Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

VÀO "MÙA GIÁNG SINH", NGHĨ TỚI "VIỆC SÁT SINH"...

                                                  gioitre_ngocho (11)
I- Lời giới thiệu:
Hồi còn nhỏ, vào Mùa Giáng Sinh, ở trong gia đình, tôi cùng đọc mỗi ngày ''Kinh cầu Đức Chúa Giêsu Hài Đồng'' có câu thế này: ''Hài Đồng là phần rỗi các Thánh Anh Hài.'' khiến tôi nghĩ tới việc vua Hêrôđê tàn ác, cho lính tráng đi giết các em bé (sinh tại Bêlem và vùng phụ cận) từ hai tuổi trở xuống vì ông ta biết rằng ''Vua Dothái'' (Đấng Cứu Thế) vừa mới sinh ra!
Vì thế, đến bây giờ, mỗi lần ''nghe, đọc, viết'' hàng chữ ''Chúc mừng Giáng Sinh. Merry Christmas. Joyeux Noël...'', tôi cũng nghĩ đến SỰ SỐNG là Thiên Ân được ban cho loài người và Thánh Ca bằng tiếng Latinh ''Puer natus est nobis, et Filius datus est nobis.'' (Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng tavà một Con Trai được TẶNG cho chúng ta.)
Với ''tâm tình biết Ơn'' Thiên Chúa là TÁC GIẢ của sự sống, tôi kính mời Bà Con đọc bài viết sau đây:
Cảm nghiệm (của người lấy bút hiệu ''Tom'' ở Úc) về công trình tạo dựng của Thiên Chúa tuyệt vời biết bao, về hạnh phúc được làm ÔNG NGOẠI và về nỗi kinh hoàng khi nhìn tủ đông lạnh đầy ắp những thai nhi bị giết, những nghĩa trang hài nhi vô tội.
Người giới thiệu: Phan văn Phước


II- Bài viết:
ÔNG NGOẠI
Tôi muốn chia sẻ tới các Anh Chị một NIỀM VUI thật lớn: tôi mới được làm Ông Ngoại. Trước đây, nhìn bạn bè có cháu nội, cháu ngoại đem khoe, mà thèm thuồng lẫn ghen tị! Hình ảnh ông dắt cháu đi chơi trong buổi chiều tà cũng ĐẸP và NÊN THƠ quá đi chứ.
Cuộc đời tôi có nhiều thiệt thòi vì thiếu vắng một số loại tình cảm: tình cha-con và tình ông-cháu.
Bố chết lúc tôi còn bé tí teo, mà cũng chỉ gần bố được thời gian quá ngắn. Lúc đó, tuy chẳng biết gì, nhưng chắc chắn tôi vẫn cảm nhận được tình cảm sâu đậm của bố. Tiếc rằng cái cảm nhận đó chỉ mang tính thiêng liêng, không dấu ấn cụ thể để góp phần xây dựng tình cảm cho cuộc đời mình.
Riêng về phần ông bà thì các cụ cả nội, lẫn ngoại đã lìa trần khi tôi chưa chào đời, thậm chí đến giờ vẫn chưa được một lần viếng mộ phần của các ngài. Đã đôi lần tôi được trở về thăm quê cha đất tổ, nhưng, vì thời gian quá lâu, không người chăm sóc, bây giờ, không sao tìm ra các mộ được. Đành viếng chung trong khu nghĩa trang vậy. Không được chung sống, không gần gũi thăm viếng mộ phần và khoảng cách không gian thời gian quá xa khiến tôi gần như không nghĩ gì đến các ông bà. Có chăng chỉ là CẦU NGUYỆN chung cho ông bà, tổ tiên.
Thiếu vắng tình cha-con và tình ông-cháu, tôi cố tự BÙ ĐẮP cho mình trong vai trò là người bố và người ông. Gần ba mươi bốn năm qua, đã có được tâm tình của người bố và cảm nhận phần nào tâm tình của con với bố. Từ cảm nghiệm đó, tôi mong đợi có cháu ĐỂ ĐƯỢC làm ông và CÓ ĐƯỢC tình cảm ông-cháu. Hơn nữa, thú thật tôi rất thích trẻ thơ nên, khi cháu chào đời, tôi vui biết là chừng nào.
Đến bệnh viện thăm cháu, tôi được ƯU TIÊN ẵm bồng cháu ngay. Ôm cháu trong lòng, tôi vui mừng và đầy cảm xúc.
Ngắm nhìn cháu ngủ, tôi CẢM NGHIỆM công trình tạo dựng của Thiên Chúa tuyệt vời biết bao. Cháu nằm ngủ bình an như một thiên thần nhỏ bé. Cháu ĐÚNG LÀ một tác phẩm cao đẹp được tạo dựng theo Hình Ảnh của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương và quan phòng. Tôi tạ ơn Chúa đã thương giúp con và cháu của tôi trải qua được những khó khăn để rồi, giờ đây, được coi như ''mẹ tròn con vuông'', mọi sự ổn định.
Khi bước vào khu sản khoa của bệnh viện và nhất là lúc này, tôi nhớ đến lời Thiên Chúa chúc phúc: ''Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất, làm bá chủ và thống trị mọi loài.'' (St 1, 28). Lời chúc lành của Thiên Chúa là DẤU CHỈ của tình yêu và sự quảng đại của Ngài. Đó là ÂN HUỆ hứa ban khả năng truyền sinh, ước nguyện và lời hứa của Thiên Chúa được triển nở dồi dào nơi các đôi vợ chồng. Thiên Chúa đã CHIA SẺ quyền năng của Ngài cho con người trong công việc đồng sáng tạo. Ngoài dáng dấp của tạo vật, con người CÒN MANG dáng dấp của Thần Linh, ĐƯỢC thổi luồng SINH KHÍ của Thiên Chúa, ĐƯỢC chia sẻ sự sống và quyền năng của Thiên Chúa.

Tôi tạ ơn Chúa đã ban cho con người những tình cảm, NHẤT LÀ những tình cảm trong gia đình để đời sống con người ĐƯỢC hạnh phúc và gắn bó.

- ''Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.''
- ''Thương mẹ, nhớ cha như kim châm vào dạ,
Nghĩ đến chừng nào, lụy hạ tuôn rơi.''
- ''Anh em như thể tay chân
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy.''
- ''Con ai là chẳng giống cha
Cháu ai là chẳng giống bà, giống ông.''
- ''Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.''

Tôi cũng tạ ơn Chúa đã cho cháu tôi sinh ra trong một nước an bình, GIẦU TÌNH THƯƠNG, nơi có nền an sinh tốt đẹp, các con trẻ ĐƯỢC quan tâm đúng mức để phát triển. Tôi ước mong cháu tôi sau này sẽ sống xứng đáng với HỒNG ÂN này, và sẽ cùng CỘNG TÁC với cộng đồng để xây dựng đời sống con người mỗi ngày tươi đẹp và có ý nghĩa hơn. Mấy người quen nói cháu tôi sinh ra bị dây nhau cuốn cổ là dấu hiệu đứa trẻ đặc biệt! Tôi không mong cháu đặc biệt, nhưng hãy là bình thường. Bình thường như là con người ĐÍCH THỰC.
Ngồi ôm cháu trong bình yên và hạnh phúc, tôi lại tưởng nhớ và cầu nguyện cho những thai nhi BỊ GIẾT oan uổng và đau thương ở Việt Nam. Đây là những mầm sống bất hạnh không có cơ hội để GÓP MẶT VỚI ĐỜI.
Trong mười năm vừa qua, khi về Việt Nam ''trốn lạnh'', hầu như đến bất cứ tỉnh hay thành phố nào, tôi cũng nghe nói tới những nhóm Bảo Vệ Sự Sống và những nghĩa trang chôn cất các thai nhi VÔ TỘI. Tôi cũng tận dụng cơ hội và đi thăm nhiều nghĩa trang  này.
Tôi đã được Cha Nguyễn Văn Đông đưa đi thăm nghĩa trang Đồng Nhi nằm trong nghĩa địa rộng lớn của thành phố Pleiku ''quanh năm mùa đông''. Tấm biển ngay đầu nghĩa trang với những dòng chữ như lời khẩn cầu tha thiết: ''Xin ĐỪNG vất bỏ, vùi lấp chúng con. Hãy CHO chúng con có nơi yên nghỉ!'' Có đến hơn 15.000 thai nhi được mai táng nơi đây và phần lớn các nấm mồ hài nhi đều mang tên ''vô danh'' Những cái tên hiếm hoi như ''bé Trung Thu, bé Noel, bé Giáng Sinh...'' được khắc để ghi nhớ ngày các cháu MẤT ĐI quyền được sống. Tuy bị cha mẹ ruồng bỏ, giấc ngủ vĩnh hằng của các cháu đã ĐƯỢC nâng niu bởi những ân nhân thầm lặng, lập mộ và chăm sóc. Tôi nhìn thấy có nhiều người đến thăm và hương khói. Các cháu hẳn đã ĐƯỢC an ủi phần nào KHI nhận được tình yêu thương từ những người XA LẠ. Tiếc là tôi chưa có cơ hội thăm nhiều nghĩa trang Thai Nhi khác nữa ở nơi đây.
Tôi cũng đã thăm nghĩa trang ANH HÀI tại làng Hương Hồ, tỉnh Thừa Thiên-Huế, một nghĩa trang lặng lẽ, ẩn mình sâu thẳm bên dòng sông Hương, nép kín trên sườn đồi. Nép kín NHƯ muốn giấu đi một dã tâm đen tối CỦA những người cha, người mẹ đối xử nghiệt ngã với con. Dù đã được nghe kể, nhưng, KHI tận mắt chứng kiến, tôi thực sự BỊ choáng ngợp và lòng QUẶN ĐAU trước thực tế phũ phàng. Gần 50 ngàn hài nhi BỊ cha mẹ bỏ rơi từ khi chưa lọt lòng, hiện đang yên nghỉ nơi đây. Cả hàng vạn ngôi mộ được quét sơn trắng nằm ngay ngắn, thẳng hàng khắp vùng đồi núi rộng lớn. Tất cả các ngôi mộ đều không có tên, chỉ ghi ngày tháng năm sinh trên cây Thánh Giá cắm ở đầu mộ. Chả trách nơi đây cũng có nhiều dòng thơ than khóc, trách cha mẹ viết trên những bia đá khiến người đọc phải lặng người...
Tôi có cái duyên quen biết với anh Tống Phước Phúc, ở đường Phương Sài, Nha Trang. Năm 2004, anh đưa vợ đến bệnh viện sinh đứa con đầu lòng. Tại đây, anh CHỨNG KIẾN nhiều cô gái trẻ xếp hàng trước khoa sản, CHỜ phá thai. Hình ảnh đó ÁM ẢNH anh mãi, anh nảy sinh ý định xin những xác thai nhi về CHÔN CẤT. Đến nay, anh đã chôn cất hơn 10.000 hài nhi trên triền núi Hòn Thơm hay còn gọi là Hòn Nghê. Đây là khu đất rộng 6.000 m2 được anh mua lại làm chỗ AN NGHỈ cho hài nhi. Trước đây, khu vực nghĩa trang này toàn núi đá. Do có nghề xây dựng nên anh đã tự tay khai thác đá núi để có phần đất dành cho những hài nhi xấu số. Sau chiếc cổng đơn sơ, hơn 10.000 ngôi mộ bé xíu xếp thành từng dãy dài nằm sát nhau, trên mỗi mộ đều cắm một bông hoa hồng bằng nhựa nhiều màu sắc. Hơn chục nghìn ngôi mộ mà hầu hết đều vô danh, chỉ có số thứ tự, ngày tháng lập mộ và một số ký hiệu riêng. Những cái tên hiếm hoi như Tống Phước Xuân Tâm, Tống Phước Đắk Lắk, Tống Phước Ninh Hòa, Tống Phước Cam Ranh, Tống Phước Long An, Tống Phước Cao Bằng... để ghi nhớ về quê hương CỦA MẸ ĐẺ. (Người đọc xin phép ghi thêm: chẳng đẻ, chẳng sinh thành, chẳng muốn làm mẹ của thai nhi đã BỊ GIẾT.)
Nghĩa trang thai nhi Hòn Thơm nằm cô quạnh giữa lưng chừng núi, quay mặt về phía thành phố Nha Trang. Nghĩa trang này còn được gọi bằng những cái tên như nghĩa trang Hoa Hồng, nghĩa trang Vô Danh... Đến đây, tôi cảm nhận được sự bình an hơn, lòng ít quặn đau. Nơi đây không có những vần thơ oán trách não lòng, nhưng có tấm bảng ghi chữ ''BỐ MẸ XIN LỖI CON''...
Tôi còn thăm nhiều nghĩa trang những nơi khác nữa, nhưng có lẽ shock nhất là khi đến Thái Nguyên, Bắc Việt. Vì là thành phố kỹ nghệ và nhiều trường Đại học, Cao đẳng, có nhiều thành phần thanh niên nam nữ ở đây nên nạn phá thai cũng thật kinh hoàng.
Không kinh hoàng sao được khi nhìn thấy một freezer đầy ắp những thai nhi bị giết bỏ để trong từng bọc ni lông, dù nhóm mới chỉ được thu gom một ít chỗ và chưa đầy một tuần, chờ đến ngày được khâm liệm và chôn cất!
Đọc trong các thống kê về nạn phá thai ở Việt Nam, tôi đã rùng mình, nhưng tôi tin thực tế còn hơn thế nhiều. Tôi tin sự nhận xét của Cha Lê Quang Uy, người dấn thân trong công tác bảo vệ sự sống trong nhiều năm qua, có nhiều cái nhìn cụ thể. Cha cho rằng các con số thống kê là không đúng, cần xét lại. Cha nói Việt Nam phải có hơn ba triệu ca phá thai mỗi năm trong khi con số nhà nước đưa ra chỉ hơn một triệu.
NGẮM nhìn cháu ngủ, CÀNG thấy thương quá những thai nhi vô tội. NẾU không bị giết bỏ, các cháu CŨNG sẽ được an bình trong vòng tay yêu thương của những người thân yêu. Các cháu bị giết đi, làm biết bao người MẤT MỘNG làm Ông Ngoại!
Tôi nỗ lực cầu nguyện và cố làm được những gì trong khả năng để nhiều người KHÔNG bị mất quyền làm Ông Ngoại, cũng như những người ông ''KHÔNG là cớ'' cho cháu mình bị giết đi. Tôi nguyện sẽ cố gắng là Ông Ngoại tốt.
Tôi cũng cám ơn con gái đã tặng tôi món quà mừng Father's Day rất ý nghĩa, dù hơi sớm một tí. Và trên hết mọi sự, tôi tạ ơn Chúa hết lòng. Tạ ơn vì Chúa thương ông-cháu tôi, đã ''chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con ĐƯỢC làm người, cùng hằng gìn giữ con hằng CHE CHỞ con…''
Tom

NHỮNG ĐIỀU ƯỚC XÚC ĐỘNG LÒNG NGƯỜI CỦA TRẺ GỬI ÔNG GIÀ NOEL


Cây thông biểu tượng của lễ Giáng sinh đính đầy nguyện ước đơn sơ của các em thiếu nhi. 
Ảnh: TT.  (giadinh.vnexpress.net)




(congluan.vn)
Xin ông già Noel cho bố nghỉ  làm việc ở Thiên Đường và mẹ nghỉ quét rác đưa đi coi thú .

"Hạnh phúc và sự ấm áp hiện diện ngay bên cạnh mình, đó là gia đình. Đôi khi mải mê với những thứ khác cuốn hút hơn ta quên đi nơi ta đáng ra phải tìm về này. Gia đình là số 1,là tất cả. Cảm ơn bức thư của em đã khiến mọi người nhận ra điều đó"  (một dân mạng  xaluan.com bình luận).



Bức thư gửi ông già Noel mong mẹ khỏi bệnh

(congluan.vn)



Một bức thư cảm động gửi Chúa Hài Đồng trong đêm Giáng sinh (xin được giấu tên của em).
Ảnh: TT.  (giadinh.vnexpress.net)




Bức thư với những dòng viết nguệch ngoạc của cậu bé lớp 1 khiến người đọc không khỏi xúc động
(soha.vn)


Bức thư cảm động nhất là mong ước ông già Noel mang anh về: "Cháu vừa vào nam dự kỷ niệm 1 năm ngày mất của anh Duy (con trai dì Ba). Anh rất đẹp trai và yêu thương cháu. Cháu muốn một món quà nho nhỏ đó là ông mang anh Duy về cho dì Ba của cháu vì dì rất buồn và nhớ anh Duy".
(eva.vn)


Bức thư giành giải nhất khối 1 với điều ước có một chiếc xe lăn tự động cho bà bị bại liệt.
(eva.vn)


Học sinh này đã viết những lời xúc động: "Ông già Noel ơi, cháu ước mình như là một ngọn lửa , sưởi ấm cho các bạn nhỏ " đang phải mưu sinh trong giá lạnh...
(eva.net)