PHƯƠNG PHÁP
ẤU HÙNG - ẤU DŨNG
VỚI NHI ĐỒNG
Các bạn yêu thương các nhi đồng 6,7,8 tuổi, nhưng cảm thấy cần phải hiểu biết chúng hơn và phải biết làm gì với chúng để giúp chúng lớn lên và phát triển trong tinh thần công giáo .
Những trang sau đây giúp các bạn hiểu biết nhi đồng, trình bày những kỹ thuật giáo dục thích hợp tuổi của chúng và đề nghị một phương pháp đòi hỏi nhi đồng tham gia sự đào tạo một cách linh hoạt .
Phương pháp này nhắm mục đích :
- Giúp tất cả mọi trẻ cần gặp những trẻ khác cùng tuổi để chơi, hát, nhảy, nghe kể chuyện và học biết Thiên Chúa .
- Chuẩn bị các Ấu Hùng và Ấu Dũng thành những Hùng Tâm Dũng Chí .
Mong quý Trưởng sẽ là nguồn vui sướng và phát triển của các nhi đồng .
Bàn giấy Ấu Địa phận Huế
CHÚNG TA NHẬN THẤY
1) Nhi đồng 6,7,8 tuổi cần gặp những đứa bé khác đồng tuổi để phát triển về phương diện bản thân cũng như xã hội .
2) Những điều kiện xã hội hiện thời thường đưa các bà mẹ đi làm việc ngoài gia đình và trẻ con ra khỏi gia đình sớm hơn trước .
3) Phong trào HTDC thành lập cho thiếu nhi, nhưng có nhiều nhi đồng cũng đến dự các buổi họp đoàn . Vậy phải liệu cách chăm nom chúng để đáp ứng nhu cầu .
CHÚNG TA QUAN SÁT
Ở đây không phải vạch lại những định lệ tâm lý chung của trẻ con nhưng quan sát cách riêng hành vi cử chỉ của các trẻ em 6,7,8 tuổi . Đây là thời kỳ chuyển tiếp, vì trong giai đoạn này trẻ bắt đầu lý luận.....đây là tuổi mà người ta thường gọi là “ tuổi khôn “.
Từ sinh ra và suốt cả tuổi nhi đồng, đứa bé không chỉ là một cái ống dẫn thức ăn .
Nhi đồng là một thần kinh hệ đang hình thành
một cảm giác đang dậy
một trí khôn đang mở ra
Nhi đồng là một nhân vật đặc biệt và duy nhất
với truyền thống
tâm tính
lịch sử tình cảm
lịch sử xã hội
Nhi đồng là một linh hồn được tạo nên giống hình ảnh Chúa .
Cho đến 3 tuổi
Trẻ con khám phá vũ trụ bằng giác quan,
nó tập đi,
bắt chước các cử chỉ và thái độ
nhái lại cái thế giới trước mắt
chơi các trò chơi xây dựng rồi đạp phá .
Đây là thời kỳ duy lợi cảm giác .
Đến 6 tuổi
Trẻ con chia thế giới là hai hạng : điều vui thích và điều đáng ghét . Những phản ứng liên quan tới thế giới riêng của nó : trẻ con lúc này vị kỷ . Nó chơi một mình giữa những đứa bé khác .
Từ 7 tuổi
Trẻ con có khả năng luận lý , mở mắt nhìn đời, thu hoạch kinh nghiệm, thí nghiệm . Giai đoạn này trẻ con không thường . Nó thay đổi : răng sữa không còn, phát triển về mọi phương diện .
Nó muốn lớn ----- hiểu biết ------ khám phá
Từ 6 tuổi, trẻ con muốn người ta xem nó như “người lớn” không phải đối xử như con nít nữa . Nó đi học, mặc quần dài, biết bênh đứa nhỏ hơn .....
- Về phương diện sinh lý : nó lớn, có khi bị khủng hoảng vì mau lớn, nên mệt nhọc ; nó ưa thử sức : chạy, nhảy, hò la to tiếng .....
- Về phương diện xã hội : ngoài gia đình, nó còn khám phá ra khu phố trường học , đoàn hội .... làm cho nó tiếp xúc với những trẻ con khác miễn là nó có một chỗ trong cuộc chơi .
- Về phương diện tình cảm : nó muốn thoát khỏi tình trạng ấu trĩ , nhưng tự mình không vững, do đó sinh ra nhút nhát . Nhưng nếu gặp được chỗ tựa, một người thúc đẩy , nó tín nhiệm và tiếp xúc để thoát bỏ “cái ấu trĩ”. Đứa bé bớt vị kỷ dần dần .
- Về phương diện trí năng : nó thường đặt câu hỏi :” vì sao”, để tìm hiểu người và vật chung quanh . Trí khôn và lý luận phát triển và đi sâu vào các vật bằng những câu hỏi cụ thể, như :
“ Làm sao có đấy ?”
“Nó ở đâu đấy ?”
Điều này làm cho trẻ nhận xét, kết luận .
Ở trường, trẻ học đọc, học viết, học tính .
- Về phương diện luân lý : lương tâm trước là lương tâm xã hội . Nó tự hỏi “điều này cha mẹ có cho không ? điều này thày giáo cho phép không ? “ Và cái gì cấm tức là điều xấu . Dần dần, với sự tiếp xúc với bạn bè, nó phân biệt tình cảm khỏi luân lý, uy quyền khỏi các lề luật luân lý . Nhưng sự vâng lời vẫn còn kéo dài nhiều tháng, vì trẻ cho đó là cách làm thiện hay ác . Đối với trẻ, vâng lời còn là cách tỏ ra yêu mến cha mẹ, thầy dạy .
Nhiệm vụ của nhà giáo dục là giúp trẻ phân biệt uy quyền với lương tâm, có một ý niệm đúng về điều thiện và điều ác , và với những biến chuyển đời sống đào tạo một lương tâm chân chính .
- Về phương diện tôn giáo : đứa bé trong sạch và hăng hái tự nhiên . Nó thấy cần quên ý riêng để làm đẹp lòng người mà nó thương . Nó mê say đi tìm cái gì đẹp đẽ, cao cả, kỳ diệu . Nó muốn thấy Chúa với tư cách một người Cha nhân từ, nhưng cao sang, vì trẻ muốn được nương tựa vững vàng . Do đó sinh ra tinh thần thờ phượng .
Tất cả những điều này, cần có một người cụ thể hóa ra và truyền thông tín thư của Chúa cho chúng nó .
LỜI CHÚA KYTÔ
“ Nước Chúa là của con trẻ và của những ai nên giống chúng “.
Vì tâm hồn trẻ em cởi mở, đầy tín nhiệm, sẵn sàng thờ lạy ;
Vì suốt đời chúng phải lệ thuộc, không tự lập được, nên chúng không có ý nghĩ tự phụ, chúng không quên lời “ Không Ta, các con không làm nên việc gì “;
Vì trẻ không tính toán so đo, chúng sẵn sàng cho người chúng thương yêu mọi sự .
“ Khốn cho kẻ nào làm gương xấu cho trẻ “
Vì làm tổn thương sự trong sạch của một tâm hồn là lỗi nặng ;
Vì chúng yêu đuối, nhỏ dại, chưa có gì để bênh vực khỏi sự dữ chung quanh vây hãm .
“ Hãy để trẻ đến với thầy “
Vì chúng cần có một bầu không khí thuận tiện để gặp và đón Chúa ;
Vì chúng cần có những chứng nhân trong đời sống.... những người chúng thương .
PHƯƠNG PHÁP ẤU HÙNG ẤU DŨNG
Phương pháp Ấu muốn :
- Tôn trọng trẻ và bản lĩnh sâu xa của nó ;
- Tôn trọng tuổi thơ và các định luật .
Do đó , phương pháp nhằm giúp trẻ tham dự một các hoạt động và tích cực vào việc giáo hóa .
Như thế phương pháp linh hoạt
- Làm cho trẻ sống trong bầu không khí công giáo, đầy yên tĩnh, thư thái, vui vẻ .
Trẻ có thể có :
* thiện cảm với các HTR êm ái, vui tươi, nhã nhặn, dễ tín nhiệm ;
* thiện cảm với các trẻ khác, vì dễ gặp nhau ;
* thiện cảm với đoàn, vì tất cả đều trật tự và mở tay đón nhận .
Trẻ cảm thấy
* tự do ở “TỔ “ của mình cũng như ở nhà ;
* có bản lĩnh trong một hoạt động đoàn thể;
* được tiếp xúc tự nhiên với Chúa :
*- nhờ những cử chỉ tôn giáo
*- nhờ những truyện đạo, như cuộc đời Chúa Giêsu, các thánh ...
*- nhờ những cố gắng,
*- Nhờ cách sống của các trưởng,
*- Nhờ tinh thần công giáo thấm nhuần mọi hoạt động,
*- Nhờ sự cầu nguyện bộc phát .
- Làm cho trẻ có một cảnh vực phong phú, đáp ứng các nhu cầu trong bình diện làm người và làm người công giáo .
Tất cả mọi thiếu nhi đều có những nhu cầu sinh hoạt giống nhau sự chú tâm hay đòi hỏi trước một vấn đề ấy là sự bộc lộ nhu cầu . Sự khác biệt là do giới, tính tình, cảnh vực, gia đình, tôn giáo, v.v...
NHU CẦU CỦA TUỔI NHI ĐỒNG
Là tuổi rất hoạt động
1) Nhu cầu máy động :
Để điều hòa các cử động, thân thể; để ổn định thần kinh; để phô trương sức mạnh .
Do đó phải đòi hỏi :
- những trò chơi máy động, như chạy, nhảy ,
- thiên nhiên ( cây để trèo, bò, để nằm v..v..)
- thú vật ( để chạy bắt...)
2) Nhu cầu tập dượt giác quan : xem, sờ , nếm, nghe ....
Do đó đòi hỏi :
- đất ( để đào nặn v.v...)
- nước ( để múc đầy, đổ ra .....)
3) Nhu cầu biết các sự vật : trẻ ưa nhìn ngắm, tháo mở, làm lại để tìm hiểu, giải thích các bí nhiệm; trẻ thích phát minh, tưởng tượng .
Do đó đòi hỏi :
- những đồ chơi máy móc
- cây cỏ
- truyện vui, màu sắc
- trò chơi nhỏ đơn giản
- thu góp những đồ vật như của quí .
4) Nhu cầu hiểu các vật: chúng nó bắt chước, như chơi làm cha mẹ, buôn bán v..v...
Do đó đòi hỏi :
- những trò chơi bắt chước người lớn
- những trò chơi hóa trang .
5) Nhu cầu bản lãnh : để tỏ minh ra có địa vị, có thể hữu ích .
Do đó đòi hỏi :
- trò chơi tập thể, mà ai cũng có phần việc
- tham gia việc người lớn, như quét, dọn đồ đạc
- làm thủ công
6) Nhu cầu ổn định
Trẻ con lớn lên là đi từ một trạng thái này sang trạng thái khác . Những thích ứng chỉ có thể thực hiện khi đứa bé được ổn định .... nghĩa là nó có thể liên kết với điều được biết và thực tế .
Do đó đòi hỏi :
- trò chơi, mà khi chơi thì cảm thấy thong thả vì chính chúng nó chọn lựa, vì chúng có thể giữ được tiết điệu có thực hành ở đây mà không thể làm nơi khác .
- những Trưởng bình tĩnh, vui vẻ, nhã nhặn, tín nhiệm .
- nơi tập họp hấp dẫn mà chúng thích đến ,
- những truyện ( bắt đầu từ những việc thông thường để đưa đến chỗ chưa biết )
- một tình thương đối với Chúa là Cha, là Đấng bảo trợ .
7) Nhu cầu tiết điệu
Tiết điệu thân thể : trẻ đưa chân, đập cửa .... cách vô thức .
Do đó đòi hỏi :
- các vũ khúc , múa .
- bài hát có nhịp .
- trò cơi có điệu , có nhịp
- tiết điệu tâm lý : trẻ có tiết điệu sống khác đời người lớn ; phải có không khí bình tĩnh, thong thả, thư thái . Trưởng phải biết đi theo hơn là hối thúc .
Do đó đòi hỏi :
- những hoạt động yên tĩnh, linh động nhưng không kích thích, thời giờ nghỉ dưỡng .
8) Nhu cầu chiêm ngắm ;
Trẻ hoạt động vì đó là điều tốt, nhìn xem vì đẹp . Không nên lạm dụng lòng quảng đại của trẻ mà làm cho chúng mệt nhọc .
Do đó đòi hỏi :
- tìm hiểu cảnh vật do Chúa dựng nên,
- gia đình và nếp sống ở đó,
- những điều kỳ diệu, xinh đẹp : hình ảnh, truyện hay, kinh nguyện .
9) Nhu cầu siêu nhiên .
Bất cứ tuổi nào cũng có một tiềm lực đẩy lên Đấng Thần Linh . Hơn nữa, bởi phép rửa tội, đứa bé công giáo mang trong mình mầm sự sống Thiên Chúa và các nhân đức về Chúa . Bộ máy siêu nhiên đó cần phải chạy . Trẻ cần lên đến tận Thiên Chúa , nhờ Chúa Kitô ; cần sống trong tình yêu .
Do đó đòi hỏi :
- cầu nguyện, thờ lạy...
- những cử chỉ đạo đức,
- chơi bắt chước các tổ chức phụng vụ
- đối thoại với Chúa .
ĐÁP ỨNG NHỮNG ĐÒI HỎI
Những hoạt động
Trong các hoạt động, chúng ta sử dụng những kỹ thuật giáo dục, nhưng phải thích ứng với tuổi nhi đồng, lấy những mùa phụng vụ, thời tiết và những cơ hội có tính cách long trọng làm trọng tâm .
Phải luôn luôn đi từ cái thực tế và nhằm lọi ích cho chính đám trẻ đến TỔ .Nên nhớ rằng có lúc chính chúng ta phải khơi dậy những điều cần thiết cho chúng, chứ chính mình chúng thì ít khi đòi hỏi .
Vì sao những trẻ 6,7,8 tuổi đến TỔ ?
Chúng nó đến
- để chơi, nghe thuật truyện, hát, múa, làm thủ công ....
- vì biết rằng ở đây sẽ gặp nhũng người quen, những người anh, người chị dễ thương, những người bạn đáng mến,
- để học biết Chúa .
CHÚNG ĐẾN ĐỂ CHƠI
Đối với trẻ chơi là sống ....
Chính khi chơi chúng tỏ ra bản lĩnh nhất
Chúng cảm thấy thong dong
Chúng thu nhập, đồng hóa và thích nghi .
Trò chơi là tất cả hoạt động của chúng, vì chúng thích . Chúng đem cả thân xác, cả lòng trí vào đó, vì cảm thấy yên thân và khám phá được nhiều điều .
Các trẻ đến sân, tổ chức chơi với nhau nhiều trò ( tự bày, thường quen hoặc theo mùa, như buôn bán, nhảy dây, đánh bi....). Trưởng tôn trọng các trò chơi tự do ấy, tham dự vào và để chờ những em đi trễ . Đoạn tập họp chúng lại và đề nghị những trò chơi có tổ chức và tập thể, mỗi người phải tham dự .
CHÚNG ĐẾN ĐỂ NGHE TRUYỆN
Trẻ lối 7 tuổi tin ở cái gì kỳ diệu, thần bí . Sau tuổi khôn chúng bắt đầu đi tìm cái gì cụ thể, có bằng chứng . Đây là tuổi của truyện thần thoại và hoang đường . Những dụ ngôn trong Phúc âm chẳng hạn sẽ làm chúng say mê . Lời thuật phải dễ hiểu, có hình ảnh .
Truyện có thể bắt đầu hay kết thúc một trò chơi,
- để giải thích một bài hát
- là nguồn tưởng tượng trình diễn một vở kịch
- nhưng trước nhất phải là nguồn vui và tạo cơ hội khám phá .
CHÚNG ĐẾN ĐỂ HÁT VÀ MÚA
Những bài hát phải vắn, đơn giản, sống động, vui tươi . Đừng quên những bài hát đạo có giá trị vui tươi, biết ơn và thờ phượng . Biết rằng tập là trẻ hát được ngay tử tế, nhưng điều chính là mang lại vui tươi và phát triển cá nhân mỗi em .
Trẻ cũng rất thích múa nhẩy, vì có hương vị tiết điệu nhịp nhàng, có thể máy động ở trong đoàn . Vũ khúc cũng như điệu múa phải đơn giản và vui .
CHÚNG ĐẾN ĐỂ PHÁT HUY BẢN LĨNH
Lời nói không phải là phương thế độc nhất để phát biểu . Bất cứ ai cũng đều biết biểu dương con người của mình bằng ngũ quan .
* Nơi trẻ, tay là một cơ quan trọng hệ . Bằng thủ công, trẻ đồng hóa các điều khám phá được khi đi chơi, khi nghe thuật truyện, khi hát . Chúng dùng tay để nắn hình, để họa cảnh để cắt giấy .
* Bắt chước cũng là một việc thường quen nơi trẻ con . để nói, trước tiên phải bắt chước bà mẹ, vú em .... Bây giờ chúng vẫn còn thích làm như thế để bắt chước, để quan sát, để tưởng tượng .
Để giúp trẻ phơi bày khả năng, chúng ta nên liệu cho chúng những việc cần như giấy vẽ, bút chì màu, giấy màu, kéo, keo, cát, nước đất sét, dây, vải vụn , v.v...
CHÚNG ĐẾN ĐỂ XEM HÌNH
* để xem các trang báo có hình ảnh . Sao không liệu có những báo ấy ?
* để xem những hình đẹp bằng ánh sáng : rọi hình, chiếu bóng .
* để xem những hình nổi, sao không cho chúng diễn kịch ?
* để nghe những âm thanh : có máy hát thì tốt .
CHÚNG ĐẾN ĐỂ THOÁT THÂN
* đi vào rừng, đi ra đồng, thở không khí trong lành, tiếp xúc với thiên nhiên .
* đổi chỗ cho khỏi nhàm chán .
Nên nhớ rằng thiên nhiên là khung cảnh Chúa quan phòng để giúp trẻ dễ tìm biết Chúa, dễ cầu nguyện .
CHÚNG ĐẾN ĐỂ HỌC BIẾT CHÚA VÀ MẾN CHÚA
Tự nhiên trẻ thích bầu không khí công giáo của TỔ . Chúng thích :
* các truyện, các bài hát, những trò vui, làm thủ công về Kinh thánh...
* các cử chỉ tôn giáo, nhất là các lễ nghi ,
* những cố gắng làm vì tình yêu .