Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ THIẾU NHI (5)


IV
PHONG TRÀO CỦA CHÚNG TA

I.              SỨ MỆNH CỦA PHONG TRÀO.
Sứ mệnh của Phong trào không tách rời khỏi sứ mệnh của Giáo hội. Trái lại, nó tham dự vào một cách sâu xa, chặt chẽ.

Sứ mệnh của Giáo hội chính là loan báo Chúa Giê su Ki tô và tỏ bày sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn mọi người và trong thế giới. Tin Mừng phải được loan báo cho mỗi người trong những điều kiện cụ thể của cuộc sống, giàu, nghèo, có ân sủng hay tội lỗi. Mỗi người được tự do theo ý muốn đáp lại tiếng gọi của Chúa. Nhận Chúa Ki tô, đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, cũng chính là nhận anh em, giúp họ, đến lượt họ, cũng đáp lại tiếng gọi đó.
Chính Giáo hội giúp loài người nghe tiếng gọi đó và trả lời :
_ Giáo hội là trung gian giữa Thiên Chúa và mỗi người,
_ Giáo hội chính là Chúa Giê su Ki tô hiện diện giữa mọi người.

A.- PHONG TRÀO THỰC HIỆN GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI TRẺ CON : CHÍNH CHÚA GIÊ SU KI TÔ HOẠT ĐỘNG TRONG THẾ GIỚI TRẺ CON BẰNG CHÍNH TRẺ CON.
            Để đạt tới đó, Phong trào đồng thời chủ trương tất cả:
+ giúp trẻ em NẢY NỞ, thật sự là những TRẺ EM HẠNH PHÚC;
+ giúp trẻ em LÀM CHỨNG bên cạnh các trẻ em khác nơi chúng sống và KI TÔ HÓA tất cả cuộc sống giữa trẻ em với nhau;
+ giúp trẻ em tùy khả năng Ý THỨC những việc chúng làm chính là HÀNH ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI.
            Chúng ta nhắc lại ba điểm đó kế tiếp nhau.
1)    GIÚP TRẺ EM NẢY NỞ, THẬT SỰ LÀ NHỮNG ĐỨA TRẺ HẠNH PHÚC:
Chúng ta có hồn có xác. Tất cả hữu thể của chúng ta được Chúa kêu gọi. Tất cả con người được ràng buộc vào Chúa.
Sự phát triển của một hữu thể, sự nảy nở các năng lực của nó thiết cần cho sự thành công đời nó.
“Ân sủng không tái tạo bản tính, ân sủng nâng nó lên trên chính nó bằng cách khai thác các tài nguyên gặp thấy nơi nó. Trừ ra phép lạ, còn thì một con người ti tiện không bao giờ trở nên một đại ki tô hữu” (P.Sage).
Vì thế Phong trào phải giáo dục các giá trị người của trẻ em. Sự nảy nở trí tuệ, tâm hồn, ý chí đứa trẻ, tất cả những gì Thiên Chúa đã gieo mầm trong nó, không phải, cũng không thể là là cái gì tùy tiện, tạm bợ. Phong trào phải giúp mỗi đứa trẻ phát triển trong nó thiên chức làm người của nó. Làm như thế, Phong trào chuẩn bị các trẻ em đáp lại tiếng Chúa gọi cách hoàn hảo hơn. Tất cả sự nảy nở về con người đem đứa trẻ tiến lên gần Chúa và làm cho nó càng thêm sẵn sàng cho ân sủng hoạt động mà nó đã tiếp nhận khi chịu phép rửa tội hoặc nó được gọi tiếp nhận 
Việc huấn luyện người đó được thực hiện phụ thuộc vào cái nhìn sâu xa, cái khái niệm ki tô giáo của chúng ta về con người trong kế hoạch của Thiên Chúa .
Một nền giáo dục Ki tô giáo chân chính hướng dẫn đứa trẻ kết hợp chặt chẽ với Đức Ki tô và yêu thương những người khác trong đức Kitô. Hai chiều hướng đó không thể tách rời nhau.
“Nếu ai nói rằng: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh em hắn, là kẻ nói dối. Ai không yêu thương anh em mà hắn thấy, cũng không yêu mến Thiên Chúa mà hắn không thấy. Phải, đó là chỉ thị chúng ta đã nhận lĩnh nơi Ngài: là ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (I Gioan IV, 20).
+ Vì thế, Phong trào chủ trương giúp mỗi đứa trẻ tự bản thân đáp lại, hoàn toàn tự do, tiếng gọi của Chúa, tiến lên theo nhịp điệu riêng trong ơn gọi của nó.
+ Phong trào đồng thời cũng chủ trương giúp nó yêu thương những người khác, hết thảy những người khác tự nhiên nó gặp, “như Chúa Giê su đã yêu thương chúng ta”, nghĩa là sống trong bác ái.
            Việc giáo dục đó hướng dẫn trẻ em hành động và phản ứng với tư cách ki tô hữu trong những chi tiết của nếp sống hằng ngày.
2)    GIÚP TRẺ EM LÀM CHỨNG BÊN CẠNH CÁC TRẺ EM KHÁC NƠI CHÚNG SỐNG VÀ KI TÔ HÓA TẤT CẢ CUỘC SỐNG GIỮ TRẺ EM VỚI NHAU:
Ở khắp nơi, khắp năm châu bốn bể, trẻ em sống, chúng tự động tổ chức với nhau.
Giáo dục như chúng ta vừa phác họa đưa trẻ em đến chỗ tăng thêm giá trị bản thân, lớn khôn lên, cởi mở với những người khác, tiếp đón họ, trở nên động lực trong những môi trường chúng sống.
+ Các trẻ em sống phù hợp thêm với Phúc âm như thế, đối với những người chung quanh là một bằng chứng sống của Chúa Ki tô. Chúng là một câu hỏi cho những người khác.
+ Bằng hoạt động hăng say và được nâng đỡ bởi những phương tiện khác nhau mà Phong trào đem lại cho, chúng có thể ảnh hưởng sâu xa đến những nhóm khác nhau mà chúng tham gia, ki tô giáo hóa từ bên trong những nhóm đó, nghĩa là cho Đức Ki tô hiện diện thêm và hành động bằng bầu khí vui tươi, thân hữu, bác ái mà chúng góp phần gây nên.
            Đấy thật là Giáo hội hiện diện, một hành động Giáo hội mà chúng xác định như thế. Là những chứng nhân thật của Đức Ki tô trong thế giới trẻ con, chúng làm cho Nước Chúa tiến triển trong thế giới đó.
3)    GIÚP TRẺ EM TÙY KHẢ NĂNG Ý THỨC NHỮNG VIỆC CHÚNG LÀM ĐÃ LÀ HÀNH ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI.
Trẻ em có khả năng theo đuổi một việc tông đồ vừa tầm vóc chúng.
Điều quan hệ là giúp chúng khám phá dần dần ý nghĩa và giá trị việc chúng làm. Để bằng chứng của chúng đạt được tất cả sự phong phú của nó, nó cần phải bằng cách này hay cách khác dễ thấy, rõ rệt đối với những ai nó muốn nhằm.
Vì thế, trẻ em cần phải được sự giúp đỡ khám phá Chúa Giê su Ki tô hiện diện trong cuộc sống, ở giữa cuộc đời chúng. Chúng cần phải ý thức nhân danh những ai và cho những ai mà chúng hành động, để đến lượt họ, họ có thể cũng tuyên bố như thế. Thế giới trẻ con sẽ được giảng Phúc âm tùy theo mức độ chính trẻ em, những ki tô hữu ý thức, mạc khải Chúa Giê su Ki tô cho.

Những nhóm trẻ em, nhờ hành động cải tạo của chính chúng, có thể trở nên những cộng đồng thật sự, tiến bộ trong đức Tin, Cậy, mến. Những tế bào đích thực của Giáo hội, giúp trẻ em khám phá theo tầm vóc chúng. Giáo hội sống và hoạt động.

B.- PHONG TRÀO CŨNG GIÃI BÀY CHO GIÁO HỘI BIẾT THẾ GIỚI TRẺ CON.
          
         Để có thể suy nghĩ và tổ chức Mục vụ, Giáo hội cần biết rõ thêm về cuộc sống các cá nhân. Một phong trào như phong trào của chúng ta phải thường xuyên đem lại những gì nó ghi nhận về cuộc sống trẻ em.
          
           Trẻ em có thể phát biểu trực tiếp một cách khó khăn. Phong trào có phận sự tự đảm nhận làm phát ngôn viên của chúng, nói nhân danh chúng, đòi hỏi cho chúng.
+ PHONG TRÀO PHẢI MẠC KHẢI THẾ NÀO LÀ TRẺ EM: những phong phú, những yếu hèn. Phong trào cũng phải bày tỏ trước mặt mọi người trẻ em có khả năng thế nào, chúng làm được gì theo trình độ của chúng để Chúa trị đến.
+ PHONG TRÀO PHẢI GIÚP CÁC THANH NIÊN, NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH Ý THỨC VỀ SỰ GIÚP ĐỠ họ có bổn phận đem đến cho trẻ em, bằng một hoạt động trực tiếp bên cạnh chúng hoặc bằng một hoạt động hữu ích cho chúng.
+ PHONG TRÀO PHẢI LÀ LỜI KÊU GỌI THƯỜNG XUYÊN GỬI ĐẾN GIÁO HỘI để người ta lưu tâm đến trẻ em, suy tư đến tình trạng của chúng, tìm tòi những giải pháp thích đáng…
+ PHONG TRÀO PHẢI GIÚP CÁC THANH NIÊN, NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH ĐẶT VÀO KINH NGUYỆN CỦA HỌ, phép Thánh Thể, toàn bộ cuộc sống của trẻ em.

            II.- NHỮNG Ý - LỰC:
            Trẻ em cần phải biết chúng thuộc về “Đức Ki tô”, chúng đã dấn thân theo Chúa, cùng với Chúa. Chúng cần ý thức toàn thể chúng là Giáo hội trên đường tiến và chúng có thể đặt tin tưởng vào sức mạnh của người, đồng thời đem lại cho người cái động lực của chúng. Đó là một lý tưởng cao cả, mà hoạt động trong Phong trào sẽ giúp khám phá sức mạnh cảm kích. Trẻ em cần phải khám phá ra rằng với những trẻ khác, đông đảo, chúng xây dựng một Phong trào của Giáo hội, chúng là Phong trào đó, chúng là Giáo hội.
            Những điều trên đây được thực hiện nhờ những phương tiện sẽ nói sau, quy tụ vào ba ý tưởng trung tâm, gọi là những ý lực:
            _ Thiên Chúa là CHA chúng ta. Chúng ta là con cái Chúa. Ngài gọi chúng ta tham dự vào sự sống thần linh của Ngài. Đấy là lý do khiến chúng ta VUI TƯƠI : GIÁNG SINH.
            _ Thiên Chúa gửi xuống cho chúng ta CON Ngài, Đức Ki tô đến cứu vớt chúng ta. Chúng ta tham dự vào sứ mệnh cứu chuộc của Ngài. Việc này đòi chúng ta phải can đảm, mạnh mẽ, HÙNG DŨNG : PHỤC SINH.
            _ Hết thảy chúng ta hợp nhất với nhau nhờ THẦN LINH của Ngài. Cùng với hết thảy bạn bè, cùng với mọi người, chúng ta xây dựng Nước Chúa khắp nơi, trong lớp học, trong làng xóm, trong khu phố chúng ta… Chúng ta xây dựng trong tình yêu thương BÁC ÁI : HIỆN XUỐNG.
            Những ý tưởng đó thấm nhuần tất cả cuộc sống, tất cả hoạt động, các phương tiện của Phong trào. Chúng có thể cảm hứng cả các châm ngôn, khẩu hiệu… nhưng phải coi chừng đừng làm mất cái ý nghĩa sâu xa của chúng vì quá lạm dụng chúng như thế hay biến chúng thành cái gì quá bề ngoài. Chúng để lại những xác tín còn mãi suốt đời.
            Đức Cha Pierard (1) đã diễn tả các điểm này khi nói với những người hữu trách khắp thế giới trong cuộc Họp mặt Quốc tế Hùng Tâm Dũng Chí tại Paris tháng bảy 1962: “Chúng ta được phép vui mừng ghi nhận rằng cái tinh thần, các phương pháp, các tìm tòi, hoạt động của các Phong trào Hùng tâm tham gia vào những nổ lực của Giáo hội; đáp ứng những nhu cầu của thế giới; khi cổ võ một cách hữu hiệu từ sự ưng thuận bên trong của đức tin bước sang sự dấn thân bên ngoài bằng cách giúp trẻ em thắng vượt thế giới trẻ con của chúng và cả thế giới người lớn với tư cách những người đã lĩnh phép rửa tội vui tươi, những người đã chịu phép thêm sức anh hùng, những người anh em đang nổ lực yêu thương và phụng sự như Chúa Giê su đã yêu thương chúng ta”.
                        III.- PHONG TRÀO LÀ MỘT PHONG TRÀO TÔNG ĐỒ CẢNH VỰC.
_ MỖI ĐỨA TRẺ CÓ CUỘC SỐNG RIÊNG CỦA NÓ VỚI NHỮNG PHONG PHÚ, NHỮNG GIỚI HẠN:
            + Nó có một tuổi, một tính khí nào đó…
            + Nó sống trong một hoàn cảnh gia đình nào đó, trong làng xóm, trong khu phố, trong nội trú…
           + Nó chịu ảnh hưởng khác nhau của tập thể mà thế giới chúng ta đem lại cho nó: báo chí, truyền thanh, truyền hình, điện ảnh, quảng cáo, những luồng dư luận…
            + Nó sống những biến cố và những hoàn cảnh đụng chạm đến nó, gần hay xa…
            Nó sống tất cả những cái đó rất khác tùy ở nền giáo dục nó hấp thụ, tùy ở tâm trạng những người chung quanh nó, tùy ở môi trường nó tham gia.
_ NHỮNG NHÓM TRẺ EM TỰ PHÁT CŨNG ĐƯỢC ĐÁNH DẤU BỞI CHÍNH NHỮNG YẾU TỐ ĐÓ. Trẻ em gặp gỡ nhau thường thường do sự gần gũi: cùng trường, cùng xóm, cùng được hấp thụ một lối giáo dục…
            Vì thế, Phong trào chủ trương lúc thực hiện, phải quan tâm đến những môi trường xã hội của trẻ em, những cộng đồng sở tại, về văn hóa và tôn giáo mà chúng dự phần.
            Phong trào tự đặt mình trong hàng ngũ các Phong trào được gọi là “Tông đồ cảnh vực” hoạt động trên bình diện thanh niên và người trưởng thành bắt đầu đi từ những tiên kiến căn bản giống nhau.
            IV.- PHONG TRÀO NHẰM NHỮNG AI ?
            Các trẻ em đều bình đẳng trong kế hoạch của Thiên Chúa, thì các chúng không có lý do gì mà không thuộc phạm vi sứ mệnh của Phong trào :
+ chúng khỏe mạnh hay tàn tật,
+ ở bất luận môi trường, hoàn cảnh nào,
+ có học đạo hay không, ngoại giáo hay Ki tô hữu.
            Chắc hẳn cần phải châm chước, thích nghi, đặc biệt là đối với những em không công giáo, như sẽ nói rõ ở phụ lục I cuối tập này.
            CHÚNG TA CÓ THỂ TÓM TẮT TRONG MẤY TIẾNG BẢN CHẤT CỦA PHONG TRÀO KHI GỌI NÓ LÀ
+ MỘT PHONG TRÀO.
_ giáo dục, được thực hiện bằng phương thức một Phong trào thiếu nhi, như thế, bằng một cách độc đáo đối với các lực lượng giáo huấn khác, điều đó giả thiết một khoa sư phạm và một phương pháp thích hợp.
_ tông đồ, để cho chính trẻ em tham gia vào việc rao giảng Phúc âm cho thế giới trẻ con của chúng.
+ MỘT PHONG TRÀO
_ cho trẻ em khởi công hoạt động ngay từ giờ, từ hôm nay của cuộc sống trẻ con chúng :
            “Phong trào … lôi cuốn trẻ em làm việc tông đồ cảnh vực của chúng bằng sự luyện tập có tính cách giáo dục và đã có hiệu năng” (Đức Cha Garrone)
_ nhờ đó, chuẩn bị trẻ em ngày mai trở nên những thanh niên, những người trưởng thành chiến sĩ mà thế giới cần đến họ rất nhiều.


                                                                                             (Còn tiếp)
                                                                                            

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ THIẾU NHI (4)



D.- TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN.
            Đối với nhiều chiến sĩ, bản văn về tông đồ giáo dân có vẻ hơi rụt rè và hạn chế, phải công nhận như thế…
            Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, cũng phải công nhận như thế, một Công đồng định nghĩa sức mạnh của người giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới. Trước câu định nghĩa đó, chắc hẳn nhiều giáo dân đã làm việc trong Giáo hội, nhưng bậc giáo dân với tư cách ấy chưa được công nhận phổ quát.
            Bản văn định nghĩa sự hiện hữu đó cần được liên kết với sắc lệnh về Giáo hội, dân Chúa chúng ta đang có mặt đây, như chúng ta đã bàn, câu định nghĩa giáo lý về địa vị đó của giáo dân. Ở đây chỉ cần xác định thêm vai trò và sứ mệnh.

1)    PHẢI NGHỈ SAO VỀ THIÊN CHỨC TÔNG ĐỒ VÀ MỤC ĐÍCH NÓ ĐEO ĐUỔI?
a)    Bản chất thiên chức kitô hữu theo lời Công đồng là thiên chức làm tông đồ. Trong một thân thể, không một phần nào có thể thụ động. Nó phải làm việc cho thân thể nảy nở, chẳng vậy nó vô dụng.

b)   Trong Giáo hội có nhiều chức vụ nhưng sứ mệnh chỉ có một : như chúng ta đã nhắc, giáo dân được tham dự chức vụ tư tế, tiên tri và hoàng tộc của Đức Kitô, đảm nhận một chức vụ riêng và thiết yếu trong Giáo hội. Để xác nhận chức vụ đó, có thể nói được rằng làm việc cho công cuộc rao truyền Phúc âm và thánh hóa những người trong môi trường họ sống, đem tinh thần Phúc âm vào trật tự đời này và những cơ cấu của trật tự đó: sản nghiệp của sự sống và của gia đình, văn hóa, những thực thể kinh tế, nghề nghiệp và cả những cộng đồng chính trị. Tất cả đều có một giá trị bởi Chúa mà đến, nhưng tất cả đã bị tội lỗi và sai lầm làm dơ bẩn. Giáo hội muốn giúp loài người kiến tạo đúng đắn trật tự thế trần, để hướng người ta và nhân loại về với Chúa. Giáo hội muốn làm việc này bằng chính những người sống trong trật tự thế trần đó. 

c)    Sau cùng, sống giữa đời, giáo dân làm việc khác nào men trong bát, nhưng cũng phải xác nhận rằng họ chỉ có thể làm tròn nhiệm vụ đó nếu họ không tách rời sự kết hợp với Đức Kitô và cuộc sống của họ và làm tròn phận sự theo ý Chúa.

2)    NGƯỜI GIÁO DÂN HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ Ở ĐÂU ?
Trường hoạt động bao la và khác nhau. Công đồng nói đến những khu vực chính :
a)    Những cộng đồng giáo hội, đó là giáo xứ nơi liên kết với các linh mục của họ, giáo dân có thể nhất thống lại những cái khác nhau của con người, bằng phụng vụ, giáo lý, công cuộc tông đồ và truyền giáo, cả việc quản trị tài sản Giáo hội… và địa phận mà giáo xứ là một tế bào, để cùng với hàng giáo sĩ đảm nhận mục vụ chung.

b)   Rồi tất cả khu vực gia đình như là cung thánh của Giáo hội tại gia. Gương sáng và hoạt động của các phần tử Giáo hội quan hệ để minh chứng sự thánh thiện và bền chặt của hôn nhân, để xác nhận quyền lợi cha mẹ trong việc giáo dục, để trong đời sống các quốc gia phải đếm xỉa đến những đòi hỏi của gia đình, về nhà ở, việc giáo dục con cái, điều kiện làm việc, sự an ninh, và đôi khi, việc di trú.

c)    Khu vực thứ ba: môi trường xã hội. Bằng chứng tích và hành động, giáo dân phải gắng công lấy tinh thần kitô giáo thấm nhuần tâm trạng, phong tục, luật pháp và cơ cấu các cộng đồng xã hội. Họ phải giúp đỡ anh em ở những nơi làm việc, chức nghiệp, học hành, nhà ở, giải trí, tập thể địa phương… Làm tất cả với ý muốn, qua chứng tích và hành động đó, rao giảng Đức Kitô, vì nhiều người chỉ có thể nhận biết Ngài nhờ những giáo dân ở bên họ.

d)   Khu vực thứ bốn : khu vực quốc gia và quốc tế. Được vững vàng trong đức tin và học thuyết Ki tô giáo, ước mong rằng những giáo dân tham gia điều hành các công việc, các tổ chức quốc tế, để hoạt động cho công ích, để cải tiến các chế độ nhân văn theo Phúc âm để mở đường cho Phúc âm.

Ở đây có chỗ dành riêng cho giới trẻ. Hoàn cảnh đã biến đổi cuộc sống của giới trẻ, sự quan yếu của họ trong xã hội dành cho họ một chỗ đứng càng ngày càng lớn, sự hăng say tự nhiên thúc đẩy họ tiến đến các hoạt động và trách nhiệm, họ muốn là những người đảm nhận sinh hoạt xã hội và văn hóa. Cộng đồng nói rằng họ phải làm trong tinh thần Đức Kitô, trong sự vâng phục và yêu mến Giáo hội. Và chúng ta đi đến hai kết luận quan trọng :
_ “Giới trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên của giới trẻ, thực thi việc tông đồ bởi chính họ và ở giữa họ, tùy theo môi trường xã hội họ sống”.

Và kết luận thứ hai liên hệ đến tuổi thơ:
_ “Các trẻ em cũng có hoạt động tông đồ riêng của chúng. Tùy khả năng của chúng, chúng là những chứng nhân sống của Đức Ki tô giữa bạn bè chúng”.

3)    NHỮNG PHƯƠNG THỨC TÔNG ĐỒ NÀO ?
Công đồng nhắc tới sự phân biệt giữ tông đồ cá nhân  mà người Kitô hữu phải thực hiện khắp nơi, ở đâu người công giáo càng ít ỏi thưa thớt và tự do của Giáo hội càng nguy ngập, việc tông đồ ở đó càng cần, và tông đồ có tổ chức phù hợp với yếu kiện đạo giáo làm cho người Kito hữu thành những phần của một thân thể . Có đủ mọi tổ chức khác nhau : những tổ chức nhằm theo đuổi mục tiêu tổng quát của Giáo hội…. những tổ chức theo đuổi những mục tiêu giảng truyền Phúc âm và thánh hóa …. những tổ chức chuyên lo chấn hưng đạo giữa đời…. những tổ chức từ thiện và bác ái .

Công giáo tiến hành, theo bản tuyên ngôn, là một phương thức làm tông đồ có tổ chức, với bốn yếu tố đặc trưng :
-  mục tiêu: mục tiêu tông đồ của Giáo hội trong trách vụ giảng truyền Phúc âm và thánh hóa muôn người để họ có đủ tư cách đem tinh thần Phúc âm vào các cộng đồng và môi trường .
-  hợp tác với hàng giáo phẩm : trong khi hợp lực với giáo phẩm, người giáo dân lĩnh lấy trách nhiệm về các tổ chức, các công cuộc tìm tòi và hành động .;
-  hoạt động liên kết với nhau như một thân thể có tổ chức ;
-  hoạt động dưới sự chỉ đạo của giáo phẩm, giáo phẩm cũng có thể nhận thật sự hợp tác đó bằng một ủy nhiệm rõ rệt ;

     Với những đặc tính đó, các tổ chức cũng được kể là công giáo tiến hành dẫu có những cơ cấu  và danh xưng khác nhau tùy nơi và tùy các dân tộc .

4)    HUẤN LUYỆN LÀM TÔNG ĐỒ
Đối với chúng ta tiết mục này quan hệ, vì nếu trẻ em có khả năng làm tông đồ, thì đồng thời chúng  cũng cần phải tự luyện vào việc đó .
-       Việc đào luyện đó phải thực hiện ngay từ khi bắt đầu giáo dục . Những ai có nhiệm vụ giáo dục Kitô giáo thì cũng phải lĩnh trọng trách đào tạo tông đồ .

-       Phải thực hiện trong gia đình : mở lối, nghĩ đến những người khác, tập luyện sơ khởi làm tông đồ .

-       Phải thực hiện trong giờ giáo lý, trong các trường, các hội đoàn : phải khai tâm cho trẻ em về cuộc sống những kẻ khác , về cuộc sống các cộng đồng đạo và đời .

-       Sau hết phải theo đuổi mãi, vì việc tông đồ không phải chỉ để thực thi trong các đoàn hội, mà còn trong cả cuộc sống .

           Mấy ai có thể nghĩ rằng qua những văn kiện khác nhau đó, Công đồng cũng chẳng nói chi lắm đến chỗ đứng của trẻ em . Đúng thế, nhưng Công đồng không chú trọng đến chúng hơn những kẻ khác, với sự minh xác  này là chúng được giáo dục cùng lúc những khám phá và sống . Hình như phải giải thích các bản văn như thế mới đúng .

         Điều quan yếu phải ghi lại nơi đây như câu kết cho sự suy nghĩ này đó là Giáo hội cũng chính là trẻ em . Không phải chờ đến lúc trưởng thành, đến tuổi khôn, mà ngay từ giây phút chịu phép rửa tội, các trẻ em trở nên kitô hữu “trọn vẹn” đối với Giáo hội . Trong chúng, ân sũng ngự trị, trong chúng Thần linh sống động, hài lòng và hiển hiện trong sự thuần khiết, quảng đại, thơ ngây của chúng . Trong chúng phép rửa tội đã gieo mầm Tin, Cậy, Mến cần phải làm cho lớn mạnh để thể hiện bằng những hoạt động cụ thể của cuộc sống trẻ em  của chúng hôm nay, trong cuộc sống thanh niên, trưởng thành của chúng mai ngày và như thế, chúng trung kiên với thiện chức làm con Chúa .


                    II- MỤC VỤ TUỔI THƠ

A.- MỤC VỤ TUỔI THƠ LÀ GÌ ?
      Một số nào đó sức mạnh giáo huấn của Giáo hội được vận dụng để giúp đứa trẻ thực hiện thiên chức làm con Chúa của nó . Cần phải phối trí hết các thành phần đó để việc giáo dục đứa trẻ được tực hiện một cách thống nhất . Đó là cái gì làm thành Mục vụ Tuổi thơ  . Nó :

_ ĐỊNH HƯỚNG CHO NHỮNG AI VỚI TƯ CÁCH NÀY HAY TƯ CÁCH KHÁC MANG TRÁCH NIỆM VỀ TRẺ EM : các cha mẹ , giảng viên giáo lý, giáo chức, huấn luyện viên, người hữu trách các phong trào ….. Nó kích động và nâng đỡ những cuộc tìm tòi và những nỗ lực trong những buổi gặp gỡ giữa những nhà giáo dục khác nhau đó .

_ MỜI GỌI CÁC THANH NIÊN, NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH  và đặc biệt các phong trào có tổ chức tham gia việc giáo dục các trẻ em, nâng đỡ học khi làm chứng và trợ lực cho trẻ em và hợp tác với họ để định hướng tương lai cho chúng .

NHIỀU LỰC LƯỢNG GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI CÓ MỘT VAI TRÒ PHẢI ĐÓNG TRONG VIỆC GIÁO DỤC ĐỨA TRẺ . Dẫu rằng đấy không phải là những công cuộc có tổ chức hết cả hay không chu toàn tất cả những cái người ta có quyền mong đợi điều đó không ngăn trở gì đến công việc hòa hợp của số rất đông bao nhiêu có thể . Nếu không có cái mục vụ đó thì cũng nên phát động vì mục đích rất lớn của trẻ em :

_ Gia đình : Theo lẽ thường chính trong lòng gia đình mà đứa trẻ nhận được những yếu tố đầu tiên của việc giáo dục đức tin và cuộc thí nghiệm sống đạo . Nhờ sự giúp đỡ và chứng tích của cha mẹ, anh chị em nó, đứa trẻ học biết làm cho đời nó phù hợp với cái mà Thiên Chúa hằng sống nó mới khám phá  mong đợi .

_ Cộng đồng Ki tô hữu sở tại  mở rộng dần dần cái tế bào đầu tiên gia đình nó cấu hành . Đối với một số trẻ, đấy sẽ là việc tiếp xúc đầu tiên với cuộc sống đạo . Cộng đồng cho nó tham dự vào đời sống phụng vụ và bí tích, và cho nó chứng tích sống của các phần tử làm nên cộng đồng .

_ Việc dạy đạo nỗ lực đức tin cho đứa trẻ, khiến nó khám phá sứ điệp gửi đến cho nó như cho bất cứ ai, và những kinh nghiệm rút ra từ đấy cho cuộc đời nó .

_ Những trường học Ki tô giáo mà nó ngẫu nhiên tham dự, đặc biệt :
+ trường học ki tô giáo ở đấy, theo ánh sáng đức tin, nó khám phá vũ trụ, những phong phú của vũ trụ, việc sáng tạo của Thiên chúa được con người tiếp tục;
+ những cơ quan văn hóa và giải trí Ki tô giáo có thể giúp điều hợp học vấn với Đức Tin , và sống những thời giờ nhàn rỗi cho ra người Kitô hữu .

_ Những Phong trào thiếu nhi giúp trẻ em thí nghiệm cuộc sống đạo theo trình độ  của chúng với chúng bạn . Có những Phong trào chú trọng đặc biệt đến việc đào sâu đời sống thiêng liêng, có những phong trào lại tìm tòi việc giáo dục con người, Kitô hữu hay tông đồ một cách rộng rãi hơn .

B.- PHONG TRÀO TRONG MỤC VỤ ĐÓ
Phong trào chiếm một chỗ rất quan trọng .Việc tông đồ theo nghĩa rộng bao giờ cũng là một phần trong toàn bộ của Ki tô giáo và còn là thi hành đức bác ái . Bởi thế không có giáo dục Ki tô giáo thật sự mà thiếu huấn luyện làm tông đồ . Việc huấn luyện này hết thảy các cơ quan giáo dục phải ban phát, đó là nguyện vọng của Giáo hội .

_ Gia đình Ki tô giáo có lẽ không hoàn toàn trung thành với sứ mạng của nó nếu không định hướng, không nâng đỡ việc tông đồ của trẻ em bằng cách đào luyện chúng về mặt đó trong cái chức vụ gia đình của chúng .
Chúng ta cũng có thể lý luận như thế về trường học Ki tô giáo nhưng với những phương thức áp dụng khác .

_ Lớp giáo lý cũng ban phát việc huấn luyện tông đồ đó , nếu không, nó cũng chẳng giáo dục đức tin thật sự và đến cùng .

Như thế có cần phải nghĩ rằng Phong trào sẽ can thiệp khi mà những thành phần nào đó khiếm khuyết chăng ?
            Chắc hẳn Phong trào có thể bổ sung trong việc khám phá cuộc sống chiến sĩ cho những trẻ em thiếu một trong những tài sản quan yếu đó . Nhưng cả với những em khác, hoàn toàn được ưu đãi, Phong trào đem lại một yếu tố khẩn thiếtđể phân phát cho trẻ em tất cả những gì  cần cho cuộc sống chiến sĩ , yếu tố chúng không tìm được ở đâu khác như thế, vì tính cách chuyên biệt của hoạt động chiến sĩ khác nhau và bổ túc cho những sức mạnh tông đồ khác :

+ Huấn luyện trí và lòng để làm tông đồ phải đi đến hành động . Vì nhiều lý do :
_ một lý do giáo lý : bí tích làm chúng ta nên giống Chúa Ki tô tư tế, vua và tiên tri, là phép rửa tội . Chính bí  tích này đòi buộc một đời sống tông đồ và cho chúng ta sức mạnh hoạt động .
Phép thêm sức đền tăng cường và củng cố những hiệu quả của bí tích rửa tội . Phép thánh thể nuôi nấng sự sống của Chúa trong chúng ta .
_ một lý do tâm lý : thật khó trở nên người trưởng thành chiến sĩ nếu ở giai đoạn tuổi thơ  đã không khám phá và sống việc tông đồ .
_ một lý do truyền giáo: nguyện vọng Giáo hội phải có mặt, đem Tin mừng đến khắp nơi, với qui kết này, là trong thế giới trẻ con, chỉ có trẻ em mới có thể làm tròn vai trò đó thật sự và cặn kẽ .

+ Phải đi đến một hoạt động có tổ chức nữa : “ Như thế các ki tô hữu được gọi thi hành việc tông đồ bản thân trong những trạng huống sinh hoạt khác nhau của họ: nhưng không được quên rằng bản chất con người có xã hội và Thiên Chúa đã đoái thương tập hợp những ai tin Đức Ki tô thành dân Thiên Chúa (xem I Phê rô, II, 5-10) và liên kết họ thành một thân thể (xem I Cor. XII, 12). Việc tông đồ có tổ chức rất thích hợp với tư cách con người và ki tô hữu của các tín đồ : đồng thời nó cũng biểu lộ dấu hiệu hiệp thông và nhất thống của Giáo hội Đức Ki tô, đấng đã nói : “Nơi nào hai hay ba người họp lại nhân danh Ta, Ta ở giữa họ” (Mat XVIII,20).

            Vì thế, các Ki tô hữu sẽ thực thi việc tông đồ của mình bằng cách đồng ý với nhau về một mục tiêu. Họ hãy làm tông đồ trong các công đồng gia đình của họ cũng như trong các xứ đạo và địa phận; họ cũng hãy làm tông đồ trong những nhóm tự do mà họ sẽ chọn lựa để tập hợp với nhau.

            Việc tông đồ có tổ chức cũng rất mực quan trọng, bởi vì một hành động đại thể thường đòi hỏi như thế trong các cộng đồng Giáo hội cũng như trong các môi trường khác nhau của cuộc sống tông đồ. Những tổ chức được tạo lập để làm tông đồ tập thể nâng đỡ các hội viên, đào tạo họ làm tông đồ, chỉ huy và lãnh đạo việc tông đồ của họ làm sao để có thể hy vọng những thành quả quan trọng hơn là khi mỗi người hành động riêng rẽ.

            Trong hoàn cảnh hiện nay, ở đâu có hoạt động tông đồ giáo dân, ở đấy tuyệt đối cần thiết phải phát triển việc tông đồ dưới hình thức tập thể và có tổ chức; thật ra, chỉ có liên kết chặt chẽ các cố gắng mới có thể giúp đạt được hoàn hảo các mục tiêu tông đồ ngày nay và bảo trì hữu hiệu được các thành quả. Trong viễn ảnh đó, điều quan trọng đặc biệt là việc tông đồ phải đạt tới các não trạng tập thể và các giai cấp xã hội của những ai mà việc tông đồ đó chuyên lo, nếu không, họ thường không thể kháng cự được áp lực của dư luận quần chúng và các định chế” (Vatican II - Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 18).

            Đó là những căn bản vững chắc giúp chúng ta nghĩ rằng trẻ em phải đi đến một việc tông đồ có tổ chức, những căn bản đem lại nâng đỡ thật sự cho Phong trào của chúng ta, khiến chúng ta đòi hỏi cho nó một chỗ đứng thượng đẳng trong Mục vụ, trong Giáo hội.

                                                                                                        (Còn tiếp)