Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2013





KÍNH CHÚC 

QUÝ CỰU HỮU TRÁCH, 
QUÝ HUYNH TRƯỞNG, 
ĐOÀN VIÊN HTDC CÙNG TOÀN GIA QUYẾN 
MỘT NĂM MỚI 

HẠNH PHÚC - SỨC KHỎE
VÀ TRÀN ĐẦY HỒNG ÂN THIÊN CHÚA 




                                        


Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

NHỮNG KHÓA HỌC VỀ NGƯỜI HỮU TRÁCH (5)






THƯƠNG MẾN TRẺ .

         Theo kinh nghiệm chúng ta biết trẻ ưa thích những ai thương mến chúng. Thế nên thương trẻ, và làm cho trẻ mến thương ta là một bí quyết thành công của giáo dục .
         Trong giọng nói, trong cử chỉ, cũng như trong mọi hành động và cách ăn ở ta phải làm thế nào cho trẻ thấy được chân lý căn bản nầy .
          Chúng ta là những người của tình yêu Thiên Chúa . Ta không nên đối xử cách lạnh nhạt với trẻ, chúng sẽ lần lần tránh xa, nếu ta ngạo nghễ chúng, chúng sẽ thù oán ta . Nếu ta cư xử với chúng độc ác, chúng sẽ dấy loạn ta.

CÓ CÔNG MÀI SẮT

          Nhà giáo dục phải bền tâm, kiên nhẫn, tiến tới từ từ mà vững chắc , hiệu quả và bền đỗ hơn là hoạt động ồ ạt, trong một thời gian ngắn rồi kiệt sức, bỏ cuộc .
          Việc đào luyện là một công trình của kiên nhẫn, bền chí, kiên gan. Ta không nên ngã lòng, nản chí, ngay từ lúc đầu . Vì lúc đầu bao giờ cũng khó khăn trở ngại, vượt khỏi những khó khăn trở ngại đó rồi, ta mới có thể tiếp tục được công trình giáo hóa của ta và ta mới hy vọng thành công .
          Nhà văn hào Pháp La Fontaine , đã tuyên bố :” Kiên tâm nhẫn nại có thể làm được việc hơn sức mạnh cuồng nhiệt “ , và tục ngữ ta có câu :” Có công mài sắt có ngày nên kim “ .

Ý CHÍ SẮT ĐÁ

        Bất cứ một kết quả nào dù nhỏ hay lớn cũng đòi hỏi ta phải cương quyết, phải mạnh mẽ, phải dẻo dai.
        Đối với việc giáo dục trẻ em, chân lý đó càng rõ rệt và khẩn thiết hơn nữa . Trẻ cần nương tựa vào những người mạnh, làm việc gì phải dứt khoát, phải bền bỉ, phải bảo đảm, phải chắc chắn . Nghiên cứu , suy xét kỹ lưỡng .
        Ta có ý chí mạnh mẽ chừng nào ta cũng dễ thu hoạch được kết quả mà ta phải tốn ít công, ít thời giờ hơn .
         Ta đừng bao giờ nói :”Ta sẽ làm việc này nếu có thể được, nếu thời gian cho phép, nếu không có gì trở ngại, ta sẽ làm việc kia .”
         Nhưng luôn luôn nói : Ta nhất định làm việc nầy và bắt tay làm liền .
Muốn tập được thói quen tốt đó, ta đừng khi nào quyết định điều gì một cách vội vã, cẩu thả mà không suy nghĩ trước .
         Ta phải đắn đo, chọn lựa suy xét, chuẩn bị đầy đủ rồi quyết làm một công việc gì dù lớn hay nhỏ và làm cho bằng được . Suy xét ,chọn lựa xong và quyết định, đó là ba việc phải làm trước khi bắt tay làm công việc nào .

ĐIỀM TĨNH .

         Mọi việc gì xẩy ra một cách đột ngột, hay bình thường, ta luôn luôn điềm tĩnh, không nên hoảng hốt, cuống quít, áy náy, lo âu, bồn chồn . Làm như thế gây ảnh hưởng rất lớn , ta chẳng giải quyết được việc gì mà còn thất bại nữa .

         Giả sử ta đi lạc vào rừng sâu với toán trẻ . Nếu ta sợ hãi mất bình tĩnh ta không thể nào tìm đường ra được, vì khi tâm trí bị sợ sệt, ám ảnh, gương mặt lộ vẻ bối rối, ta sẽ làm cớ cho ta rối trí và các trẻ cuống quít lên. Chúng sẽ hoảng hốt kêu khóc gào thét làm ta không còn định hướng, định tâm mà tìm lối ra .
         Trái lại trong trường hợp đó, ta biết trấn tĩnh tâm thần, điềm tĩnh coi nh7 không có việc gì, thì trẻ sẽ an tâm vững dạ, và ta có thể bình tĩnh mà tìm lối thoát .
         Không bao giờ nên tỏ vẻ bối rối lo âu trên gương mặt, và nhất là chẳng khi nào nên thốt ra những lời làm cho trẻ biết ta lo âu bối rối . Làm như thế ta vô tình hoặc cố ý làm cớ cho trẻ không những mất bình tĩnh  mà còn bất kính nể và tín nhiệm ta .
         Đừng bao giờ nói : Quá sức rồi, ta chịu không nổi nữa hoặc nói nguy quá, tôi lo quá , vì dần dần nó sẽ trở thành thói quen và đến thời gian ta luôn miệng nói như thế .Thói quen đó sẽ làm mất tự tin, và lần lần nó sẽ làm cho ta bực nhọc cẩu thả .
         Muốn tập sống điềm đạm, bình tĩnh ta cần phải biết giữ gìn sức lực và làm việc một cách điều độ, chừng mực luôn . Đừng mỗi chút mỗi rầy, mỗi chút mỗi la, mỗi chút mỗi can thiệp, như thế là làm giảm uy quyền, tiêu hao sức lực và làm cớ cho trẻ đâm ra chán nản .
        Ta hãy nhớ lời khuyên của Đại tướng Foch : Đừng bao giờ cho những việc tầm thường là nghiêm trọng , hãy làm những việc nghiêm trọng thành đơn giản .

LẠC QUAN VÀ VUI VẺ .

         Muốn gây ảnh hưởng sâu xa nơi trẻ, nhà giáo dục phải luôn luôn lạc quan và vui vẻ .        Ta hãy làm cho trẻ mến thích các việc chúng sẽ làm bằng những lời lẽ ý nhị như : chúng ta rất thích đi hội họp ….. Chúng ta hãy làm vui mà làm việc ấy . Đồng thời ta cũng nói cho trẻ biết, chúng có thể làm được một cách dễ dàng các việc bổn phận của chúng : Sáng trí và siêng năng như em thì chắc chắn  sẽ làm được việc nầy dễ như chơi .
        Ta đừng bao giờ báo tin cho trẻ biết những bất trắc, những nghịch cảnh sẽ xẩy ra như một tin buồn chán . Như thế các em sẽ đâm ra chán nản bỏ dở công việc . Thí dụ : Như chiều nay ta đốt lửa trại nhưng chiều mưa, ta không nên nói chuyện đáng buồn mà ta nói : Đó là dịp may để ta có thời gian ôn tập lại kỹ càng tốt đẹp hơn .
        Nhiều người chỉ nhìn với mặt trái của nó, Nghĩa là họ cho cái gì cũng xấu, cũng khó , cũng khổ cực . Trái lại người lạc quan họ thấy cái gì cũng tốt > Có khó  nhưng cũng có cái dễ, có cực nhưng cũng có cái sướng. Điều quan trọng là chúng ta biết cách lợi dụng tất cả để mưu ích cho ta và các trẻ .
        Chúng ta hãy nói cho trẻ biết :
-          Đạo đức sẽ đem lại hạnh phúc thật .
-          Sống đạo không phải là sống buồn .
-          Vui sống là đặc ân Thiên Chúa ban .
          Hãy tập cho trẻ nhìn mọi sự  với cặp mắt lạc quan . Nghĩa là tìm cái hay, cái  đẹp,cái tốt của nó và luôn luôn giữ nụ cười trên môi .
         Tục ngữ có  câu : “ Nếu bạn buồn thì dù một mô đất thấp bạn cũng khó vượt qua . Trái lại nếu bạn vui bạn có thể phá nổi những núi cao “ .
         Vui tươi sẽ giúp ta hăng hái và nghị lực . Nhờ nó ta cảm thấy ít mệt nhọc . Trí óc ta sẽ thư thái hơn . Việc gì ta làm, cách vui thích ta sẽ làm kỹ hơn và chắc thành công hơn .
        Sống vui vẻ không những chỉ làm ích cho riêng ta mà còn giúp ích được kẻ khác trong nhiều việc . Nhất là đối với trẻ . Một nhà giáo dục vui tính sẽ được các em mến thích gần gũi và nhờ đó chúng  sẽ sẵn sàng nghe lời  và làm theo các điều chỉ bảo .





Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

NHỮNG KHÓA HỌC VỀ NGƯỜI HỮU TRÁCH (4)


NGƯỜI HỮU TRÁCH
CHÚNG TA LÀ NHỮNG NGƯỜI TRƯỞNG.


A-   ĐẠO ĐỨC .

-          Kết hợp với Chúa .
-          Tinh thần đức tin
-          Tinh thần cầu nguyện.

B-   TƯ CÁCH .

-          Gương sáng .
-          Khiêm tốn
-          Khả năng .
-          Hiểu biết trẻ .
-          Thương mến trẻ  .
-          Cố gắng .
-          Nhẫn nại .
-          Hy sinh .
-          Ý chí sắt đá .
-          Điềm tĩnh .
-          Lạc quan và vui vẻ .
-          Cần lo trước .
-          Không ngã lòng .
-          Tinh thần kỷ luật .
-          Công bình .
-          Đúng giờ .
-          Đoàn kết .


A-   ĐẠO ĐỨC .

KẾT HỢP VỚI CHÚA .

              Chúa Giêsu phán : “ Nếu không có Cha, chúng con chẳng làm gì được , như nhánh nho, không dính vào thân nho thì không thể sinh bông trái . Các con cũng thế , khi con không kết hợp với Cha, các con cũng chẳng làm nên việc gì . Kẻ nào ở trong Cha, Cha ở trong kẻ ấy thì họ sẽ làm được nhiều việc “ . Phúc âm :” Hôm đó , Ông Simon đã mệt nhọc vì thả lưới cả đêm mà chẳng bắt được con cá nào . Nhưng khi có Chúa ở dưới thuyền ông, ông đã bắt được nhiều cá đến nỗi lưới gần rách và ghe muốn chìm “ .

TINH THẦN ĐỨC TIN .

            Đức tin là một kho báu có thể thông truyền được , nên chúng ta sống thế nào để khi trẻ gần gũi ta, chúng cảm thấy Chúa Giêsu không phải là một sự vất bất động mà là một người sống động “ không phải là người xa lạ, là một người bạn dễ yêu mà chúng ta có thể trò chuyện thân mật hằng ngày “ .

TINH THẦN CẦU NGUYỆN .

            Chúng ta phải tin chắc rằng, ta cần phải cầu nguyện, đồng thời cũng phải tin ở hiệu lực của lời cầu khẩn . Chúa phán :” Phần Cha, Cha bảo các con : Hãy xin thì sẽ được , hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho ….” . Người bạn quấy rầy mà Chúa đã kể trong phúc âm : “ Khuya hôm đó, một người đến gõ cửa nhà bạn mình và nói : Bạn ơi! Làm ơn cho tôi mượn ba chiếc bánh ….”.

B-   TƯ CÁCH .

GƯƠNG SÁNG .

           Trong các phương pháp giáo dục, chỉ có gương sáng là hiệu quả nhất . Chính Chúa Giêsu  là thần thánh của chúng ta đã dùng gương sáng trước hết .Người đã bắt đầu “làm” trước hết rồi mới dạy sau .  Cử chỉ thái độ của ta trong giờ đọc kinh cầu nguyện , cách thức ta làm dấu Thánh giá , cử chỉ ta bái qu2i trước Mình Thánh Chúa, có hiệu quả giáo dục .
           Tục ngữ La tinh đã quả quyết  : “ Lời nói bay đi , gương sáng còn mãi “ .
           Ta bền chí trong bổn phận dù gặp khó khăn , không nản lòng dù gặp cực khổ ta chẳng nản chí . Luôn luôn ta vững một mực . Không phải lúc đầu ta hăng hái sốt sắng , dần dần bê trễ nguội lạnh . Thấy vậy các trẻ cũng sẽ hành động như ta , chúng sẽ noi gương ta mà trung thành trong bổn phận .
           Nói tóm lại , nếu ta muốn bảo các em làm một việc gì, ta hãy làm việc đó trước . Nếu ta muốn khuyên các em lánh điều chi, ta hãy lánh điều đó trước . Luôn luôn ta phải nêu gương sáng, phải nêu đèn soi cho các em .

KHIÊM TỐN

          Càng có uy quyền càng được khen ngợi, càng gây được ảnh hưởng tốt với trẻ . Càng thành công trong việc giáo huấn, ta càng phải sống khiêm tốn .
          Trẻ không phải sinh ra để phụng sự ta , mà chúng ta mới là kẻ phải phụng sự chúng .
Chúa đã phán :” Cha đến không phải để được phụng sự, mà để phụng sự ….”.
          Công trình giáo dục mà ta thành tâm chịu khó đeo đuổi không phải là  “công trình của ta” , mà là  “ công trình của Chúa “ .  Ta phải làm việc đó không phải theo ý riêng ta mà theo tinh thần “phụng sự” của Chúa  .Tinh thần của Chúa là tinh thần “ phụng sự “ .
          Trong việc giáo dục điều khiến thay vì ta làm để được thiên hạ ngợi khen hoặc để thỏa mãn lòng tự ái, ta làm vì Chúa, ta làm cho Chúa, ta làm vì lòng mến Chúa , Ta hãy nghe lời Thánh Gioan nói :” Người cần được lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại “ .
          Phải tránh thói xấu cho mình là “ trung tâm “ của vũ trụ là  “người cần nhất” cho công trình giáo dục  hoặc một đoàn thể . Đừng lầm tưởng rằng “có mình “ thì công trình giáo dục mới thành công , thì đoàn thể mới sống . Còn thiếu mình là mọi sự đều thất bại.
         Ta nên nhớ trong mọi việc , ta chỉ là một phần tử nhỏ mọn , nhiều người khác tài đức hơn ta , họ đã làm trước ta, họ đang làm như ta và còn tiếp tục mãi .
          Khi thấy ai tài giỏi hoặc làm được kết quả hơn ta . Chẳng những ta không nên phân bì ghen ghét, mà còn phải lấy làm vui mừng vì thấy các trẻ được tấn tới và nhất là thấy Chúa được nhìn biết yêu mến và phụng sự .
           Ta cần phải được trẻ kính nể, nhưng ta chỉ được chúng kính nể khi ta biết sống xả kỷ vị tha . Làm việc gì ta cũng muốn làm được kết quả, nhưng ta muốn làm được kết quả là vì ích lợi cho các trẻ chớ không phải vì lợi ích riêng ta hoặc để được danh vọng khen ngợi .
           Nhà giáo dục xứng danh không bao giờ nên khoe khoang mình . Cũng chẳng khi nào nói về mình hoặc lấy chính mình làm mẫu gương cho trẻ .
           Nhà giáo dục xứng danh cũng không nên muốn được ai biết ơn mình mà nhất là chẳng khi nào nên than trách vì thấy người ta vô ơn bội nghĩa .
           Ngoài ra nhà giáo dục cũng đừng bao giờ để cho kẻ khác nịnh bợ mình vì những lời dua nịnh thường vị kỷ hơn thành thật, nó làm cho ta tăng mình lên .
           Trái lại nếu có ai phê bình, chỉ trích ta không nên nóng giận và thù ghét mà hãy vui lòng nhận lấy lỗi để sửa đổi .
           Ta nên nhớ ta là người trưởng, ta cũng là con người, mà con người thì không thể hoàn toàn được . Chúa đã phán :” Ai nâng mình lên thì sẽ phải hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được nhấc lên “ .

KHẢ NĂNG .

        Ta phải đem hết khả năng ta có để phụng sự Thiên Chúa và các tâm hồn .
        Thiên Chúa yêu cầu ta cộng tác với Người hết khả năng ta . Người đã ban cho ta trí khôn , ý chí  thì Người cũng buộc ta phải đem hết các cơ năng đó để giúp đỡ Người đào luyện các trẻ .
        Trước hết ta cần phải hiểu biết sâu rộng về nghề của mình, vì việc điều khiể và huấn luyện trẻ em là một nghệ thuật, một khoa học, chứ không phải dễ dàng như mọi người lầm tưởng .
        Lòng đạo đức và thiện chí chưa đủ . Ta cần phải đặt vào đó , tất cả những nguyên tắc, định luật, những kiến thức , những nhận xét, những kinh nghiệm, những phương pháp .
        Thiên Chúa đã trao cho ta sứ mệnh đào luyện các trẻ nên người Công giáo tốt, nên Tông đồ nhiệt thành . Nếu ta không làm tròn phận sự đó , thì thiếu hiểu biết nghề nghiệp . Thay vì giúp ích cho chúng , ta sẽ làm hại chúng và ta phải trả lẽ trước mặt Chúa về điều đó .
        Một nhà giáo dục có khả năng phải :
-          Hiểu biết cách nhanh chóng những ước muốn, những nhu cầu, những phản ứng của trẻ .
-          Đáp ứng những ước muốn, những nhu cầu, những phản ứng đó bằng lời nói, việc làm và những quyết định thích hợp .
-          Biết những phương pháp khả dĩ tạo được bầu khí vui tươi sống động và hấp dẫn .
-          Biết điều khiển một cách sống động và vui tươi những buổi hội họp có tính cách giáo dục .


HIỂU BIẾT TRẺ EM.

        Hiểu biết trẻ em là tìm hiểu những lãnh vực ảnh hưởng đến sinh hoạt của chúng . Lãnh vực gia đình, lãnh vực học đường, lãnh vực xã hội . Ngoài ra cũng cần biết những động lực nào  đã thúc đẩy chúng hoạt động thừng nhật .
         Trong trẻ em có một tổ hợp phức tạp nhiều sức mạnh cần được thỏa mãn và biểu lộ ra ngoài bằng nhiều hành động khác nhau .
          Lúc nào ta thấy một khuynh hướng được bộc lộ ra ngoài bằng hành động tốt, ta phải giúp khuynh hướng đó được mạnh mẽ thêm lên , vui thêm lên . Trái lại , khi nào ta thấy  một khuynh hướng hành động xấu xa, ta hãy tạo cho trẻ một hành động khác để thay cho hành động xấu . Thí dụ : trẻ thường hay đánh lộn, ta tổ chức trò chơi thi tài .
         Ta phải hiểu biết đời sống hàng ngày của trẻ và thông cảm hiểu hoàn cảnh của chúng, cùng chung vui buồn với chúng . Kính nể chúng, giúp đỡ chúng .
         Ta đừng bao giờ coi trẻ như những người nô lệ phải triệt để tuân theo mệnh lệnh của ta, mà phải xem chúng như những người có trí óc và tự do .





Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

NHỮNG KHÓA HỌC VỀ NGƯỜI HỮU TRÁCH (3)





Lễ Bao đồng ở Gx An Hòa cũ (196?) ??




11.   THUẬT QUỞ PHẠT.

Thường thì chúng ta khen thưởng trẻ nhưng lắm lúc ta cũng phải khiển trách và sửa phạt chúng.

I.             KHIỂN TRÁCH.

Ta cần có mức độ trong khi khiển trách rầy quở trẻ. Những lời rầy quở quá nặng nề với mục đích “đánh mạnh” vào tâm trí trẻ để giúp chúng đừng tái phạm, những lỗi lầm rất tai hại: nó sẽ làm cớ cho trẻ tưởng lầm một lỗi nhỏ là một trọng tội, hoặc nếu trẻ đã biết cân nhắc: chúng sẽ cho rằng ta quá gắt gao.
Nếu thấy trẻ nào lầm lỗi, ta nên cho đó là một việc vô tình, rủi ro, chớ không phải là cố ý. Và vì chúng đã vô tình phạm lỗi thì chắc chúng sẽ không còn tái phạm nữa. Nếu trẻ thấy ta đối xử với chúng như thế, chúng sẽ ra sức sửa chữa lỗi lầm và cố gắng sống tử tế hơn. Chúng sẽ tự nhủ: “Cấp trên đã cho rằng mình lầm lỗi vì rủi ro và tin mình ngoan ngoản tử tế thì mình phải lo sửa mình và cố gắng sống xứng đáng với lòng tin tưởng đó…”.
Muốn khiển trách trẻ nào, ta nên tìm dịp thuận tiện, đừng gặp đâu rầy đó, gặp đâu quở đó. Làm như thế trẻ coi thường lời nói của ta và rất có thể đôi khi chúng sẽ chống cưỡng lại ta.
Tốt nhất ta nên rầy quở từng em một, nói cho nó biết rõ lỗi gì, lỗi đó có hại gì cho nó và cho đoàn thể, nó có thể sửa bằng cách nào, nếu nó sửa được có lợi gì… Và sau mỗi lần khiển trách như thế, ta nên nhớ kết luậnmột vài lời khuyến khích và tỏ ra ta tin tưởng nó. Thí dụ ta nói: “Tôi biết em đã nhìn nhận và đã ăn năn về lỗi của em. Tôi tin chắc em sẽ sửa mình và sẽ ra sức sống tử tế hơn”.
Nếu cần rầy quở chung một nhóm trẻ, ta cũng phải biết hết sức thu bớt số trẻ đáng bị ta rầy. Vì nếu ta cho rằng tất cả chúng đã phạm lỗi thì chúng sẽ không lo sửa mình, vì chúng thấy đứa nào cũng lỗi hết. Trái lại nếu cho chúng biết chỉ có một số rất ít trong chúng đã lầm lỗi thì đứa nào xét mình thấy có lỗi chúng sẽ lo sửa chữa, vì chúng tin chắc chỉ có chúng làm lỗi, còn phần đông em nào cũng tử tế hết. Ta nên nói với chúng: Hầu hết các em đều cố gắng làm việc là giữ luật. Chỉ còn một số rất ít bê trễ, lười biếng thì phải ra sức sửa mình, ra sức làm việc và giữ luật cho tử tế….
Đừng bao giờ cho rằng tất cả nhóm trẻ đã phản loạn ta, chống cưỡng ta. Chẳng hạn như ta nói với chúng: “Hôm nay hết thảy các em đều muốn chống đối tôi. Tôi bảo gì các em cũng không chịu nghe. Thật là các em mất dạy”. Làm như thế tức là chúng ta vô tình “nối giáo cho giặc”. Chúng sẽ “đặng nước” mà phá rối ta, vì chúng thấy có cả một đạo binh hùng mạnh để bảo vệ chúng.
Ta cũng không nên rầy quở trẻ trong nhà thờ, trong nhà nguyện hay trong giờ đọc kinh cầu nguyện, nhất là khi đó ta la ó lớn tiếng. Trong những trường hợp như thế, nếu muốn khiển trách điều chi, ta hãy dùng những cử chỉ kín đáo, chẳng hạn như một cái liếc mắt, một cái vẫy tay, một gương mặt buồn của ta…
Muốn khiển trách một em nào đang chạy, ta đừng “cong giò” rượt theo nó, vì rất có thể xãy ra nhiều điều bất lợi và làm trò cười cho kẻ khác. Ta hãy gọi nó lại hoặc nếu gọi không được thì hãy nhờ người khác dẫn nó đến với ta.
Ta không nên rầy quở trẻ trong lúc “cơn xung thiên đang đùng nổi dậy” trong người ta. Trong những lúc đó, lối quở trách của ta thường không được nhã nhặn vì ta đã mất tự chủ. Hãy đợi cho cơn “lôi đình” lắng xuống rồi muốn rầy thì rầy, quở chi thì quở.
Hơn nữa ta phải tỏ ra cho trẻ biết ta rầy chúng không phải vì ta giận chúng, ghét chúng hay thù chúng, mà chính là muốn giúp chúng trở nên tốt lành tử tế hơn. Ta hãy làm cách nào cho chúng thấy mỗi lần ta phải rầy quở hay khiển trách chúng điều gì là ta làm một việc hết sức bất đắc dĩ. Ta không muốn rầy chúng chút nào, ta lấy làm đau đớn mà quở trách chúng.
Khi thấy trẻ lầm lỗi, ta chớ bỏ qua, ta phải sửa ngay và khi rầy quở, ta hết sức nhã nhặn hiền lành. Ta nói cách êm dịu, thong thả, chớ không quát mắng ầm ỉ như những cơn sét đánh long trời hay dùng những lời chua chát nặng nề.
Đừng mỗi chút mỗi rầy, mỗi chút quở trách làm cho trẻ điên đầu bể óc không còn dám làm, dám nói gì nữa, vì làm gì cũng bị la, nói gì cũng bị mắng, thì chúng chỉ còn có cách “bó tay” đầu hàng. Trẻ đã bực mình thì trở nên chán ghét ta và có thái độ phản đối ta, ta sẽ thất bại về sự giáo dục.
Ta đã khiển trách nhưng trẻ nào mà thấy chúng ăn năn sửa mình thì ta phải tha thứ cho chúng ngay. Không nên để bụng mà in trí xấu cho chúng mãi. Vì nếu trẻ nào bị ta in trí xấu, nó sẽ không còn muốn cố gắng mà sửa mình, cố gắng mà tiến tới nữa. Nó nói rằng: “Mình đã bị in trí xấu thì mình có sửa mình cũng vô ích”.

II.           SỬA PHẠT.

Có những trẻ lầm lỗi mà ta đã tìm hết cách để khuyên lơn, khiển trách, rầy quở mà chúng cũng không sửa mình, nên buộc lòng chúng ta phải dùng những hình phạt để sửa trị chúng. Nhưng điều trước tiên ta nên nhớ “đừng bao giờ đánh đập chúng. Nếu chúng không vâng lời ta, không chịu sửa mình đó cũng là một phần lỗi về ta: ta chưa hết sức chịu khó chỉ dạy cho chúng. Ta chưa biết cách giáo dục, để làm cho chúng hiểu sự lầm lỗi của chúng.
Ta không nên phạt các em giữa đường, hình phạt đó rất sĩ nhục và vô hiệu quả, có khi tác hại đến ta. Vì trẻ sẽ có sự căm tức và có hành động xấu đối với ta.
Trước khi phạt trẻ, ta hãy xét kỹ lại xem chúng có lỗi thật không. Nếu chúng có lỗi thật thì mới nên phạt chúng. Vì có khi chúng bị ta hiểu lầm hay bị kẻ khác cáo gian. Trẻ bị lỗi lầm lần đầu ta không nên phạt chúng, ta hãy để có thời gian chúng sửa mình.
Nói tóm lại trước khi ta rầy quở hay sửa phạt trẻ nào, ta phải hết sức thận trọng dè dặt, phải cân nhắc lỗi lầm của nó và giải thích rõ sự lỗi lầm của nó và làm cho nó hiểu sự lầm lỗi của nó. Nó tự nhìn nhận lỗi lầm và sẵn sàng nhận hình phạt để sửa mình.
Vô tình một lời khiển trách, một hình phạt bất công sẽ làm trẻ phẩn uất và mất tinh thần. Điều đó rất có hại cho công trình giáo huấn của chúng ta.

12.   THUẬT KHEN THƯỞNG.

Trẻ rất thích được kẻ khác khen thưởng. Sự khen thưởng giúp chúng nhận biết chúng đang ở trong đàng ngay nẻo chính và thúc giục chúng tiến bước mạnh mẽ hăng hái hơn.
Muốn thành công trong việc giáo dục trẻ, ta năng khuyến khích và khen thưởng trẻ. Trẻ cũng có lắm khuyết điểm lỗi lầm. Nhưng ta nên chú ý đến thiện chí và khuynh hướng tốt hơn là để tâm đến những thiếu sót của chúng. Chúng có tâm sửa mình thì ta nên tha thứ và khen thưởng chúng để chúng cố gắng tiến lên.
Nhưng ta cũng không nên khen thưởng hoài mỗi cái mỗi khen, làm như thế nó sẽ trở nên thường đi và cái khen của ta vô ích. Ta luôn luôn thận trọng lúc khen thưởng.

13.   THUẬT TỔ CHỨC.

Giáo dục trẻ em không những chỉ lo dạy dỗ điều khiển, mà còn lãnh đạo phong trào dành riêng cho trẻ nửa.
Nói đến lãnh đạo phong trào, tự nhiên phải nghĩ ngay đến chỗ khuếch trương phong trào làm cho nó mỗi ngày thêm sâu rộng hơn. Muốn được như vậy, ngoài năng lực lãnh đạo ra, nhà giáo dục còn cần phải rành về công tác tổ chức nữa.

A.   TỔ CHỨC LÀ GÌ?

Bất cứ làm việc gì, lớn hay nhỏ, luôn luôn nghỉ đến việc sắp đặt cho thứ tự. Việc sắp đặt ấy là tổ chức vậy:
-         Tổ là sợi tơ, có nghĩa là nối liền.
-         Chức là dệt thành.
Vậy tổ chức là gom góp, chắp liền lại những sợi tơ rời rạc để dệt thành một tấm lụa bền chắc.
Suy rộng ra, tổ chức là tập trung tất cả nguyên liệu, dụng cụ cần thiết, nghiên cứu và ấn định một chương trình hợp lý để từ đó có thể xây dựng nên một cái gì.

B.   CẦN THIẾT VÀ ÍCH LỢI CỦA TỔ CHỨC.

Muốn cất nhà ta không thể khởi đầu bằng cách dựng cây cột, kèo trong khi chưa biết phải cất cái nhà bao lớn, kiểu mẫu ra sao và vật dụng cần phải có những cái gì. Như vậy là làm việc vô tổ chức, là đặt cái cày đi trước con trâu nhất định không bao giờ thành công.
Vậy tổ chức là yếu tố căn bản của thành công, nó đem cho ta nhiu cái lợi như:
1-Thứ tự: Việc làm có tổ chức tự nhiên có thứ tự. Cái gì cần trước làm trước. Cái gì cần làm sau thì làm sau. Có thể tiết kiệm được tiền bạc và thời gian.
2-Thấy trước cái khó: Trong khi cứu xét chương trình, ta mới thấy rõ những trở lực do công việc gây ra mà ấn định phương pháp đề phòng, để khi vào việc ta phải vững lòng và bình tỉnh, không hoảng hốt, không cuống quít như người làm việc mơ hồ. Thống nhất ý chí hành động: Việc làm đạ được nghiên cứu kỹ lưỡng, phương pháp đã được ấn định rõ ràng, mọi việc đã được xếp đặt thứ tự thì lời nói đi đôi với việc làm, không còn mâu thuẫn nhau nửa. Sự thống nhất sẽ tăng uy tín cho người cán bộ trước quần chúng, cũng như trước người giúp việc mình.

C. PHƯƠNG PHÁP VÀ CHƯƠNG TRÌNH TỔ CHỨC.

          1-Sát với thực tế: Việc tổ chức phải thích hợp với điều kiện địa phương, trình độ tinh thần và đời sống vật chất của trẻ, nhất là hợp với hoàn cảnh.
          2-Hợp lý: Cần phân tách kỹ lưỡng, nên làm gì, bỏ gì, và làm cách nào cho mau đạt tới mục đích.
          3-Co dãn: Tùy theo hoàn cảnh mà thay đổi cho thích hợp.
          Đứng trên 3 nguyên tắc này của phương pháp ta mới ấn định được chương trình. Mà chương trình phải:
a.    Rõ ràng và đầy đủ: làm cho ta không mất thì giờ, và đở tốn kém.
b.    Giản dị: không có những khoảng rườm ra, vô ích, tối nghĩa. Rõ ràng, đầy đủ những mục cần thiết làm cho việc thi hành được dễ dàng.
Làm việc có tổ chức thâu được những kết quả mong muốn.


Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

NHỮNG KHÓA HỌC VỀ NGƯỜI HỮU TRÁCH (2)




(Hùng Tâm Dũng Chí  Gx An Hòa Đà Nẵng (1968 ?) đi cắm trại 


7.     THUẬT TỔ CHỨC TRÒ CHƠI.

              I.                   ĐẶC TÍNH GIÁO DỤC CỦA TRÒ CHƠI.

Đối với trẻ, chơi là một việc quan trọng. Chơi là sức sống của hội đoàn. Chúng không thể sống mà không chơi được. Một đứa trẻ không chơi được thường đã mắc bệnh.
Trái lại người lớn chúng ta coi chơi là cuộc giải trí sau những giờ làm việc mệt nhọc. Trò chơi giúp cho óc não được khỏe khoắn, để bắt đầu làm việc lại cho có hiệu quả hơn.
Nghĩ như thế rất đúng, nhưng chưa đủ vì chơi không những để sống, để giải trí mà còn để giáo dục nữa.
Các cuộc chơi làm cho thể xác con người được vận động và nở nang điều hòa, được dẻo dai, được cứng rắn (chẳng hạn như những cuộc chơi: đuổi bắt, giành banh, đá bóng…).
Nó giúp cho trí tuệ mở mang, não phát triển quan sát nhanh nhẹn, sự chú ý bền bĩ như trò chơi đố chữ, tìm đồ vật… Nó cũng mở mang đức tính tốt đẹp như bác ái, hy sinh, can đảm, thành thật, vị tha vâng lời… giải thích ý nghĩa và ích lợi.

II.                TỔ CHỨC CUỘC CHƠI.

Trước khi chơi phải chọn chỗ, trò chơi và trọng tài.
-         Chỗ chơi thường nên chọn chỗ rộng, bằng phẳng, thoáng khí, trống trải.
-         Trò chơi tùy tình hình, sở thích, sức khỏe, hạng tuổi và nơi chỗ. Điều cần nhất là một khi đã chọn trò chơi nào thì phải giải thích cho trẻ biết rõ mục đích và ích lợi của nó để trẻ phấn khởi hăng hái hơn.
Tất cả trò chơi đều có tính cách giáo dục. Nhưng mỗi thứ đều có ích lợi riêng biệt của nó. Chẳng hạn như đá bóng thì có ích cho cơ thể nhiều hơn tâm trí. Đố chữ: giúp cho trí óc mở mang hơn thể xác. Trò chơi tập thể tạo nhiều đức tính hơn trò chơi cá nhân.
Vì thế nên khi chọn trò chơi chúng ta nên biết rõ trò chơi nào có ích lợi về phương diện nào hơn để thích nghi với nhu cầu của trẻ.
Trong khi trẻ chơi người điều khiển phải có mặt ở đó để một đàng khuyến khích, cổ võ, khen ngợi, đàng khác cũng để quan sát tìm hiểu tình hình của trẻ. Vì khi tổ chức chơi là để xem xét tình hình của các em mà giáo dục.
Sau khi chơi xong cần phải phê bình ưu khuyết điểm để sửa chữa hoặc khen thưởng.
Phê bình có 3 mục đích:
1.      Tự phê để sửa chữa những lỗi phạm của chính mình.
2.      Nếu chơi thua cũng vẫn vui vẻ, vì đã chơi tử tế, giữ đúng kỷ luật và nhất là vì thấy anh chị em đối phương hơn ta nhờ có tài lực và cố gắng của họ.
3.      Dốc lòng lần sau sẽ cố gắng thêm lên sẽ giữ đúng kỷ luật và tìm phương pháp hiệu nghiệm để thắng.


8.     THUẬT TẬP CA VŨ.

Ca vũ là một cuộc giải trí lành mạnh, nó còn là phương thế giáo dục hiệu nghiệm.
Những bài ca, những điệu vũ chọn lựa kỷ lưỡng và tập rèn cẩn thận sẽ làm cho tâm hồn trẻ được phấn khởi mạnh mẽ, được thêm hăng hái nghị lực. Ngoài ra còn giúp trẻ tập rèn thể xác và tinh thần. Thể xác thêm uyển chuyển, dẻo dai. Tinh thần được vui tươi hăng hái… Nó cũng giúp trẻ đào luyện nhân đức tính tốt đẹp.
Nhưng muốn thu được kết quả tốt đẹp ta cần phải chọn lọc các bài hát có điệu vũ, đồng thời ta phải thông thạo cách tập. Nên chọn các bài có ý nghĩa cao đẹp và có tính cách giáo dục trẻ.
Chọn xong đến việc tập cho trẻ hát, nên bắt đầu tập từng câu. Trẻ đã thuộc câu thứ nhất, mới tập câu thứ hai. Và cứ tiếp tục như thế cho đến hết bài.
Phải cẩn thận ngay từ bước đầu. Nghĩa là khi bắt đầu tập phải cho trẻ hát đúng nhịp, nếu sai thì sau sẽ khó sửa. Trong lúc trẻ hát đừng để trẻ la lớn tiếng.
Cách tập ca vũ:
1.      Người tập vũ phải thuộc bài nhạc và vũ điệu trước.
2.      Tập bài hát trước cho đúng nhịp.
3.      Tập vũ điệu riêng cho từng em theo mỗi phần và mỗi câu nhạc.
4.      Sau hết tập trọn bài chung cho các em, nhất là cách bắt đầu. Cách nhảy cho đúng nhịp mạnh nhẹ và cách kết thúc.
Nghệ thuật vũ rất bao la, ở đây nói đại khái một ít nguyên tắc phổ thông. Tùy sáng kiến các hữu trách có thể chế biến những điệu vũ khác hay hơn.



9.     THUẬT CẮM TRẠI.

Cắm trại là một cuộc giải trí lành mạnh thích thú, đưa các em vào đời sống thiên nhiên và tập cho các em biết tháo vác, thi thố tài năng qua tinh thần sống đồng đội.
Vì vậy muốn tổ chức một cuộc cắm trại người hữu trách cần phải biết những điều sau đây:
1- Trước khi đi trại người hữu trách phải đi tham quan đất trại trước. Nơi cắm trại cảnh thiên nhiên mát mẽ, có bãi rộng để sinh hoạt, gần nước uống trong lành.
2- Xin phép các cấp (chính quyền, giáo quyền, phụ huynh) nơi ở, nơi đến.
3- Thông báo cho đoàn sinh biết rõ ngày giờ, dụng cụ mang theo:
     - Đồ dùng cá nhân (chén, đũa, quần áo, chăn màn, ẩm thực).
     - Đồ tập thể (lều, cọc, dây, soong nồi, thùng đựng nước, hộp cứu thương…)
4- Phân chia trách nhiệm các ban:
     - Ban đời sống (ẩm thực)
     - Ban dời trại, cổng trại, lều.
     - Ban sinh hoạt (chương trình, điều hành).
     - Ban lửa trại.
     - Ban kỷ luật, thi đua.
5- Bế mạc trại, thường kết thúc một trò chơi lớn và khuyến khích, dạy bảo khen thưởng cá nhân, đồng đội khá nhất.
6- Dọn vệ sinh đất trại.
7- Cám ơn và chào hỏi chia tay những ân nhân giúp đỡ cuộc trại.


10.      LỬA TRẠI.

Lửa trại là tổ chức kịch ngắn (không có màn, ở ngoài trời, quanh một đống lửa, khi đi đóng lại tổ chức, nên gọi là lửa trại.

TỔ CHỨC LỬA TRẠI.

A. Trước lửa trại:
1. Chọn nơi trình bày cho thuận tiện.
2. Chọn lựa kịch và thảo chương trình (nên góp ý kiến nhiều người).
3. Phân công cho các đội viên:
    - Ban diễn kịch: lo thảo luận tập kịch và tự hóa trang lấy.
    - Ban giữ lửa: lo tìm củi và canh lửa khi chơi.
    - Ban trật tự: lo bố trí chỗ diễn kịch, làm ranh giới chỗ đốt lửa, chỗ diễn kịch, giữ cho khán giả được im lặng và trật tự trong cách đứng ngồi.
4. Tập những bài hát cần thiết (về lửa trại).
5. Phát chương trình và mời khán giả khi giờ diễn kịch sắp đến.
6. Tìm một chỗ kín ngay bên cạnh sân trại để các diễn viên có chỗ để hóa trang.
            B. Giờ lửa trại:
                        1. Khai mạc lửa trại bằng một bài nhảy lửa.
                        2. Những đoàn viên không có phận sự ngồi quanh phía trong sân khấu.
                        3. Sau mỗi vở, nên hát băng, hô reo luân khúc hoặc bài hát thích hợp do các đoàn viên ngồi quanh lửa hát (reo la cho náo nhiệt).
                        4. Người giới thiệu (quản trò) phải giới thiệu từng vở trò một, và lựa những câu nói thật khéo léo và thật có duyên, nếu cần cũng nên khôi hài.
                        5. Diễn viên phải luôn đứng diễn trên gió (không có khói) cũng là phía dành riêng cho khán giả danh dự.
                        6. Về thứ tự của các cuộc chơi nên để dành những cái hay ở sau; đồng thời cũng có thể liệu thay đổi môn chơi khi thấy lạnh nhạt. Có thể dùng những kịch ngắn, vui, hài, giáo dục, ảo thuật, vũ,nhạc cảnh, trò chơi.
                        7. Mỗi cuộc chơi không nên kéo dài, cả chương trình cũng thế vì sẽ làm mất hay thêm nhàm chán.
            C. Sau lửa trại:
                        1. Tuyên bố cuộc chơi bế mạc, cám ơn.
                        2. Hát bài tàn lửa, hoặc cùng nhau hát kinh tối trước khi đi ngũ.
                        3. Thu nhặt dụng cụ, tắt lửa, yên lặng đi nghỉ.
                        4. Ngày hôm sau cùng nhau phê bình lại đêm lửa trại vừa qua để rút kinh nghiệm.

                                                                          (còn tiếp)


NHỮNG KHÓA HỌC VỀ NGƯỜI HỮU TRÁCH (1)




của cố Lm An tôn Bùi Hữu Ngạn.
(Sáng lập và giám đốc tiên khởi phong trào Hùng Tâm Dũng Chí – Giáo phận Đà Nẵng).

Đây là tài liệu do anh Phao lô Lê Quốc Dũng – Liên đoàn trưởng Hùng Dũng – 
Giáo xứ An Ngãi ghi lại.
Xin thành thật biết ơn.



NGƯỜI HỮU TRÁCH.
CHÚNG TA LÀ NHỮNG NGƯỜI TRƯỞNG.


            Tất cả chúng ta đã nhận lãnh sứ mệnh điều khiển, dạy dỗ, huấn luyện một nhóm trẻ em. Cho nên Người và nên Thánh.
            Sứ mệnh thật cao đẹp và hệ trọng biết bao...! Trong khi trao ban sứ mệnh đó cho ta, Thiên Chúa và cấp trên hy vọng ta sẽ đem lại cho Giáo hội và nhân loại những thiếu nhi thạo giỏi tư cách, đạo đức, thánh thiện. Những đứa trẻ có đủ tài đức để giúp ích cho đời và đạo. Những trẻ không những chỉ biết sống cho mình và còn biết sẳn sàng hy sinh phụng sự kẻ khác, để mai sau có thể trở nên những chiến sĩ nhiệt thành anh dũng của Thiên Chúa và Tổ quốc. Tương lai của Giáo hội và đất nước sẽ sáng lạng, vinh quang hay tăm tối bi đát một phần lớn là do những thiếu nhi đó...
            Vinh dự thay cho những ai đã được Thiên Chúa trao ban cho sứ mệnh cao đẹp...!
            Sứ mệnh cộng tác với Thiên Chúa và cấp trên để rèn luyện trẻ em nên Người và nên Thánh. Được cộng tác với Thiên Chúa và cấp trên... Chúng ta đã đương nhiên trở thành những nhân vật tai mắt, những người có địa vị trong xã hội loài người. Số người được tuyển chọn, số người đó có đủ tài năng và đức hạnh. Chúng ta lại được ở trong số người đó thật là vinh dự cho chúng ta biết bao!
            Những sứ mệnh đó cũng rất khó khăn và đòi hỏi nơi ta nhiều điều kiện. Muốn được như vậy, chúng ta phải chịu khó trì chí học hỏi và cần phải có đạo đức, tư cách, khả năng của một người chỉ huy. Có đủ 3 điều kiện đó, chúng ta mới có thể chu toàn sứ mệnh vừa cao đẹp và hoàn hảo.

                                                                                                                        Lm. Hoài Đức


1.     THUẬT CHỈ HUY.

Phần đông chúng ta không phải sinh ra để điều khiển, chỉ huy. Thế nên nếu muốn điều khiển, chỉ huy trẻ, ta cần phải học cách thức, phương pháp, kỷ thuật.
Trước tiên ta nên nhớ chỉ huy không cốt ở sự truyền lệnh, mà cốt ở sự làm thế nào cho cấp dưới sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của mình. Điều đó không phải dễ.
Muốn được như thế, khi ta muốn truyền dạy một mệnh lệnh nào, khi muốn bảo trẻ làm sự gì, hoặc lánh điều chi. Ta phải biết rõ điều đó trước cách rõ ràng, minh bạch như hai với hai là bốn. Vì nhiều khi ta truyền một mệnh lệnh cho trẻ mà chính ta, ta cũng không biết ta nói gì, thì làm sao trẻ có thể biết mà thi hành.
Đã biết rõ mệnh lệnh rồi, ta hãy mạnh dạn truyền cho trẻ. Hãy truyền một cách mạnh mẽ. Không nên ấp úng, ngập ngừng, do dự. Đồng thời phải tin chắc rằng trẻ phải vâng phục và thi hành.
Không bao giờ nên truyền lệnh với một kiểu nói van nài, năn nỉ, vì ta không phải kẻ đi ăn mày sự vâng lời của trẻ. Ta là nhà giáo dục, là người huynh trưởng, là bậc chỉ huy. Ta nắm quyền hành trong tay.
Ta phải liệu cách nào để khi rao truyền một mệnh lệnh, ta khỏi phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì như thế tỏ ra ta yếu nhược, uy quyền ta kém cỏi. Muốn khỏi lặp lại, ta hãy truyền lệnh cho trẻ có thể nghe và hiểu được.
Muốn cho trẻ nghe được phải đợi lúc chúng im lặng và trật tự rồi hãy ra lệnh. Chớ lúc chúng đang la ó, ồn ào hay lăn xăn, lộn xộn thì không thể nào chúng có thể nghe mệnh lệnh của ta. Và để trẻ hiểu được mệnh lệnh của ta, ta hãy ra lệnh, cách rõ ràng, sáng sủa bằng những lời nói đơn sơ, gọn gàng.
Cho được biết chắc trẻ em đã nghe, đã hiểu rõ lệnh. Ta hãy bắt trẻ lặp lại mệnh lệnh của ta vừa truyền. Nếu chúng lặp lại đúng, đó là chúng đã nghe và đã hiểu.
Đừng bao giờ truyền dạy trẻ làm việc gì quá sức lực và khả năng của chúng. Thí dụ bắt trẻ ngồi không mà im lặng cả giờ đồng hồ, thì chắc chắn là chúng không thể làm được.
Muốn giúp trẻ thi hành mệnh lệnh của ta, ta hãy giải thích cho chúng hiểu rõ tại sao ta bảo chúng làm việc này, điều nọ, điều kia. Hiểu rõ lý do như thế trẻ sẽ sẵn sàng vâng lệnh ta. Vì biết rằng sở dĩ chúng làm như thế là vì ích lợi cho chúng hoặc cho đoàn thể.
Ta hãy ra sức tránh những mệnh lệnh tiêu cực, và cấm đoán trẻ làm một việc gì là cớ làm cho trẻ bị cám dổ, muốn làm việc đó:
-         Thay vì nói: “Đừng ở dơ”.
Hãy nói: “Phải ăn ở sạch sẻ”.
-         Thay vì nói: “Đừng nói chuyện”.
Hãy nói: “Im lặng”.
-         Thay vì nói: “Đừng đi trể”.
Hãy nói: “Đi đúng giờ”.
            Đôi khi ta cũng nên dùng những kiểu nói hài hước, để truyền dạy mệnh lệnh như:
-         Thay vì nói: “Cấm leo trèo trên cây, tường”.
Hãy nói: “Chỉ có em nào được phép đặc biệt của tôi mới được leo lên cây và lên tường”.
-         Thay vì nói: “Cấm chạy chơi ngoài đường”.
Hãy nói: “Các em được chạy chơi, trừ ra ngoài đường, vì sợ khi chạy chơi ngoài đó, các em sẽ đụng bể xe người ta”.
            Nếu muốn hướng dẫn trẻ làm việc gì theo ý ta, ta hãy khéo léo khêu gợi những cao vọng của chúng. Hãy trình bày cho chúng thấy rõ lý tưởng cao đẹp mà chúng có thể đạt tới. Và trong khi nói điều đó với chúng, ta hãy đặt ta vào hàng với chúng, để tỏ ra chính ta, ta cũng ham muốn, ta cũng làm. Ví dụ:
-         Thay vì nói: “Các em hãy làm cái này”.
Hãy nói: “Chúng ta sẽ làm cái này”.
-         Thay vì nói: “Lúc vào nhà thờ, các em phải giữ im lặng”.
Hãy nói: “Lúc vào nhà thờ, chúng ta phải giữ im lặng”.
            Lúc muốn bảo trẻ thinh lặng.
-         Thay vì nói: “Im lặng”.
Ta hãy tập hô một tiếng gì mà sau tiếng đó là im ngay.
Thí dụ: Ta gọi “Hùng dũng”, trẻ hô: “Sẵn sàng”, rồi tất cả im lặng...
Nhiều khi thay vì còi hoặc hô những câu trên, ta hãy tập trẻ im lặng bằng một cử chỉ kín đáo. Chẳng hạn ta đặt một ngón tay lên trên môi, trẻ phải hiểu đó là dấu bảo làm thinh.
Khi nào có thể được, thì nên tập trẻ thi đua tuân hành một mệnh lệnh ta rao bảo. Thí dụ sau khi bảo trẻ khi đứng, quỳ trong nhà thờ phải làm hết sức nhẹ nhàng và nghiêm trang, ta nói với chúng: “Chiều nay khi vào nhà thờ các em quỳ phía bên nam sẽ thi đua với các em quỳ bên nữ, coi bên nào đứng quỳ nhẹ nhàng và nghiêm trang hơn hết”.
Muốn tập hợp trẻ ta nên dùng luôn một thứ mệnh lệnh, một cách thức để trẻ dễ biết, dễ nhớ, dễ làm. Chẳng hạn ta nói cho chúng biết: “Khi tập hợp các em sẽ theo cách thức sau đây: Lúc các em nghe hồi còi dài thứ nhất, đó là hồi còi báo hiệu sẽ tập hợp. Lúc đó các em chưa phải tập hợp ngay, nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng... Khi nào các em nghe hồi còi thứ hai: đó là hồi còi tập hợp, lập tức các em phải thinh lặng và chạy nhanh đến chỗ tập hợp”.
Đừng bao giờ để cho trẻ em cải lệnh ta trước mặt đám đông, vì nó sẽ làm cớ cho nhiều em khác bắt chước mà chống cưởng ta. Tuy nhiên ta cũng phải sẵn sàng nghe chúng bàn hỏi. Nhưng chỉ cho chúng bàn hỏi riêng thôi. Ta hãy tuyên bố cho chúng biết. Nếu em nào có điều chi muốn nói thì hãy đến văn phòng gặp riêng ta. Và nếu chúng đến một lượt hai, ba em, ta chỉ tiếp chuyện từng em một.
Sau hết nếu ta muốn biết có tuân hành mệnh lệnh của ta chăng, ta hãy chịu khó kiểm soát chúng. Truyền lệnh là điều rất dễ, nhưng lệnh đó có được mọi người tuân giữ hay không là do sự kiểm soát chặt chẻ của ta. Cha Gaston Courtois quả quyết: “Một mệnh lệnh đã ban truyền mà không kiểm soát cấp dưới có thi hành không thì lệnh đó sẽ ra vô ích”.
Khi thấy những em nào không thi hành đúng mệnh lệnh, ta hãy cảnh cáo ngay và giúp em đó làm lại cho đúng. Ta không nên làm ngơ trong việc này. Vì ta có nhiệm vụ phải bảo vệ quyền lợi chung.
Muốn kiểm soát cho công hiệu, chính ta phải làm việc đó, chớ đừng nhờ ai khác. Cùng cực lắm mới nhờ người trung gian thay thế. Nhưng không bao giờ nên dùng chính những trẻ có nhiệm vụ phải thi hành mệnh lệnh của ta mà kiểm soát.
Đó là tất cả những điều kiện cần thiết để giúp cho ta thành công trong công trình chỉ huy. Thiếu những điều kiện trên chúng ta sẽ thất bại. Nhưng muốn tạo những điều kiện đó không phải một sớm một chiều mà trong nhiều tháng, nhiều năm trong đời ta. Ta phải chịu khó xem xét, suy nghĩ, học hỏi, đọc sách báo và tiếp chuyện với những người giàu kinh nghiệm.
Ngoài ra ta cần phải học tập các nghệ thuật khác để hướng dẫn, giáo huấn các em đạt được kết quả mỹ mãn. Các nghệ thuật khác như là:
-         Thuật dạy cầu nguyện.
-         Thuật dạy giáo lý.
-         Thuật kể chuyện.
-         Thuật nói với trẻ.
-         Thuật hô khẩu hiệu.
-         Thuật tổ chức trò chơi.
-         Thuật tập ca vũ.
-         Thuật diễn kịch và đốt lửa.
-         Thuật tổ chức.
-         Thuật quở phạt.
-         Thuật khen thưởng.
-         Thuật cắm trại.



2.     THUẬT DẠY CẦU NGUYỆN.

Sứ mệnh của ta là dẫn dắt các em đến cùng Chúa Giêsu, là tập trung chúng sống gần gủi và thân mật với Chúa. Bao lâu trẻ còn sống xa Chúa, bao lâu chúng còn coi Chúa như một người xa lạ hay một ý tưởng mơ hồ là ta chưa chu toàn sứ mệnh của ta.
Ta phải làm thế nào cho trẻ coi Chúa Giêsu như một người bạn thân ái... là Đấng rõ biết chúng, là Đấng thương yêu chúng từng em một và là Đấng mà chúng có thể hầu chuyện được cách thân mật.
Đối với trẻ không nên định nghĩa cầu nguyện cách cao kỳ khó hiểu, mà hãy dùng những kiểu nói đơn sơ, giản dị, thích hợp với tầm hiểu biết của chúng. Theo kinh nghiệm định nghĩa sau đây được trẻ dễ hiểu và thích nhất: Cầu nguyện là hầu chuyện với Chúa.
Trước khi cho trẻ cầu nguyện, ta hãy để ý đến cử điệu bên ngoài của chúng. Hãy đặt chúng ở trước mặt Chúa. Thí dụ ta nói: Các em chú ý chúng ta sẽ hầu chuyện với Chúa. Chúng ta hãy khoanh tay lại, nhìn xem Chúa trên bàn thờ ở trong Nhà Tạm.
Sau khi thấy các trẻ đã khoanh tay nghiêm chỉnh và nhìn lên bàn thờ rồi ta mới bắt đầu cho trẻ cầu nguyện. Nếu muốn cho chúng đọc Kinh chung lớn tiếng ta đừng để cho chúng rống cổ la ó. Cũng đừng cho chúng đọc nhanh quá hay chậm lại, và sau mỗi câu nên bảo chúng nghỉ một chút.
Đừng bao giờ cho trẻ đọc một kinh nào mà ta chưa cắt nghĩa cho chúng trước. Cũng không nên bắt chúng đọc dài quá vì chúng không thể cầm trí lâu được. Chúng sẽ lo ra và nhàm chán sự đọc kinh cầu nguyện.
Cách hay nhất để giúp chúng cầu nguyện chung và bảo chúng lặp lại lớn tiếng những câu kinh vừa đơn sơ vắn tắt. Chẳng hạn như những câu dưới đây:
-         Lạy Chúa Giêsu, chúng con thờ lạy Chúa.
-         Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin kính Chúa.
-         Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin thật Chúa đang ở trong Nhà Tạm.
-         Lạy Chúa Giêsu, chúng con thương mến Chúa hết lòng.
Ngoài ra việc cầu nguyện chung, ta cũng nên tập cầu nguyện riêng, tập chúng một mình thỏ thẻ với Chúa. Ta hãy bảo chúng: Em hãy nhắm mắt lại, hãy nhớ Chúa ở trước mặt các em. Hãy thầm thì kêu xin Chúa, xin cho bản thân con, cho cha mẹ, bà con, bạn bè thân thuộc, cho Giáo xứ, cho Giáo hội…

3.     THUẬT DẠY GIÁO LÝ.

Thông thạo giáo lý chưa đủ để dạy giáo lý mà còn phải biết cách dạy nữa.
Trẻ em thích tranh vẽ, chuyện kể, những cái xem thấy, sờ mó, nếm ngửi được. Cái gì có qua tai mắt, tưởng tượng thì mới lọt vào tâm trí chúng được. Đáp lại đòi hỏi các em, người dạy giáo lý phải chịu khó tìm những thí dụ cụ thể trong Phúc Âm, trong đời so61nh hàng ngày chung quanh ta. Dạy về Chúa trời đất chúng ta hãy bắt chước những bài trong Cựu Ước mà làm cho các em chú ý vào cảnh vật, cỏ cây, cầm thú. Những sự việc xảy ra trong đời sống gia đình. Ta có thể mượn nhiều hình ảnh và thí dụ trong Thánh Kinh.
Mọi điều Giáo hội thay mặt Chúa mà giảng dạy cho ta điều cốt để ta kính thờ, tin cậy và yêu mến Chúa. Trẻ học giáo lý tốt nhất không phải em nào nhớ nhiều nhất mà là em nào hiểu nhận lấy lời Chúa vào tận đáy lòng và ngày thêm sốt sắng và ngoan ngoản vâng lời biết làm điều lành, lánh điều xấu.
Dạy cho các em hiểu và thực hành. Đức tin không có việc làm là đức tin chết.
Theo gương Chúa Giêsu, người dạy giáo lý phải bắt tâm trí trẻ em làm việc. Thí dụ nói đến cái gì ta đừng báo ngay cho trẻ biết, nhưng bắt đầu hãy đặt những câu hỏi làm cho chúng đoán ra, ta hãy để cho trẻ kết luận lấy.
Giáo lý có hiệu quả, khi nào các em học hiểu nhận Lời Chúa vào lòng mà đem ra thực hành.

4.     THUẬT KỂ CHUYỆN.

Trong việc huấn luyện trẻ, thuật kể chuyện đóng một vai trò quan trọng. Nó làm cho trẻ vui thích nghe lời ta dạy bảo. Nó giúp trẻ thêm hiểu biết và nhất là nó làm phương thế giáo dục rất hiệu nghiệm.
      Những mẫu chuyện hay và có tính cách luân lý không những sẽ đào luyện được óc tưởng tượng và lương tâm trẻ mà nó còn giúp chúng tập rèn nhiều đức tính và làm bao nhiêu việc tốt khác.
      Nhưng muốn thu hoạch được kết quả tốt đẹp như thế, ta phải chọn lựa kỹ lưỡng các mẫu chuyện và phải biết cách kể các truyện đó cho hấp dẫn, vui vẻ sống động.
      Về việc chọn lựa ta nên chú ý đến tính cách hấp dẫn, sống đọng, tâm tình và nhất là luân lý. Ta hãy chọn những mẫu chuyện tuy đơn sơ, nhưng có hể làm cho trẻ ham mê, có thể gợi lên những tâm tình tốt, có thể hướng trẻ đến những việc làm tốt.
      Ta biết những mẫu chuyện như thế không phải dễ kiếm mặc dầu có vô số chuyện. Nào là những giai thoại, những truyện vui cười, những truyện cổ tích, những truyện hoang đường, những truyện lịch sử. Nhưng nếu ta không thể tìm ra được một câu chuyện vừa hay vừa bổ ích để thuật cho các em, thì tốt hơn ta đừng kể. Ta chớ lấy cớ rằng các em thích nghe truyện rồi gặp truyện nào cũng kể cho chúng nghe. Làm như thế nhiều khi không có ích mà còn gây thêm tai hại cho chúng.
      Ta tránh tình trạng kể chuyện mà các em ngồi ngáp ruồi, câu chuyện lạc như bã mía, dài như dây thừng. Truyện phải bổ ích, ngắn gọn và phù hợp với đời sống của chúng.
      Trước khi kể chuyện ta phả rành câu chuyện đó nghĩa là ta phải biết kết cấu đầu duôi câu chuyện.
      Lời nói đơn sơ, giản dị vừa tầm hiểu của trẻ. Tâm tình chỗ buồn, chỗ vui, chỗ giận, chỗ hăng hái, chỗ can đảm ta phải diễn tả điệu bộ.
      Ta thuật chuyện luôn đứng trước mặt các em và nhìn thấy hết các em để xem xét phản ứng của chúng và để chúng thấy nghe ta rõ ràng.
      Kế thúc câu chuyện bằng một việc làm, một gương sáng cụ thể cho đời sống hàng ngày của chúng.

5.     THUẬT NÓI VỚI TRẺ.

Nói cho trẻ hiểu dễ dàng nhanh chóng, là việc rất khó. Nó đòi hỏi ta phải chịu khó tập luyện và để ý đến từng câu, từng tiếng.
Dưới đây là những điểm chính mà ta cần phải chú ý trong khi nói với trẻ.
-         Trẻ rất nghèo nàn ngữ vựng nên khi nói với chúng, ta chỉ nên dùng những tiếng thông thường dễ hiểu.
-         Trẻ không những chỉ nghe bằng tai mà còn nghe bằng mắt nữa. Ta phải nói cách sống động, nghĩa là luôn luôn đổi giọng (lúc ta lúc nhỏ, lúc bổng lúc trầm) và nói cả bằng gương mặt của ta, vui buồn, bằng bộ điệu của ta.
-         Trẻ không thể hiểu những gì trừu tượng mỗi khi nói lên một ý tưởng. Ta hãy tìn thí dụ cụ thể để giải thích ý tưởng đó. Tốt nhất nên lấy những thí dụ trong đời sống hàng ngày của chúng trong lịch sử, Giáo hội, trong sách Thánh.
-         Trẻ chỉ hiểu được nghĩa đen của từ ngữ, chứ không hiểu được nghĩa bóng của nó. Nên khi nói với chúng ta không nói úp mở, nói mập mờ, nói vòng vo, ta nói thẳng, nói rõ ràng mạch lạc.
Muốn cho trẻ dễ nhớ và nhớ dai các điều ta dạy bảo, thỉnh thoảng ta nên ngưng nói và bắt chúng lặp lại một vài câu tóm tắt ý nghĩa của những điều ta nói.
Trẻ không thể ngồi yên lâu giờ nên trong một buổi họp, thỉnh thoảng ta nên cho chúng cử động một chút (cho hát, chơi trò chơi) rồi tiếp tục.

6.     THUẬT HÔ KHẨU HIỆU.

Hô khẩu hiệu tức là tập trung một ý lực để đánh thật mạnh vào tâm não hoặc để kích động trực giác của quần chúng cũng như của đoàn thể.
a.      Khẩu hiệu có tính cách gây tinh thần của đoàn thể.
-         Đề cao lý tưởng: Hùng dũng - Sẵn sàng.
-         Lấy tinh thần: Đường xa - quyết tiến.
b.      Khẩu hiệu có tính cách tri ân.
-         Làm vui nhộn.
-         Chào.
-         Cám ơn
c.      Khẩu hiệu có chủ đích đòi hỏi một cách thân ái.
-         Người hữu trách đoàn thể hô: “Khô cổ”.
-         Cả đoàn hô: “Nước chanh…nước mía”.
d.      Khẩu hiệu có tính cách tán dương tức là hoan hô, hoan nghênh.
Nguyên tắc chung:
a.      Trước khi hô khẩu hiệu: người hữu trách phải báo rõ cho đoàn thể hô lại tiếng nào.
b.      Tất cả phải hô lại cho mạnh dạn rập.
c.      Thường mỗi khẩu hiệu được hô lại 3 lần.
d.      Câu hô đừng dài quá, nó sẽ trở nên yếu ớt.

                                                           (còn tiếp)