Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

KHO TÀNG


Nếu định nghĩa chiến tranh là sự giành giật lẫn nhau kho tàng nào đó, thì chẳng ngày nào lại không có chiến tranh. Vợ chồng lời qua tiếng lại với nhau chỉ vì không thuận ý cách dạy con. Kẻ đi làm, người nghiệp chủ tranh chấp nhau vì đồng lương không thỏa đáng. Nhẹ thì chỉ là lời xúc xiểm, nặng lại sử dụng vũ lực, thậm chí “tiên hạ thủ vi cường”
Ấy là nói chuyện nho nhỏ trong nhà. Ra đường phố thì sự éo le tăng lên gấp vạn lần! Kẻ cộc cằn có cách thể hiện rất chóng vánh là dùng nắm đấm. Kẻ quỷ quyệt lại gắp lửa bỏ tay người để mình được vô vi tĩnh tại. Kẻ nhiếc móc thì tẩm ngẩm tầm ngầm tước dần sự an bình của “đối thủ” bằng những lời nghe rất nhẹ nhưng sự ăn mòn thì chẳng kém gì acid. Cứ lôi tất cả mọi rác rến về nhà thì chẳng ai tranh chấp, thậm chí còn nghe được hai chữ “đồ ngu”! Nhưng nếu lén để bịch rác của ai đó vất lẻ loi giữa đường vào trước cửa nhà nào trong xóm, thì thế nào cũng có lửa khói, ít ra trong con mắt hằn học, trong những lời xúc xiểm chẳng ra gì của những người được mệnh danh là hàng xóm!
Nhưng nếu đó không là một bịch rác hôi hám, mà là một chiếc ví có vẻ đầy đặn, thì cửa dù khóa 3, 4 lớp, người ta cũng lăn xả ra…tranh phần! Chiến tranh phải nổ ra thôi, cho dù những kẻ ẩu đả nhau chẳng ai là chủ nhân thật sự của chiếc ví biết đâu chỉ có mấy thứ giấy tờ vô nghĩa ấy!
Ngay trong gia đình, nơi mà tình yêu luôn là yếu tố cốt lõi khiến nó bền vững, thì cũng chẳng thiếu gì cảnh anh chị em cắn xé lẫn nhau vì chút lợi lộc trần trụi: một khoảng sân, một căn nhà của mẹ cha để lại…Vật chất làm con người tối mắt, dù “kho tàng” ấy cũng sẽ mai một, cũng sẽ thật mất đi vì có ai mang theo được khi về đất lạnh!
Chẳng cứ gì lợi ích vật chất mới làm gãy đổ mối bang giao. Sự ghen tuông vì tình cảm, thậm chí còn châm ngòi cho cuộc chiến dài lằng nhằng hơn, đau khổ hơn.
Chiến tranh luôn cần vũ khí. Thứ gì hạ gục địch thủ nhanh nhất và hiểm ác nhất luôn được người ta cầu kỳ nghiên cứu, sản xuất, để kẻ trong cuộc mau chóng đem về nhà mình nhanh nhất, để ra tay trước cho…chắc ăn! Mọi người làm thế, vì họ quyết liệt nghĩ rằng, đối thủ của mình cũng…ác không kém mình khi ra tay, và cũng không hề chậm hơn mình mà diễu võ. Nghĩa là, tình yêu chẳng có tí ti ảnh hưởng đến chiến tranh dành quyền, lợi…
Vậy mới thấy tiên tổ của người  Ki tô hữu Việt Nam thật khác biệt, thậm chí đối chọi với cách xử lý cuộc chiến! Thật ra, họ có chiếm cứ của bất cứ ai thứ gì đâu! Vì ngay cả “Nước Trời” là thứ họ hằng ao ước thì rộng rãi đến nỗi không hề thiếu chỗ cho bất kỳ ai, thì các bậc tiền nhân ấy, mà cụ thể là Các Thánh Tử Đạo Việt Nam luôn cố công chiếm hữu chỉ với niềm tin và sự hy sinh. Họ không hề dành Nước Trời cho chính mình, nên không thể có chiến tranh với bất kỳ ai, vì “Nước Trời Là Của Họ” và của cả mọi người. Họ chỉ chiến đấu với chính mình, với ý niệm rất rõ ràng rằng, ai khao khát Nước Chúa Trời, ấy là phúc thật, để không bao giờ họ phải mang theo bên mình dù chỉ cây gậy nhỏ để đánh lại kẻ ngược đãi mình…
Quả thế, họ quên xác thịt của mình, đến nỗi những hành vi bạo lực vô nhân tính có trút lên thân thể đẫm máu của họ, thì họ lại càng thêm tin cậy vào Đấng vì mọi người mà chịu khổ hình trên Thập Giá. Cho dù mắt họ có bị chọc thủng, thì con mắt đức tin của họ lại càng ngời sáng khi nhìn về Quê Trời. Cho dù chân tay họ có bị xiềng xích, bị rũ liệt vì bị tra tấn bạo ngược thì tứ chi đức tin của họ lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết…
Họ đã dâng mọi sự cho Thiên Chúa! Mọi của cải đời này đều chẳng có chút gì giá trị so với Nước Trời! Họ chiến đấu vì Nước Trời ấy với niềm tin mãnh liệt, đến độ, chẳng bao giờ dùng tới bất cứ khí giới gì do con người tạo ra…
Kho tàng Nước Trời là vô giá. Để đoạt lấy Nước Trời, thì chỉ có mỗi một cách duy nhất: Phó thác vào tay Chúa Quan Phòng!
                                                                                                                                                                              LAM TRẦN 14/11/2015