Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ THIẾU NHI (2)



II
TIN VÀO ĐỨA TRẺ

            Trước khi đi xa hơn, cần phải nhắc lại trước hết ít nhiều chân lý nguyên thủy, tán đồng sâu xa hơn những xác tín vững chắc về bản chất cũng như cuộc sống của trẻ em.

I.- ĐỨA TRẺ LÀ MỘT HỮU THỂ ĐỘC ĐÁO.

            Chúng tên là Phêrô, Myriam, Hùng, Lan, Mamadou … những trẻ em đó vây quanh chúng ta như những nhân vật, duy nhất, độc đáo. Không phải “người lớn chưa thành” cũng không phải “người rút nhỏ lại”. Những người bé ấy cần được xem xét chúng hôm nay nội tại ra sao, chứ không phải chỉ phụ thuộc vào tương lai của chúng.

* CHÚNG LÀ NHỮNG NHÂN VẬT từ bẩm thai đã phô bày trong chúng những khả năng sẽ ảnh hưởng đến nhân cách chúng mai ngày. Những khả năng mà giáo dục cần góp phần làm nảy nở.

* MỘT ĐỨA TRẺ LÀ MỘT HỮU THỂ ĐANG TĂNG TRƯỞNG BẤT TUYỆT. Nó muốn và phải lớn lên. Điều đó cho nó một động lực, một đà sống phi thường.

ĐẤY LÀ MỘT HỮU THỂ BẢN CHẤT LINH HOẠT, luôn luôn hoạt bát, máy động, sử dụng tất cả sức sống để xây dựng cái “tôi” của nó, để khám phá những gì chung quanh nó. Không thiếu những người lớn phải ngạc nhiên trước ý chí, sự kiên tâm của ít nhiều trẻ em.

ĐỨA TRẺ CÓ KHẢ NĂNG SÁNG KIẾN theo sức nó, thắng vượt chính mình, đã và theo khả năng lĩnh trách nhiệm.

NÓ RẤT QUẢNG ĐẠI, dễ dàng hăng say vì cái đẹp, cái đúng, cái thật.

* HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA NÓ LÀ CHƠI, phương tiện thiên bẩm để khám phá những kẻ khác, thế giới. Đối với trẻ, sống là chơi. Chính trong lúc sống, tức lúc chơi nó học sống. Chơi là cái gì trọng yếu. Chính nhờ đấy, qua đấy mà đứa trẻ tự rèn luyện, lớn lên, sáng tạo, thích nghi với xã hội.

II.- NHỮNG ĐOẠN ĐƯỜNG CHÍNH CỦA TUỔI THƠ.

TUỔI THƠ LÀ MỘT GIAI ĐOẠN KHÁM PHÁ VÀ THÍCH NGHI VỚI CUỘC SỐNG.
            Đối với đứa trẻ, TỪ SƠ SINH bắt đầu chuỗi dài những khám phá, sẽ dần dần đưa nó tới chỗ hiểu biết chính mình và thế giới; khám phá sự máy động, rồi chính bản thân nó, nó mút, nó sờ, nó mó v.v.., khám phá khoảng cách, rồi tiếng nói. Như thế dần dần nó khám phá chính mình và hầu như đồng thời nó cũng khám phá những kẻ khác, nhưng liên hệ với nó. Vì khi đó nó là trung tâm của thế giới, của vũ trụ và nó xoay mọi cái về nó : tự kỷ trung tâm là nó.

CUỘC KHÁM PHÁ THẬT SỰ NHỮNG KẺ KHÁC VÀ CẢNH VỰC XÃ HỘI THỰC HIỆN Ở TUỔI HỌC TRÒ.
            Khi mà đứa trẻ trở nên bình đẳng giữa những đứa khác. Cá tính xã hội của nó thành hình dần dần; tiếp xúc với những trẻ khác và trong lúc chơi, nó tập cư xử khả dĩ được xã hội chấp nhận.
            Như thế dần dần nó chen chân vào mà không va chạm tập đoàn các trẻ em trước, rồi người lớn sau. Đấy là giai đoạn tuổi thơ gọi là trưởng thành, giai đoạn vui sống và không có chuyện gì.

RỒI NHỮNG DẤU HIỆU TIÊN BÁO SỰ KHỦNG HOẢNG SẮP TỚI XUẤT HIỆN: TUỔI THIẾU NIÊN. 
           Quân bình thể lý, có thể sử dụng những tài năng trí tuệ, đứa trẻ đột nhiên tự khám phá thấy mình có khả năng “tung bay bằng đôi cánh của nó”. Nó không còn là “đứa nhỏ” và nó tìm cách minh chứng điều đó: nó tự quyết bằng cách chống lại : đó là giai đoạn tiền thiếu niên.

            Thế giới nó đã thoáng thấy ở những giai đoạn trước, ngày kia bỗng hiện lên mới lạ đối với nó, làm nảy ra trong nó ý thức phải giữ lấy chỗ của mình: đấy là tuổi những dấn thân đầu tiên làm thỏa mãn nhu cầu sáng kiến, tự do, tự chủ, lĩnh trách nhiệm của nó.

            Chức phận tuổi thiếu niên manh nha như thế, giúp tự quyết và ý thức dần dần một cá tính tự chủ.

SỰ BIẾN HÓA ĐÓ XẢY RA THẾ NÀO?

            Sự biến hóa của đứa trẻ hoàn thành coi có vẻ lộn xộn: những giai đoạn bề ngoài ứ đọng, tiếp theo những giai đoạn biến đổi mau lẹ, tạo ra sự luân phiên những nhịp yếu và những phách mạnh đáp ứng quy luật lớn lao của những nhu cầu và ham thích.

            Tuy nhiên nhịp điệu biến hóa của mội đứa trẻ là cái gì độc đáo. Nếu có thể vạch một mức trung bình trong tuổi ấu nhi, chẳng qua chỉ là để mách bảo, bước tiến của mội lứa tuổi còn tùy ở những yếu tố khác nhau: sinh lý, xã hội, cá nhân, gia đình…

            Cảnh ngộ sống của đứa trẻ càng quân bình, sự phát triển của nó càng diễn ra hòa điệu.

III.- NHỮNG ĐỨA TRẺ.

            Đứa trẻ cảm thấy rất sớm bị lôi cuốn đến với những đứa khác, những đứa trẻ cùng tuổi. Chúng chẳng cùng chia xẻ một nguyên động lực, một đà tiến về tương lai, về sự hình thành của chúng ư? Ở điểm này, chúng tự nhận giống nhau và như thế chúng tìm cách kết đoàn với nhau để cùng nhau hành động.

            Những “tập đoàn” trẻ con đó, mà ở trong lòng nó chúng có thể là chúng, là một thành phần thiết yếu cho sự triển nở chung của chúng. Ở đấy chúng sẽ học biết về những người khác, với những ham thích, những nhu cầu, những phản ứng của chúng, bày tỏ quan điểm của chúng, nhưng cũng để ý đến quan điểm của những kẻ khác. Cùng nhau chúng sẽ tự tổ chức, lập nội quy, luật sống, sẽ đưa đường cho chúng dần dần tới chinh phục quyền tự chủ thiết yếu cho việc thực hiện nhân cách của chúng.

            Hoạt động chủ yếu của trẻ em với nhau, cái liên kết những phe đảng của chúng, cái mà nhớ đấy chúng chịu nhau, đó là chơi. Nhờ chơi tập hợp chúng lại, chúng tự khám phá ra rằng chúng bổ túc cho nhau và cùng nhau thí nghiệm sự hợp tác. Như thế, chúng ý thức cái nguyên động lực, những khả năng, sức mạnh của chúng.

            “Thế giới trẻ con” thành hình là như thế với tổ chức của nó, những tôn chỉ sống của nó, ảnh hưởng của nó. Phần đông người lớn không nhìn thấy thế giới đó. Họ là những kẻ xa lạ, là những kẻ bị khai trừ nữa. Do đấy, những người lớn thường không hay biết nó, vì lẽ nó huyền nhiệm, nó bí mật. Họ phê phán nó bề ngoài và họa hoằn họ mới thấy nó là sự phát biểu tập thể của thân phận tuổi thơ và nó tối cần cho cuộc sống trẻ em, vì ở đấy chúng mới đúng là chúng và những mối giao tế của chúng mới đích thật nhất.

IV.- NHỮNG ẢNH HƯỞNG ĐỂ DẤU VẾT NƠI TRẺ EM.

            * NHỮNG ẢNH HƯỞNG ĐÓ NHIỀU LẮM.
Chúng ta tường kê những cái chính:

NHỮNG NGƯỜI CHUNG QUANH ĐỨA TRẺ:

_ Mỗi đứa trẻ là phần tử trong một gia đình nhất định, gia đình nó chủ trương một nếp sống nào đó, một lề lối giáo dục, một cách nhìn người và sự vật. Đấy là những cái cấu thành MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI.
_ Nó sống trong một KHU PHỐ, một LÀNG, một NƯỚC mà mỗi chổ có cái độc đáo của nó, những nếp sinh hoạt, những phong tục.
_ Nó đến hay không đến TRƯỜNG HỌC, và nhà trường có cái lối giáo dục, những thói quen sẽ đem nó đi xa nhiều ít tùy theo những khả năng của gia đình nó, tùy theo nền học của nước nó.
_ Nó GIÁO DỤC với những người hàng xóm, bè bạn, không những là các trẻ em như nó, mà cả những thanh thiếu niên và những người trưởng thành.

SINH HOẠT TRÊN THẾ GIỚI:

            Những xã hội đứa trẻ tham gia luôn luôn đem lại cho nó những nguyên tố ở bình diện KINH TẾ, CHÍNH TRỊ, VĂN HÓA, XÃ HỘI, TÔN GIÁO … Nó thấy, nó nghe … báo chí, truyền thanh, truyền hình, chiếu bóng, ngày ngày trình bày cho nó những BIẾN CỐ đang diễn ra cách xa nó cả hàng ngàn cây số…Thế giới vừa tầm tay nó với được.

            * TRONG TẤT CẢ NHỮNG ẢNH HƯỞNG ĐÓ CÓ CÁI TỐT LẪN CÁI XẤU:

_ CÓ TẤT CẢ NHỮNG GIÁ TRỊ XÁC THỰC có thể giúp nó nảy nở, làm nó phong phú…

_ CŨNG CÓ, THƯỜNG PHA TRỘN KHÍT KHAO, NHỮNG DẤU VẾT SÂU XA CỦA TỘI LỖI, SỰ ÁC, phá vỡ hòa điệu, đưa đến những thiên kiến, hận thù, xáo trộn, chết chóc… và góp phần tạo ra một tâm trạng bất an có thể nguy hại đến sự nảy nở của nó.

            * CÁC ẢNH HƯỞNG ẤY ĐỂ DẤU VẾT SÂU XA NƠI MỖI ĐỨA TRẺ, NƠI CÁ TÍNH RIÊNG CỦA NÓ, CŨNG NHƯ NƠI THẾ GIỚI TRẺ CON.

Chúng ta chỉ cần lưu ý trò chơi của trẻ em chịu ảnh hưởng bởi :
_NHỮNG NGƯỜI LỚN, cách cư xử, mối ưu tư, âm trạng của họ …

_ NHỮNG NGƯỜI HÙNG, chúng thán phục và chúng tái diễn trong trò chơi cuộc mạo hiểm của họ: những người hùng trong lịch sử, trong sách báo có tranh ảnh, các tài tử, những nhân vật quan trọng hiện đại …

_NHỮNG BIẾN CỐ địa phương, quốc gia, thế giới đập vào tính nhạy cảm, kích thích trí tưởng tượng của chúng.

            Cần phải lưu ý đến tất cả những cái hay lẫn cái dở. Cần phải biết phân biệt những giá trị mà giáo dục có thể dựa vào để vượt những trở ngại không thể tránh. Cần phải biết tìm tòi tối đa cái gì có thể đem lại cho đứa trẻ niềm vui, tình thương, sự che chở, an ninh, nâng đỡ của cộng đồng mà nó cầu mong và cần đến.

            Nhắc nhở một đôi điều đó đủ thuyết phục chúng ta rằng bản chất sâu xa của đứa trẻ khác hẳn chúng ta.

            Tuổi thơ và tuổi thiếu niên là hai giai đoạn độc đáo của cuộc sống có giá trị trong nó, cho chính nó. Hơn nữa nó thiết yếu để xây dựng một cá tính trưởng thành, cá tính này có thể bị thương tổn nhiều, nếu các giai đoạn đi trước đã không được sống trọn vẹn hay không được nảy nở.