Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

GIÁO DỤC NHÂN BẢN


1. Nhân bản là gì?
     Nhân bản là từ ngữ rất thông dụng, nhưng khó giải thích cho thỏa đáng và hiểu cho tường tận. Chúng ta có thể tạm hiểu:
   § Nhân là người, là nhân đức, nhân cách, cách sống của con người tốt.
   § Bản là gốc, căn bản, nền tảng, bản lề…
     Nhân bản là phong cách sống tốt, những nhân đức căn bản mà một con người cần phải có để xứng đáng là người hơn.


2.  Giáo dục nhân bản là gì?
     Đó là
 học làm người. Chúng ta phải học những gì để trở thành con người trưởng thành về mặt tinh thần cũng như thể chất, nhờ đó chúng ta có thể dễ dàng thành đạt trong đời sống xã hội, cũng như cuộc sống tâm linh, qua việc tập luyện các đức tính căn bản tốt đẹp mà mỗi người phải có. Làm người là mục tiêu trên hết và cuối cùng của cuộc sống tại thế của chúng ta. Chắc chắn không có niềm vui nào lớn lao hơn niềm vui của người đã dám từ bỏ tất cả lạc thú và vinh sang để có thể sống xứng đáng một con người, một người con Chúa.
3.  Các đức tính nhân bản cần phải học là gì?
     Đó là những gì giúp con người dung hòa giữa tinh thần và thể chất, giữa lý trí và bản năng hạ đẳng, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội… đều có thể được coi là đức tính nhân bản. Cụ thể như tác phong tốt đẹp: suy nghĩ chí chắn khôn ngoan, ý chí tự chủ, kiên quyết, tâm tính quân bình, điềm tĩnh, cư xử hài hòa, quảng đại vị tha. Chúng ta có thể tóm lại trong 8 đức tính sau đây:
 Cần – Kiệm – Liêm – Chính – Trí – Tín –Dũng – Nhân.


4.  Tầm quan trọng của giáo dục nhân bản:
   § Nhờ giáo dục nhân bản tức là việc tập luyện các đức tính tự nhiên, con người mới đạt được sự trưởng thành nhân bản, để xứng đáng là người hơn.
   § Sự trưởng thành nhân bản còn là nền tảng để xây dựng sự trưởng thành Kitô hữu bằng việc tập luyện các nhân đức Kitô giáo. Nhờ đó các Kitô hữu sẽ đạt mức độ trưởng thành Kitô hữu, được hoàn hảo, thánh thiện, trở nên giống Chúa Kitô, xứng đáng chức vị là Con Thiên Chúa.


5.  Phương pháp học làm người
     Có hai phương pháp giúp chúng ta học làm người:
     a.  Phương pháp của Benjamin Franklin:
     Ông Benjamin Franklin thiết lập một bảng danh sách gồm 13 đức tính và ông bảo rằng ông không có tham vọng thực hiện tất cả 13 đức tính ấy cùng một lúc, trái lại, ông phải chú trọng từng đức tính một. Khi nắm vững được một đức tính rồi, ông mới bắt đầu rèn luyện một đức tính khác và cứ như vậy lần lượt cho tới khi đạt được tất cả 13 đức tính.
     Quyết định thực tập như vậy rồi, ông còn nỗ lực tự kiểm hằng ngày. Phương pháp tự luyện của ông gồm 3 nét đặc thù là
: Cá thể, tiệm tiến  kiểm tra hằng ngày.
     b.  Phương pháp của linh mục Gaston Courtois:
     Linh mục Gaston Courtois là một nhà giáo dục thời danh của giới Công giáo Pháp, chủ trương một phương pháp như sau:
        –  Xét về phương diện cá thể: Chú trọng việc suy niệm về một đức tính, làm cho nó thấm nhiễm với trí óc, rồi mới tự vấn lương tâm xem mình đã, đang và sẽ thực tập đức tính đó như thế nào. Đồng thời, cổ vũ lòng hăng say bằng việc đọc một ít gương các thánh nhân hay danh nhân để biết các vị ấy đã thực hành các đức tính đó như thế nào. Và cuối cùng đem ra thực hành.
        –  Xét về phương diện tập thể: Thảo luận từng nhóm nhỏ sẽ làm triển nở những quan niệm mới mẻ, sâu sắc và thực tế về cách thực hành một đức tính.


6.   Áp dụng thực hành
     Gia đình là trường giáo dục các nhân đức nhân bản Kitô giáo. Cha mẹ cần phải tự rèn luyện các đức tính nhân bản, nhất là các đức tính nhân bản Kitô giáo, để dạy con bằng gương sống sẽ có kết quả hơn nhiều.
     –  Dạy con cái biết cầu nguyện: Chính đời sống cầu nguyện của gia đình giúp đức tin ngày càng sống động hơn, tác động trên lối sống và cách giáo dục con cái trong gia đình. Con cái được sống và lớn lên trong bầu không khí cầu nguyện, chúng sẽ biết sống với Thiên Chúa. Tôn thờ và yêu mến Chúa.
     –  Sự yêu thương chung thủy của cha mẹ là điểm tựa vững chắc nhất cho các tâm hồn trẻ thơ dễ bị thương tổn.
    –  Dành thời gian cho con cái. Vì con cái cần gần gũi bên cha mẹ và những giây phút êm đềm bên cha mẹ sẽ trở thành những kỷ niệm hạnh phúc khó quên của con cái.
     –  Biết quên lỗi lầm và tha thứ cho nhau. Sự tha thứ có năng lực chữa lành, sưởi ấm tâm hồn, tống khứ những nóng giận, cay đắng. Nên cha mẹ phải hướng dẫn gia đình biết mở rộng lòng tha thứ cho nhau.
     –  Hãy dùng lời lẽ cách khôn ngoan. Vì “Lời nói bừa bãi khác nào mũi gươm đâm, miệng lưỡi khôn ngoan lại chữa trị cho lành” (Châm ngôn 12,18). Hãy cố gắng nói những lời khích lệ và xây dựng nhau, đừng tấn công hay xỉ vả con cái mình.
     –  Sau cùng, hãy đặt Chúa Giêsu vào trung tâm gia đình, để nhờ ơn Chúa chúng ta học sống theo gương Chúa, gia đình ngày một yêu thương nhau, biến thành tổ ấm, mọi người trong gia đình đều cảm nghiệm được tình thương và sự nâng đỡ lẫn nhau. “Người hạnh phúc nhất là người tìm thấy được sự bình an trong mái ấm gia đình của mình”. Triết gia Geothe đã cảm nghiệm như thế.
 
Lm. JB. Võ Văn Ánh
( Gx Mông Thọ)