Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

CƠN MƯA GIŨ BỤI



Nhìn kìa! Cơn mưa như giận dữ cả loài người hay sao mà nước cứ mấp mé muốn tràn cả vào nhà! Các cửa sổ hé ra để mọi người nhận ra mấy lỗ thoát nước trên nắp cống đã bị cát đá chặn mất. Biết vậy, nhưng chẳng ai muốn làm “đầy tớ” cho người khác! Họ biết thế nào cũng có ai đó khùng khùng ra xoi ngay ấy mà! Quả như thế thật! Như mọi khi, chị Ba Ve Chai khố rách áo ôm cuối xóm lại đội mưa hý hoáy trên cái nắp cống ấy. Giòng nước lại vui vẻ tuôn xuống nơi nó phải đến…
Nhưng chị chưa vội về, vì chị biết thế nào bịch rác của nhà ông luật sư Bằng, đám lá cây của nhà bà Long giám đốc cũng trôi đến tranh chỗ, khi bọn đá dăm đã được chị hốt sạch. Chị không nỡ để chúng tuôn xuống cống, vì chị biết chẳng chóng thì chầy, cống sẽ vì thế mà ngập lên những rác là rác, những đá là đá…
Mãi đến khi, giòng nước chảy vào lòng cống đã trong veo như giọt sương trên lá, chị mới trở về, và các rèm cửa sổ mới thật sự không còn ai lén vén nhìn ra nữa.
Nhưng nào đã xong. Thế nào chị cũng còn phải nghe những lời càu nhàu của chồng con chị. Dù sao thì chị cũng quen rồi! Những tháng ngày lê la trên khắp nẻo đường để lôi về hàng đống nào sắt, nào nhựa…, rồi lại đem ra vựa bán lại để kiếm tiền sinh sống, đã làm cho chị quen cái nết chịu đựng. Chị chưa hề cân gian của ai dù chỉ là một gờ ram giấy, nhưng ánh mắt của những người bán mớ báo cũ vẫn có cái gì nghi kỵ khi nhìn thấy chị, đánh đồng chị với bao kẻ gian dối khác đang nhung nhúc trên mặt đất này. Chị cũng chưa từng xin ai dù chỉ là ly nước lã dọc đường đi, vì chị hiểu con người bây giờ đáng ngờ lắm: Ai lại có thể tin một người nghèo như chị mà cho bước vào nhà, nói gì đến ly nước dù có đáng gì! Chị cũng chưa từng mua chịu ai dù chỉ là ổ bánh mì, vì chị biết, đồng tiền đang làm vua trên cõi đất này, nên tốt hơn hết, có thì ăn, không có thì nhịn…
Thật ra, chồng chị cũng là người tử tế. Anh chỉ là một thợ xây quèn. Anh chỉ khác đám đồng nghiệp ở chỗ, anh chưa hề biết đàn đúm nhậu nhẹt mỗi cuối tuần. Anh cũng chưa bao giờ dám đi trễ về sớm, hay cẩu thả trong công việc. Nhờ vậy, mà anh luôn được tín nhiệm, nhưng cũng vì vậy, bạn bè anh không ít lần dè bỉu:
_Ê Ba! Mày làm đàn bà được rồi…
Anh cũng điên với mấy câu xóc óc kiểu ấy, nhưng anh làm thinh, và tự hào rằng:
_Ít ra, tao không “bệnh” như tụi mày…
Nhưng thấy vợ cứ như kẻ làm không công cho người khác, anh thấy ức lòng. Nhà lão Bình luật sư là “chuyên gia” ném rác từ lầu 3 xuống hẻm. Có khi bịch rác vỡ tung ra để lền khên rác vương trên lối đi. Có những chị nhà chẳng nghèo đói gì, cũng lấm la lấm lét ra nhặt về mấy cái chai nhựa, hay cái lon bia trống rỗng, rồi tí tởn bán lại cho vợ anh với cặp mắt không rời khỏi mặt cân đồng hồ. Những thứ không thể bán được thì cứ tung tăng trên hẻm, khiến con mắt sáng như đèn pha của chị, lại phải ra lệnh cho đôi tay chăm chỉ của chị hốt, rồi mang về căn nhà nhỏ bé của vợ chồng anh. Ức không cơ chứ. Thì phải quát lên với vợ thôi:
_Sao cô…rảnh thế! Cứ làm mọi cho chúng mãi à!
Chị nhe hàm răng rất trắng nhìn chồng, hơi lườm lườm một tí:
_Thôi đi…anh xã! Hốt đi kẻo có đinh hay miểng chai thì xe anh xẹp lốp, con anh chảy máu chân đấy! Rồi lúc ấy không lẽ anh ra chửi đổng ngoài đường à!
Chỉ vì hàm răng ấy mà anh Ba lấy chị, thì cũng tại cái hàm răng ấy lại khiến anh phải im như thóc, rồi…cười!
Nhưng lần này thì chẳng đơn giản tí nào. Chị sốt liền mấy ngày khiến anh Ba cuống cuồng. Nhìn anh loay hoay mà thương ghê đi. Đã vậy, anh cứ càm ràm:
_Đó, cô thấy chưa! Ai đời lại đứng ngoài mưa cả buổi như vậy để giờ phải chịu tai bay vạ gió! Cô coi, có thằng cha con mẹ nào tới cho cô viên thuốc nào không!
Cáu là thế, nhưng anh đã mượn của chủ thầu chút tiền để đưa chị ra bác sĩ. Nào có xa xôi gì: bác sĩ Đơn giữa hẻm ấy mà. Mặc cho chị tiếc tiền, anh lôi chị ra bác Đơn cho bằng được. Vị bác sĩ già không con như chính tên Đơn của ông, áp bàn tay vào trán chị:
_À! Sốt rồi đây!
Thế là anh Ba giãi bày lý do khiến vợ mình bị cảm lạnh như vậy. Nhìn hai con mắt trố lên của anh, nhìn cái miệng láp xáp của anh, bác Ba phì cười:
_Có gì mà anh phải rối tinh lên thế. Ít viên thuốc là khỏi thôi ấy mà!
_Hay bác chích cho vợ con đi!
_Chích là chuyện của lũ…xì ke, còn bác không cứ hở ra là chích đâu nhé!
_Con có tiền mà!
_Ừ! Có tiền thì ráng mua lấy chai bia mà uống, rồi hát hò cho vui cửa vui nhà, chứ bác không chích choác gì ráo!
Đã vậy, bác Đơn chả thèm lấy đồng bạc nào, mà còn nói:
_Nhờ chị mà nhà tôi không bị nước tràn vào cách nay mấy hôm, vậy mà tôi nỡ lòng lấy tiền của kẻ đã giúp đỡ mình sao.
Anh Ba lúng túng:
_Ấy, tụi con không xoi cống thì nhà con lãnh trước nhất bác ạ! Nên thật ra, làm vậy là làm cho chính mình chứ có làm cho ai đâu!
Chẳng thấy ông bác sĩ nói gì thêm, mà chỉ biết ông lầu bầu gì đó với vợ ông, mà bà bác sĩ vào nhà trong ,mặt tươi như gái mười tám đem ra cho chị Ba:
_Này, chị đem về pha nước mà uống cho mau khỏe, còn mấy cái này bác cho mấy đứa nhỏ nhé. Đừng có mà cám ơn. Hễ cám ơn thì đừng bao giờ ra đây nữa…
Trời! anh Ba nước mắt lưng tròng kìa! Anh cầm gói cam to tướng mà chẳng nói gì! Không phải vì anh tuân lệnh bà Đơn không được cám ơn, mà thật ra, sự cảm kích đã chặn ngang cổ họng anh, rồi trào ra trên hai con mắt đo đỏ…
Anh dắt vợ ra về. Trời sập tối mà lòng anh sáng như lồng lộng ánh mặt trời…
Tối hôm sau, vợ chồng bác Đơn vào thăm bệnh nhân của mình trước sự ngỡ ngàng của cả gia đình họ. Vợ chồng anh Ba cùng hai đứa con đang chuẩn bị bữa ăn đơn sơ của mình: Một tô canh bí nóng hổi, và đĩa thịt kho trứng…
Mấy đứa nhỏ đứng lên:
_Con chào ông bà!
Anh Ba luống cuống kê thêm hai cái ghế nhựa, chị Ba-xem ra đã khỏe- cũng luống cuống không kém, định bưng mâm cơm đi để tiếp những người khách tử tế. Bác Đơn ngăn lại:
_Chị cứ để yên tại chỗ. Rồi nếu còn chén thì mang lên đây 2 cái cùng vài cái đĩa, để cho vợ chồng tôi ăn cơm với chứ.
Thật là bất ngờ trước lời đề nghị hiếm có ấy. Nhưng chị Ba như khỏi hẳn bệnh. Nụ cười của chị đẹp hơn bao giờ hết. Anh Ba tự nhiên biến mất như một bóng ma, để rồi trở lại với mấy lon bia và bịch đá.
Dĩ nhiên, vì có chủ ý, nên bác Đơn đã mang theo nào giò, nào bê thui, nào…,để bữa cơm chung vui hết chỗ nói. Niềm vui thật giản dị chính nhờ ánh mắt của con người tràn trề tình nghĩa. Giữa họ không là bác sĩ-bệnh nhân! Không là đầu xóm-cuối thôn! Không là trên-dưới! Mà là nhìn nhận giá trị thiêng liêng trong nhau!
Chén trà hậu cũng không hề giảm đi tính tự nhiên như gió đang đùa lá ngoài kia:
_Thế anh chị cho tôi biết, vì sao lại chịu khó “vác tù và hàng tổng” vậy!
Khá là lúng túng, rồi chị Ba cũng với tay lên nóc tủ, lấy xuống quyển sách dày, đựng trong bao da đã có chút sờn:
_Một hôm, con lượm được quyển sách này ngay trước cửa, chắc là của ai đánh rơi. Nhưng biết của ai mà tìm trả. Rồi tò mò đọc. Cái rồi thấy thích, hai bác ạ!
_A! Quyển Kinh Thánh đây mà!
_Dạ! Con nghĩ chắc đây là quà…Chúa cho, vì rõ ràng nhờ nó mà con vỡ lẽ ra rất nhiều điều.
Chị khá là ngập ngừng vì đây là lần đầu tiên trên đời, chị nói đến chữ “Chúa”
_Thế chị thấy có gì hay trong đó?
Chị xòe tay cầm lại quyển sách, rồi như cầm một báu vật, chị nhẹ nhàng mở ra, rồi đọc:
“Ai muốn theo tôi,phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Không hiểu sao, ngày đầu tiên con lại mở đúng vào trang này, rồi câu này, ai đó đã kẻ đậm lên khiến con chú ý. Mà quả thế, con thấy, khi cởi bỏ mọi ý riêng, mọi cái ngạo mạn của mình, thì mọi sự thật là nhẹ nhàng vô cùng. Nên dù có phải nhịn người khác một tí, con thấy chẳng còn là khó với con nữa…
Vị Bác Sĩ già trầm ngâm:
_Thật là lạ lùng, khi con không có đạo mà con thi hành lời Chúa tốt đến như thế. Còn bác, con có tin không: bác đã quên Chúa từ rất lâu rồi…
Mọi người giật mình vì sao ông có thể dùng ai chữ bác-con một cách nhẹ nhàng như vậy…Ông mơ màng:
_Chính vì tin Chúa, mà hai bác mãi cầu xin, nhưng Ngài lại không cho đứa con nào. Thế là quên Chúa luôn. Vì các con coi, hai bác lấy nhau từ khi còn trẻ, và đều mạnh khỏe, gia đình đều khá giả. Vậy mà không có lấy được mụn con nào. Bác hiểu là chỉ có Chúa mới làm được việc này… Nhưng xin mãi mà không được, nên bác chán cả Chúa…
Mắt ông, cũng như lòng anh Ba tối hôm qua bỗng sáng lên một cách kỳ diệu:
_Hôm nay, Chúa lại đến với hai bác. Không phải như thế đâu!  Mà chính hai bác lại thấy được Chúa qua việc làm đơn sơ của hai cháu. Chính khi ta nhìn ra rằng ta nhỏ bé, thì ta lại thấy được Chúa Trời trong khắp mọi người. Chính hai cháu đã làm bác thay đổi cách làm, là cứ quên mình đi, ta sẽ thấy ta thật tự do. Ta chỉ còn bị ràng buộc mỗi một thứ thôi, là cố làm đẹp cho đời.
Ngẫm nghĩ một lúc, ông hỏi:
_Nếu Chúa nhật này, bác mời gia đình con đi lễ, mấy đứa con nghĩ sao…
Tám con mắt dò hỏi nhau, rồi bốn cái đầu gục gặc, thúc cho miệng anh Ba khỏi cái ngại ngần sau cuối:
_Vậy hai bác dắt tụi con theo nhé!
Bà vợ ông bác sĩ, như trẻ lại trong cái giọng trong veo, khi bà đã quá lục tuần:
_Xong rồi, bác mời mấy đứa qua nhà bác, ăn mừng…


                                                                             LAM TRẦN 15.09.2015