch chỉ cần lấy giấy bút ra để chuẩn bị nhận tin.
        + Nội dung bản tin: Tùy theo trình độ người dịch mà thổi nhanh hoặc chậm. Với bậc 1 thì tốc độ khoảng 15 ký tự/1 phút. Thổi rành mạch từng ký tự, hết một chữ thì nghỉ một chút, hết một câu thì nghỉ lâu hơn một chút. Thường thì nên thổi 2 lần. Có đôi lúc cũng phải thổi lại đến lần thứ 3.
       + Hiệu chấm dứt bản tin: Thổi chữ AR mấy lần.
  2- Bên nhận tin:
          + Sơ đẳng thì nhận bằng kiểu chấm gạch (ban đầu, các điện tín viên của ông Morse cũng nhận tin bằng kiểu chấm gạch). Nhưng kiểu này sẽ làm tốc độ giải mã sẽ chậm lại nhiều, vì ta còn phải có thêm một thao tác tiếp theo là lấy bảng mẫu tự Morse ra dò từng chữ một. Cuối cùng mới có một bản tin hoàn chỉnh.
          + Trước đây khá lâu, có một người điện tín viên nghĩ ra một cách dịch tháp Morse, cách sử dụng tháp Morse như sau:

CÁCH SỬ DỤNG THÁP MORSE
* Nếu chữ khởi đầu bằng TE (-), ta sử dụng phần NỬA THÁP BÊN TRÁI. Theo đó:
- Nếu âm tiếp theo là TE (-), ta sẽ đi theo hướng ngang.
- Nếu âm tiếp theo là TIC (.), ta sẽ đi theo hướng lên.
Ví dụ: TE – TE – TIC – TE sẽ là NỬA THÁP TRÁI – NGANG – LÊN – NGANG: sẽ là chữ Q.
* Nếu chữ khởi đầu bằng TIC (.), ta sử dụng phần NỬA THÁP BÊN PHẢI. Theo đó:
- Nếu âm tiếp theo là TE (-), ta sẽ đi theo hướng ngang.
- Nếu âm tiếp theo là TIC (.), ta sẽ đi theo hướng lên.
Ví dụ:  TIC – TIC – TE – TIC sẽ là NỬA THÁP PHẢI – NGANG – LÊN – NGANG: sẽ là chữ F.


+ Hay dùng bảng Morse sau để dịch :

BẢNG MORSE
. Tic
_ Te
E
T
I
A
N
M
S
U
R
W
D
K
G
O
H
V
F

L

P
J
B
X
C
Y
Z
Q



Cách đọc:
. Khi bạn gặp 1 mã Tic (.), dò theo bảng bạn sẽ xuống 1 dòng và theo về bên trái
. Khi bạn gặp 1 mã Te (_), dò theo bảng bạn sẽ xuống 1 dòng và theo về bên phải
ví dụ:
. . . là chữ S
_ . _ _ là chữ Y
_ _ . là chữ G


III-     PHƯƠNG PHÁP HỌC :

Người học phải nắm vững bảng mẫu tự Morse và các quy ước truyền tin . để học mẫu tự Morse có rất nhiều cách tuỳ theo từng người mà có thể chọn các cách khác nhau như : tháp morse , các mẫu tự đối , phản , đảo…
        - Sau khi học bảng mosre thì bắt đầu học nhận tin: cách nhận tin trước đây thường là theo lối chấm, gạch ( ngay cả những người đầu tiên cũng nhận bản tin theo lối này ). Tuy nhiên khi nhận tin theo lối này sẽ làm cho tốc độ nhận tin giảm đi rất nhiều vì phải qua 3 công đoạn nhận dưới dạng chấm gạch , viết lại chữ rồi mới ghép bản tin, nhiều khi không chính xác . Vì vậy nên huấn luyện đoàn sinh ngay từ đầu nhận theo lối thổi chữ nào viết chữ đó. Ví dụ: thổi   . -   nhận ngay chữ A.
        - Cần phải luyện tập thật từ từ, học từng ít một , nắm vững chữ này rồi qua chữ khác, lưu ý các chữ khó nhớ, dễ nhầm lẫn.
        - Tập nhận các bản tin ngắn rồi nâng dần lên tới những bản tin dài cho quen khoảng 80 từ hay hơn (1 từ ít nhất 2 ký tự trở lên).
       - Hãy tập luyện liên tục, kiên trì

Song song với nhận tin là kỹ thuật truyền tin: để truyền tin bạn phải nắm rõ các mẫu tự, quy ước và phương pháp, tuỳ hoàn cảnh mà sử dụng cho thích hợp. Thông thường khi dùng còi bạn dùng đầu lưỡi bịt kín đầu còi, khi thổi nhả lưỡi ra theo từng nhịp. Nếu dùng đèn pin thì dùng loại có nút chớp tắt thường có trong loại đèn bằng hợp kim, tuy nhiên nếu như chỉ là một đèn pin bình thường chúng ta có thể mở đèn rồi dùng 1 vật chắn sáng để điều khiển theo nhịp.
          - Trước khi phát tin phải viết rõ bạch văn ra giấy rồi nhìn theo đó mà phát (nên viết dưới dạng quốc ngữ điện tín).
          - Khi tập phát tin nên phát từ, đều, tập thật quen rồi phát nhanh dần. Không nên vội vàng.
          - Tập cho tới khi nào việc phát tin trở thành thói quen.
          - Nên thử nhiều phương pháp để có thể dùng trong cách trường hợp khác nhau.

                                                                       (tổng hợp từ nhiều trang trên net)



TRUYỀN TIN BẰNG CỜ : SEMAPHORE



Sémaphore



Sémaphore là phương thức truyền tin dùng cờ hoặc bất cứ vật gì có thể nhìn thấy (mũ, nón, sách, vở…) được sắp xếp theo vị trí quy ước để người đứng xa có thể nhận biết dễ dàng. 
 Hệ thống này được ông Claude Chappez  người Pháp lập ra năm 1874 (có trước morse).


Sémaphore không có âm thanh như còi, khoảng cách lại xa hơn, tốc độ truyền tin nhanh hơn Morse và là phương tiện vẫn còn hữu hiệu trong thời đại khoa học ngày nay đặc biệt đối với ngành hàng hải và địa chất




                                                       
                                                                

1.Cách học Sémaphore :

- Có nhiều cách học Sémaphore nhưng tương đối dễ tiếp thu nhất, đó là cách đánh theo vòng.

- Mỗi mẫu tự Sémaphore được cấu tạo bằng cách đặt hai cờ theo một góc nào đó mà quốc tế đã quy định sẵn. Khi đánh cánh tay phải thẳng hàng với cờ.

- Các chữ được xếp theo vòng.
 

                          Vòng thứ 1 :   A .  B .  C .  D .  E .  F .  G
 


                           

                               

                            Vòng thứ 2 :     H .  I .  K .  L .  M .  N


       

                         Vòng thứ 3 :  O .  P .  Q .  R .  S 



                       
 Vòng thứ 4 :   T .  U .  Y .  Xóa chữ 


                   

                        Vòng thứ 5 : Báo số . J ( Báo chữ ) . V
 

                         

                               Vòng thứ 6 :  W .  X

                           



                                   Vòng thứ 7 : Z

                                 

Đối với trường hợp đánh số, ta báo số và đánh từ A => J để thay thế cho 1 => 0


Với bảng này ta có 2 phân tích dưới đây: 
          A. Đối nhau bên phải và trái (đối xứng theo trục đứng) 
1/ Những chữ dùng một tay đối nhau (bên phải và bên trái) gồm: 
A-G, B-F, C-E, D-Đ 
2/ Những chữ dùng 2 tay đối nhau (bên phải và bên trái) gồm: 
H-Z, I-X, O-W, J-P, K-V, L-BỎ CHỮ, M-S, T-SỐ THỨ TỰ. 
3/ Chữ đối đặc biệt : U-N 
4/ Chữ độc lập: R 
          B. Chữ xuất phát từ một vị trí gốc 
1/ Ở vị trí chữ A, ta có A, H, I, K, L, M, N 
2/ Ở vị trí chữ B, ta có B, H, O, P, Q, R, S 
3/ Ở vị trí chữ C, ta có C, I, O, T, U, Y, BỎ CHỮ 
4/ Ở vị trí chữ D, ta có D, J, K, P, T, V, SỐ THỨ TỰ 
5/ Ở vị trí chữ E, ta có E, L, Q, U, W, X, SỐ THỨ TỰ 
6/ Ở vị trí chữ F, ta có F, J, M, R, W, Y, Z 
7/ Ở vị trí chữ G, ta có G, N, S, V, X, Z, BỎ CHỮ 
            Các chữ xuất phát từ một gốc này thực chất là sự kết hợp chữ gốc và một chữ khác thí dụ như chữ H là kết hợp A + B hay như chữ N là A + G.



2. Cách đánh Sémaphore :

- Bắt đầu đánh bằng cách để cờ ngang thắt lưng và đánh 2 vòng số 8 nằm ngang cùng 1 lúc

- Khi đánh các bạn đánh liên tục không gián đoạn giữa các chữ cái , khi đánh xong một từ bạn bắt chụm cờ ngang thắt lưng và nghỉ khoảng 2 -3 giây và
60px Semaphore Ready.svg Truyền Tin Bằng Cờ – Semaphore *** GĐPT Đức Tâm   gdptductam.com
(Nghỉ / Cách khoảng )
- Khi lỡ tay đánh sai bản tin bạn làm như con bướm
60px Semaphore Error.svg Truyền Tin Bằng Cờ – Semaphore *** GĐPT Đức Tâm   gdptductam.com
ý để thông báo là mình đánh sai.
- Tiếp tục , nếu sai 1 chữ cái bạn đánh 3 chữ E liên tục sau đó đáng lại chữ cái vừa sai . Nếu bạn sai trầm trọng quá rồi thì đánh chữ ngược với L
60px Semaphore Cancel.svg Truyền Tin Bằng Cờ – Semaphore *** GĐPT Đức Tâm   gdptductam.com
để xóa toàn bộ nội dung bản tin vừa đánh
- Để thông báo mình sẽ dùng số trong bản tin , bạn đánh ngược với chữ T
60px Semaphore Numeric.svg Truyền Tin Bằng Cờ – Semaphore *** GĐPT Đức Tâm   gdptductam.com


- Khi hoàn thành bản tin bạn làm đánh 2 vòng số 8 nằm ngang như bắt đầu .
* Lưu ý’ :
- Vì mục đích quan trọng của Semaphore là truyền tin nên :
                  + Người phát tin: Khi đánh các chữ trong cùng một từ thì không cần hạ tay xuống, nhưng khi đánh xong 1 từ phải chụm tay lại phía trước . Tùy trình độ của người nhận mà người phát điều chỉnh tốc độ của mình lại
                  + Người nhận: vì mình lúc nào cũng trong thế bị động nên lúc nào cũng sẳn sàng và tập trung để nhận bản tin , bởi vậy ngoài bảng Semaphore phải học nằm lòng trên bạn cần trang bị thêm một số “mẹo” như sau :
- Dùng các nét gạch ( tốc kí ) để ghi lại ví trí tay của người phát hết 1 từ thì gạch 1 khoảng để báo hiệu .
- Chú ý thật kĩ các kí hiệu đặc biệt như : đánh số , sai 1 chữ , xóa bản tin. Đặt biệt là đánh số vì rất dễ nhầm với chữ T và U ( nếu tay người đánh không chuẫn ) . Bạn nên hoc thuộc luôn số thứ tự của chữ cái vì sau này còn sử dụng rất nhiều nhất là trong mật thư.   
                                                                                                               (sưu tầm)


CÁC LOẠI TRUYỀN TIN KHÁC



Trong sinh hoạt ta có thể sáng tạo vũ điệu truyền tin cho nhau bằng thân thể.
Xin giới thiệu để các bạn tham khảo và có thể sáng tạo tùy theo sinh hoạt tại đội nhóm của mình.
















Có thể nói cách truyền tin này được học tập từ những bộ lạc da đỏ Châu Mỹ mà hẳn các bạn đã được biết qua những câu chuyện về chàng cao bồi Lucky Luke ở miền Viễn Tây Hoa Kỳ       

               1 . Ban ngày dùng khói  :

- Ba cụm khói to liên tiếp nhau chầm chậm có nghĩa là Cứ tiếp tục.
- Một luồng khói bay lên không ngừng : Dừng lại.
- Những cụm khói nhỏ xen lẫn những cụm khói to nghĩa là Nguy hiểm.
* Làm thế nào để có khói?
Các bạn có thể đốt lửa như lửa trại thường. Khi ta thấy lửa cháy nhiều và đều thì bỏ thêm vào cỏ hay rơm ướt, lá ướt thì sẽ có khói tỏa nhiều. Muốn giữ khói, bạn hãy lấy một tấm mền nhúng nước thật ướt đậy lại. Muốn cụm khói to hay nhỏ thì ta tùy việc dở mền lâu hay mau.
- Theo cách thứ 1 : Cứ tiếp tục : giở cái mền ra đếm từ 1-2 giây, đậy lại đếm từ 1-6 giây như vậy 3 lần.
- Theo cách thứ 2 : Ngưng lại : Giở ra khoảng 6 giây.

                2 . Ban đêm dùng lửa :

- Đốt lửa như ở trên và bạn hãy cố gắng giữ cho cháy tốt. Một cái mền lớn do 2 người cầm che kín phía mình muốn truyền tin.
- Ánh sáng dài : độ 6 giây.
- Ánh sáng ngắn : độ 2 giây.

               3 . Các phương tiện tương tự :

- Ta có thể sử dụng các vật dụng khác như : đèn pin hay đèn bão để báo hiệu trong đêm, hoặc sử dụng tiếng trống dài ngắn…
                                                                    (theo hoihtnq2matthu.blogspot.com)



MẬT THƯ

MỰC "BÍ MẬT" KHI VIẾT MẬT THƯ



Mực “bí mật “

Người ta có thể sử dụng các loại mực chỉ hiện hình khi để gần hay hơ trên ngọn lửa, khi nhúng trong nước hay khi thoa 1 chất hóa học lên .

  1. Dựa trên tính háo nước của axit sulfuric đã pha loãng để làm mực bí mật. Lấy đũa thuỷ tinh chấm dung dich acid sulfuric loãng để viết lên giấy một bức thư ngắn, nét chữ sẽ không có màu. Giải mật thư  bằ ng cách hơ bức thư lên bếp than hoặc bàn là, nước ở nét chữ sẽ bay hơi làm cho acid sulfuric trở nên đậm đặc, nó sẽ chiếm nước của chất xenlulôzơ là thành phần chính của giấy và giải phóng Cacbon, làm cho nét chữ hoá đen .Nhờ tính chất tương tự, có thể thực hiện với các loại nước quả khác (nứơc chanh,cam….).Rượu trắng,  giấm, và nước táo (mọi loại đồ uống có tính axit, vị chua) đều có thể dùng để làm mực bí mật .

  1. Dùng nước cơm hay cháo loãng (hay bất kì một loại bột nào đem nấu thành hồ tinh bột loãng) viết lên giấy trắng sẽ được những nét chữ có màu trắng như màu trắng của giấy. Muốn phát hiện nét chữ ta dùng dung dịch cồn Iốt hay dung dịch Iốt tan trong nước thấm vào một tờ giấy thấm, giấy lọc hay mảnh vải rồi ấp lên tờ giấy có những chữ viết bằng mực bí mật. Xoa nhẹ tay lên tờ giấy thấm rồi mở tờ giấy thấm ra sẽ thấy những nét chữ màu xanh xuất hiện vì Iốt làm cho hồ tinh bột chuyển thành màu xanh. 

  1. Dùng dung dịch NaOH (hay KOH) loãng để viết lên tờ giấy trắng rồi dùng giấy thấm tẩm dung dịch phênolphtalêin ấp lên, nét chữ màu hồng sẽ xuất hiện. Cũng có thể dùng dung dịch phênolphtalêin làm mực viết rồi dùng dung dịch NaOH hoặc nước vôi trong để làm xuất hiện chữ. 

  1. Dùng dung dịch KSCN viết lên giấy trắng. Khi muốn có nét chữ xuất hiện ta dùng giấy thấm tẩm dung dịch muối sắt III ấp lên. Chữ sẽ xuất hiện có màu đỏ thắm do tạo ra chất Fe(SCN)3. 

  1. Dùng dung dịch Natri sulfua (hay Kali sulfua) để viết lên giấy. Áp giấy thấm tẩm dung dịch CdSO4 lên, chữ màu vàng xuất hiện vì tạo ra kết tủa PbS và CdS. 

  1. Lấy dung dịch muối sắt (II) có màu vàng nâu viết lên một tờ giấy vàng dòng chữ gì đó. Khi nét chữ khô đi sẽ không còn thấy gì nữa. Dùng nước chè đặc bôi lên mặt giấy, dòng chữ màu xanh đậm tự nhiên sẽ hiện rất rõ nét. Đó là do muối sắt (II) trên mặt chữ tác dụng với tananh trong nước chè thành một chất có màu xanh đậm. 

  1. Dùng dung dịch muối Coban màu hồng làm mực để viết lên giấy pơluya hồng sẽ không nhìn thấy nét chữ. Hơ bức thư lên bếp than nét chữ sẽ có màu xanh vì nhiệt làm mất nước làm cho muối Coban chuyển sang dạng khan. Bằng cách này ta có thể vẽ một bức chân dung lên giấy hồng bằng dung dịch muối Coban. Dùng bàn là nóng là lên tờ giấy, bức chân dung màu xanh sẽ xuất hiện.

  1. Nhà bác học Ý Giovanni Porta đã nghĩ ra một phương cách rất đặc biệt: ông chế ra một loại mực gồm alun (hợp chất nhôm và kali) pha với giấm rồi viết lên vỏ trứng luộc. Vì vỏ trứng xốp nên mực thấm vào trong và in lên tròng trắng trứng, người nhận chỉ việc lột vỏ trứng ra để đọc.        
  2. Ngoài ra , hiện nay trên thị trường đã có bán loại viết tàng hình là loại viết được nạp loại mực đặc biệt chỉ có thể nhìn thấy dưới tia UV.     Trên đầu viết có đèn LED phát tia UV để bạn có thể xem các chữ được viết bằng viết loại viết mực vô hình này.  (sưu tầm)                                   


MẬT THƯ TRONG TRÒ CHƠI LỚN


I.             MẬT THƯ 

A. KHÁI NIỆM: 
* Mật thư là một văn bản chứa đựng một thông tin hay mệnh lệnh đã được mã hóa để giữ bí mật nội dung. Và chỉ giải mã được bằng những quy ước đã quy định trước bởi người gởi và người nhận.
 
* Mật thư thường có 2 phần:
 
- Bản mật mã: Là những ký tự hoặc hình vẽ, thoạt đầu có vẽ rất khó hiểu. Sau khi nghiên cứu kỹ chìa khóa, ta sẽ tìm ra hướng giải bằng cách đối chiếu những dữ kiện mà chìa khoá đã gợi ý.
 
- Chìa khóa: một hình thức gợi ý cho người dịch tìm ra hướng giải mật thư. Chìa khóa có thể là một câu thơ hoặc một ký hiệu nào đó bằng hình vẽ. Ký hiệu của chìa khóa (key) là: OTT
 
* Sau khi giải mã xong, ta sẽ được một bản văn hoàn chỉnh, ta gọi đó là: bạch văn.
 
- Bạch văn: Là một văn bản hoàn chỉnh, tức là sau khi dịch xong, ta viết ra thành một bức thư bình thường mà ai cũng có thể đọc được.
 
* Có thể nói trong một mật thư thì hệ thống mã hóa là cái ổ khóa mà nhìn vào ta có thể thây được dễ dàng, còn khóa mới chính là cái chìa để mở, việc hiểu được khóa mới có thể cho ta 1 cái chìa vừa vặn để mở cái ổ đó.
 
* Trong các cuộc thi trò chơi lớn, muốn giải một mật thư đưa ra ta cần xem xét bản văn để tìm hiểu hệ thống mã hóa mà mật thư sử dụng, và xem xét khóa để giải.
 

B. CÁCH TẠO MẬT THƯ: 
Trong bất cứ trò chơi nào ở trại, mật thư luôn là điều lý thú vì nó mang nhiều tính bất ngờ, nhanh trí, sáng tạo, can đảm và đoàn kết.
 
Vì vậy mật thư trong trò chơi phải được thực hiện một cách có tính toán trước về mục đích, nội dung cũng như hình thức.
 
Người soạn mật thư phải tuân theo các điểm sau:
 
- Chủ đề: phải nắm vững chủ đề trại hoặc buổi chơi. Các trò chơi, nhất là Trò Chơi Lớn (TCL) phải xoay quanh chủ đề trại.
 
- Địa thế: Để lên phương án cho 1 TCL và để làm mật thư, phải thám sát đất trại, địa thế chơi và có thể phát họa sơ đồ tiến trình của TCL với các trạm, các điểm gài mật thư.
 
- Thực hiện: chọn một trong các dạng mật mã, đặt khóa trước rồi sau đó soạn theo khóa. Làm xong, đọc lại cẩn thận và dịch ra để dò lại xem có sai sót chỗ nào không. Mật thư được thực hiện bằng nhiều cách và trên nhiều vật liệu khác nhau như: lá cây, thân cây, giấy, đất, gạch,... nhưng phải luôn luôn đảm bảo được hình thức và nội dung của mật thư. Và luôn giữ bí mật nội dung mật thư đến phút cuối cùng.
 

C. GIẤU MẬT THƯ: 
- Dấu hiệu chỉ nơi có mật thư: phải luôn luôn cho dấu hiệu rõ ràng, chính xác, nhất là khoảng cách, phương hướng của mật thư.
 
- Giấu mật thư: dưới rất nhiều hình thức và nhiều vị trí để phát huy sự can đảm hoặc óc phán đoán, sáng tạo cũng như tính cảnh giác của người chơi. Như dấu trong nồi cơm đang nấu, trên chính áo quần của họ đang mặc, hoặc trong một đống phân bò, hoặc trong ổ kiến lửa,...
 
- Bảo quản mật thư: phải được bảo quản để không bị sai lệch vị trí cũng như bị rách nát.
 

D. TÌM MẬT THƯ: 
Bất cứ mật thư nào được cất giấu cũng phải có 1 dấu hiệu hướng dẫn. Dấu hiệu đó có thể bằng hình vẽ, có thể là một văn bản. Trước khi tìm mật thư, ta phải luôn bình tĩnh và đề cao cảnh giác, đọc kỹ ký hiệu, hướng mật thư và khoảng cách mật thư, rồi làm chính xác theo chỉ dẫn, đứng quan sát xem vị trí đó có gì khác thường, đặc biệt. Có thể có một viên sỏi trong đám cỏ, hoặc một nhúm cỏ bị vặt lá,... nhẹ nhàng tìm kiếm cẩn thận, đừng vội vã bới tung hoặc quần nát vị trí mật thư. Bởi vì mật thư không chỉ là một tờ giấy được giấu ở dưới mặt đất mà có thể là những lá cỏ xếp lại trên đất mà ta đã xóa, hoặc là một lá cây khô được để khơi khơi,...
 
Ta luôn nhớ: mật thư tìm bằng trí chứ không dùng bằng sức, phải lưu ý những dấu hiện khác thường, đặc biệt vì trong TCL tất cả đều đã được tính toán.
 

E. GIẢI MÃ MẬT THƯ 
- Phải hết sức bình tĩnh.
 
- Tự tin nhưng không được chủ quan.
 
- Nghiên cứu khóa giải thật kỹ.
 
- Đặt các giả thiết và lần lượt giải quyết.
 
- Đối với việc giải mật thư trong trò chơi lớn, ta nên sao y bản chính và chia thành nhiều nhóm nhỏ để dịch. Như thế, ta sẽ tận dụng được hết những chất xám trí tuệ ở trong đội. Tránh tình trạng xúm lại, chụm đầu vào tranh dành xem một tờ giấy để rồi kết quả không đi tới đâu, mà dễ làm rách tờ giấy mật thư của chúng ta nữa.
 
- Cuối cùng, nếu dịch xong, ta viết lại bản bạch văn cho thật rõ ràng, sạch sẽ và đầy đủ ý nghĩa.
 
* Tham khảo thêm: Phương pháp “mò” Mật thư.
 

F. NHỮNG GHI NHỚ ĐẦU TIÊN: 
* Bảng chữ cái Quốc tế: Bảng 26 ký tự
 
A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W Y Z
 
* Bảng chữ cái Việt Nam: Bảng 29 ký tự
 
a ă â b c d đ e ê g h i k l m n o ô ơ p q r s t u ư v x y
 
* Quốc ngữ điện tín:
 
1. Cách viết “dấu mũ”:
 
 = AA
 
Ô = OO
 
Đ = DD
 
Ê = EE
 
Ă = AW
 
Ơ = OW
 
Ư = UW
 
ƯƠ = UOW
 
2. Cách viết “dấu thanh”:
 
Dấu sắc: S (/)
 
Dấu huyền: F (\)
 
Dấu hỏi: R (?)
 
Dấu ngã: X (~)
 
Dấu nặng: J (.)
 
* Lưu ý: khi dùng chữ hoa hay chữ thường, hãy dùng cho phù hợp.
 
- Cách đặt dấu mũ: Thay thế trực tiếp.
 
- Cách đặt dấu thanh: Đặt sau mỗi từ.
 
Ví dụ:
 
Công cha như núi Thái Sơn,
 
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
 
Sẽ được viết là:
 
Coong cha nhuw nuis Thais Sown
 
Nghiax mej nhuw nuowcs trong nguoonf chayr ra
 
II.           MẬT THƯ ĐƯỢC CHIA THÀNH MỘT SỐ HỆ THỐNG CƠ BẢN: 

A. HỆ THỐNG THAY THẾ: 
Văn bản được mã hóa bằng cách thay thế bởi những chữ, số, kí hiệu riêng (bao gồm cả âm thanh, hình ảnh...) theo một hệ thống.
 

1. Thay thế bằng Morse: 
a. Chẵn lẻ:
 
Số lẻ = tich (o) Số chẵn = te (-)
 
(Chìa khóa = chẵn lẻ)
 
b. Âm nhạc:
 
Tùy vào chìa khóa, ta có thể biết được rằng nốt nhạc nào được ký hiệu là tich (o) và nốt nhạc nào được ký hiệu là te (-)
 
(có thể dựa theo nốt nhạc, cao độ, nốt đen - nốt trắng, nốt đơn - nốt móc,...)
 
c. Núi đồi:
 
Người ta ký hiệu như sau:
 
Tich = đồi (^) Te = núi (/\)
 
Theo đó ta cứ chuyển thành tín hiệu Morse và dịch bình thường.
 
d. Một hai:
 
Cũng như trên, người ta ký hiệu như sau:
 
Tich = 1, Te = 2, ngắt chữ = 0
 
(Chìa khóa = một ngắn hai dài)
 
Cũng có thể người ta sử dụng hai ký hiệu khác nhau để thay thế cho tich (o) và te (-) như hoa - lá, chữ in - chữ thường, trăng - sao, hoặc ký hiệu toán học như sau:
 
Tich = x, Te = y -> x2 = I, xy = A
 

2. Chữ thay chữ: 
Loại mật thư “Chữ thay chữ” sẽ thể hiện cho chúng ta thấy một bản tin toàn là những chữ khó hiểu. Từ đó, ta phải giải khóa để hiểu những chữ đó muốn nói gì. Ở đây, ta thử với loại chìa khóa A=b. Trước hết ta phải nhập bảng dưới đây:
 
Như vậy, người đố mật thư có thể thay đổi khóa. Thay vì A=b, thì ta có thể cho A= một chữ bất kỳ nào khác, hoặc ta không dùng A mà có thể dùng một chữ nào đó cũng được.
 
(khóa: A đi chăn dê -> A=D
 
Bò con bằng tuổi dê -> B=D
 
Kéo thang một nấc xê ra ngoài: H=C
 
Hãy ca hát cho vui: K=H
 
Rùa bị điện giật: Q=T,...)
 
Dạng trên là cơ bản nhất của chữ thay chữ, khi chạy TCL có thể có rất nhiều biến thể của dạng trên và biến thể của khóa...
 

3. Số thay chữ: 
Đây là dạng mật thư rất đơn giản. Ta chỉ cần viết ra 26 chữ cái, rồi sau đó, viết ngay dưới vị trí A là số 1, B là số 2... và Z là số 26. Sau đó dịch bình thường bằng cách: Cứ thấy số nào thì điền chữ tương ứng vào bên dưới.
 
Như vậy, người đố mật thư có thể thay đổi khóa. Thay vì A=1, thì ta có thể cho A=2, 3... hay một số bất kỳ nào khác, hoặc ta không dùng A mà có thể dùng một chữ nào đó = một số nào đó.
 
(khóa: Anh và em đều vào lớp một -> A=M=1
 
Em lên năm -> M=5
 
Bay hỏi ai là anh cả -> 7=A
 
Tình yêu không phai: 0=5 (five)
 
Giải phương trình tìm nghiệm x=...)
 

B.CÁCH SOẠN VÀ GIẢI MẬT THƯ: 
Muốn soạn và giải một loại mật thư chúng ta phải nắm kỹ các quy định về quốc ngữ điện tín, về dấu thanh, dấu mũ ... Đồng thời phải hiểu và thuộc các quy định trong khi soạn và giải mật thư.
 
Mỗi chủng loại mật thư đều có 3 phần như sau:
 

1/- Bản văn gốc:
 
Đây là nội dung thông tin chính của bản tin, cần phải soạn ra trước với nội dung ngắn gọn, đủ nghĩa để chuyển sang mật mã cho chính xác.
 
2/- Chìa khóa:
 
Là phương tiện dùng để giải mã, tìm ra nội dung của bản văn gốc, nên khi đặt chìa khóa cần phải mang tính chuẩn xác, rõ ràng, hợp lý đúng như những gì đã quy ước.
 
3/- Bản mật mã:
 
Là một bản tin được mã hóa từ nội dung của bản văn gốc để chuyển cho người nhận dưới dạng ký hiệu mật mã. 

III.          GIỚI THIỆU MỘT SỐ LOẠI MẬT THƯ THÔNG DỤNG: 

1/- Mật thư xé rác: loại mật thư này rất đơn giản, dễ sử dụng, chỉ cần viết lên tờ giấy sau đó cắt rời ra từng mảnh giao cho người nhận ráp lại 
VD:
 
(Đi tìm người có mang khăn đỏ trắng ở trán và ở bụng)
 
** Lưu ý: khi viết mật thư xé ráp phải viết theo dạng quốc ngữ điện tín.
 
2/- Mật thư đọc ngược: loại mật thư này cũng rất đơn giản, rất dễ sử dụng. Có rất nhiều dạng để viết ngược. 
* Dạng A: đọc từ bên phải qua
 
VD:
 
Chìa khóa: được ngọc (nghĩa là đọc ngược)
 
NW:
 
GNOODDSGNWOUHFEEVIDD/AR
 
(giải: đi về hướng đông)
 
* Dạng B: đọc từ dưới lên
 
VD:
 
Chìa khóa: được ngọc (nghĩa là đọc ngược)
 
* Dạng C: đọc từ bên phải qua
 
VD:
 
Chìa khóa: được ngọc (nghĩa là đọc ngược)
 
NW:
 
Đông hướng về đi/AR
 
(giải: đi về hướng đông)
 
Tất cả khóa của dạng mật thư này có thể gọi là “được ngọc”.
 
3/- Mật thư chuồng: loại mật thư này mẫu tự được thay thế bằng những khung chuồng. Mật thư chuồng có rất nhiều dạng khung khác nhau. Chúng ta thường bắt gặp dạng chuồng bò, chuồng bồ câu ... 
VD: dạng chuồng bò
 
NW:
 
(giải: đi về hướng nam)
 
Khi dấu chấm nằm ở phía nào của khung chuồng thì mẫu tự nằm ở phía đó. Mỗi khung chuồng đều có 2 mẫu tự, dấu chấm là dấu xác định cho ta biết đó là mẫu tự nào.
 
4/- Mật thư lượn sóng: đây là loại mật thư được quy định chữ lấy, chữ bỏ đi theo ký hiệu lượn sóng. Muốn soạn lại mật thư này người soạn phải soạn trước nội dung, cách soạn cũng rất đơn giản các mẫu tự của nội dung cùng lúc được đặt trên 2 hàng song song. 
VD:
 
Chìa khóa: Lên rừng xuống biển
 
NW:
 
(giải: di về hướng nam)
 
5/- Mật thư tọa độ: đây là loại mật thư viết ra bằng ký hiệu “tung – hoành”. Hai trục này xác định cho ta biết những mẫu tự nằm ở vị trí nào. Khi soạn phải vẽ bảng ký hiệu ra trước, sau đó mới thực hiện nội dung mật thư. Đây là loại mật thư tương đối khó, phải chú ý kỹ đến khóa giải loại mật thư này, cách xác định đi từ trục tung rồi mới nối vuông góc với trục hoành ở đó là mẫu tự của nội dung mật thư (số trục tung đặt trước, số trục hoành đặt sau). 
VD: lập bảng mẫu tự của mật thư tọa độ
 
Như vậy, chúng ta thấy thí dụ rồi rất dễ hiểu. Số 14: trục tung là 1, trục hoành là 4. Như vậy kết quả của số 14 là mẫu tự D, các số còn lại được viết tương tự theo quy định đó.
 
6/- Mật thư số thay chữ: Đây là một loại mật thư rất khó mà cũng rất dễ. Khó hay dễ do người soạn đặt khóa giải, vì khóa giải đặt không hợp lý hoặc quá phức tạp thì rất khó giải, có khi người nhận không giải được. Như vậy muốn giải một mật thư dưới dạng này phải lập ra bảng mẫu tự có những con số thứ tự được kèm theo bảng mẫu tự đó. Vậy khi soạn thảo mật thư này lấy những con số tương ứng với những mẫu tự trong nội dung mật thư mà mình cần soạn. Khi soạn xong nội dung ta phải cho một khóa giải hợp lý để người nhận suy nghĩ tìm ra ý nghĩa của chìa khóa để giải bảng mật mã tìm ra nội dung. 
VD: bảng tương ứng những mẫu tự:
 
Chúng ta hãy so sánh bảng mật mã với bảng mẫu tự trên, chúng ta sẽ thấy những con số tương ứng với nội dung đã giải ra.
 
Sau đây xin mời các bạn hãy giải mật thư số thay chữ dưới đây:
 
Chìa khóa: Nước Việt Nam là 1 (tức S = 1)
 
NW:
 
11, 16, 3, 11, 1/ 10, 9, 22, 18/ 2, 16, 9, 22, 16, 14/ 11, 23, 23, 22, 15/ AR
 

MẬT THƯ THÔNG THƯỜNG 

1) THÁNH GIÁ 
Bản tin:
 
------------------chúng
 
------------------điều
 
------------------huynh
 
------------------hết
 
luôn là phải thương + yêu luôn người nhớ
 
------------------lòng
 
------------------trưởng
 
------------------này
 
------------------ta
 
Chìa khóa: Nhớ làm dấu Thánh giá trước khi ăn cơm.
 
Cách giải: Làm dấu thánh giá như thường trên, dưới, trái, phải và dịch theo hướng đó từ ngoài vào trong.
 

2) CHỮ HOA: 
Bản tin: Hăng hái Say sưa và Phục tùng là Vụ án giết Mọi
 
--------Người và Là Lý Lẽ biện hộ cho cuộc Sống Của
 
--------Người lười biếng Thiếu niên hay phá phách
 
--------Nhi đồng thì ít hơn
 
Chìa khóa: Hái vài bông Hoa để tặng người mình thích.
 
Cách giải: Lấy các chữ viết hoa ghép lại, loại bỏ các chữ viết thường
 

3) PHÂN SỐ 
Bản tin: Tất cả cùng nhau ca tập hợp để điểm số vòng tròn giữa có tâm vui chơi và ăn bánh ca múa rồi ra về với một bọc bánh kẹo tâm hồn sẵn sàng nhận đơn sơ.
 
Chìa khoá: 2/3 (hoặc 2-3)
 
Cách giải: Phân số lấy tử số, bỏ mẫu số. Tức là lấy 2 chữ, bỏ 3 chữ cứ thế tiếp tục đến hết.
 

4) ĐỘI TRƯỞNG 
Bản tin: Đến gặp trại trưởng ở nhà
 
--------Nhà anh ở tận cuối làng
 
--------Thờ ông thờ bà kính tôn
 
--------Để cho anh ấy hướng dẫn
 
--------Dư cuộc họp mặt vui chơi
 
--------Lễ mừng kính bổn mạng anh
 
Chìa khóa: Tập hợp các Đội trưởng lại nghe lệnh.
 
Cách giải: Đội trưởng đứng đầu hàng. Do đó lấy các chữ đầu hàng ghép lại thành câu
 
ĐẦU – ĐUÔI
 
Bản tin: Tham lam đừng có đem
 
--------gia cảnh là một niềm
 
--------Sinh hoạt luôn tươi vui
 
--------hoạt động phải biết cho
 
--------là đem ích cho đời
 
Chìa khoá: Chặt đầu chặt đuôi đem đi nấu cháo
 
Cách giải: Lấy các chữ đầu hàng và các chữ cuối hàng của bản tin.
 

5) ĐỒNG HỒ 
Bản tin: Nhật gắng hy sinh chút
 
--------Chúa cố nhớ đi ít
 
--------mỗi và + dự thời
 
--------chơi đặng đều lễ giờ
 
--------vui hoạt sinh đến để
 
Chìa khóa: Đúng 12 giờ đồng hồ bắt đầu chạy
 
Hay: (ốc bò theo chiều kim đồng hồ)
 
Cách giải: Bắt đầu từ 12 giờ và chạy xoắn từ trong ra.
 

6) MẪU TỰ
 
Bản tin: Nộp hai vàng để trò kiến tìm cho bắt con quản
 
Chìa khóa: t b h c k v đ n ch q tr
 
Cách giải: Đối chiếu mẫu tự đầu với bản tin sẽ được bản tin yêu cầu
 
TAM GIÁC CÂN (CHIẾC KHĂN QUÀNG)
 
Bản tin:
 
------Tất cả hãy tập hợp vòng tròn
 
--Trong vòng trung tâm trước nhà xứ
 
---Ngoài sân cặp bên cạnh nhà chung
 
----Thờ để sinh hoạt vui chơi nhé
 
Chìa khóa: Tam giác cân từ hai cạnh bên bằng nhau
 
Hay: (kiểm soát kỹ chiếc khăn quàng trước khi quàng vào cổ).
 
Cách giải: Tam giác cân nằm trong mật thư do đó dịch từ đỉnh xuống, rồi tới lần lượt xen kẻ từng chữ của hai cạnh bên, rồi tới cạnh đáy.
 

7) BẢN ĐỒ
 
Bản tin:
 
Phía ở thờ nhà vào trung tập
 
Tầng trên lầu là phòng lớp học
 
Có một cung tên lấy bắn chim
 
Ở trong phòng thánh có nhiều người
 
Hãy bí mật đừng để họ biết
 
Rồi sau đó ra sau cầu tiêu
 
Cha lạy kinh mười đọc và nguyện
 
Chìa khóa: Bản đồ Việt Nam hình chữ S.
 
Cách giải: Chữ nằm trong bản tin. Do đó dịch theo chiều viết chữ S hay sẽ có bản tin yêu cầu.
 
Đơn giản đó, giải đi cả làng ơi
 
______________________________________
 
THAM KHẢO
I. PHƯƠNG PHÁP “MÒ” TRONG MẬT THƯ: 

Ngoài phương pháp giải mã theo chìa khóa thông thường, những nguyên tắc về tiếng Việt sau đây có thể giúp bạn đoán mò nội dung của bạch văn khi gặp hệ thống thay thế.
 
- Những phụ âm chỉ có thể đứng ở đầu từ: B, D, Đ, K, L, Q, S, V
 
- Những phụ âm có thể ở đầu hoặc ở cuối của từ: M, P, T
 
- Phụ âm có thể đứng ở đầu hoặc ở giữa của từ: R
 
- Những phụ âm có thể ở đầu, ở giữa, hoặc ở cuối của từ: C, G, H, N
 
- Những nguyên âm dài I, Y, E, Ê, O, Ơ, A, U, Ư có thể ở đầu, giữa, hoặc cuối của từ.
 
- Những nguyên âm ngắn Ă, Â không bao giờ ở cuối từ.
 
- Nếu B, D, Đ, H, L, M, R, S, V, X, Y, CH, GH, KH, NG, NGH, NH, PH, TH ở đầu của từ thì chắc chắn tiếp theo đó là nguyên âm.
 
- Nếu C, M, N, P, T, Y, CH, NG ở cuối của từ thì chắc chắn trước đó là nguyên âm.
 
- Dấu giọng luôn luôn đánh trên nguyên âm.
 
- Nếu G ở cuối của từ thì chắc chắn trước đó là N.
 
- Nếu H ở cuối của từ thì chắc chắn trước đó là C hoặc N.
 
- Nếu P ở đầu của từ thì chắc chắn sau nó là H.
 
- Nếu G là mẫu tự thứ hai của từ thì chắc chắn N là mẫu tự đầu của từ.
 
- Sau Q chắc chắn là U.
 
- Giữa U và E chắc chắn là Y,...
 
Để Mật thư được đơn giản hơn, ta chỉ thay thế một số mẫu tự bằng ký hiệu, có sử dụng dấu giọng và có phân cách các từ. Riêng các mẫu tự I, O, L nên dùng ký hiệu thay thế hoặc chép thật rõ ràng để khỏi gây nhầm lẫn với số 1, 0 và số I La Mã.
 
Ví dụ: *R5+ G K?I 8I+??5Ạ* 3?Ỉ 35’ AI 8Ắ) 3%M M%I -Ư%3 *Á3? 4%I *Ậ) *?Ể
 
Trước hết người soạn Mật thư phải đưa ra được những kết hợp giúp người giải có thể đoán ra một vài ký hiệu, thí dụ với từ đầu tiên của Mật thư trên đây và dấu hoa thị trước “R” là “T”, từ đó suy ra hai từ đầu là “TRONG KHI"
 
Người giải thay thế toàn bộ các ký hiệu vừa khám phá vào toàn bộ Mật thư (* = T, 5 = 0, + = N,? = H). Đến từ thứ 12: “* Á 3?” tất nhiên trở thành “TÁ3H”. Ký hiệu 3 chỉ có thể là “N” hoặc “C”. Nhưng nếu đem “C” ráp thử vào từ thứ 5 ("CHỈ") và thứ 6 ("CÓ") thì thấy rất phù hợp. Vậy 3 = C.
 
Bước đường còn lại không có gì là khó khăn nữa. Bản dịch cuối cùng sẽ là: TRONG KHI SINH HOẠT CHỈ CÓ AI SẮP CƠM MỚI ĐƯỢC TÁCH RỜI TẬP THỂ.
 
Một điểm cần lưu ý trong khi biên soạn là tính chất gợi ý của từ. Từ này có thể khiến ta nghĩ đến từ kia, nhất là trường hợp các từ ghép và cụm từ.
 
Thí dụ, sau khi giải được từ “TÁCH”, người đọc có thể nghĩ đến từ “RỜI”, vì thấy tổ hợp 4%I là một từ gồm 3 mẫu từ mà mẫu tự cuối là “I” và có dấu huyền. Cũng thế, sau khi giải được từ “HOẠT”, người đọc dễ nghĩ ngay đến từ “SINH” vì “SINH HOẠT” là một từ ghép có kết cấu vững chắc về nghĩa.
 

II. NGOÀI RA: 
- Thường muốn dịch mò mật thư người dịch nên nhìn vào cả Bản Văn (BV)... xem những con số hay chữ cái có mặt nhiều trên BV... nằm ở những vị trí khác nhau càng tốt... VD: có 1 đoạn BV sau: k,s,t,g,h - g,i,z -... ta thấy g đứng đầu được và đứng kế cuối cũng được chỉ có thể là: n, hoặc c (các chữ cái khác chỉ là hư cấu... BV này ko nên mò...)... thực ra là khả năng tiên đoán nội dung... tùy từng chủ đề TCL mà ta đoán phải làm gì... rồi mò theo... thế hay hơn....
 
- Quan sát xem có 2 chữ hay số đi liền kề mà giống nhau không: nếu đứng đầu thì chắc chắn là 2 chữ D, nếu đứng giữa thì chỉ có thể là 2 chữ O hoặc E...
 
- Tiếp theo, thường thì người ra MT ra theo kiểu mẫu tự 26 (vì 29 dễ mò hơn)... ta sẽ đối phó trường hợp này bằng cách tìm trong 1 từ nào mà có nhiều chữ cái, 5 hay 6 chữ cái càng tốt và đoán nội dung của nó... sau đó thế ngược trở lại và giải BV... những chữ có năm chữ cái thường là TRONG, HUONG, NGUOI... v.v... còn những chữ 6: TRUONG, NGUYEN...v.v...
 
Mật thư Napoleon
 
Napoleon cũng khó giống như Mật Mã Không tên. Tuy nhiên, cách viết thì lại khác. Thay vì người viết bản tin Napoleon theo hàng dọc hoặc hàng ngang. Người nhận bản tin sẽ sắp xếp mẫu tự theo Phân Số để giải.
 
Cách viết và bản tin gởi:
 
1. HEW AEZ YNT XSH DSU DOS (Người gởi bản tin)
 
(người nhận bản tin và giải) Phân Số
 
H A Y X D D 3/6
 
E E N S S O 3 => Trong chữ có 3 mẫu tự, được chia ra làm 3 hàng
 
W Z T H U S 6 => Trong bản tin có 6 nhóm, được chia ra làm 6 cột [PC1] [PC2]
 
Hayx ddens sowz thus => Hãy Ðến Sở Thú
 
2. HAYXDD EENSSO WZTHUS[PC3]
 
¯ ¯ ¯
 
H E W 6/3
 
A E Z 6 => Trong chữ có 6 mẫu tự, được chia ra làm 6 hàng
 
Y N T 3 => Trong bản tin có 3 nhóm, được chia ra làm 3 cột
 
X S H
 
D S U
 
D O S
 
Hayx ddens sowz thus => Hãy Ðến Sở Thú
 
* Mũi tên có thể chỉ theo hướng (Ðông Nam, Tây Nam, v.v.v.) tùy thuộc vào người đưa bản tin.
 
* Mật mã này rất là biến dạng, tùy thuộc vào người gởi bản tin
 
Soạn mật thư có phức tạp không?
 
Trong đời sống hàng ngày, ta thường trao đổi tin tức với nhau bằng nhiều cách: bằng lời nói, thư từ, dùng những kí hiệu, dấu hiệu... những tin tức đó nếu cần giữ bí mật thì ta bí mật trao đổi với nhau. Như vật, mật thư là một dạng trao đổi tin tức bí mật, nó được viết dưới dạng đặc biệt mà người ngoài cuộc khó có thể hiểu được. Hiện tại mật thư được chia làm 3 dạng: thay thế, dời chỗ, ẩn dấu.
 

A. Giải thích các từ chuyên môn: 
1. Nội dung một đoạn văn bản mà mình muốn truyền đạt gọi là bản tin.
 
2. Chuyển bản tin sang mật thư gọi là mã hóa
 
3. Dịch mật thư (sang văn bản) gọi là giải mã.
 
4. Khóa (khóa giải, chìa khóa) là quy định hướng dẫn cách giải mã và mã hóa.
 

B. Cách viết mật thư: 
1. Thứ tự khi viết mật thư:
 
- Bản tin cần trao đổi gọi là bản văn gốc.
 
- Chọn khóa.
 
- Mã hóa văn bản.
 
2. Một số yêu cầu khi mã hóa:
 
- Bản văn gốc phải ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa.
 
- Chọn khóa (dạng mật thư) tùy theo trình độ người chơi, đảm bảo tính vừa sức.
 
3. Cách giải mật thư (giải mã):
 
- Bình tỉnh, tự tin, sáng trí nghiên cứu khóa đối chiếu bưc mật thư để xác định dạng.
 
- Khóa giải phức tạp thì phải đặt ra nhiều giả thiết và thực hiện các cách ấy.
 
- Sau khi giải mã, phải ghi chép luôn bản văn chính thức.
 

                         (trích trong trang của Giáo xứ Vũ Hòa , Giáo Phận Phan Thiết)




NÚT DÂY

                            
                                NÚT DÂY

           Trong sinh hoạt thường ngày , trong hoạt động sản xuất , con người đã sáng tạo ra những cách thắt nút dây,  sợi để phục vụ cho các  hoạt động của mình . Các thủy thủ, các nhà thám hiểm , các nhà thể thao , leo núi , người cứu hộ … đều phải rành rẽ các loại nút thông dụng và chuyên biệt của  riêng ngành mình . . .
           Nút dây bắt nguồn từ chính cuộc sống nên nó rất phong phú . Người ta đã tổng kết có đến khoảng 4.000 nút các loại .  Nhưng thực tế , chúng ta nên biết  và thực hành thuần thục khoảng chừng vài chục nút buộc thông thường bằng sợi , bằng dây thừng , bằng lạt , mây …. là đủ .
         Biết và thực hành thuần thục có nghĩa là phải hiểu rõ công dụng của từng nút  , cũng như biết những ứng dụng của nút đó trong những hoàn cảnh khác ;
         Một nút dây được coi là hữu dụng cần phải có 3 đặc tính sau :
-       Có thể buộc thật nhanh
-       Tháo ra được một cách dễ dàng
-       Chắc chắn , nghĩa là nó có thể tin cậy được khi sử dụng trong trường hợp cần thiết .
         Thế cho nên , cùng với sự phát triển của xã hội , một bộ phận của nút dây đã không còn được sử dụng hoặc hạn chế sử dụng  do tính kém chuẩn mực của nó , số khác được nâng lên tầm  nghệ thuật do nét đẹp tinh tế của nó .
         Do tác dụng nhiều mặt  , nên bộ môn nút dây rất cần  được phổ biến , và học hỏi trong các sinh hoạt cộng đồng  :
-       học nút có thể phát triển sự khéo léo của đôi tay
-       giúp phát huy khả năng sáng tạo
-       bồi bổ khiếu thẩm mỹ của mỗi người
-       đào luyện khả năng tháo vát , ứng dụng trong các sinh hoạt hằng ngày
-       …..
          Thường người ta phân loại , sắp xếp các nút dây theo ứng dụng của nó . Thế nhưng ngay việc phân loại theo ứng dụng cũng hết sức khó khăn do mỗi nút dây có một công dụng nhưng lại có rất nhiều ứng dụng trong nhiều lãnh vực sản xuất , đời sống khác nhau . Như nút thợ dệt , có tên này do  người thợ dệt dùng nó để nối các sợi chỉ , hay nối những đầu dây không cùng kích thước , tuy vậy nó vẫn được ứng dụng  đan các loại lưới như lưới đánh cá ….
           Thế nên , người ta tạm phân loại các loại nút theo công dụng thực tế thành các nhóm như sau :
-       Các loại nút dùng để  NỐI
-       Các loại nút dùng để  BUỘC – TREO – KÉO
-       Các loại nút ĐẦU DÂY  :  BỆN, CHẦU DÂY , VẤN
-       Các loại nút để THÂU NGẮN dây
-       Các loại nút dùng để  CẤP CỨU – THOÁT HIỂM
-       Các loại nút cho THÁP , GHÉP
-       Các loại nút TRANG TRÍ – ĐAN
-       Các loại nút  KHÁC


I - MỘT SỐ NÚT DÂY TIÊU BIỂU

1)    NÚT CHỊU ĐƠN
a)    Tên khác : NÚT RUỒI

      Tên tiếng Anh  : Overhand Knot


b)    Thể loại :
-       Nhóm đầu dây
-       Nhóm  buộc,  treo
c)        Công dng:

§  Tạo một nút chặn chắn chắn trên thân dây
§  Dùng làm điểm tựa trên dây

d)    Ứng dụng

§  là nút căn bản của rất nhiều nút phức tạp
§  nút thắt để không cho đầu dây chui qua lỗ nhỏ (làm xích đu)
§  làm sợi dây kéo ở giếng nước…
§  thắt đầu dây để tránh xơ (tưa) dây
§  
e)     Biến th
§  nút chịu kép,
§  nút số 8
§  nút mỏ chim
§  nút thòng lọng
§  nút ngạnh trê (nối chỉ câu, ông câu)..

f)        Ghi chú:

§  Nút chịu đơn hay nút đơn có nơi còn gọi là nút ruồi là một gút cơ bản và cổ xưa nhất. Vì vậy nó cũng là nút phổ biến nhất  và có nhiều ứng dụng nhất. Ngay cả khi quên cách làm gút số 8 (hoặc thòng lọng) ở khoen  lều bạn cũng có thể dùng nút chịu đơn mà không phải đắn đo (tất nhiên không an toàn bằng).
§   Đừng bao giờ sử dụng nút chịu đơn nếu như bắt buộc sau này phải tháo nó ra. Có nhiều nút thay thế chịu đơn một cách tiện lợi, hiệu quả mà lại dễ tháo gỡ.

2- NÚT CHỊU KÉP
a)      Tên khác : NÚT THẦY TU
b)      Tên tiếng Anh :  Double Overhand  Knot

c)       Thể loại :
-       Trang trí
-       Buộc , treo
d)      Công dụng :
Công dụng giống nút chịu đơn nhưng  để lại nút to hơn , chắc chắn hơn .
Ngày xưa các thầy tu thường kết  nút này làm tràng hạt , vì thế nút chịu kép còn được gọi là NÚT THẦY TU  (Capucine)

e)     Ghi chú :

§  Gút mỏ chim (hay vành tai) là một gút chịu đơn được thắt bằng dây đôi (sử dụng 2 dây chập lại để thắt gút chịu đơn). Có người gọi gút mỏ chim là gút chịu kép điều này là một ngộ nhận về mặt ngôn ngữ. Trong tiếng Anh người ta phân biệt rất rõ ràng, gút mỏ chim (one-sided overhand bend) là một gút thuộc thể loại nối khác hoàn toàn với gút chịu kép là một gút thuộc thể loại đầu dây.

           3- NÚT SỐ 8 
    a) tên tiếng Anh :  figure-of-eight knot 
Giống như nút chịu đơn , nhưng do có xoắn thêm một vòng nên chắc chắn hơn .
Ứng dụng làm thang dây .

  
Nút dây này phát triển từ cách làm nút số 8 thông thường.
Công dụng: sử dụng là nút chặn dây khi leo núi.






            4- NÚT THỢ DỆT 
  a) Tên tiếng Anh : sheet bend , becket bend .


 b) Công dụng : Nút thợ dệt dùng để nối những đầu dây có tiết diện không bằng nhau
 c) Ứng dụng :  trong nối dây hay đan lưới
Ngoài ra để chắc chắn hơn ta có thể dùng nút thợ dệt kép bằng cách thêm một vòng dây



5- NÚT THUYỀN CHÀI 
 a) Tên khác NÚT QUAI CHÈO 
 b) Tên tiếng Anh : clove hitch
 c) thuộc nhóm buộc - treo
 

d) công dụng 
- sử dụng buộc , treo hoặc siết vật dụng 

- Cố định một đầu dây vào vật 
e ng dụng : 
-          Dùng cột đầu dây vào cọc hoặc thân cây
-          Dùng neo thuyền ở ven bờ sông
-          Dùng căng dây ở trụ lều
-          Bắt đầu và kết thúc các nút tháp để cố định dây

-           Đan băng ca  tải thương 

-          Đan dây trang trí 


f)Ghi chú: 
  • Tên gút Thuyền chài được xuất phát từ việc nó được ứng dụng thực tiễn, rộng rãi trong việc neo thuyền. Đặc biệt đối với các dây thừng kích thước lớn, dùng gút thuyền chài cực kỳ chắc chắn
  • Gút thuyền chài rất hữu dụng, chúng ta có thể để dàng thay đổi vị trí của gút trên dây và chiều dài 2 đầu dây, bằng cách xoay sợi dây xuôi theo chiều của gút
  • Ngoài ra, gút thuyền chài được ứng dụng rộng rãi trong buộc buộc hoặc khóa 1 vật, do đặc tính khi siết lại thì rất chặt, nhưng rất dể dàng khi tháo gỡ

6- NÚT GHẾ ĐƠN 
a) Tên khác : Còn gọi là NÚT THÒNG LỌNG KHÔNG XIẾT 
b) Tên tiếng Anh :  Bowline knot 
Đây là một nút dây khi tạo ra sẽ cho ta một vòng tròn cố định , thường dùng khi buộc dây thừng
quanh vào người hay vật mà không sợ vòng dây tuột và xiết chặt vào .


      c) Công dụng :
      - Làm một vòng tròn cố định ở đầu một sợi dây mà không sợ vòng dây bị chạy tuột lên hay xuống
      - Dùng để kéo người từ dưới thấp lên.
      - Ném cho người sắp chìm dưới nước để kéo họ vào.
      - Làm dây an toàn khi leo núi hay làm việc trên cao.

d)  Ghi chú: 
  • Nếu ta dùng nút thòng lọng dẽ gây đên chuyện dây thít vào con vật hoặc người dẫn đến nghẹt thở.... Nút dây càng chắc khỏe thì sẽ càng không bị thít vào hay bung ra.
  • Bạn nên tập thắt nút này chỉ bằng 1 tay vì khi chính bạn bị thương 1 tay bằng 1 tay còn lại bạn phải thắt được nút này để các bạn khác kéo mình lên.
  • Biến thể : Gút ghế đơn biến thể thành nhiều dạng tùy theo các ứng dụng khác nhau.
  • Thế ngồi trên gút Ghế đơn được biểu thị qua hình vẽ trên đây.
  • Để yên tâm hơn người ta đã làm ghế đơn đôi hay thắt thêm vòng chịu trên đầu ghế; hoặc 2 vòng để ngồi trên đùi 
Sau đây là cách làm nút ghế đơn bằng một tay 




  7- NÚT GHẾ KÉP 
          a) Tên tiếng Anh :  Bowline on a bight

Là một nút dây tạo ra một cặp vòng tròn cố định  ở khoảng giữa dây thừng . Lợi ích là hai vòng tròn không bị tuột và có thể tháo ra dễ dàng .


    b) ứng  dụng

Nút dây này có thể được dùng để tạo vòng bám chân (toe hold) ở giữa dây thừng. 
Làm vòng ghế an toàn trong cứu hộ, tiện lợi và dể chịu hơn nút ghế đơn. Mỗi vòng có thể dùng cho mỗi đùi chân và phần trên choàng qua ngực để giữ an toàn.




8- NÚT NỐI DÂY CÂU
a) Tên tiếng Anh : fisherman 's knot
Là một nút dây đặc dụng  dùng để nối hai sợi dây lại với nhau .Nó đơn giản là hai nút đơn, một nút đơn giữ quanh sợi dây bên phải và nút kia giữ quanh sợi dây bên trái. Xiết chặt lần lượt mỗi nút đơn. Sau đó kéo căng hai đầu sợi dây vừa được nối sao cho hai nút đơn chạy gần lại với nhau.


b) ứng dụng
 -  Dùng để nối hai đầu dây câu (dây cước ) , dây trơn láng .
     Nó đòi hỏi một chút khéo léo để thắt và vì vậy nó thường được dùng với các loại dây vật liệu chắc chắn. Khi được buộc xong, nó khá gọn và đầu mút dây ló dài ra ở ngay nút vừa thắt có thể được cắt gọn sát vào. Những tính chất này làm nó rất hữu dụng để nối dây câu. Nó cũng có thể dùng để nối hai sợi dây trơn láng, có tiết diện không bằng nhau hoặc bằng nhau
- Có thể ứng dụng làm kéo màn sân khấu .


NÚT NỐI DÂY CÂU ĐÔI

Giống như nút nối dây câu nhưng chắc hơn do vòng thêm một vòng

NÚT DÂY (tiếp theo)



             

  9- NÚT DẸT

  a) Tên tiếng Anh : Reef knot hay Square knot
  b) Tên khác : NÚT KÉP
 Là nút dây thông dụng để nối 2 đầu dây có tiết diện bằng nhau .
Nút này càng siết càng chắc nhưng khi tháo ra rất dễ dàng  .
 ) ứng dụng : dùng buộc hàng , buộc dây giầy ,là nút kết thúc dây băng cứu thương 


10- NÚT BÒ

 a) Tên tiếng Anh : Granny knot
Do thực hiện nút dẹt sai  ; khi làm xong  2 đầu dây chỉa ra  ngoài trông như sừng con bò .
b) ứng dụng : buộc , gói hàng , làm hàng rào kẽm gai .

 



11- NÚT DẸP

 a) Tên khác : NÚT CHỐNG TRỘM
 b) Tên tiếng Anh : Thief knot
 Nút này không chắc chắn bằng nút dẹt .
 Để ý sự khác biệt giữa 2 đầu dây ngắn trong nút  dẹt và nút chống trộm (nút dẹp)
- Có người nói  rằng các thủy thủ thường hay dùng nút chống trộm để buộc chặt tài sản của họ trong một cái túi . Nếu như một thủy thủ khác tháo túi này ra lục lọi bên trong thì có khả năng rất lớn là tên ăn trộm này sẽ theo thói quen buộc cái túi này lại bằng nút được sử dụng phổ biến hơn, đó là nút dẹt hay còn gọi là nút kép. Đây là bằng chứng có người đã lục lọi bên trong túi đồ . Và từ đó nút này có tên là nút chống trộm .





11- NÚT SƠN CA

 a) Tên tiếng Anh : Lark's head hitch  hay Cow hitch
 b) thể loại : dùng buộc treo
 c) công dụng : treo một vật lên xà ngang
d) ứng dụng :  làm xích đu, kéo treo bó củi .... , buộc dây thun , trang trí đan móc , hay làm lắc tay bằng dây
  

NÚT SƠN CA KÉP : nhằm làm cho nút chắc chắn hơn





12- NÚT GHẾ THỢ SƠN 

Người thợ sơn  phải thường xuyên đu bám  trên tường ,..... Do đó họ nghĩ ra một nút chắc chắn tương đương nút ghế đơn , ghế kép để ngồi lâu đỡ đau  . Nút ghế thợ sơn gần giống nút ghế đơn , ghế kép nhưng 2 vòng dây có thể thu ra thu vô được .
Thắt kiểu ghế thợ sơn cũng dễ tháo ra hơn .





13- NÚT THÁP THẲNG

- Tháp thẳng để nối dài hai cây lại với nhau .
- dùng trong làm thủ công trại , làm cầu , làm nhà ...

Ghi chú :
Bắt đầu và kết thúc  nút kết thẳng là nút thuyền chài .


14- NÚT THÁP CHỮ THẬP

Bắt đầu và kết thúc cũng bằng nút thuyền chài .


15- NÚT CHÂN CHÓ

a) Tên tiếng Anh :  Sheepshank
Là một loại nút dùng để rút ngắn một sợi dây thừng hoặc thâu gọn phần dây chùng .
b) Công dụng :
- Nút chân chó có thể dùng để làm ngắn dây lại và duy trì độ chắc chắn khi kéo giãn hay lấp một chỗ sờn trên dây.
- Nút này rất là tiện lợi nếu ta không muốn phải cắt dây ngắn lại.
- Nút chân chó có thể dùng để căng buộc tải trọng vào xe tải, toa xe kéo và các sử dụng khác cho thuyền buồm.





II- CÁCH LÀM MỘT SỐ NÚT DÂY TRANG TRÍ

1- NÚT KHINH KHÍ CẦU


 


2- NÚT BRAID


 



3-CHUỖI STICK


 



4-NÚT TRUNG QUỐC


 


5- NÚT CON CHUỒN CHUỒN


 


6- NÚT MAY MẮN - GOOD LUCK KNOT




7- NÚT BUỘC DAO HAY CHÌA KHÓA





8- NÚT VUÔNG

 


9- VÒNG ĐEO CỔ TAY














KỸ NĂNG SƠ CẤP CỨU


SƠ CẤP CỨU KHI ĐI CẮM TRẠI , DÃ NGOẠI 



           SƠ CỨU 
                                                                   
                         
           Những chuyến đi cắm trại, đi dã ngoại , chơi trò chơi lớn …. là những chuyến đi bổ ích , rất  thú vị . Thế nhưng khi thay đổi về nếp sinh hoạt thường ngày như thế , trong những trò chơi phải vận động mạnh ,…. cũng như  lúc phải  khám phá những môi trường mới ….. cũng chính là những cơ hội gây nên những rủi ro , những sự cố về sức khỏe .Những tai nạn , sự cố xảy ra bất ngờ đó có mức độ nguy hiểm có thể từ trung bình đến nguy kịch bắt buộc phải được xử lý đúng cách và kịp thời . Đó là sơ cứu để cứu sống nạn nhân và hạn chế những biến chứng sau này .
          Sơ cứu là điều  trị tạm thời nhưng rất quan trọng . Làm đúng cách nó sẽ giúp cho việc điều trị sau này được dễ dàng và hiệu quả ; Giúp nạn nhân bớt đau đớn , và tránh tật nguyền sau này . Nếu sơ cứu không đúng cách có thể làm tổn thương thêm cho nạn nhân .
         Sau đây là một số phương pháp sơ cứu cơ bản  cần làm trước khi chuyển đến trạm y tế hay bệnh viện .

1-    CẦM MÁU 

            Máu bị mất quá nhiều (do chảy máu trong và ngoài ) sẽ dẫn nạn nhân đến chóang ngất, hôn mê và chết .
            Nếu có thể , rửa tay bạn trước khi và sau khi sơ cứu chảy máu .
            Luôn bảo vệ bàn tay của bạn khi tiếp xúc với máu của nạn nhân bằng cách sử dụng găng tay y tế , túi ny lông , hoặc vải sạch , quần áo sạch trước khi bạn tiến hành sơ cứu .

a)    CÓ ÍT MÁU CHẢY RA TỪ VẾT THƯƠNG 

-       Rửa vết thương : nhẹ nhàng làm sạch vết thương bằng nước sạch và xà phòng
-       Nếu là vết thương cạn như trầy sướt da thì để hở cho khô . Cần thiết thì phủ ra ngoài một miếng gạc nhỏ .
-       Kiểm tra xem máu có còn chảy nữa không
-       Tìm những tổn thương khác .


b)    CÓ NHIỀU MÁU CHẢY RA TỪ VẾT THƯƠNG 

Ghi nhớ : Bảo vệ tay bạn trước khi tiếp xúc với máu
-       Dùng các ngón tay của bạn (đã được bảo vệ bằng găng tay …….) ép chặt lên vết thương ít nhất là mười phút để cầm máu .Giữ chặt cho đến khi máu ngừng chảy .
-       Để nạn nhân nằm xuống . Nếu vết thương ở tay hoặc chân , gác các tay hoặc chân lên cao hơn so với tim  đồng thời tay bạn vẫn ép chặt vết thương .
-       Phủ vết thương bằng một miếng gạc sạch rồi băng lại . Nếu cần bạn có thể xé vải hoặc áo để băng vết thương .
-       Tiếp tục kiểm tra xem máu còn chảy qua lớp vải băng không . Nếu máu còn chảy , đặt thêm một miếng gạc nữa và băng lại  . Không được tháo lớp băng lần đầu ra .
-       Nếu băng ở các chi , phải thường xuyên kiểm tra các ngón chân , ngón tay xem còn ấm không và nạn nhân cảm thấy bình thường không , nếu các ngón chân hay tay bị lạnh , phải nới lỏng băng để máu được lưu thông .
-       Nếu máu chảy không cầm được khi ấn chặt vào vết thương , hoặc nếu nạn nhân đang mất nhiều máu :
·         Cứ ấn chặt vào vết thương .
·         Giữ cho phần bị thương giơ cao lên , càng cao càng tốt .
·         Buộc ga rô tay hoặc chân  càng gần chỗ vết thương càng tốt . Xiết chặt vừa đủ để máu cầm lại . Buộc ga rô bằng một cái khăn gấp lại hoặc dây lưng rộng bản , đừng bao giờ dùng một sợi dây mảnh , dây thép ……
·         Chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế để được khâu vết thương và tie6m phòng uốn ván .
·         Cố gắng nâng cao các chi trong lúc vận chuyển .

Chú ý : 

Chỉ buộc ga rô ở chân hoặc tay  nếu máu chảy nhiều và ấn chặt trực tiếp vào vết thương  mà máu không thể cầm được . 

Ga-rô là biện pháp cầm máu tạm thời bằng dây cao su hoặc dây vải xoắn chặt vào đoạn chi, để làm ngừng lưu thông máu từ phía trên xuống phía dưới của chi. Việc thực hiện không đúng cách có thể làm cả đoạn chi bị hoại tử, phải cắt bỏ.

Khi xon cht mt dây ga-rô vào chi, các mch máu ln, nh và các cơ đu b đè ép. Mt ga-rô thc hin đúng yêu cu k thut s ct đt hoàn toàn s lưu thông ca máu t trên xung dưới và ngược li. Khi quyết đnh làm ga-rô, người làm cp cu cn ý thc được rng vic này có th dn ti ct ct phn chi  dưới garô, vì đon chi này s chết hoàn toàn nếu b thiếu máu nuôi quá 60-90 phút. Bi thế, khi làm ga-rô, bn cn nm vng 3 nguyên tc sau:
             1. Garô phi đt sát ngay phía trên vết thương và đ l ra ngoài. Tuyt đi không đ ng qun, tay áo hay vt gì khác che lp ga-rô, làm cho người vn chuyn và tuyến sau khó thy, có th b qua không x lý ưu tiên.
            2. Người b đt ga-rô phi được nhanh chóng chuyn v tuyến sau. Trên đường vn chuyn, c 1 gi phi ni ga-rô mt ln và không đ ga-rô lâu quá 3-4 gi. Vic ni ga-rô phi rt t t, va ni va theo dõi sc mt ca bnh nhân, tình hình chy máu  vết thương, mch và sc đon chi phía dưới. Khi ni ga-rô được khong 4-5 phút hoc thy bnh nhân biến sc, máu chy nhiu thì phi thít cht garô li ngay. Khi đt li ga-rô, không được buc ch cũ mà lên hoc xung mt ít.
          3. Phi chp hành trit đ nhng quy đnh v ga-rô: Ghi rõ ngày gi ga-rô, gini ga-rô ln mt, gi ni ga-rô ln hai, h tên bnh nhân. Cn có ký hiu bng di vi đcài vào túi áo trên bên trái (đó là ký hiu cho nhng bnh nhân cn chuyn nhanh và x trí khn cp).


c)   SƠ CỨU MỘT VẾT THƯƠNG CHẢY MÁU CÓ DỊ VẬT  :

Ghi nhớ : Bảo vệ tay bạn trước khi tiếp xúc với máu
-       Mang găng tay
-     Không rút dị vật ra khỏi vết thương
-       Kẹp chặt hai bờ vết thương quanh dị vật , nhưng không được ép lên vết thương.
-       Phủ nhẹ nhàng lên vết thương bằng gạc sạch hoặc quần áo .
-       Đặt gạc lót quanh dị vật và băng lại , không được băng lên trên dị vật cũng như lôi dị vật ra .
-       Nâng phần có tổn thương cao hơn ngực .
-       Thường xuyên kiểm tra các ngón tay , ngón chân xem còn nóng không .
-       Cấp tốc chuyển người bị thương tới cơ sở y tế .


2 -    BỊ BỎNG (PHỎNG)


        Bỏng do nhiều nguyên nhân: do nhiệt (bàn là nóng, bô xe máy, cháy nổ bình ga, hỏa hoạn, nước sôi, hơi nước nóng, ....) , do điện,  do hóa chất sinh hoạt, do  bức xạ...
        Khi bị bỏng, cần quan sát thật kỹ và tùy theo nguyên nhân mà xử trí. Nên lưu ý trong những trường hợp phức tạp, phải bình tĩnh xem xét một cách tổng quát để giúp đỡ nạn nhân tốt nhất và tránh việc mình trở thành nạn nhân. 
       Đảm bảo hiện trường an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân, đặc biệt khi nguyên nhân bỏng là do hóa chất, phóng xạ, cháy nổ...
       Sau đó tiến hành sơ cứu theo thứ tự ưu tiên. Nếu nạn nhân có vấn đề về đường thở, chấn thương cột sống, chảy máu cần phải tiến hành xử trí trước. Trường hợp nạn nhân còn tỉnh, cần nhanh chóng uống bù nước.
        Xử trí vết thương nhanh chóng, nhẹ nhàng tránh đau cho nạn nhân. Cách xử trí bỏng còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.
        Bỏng điện cũng vô cùng nguy hiểm, khi phát hiện phải dùng vật cách điện (bao tay, que, gậy khô) ngắt điện ngay, bị bỏng điện nhìn bên ngoài có thể là rất nhẹ nhưng nguy cơ thương tổn lại rất cao có thể ăn sâu bên trong lớp biểu bì và ảnh hưởng đến nhịp tim, gây nguy hiểm đến tính mạng.
        Những trường hợp bỏng do hóa chất, vôi... thì ngay lập tức cởi bỏ quần áo, đồ trang sức dính những chất này, dùng bàn chải hay chổi lông chà nhẹ cho hết sau đó xả nước lạnh, rồi bọc vùng bị bỏng bằng vải khô nhưng tránh không buộc chặt. 
        Nếu bị bỏng ở mắt do bắn hóa chất thì phải rửa mắt ngay, ngâm mắt trong nước khoảng 20 phút cho sạch hóa chất, sau đó dùng vải mỏng băng mắt lại và đưa đi cấp cứu.

      Bỏng do nhiệt là loại hay gặp nhất, chiếm từ 60 đến 75% các loại bỏng, nguyên nhân do lửa, nước sôi, tiếp xúc vật nóng. 
         Công tác sơ cứu cần tiến hành tuần tự các bước dưới đây:
         Bước 1: Loại bỏ nguyên nhân gây bỏng càng sớm càng tốt như dập lửa, cởi bỏ quần áo đang cháy hoặc ngấm nước sôi, tách nạn nhân khỏi vật nóng...
       Bước 2: Việc sử dụng nước sạch để làm mát vùng bỏng chỉ có giá trị trong khoảng 30 phút đầu sau khi bị bỏng nên cần nhanh chóng ngâm vùng cơ thể bị bỏng vào nước mát. Đây là biện pháp đơn giản nhưng khá quan trọng trong sơ cấp cứu bỏng ban đầu. Nếu không thể ngâm cơ thể vào nước mát, có thể dùng cách dội nước mát hoặc đắp khăn mát lên vùng bị bỏng, tiến hành khoảng 15 đến 20 phút. Nếu mùa đông cần giữ ấm các phần khác của cơ thể.
       Nếu da b phng rp, chúng ta không nên làm v bng nước, vì có th gây nhim trùng. Nếu ch phng đã b rách, chúng ta nên băng vết thương li. 
        Bước 3: Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để điều trị.
Lưu ý: 
        Da có xu hướng giữ nhiệt làm cho vết thương trở nên nặng nề hơn. Do đó nguyên tắc quan trọng trong xử trí bỏng là làm mát ngay vùng da bị bỏng.
         Không dùng nước quá lạnh hoặc đá chườm vào vết bỏng, không làm tổn thương các nốt phỏng vì có nguy cơ gây nhiễm trùng về sau, không bôi kem hoặc chất nhờn lên chỗ bỏng. Nếu bỏng mắt, không được dụi mắt. Không cần cố gắng lấy dị vật ra khỏi chỗ bỏng.
        Theo Viện Bỏng Quốc Gia 
         Bỏng được chia làm 3 cấp độ:

         Cấp độ 1: Vùng da đỏ, đau rát giống như bị cháy nắng, một vài hôm sẽ khỏi không để lại vết sẹo.
       Cấp độ 2: Cao hơn, xuất hiện những nốt phỏng như bong bóng nước, bên trong mọng nước, ở cấp độ này lại chia làm 2 mức:

- Mức 1: Là bỏng với diện tích nhỏ (một phần da) chỉ là những bong bóng nước nếu điều trị đúng cách sẽ không bị nhiễm trùng và không để lại sẹo, nếu bỏng ở mức này bị ở vùng mặt, háng, mông, nơi da gấp thì tốt nhất nên nhờ sự can thiệp của bác sĩ.

- Mức 2: Cũng có thể coi là bỏng nặng, dễ có biến chứng như: bệnh nhân bị choáng, nhiễm trùng máu và uốn ván, nếu nhiễm trùng kéo dài sẽ dẫn đến suy nhược toàn thân, để lại những biến chứng về hình dạng như: sẹo xấu, sẹo co rút làm biến dạng.

         Cấp độ 3: Nguy hiểm hơn, vết bỏng ngấm sâu vào trong, qua lớp da lan đến lớp cơ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, do đó, nhất thiết phải đưa đến bác sĩ chuyên khoa để cấp cứu kịp thời.

         Mức độ tổn thương của bỏng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào việc xử lý ban đầu, nếu xử lý sớm và đúng cách sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra cho người bệnh.
        Nếu phng nh,  ở cấp độ 1 , ch cn bôi mt lp vaseline và đp mt miếng gc là đủ, ở cấp độ 2 và 3 , sau khi sơ cứu , nên chuyển cấp tốc đến cơ sở y tế .

       Nhng sai lm khi sơ cu bng


      Khi bị bỏng, việc sơ cứu là rất cần thiết. Nhiều trường hợp do xử lý sai nên đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Chúng tôi xin giới thiệu một vài sai lầm người bị bỏng thường làm.

        Dùng kem đánh răng

       Nhiều người khi bị bỏng bôi kem đánh răng lên vết thương. Họ quan niệm kem đánh răng sẽ làm dịu vết thương. Song, thực chất kem đánh răng có chất kiềm nhẹ, khi bôi lên vết bỏng sẽ làm tăng đau đớn.
      Trong trường hợp bỏng axít, người ta dùng kem đánh răng để rửa và trung hoà axít còn dư lại. Khi bị bỏng axít, bạn phải hoà loãng nồng độ axít còn lại trên da bằng cách ngâm ngay vào nước lạnh. Sau đó, trung hoà axít còn dư trên da bằng xà phòng hoặc kem đánh răng, bằng cách xoa nhẹ xà phòng hoặc kem đánh răng cho sủi bọt và ngấm sâu vào da rồi rửa sạch.
     Đối với bỏng nước sôi, lửa, không được dùng những chất này vì nó chỉ làm tăng thêm sự đau đớn. Không nên dùng xà phòng, kem đánh răng như một thứ thuốc.

        Dùng mỡ trăn hoặc dầu cá

       Nhiều lọ mỡ trăn không được tiệt trùng nên hầu hết bị ôi thiu do nhiễm vi sinh vật. Do đó, vết bỏng bị nhiễm khuẩn rất nhanh. Còn dầu cá có mùi tanh, khi bôi lên sẽ bị hôi tanh và gọi ruồi đến.
      Thực ra mỡ trăn và dầu cá đều có thể chữa bỏng nhưng phải dùng đúng lúc. Chất Vitamin A trong dầu cá và mỡ trăn có tác dụng kích thích sự tái tạo tế bào biểu mô. Vì vậy, người ta thường sử dụng kết hợp với các thuốc khác tạo thành hợp chất có tác dụng như mỡ, kem.
     Thuốc chỉ định cho những trường hợp bị bỏng sâu, dùng vào tuần lễ thứ ba sau khi bỏng. Không dùng mỡ trăn và dầu cá vào việc sơ cứu.

       Bôi lòng đỏ trứng gà

      Lòng đỏ trứng gà là môi trường rất tốt cho vi khuẩn phát triển. Khi bôi lòng đỏ trứng, vết bỏng rất nhanh bị nhiễm khuẩn, có thể chuyển thành nhiễm nặng và nguy hiểm.
     Một số nơi còn dùng các biện pháp sơ cứu lạc hậu, nguy hiểm như bôi nước mắm, bôi tương, nước tiểu, vắt nước củ chuối, củ ráy lên vết thương.

     Tốt nhất khi bị bỏng, dù ở cấp độ nào , bạn cũng  nên ngâm ngay vết thương vào nước lạnh sạch, càng sớm càng tốt.


3- BỊ RẮN CẮN

       Tai nạn rắn cắn thường xảy ra bất ngờ, khiến nạn nhân và những người trong gia đình lúng túng, chậm trễ… nhiều khi không cứu nổi. Sau khi cắn người, con rắn thường chạy mất, nạn nhân không kịp nhận diện để biết là rắn lành hay rắn độc, nhất là trong đêm tối… Do vậy, khi không may bị rắn cắn, nạn nhân phải thật bình tĩnh, nhanh chóng làm các việc dưới đây:

        a) PHÂN BIỆT RẮN LÀNH HAY RẮN ĐỘC  :

        Cố gắng xác định sơ bộ xem đó là rắn lành hay rắn độc
      - Trước hết xem xét triệu chứng tại chỗ như: dấu răng, phù nề, màu sắc vùng da bị cắn...
        Nếu là rắn thường (rắn không độc) như trăn, rắn nước, rắn ri cá, rắn ri voi, rắn bông súng, rắn lục cườm... thì không có tuyến nọc và không có răng độc mà chỉ có răng hàm, nên khi cắn để lại vết cắn hình vòng cung, dấu răng đều nhau hoặc để lại răng trên vết cắn.
       Rắn độc: có răng độc (hay răng khóa). Rắn độc có hai tuyến nọc và hai răng độc, do đó khi cắn mổ từ trên xuống có hình chữ V hoặc hình chấm than song song và thường để lại hai dấu răng trên vết cắn.
       Rắn độc cắn thường có hai dấu răng nhưng đôi khi cũng chỉ có một dấu răng hoặc ba, bốn dấu răng. Do đó nên khám xét kỹ, tránh bỏ sót.

 

Trên: Vết cắn rắn độc     –     Dưới: vết cắn rắn không độc.


        - Thứ hai, dựa vào triệu chứng toàn thân. Rắn không độc cắn: phản ứng tại chỗ nhẹ, ít; phản ứng toàn thân không có. Rắn độc (rắn hổ, rắn lục): nạn nhân sẽ trào đờm, sụp mi, mờ mắt, miệng há không được, nuốt khó hoặc sưng nề, chảy máu tại chỗ, chảy máu
toàn thân, nôn ra máu...
         Nếu đúng là bị rắn độc cắn hoặc không xác định được chắc chắn là rắn lành hay rắn độc, cần ngồi yên, tuyệt đối không cử động phần cơ thể (chân, tay…) bị rắn cắn vì cử động sẽ làm cho chất độc lan nhanh trong cơ thể. Nếu bị cắn ở chân, nạn nhân không được đi, hay chạy.
         Đối với rắn độc người ta chia thành hai nhóm để sơ cứu :

        - nhóm làm rối loạn đông máu  : rắn lục, rắn chàm quạp....


          


Chỗ cắn đau buốt, sưng tấy, phù nề nhanh chóng, hoại tử lan dần xung quanh chỗ cắn về phía gốc chi. Truỵ tim mạch nếu có nọc độc nhiều, có thể phù phổi cấp tính, chảy máu các phủ tạng, liệt hô hấp, những ngày sau có tổn thương gan thận … 

       - nhóm  
rắn g
ây nhiễm độc thần kinh : rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia. hổ đất, hổ mèo, hổ chúa , rắn biển (đẻn ) .....
         Dấu hiệu tại chỗ không đáng kể, ít phù, ít đau nhưng sau 30 phút trở đi, mệt mỏi rã rời, liệt các chi, liệt hô hấp, hôn mê, có thể làm ngưng tim, những giờ sau dễ có rối loạn đông máu gây đông máu rải rác trong mạch. 


 


Mỗi loại rắn cắn tạo ra vết thương ngoài da và hệ quả khác nhau: rắn lục vết thương nhỏ. Rắn chàm quạp làm cho sưng, nổi bóng nước, xuất huyết trong bóng nước và lở loét. Rắn hổ đất vết cắn chỉ hơi sưng nhẹ nhưng bệnh nhân nhanh chóng bị ức chế thần kinh, suy hô hấp. Rắn hổ mèo cắn bệnh nhân rất đau nhức và chỗ cắn bị hoại tử.

           b) SƠ CỨU 

            - SƠ CỨU KHI BỊ NHÓM RẮN HỔ CẮN :

+ Bước 1: 

Băng ép (garô): phải nhanh chóng buộc garô (nơi nào có thể garô được) ở phía trên vết cắn 3-5cm. Mc đích là đ ngăn không cho máu đưa nc đc ca rn vtim.

Chú ý : ga-rô sao cho ngăn được máu tĩnh mạch chảy về tim nhưng không cản trở lưu thông máu động mạch, tức là vẫn bắt mạch được ở đoạn chi phía dưới.

 Người không kinh nghiệm thường sơ cứu sai ở chỗ thắt garo quá chặt dẫn đến hoại tử phần thiếu máu .

Garô bằng mọi thứ dây tự có tại chỗ như: dây thun, dây chuối, dây quai nón... Chú ý khi garô phải dùng dây bản to để giảm tổn thương nơi garô.
Tốt nhất là dùng băng chun giãn để băng ép  đủ chặt trên chỗ bị cắn .Băng ép từ trên vết thương xuống để hạn chế hấp thu nọc độc theo đường bạch huyết (ví dụ rắn cắn ở mắt cá thì băng ép từ cẳng chân xuống), nên để chi thấp hơn tim. 
Bước 2: 
Tẩy nọc bằng cách rửa sạch vết rắn cắn, bằng xà phòng và nước sạch. Sát khuẩn vết rạch bằng cồn 70o hoặc thuốc tím 0,1%, nước oxy già 12 thể tích, nước muối 9‰.
Bước 3: 
Dùng dao sạch (đã khử khuẩn bằng cách hơ trên ngọn lửa)  rạch rộng vết cắn hình chữ thập (+)tại vết răng nanh . Độ sâu qua da đến cơ chảy máu là được, rạch rộng dài khoảng 1-2cm. Trước khi rạch rộng phải sát trùng để tránh nhiễm trùng, tránh rạch đứt thần kinh, mạch máu và dây chằng.
+ Bước 4: 
Nặn máu ra hoặc dùng bầu giác hút máu tại chỗ rắn cắn  , rồi băng vết thương bằng gạc vô khuẩn.
Bước 5: 
Sơ cứu xong, cần bất động chi bị cắn bằng nẹp gỗ , chi bị cắn phải được tránh cử động tuyệt đối để không làm tăng sự hấp thụ nọc. Bất kỳ sự co cơ nào cũng làm tăng lan tỏa nọc.
Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế mà ở đó có điều kiện cấp cứu hồi sức.
        - SƠ CỨU KHI BỊ NHÓM RẮN LỤC CẮN :
          Việc cần làm là giải quyết vấn đề đau nhức, sưng nề, xuất huyết, tán huyết, hoại tử. Do đó không cần garô, rạch rộng, hút máu. Lý do là garô sẽ làm bệnh nhân dễ hoại tử hơn, rạch rộng sẽ làm chảy máu không cầm được. Chỉ cần băng ép, tẩy nọc và chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
         Nếu nạn nhân bị nhóm rắn hổ cắn thời gian bị cắn đến tử vong nhanh nhất khoảng 90 phút, còn các loài rắn khác chậm hơn. Do đó cần phải chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu hồi sức trước thời gian đó. Tránh đi loanh quanh ở những nơi không có điều kiện cấp cứu hồi sức và không có kháng huyết thanh đặc hiệu mà bỏ lỡ cơ hội cứu sống nạn nhân.

Lưu ý:

- Nếu vết cắn đã bị hoại tử hoặc rắn đã cắn nửa giờ thì không nên rạch da vì không có tác dụng.

- Nạn nhân và những người có mặt không được sờ vào miệng rắn cho dù rắn đã bị đánh chết hoặc đầu rắn đã bị chặt rời khỏi thân.

- Sơ cứu xong, cần bất động chi bị cắn, chuyển nạn nhân đi bệnh viện ngay. Nên chuyển nạn nhân bằng cáng, hoặc ô tô, không nên chở bằng xe đạp, xe máy nhất là khi nạn nhân có dấu hiệu bị sốc hoặc liệt phần chi bị rắn cắn.

- Theo dõi sát mạch, huyết áp, nhịp thở của nạn nhân. Chú ý phát hiện sớm các dấu hiệu suy hô hấp, truỵ tim mạch để có cách xử trí kịp thời. Nếu do rắn hổ (hổ mang, cạp nong, cạp nia…) cắn, sẽ có dấu hiệu viêm nhiễm rất sớm, thường chỉ sau 5 phút đến 1-2 giờ, nạn nhân thấy đau buốt tại chỗ, người mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, khó há miệng, sụp mi, giãn đồng tử, mạch nhanh, huyết áp tụt, rồi ngừng tim, ngừng thở và tử vong. Nếu do rắn lục cắn, nơi bị cắn sưng tấy nhanh, chỉ sau 6 giờ toàn chi bị cắn sẽ sưng to, tím tái, sau 12 giờ vết cắn bắt đầu hoại tử, nạn nhân bị truỵ tim mạch, viêm thận, suy thận cấp.
Nếu có thể nên mang theo con rắn đã cắn nạn nhân, giúp bác sĩ nhận diện được chủng loại rắn, nhưng chú ý có thể vẫn còn nọc độc làm ảnh hưởng đến nhiều người khác.

- Nếu bị rắn cắn sau 15-30' mà vết cắn không đau, không phù, chi bị cắn không tê bại thì không phải rắn độc cắn.


Mo xua rn và đề phòng rắn cắn 

(nếu bn cm tri ng li trong rng):

Đ hn chế rn cn bn không nên đi giày, tt có màu trng, hoc đ vì rn snhm tưởng là con mi ca chúng.


- Bn hãy dùng mui ăn rc xung quanh nơi bn cm tri, làm vy rn s không bén mng ti “thăm” bn na

Rắn thường kiếm mồi về đêm, ban ngày chúng thường ẩn nấp trong các hang hốc, hoặc treo mình trong bụi cây rậm rạp, ẩm thấp, tối tăm, do vậy:

- Khi cần đi qua những nơi này, nhớ đi ủng, hoặc mang theo gậy dài vừa đi vừa khua để xua đuổi rắn. 
- Không ngồi ở gò, đống, bờ bụi, gốc cây có nhiều hang hốc.
- Không nằm nghỉ dưới đất gần các bụi cây rậm rạp.


                                                                                 ( tổng hợp trên internet)




4- BỊ ONG CHÍCH 

         1- Sơ lược về ong 

          Nước ta có nhiều loại ong, các loại ong thường gây nhiễm độc là ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi.

         Ong mật còn gọi là o­ng khoái, to con , đốt đau, tổ thường ở các hốc cây, hốc đá, có thể bắt về nuôi được.
         Ong ruồi cũng  thuộc họ 
ong mật 
         Có 2 loài : một loài được gọi là ong ruồi bụng đỏ
 và một loài khác là ong ruồi bụng đen . Ong nhỏ con (bằng con ruồi trâu). Đàn ít con, nọc ít độc . Trong tự nhiên hay làm tổ trong hang hốc, bọng cây, bụi cỏ hay dưới cành cây to hoặc cũng ở trên cây dừa, sống hoang dại .

         Ong vò vẽ (bò vẽ), "ong mướp", "ô phong", "hùng phong", "tượng phong .
         Ong đất:  dân gian còn gọi là "ong bắp cày", "thổ phong", "mã phong" .
         Ong đất có 3 loại: Loại màu đen, đen vằn vàng và mầu vàng.  Loài ong này hay làm tổ dưới đất nên thường gọi là "ong đất" (thổ phong). Tuy nhiên, nó còn có thể làm tổ trong thân cây mục.
         Tại đất nước ta, ong đất sinh sống ở các  nơi có khí hậu ẩm ướt, thường làm tổ dưới những gốc cây, hốc đá, vách núi cao…
        Loại ong đất  đen vằn vàng cực độc .Các nhà khoa học cho rằng, 
một người dù khoẻ đến mấy cũng không thể chịu nổi 5 con ong đất đốt cùng một lúc. Đặc biệt, với một con trâu trưởng thành cũng chỉ có thể sống vài giờ khi bị 20 con ong đất đốt cùng một thời điểm.  

 
       Thông thường, ong đốt không gây nguy hiểm, nhưng nếu vết đốt nhiều hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ: bị dị ứng với nọc ong, bị sốc hoặc bị nhiễm độc… có thể nguy hiểm đến tính mạng.
        Không hiếm trường hợp do bị ong đốt không xử lý kịp thời và đúng cách dẫn đến nguy hiểm , nhất là với trẻ em và người có tuổi do sức đề kháng, chịu đựng kém, người có mẫn cảm với phấn hoa.
        Tùy theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều. Độc ít như  ong mật nhưng cũng có loại gây chết người chỉ với mươi vết chích như vong vò vẽ, ong đất, do đó tuyệt đối không được xem thường khi bị ong đốt vì người bị đốt khó phân biệt là mình bị loại ong nào đốt.
        Ong mật sau khi đốt không để lại kim chích .Ong mật thông thường chỉ chích được một  lần; sau đó mũi kim dính luôn vào da nạn nhân, con ong sẽ chết. Phần cây kim dính trên da cần thêm 2-3 phút nữa để hoàn thành nhiệm vụ bơm tất cả chất độc vào người nạn nhân. Đó là lý do vết ong chích thường nhức nhối rất lâu.       Ong vò vẽ , ong đất , ong tò vò không có móc ở đầu mũi kim ,  khi đốt không để lại ngòi (kim chích ) ở da  . Một con có thể chích nhiều nốt .

       2. Sơ cứu ong đốt:

        Khi bị ong đốt, nạn nhân tuyệt đối phải nhanh chóng sơ cấp cứu và đến cơ sở y tếgần nhất để thăm khám. Nạn nhân chỉ cần nhận dạng con ong đã đốt mình để cung cấp cho bác sĩ biết, tìm hướng điều trị hợp lý, không nên tự mình phán đoán rồi xem thường bệnh trạng mà dẫn đến những nguy cơ khó lường.

        Khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh, trước tiên cần che vùng đầu để không bị đốt, tiếp đến tìm cách dùng tay bới đất cát vung lên để xua đuổi chúng bay đi chỗ khác. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng bu lại tấn công.
       Người bị ong đốt tự làm hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác, nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng một trong những cách có thể như sau:
 
               a) khi  chỉ bị một , hai  nốt chích 


        * Nhanh chóng lấy kim chích ra 

          Nên nhớ là nọc độc càng để lâu càng thấm sâu vào máu và gây nhức nhối, khó chịu nhiều hơn. Vì thế, khi bị ong mật chích (vì chúng ta thường gặp loại ong này nhất), mũi kim dính vào da tiếp tục bơm chất độc trong vài phút. Vì thế, cần lấy kim ra càng nhanh càng tốt. Có thể dùng móng tay hoặc nhíp để gắp ra cũng có thể dùng cạnh sắc của miếng bìa, thẻ tín dụng, thẻ điện thoại,…để gạt và lấy ngòi ong ra. Đa số trường hợp thông thường, mũi kim cắm vào da không sâu lắm, chỉ cần dùng móng tay cào nhẹ theo chiều kim là có thể kéo ra.




        *  Sát trùng vết chích

        Ong cũng như ruồi, thường bay lang thang và đậu lại trên nhiều nơi. Không có gì bảo đảm rằng vi khuẩn gây bệnh sẽ không bám vào thân ong. Vì thế, sau khi lấy kim ra, hành động kế tiếp là sát trùng với cồn hoặc xà phòng và nước.

         * Xoa dịu vết chích

        Bây giờ thì bạn có thể làm việc mà bạn muốn làm là xoa dịu vết thương cho bớt nhức nhối hơn. Có nhiều cách:
·                                         -  Dùng aspirin: Lúc vết thương còn ướt (sau khi rửa hoặc sát trùng), nhúng nước một viên aspirin chà lên vết chích. Đây là một trong những phương pháp công hiệu nhất để làm giảm sự nhức nhối.
·                                         -  Dùng bột than: Bột này có bán tại các tiệm thuốc tây (gọi là activated charcoal capsule), có công dụng khử độc rất thần tốc. Đây là loại được dùng trong những phòng cấp cứu tại bệnh viện. Lấy một viên bột than, mở đôi viên thuốc và lấy bột ra. Có thể đổ thẳng lên vết chích nếu còn ướt, hoặc trộn với vài giọt nước cho sệt rồi đắp lên vết thương. Bạn có thể tìm mua bột than tại tiệm thuốc địa phương dưới dạng bột hoặc đóng thành viên bán trong chai.
·                                           -  Dùng chất amonia: Chất này là công thức chính yếu của thuốc bôi "After Bite" dùng xoa dịu vết nhức bán trên thị trường. Bạn mua nó hoặc để tiết kiệm, có thể dùng amonia nguyên chất bán trong các chai với mục đích lau chùi bàn ghế, nhà bếp..., thấm bông gòn bôi vào vết chích.
                 - Uống thuốc antihistamine hoặc chlorotrimeton
Hai loại thuốc này được bán tự do tại các tiệm thuốc tây, chuyên trị các triệu chứng của bệnh dị ứng (alergy). Công dụng chính của chúng là làm cho bớt sưng, bớt ngứa.
                - Cho bệnh nhân uống đủ nước. 
                - Gọi cấp cứu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất ngay nếu số lượng vết đốt nhiều (từ 10 nốt trở lên). 

                   b) Khi bị ong đốt nhiều. 


         Nhất là khi bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng (có thể gây tắc thở hoặc mù mắt). Bệnh nhân có biểu hiện khó chịu, ví dụ: 


- Đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt.
- Mẩn ngứa.
- Khó thở.
- Mệt nhiều.
- Đái ít.
- Vàng mắt, vàng da.

       Bệnh nhân khó thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng phương tiện hiện có. 
       Không tự dùng thuốc (dù là thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược), không cố tìm vôi, các thuốc khác ...... để bôi vì tốn thời gian, không tốt nếu vết cắn nhiều, vết đốt ở mặt, cổ, miệng.
      Mà khẩn cấp chở ngay nạn nhân đến cơ sở y tế để cứu chữa .

      3. Phòng tránh bị ong đốt:


Phát hiện tổ ong vò vẽ cao khoảng 7 m trong nhà  bỏ hoang



- Tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết. 
- Không kích động hoặc trêu ong, không làm tổn thương ong . Ngoài ra, khi bị ong đốt, đừng tìm cách đập chết chúng vì khi đập chết 1 con ong bò vẽ cạnh tổ cũng có thể tiết ra các chất kích thích  làm cả tổ ong bay ra đốt.

- Không để hoang nhà cửa, các tầng nhà hoặc phòng (ong dễ đến làm tổ).
- Phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình. Nên phá ngay khi tổ ong mới xây (còn nhỏ, thường tháng 3-4) ; vì  ong (ong bò vẽ ) là côn trùng sống xã hội nhưng nó phát triển mạnh vào các tháng 7 - 11, đến mùa đông các ong thợ bị chết đi chỉ có các ong chúa đã thụ tinh còn lại. Mỗi con sống trong một tổ nhỏ. Lúc này tiêu diệt 1 con tại tổ dễ dàng hơn tiêu diệt cả đàn vào mùa hè, mùa thu.
- Không nên coi ong vào nhà hoặc làm tổ trong nhà là báo hiệu điều tốt lành. 
- Khi đi vào rừng, đi dã ngoại , tránh mặc quần áo sáng màu, màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,… có mùi thơm và ngọt. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín nếu có thể. 
- Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không nhìn thấy nữa).
-
  Đừng chạy ra đồng trống khi bị tấn công: Khi bị một đàn ong tấn công, tốt nhất là nhảy xuống nước. Trường hợp chỉ có thể chọn giữa đồng trống và rừng rậm, nên chọn rừng rậm, vì ong có khuynh hướng tản lạc và mất dấu bạn khi vào rừng.
- Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có sẵn có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi (không làm nếu nguy cơ cháy rừng).
- Cách loại bỏ tổ ong: 
      * dùng khói (không làm nếu nguy cơ gây cháy), thông thường ong rất sợ khói. Nếu ong làm tổ trong nhà, gần nhà không nên dùng gậy chọc vào tổ mà nên hun khói cho ong bỏ đi.
      * bình xịt diệt côn trùng (ví dụ bình xịt muỗi) để xua ong đi hết. 
Sau đó dùng màn hoặc lưới mắt nhỏ để bọc tổ ong và gỡ đi (để tránh trường hợp ong còn trong tổ). 
Người làm mặc quần áo dày hoặc áo mưa (loại nhựa dày) và đầu đội mũ kín, đi găng. 

                       (tổng hợp từ skydoor.net , eboi.net và giaoduc.net.vn )






 




5- KHI BỊ CHUỘT RÚT (VỌP BẺ)


Vọp bẻ còn gọi là chuột rút. Vọp bẻ là một triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Biểu hiện của vọp bẻ là co cơ (cơ vân, có khi cả cơ trơn) gây đau đớn, rất khó chịu, xảy ra đột ngột mang tính chất cấp tính. Vọp bẻ sẽ làm hạn chế vận động hoặc ngừng vận động.
Vọp bẻ nhiều khi gây nguy hiểm đến tính mạng.

 


Có nhiều nguyên nhân  gây ”Chuột rút” hay “Vọp bẻ” là
-          thiếu ôxy cho cơ bắp hoặc
-          cơ thể thiếu nước và muối ăn.
-          Các rối loạn điện giải có thể gây ra chuột rút, đặc biệt là hạ canxi máu (thiếu canxi) hoặc hạ kali máu (thiếu kali) khi ra mồ hôi quá nhiều mà không được bù đắp, điều chỉnh kịp thời,  như  trong lao động nặng nhọc (thợ mỏ, thợ sửa chữa đường điện, công nhân bốc vác..); trong thể dục thể thao (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội...).  
-          Vọp bẻ cũng có thể gặp trong một số bệnh lý thuộc tĩnh mạch, điển hình là ở người giãn tĩnh mạch nông như giãn tĩnh mạch chân. Vọp bẻ xảy ra trong các trường hợp này là do hiện tượng ứ đọng máu trong lòng tĩnh mạch bởi sự giảm về chức năng và các van tĩnh mạch
-          Ngoài ra khi có “tháng”, chị em rất dễ bị chuột rút ở mức độ nhất định tại vùng bụng gây đau lan tỏa ra thắt lưng và đùi. 
-          Một số phụ nữ mang thai cũng hay bị chuột rút, nhiều khi vào ban đêm.

b)Vọp bẻ có nguy hiểm không?
                                                    
        Như phần trên đã giới thiệu vọp bẻ sẽ gây đau cơ cấp tính.
        Gần như các trường hợp vọp bẻ đều phải ngừng hoạt động và cần được chăm sóc ngay.
        Tuy vậy, không phải trường hợp vọp bẻ nào cũng được xử trí kịp thời.
        Nguy hiểm nhất của vọp bẻ là khi đang leo trèo (công nhân đường dây điện, thợ xây...); đang bơi lội, đang tắm ở sông, biển... nếu không được xử lý kịp thời thì rất nguy hiểm đến tính mạng.
        Ngay cả những vận động viên bơi lội cừ khôi cũng đều rất sợ bị chuột rút  .Cơn đau do chuột rút có thể làm giảm khả năng bơi lội. Nghiêm trọng hơn là bị chết đuối.


         Các nguy cơ hạ thân nhiệt, nhiễm lạnh, hạ đường huyết dẫn đến “chuột rút” thường xảy ra với những bạn ở trong nước lâu, hay xuống nước lúc trời mới sáng hay nhá nhem tối, hay bỏ bữa trước đó.
          Tuy nhiên cũng không nên xuống nước khi bụng căng đầy, vì hệ tuần hoàn buộc phải cáng đáng cả công việc của dạ dày nên không cung ứng đủ oxy cho các bắp cơ và giữ ấm cơ thể.
          Muốn phòng ngừa “chuột rút”, tất cả các giai đoạn của buổi đi bơi (khởi động, xuống nước, lên bờ) đều phải được thực hiện một cách khoa học.

                  1. Trước khi xuống nước:
           Chú ý uống đủ nước khi trời nắng nóng (nên pha ít muối, hay nhất là chuẩn bị sẵn ở nhà theo tỉ lệ: 1 muỗng cà phê muối/1 lít nước), càng cẩn thận nếu trước đó bạn nôn mửa quá hăng do say xe hay bị “tào tháo”tróc nã vì ăn uống không hợp phong thổ.

    Nhất thiết phải dành khoảng 30 phút để khởi động cơ thể:
§  Làm các động tác nhằm khởi động cơ bắp và các khớp. Có thể áp dụng các bài thể dục buổi sáng; nên tập hai lần với cường độ khác nhau.
§  Chạy cự ly ngắn (100 m) chậm – nhanh dần – chậm dần và trở về trạng thái cân bằng.
§  Tiếp tục khởi động các khớp theo thứ tự: khớp các đốt sống cổ, thắng lưng, khớp hông (háng), các khớp gối, cổ chân, ngón bàn chân, các khớp vai, khuỷu, cổ tay, các ngón tay. Thực hiện vận động vặn xoay vòng các khớp theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.

                 2. Khi xuống nước: 
        Sau một thời gian bơi , cơ thể đã tiêu hao nhiều năng lượng, cần được bù đắp phần năng lượng đã mất đi.
        Trên thực tế, khi người bơi thấy mỏi cơ, các động tác phối hợp rời rạc, không còn nhịp nhàng, báo hiệu cơ thể cần được nghỉ ngơi ,thì việc cố tiếp tục bơi sẽ dẫn đến hiện tượng chuột rút hoặc rét lạnh thứ phát.
       Khi cảm thấy mỏi cơ, người bơi cần giảm dần tốc độ, bơi vào gần bờ hoặc gần phương tiện cứu hộ, sau đó thả lỏng toàn thân trong tư thế nổi 3-5 phút rồi lên bờ.
       Trường hợp cảm thấy rét lạnh thì phải lên bờ ngay, tìm nơi kín gió hoặc có lửa để sưởi ấm; có thể uống một ít nước trà đường nóng.
                3. Khi lên bờ: 
       Cần nằm nghỉ ngơi, thư giãn cơ 10-15 phút ở nơi kín gió, sau đó tắm rửa lại bằng nước ấm trong phòng kín gió 5-10 phút. Lau khô người và mặc quần áo ấm ngay trong phòng. Chú ý lau khô tai, mũi, mắt; khi cần thiết có thể nhỏ thuốc. Nếu mệt, nên uống một cốc trà đường nóng.


1-    Khi đang bơi

            Bất cứ ở chỗ nông hay sâu, việc đầu tiên là phải báo cho người xung quanh biết nếu có thể.
·         Khi ở chỗ sâu, nếu cơ bụng bị chuột rút (rất nguy hiểm), phải bình tĩnh thả lỏng toàn thân trong tư thế dang rộng tay chân, từ từ hít sâu và dùng tay bấm các huyệt xung quanh (có thể bấm cả các huyệt bên chi đối xứng) và xoa nhẹ nhàng lên vùng chuột rút rồi nhờ người xung quanh hoặc bộ phận cứu hộ giúp đưa lên bờ. Trường hợp quá xa nơi cứu hộ hoặc có một mình thì khi thấy đỡ nhờ tự xử trí như trên, phải nhẹ nhàng bơi vào bờ.
·         Khi bị “chuột rút” ở các vùng cơ khác cần tìm cách lên bờ hay ít ra cố lết đến vùng nước nông, sau đó tự mình hay nhờ bạn bè giúp sức chữa chuột rút bằng các cách sau:
·         Chuột rút ở bắp chân (thường gặp nhất) hãy gắng nhỏm dậy duỗi thẳng chân, đứng bằng gót và ngón giúp cơ bắp vế giãn ra. Có thể gọi người giúp bằng cách nằm xuống giữ chân thẳng tối đa và nhờ ai đó đẩy mạnh các ngón bàn chân ngược về hướng đầu gối.
·         Chuột rút ở đùi, nên ngồi xuống, người giúp kéo chân nạn nhân ra thật thẳng, đồng thời nâng gót chân lên cùng lúc dùng tay kia ấn mạnh đầu gối xuống.

Nên nhớ, khi không có khả năng bơi vào bờ, bạn càng hoảng loạn quẫy đạp lung tung bạn càng chìm mau. Do vậy nếu sóng không lớn lắm hãy bình tĩnh thả ngửa cơ thể trên mặt nước chờ người đến cứu (hãy ôn lại kiến thức thả nổi đã học).
Nên nhớ, khi cần người cứu chỉ giơ một tay “la làng” còn một tay để đập nước nếu giơ cả hai tay lên thì bạn nhanh chóng chìm xuống dưới. Nên phòng xa bằng cách đội mũ bơi màu càng sặc sỡ càng tốt để mọi người  hay nhân viên cứu hộ có thể phát hiện bạn từ xa.  Nên chọn điểm bơi trong tầm mắt của các chòi cứu hộ, đương nhiên không gì tốt bằng có một chiếc phao bơi bên mình.
Sau cùng khi đã bị chuột rút, tốt nhất không nên xuống nước lần nữa mà hãy gắng đợi vào ngày hôm sau.
2-    Khi vận động, leo trèo, ở trên cạn

        Hiện tượng bị chuột rút ở người vận động viên sẽ chóng qua khỏi khi họ ngưng vận động và xoa bóp nhẹ ở chỗ cơ bắp bị co rút. 

        Để tránh bị chuột rút, trước khi tham gia cuộc chơi, nên có thời gian khởi động để tập các động tác từ nhẹ tới nặng. 

        Trong cuộc chơi, cứ nửa giờ lại nên uống nước có pha thêm một ít muối hoặc các loại nước giải khát có tác dụng tăng lực.
         Nghỉ ngơi: một khi đã xảy ra chuột rút bạn không nên cố chơi tiếp mà phải nghỉ ngơi hoàn toàn.
         Uống nước trái cây vắt sạch hoặc nước khoáng để cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể.
          Thực hiện việc căng cơ trong tầm vận động nhẹ nhàng, xoa bóp nhẹ nhàng nhóm cơ bị co rút.
           Việc căng cơ được thực hiện bằng cách căng từng nhóm cơ ví dụ chuột rút nhóm cơ vùng bắp chân bạn nên cho gập cổ chân về phía mặt lưng bàn chân từ từ. Tránh các động tác căng cơ đột ngột và quá sức sẽ gây co rút thêm cơ.
          Nếu không giảm sau 1 giờ nên gọi cấp cứu.


    

Khi đang bơi bị chuột rút rất nguy hiểm 



        Người bị chuột rút ở bắp chân vào ban đêm khi duỗi chân hoặc vươn mình có thể tự chữa bằng cách đứng thẳng lên, để chân trần tiếp xúc với sàn gạch mát hoặc kéo ngón chân cái ngược lên về phía mình.

 Xử trí chuột rút ở bắp chuối, nhè nhẹ vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn chân lên phía trần nhà, hướng về đầu gối.

      Phương pháp trị vọp bẻ cấp tốc rất hiệu nghiệm

       Vọp bẻ (còn gọi là bị chuột rút – Muscle Cramps) là do các sớ thịt li it trong cơ bắp (thường là bắp chân dưới hay còn gọi là bắp chuối) đan thắt lại với nhau mà không thư giãn trở lại trạng thái bình thường, nên cơ bắp bị phồng co cứng, rất đau, nhất là trong khi ngủ. 

1. Nếu bạn đang đi bỗng nhiên bị vọp bẻ bạn chỉ cần bước lùi (đi ngược) vài bước thì sẽ hết ngay.
2. Nếu bạn đang ngồi, không cần đứng dậy để đi lùi, bạn chỉ cần đặt chân chạm đất rồi nhẹ nhàng nhất chân di chuyển lui về sau vài ba bước (nếu vậy bạn từ từ duỗi chân Ra trước xa xa để có khoảng cách phía sau gót mà dời chân lui được nhiều bước hơn)
3. Nếu bạn đang nằm ngủ, bạn trở mình nằm ngữa, sau đó co chân lên và cũng dời gót chân lui vài bước hướng về mông (bạn co chân thế nào để có một khoảng cách khá xa giữa gót chân và mông mà khi bạn dời chân sẽ được nhiều bước hơn)
4. Nếu bạn đang bơi, thì cũng vậy, cố gắng làm Sao bước lui trong nước vài bước thì vọp bẻ sẽ hết.
                          

      Ngoài ra , có một mẹo ít được biết đến là khi bị chuột rút, hãy dùng ngón tay cái và ngón trỏ ấn và day vào huyệt nhân trung (chỗ lõm nằm giữa môi trên và mũi). Cứ như thế tác động liên tiếp khoảng từ 25 đến 30 giây sẽ hết cảm giác đau.
      Đây là phương pháp khá cổ điển nhưng phát huy tác dụng rất nhanh.

 (theo trang kynangviet.net và http://huongduongtxd.com )










     6- NGỘ ĐỘC THỨC ĂN 
       Ngộ độc thức ăn hay ngộ độc thực phẩm là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc, hoặc có chứa chất gây ngộ độc, hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia …
        Ngộ độc thức ăn đôi khi không chỉ xảy ra cho một cá nhân, có khi là cả một gia đình hoặc tập thể ăn cùng một loại thức ăn đó.
       a)    Cách nhận biết một người bị ngộ độc thức ăn

        Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày), người bệnh đột ngột có những triệu chứng:
-       buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu,
-       đau bụng
-       đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu),
-       có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38oC.
-       đôi khi ,  còn có thể có các triệu chứng thần kinh và toàn thân như nhức mỏi cơ thể, mê sảng, co giật...
         Ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các triệu chứng này thường nặng.
        Nếu nôn nhiều lần và đi ngoài nhiều lần, người bệnh sẽ dễ bị mất nước, mất chất điện giải dẫn đến bị trụy tim mạch và sốc. Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước, nhất là đối với những người nôn nhiều trên 5 lần và đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, miệng khô, môi khô, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý: người già hay bị nặng lại không kêu khát do tuổi cao bị mất cảm giác khát), mạch nhanh, thở nhanh sâu, mệt lả, hay co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.

      b)  Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

        Những  nguyên nhân chính gây ngộ độc hay gặp, đó là :
-       do hóa chất bảo quản thực phẩm (thuốc trừ sâu, hóa chất chống sâu mọt...), do hóa chất dùng trong trong chế biến thực phẩm (ví dụ phẩm màu trong các loại bánh, xôi, rượu...)
-       thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá, trứng, giàu đạm, rất dễ trở thành môi trường tốt cho các vi sinh vật, nhất là vi khuẩn gây bệnh phát triển, và khi đó thức ăn biến thành chất độc.
-       còn có thể là do thức ăn và nước uống bị nhiễm chất độc như: kim loại (asen, kẽm, chì...), các chất hữu cơ, các thuốc diệt côn trùng, vật hại (rau quả bị dính các hóa chất trừ sâu, chất bảo quản chống thối rữa).
-       Bên cạnh đó còn có các siêu vi khuẩn, độc tố của chúng tiết ra, các nấm độc có trong thực phẩm, các chất độc có tự nhiên trong rau, quả, thịt như: nấm độc, măng , lá ngón, cá nóc độc, cà độc dược, gan cóc, trứng cóc, vỏ sắn, mật cá trắm, nọc rắn, nọc ong...

       Một số đối tượng thực phẩm có nguy cơ cao gây ra ngộ độc:
·         Ăn thịt gỏi hay thịt chưa chín kỹ.
·         Ăn cá và hải sản (trainghêucuaghẹ) tươi sống hay chưa chín kỹ.
·         Ăn các món có trứng gà chưa hoàn toàn được nấu kỹ
·         Ăn các món gỏi
·         Ăn một số loại rau sống như cải bruxen, đậu.
·         Uống nước trái cây chưa được diệt khuẩn.
·         Sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn.

      c) Sơ cứu
       Sơ cứu khi phát hiện nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm theo nguyên tắc sau :
      * Hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể
      * Bù nước cho bệnh nhân
      * Không uống thuốc cầm tiêu chảy

      Thực hiện các bước sau : 
- Nếu bị ngộ độc thức ăn, phải ngừng  sử dụng ngay món đó.
- Khẩn trương gây nôn cho bệnh nhân, nôn càng nhiều càng tốt để đẩy hết thức ăn ra ngoài. Nếu  nạn nhân còn tỉnh táo cần làm cho chất độc lẫn trong thức ăn đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt, bằng cách dùng hai ngón tay để ngoáy họng hay dùng một thìa nhỏ hoặc tăm pon đưa vào gốc lưỡi (cẩn thận tránh làm xây sát miệng) để gây nôn. Khi bệnh nhân nôn, để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi.
Trong trường hợp nếu biết chất độc là dầu hỏa, xăng, hóa chất trừ sâu, thuốc chuột... thì không nên gây nôn vì gây nôn sẽ có thể làm bệnh nhân hít chất độc vào phổi hoặc lên cơn co giật khi đang nôn mà nhanh chóng cho nạn nhân uống than hoạt tính 20-30g nếu là người lớn, 5-10g đối với trẻ em. Cần cho bệnh nhân uống than hoạt tính để giữ các chất độc không cho thấm vào máu, tiếp đó dùng thuốc nhuận tràng Sorbitol để tống chất độc và than hoạt qua đường phân. Nên cho bệnh nhân uống nhiều nước để than hoạt dễ dàng đi ra ngoài.
- Sau khi gây nôn để người bệnh nằm nghỉ, sau đó hòa 1 lít nước với một gói orezol hoặc nếu không có sẵn gói orezol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước rồi cho người bệnh uống để bù và chống mất nước cho cơ thể.
Mặt khác, uống nước còn giúp trung hòa chất độc trong cơ thể người bệnh nhằm hạn chế tối đa những tác hại mà độc tố sẽ mang lại.
Đối với những trẻ từ 2 - 10 tuổi thì pha một gói orezol với 200ml nước rồi cho trẻ uống.
- Nếu bị co giật và ngừng thở, ngừng tim phải cấp cứu cho bệnh nhân bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim. Nếu bệnh nhân hôn mê, để bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên phòng chất nôn sặc vào phổi.
- Sau khi sơ cứu, phải khẩn trương đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện sớm nhất để được xử lý tiếp.
- Cần mang theo thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn.
Lưu ý đặc biệt :
Đối với các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, khi sơ cứu cần chú ý :
-       chỉ gây nôn khi bệnh nhân tỉnh và không gây nôn nếu bệnh nhân là trẻ em, vì trẻ rất dễ bị sặc.
-       Tuyệt đối không cho người bị ngộ độc thực phẩm dùng các thuốc chống tiêu chảy vì các thuốc này có thể làm chậm quá trình đào thải vi khuẩn, chất độc ra khỏi cơ thể.
Sau khi tiến hành sơ cứu tạm thời cho người bệnh, hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ rửa ruột và điều trị.


 d) Phòng ngộ độc thức ăn




Để phòng ngộ độc, mọi người cần có ý thức giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, trong chế biến và kinh doanh thực phẩm. Hãy thực hiện tốt 8 điều sau:
- Nên tìm hiểu kỹ những cây rau, các loại nấm, cá để phân biệt được loại không độc và loại độc. Tuyệt đối không ăn những thức ăn lạ.
- Thực phẩm dùng để làm thức ăn phải được chọn lựa cẩn thận, phải tươi, không dập nát. Không ăn cá ươn, không hái nấm ở dọc đường hay trong rừng để ăn.
- Chuẩn bị thức ăn kỹ càng: nấu chín, đun sôi, bỏ những phần nghi là gây độc (bỏ vỏ sắn và ngâm nước trước khi luộc; bỏ da, đầu, ruột, mật cá trước khi nấu...).
- Giữ sạch bát, đĩa, xoong nồi đựng thức ăn. Thức ăn nấu chín nên ăn ngay. Thức ăn không ăn hết cần đun lại rồi mới cất giữ trong tủ lạnh. Khi ăn lại vẫn phải đem đun sôi rồi mới ăn.
- Diệt ruồi, gián, chuột... Tuyệt đối không để chúng tiếp xúc với thức ăn.
- Quả, rau sống phải rửa sạch, ngâm và gọt vỏ rồi mới ăn.
- Không uống mật cá trắm, trôi, chép với mục đích chữa bệnh. Tuyệt đối không ăn cá nóc. Không uống bia rượu nấu lậu.</div>
- Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn hay khi chuẩn bị chế biến thức ăn.


Không được hái ăn những nấm mọc dại trong rừng
(đặc biệt là những nấm có mũ nấm mầu sắc lòe loẹt)




7- VƯỚNG LÔNG MẮT MÈO

       Trong những lần cắm trại, xuất du, tham dự trò chơi lớn. . . chúng ta có thể bị vướng mắt mèo, cho nên chúng ta phải cố gắng nhận diện hình dáng loại cây này để biết mà tránh.
      “ Dây “  mắt mèo mọc hoang ở khắp các vùng đất hoang, đồi núi, thường bò lan trên mặt đất hoặc leo lên các lùm cây hai bên rạch nước hoặc ven rừng. . Để ý thấy dây mắt mèo thường mọc ở đất hoang, rừng chồi, tráng cỏ, rừng thưa, rừng tái sinh. . . Không mọc ở rừng rậm.        Mắt mèo là tên gọi phổ thông của cây đậu mèo ngứa. 
        Các tên khác là đậu mèo rừng, móc mèo, đậu ngứa. 
        Tên khoa học là Mucuna pruriens, thuộc họ Đậu.

        Mắt mèo là dây leo sống hàng năm. Thân , lá , trái , đều có lông tơ  gây ngứa .
        Thân khía dọc mang nhiều lông màu hung.
        Lá có 3 lá chét hình trái xoan quả trám, mặt trên ít lông, mặt dưới có nhiều lông trắng mềm; các lá chét bên mất cân xứng, lá kèm sớm rụng.
       Cụm hoa ở nách lá, hình chùm thõng xuống, dài tới 50cm, mang nhiều hoa và có nhiều lông ngứa. Hoa màu tím sẫm dài 5cm.
      Quả hơi cong hình chữ S, dài 5-8cm, rộng 1,2cm; dẹt, không có nếp gấp, phủ đầy lông tơ màu hung vàng , loại lông này rất ngứa . Có 5-6 hạt trong quả , quả hình trứng, màu hạt dẻ.  

      Cây mắt mèo được xếp vào loại cây độc do trong hạt chứa các chất levodopa serotonin, nicotine, bufotenine và một số chất khác, có tác dụng gây ảo giác. Nhưng được biết nhiều hơn do lớp lông bao phủ bên ngoài trái và hạt là lông ngứa, chứa chất mucunain và serotonin nổi tiếng gây ngứa da.
      Trẻ em chơi hái hay vô tình sờ chạm phải quả mắt mèo, hay do sự phát tán trong không khí, lông bay chạm vào da cũng gây ngứa ngáy dữ dội, da bị sưng rộp. Trẻ càng gãi càng ngứa nhiều hơn.

      Khi bạn bị dính lông của trái mắt mèo già (màu nâu đen) hoặc ở dưới gió bị gió thổi bay đến, thì rất ngứa ngáy khó chịu, càng gãi càng ngứa.
      Nếu lông dây mắ t mèo  dính vào mắt có thể bị mù tạm thời   .
      Nếu bị vướng mắt mèo thì bạn đừng gãi mà hãy:

        *  Dùng rơm, cỏ khô, giấy. . . đốt thành lửa ngọn rồi hơ phớt mặt da cho lông mắt mèo bị cháy đi thì đỡ ngứa.

       * Nắm cơm (cơm nếp càng tốt) thành vắt, lăn trên chỗ ngứa cho lông mắt mèo dính theo.

       *  Dùng băng keo  to bản áp vào nơi ngứa rồi lột ra , 
lông mắt mèo sẽ dính theo băng keo ra khỏi da .
       *  Tắm bằng nước nóng cũng rất hiệu quả để bớt ngứa do lông cây mắt mèo .

Ghi chú:

          Có nhiều loài được gọi là mắt mèo , hay móc mèo nhưng ít  ngứa ví dụ như loài Mắt mèo (Mai dương ) có tên khoa học là  Mimosa pigra  L. 
        Còn có tên gọi khác là : Mai dương, Trinh nữ thân gổ, Trinh nữ nâu, Trinh nữ đầm lầy , Cây ngưu ma vương, Cây trinh nữ nhọn, Cây mắc cỡ Mỹ , cây qủy …..

         Nó  có nguồn gốc xuất xứ từ vùng Trung và Nam Mỹ .
        Lá cây giống lá cây mắc cỡ nhưng to hơn, khi đụng vào thì xếp lại. Trên cây có rất nhiều gai nhọn. Khi trưởng thành, cây có thể cao hơn 2 m, trái màu vàng mọc thành chùm, hình trái dài và dẹp gần giống trái bồ kết.
        Cây mắt mèo  mai dương (đúng ra phải gọi là MÓC MÈO , vì thân , lá nó có quá nhiều móc gai này là cây bụi, thân gổ sống đa niên . Nó  cao trung bình từ 1,5- 2,5 m, thân hóa gổ có đường kính từ 1-3 cm, có rất nhiều nhánh. Thân và lá cây có nhiều gai cứng dẫn từ gốc đến ngọn.
          Nó mọc tới đâu thì đất hoang tới đó. Loại cây này phát tán cực nhanh .
Đây là loài thực vật nhập nội xâm hại ở hầu khắp các vùng ngập nước ở Việt Nam, ... loài này là thảm hoạ môi trường sinh thái .
        Theo điều tra sơ bộ của ngành BVTV (2006), tại vườn Quốc Gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) vào năm 1984 chỉ có vài buội Móc  mèo Mai dương trong vườn, đến năm 2008 loài cây này đã xâm nhập trên toàn bộ 5 khu với diện tích nhiểm trên 3.000 ha với mật độ hàng chục ngàn cây/ha. Vùng ven lòng Hồ Trị An nhiểm trên 700 ha. Vùng ven lòng hồ Thác Bà-Yên Bái nhiểm trên 1.000 ha phân bố trên 25 xã. Vùng ven lòng hồ Hoà Bình nhiểm trên 2.000 ha. .....
         Nguyên một tỉnh Thừa Thiên , Huế phải huy động cả ngàn người để diệt và phát động phong trào diệt trừ cây Mai dương , móc  mèo gần đây .
       Đúng là một thảm họa .


Những bụi cây Mai dương (cũng gọi là móc  mèo )
ở huyện Hương Thủy ,Thừa Thiên Huế .




 



8- CHẢY MÁU CAM 


       Chảy máu cam là tình trạng xuất huyết ở mũi, đây không phải là hiện tượng hiếm gặp ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Hiện tượng này gây ra rất nhiều khó chụi, thậm chí còn gây ra hoảng sợ, tuy nhiên chảy máu cam ở trẻ không phải là tình huống trầm trọng cần cấp cứu nhưng bạn cũng cần có kiến thức cơ bản để có thể sơ cứu khi trẻ nhà bạn bị chảy máu cam.


       Niêm mạc mũi dễ chảy máu vì có nhiều mạch máu tập trung với mạng lưới mao mạch rất dày. Chảy máu cam là do có sự rối loạn vận mạch, hay tổn thương niêm mạc hốc mũi hoặc do đường thở bị khô.
       Trẻ nhỏ bị chảy máu cam là do thành mạch máu mỏng và sát với niêm mạc mũi hơn so với ở người lớn. Khi trẻ bị chảy máu cam thì đa số vị trí chảy máu thường ở gần phía trước của mũi, ở vách ngăn chia hai bên mũi và thường chảy máu ở một bên mũi nhưng cũng có trường hợp chảy máu cũng có thể xuất phát ở sâu hơn trong khoang mũi.

        NGUYÊN NHÂN GÂY HIỆN TƯỢNG CHẢY MÁU CAM:


       Mũi là cửa ngỏ đầu tiên để đưa lượng khí hô hấp vào bên trong cơ thể. Do vậy, tất cả các nguyên nhân làm thay đổi hoặc tổn thương khoang mũi đều là các nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân có thể kiến trẻ bị chảy máu cam và có thể phân thành các nguyên nhân như:
·         Chấn thương ở mũi: do tai nạn hay do va đập mạnh, do đánh nhau. Khi bị tác dụng lực vào mũi thì có khả năng làm vỡ các mạch máu lớn trong hốc mũi gây chảy máu và nếu nặng có thể gây mất máu với số lượng lớn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
·         Do trẻ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên: như cảm cúm, viêm xoang hay do hít phải hơi độc.
·         Do các dị vật đường thở mà trẻ mắc phải: như nhét hạt cườm, hòn bi hay hạt lạc… vào trong hốc mũi.
·         Do thời tiết quá lạnh: khiến đường thở bị khô hoặc bị dị ứng trong trường hợp viêm mũi dị ứng gây ho và hắt hơi quá mức.
·         Do có sự xuất hiện của khối u trong mũi trẻ.




·          

         XỬ TRÍ


      Khi bị chảy máu cam, trẻ thường có tâm lý rất sợ hãi và hoảng loạn, vì vậy việc đầu tiên là giúp trẻ quên đi nỗi sợ bằng cách kể một câu chuyện, hoặc xem tivi trong lúc chờ cầm máu
·         Khi trẻ bị chảy máu cam thì trước tiện bạn phải thật bình tĩnh, cho trẻ ngồi xuống ghế và hơi ngã ra phía trước (gập người về phía trước) sao cho vị trí mũi cao hơn vị trí tim. Vì khi ở vị trí này, máu sẽ chảy ra ngoài hai lỗ mũi mà không chảy ngược vào họng trẻ.
·         Dùng hai ngón tay (ngón cái & ngón trỏ) để bóp chặt liên tục hai cánh mũi của trẻ để chúng chụm lại với nhau trong khoảng 10 phút. Cũng có thể dùng khăn tay hoặc bông gòn để bịt lỗ mũi ngăn không cho máu chảy ra.  Khi ấy, cho trẻ thở bằng miệng. , nhớ để ý thời gian chính xác, đừng giữ lâu quá. Bạn có thể sử dụng khăn lạnh đắp ở phần sống mũi củ trẻ để cầm máu.
·         Bạn nên dặn trẻ thật kỹ rằng tuyệt đối không được nuốt máu bởi nếu trẻ nuốt vào thì có thể gây nôn hoặc tiêu chảy ở trẻ sau đó.
·         Nhỏ một giọt chanh vắt vào trong lỗ mũi trẻ. Máu sẽ nhanh chóng ngừng chảy.
·         Dùng một miếng gạc lạnh hay một túi đá chườm để chườm lên trên cánh mũi. Khi máu đã ngưng chảy bạn dặn trẻ không nên khụt khịt, hắt hơi hay ngoáy mũi vì sẽ rất dễ khiến cho máu chảy lại.
·         Sau khi bạn đã cầm được máu cho trẻ, hãy rửa mặt cho trẻ thật sạch với nước lạnh, thái một củ hành và cho trẻ ngửi. Tiếp đó, bạn cũng có thể cho trẻ ăn một chút mật ong hoặc đường.
·         Sử dụng dấm rượu táo cũng là một cách hữu hiệu giúp bạn trong việc cầm máu khi trẻ nhà bạn bị chảy máu cam. Bằng cách bạn hãy ngâm một chiếc bông nhỏ trong dấm và dùng nó để nhét vào lỗ mũi. Dấm sẽ giúp máu đông lại.
·         Không để trẻ móc vào lỗ mũi hoặc là chọc bất kỳ vật gì khác vào trong hai lổ mũi. Nếu như trẻ nhà bạn bị viêm mũi dị ứng thì nên đi khám bác sĩ để được uống thuốc chữa và phòng những cơn dị ứng.
·          

         KHI NÀO CẦN ĐẾN SỰ CAN THIỆP CỦA BÁC SĨ?


     Các trường hợp sau đây cần thiết phải đi BS ngay lập tức:
·         Lượng chảy máu nhiều và nhanh hoặc cảm thấy cơ thể trẻ đang bị mất máu (trên 15 phút).
·         Chảy máu cam ngay sau khi cho trẻ sử dụng một loại thuốc nào đó hoặc sau một chấn thương vùng đầu, mặt.
·         Có những triệu chứng khác lạ kèm với chảy máu cam như yếu mệt toàn thân, tiêu tiểu, hoặc nôn ói ra máu, xuất hiện các đốm đỏ lấm tấm dưới da, mặt xanh nhợt hoặc chảy máu cam gây bít nghẹt 2 lỗ mũi làm trẻ khó thở. Trẻ cảm thấy choáng váng, hoa mắt và yếu trong người và có biểu hiện mệt mỏi.
·         Nếu bạn đang cho trẻ sử dụng loại thuốc kháng sinh nào đó, hãy nên kiểm tra lại, bởi thuốc kháng sinh đôi khi cũng là “thủ phạm” gây nên chứng chảy máu cam ở trẻ. Trong trường hợp này tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng loại thuốc kháng sinh này cho trẻ.
·         Bạn cần hết sức chú ý bởi việc chảy máu cam thường xuyên ở trẻ có thể là dấu hiệu sớm các bệnh như của ung thư máu, rối loạn đông máu và u bướu ở vùng mũi.
·          

      PHÒNG TRÁNH


·         Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ để hạn chế khả năng trẻ tự gây tổn thương niêm mạc mũi của mình khi đùa nghịch hay có thể do vô ý.
·         Tránh lui tới thường xuyên hai trạng thái không khí nóng lạnh (như ra vào phòng lạnh liên tục) vì khi đó thời tiết thay đổi đột ngột không những kiến trẻ dễ bị chảy máu cam mà còn có nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.
·         Ngừng hút thuốc khi trong nhà có trẻ nhỏ nhằm giúp cho trẻ không bị ảnh hưởng bởi khói thuốc vì khi đó nếu bạn hút thuốc thì trẻ sẽ nhiễm khói thuốc do hút thuốc thụ động không những giúp trẻ phòng tránh được chảy máu cam mà còn giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ.
·         Khi thời tiết quá oi bức hoặc quá lạnh lẽo, bạn nên bảo vệ mũi cho trẻ bằng cách cho trẻ ở trong phòng và làm gì đó để cho không khí trong phòng được ổn định, ví dụ như bật quạt hay máy điều hòa nhiệt độ…
·         Luôn đảm bảo điều kiện thở trong không khí có duy trì độ ẩm nhất định. Môi trường và không khí khô chính là nguy cơ khiến trẻ nhà bạn dễ bị chảy máu cam.

                                                                                                (meyeucon.org)





9- ĐUỐI NƯỚC 


          Tỷ suất tử vong do đuối nước ở nước ta là 8/100.000 người/năm  . Trẻ em là nhóm có nguy cơ cao tử vong do đuối nước .
            Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng trên 12.700 trẻ em chết đuối và  là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong  ở trẻ em . Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 35 trẻ em chết đuối. Nếu so sánh với các quốc gia khác, tỉ lệ trẻ em Việt Nam bị chết đuối cao gấp 10 lần...
           Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu ôxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Hay nói cách khác: Chết đuối là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước.
          Đối với tai nạn này, việc sơ cứu ngay tại chỗ nhờ những người xung quanh là rất quan trọng, việc đưa tới bệnh viện chỉ nhằm cấp cứu những biến chứng. Vì khi ngập nước, chỉ trong vòng mấy giây là bắt đầu thiếu ôxy và sau 5 phút ngập nước, tim sẽ ngừng đập, não sẽ không hồi phục được.
           Do đó khi gặp trường hợp đuối nước , việc cấp cứu phải tiến hành nhanh, kiên trì, ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp .





1)    Cứu người đuối nước ở dưới nước như thế nào ?
            Tuy thế, việc cứu người chết đuối rất nguy hiểm , vì nếu không biết cách ,sẽ kéo nhau chết chìm hết lúc cứu nhau – (nhất là ở các em nhỏ )- . Do trong cơn hoảng loạn, nạn nhân đuối nước sẽ cố bám, bấu vào cơ thể người cứu hộ và cố gắng trèo lên bằng mọi giá, kể cả việc dìm người cứu hộ xuống. Vì thế, nên nhớ rằng, nếu bạn chưa được hướng dẫn, đào tạo chuyên nghiệp để cứu người chết đuối, bạn đừng bao giờ cố gắng tiếp xúc trực tiếp nạn nhân khi họ còn tỉnh táo.
                Khi thấy người đuối nước , khẩn cấp :

             1. Quăng cho nạn nhân một vật nổi nào đó, như phao, bình rỗng, thanh gỗ… và khuyến khích họ bám lấy.
 Tuy nhiên, bạn vẫn phải đưa nạn nhân ra khỏi nước càng nhanh càng tốt. Cách phù hợp nhất là:
              2. Cố gắng tiếp cận nạn nhân gián tiếp, qua một vật trung gian nào đó dạng cứng, như mái chèo, cây gỗ, sào tre, cây chổi… Tìm ngay chung quanh bất kỳ vật gì tương tự như thế và đưa cho nạn nhân.
              3. Nếu không tìm thấy vật gì tương tự như trên, cố gắng tìm một sợi dây, tốt nhất là dây thừng, quăng cho nạn nhân và khuyến khích họ bắt lấy. Có thể cột một vật gì đó vào đầu dây để bạn dễ quăng chính xác hơn. Nếu có một cái phao hay thùng rỗng thì tuyệt vời! Nếu không có gì chung quanh, có thể huy động mọi người cởi quần, áo cột lại để tạo thành một sợi dây dài, quăng cho nạn nhân.
              4. Nếu nạn nhân đã quá xa khỏi tầm quăng của sợi dây, có thể để một người bơi ra cứu nạn nhân, nhưng phải buộc một sợi dây thừng quanh eo người cứu hộ, chừa một đoạn dài và có người nào đó trên bờ giữ đầu dây còn lại hoặc cột dây vào một cọc neo, cây cối nào đó để giữ dây. Khi bơi ra gần nạn nhân, quăng đầu dây đã chừa sẵn cho họ.
              Tuyệt đối không trực tiếp ôm nạn nhân hay để nạn nhân níu vào người khi họ còn tỉnh táo. Sau đó bơi vào hoặc nhờ người trên bờ kéo dây lôi tất cả lên bờ.

             5. Nếu nạn nhân đã bất tỉnh, cũng phải tự bảo hộ mình theo cách buộc dây như trên và bơi ra, nắm tóc kéo đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, tát  2-3  cái thật mạnh vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại. Nhanh chóng quàng tay qua nách, hoặc kêu thêm người hỗ trợ đưa nạn nhân vào bờ.
           6. Khi người bị nạn đã ra khỏi nước an toàn, hãy thực hiện các biện pháp sơ cứu cơ bản.

          2) Sơ cứu người bị đuối nước  ở trên cạn
Bước 1: Lay gọi nạn nhân

-        Nếu nạn nhân còn thở, tim còn đập thì đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên , đầu thấp để cho nước thoát ra; lấy khăn mặt bọc ngón tay, móc đờm dãi trong miệng; thay quần áo, ủ ấm, xoa nóng người; sau đó, cho uống nước trà đường nóng.
-        Nếu nạn nhân không đáp ứng với việc lay gọi thì sau khi móc hết dị  vật , đờm nhớt, đất cát trong miệng nạn nhân cần thực hiện ngay bước 2 đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ từ những người xung quanh.



 
Bước 2: Thông đường thở và hô hấp nhân tạo


           Đặt nạn nhân 
nằm ng ửa trên mặt phẳng cứng , và nâng cằm nạn nhân.
           Áp mặt sát vào mũi nạn nhân để cảm nhận hơi thở từ mũi và quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu nạn nhân không thở và lồng ngực không nhấp nhô thì cần hô hấp nhân tạo ngay.


Kiểm tra hơi thở

          Dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân.Thổi ngạt 2 lần có hiệu quả sao cho khi thổi vào thì lồng ngực nạn nhân nhô lên.
           Nhớ , trước khi thổi ngạt phải thay quần áo ướt ra vì nó làm trở ngại tuần hoàn; đồng thời lau khô người nạn nhân, ủ ấm, xoa bóp thân thể, xoa bóp tay chân theo hướng về tim.


Tiến hành hô hấp



Bước 3: Bắt mạch đánh giá tình trạng ngưng tim

            Đối với trẻ  trẻ nhỏ thì bắt mạch cánh tay, mạch bẹn. Đối với trẻ lớn thì bắt mạch cổ, mạch bẹn.
            Nếu có mạch trung tâm thì tiếp tục thổi ngạt.

            Không có mạch trung tâm trong vòng 10 giây thì có ngưng tim. Tiến hành bước 4.

Bước 4: Ấn tim ngoài lồng ngực




Ấn tim ngoài lồng ngực

Vị trí và kỹ thuật ấn như sau:

           * Đối với trẻ dưới 1 tuổi:
Vị trí: Xương ức, dưới đường nối 2 vú một khoát ngón tay.
Kỹ thuật: Ấn bằng 2 ngón cái hoặc 2 ngón tay và ấn sâu 1 - 2 cm
            * Đối với trẻ từ 1-8 tuổi:
Vị trí: trên mấu xương ức 1 khoát ngón tay
Kỹ thuật: Dùng 1 bàn tay ấn sâu 2 - 3 cm.
            * Đối với trẻ lớn hơn 8 tuổi:
Vị trí: trên mấu xương ức 2 khoát ngón tay
Kỹ thuật: Dùng 2 bàn tay ấn sâu 2 - 3 cm.

Cách phối hợp ấn tim và thổi ngạt như sau:

Tỉ lệ ấn tim/thổi ngạt là: 3/1 đối với trẻ sơ sinh và 15/2 đối với trẻ lớn hơn 1  tuổi.
Nếu có 2 người: người ấn tim đếm lớn để người thổi ngạt nghe phối hợp .
Tiến hành thổi ngạt, ấn tim và đánh giá lại sau 2 phút bằng cách quan sát di động lồng ngực và bắt mạch trung tâm:
Nếu mạch trung tâm rõ, đều nghĩa là tim đập lại thì ngưng ấn tim, tiếp tục thổi ngạt.
Nếu có di động lồng ngực nghĩa tự thở thì ngưng thổi ngạt.
Nếu bệnh nhân vẫn còn ngưng thở ngưng tim phải tiếp tục ấn tim thổi ngạt. 



          Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại.
          Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn.  
          Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.
         Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu.
          Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân.

3)    Những việc lưu ý  trong quá trình sơ cứu đuối nước?

-          Khi phát hiện người đuối nước , phải tìm mọi cách để đưa họ ra khỏi nước qua một vật trung gian, không tiếp xúc họ trực tiếp kẻo chính mình sẽ trở thành nạn nhân. Nếu đông người, có thể phân công 1 người chạy đi tìm người hỗ trợ, những người khác còn lại tìm cách cứu nạn nhân như đã nói ở trên.
-          Không được chậm trể trong việc cấp cứu người bị đuối nước như đợi cho đầy đủ các phương tiện cấp cứu mới thực hiện sơ cứu .
-          Đừng cố tìm cách lấy nước trong phổi nạn nhân ra ngoài bằng cách xốc nước (vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra) vì như thế sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc làm hồi sức cấp cứu tim phổi mà chỉ cần chậm trễ 4 phút là đã có nguy cơ chết não. Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài còn nếu là nước ngọt thì nước sẽ tự hấp thụ vào hệ tuần hoàn do hiện tượng thẩm thấu.
-          Khi làm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh bạo vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân, nhất là trẻ nhỏ.


       4) Để phòng, chống tai nạn đuối nước cần thực hiện những gì?
Đề phòng tai nạn đuối nước  cần quan tâm đến những  việc sau đây:
1. Đối với trẻ lớn và người lớn:
- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.
- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.
- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.
- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
2. Đối với trẻ nhỏ:
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài…
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
- Nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).

           Đuối nước là một tai nạn thường gặp nhất do có nhiều sông rạch và bờ biển dài như ở nước ta. Tuy nhiên, tai nạn này có thể phòng chống dễ dàng nếu chúng ta hiểu biết về nó và biết cách xử trí khi gặp người bị chết đuối.


                       (tổng hợp từ TT TT giáo dục sức khỏe , tin sức khỏe  .....trên internet)





BÀI HÁT SINH HOẠT 

HÙNG TÂM DŨNG CHÍ 



BÀI CA GỌI LỬA



Lửa Thiêng ơi hãy đến,
bừng sáng lên trong đêm âm u
soi đời tăm tối bao nhiêu âu lo.
Lửa Thiêng ơi hãy đến,
bừng cháy lên, mang cho đời
ngàn ánh vinh quang vui hân hoan.





BÀI CA NHẢY LỬA 


NHẢY LỬA 
1.Anh em ta mau cố chất cây khô vào đây đốt chung, đêm khuya nghe tiếng tí tách cây khô nổ vang giữa rừng. Dang tay nhau đứng vòng quanh lửa hồng trong khói xanh trong đêm bốc cao, cùng cầm tay vang lừng ta hát lử thêm sáng tươi, xoa tan bóng đêm bóng đêm, anh em ta vui đùa ca hát, hát cho đời vui vui thật vui.
2.Anh em ơi hãy lắng tai nghe ngàn muôn tiếng vang, trong đêm khuya,trong ánh khói điểm tô rõ ràng. Lên cho cao ngất bùng cao sáng bùng, to nữa lên bùng bùng ngất cao, bùng bùng cao ngất bùng cao sáng bùng to nữa lên, cao to nữa lên, lên cho cao, cao càng cao gút, bốc lên nào cao cao thật cao.


NỔI LỬA LÊN NỐI VÒNG TAY LỚN 


 Nổi lửa lên nối vòng tay lớn (Hù hu hù hu hú hù hu hu.)
 Nổi lửa lên nối vòng tay lớn.
 Nổi lửa lên nối vòng tay lớn.
 Nổi lửa lên xua tan đêm đen.
 Nổi lửa lên xua tan ngăn cách.
 Nổi lửa lên nối vòng tay lớn.
 Nổi lửa lên nối vòng tay lớn.
 Nối anh em xa xôi lại gần.
 Nối anh em yêu thương đầy tràn.
 Nổi lửa lên nối vòng tay lớn.
 Nổi lửa lên nối vòng tay lớn.
 Nổi lửa lên xua tan ngại ngần.
 Nổi lửa lên cho tim hơi ấm
 Nổi lửa lên nối liền con tim.
 Nổi lửa lên nối lòng yêu quý
 Nối thân xa yêu thương đồng loại,
 Nối con tim ai đang lạc loài (Nổi lửa lên nối vòng tay lớn)

 
ANH EM TA VỀ 


Anh em ta về cùng nhau ta quay quần này,
1-2-3-4-5.
Anh em ta về cùng nhau ta sum họp này,
5-4-3-2-1.

Một điều chân bước nhé,
Hai quay nhìn nhau đi,
Ba cầm tay chắc nhé, không muốn ai chia lìa.
Bốn nhớ rằng chúng ta bốn bề anh em một nhà.
Năm nhớ mãi tình này trong câu ca.




MANG LỬA VỀ TIM 



Mang Lửa Về Tim

Màn đêm buông lơi theo ánh lửa dần tàn,
tình anh em ta theo ánh lửa tràn lan,
tim ta đây còn khắc ghi bao nhiêu mối tình mặn nồng.
Lửa đêm nay tan nhưng lửa thiêng còn cháy âm thầm ngàn đời,
biệt ly muôn phương ta nguyện đem lửa thiêng rải rác khắp chốn,
mong mai sau ngọn lửa thiêng cháy lên đốt lòng mọi người.






THẮP LỬA CHO ĐỜI 



Thắp cho đời này bạn tôi ơi
Trái tim người đã tắt lửa rồi
Khi quanh mình đam mê bóng tối
Còn tìm nơi đâu tiéng gieo lửa vui

Thắp cho đời này bạn tôi ơi
Thắp cho đời hạnh phúc yêu người
Trái tim hồng lung linh ánh sáng
Soi lỗi người gặp được Giêsu

Từng ngọn nến tỏa lan lửa mếm, mà Thấy mang đến, cho ta mỗi ngày
Từng ngọn nến tràn đầy hơi ấm, sua tan băng giá, trái tim mùa đông
Đời sẽ hết lạnh lùng gian dối, giã từ bóng tối, vươn lên mặt trời
Rồi bống thấy mình còn lửa thắp, đời còn vui sướng, chứa chan thiên đường 




 ANH EM TA VỀ 



Anh em ta về cùng nhau ta quây quần này 1 2 3 4 5... 
Anh em ta về cùng nhau ta  xum họp này 5 4 3 2 1... 

1 đều chân bước nhé, 
2 quay nhìn nhau đi, 
3 cầm tay chắc nhé không muốn ai chia lìa, 
4 nhớ rằng chúng ta bốn bể anh em một nhà, 
5 nhớ mãi tình này trong câu ca.



 HÁT TO HÁT NHỎ


ta hát to hát nhỏ nhỏ nhỏ 
rồi ta ngồi kể chuyện cho nhau nghe 
oh oh oh oh oh oh 
ta vui ca hát hát cho vui đời ta




 NAY TA VỀ 


Nay ta về gặp nhau nơi đây,
tình thân ái trào dâng tràn đầy .
Nay ta về vòng tay trong tay ,
cho yêu thương sáng ngời chốn đây .
Thắp sáng, sáng lên cho đời .
Thắp sáng , sáng lên cho người .
Niềm tin yêu thương bao la , 
niềm tin mến thương  đậm đà .


 ĐỜI  ĐANG LÊN VANG KHÚC CA


1- Đời đang lên vang khúc ca vang đường đi , đi đi đi .
    Dù chông gai nguy khó nguy có lo gì , gì gì gì .
    Đường còn xa đi cứ đi ta ngại chi , chi chi chi .
    Nào tiến lên hô rằng hô hết sầu bi , bi bi bi .

2- Nhìn mây bay lay gió lay rung cành lá , lá lá lá .
    Nhìn non sông hoa gấm hoa dưới trăng ngà , ngà ngà ngà .
    Nhìn đồng quê xanh lúa xanh chân trời xa , xa xa xa .
    Một khúc ca thơ bài thơ  vang đời ta , ta ta ta .




 MỘT MẸ TRĂM CON 



Anh em ta,cùng mẹ cha,nhớ chuyện cũ,trong tích xưa,khi thế gian còn mù mờ,
khi thế gian con mù mờ. 
Xưa khi xưa,mẹ đẻ ra,trăm cái trứng,sinh lũ con,trăm đứa con cùng một dòng,

trăm đứa con cùng một dòng. 
Năm mươi con,vượt đồi non,phá rừng núi,khai rẫy nương,xây đắp buôn làm nhà sàn,

xây đắp buôn làm nhà sàn. 
Năm mươi con,vượt trường sơn, đi xứ bắc, đi xứ nam,xây núi sông lập ruộng đồng,

xây núi sông lập ruộng đồng. 
Hôm nay đây,rừng gặp mây,gió gặp núi,ta tới đây,tay nắm tay mình gặp mình,

tay nắm tay mình gặp mình. 
Vui ca lên, Thượng và Kinh , người trong nước, anh với em,  em với anh cùng họ hàng ,
em  với anh  cùng họ hàng .
Khua chiêng  lên, đập cồng lên,tiếng cồng đánh,qua mái tranh,qua mái tre vào rừng già,
qua mái tre vào rừng già. 
Cho con Hua,khỉ già Hua,cho ma quái,cho lũ nai,ngơ ngác say vì nhạc cồng,

ngơ ngác say vì nhạc cồng. 


 TANG TANG TANG TÌNH (TA CA HÁT )


Tang tang tang tình tang tính,
ta ca ta hát vang lên ,
hát lên cho đời tươi thắm ,
hát lên cho quên nhọc nhằn .
Cùng nhau ta ca hát lên, 
cho át tiếng chim trong rừng ,
cho tiếng suối reo phải ngừng ,
cho rừng xanh đón chào ta .
La la la .








                                                         



CÓ CHÚA ĐI VỚI TÔI 


Có Chúa đi với tôi , tôi sẽ không còn sợ chi .
Có Chúa đi với tôi , tôi sẽ không còn thiếu gì .
Dù trời đen tối, bước đi không lo lạc lối .
Đường dù nguy nan không chút vấn vương tâm hồn .



HÀNH TRANG TÔI MANG TRÊN VAI 
 

Hành trang tôi mang trên vai, lên đường đi về quê trời .
Hành trang tôi mang trên vai , đi khắp nẻo đường Việt Nam .
Hành trang tôi mang trên vai , đi khắp nẻo đường đời là ( í - a ) Tin Mừng , là ( í - a) Tình Yêu .
Tin Mừng , Tình Yêu 


VUI LÀ VUI
 

Vui là vui chúng mình vui nhiều ,
Vui là vui là vui chúng mình vui quá .
Vui là vui chúng mình vui nhiều ,
Vui là vui là vui chúng mình quá vui .


XÍCH LẠI ĐÂY
 

Xích lại đây bồ ơi .
Tí nữa thôi bồ ơi .
Bồ cùng tôi vui vui vui , 
nắm tay nhau chơi chơi chơi .
Đừng giận tôi nhé bồ ,
mình làm vui cả đoàn .


VUI VUI VUI (CÙNG QUÂY QUẦN )
 


Cùng quây quần ta vui vui vui .
Ta hát với nhau chơi chơi chơi .
Rồi lên tiếng ta cười cười cười .
Làm vui thú bao người người người .



VUI TƯƠI HÙNG DŨNG BÁC ÁI
 

Vui Tươi Hùng Dũng Bác ái .
Vui tươi  vì Chúa mãi mãi .
Hùng dũng khắp muôn nơi .
Bác ái luôn yêu người .


SÁNG LÊN CHO ĐỜI (NAY TA VỀ )
 

Nay ta về gặp nhau nơi đây,
tình thân ái trào dâng tràn đầy .
Nay ta về vòng tay trong tay ,
cho yêu thương sáng ngời chốn đây .
Thắp sáng , sáng lên cho đời .
Thắp sáng , sáng lên cho người .
Niềm tin yêu thương bao la ,
Niềm tin sáng tươi đậm đà .


SỒI VÀ LAU (MỘT NGÀY XƯA KIA)
 

Một ngày kia cây sồi to bỗng chê lau rằng :
Thân lau bé tí teo,
cơn gió lùa đã ngã .
Sồi vừa thôi nói, bỗng từ đâu gió cuốn mây đen .
Lau cuốn lau thảnh thơi ,
gió đánh sồi lăn cù .



QUYẾN LUYẾN (BÀI CA TẠM BIỆT )
 

1- Lúc thú vui này lòng còn quyến luyến anh em chúng mình (2 lần )
Rời tay nhau chớ lâu nhé ,
Tình anh em chớ quên nhé .
Lòng anh em chúng ta tuy xa mà hóa ra gần .

2- Quyến luyến nhau là tình  mình đối với anh em chúng mình .
Quyến luyến nhau là tình mình ước muốn anh em thấu tình .
Rời tay nhau chớ lâu nhé ,
Tình anh em chớ quên nhé .
Tình anh em chúng ta tuy xa mà hóa ra gần .






<
CÁI NHÀ LÀ NHÀ CỦA TA


Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông cha lập ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà .


GIỜ ĂN ĐẾN RỒI
 

Giờ ăn đến rồi (2 lần )
Mời anh xơi .
Mời chị xơi .
Giơ chén lên cho cao này (2 lần ) .
Ta cùng ăn .


HAY QUÁ
 

Hay quá hay quá là  hay
Xin giữ  một tràng pháo tay  - cha cha cha
Hay quá hay quá là hay
Xin giữ cho một nụ cười – ha ha ha 


HOAN HÔ ANH NÀY
 

Hoan hô anh này một cái
Hoan hô anh này
Nào chúng mình hoan hô  (2 lần )
Nào - ta – hoan - hô  .



VUI CA LÊN
 

Vui ca lên nào (2 lần )
Vui ca lên , chúng ta cùng ca
Ca nào , ca nào ,  ta hát cho to bằng anh (2 lần )
Vui ca lên nào (2 lần )
Vui ca lên , đời ta sung sướng .


NÀO VỀ ĐÂY
 

Nào về đây ta họp đoàn cùng nhau .
Cuộc đời vui thú có lúc nào thảnh thơi .
Anh với tôi , ta cùng sống vui trọn đời .
Rồi mai này chúng ta lại gặp nhau (2 lần ) .


CON CHIM NON
 


Con chim non trên cành hoa
Hót véo von (2 lần)
Em yêu chim , em mến chim,
Vì mỗi lần chim hót em vui .
Chim ơi chim , chim đừng bay  ,
Hót nữa đi , hót nữa đi .
Em yêu chim , em mến chim ,
Vì mỗi lần chim hót em vui .


QUANH ÁNH LỬA HỒNG
 

Trong đêm thâu ,quanh ánh lửa hồng , dưới ngàn cây xanh lá .
Anh em ta  , quây quần chốn nầy ,cất cao muôn lời ca .
Đêm hôm nay, ta nắm tay nhau , ta hát cho quên sầu .
Mai ra đi , không chút vấn vương , chiến trường kia tranh đấu .
Là tài trai , chí bốn phương , một lòng quyết lên đường .
Lửa bừng lên ,  tí tách reo  , giương nỗi muôn căm hờn
Đoàn ta vì sông núi , dẹp tan đời tăm tối  .
Tiến bước lên , chiến đấu cho nước Việt bừng sáng muôn đời .



BỐN PHƯƠNG HỌP MẶT
 

Bốn phương trời ta về đây chung vui .
Không phân chia giọng nói tiếng cười
Cùng nắm tay ta kết tình thân ái 
Trao cho nhau những gì mến thương (2 lần )


CÙNG NHẢY MÚA
 


Cùng nhảy múa chung quang vòng , cùng nhảy múa cùng vui .
Cùng nhảy múa chung quanh vòng, vui cùng vui múa đều .
Nắm tay nhau , đứng bên nhau ,vui cùng vui múa ca .
Đứng bên nhau , hát vang lên , ta cùng nhau múa đều .
Nắm tay nhau , đứng bên nhau ,vui cùng vui múa ca .
Đứng bên nhau , hát vang lên , ta cùng nhau múa đều .



GẶP NHAU ĐÂY
 

Gặp nhau đây ,  rồi chia tay,
Ngày dài như đã vụt qua trong phút giây  .
Niềm hăng say, còn chưa phai
Đường trần sông núi hẹn mai ta sum vầy (2 lần ) .
Còn trong ta , tình bao la ,
Cuộc đời niên thiếu bừng lên bao ước mơ .
Rồi suy tư , lời đêm qua
Dặn lòng hãy nhớ lời yêu thương nhắn về (2 lần )
Rừng linh thiêng , rừng Lam Sơn
Rừng  còn  lên tiếng gọi cây xanh Chí Linh
Về quê hương , về Chi lăng 
Đường về xao xuyến lửa nung sôi máu hồng (2 lần )

GIÂY PHÚT CHIA LY
 

Rời tay phút chia ly
Bạn ơi vui lên đi, bạn hỡi! Vui đi
    Gian khó ta không nề, ghi nhớ nhau muôn đời
    Từ nay cách xa
.

Shalom chaverim! Shalom chaverot!
Shalom, shalom!
Le-hit-ra-ot, le-hit-ra-ot,
Shalom, shalom!

Farewell, good friends, farewell good friends,
Shalom, shalom!
Till we meet again, till we meet again,
Shalom, shalom!






KỸ NĂNG NÓI TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG

Làm sao cải thiện kỹ năng nói trước đám đông

           Chìa khóa để vượt qua nỗi sợ là chuẩn bị một cách có hệ thống và biết tập trung vào trọng điểm. Bằng việc thực hành các kỹ thuật dưới đây một cách phù hợp sẽ giúp cải thiện kỹ năng phát biểu trước công chúng.
           Tôi hỏi một số người về điều họ sợ nhất khi phát biểu trước đám đông là gì. Họ đều nhanh chóng trả lời chính là việc vượt qua nỗi sợ hãi khi phát biểu. Chắc hẳn lúc đó các bạn sẽ cảm thấy bồn chồn, lo sợ. Chìa khóa để vượt qua nỗi sợ đó là chuẩn bị một cách có hệ thống và biết tập trung vào trọng điểm. Bằng việc thực hành các kỹ thuật dưới đây một cách phù hợp sẽ giúp cải thiện kỹ năng phát biểu trước công chúng.
    1. 95% kết quả thành công là do sự chuẩn bị. 
           Khán giả sẽ dễ dàng nhận ra khuyết điểm nếu không có sự chuẩn bị trước. Tự tập luyện trước khi phát biểu sẽ giúp giảm thiểu 75% sự hồi hộp. Hãy tập luyện bằng cách giả định bạn đang phát biểu, đứng trước nhiều người, hoặc tốt hơn là nhờ ai đó quay lại khi đang tập luyện. Đoạn phim đó sẽ cho một cái nhìn khách quan về khả năng thuyết trình của bản thân. Càng thoải mái trong khi thuyết trình thì sẽ truyền tải ngôn ngữ cơ thể càng tốt hơn.
    2. Hai phút là khoảng thời gian đủ cho lời mở đầu hoặc kết thúc. 
          Điều quan trọng nhất người nghe sẽ nhớ chính là đoạn kết. Điều quan trọng thứ hai mà họ sẽ nhớ chính là lời mở đầu. Để gây sự chú ý đối với người nghe, bạn nên bắt đầu bằng một lời trích dẫn hay những con số thống kê. Đừng bao giờ bắt đầu bằng “Xin chào các bạn”, rõ ràng là nó quá nhàm chán.
    3. 24h trước khi thuyết trình:
            A. Dùng một bữa tối yên tĩnh với một vài người bạn. Khi không còn quan tâm tới các kỹ năng cho bài thuyết trình nữa thì phần nào đó bạn sẽ quên đi sự lo sợ.
            B. Vào đêm trước khi thuyết trình, bạn nên tập luyện phát biểu trong không gian ồn ào. Trước khi đi ngủ, hãy nên nghe đi nghe lại lời mở đầu và đoạn kết của mình, bởi vì đó là phần quan trọng nhất.
            C. 24h trước khi thuyết trình, không nên có những thay đổi lớn. Bằng cách viết lại, bạn sẽ phần nào giảm được sự sợ hãi. Hãy nhớ một điều là trong suốt bài thuyết trình nếu có chuyện gì xảy ra, hãy tùy cơ ứng biến nhé.
            D. Hãy hình dung rằng bài trình bày của bạn sẽ suôn sẻ và thành công. Các vận động viên Olympic cũng làm như vậy, và điều này cũng đạt được hiệu quả đối với việc phát biểu trước đám đông.
           E. Xem lại tất cả những ghi chú và hình ảnh giúp bài thuyết trình thêm phần phong phú. Các ghi chú phải ngắn gọn để có thể liếc qua khi cần và nhớ rằng KHÔNG BAO GIỜ đọc chúng.
           F. Ăn một bữa sáng giàu chất đạm trước khi thuyết trình. Cho dù trình bày bài diễn thuyết vào buổi tối thì bạn cũng phải cung cấp năng lượng cho cơ thể và trí óc.
    4. Trước khi thuyết trình, hãy nhìn mình trong gương
            Một người bạn của tôi đã mắc phải sai lầm này khi mà cô ấy không soi gương trước khi thuyết trình trước hàng trăm người. Một vài người đã nhận ra rằng chiếc váy của cô ấy bị dính trong đôi vớ da.
    5. Phát biểu trước đám đông và mục đích
            Khi thiết lập một bài thuyết trình, bạn phải xác định mục tiêu của mình. Tại sao bạn lại ở đó? Tại sao họ lại ở đó? Đây có phải là một buổi thuyết trình bán hàng không? Nếu trình bày các thông tin kỹ thuật thì nên xem xét kỹ nhiệm vụ là truyền tải kiến thức hay chỉ dẫn. Khi trình bày các thông tin kỹ thuật thì phải chắc chắn là các đối tượng không bị quá tải thông tin hay trên mỗi Slide lượng thông tin vừa đủ để người nghe tiếp thu. Hãy xác định mục tiêu và gửi đến người nghe thông điệp của bạn.
    6. Nắm rõ thông tin của đối tượng
          Ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ nào? Khi đó, bạn phải thuyết trình bằng chính ngôn ngữ của họ. Lứa tuổi của họ? Tỷ lệ nam/ nữ? Kỹ thuật cao hay không có chuyên môn kỹ thuật? Họ có muốn tham gia buổi thuyết trình không hay bị bắt buộc? Nếu bạn là một nhà khoa học hoặc kỹ sư, khi thuyết trình kỹ thuật như nói về “mẫu số chung nhỏ nhất” thì bạn sẽ có khuynh hướng sử dụng rất nhiều thuật ngữ kỹ thuật. Liệu mọi người có hiểu không?
    7. Tránh sử dụng quá nhiều slide
           Cách hữu hiệu nhất để cung cấp thông tin là sử dụng hình ảnh, một sai lầm phổ biến khi thuyết trình. Bạn ở đó là để thuyết trình, chứ không phải chỉ đơn giản là “nói”. Chính vì vậy mà bạn cần nhìn vào các đối tượng của mình, nhìn để tạo sự kết nối, sự liên kết, chỉ đơn giản là nhìn chứ không phải nhìn chằm chằm. Không bao giờ đọc và nhìn vào các hình ảnh trên máy chiếu, mà chỉ liếc qua. Không bao giờ quay lưng lại phía khán giả để đọc thông tin trên máy chiếu. Bởi vì bạn chính là hình ảnh minh họa tốt nhất và khán giả chỉ tập trung vào bạn.
    8. Kỹ năng nói trước công chúng tốt có nghĩa là có sự chuẩn bị tốt
            Với việc lên kế hoạch trước sẽ giúp cho bài thuyết trình trở nên phong phú hơn, hấp dẫn hơn. Cùng với việc chuẩn bị kỹ bạn sẽ giảm khoảng 75% sự lo sợ. Nhắc lại một lần nữa, người nghe chắc chắn sẽ nhận ra nếu không chuẩn bị trước.
    9. Sau khi thuyết trình, đến phần hỏi đáp
           Nếu gặp phải một câu hỏi mà bạn không biết câu trả lời hay trong số khán giả ngày hôm đó có người kiến thức rất rộng nhưng lại không thích bạn thì điều đầu tiên phải nhớ là tránh tranh cãi. Nếu không có câu trả lời thì hãy hỏi trong số khán giả có ai biết câu trả lời không hoặc hẹn gặp riêng người đó vào dịp khác để đưa câu trả lời. Điều quan trọng là không được nói dối, nó sẽ làm giảm uy tín một cách nghiêm trọng.
    10. Đa dạng và địa điểm
           Bài thuyết trình cần phải đa dạng để thu hút sự theo dõi của khán giả, như thêm vào bài diễn thuyết tính hài hước, những câu chuyện có liên quan, lời trích dẫn, uốn giọng nói, những hoạt động nhóm, nghỉ giải lao, và cả phần hỏi đáp. Về địa điểm, bạn cần chọn một địa điểm cũng như kích cỡ các hình ảnh trên máy chiếu phù hợp với số lượng khán giả.
         
    Cuối cùng, hãy chắc chắn ngày giờ và địa điểm sẽ thuyết trình. Nếu có thể, bạn nên đến xem trước nơi thuyết trình để có thể hình dung vị trí chính xác khi diễn thuyết. Tốt nhất, hãy nên đến sớm trước một giờ để chuẩn bị. Để cải thiện kỹ năng nói trước công chúng và vượt qua nỗi sợ hãi là không quá khó nếu chúng ta chuẩn bị kỹ càng.
    (Nguồn : gs.edu.vn)


    ĐỂ THÀNH CÔNG KHI NÓI TRƯỚC CÔNG CHÚNG


             Có những người rất hoạt ngôn khi trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp nhưng lại cực kỳ lúng túng, khó khăn khi phải nói trước một đám đông xa lạ. Vấn đề ở đây là kỹ năng trình bày quan điểm trước công chúng.
               Thật ra nói trước đám đông không khó, chỉ cần bạn nắm bắt được những quy tắc mấu chốt của nó, bạn sẽ thấy công việc này không còn là cực hình.
    Nói cái gì
             Khi lựa chọn ngôn ngữ nói, bạn phải hết sức gạn lọc, để sao cho diễn giải được quan điểm của mình rõ ràng nhất với lượng từ ngữ tối giản nhất.
    Biết đơn giản hoá vấn đề: 
    Việc đánh giá quá cao trình độ của người nghe là sai lầm. Hãy trình bày các luận điểm thật đơn giản, hướng tới việc duy trì sự chú ý của người nghe ngay cả khi bạn nói tới những điều họ đã biết cả rồi.
    Tối giản lượng lời nói: 
    Cần biết loại bỏ “những từ không cần thiết”. Nhưng thế nào là “những từ không cần thiết”? Đó là tất thảy những gì không phục vụ cho luận điểm bạn đang đề cập và chỉ khiến cho câu cú thêm mù mờ, lộn xộn. Những kiểu câu chủ động bao giờ cũng giúp bạn tối giản lượng ngôn ngữ tốt hơn.
    Biết nhấn mạnh: 
    Tập trung tất cả các luận điểm của bạn vào một chủ đề đơn giản, dễ nhớ để ít nhất một phần mười bài nói chuyện của bạn lưu được trong tâm trí người nghe.
    Hãy biết trình bày chứ đừng nói đơn thuần: 
    Biết diễn giải luận điểm thông qua ngôn ngữ cử chỉ sẽ hiệu quả việc chỉ đứng nói đơn thuần, thiếu cảm xúc.
    Nói như thế nào
            Việc bạn nói cái gì không quan trọng bằng cách bạn nói điều đó như thế nào, tức là phong cách bạn trình bày luận điểm của mình. Hãy “lôi kéo” người nghe về “phe” mình, biết tự lắng nghe chính mình và khi trình bày quan điểm, hãy coi mình là người thông minh nhất tại thời điểm ấy.
    Lôi kéo người nghe về cùng phe:
    Thường xuyên dùng đại từ “chúng ta” thay vì “tôi”. Khi đưa ra các ví dụ, hãy vận dụng những hình ảnh gần gũi với người nghe.
    Hiểu rõ về người nghe: 
    Tạo cơ hội để người nghe phát biểu ý kiến, từ đó bạn có thể phán đoán họ đang muốn gì, nghĩ gì và hướng bài nói chuyện theo cách họ muốn nghe.
    Để ý tới những tiếng “ầm”, “ừ”: 
    Hầu hết mọi người đều không để ý tới những tiếng ầm ừ xen lẫn vào câu nói của mình. Những âm thanh vô dụng đó có thể phá hỏng bài nói chuyện của bạn, chúng khiến bạn bị mất tự tin và sự chuyên nghiệp.
    Phát âm rõ ràng: 
    Đừng nói quá to hay quá nhỏ, quá nhanh hoặc quá chậm. Đừng dồn quá nhiều cảm xúc vào câu nói nhưng cũng không nên trình bày khô khốc, thiếu cảm hứng. Tất cả những kiểu phát âm “quá” này đều khiến người nghe khó chịu và ngăn cản khả năng tiếp thu của họ.
    Biết rõ vấn đề bạn định nói và luôn tập trung vào đó: 
    Những kẻ ngốc nghếch thường cho rằng họ có khả năng ứng đối trong nhiều tình huống khác nhau, họ là nhà thông thái có thể giải đáp mọi câu hỏi. Đừng tự tin một cách lố bịch như thế. Hãy tập trung vào chủ đề bạn đã chuẩn bị và tránh lạc đề. Sự gây loãng chủ đề hại nhiều hơn lợi.
    Trình bày thật sinh động: 
    Hãy để ngôn ngữ cử chỉ cùng các hỗ trợ khác về mặt thị giác thay cho lời nói, hoặc nhấn mạnh một điểm hoặc tập trung vào một vấn đề nào đó. Đừng để lời nói phải “đảm nhiệm” mọi công việc. Đây chính là sự khác biệt giữa việc đọc một bài diễn văn với việc hùng biện trước đám đông.
    Thường xuyên luyện tập
    Điểm cuối cùng trong hành trình hướng tới kỹ năng nói trước công chúng chính là phải luyện tập thường xuyên, ngay cả khi bạn không có nhiều thời gian.
    Nói thật to và thật tự hào
    Nếu chưa ai bảo với bạn rằng bạn là người nói chuyện thật hấp dẫn thì giờ đây, hãy tự tin rằng mình có năng khiếu ấy. Tự tin là chìa khoá của thành công.
    Dương Kim Thoa
    Theo Askmen
    (Nguồn : dantri.com)





    PDF.InEmail
    Image: http://rahulme.files.wordpress.com








    Để hình thành phương pháp đọc sách, bước đầu các bạn nên áp dụng quy trình sau đây. Dần dần, trên cơ sở đó, các bạn có thể tìm được một phương pháp phù hợp. 

    Bước 1: Xác định mục đích đọc sách. 

    Đây là vấn đề rất quan trọng. X.I. Povarlin đã nói: "Phương pháp đọc tuỳ thuộc vào mục đích, và hoàn toàn do mục đích quy định". Mục đích đọc sách sẽ chi phối toàn bộ quá trình đọc sách. Xác định được mục đích đọc sách sẽ giúp các bạn tránh được đọc tràn lan, tốn công sức và thời gian. Mục đích đọc còn giúp các bạn có cách đọc hợp lí, phù hợp với nhiệm vụ và thời gian có thể dành cho đọc sách.

    Xác định mục đích đọc sách là trả lời câu hỏi: "Đọc để làm gì?". Từ đó mới trả lời được câu hỏi: "Đọc sách gì, chỗ nào, và đọc như thế nào?"

    Mục đích đọc sách còn quyết định cả phương hướng khai thác vấn đề trong cùng một cuốn sách. Ví dụ, khi đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, có bạn yêu thơ thì tìm những cách diễn đạt các sự vật, hiện tượng bằng thơ và những câu thơ lục bát hay; có bạn tìm hiểu cuộc đời nàng Kiều và cốt truyện; có bạn lại qua đó mà hiểu biết đời sống văn hoá, phong tục, tập quán, lễ nghi phong kiến; có bạn lại đi tìm sự phê phán những định kiến và luật lệ đã áp bức người phụ nữ... Vì vậy, xác định rõ mục đích đọc sách là việc làm quan trọng trước tiên đối với mỗi người chúng ta. 

    Bước 2: Tìm hiểu địa chỉ cuốn sách. 

    Bạn đọc hai trang đầu và trang cuối của cuốn sách để biết: 

      - Tên cuốn sách. 
      - Tên tác giả. 
      - Tên nhà xuất bản. 
      - Năm xuất bản. 
      - Lần xuất bản. 

    Bạn không nên xem thường thao tác này. Những thông tin trên đây sẽ giúp bạn rất nhiều. 

    Bạn vừa đọc xong một quyển sách hay, bạn gặp một người bạn thân và trò chuyện huyên thuyên với người bạn này về quyển sách đó. Nhưng khi người bạn hỏi tên quyển sách và tên tác giả để bạn đó tìm đọc, thì bạn lại không nhớ, không trả lời được. Bạn có rơi vào tình trạng này bao giờ chưa? Nếu có thì chắc chắn là bạn đã bỏ qua thao tác tưởng chừng vô ích ở trên rồi đó. 

    Không chỉ vậy, những thông tin này còn rất tiện lợi khi bạn đi mua sách và tìm sách trong thư viện. Bạn sẽ cung cấp những thông tin về quyển sách bạn cần tìm cho nhân viên nhà sách hoặc người thủ thư, và họ sẽ giúp bạn tìm quyển sách đó một cách dễ dàng. Đứng trước những kệ sách với không biết cơ man nào là sách, mà không có được những thông tin trên, thì làm sao bạn có thể nào tìm được quyển sách bạn cần. Phải không bạn? 

    Bước 3: Xem mục lục. 
    Mục lục cuốn sách phản ánh dàn ý chung và đơn giản của nội dung, đôi khi còn phản ánh cả dàn ý logic của nó. Bước này giúp bạn giải đáp được câu hỏi: "Cuốn sách có những nội dung gì, theo trật tự nào?". 

    Bước 4: Xem lời giới thiệu, lời tựa, lời nói đầu. 

    Bạn đọc lời giới thiệu hay lời tựa để biết cuốn sách đề cập đến vấn đề gì, đối tượng nào sử dụng cuốn sách có ích hơn cả và phương pháp đọc có hiệu quả. 

    Lời nói đầu do tác giả cuốn sách viết. Qua lời nói đầu, bạn dễ dàng hiểu được ý đồ của tác giả, hình dung được một cách khái quát vấn đề cơ bản được đề cập và tác dụng; mục đích của cuốn sách mà tác giả mong muốn; biết vấn đề quan trọng nhất cuốn sách sẽ trình bày. Đôi khi, qua lời mở đầu, bạn còn thu lượm được cả lời khuyên của tác giả nên tìm hiểu và nghiên cứu cuốn sách như thế nào. 

    Bước 5: Xem lời kết luận và tóm tắt ở cuối sách. 

    Mục đích của việc xem lời kết luận và tóm tắt của cuốn sách là để thấy rõ nội dung cô đọng nhất, những kết luận chính và sự khẳng định của tác giả đối với những vấn đề đã trình bày. Đồng thời, qua lời kết luận và tóm tắt, bạn còn thấy vấn đề chưa được giải quyết đầy đủ, phương hướng phát triển tiếp tục của chúng. 

    Theo nguyên tắc, tác giả phải viết lời kết luận và tóm tắt ở cuối sách. Nhưng hiện nay không hiểu sao một số tác giả lại bỏ qua công việc này. 

    Bước 6: Đọc một vài đoạn. 

    Sau khi đã có được thông tin về nội dung và mục đích cuốn sách, bạn sẽ trực tiếp tìm hiểu vào nội dung bằng cách đọc qua một số đoạn, phát hiện những đoạn lí thú, có giá trị. Nhờ đọc qua một vài đoạn như vậy, những nhận định về nội dung cuốn sách sẽ dần được chính xác hoá, tạo điều kiện cho bước đọc sau. 

    Bước 7: Đọc thực sự (hay đọc đi sâu). 

    Để lĩnh hội được những tri thức cần thiết, đạt được mục đích đọc sách, bạn cần phải đi sâu nghiên cứu cuốn sách. Công việc này đòi hỏi bạn phải có kĩ thuật đọc. Kĩ thuật đọc là năng lực chiếm lĩnh tri thức và trình độ kĩ năng đọc của bạn. Kĩ thuật đọc phụ thuộc vào mục đích đọc, thể hiện ra bằng cách đọc. Sau đây là một số cách đọc, bạn có thể tham khảo và lựa chọn theo mục đích đọc của bản thân. 

        Đọc lướt qua: Nhằm khái quát những khái niệm ban đầu và nội dung của nó trong cuốn sách. Với những bạn có năng khiếu, chỉ bằng cách đọc lướt đã nắm được điều cốt yếu nhất như ý chính, sự việc chính... Khi đọc lướt, có thể bỏ qua một số trang, đoạn nào đó, hoặc dừng lại ở một số trang, đoạn nào đó. Cách đọc này sử dụng khi đọc để tìm hiểu một vấn đề nào đó đã được chuẩn bị, cần làm rõ thêm, khẳng định thêm; hoặc tìm những cách diễn đạt khác nhau cho một vấn đề nhất định. 

        Đọc có trọng điểm (hay đọc từng phần): Là cách đọc từng đoạn, từng phần đã được lựa chọn từ trước nhằm tập trung sức lực và thời gian cho những nội dung cần thiết, cho một công việc đã được chuẩn bị. 

        Đọc toàn bộ nhưng không nghiền ngẫm kĩ: Cách đọc này nhằm khái quát toàn bộ cuốn sách chứ không đi sâu vào những nội dung cụ thể. Khi đọc không bỏ qua trang nào cũng không dừng lại suy ngẫm ở nội dung nào mà chỉ nắm xem, điều đó đã được bàn tới, và bàn ở mức độ nào. Với các cuốn sách ta chưa biết xu hướng, tư tưởng, giá trị... cũng có thể đọc theo cách này. 

        Đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách: Đây là cách đọc quan trọng nhất, cần thiết nhất trong tự học để lĩnh hội đầy đủ nội dung cuốn sách. Từng nội dung, từng vấn đề được xem xét tìm hiểu cặn kẽ, có đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm và những cuốn sách khác về những vấn đề đã được đề cập trong dó. Những nội dung tư tưởng của cuốn sách được người đọc đánh giá, phê phán và hiểu đầy đủ, sâu sắc. 

        Đọc thụ động: Cũng với cách đọc toàn bộ hay đọc lướt, nhưng người đọc hoàn toàn theo sự dẫn dắt của tác giả, chấp nhận hoàn toàn, lấy đó làm những tín điều; nhìn nhận và xem xét vấn đề bằng con mắt của tác giả. 

        Đọc chủ động: Là cách đọc mà khi xem xét những tư tưởng cuốn sách đề cập, người đọc luôn đối chiếu, đánh giá nó. Mọi sự chấp nhận hay phản đối đều được người đọc dựa trên cơ sở sự đánh giá, đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm; được nhận thức theo thế giới quan, tình cảm của mình. Từ những nhận thức đó mà rút ra những kết luận cần thiết cho bản thân người đọc. 

        Đọc nông: Chỉ khai thác nội dung, tư tưởng cuốn sách ở trình độ chấp nhận hoặc có phê phán chung chung mà chưa thể hiện được sự nghiền ngẫm cuốn sách một cách thấu đáo. Khi đọc những cuốn sách giải trí thì cách đọc này là phù hợp, đỡ tốn công sức. 

        Đọc sâu: Là cách đọc đòi hỏi phải nghiền ngẫm sâu sắc nội dung cuốn sách để hiểu cặn kẽ, lĩnh hội có phê phán những tư tưởng mà cuốn sách đề cập. Đây cũng là cách đọc quan trọng được sử dụng trong tự học. 

    Mỗi cách đọc sách trên đây có thể đáp ứng cho những mục đích đọc và loại sách khác nhau. Với các loại sách khoa học và kĩ thuật, đọc với mục đích học tập, nghiên cứu phải đọc một cách chủ động, nghiền ngẫm sâu sắc, đi sâu vào nội dung từng vấn đề trong sách. Như vậy, càng thấy rõ, bạn cần có mục đích đọc sách rõ ràng trước khi bắt tay vào đọc. 

    Đọc sách khoa học nhằm mục đích học tập, nghiên cứu, bạn không chỉ đọc một lần, mà có khi phải đọc nhiều lần mới đạt được mục đích đã đề ra. Vì vậy, người ta còn chia việc đọc ra thành đọc lần đầu và đọc đi sâu. 

    Đọc lần đầu chỉ giúp bạn có những cơ sở định hướng cho các lần đọc đi sâu đạt kết quả. Chính từ kết quả đọc lần đầu, bạn có thể thấy được nội dung quan trọng và cần thiết với mình, lần đọc sau bạn chỉ cần chú tâm vào đó. Mỗi lần như vậy lại khám phá sâu thêm nội dung cuốn sách, xác định điều cần tìm hiểu cho lần đọc đi sâu sau, thu hẹp dần phạm vi đọc. Cứ như vậy cho tới khi bạn thấu hiểu cuốn sách, hoàn thành mục đích đọc thì việc đọc đó mới dừng lại. V.I. Lenin đã khuyên chúng ta: "Sau lần đọc đầu tiên phải ghi lại những chỗ chưa hiểu hoặc chưa rõ ràng để trở lại đọc lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư...".


    Ngoài ra, bạn cần phải: 

    Tích cực tư duy khi đọc: 

    Đọc sách mà không tư duy tích cực thì chỉ làm phí tổn thời gian vô ích. Tích cực tư duy khi đọc là luôn hình dung những ý tưởng trong sách thành những biểu tượng, hình ảnh trong đầu; đối chiếu, so sánh chúng với nhau và với những hiểu biết đã có. Từ đó mà phát hiện được cái chủ yếu, cái không chủ yếu; cái bản chất và không bản chất, rút ra được kết luận cho bản thân mình. Trên cơ sở đó, bạn sẽ có cái nhìn mới, cái nhìn toàn thể dưới góc độ mới và chất lượng mới. 

    Đọc có tư duy tích cực là qua đó phải rút ra được điều gì từ nội dung cuốn sách, bổ sung hiểu biết gì, kinh nghiệm gì cho bản thân. Cần tránh lối đọc một chiều, lười suy nghĩ, lười ghi chép; đọc thụ động, chấp nhận tất cả, học thuộc máy móc.

    Nếu bạn luôn tích cực tư duy khi đọc, bạn sẽ cảm thấy bạn thực sự "lớn lên" qua mỗi trang sách. 

    Tập trung chú ý cao độ khi đọc sách: 

    Tập trung chú ý là nỗ lực, cố gắng định hướng toàn bộ tâm trí một cách liên tục vào việc đọc nhằm suy nghĩ thấu đáo, tư duy tích cực và ghi nhớ nhanh những điều rút ra khi đọc. Đây là việc khó, đòi hỏi ở bạn một sự say mê, có nghị lực và mục đích thật rõ ràng. 

    Bạn đừng suy nghĩ tản mạn ra khỏi nội dung cuốn sách; đừng để ý tới những chi tiết vụn vặt như lối in ấn, câu chữ... 
    Cố gắng không để những công việc khác, những tác động bên ngoài làm xao nhãng quá trình tư duy trong khi đọc. 

    Khi gặp vấn đề khó hiểu thì đừng nản. Hãy cố gắng suy nghĩ hoặc ghi lại để tìm hiểu sau. 

    Làm được như vậy thì việc đọc mới có hiệu quả. 

    Rèn luyện để có kĩ thuật đọc hợp lí: 

    Kĩ thuật đọc sách bao gồm từ khâu tổ chức, xác định phương pháp đọc và các thao tác đọc. Khâu tổ chức đọc sách trước hết là sự bố trí, sắp xếp và bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho việc đọc có kết quả. 

    - Bạn nên cố gắng chọn nơi đọc sách thích hợp để có thể tập trung tư tưởng cao và liên tục. 
    - Tránh những nơi ồn ào, ánh sáng luôn thay đổi hoặc quá tối tăm. 
    - Nơi đọc sách cũng cần thoáng mát, sạch sẽ và gọn gàng. 
    - Không nên đọc sách trong tư thế nằm, dễ ảnh hưởng đến trí nhớ. Tốt nhất là đọc tại bàn viết, ngồi thoải mái, để sách vừa tầm mắt. 
    - Bút, vở ghi chép và các dụng cụ cần thiết khác để bên cạnh, sao cho khi cần có thể lấy được ngay. 

    Khi đọc, bạn cần lưu ý một số điểm sau: 

      - Đọc bằng mắt và óc chứ không đọc bằng miệng. 
      - Tránh đọc nhảy trở lại quá nhiều. 
      - Chuyển động mắt theo chiều thẳng đứng khi đọc. 
      - Đọc với tốc độ biến đổi: Đoạn nào quan trọng thì đọc chậm, đọc kĩ; đoạn nào không quan trọng thì đọc nhanh, đọc lướt. 
      - Cố gắng hiểu ý nghĩa của cả đoạn văn, đừng để ý đến từ, đến câu. 
      - Tập đọc nhanh, nắm và thâu tóm nhanh cái chủ yếu, cái cơ bản của vấn đề trình bày trong sách. 

    Bạn nên rèn luyện thường xuyên, nâng dần tới tốc độ đọc hợp lí. V.I. Lenin đọc sách như giở sách mà vẫn nắm đầy đủ và sâu sắc nội dung cuốn sách. Bạn cần cố gắng từng bước để có thể đưa mắt trên trang sách và chụp ngay được cái hồn của cả một đoạn.

    Cần tập phán đoán khi đọc. Nếu có mục đích đọc để giải quyết hay khẳng định điều gì đó thì chỉ cần lướt mắt tìm tới chỗ viết về cái đó.

    Tuy nhiên, cần hiểu là, đọc nhanh không phải là đọc vội vàng, ngốn ngấu sách. Đọc như vậy chỉ có hại. Đọc nhanh là tóm lấy thật nhanh, thật đúng và đủ nội dung, chứ không phải đưa mắt nhanh trên những câu chữ. 

    Để rèn luyện tốc độ đọc, bạn lấy một cuốn sách, chọn một trang, hay một phần trọn vẹn rồi đọc thật nhanh một lượt. Vừa đọc, vừa cố tóm lấy nội dung của nó. Sau đó, suy nghĩ xem, nội dung của nó như thế nào. Làm lại lần nữa nhằm xác định xem nội dung vừa tóm được ở lần đọc trước đã đầy đủ chưa, chính xác chưa. Lần sau, hãy cố gắng nâng cao tốc độ đọc hơn lần trước. Đọc vài ba lượt như vậy cho tới khi khẳng định nắm được đầy đủ và đúng nội dung của phần đã đọc. 

    Bằng cách đó, bạn vừa nâng dần được tốc độ đọc, vừa kiểm soát được chất lượng đọc tương ứng với tốc độ đó. Khi đã có tốc độ đọc vừa ý, bạn cần thường xuyên rèn luyện, thường xuyên đọc sách để kĩ năng đã rèn luyện được không bị mai một đi. 

    Ghi chép một cách khoa học những điều đã đọc: 

    Đọc sách có hiệu quả thể hiện ở kết quả ghi chép. Đọc sách không thể thiếu ghi chép. 
    Ghi chép trong khi đọc sách sẽ động viên được sự chú ý, giảm mệt mỏi. 
    Ghi chép còn giúp các bạn kiểm tra mức độ lĩnh hội tài liệu, tạo cơ sở để ghi nhớ những kiến thức đã tiếp thu. 
    V.I. Lenin có trí nhớ tuyệt vời, nhưng người luôn ghi chép đầy đủ những điều đã đọc, đã nghĩ. 
    D.I. Mendeleev nói: "Ý nghĩ không được ghi chép lại chỉ là một kho báu bị giấu biệt". 
    Ghi chép lại để sau đọc lại một cách ngắn gọn mà đầy đủ chứ không lặp lại công việc đã làm là đọc lại cả cuốn sách. 

    Chú ý: Phương pháp này rất hiệu quả nhưng không nên áp dụng một cách máy móc phương pháp này. Phương pháp đọc sách chỉ có thể hình thành và phát triển trên cơ sở sự tìm tòi nỗ lực, rút kinh nghiệm của bản thân các bạn trong quá trình đọc. Nếu các bạn không đọc thì không bao giờ tìm được phương pháp cả.
    Theo chuvanan.org



    10 CÁCH ĐỌC SÁCH NHANH

    Sau đây là mười “quy tắc vàng” để giúp bạn đọc nhanh hơn”:


    Quy tắc 1: Đọc không lùi lại. Dù bài về khoa học kỹ thuật khó đến đâu cũng chỉ đọc một lần. Không được chuyển động mắt trở lại. Chỉ khi đã đọc xong và suy nghĩ về những điều đã đọc, mới có thể đọc lại bài nếu như thật cần thiết.


    Quy tắc 2: Đọc và hiểu thông tin theo khối thuật toán tích hợp. Phải thường xuyên nhớ nội dung của từng khối. Trong quá trình đọc, hãy tìm cách trả lời những câu hỏi tiêu chuẩn đề ra cho mỗi khối của thuật toán.


    Quy tắc 3: Đọc không phát thành tiếng. Đọc mà phát âm là kẻ thù của việc đọc nhanh. Hãy thực hiện các bài tập và gõ nhịp để nhịn phát âm. Khi thấy tốc độ đọc bị giảm cần phải luyện lại.


    Quy tắc 4: Chuyển động mắt theo chiều thẳng đứng khi đọc. Khi đọc, mắt di chuyển theo chiều thẳng đứng từ trên xuống dưới, theo dòng tưởng tượng đi từ giữa trang giấy. Hãy tập phát triển thói quen nhìn ngoại vi. Hãy đọc báo có cột hẹp, rồi đọc sách, sơ bộ vạch đường ở giữa trang bằng bút chì. Phấn đấu đọc một trang chỉ trong 10 – 15 giây, cố hiểu được nội dung chung. Tuỳ mức độ thành thục trong việc di chuyển mắt mà chuyển sang đọc hiểu cả trang sách chỉ trong 30 giây.


    Quy tắc 5: Tập trung tư tưởng thật cao độ khi đọc. Tập trung là chất xúc tác của quá trình đọc. Đọc nhanh lại càng đòi hỏi tập trung trí não với cường độ cao hơn để tư duy và nắm bắt vấn đề nhanh hơn.


    Quy tắc 6: Hiểu những điều đã đọc trong quá trình đọc. Khi đọc cần làm rõ các từ khoá, các điểm tựa suy lý, tức là các điểm tựa để hiểu bài và nhận thức vấn đề. Nhớ rằng khi đọc là quá trình tìm kiếm và xử lý ý tưởng và ý nghĩa.


    Quy tắc 7: Áp dụng các cách nhớ chủ yếu trong khi đọc. Mục đích của việc đọc để nhớ. Nhớ cái gì tuỳ theo mục đích đọc cần thiết của mình và chỉ nên nhớ những gì hiểu được. Không cần nhớ từng câu, từng chữ nhưng phải nhớ ý tưởng và ý đồ của tác giả cuốn sách.


    Quy tắc 8: Đọc với tốc độ biến đổi. Biết đọc với các tốc độ khác nhau cũng rất quan trọng. Có chỗ chỉ cần đọc lướt qua, song có trang thì nên đọc chậm lại để hiểu được thực chất vấn đề. Hãy biết chọn cách đọc cần thiết, đúng lúc và đúng chỗ.

    Quy tắc 9: Phải thường xuyên luyện tập, củng cố không ngừng thói quen đọc.

    Quy tắc 10: Đặt tiêu chuẩn đọc mỗi ngày 2 tờ báo, 1 tờ tạp chí và khoảng 50 đến 70 trang sách.

    Làm được 10 điều như vậy, sau một thời gian ngắn chắc chắn bạn sẽ là người đọc sách báo nhanh hơn và hiệu quả hơn rất nhiều người.

    Nguồn: sangtaovietonline.com



































































    Đọc sách như thế nào để hiệu quả?

    Photo: Andreas Praefcke

    Cũng không phải là dân chuyên đọc sách gì cho lắm, nhưng kệ, cứ viết đại đi biết đâu có người tìm được ý gì đó hay ho cho cái sự “đọc”.
    “Đọc sách là được trò chuyện với những người thành đạt của các thế kỷ” – Decartes
    Nhớ ngày trước Tôi có bài viết “Đọc sách chẳng phải chuyện dễ dàng” đã nói tới vấn đề cần thiết của việc đọc sách nên giờ chỉ đề cập tới cách đọc sách của bản thân.
    Mỗi người yêu thích một thể loại sách khác nhau, có người thích tác phẩm văn học – tiểu thuyết – truyện ngắn, có người lại thích các cuốn sách về kỹ năng sống – nghệ thuật sống, có người lại muốn đọc sách kinh tế – làm giàu, có người lại yêu thích triết lý cuộc sống, người khác lại đam mê truyện tranh….
    Mỗi loại sách yêu cầu người đọc có những cách khác nhau, hay ít nhất là sự điều chỉnh tương ứng. Vậy nên nó khó hơn hẳn so với bài viết về cách học Toán của cô học trò cấp 2.
    Đối với thể loại  truyện ngắn – tiểu thuyết : Chúng ta đọc đôi khi vì giải trí, vì những tình tiết câu chuyện. Tôi thì không đọc nhiều những thể loại này cho lắm, hầu hết những tiểu thuyết ngôn tình thì  đọc mấy chương đầu rồi chuyển sang chương cuối, nếu diễn biến hấp dẫn thì có thể đọc hết cuốn…
    Còn đối với tác phẩm văn học hay và dân chuyên về văn học, thích viết lách thì họ tập trung vào cách sử dụng ngôn từ, cách hành văn để học hỏi,….đòi hỏi người đọc sách phải biết cảm thụ và biết cách đặt mình vào trong chính câu chuyện để hiểu được ý sâu xa của tác phẩm. Có cô bé từng viết cho Tôi thế này:
    “Văn” là “cảm” và “nhận”
    “Cảm” khi nhắm mắt lại và thấy mình như Billie đang để cơn gió, tia nắng ve vuốt làn da của thế giới thực. Khi siết chặt tay theo nỗi đau của Jennifer khi Jafub rời xa. Hay nhói lòng, se sắt với nụ cười giễu cợt của người cha của “Ba ơi, mình đi đâu?” …
    Thích một quyển sách, bài hát… hầu hết vì tìm thấy nét gì đó tương đồng với ta (dù là của hiện tại, quá khứ hay tương lai trông đợi). Không đồng cảm sẽ rất khó để sẻ chia.
    “Cảm” là sống cùng nhân vật.
    Những trang sách đưa em đi rất xa, đến những vùng miền thậm chí chưa từng nghe tên, có khi chị tồn tại trong tưởng tượng. Trang sách có thể đưa em đến cảm giác hạnh phúc bình an của cái nắng mùa hè, hay nỗi đau dai dẳng của những ngày xa cũ…
    Em “nhận” lại một tâm hồn rộng mở hơn, biết chan hòa yêu thương, biết quan tâm, chăm sóc. “Nhận” những niềm tin và an ủi, như những chàng tra, cô gái, ông bố, bà mẹ đó đang bên cạnh ôm lấy mình. “Nhận” thấy mình còn quá bé giữa dòng đời, rất mong manh và cũng vô cùng cứng cỏi.
    Đối với bản thân Tôi thì hiện tại việc đọc sách chủ yếu là tìm kiếm thông tin, nhưng biết đâu được một ngày nào đó chuyển sang cảm nhận văn học để viết lách. Và hầu hết những cuốn sách, rất hiếm khi Tôi nuốt hết từng chữ trong đó. Không phải cứ nuốt hết từng chữ trong một cuốn sách mới gọi là tốt. Quan trọng là ta tìm và thấy được thông tin trong đó. Kiến thức thì vô biên, còn cảm giác “đủ” của con người lại không giới hạn. Vậy đọc sách như thế nào mới hiệu quả?

    TRƯỚC HẾT, PHẢI NẮM BẮT ĐƯỢC TỪ KHÓA VÀ Ý CHÍNH

    Trong một cuốn sách thì chỉ có 20% là từ khóa, còn 80% còn lại không phải là từ khóa. Chỉ cần nắm bắt được 20% từ khóa thì chúng ta nắm bắt được ý cần hiểu. Chúng ta phải tìm ra những ý chính và đánh dấu chúng lại, nó sẽ giúp cho việc tăng tốc độ đọc, khả năng tập trung và nắm bắt thông tin để lĩnh hội kiến thức.

    HỌC CÁCH DI CHUYỂN ĐÔI MẮT

    Theo một nghiên cứu thì đôi mắt và bộ não có khả năng tiếp thu 2000 từ/ phút. Nhưng thực tế thì chúng ta chỉ mới tận dụng được khả năng khoảng 200 từ/ phút. Khi đọc sách thì chúng ta nên di chuyển mắt theo hướng từ trên xuống, không nên di chuyển theo hướng ziczac, và phải mở rộng tầm mắt đọc theo cụm từ.

    ĐỌC LƯỚT VÀ ĐỌC PHỤ LỤC TÌM THÔNG TIN CẦN THIẾT CHO MÌNH

    Không phải tất cả những kiến thức trong một cuốn sách đều cần thiết cho bạn ở thời điểm hiện tại, tất nhiên sẽ không phủ nhận nó là vô ích, nhưng bạn nên tập trung vào những ý cần thiết cho mình. Đặc biệt, nên đọc kỹ tóm tắt của từng chương – vì ở đó là cô đọng nhất kiến thức của toàn chương.

    LUÔN CÓ MỘT CUỐN SỔ VÀ CÂY VIẾT BÊN CẠNH

    Nhiều người giữ sách rất kỹ, quý sách như vàng, không bao giờ để cho sách có từng nếp gấp huống gì là viết lên đó, nhưng Tôi có một thói quen xấu là hay gạch bậy bạ lên sách, gạch lên những ý chính mà mình thấy hay và muốn nắm bắt. Và cũng hay viết những câu văn hay ra cuốn sổ nhỏ (Bạn có thể áp dụng cách này nếu bạn muốn giữ sách cẩn thận).

    ĐỌC SÁCH NHIỀU LẦN

    Kiến thức thì chẳng bao giờ thừa, với cùng một cuốn sách nhưng thời điểm đọc khác nhau chúng ta cũng sẽ cảm nhận và học hỏi được những điều khác nhau. Chính những nhận thức, kinh nghiệm và hiểu biết ở mỗi thời điểm hiện tại đôi khi không đủ để ta hiểu hết tất cả những giá trị trong sách. Bởi thế, không nên đọc những cuốn sách chỉ một lần duy nhất, đọc lại nhiều lần vừa củng cố được kiến thức đã nắm bắt hoặc đã quên, vừa tìm ra được những thông tin hay ho mới phù hợp hơn.
    Và quan trọng nhất chính là tạo cho mình thói quen đọc sách mỗi ngày. Xem sách là một người bạn thân mà mỗi ngày không gặp khiến ta luôn có cảm giác thiếu thiếu.
    P/S: Chỉ là những quan điểm của bản thân, sai lầm hay thiếu sót thì mong mọi người góp ý nhé.
    Trang Nguyễn
































    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét