Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

NIỀM TIN PHỤC SINH

                                       
 Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh
Sr. Inê      Nguồn: www.btinternet.com
Niềm Tin Vào Ðấng Phục Sinh
Cv 10,34a. 37-43; Cl 3,1-4 hay 1Cr 5,6b-8; Ga 20,1-9

Một em bé hỏi mẹ về đứa em mới chết hiện đang ở đâu ?
Người mẹ đáp: -Em con đang ở trên thiên đàng với Chúa Giêsu.

Mấy ngày sau, bà mẹ nói chuyện với bạn bè tỏ ý đau buồn khi nhắc đến đứa con mới mất.
Em bé ngạc nhiên hỏi mẹ: -Khi mẹ mất vật gì tức là mẹ không biết nó đang ở đâu phải không mẹ?
Bà mẹ đáp: -Phải.
Bé nói tiếp: -Mẹ biết em con đang ở với Chúa, sao mẹ lại nói là em con đã mất ?
Bà mẹ chợt tỉnh, không còn đau buồn nữa mà ý thức con mình đang vui hưởng hạnh phúc thiên đàng cùng Chúa Phục Sinh.

Thật vậy, Chúa Ki-tô đã Phục Sinh như trong tin mừng Gio-an 20,1-9 đã tường thuật một cách tỉ mỉ như một nhân chứng đã mắt thấy tai nghe, diễn tả hành trình mà các tông đồ, cụ thể là 3 nhân vật: Ma-ri-a Mac-đa-la, Phê-rô và Gio-an đã trải qua để tiến đến niềm tin "Chúa đã Phục Sinh". Chúng ta có thể suy niệm về vai trò của Phêrô và Gioan trong ý nghĩa về Giáo hội học. Nhưng hôm nay chúng ta lưu ý đến chính cuộc phục sinh của Chúa Kitô và ý nghĩa của biến cố này.

Thánh Phao-lô quả quyết: "Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta là điều vô ích, ...chúng ta là những người khờ dại nhất vì chúng ta tin tưởng vào một điều hão huyền" (1Cr 15,12-19).

Vậy Phục Sinh là gì ? Ðâu là ý nghĩa của biến cố Phục Sinh ?

Phục Sinh không có nghĩa là hồi sinh trở về đời sống cũ, giống như trường hợp con trai bà góa thành Na-im (Lc 7,11-17), con gái ông Gia-ia (Lc 8,40-56), và đặc biệt là ông La-za-rô (Ga 11,1-45). Cả ba trường hợp này người chết đều sống lại, nhưng đó chỉ là trở lại với đời sống cũ, có nghĩa là một ngày nào đó họ cũng phải theo cái số phận chung của loài người là phải trở về với bụi đất. Họ vẫn còn nằm dưới quyền của sự chết.

Trường hợp của Chúa Giê-su hoàn toàn khác hẳn. Quả thực, Ngài đã chết nhưng khi nói rằng Ngài Phục Sinh, có nghĩa là Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết, Ngài không sống lại một thời gian để rồi chết lại. Sống lại đối với Chúa Giêsu có nghĩa là mặc lấy sự sống sung mãn mới mẻ đến độ sự chết không còn chi phối nữa, cũng không định luật tự nhiên nào có thể chi phối được Ngài. Nhưng quan trọng hơn nữa, Chúa Kitô Phục sinh trở nên nguồn sự sống và sự sống lại của chúng ta. Ðiều Chúa nói trước đây: "Ta là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,24) bây giờ trở nên sự thực qua việc Chúa sống lại.

Là những chứng nhân của Ðấng Phục Sinh các môn đệ Ðức Giê-su đã ra đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng của Ngài, Tin Mừng ấy là: Ai tin nhận Ðức Giê-su, tuyên xưng Ngài là Chúa và sống theo giáo huấn của Ngài, người đó cũng sẽ được Phục Sinh như Ngài. Ngày nay tất cả mọi người tín hữu trên khắp thế giới đều được liên kết bởi cùng một niềm tin, đó là là niềm tin vào sự Phục Sinh của Ðức Giê-su Ki-tô. Chính niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, hướng dẫn các Ki-tô hữu bước qua tăm tối và giúp cho họ sống vui tươi, can đảm, và kiên nhẫn trong mọi nghịch cảnh.

Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, Ðấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, xin ban cho chúng con niềm tin mãnh liệt vào quyền năng Phục Sinh của Chúa. Xin cho chúng con sáng suốt nhận ra Ngài trong mọi biến cố cuộc đời. Nhất là xin cho chúng con luôn hăng say loan báo và làm chứng cho Ngài bất chấp mọi thử thách gian nan. Amen.

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

THÁNH GIÁ - THỨ SÁU TUẦN THÁNH

           



1.    Thập Giá khác với Thánh Giá
Thập giá và Thánh Giá khác nhau một trời một vực: thập giá là do lòng hận thù độc ác của loài người sản xuất ra, còn Thánh Giá là do lòng yêu thương vô bờ vô bến của Thiên Chúa sáng tạo nên. / Trước khi trở thành Thánh giá, thập giá là hai miếng gỗ sù sì, trần trụi, gồ ghề, nặng nề, bắt chéo vào nhau như một hình chữ thập, dùng để giết người một cách rất  dã man. Thập giá là hình khổ kinh khủng nhất, do người Rôma độc ác bày ra để hành hạ và giết chết những kẻ phản loạn, những người nô lệ, những ai bị họ đặt ra ngoài vòng pháp luật. Thập giá ghê tởm nầy, cách đây hơn 2000 năm, đã được Chúa Giêsu vác lên Núi Sọ và bị đóng đinh chết vào đó. Và kể từ đó, kể từ khi Con Đức Chúa Trời chịu đóng đinh chết tất tưởi trên thập giá, thì thập giá đã trở nên Thánh Giá lạ lùng. Lạ lùng đến nỗi loài người không thể nào hiểu được và không thể nào cắt nghĩa được. / Trước, thì thập giá quá đên tối, quá kinh tởm, quá tủi nhục; nay, thì Thánh Giá quá sáng chói, quá hấp dẫn, quá cao sang. / Trước, thì thập giá chỉ có mặt nơi tử địa, nơi pháp trường, nơi những chổ đê hèn nhục nhã; nay, thìThánh Giá có mặt khắp nơi, nơi trang trọng nhất, nơi cao sang nhất. / Trước, thì thập giá bị chối từ, bị nhờm gớm; nay, thì Thánh Giá được ôm ấp, được ao ước, được mang nơi ngực, được đeo nơi cổ, được hôn kính dấu yêu. Trước, thì thập giá được làm bằng lọai gỗ sần sù, lởm chởm; nay, thì Thánh Giá được làm bằng vàng, bằng bạc, bằng mọi thứ kim loại đắc giá nhất trên đời nầy.
2.    Vì sao người Công Giáo chúng ta lại dành cho Thánh Giá một địa vị vô cùng đặc biệt như thế?
Vì trên Thánh Giá, Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, vì yêu thương loài người quá bội, nên đã nộp mình chịu chết để cứu chuộc loài người, để cho loài người được sống.
3.    Nhìn lên Thánh Giá, người Công Giáo chúng ta thấy hai chữ gì?
Nhìn lên Thánh giá, người Công Giáo chúng ta thấy hai chữ ĐAU KHỔ. / Trên thánh giá, Chúa Giêsu nếm chịu mọi nỗi đau khổ: đau khổ vật chất (bị lột hết áo quần ra, không một mãnh vải che thân); đau khổ thể xác (từ trên đỉnh đầu cho đến dưới bàn chân, chẳng chổ nào là chẵng xể xài rách nát, cùng bày xương ra...); đau khổ tinh thần (bị sĩ nhục, bị bỏ vạ, bị cáo gian, bị chửi rủa thậm tệ); đau khổ tâm hồn (thấy trước đủ mọi tội lổi tầy trời của loài người chống lại Thiên Chúa, thấy trước mọi vong ân bội nghiã của loài người đối với Thiên Chúa ); đau khổ tình cảm (thấy những người thân yêu, nhất là Mẹ yêu dấu của mình, đang ở dưới chân mà không an ủi gì được).
4.    Nhìn lên Thánh Giá, người Công Giáo thấy hai điều trái ngược nào?
Nhìn lên Thánh Giá, người Công Giáo chúng ta thấy hai điều trái ngược: Vô Tội - Bị Kết Án. / Đấng vô tội, bị kết án; Đấng công chính, bị vu cáo; Đấng vô cùng thánh thiện, bị đày ải; Đấng cao sang vô cùng trên trời dưới đất, bị hành hạ, bị đóng đinh chết; Đấng toàn năng, phép tắc vô cùng, bị sĩ nhục; Đấng giàu có vô cùng, bị trần truồng nhuốc hổ; Đấng sáng láng vô cùng, bị tối tăm vây phủ; Đấng là sự sống, thì nay lại tắt thở và chết. / Nhưng, sau khi nếm cái chết chẳng đủ ba ngày, Chúa Giêsu sống lại, đánh bại tủ thần, và ban cho những ai biết đi theo Ngài trên Con Đường Thánh Giá và bằng lòng chết với Ngài trên Cậy Thánh Giá, được sống lại và sống muôn đời.
5.    Truyện - Sợ Thánh Giá là nỗi khổ nhất của chúng ta
Thánh Vianê nói rằng sự sợ Thánh Giá là nỗi khổ nhất của chúng ta. Ngài nói như sau: “Trên con đường của Thánh Giá, chỉ có bước đầu mới gay go. Sợ Thánh Giá là nỗi khổ nhất của chúng ta. Phần đông loài người từ chối Thánh Giá và tìm cách chạy trốn. Nhưng họ càng chạy trốn thì Thánh Giá càng đuổi theo họ, càng tấn công họ, càng đè nặng trên mình họ, … Vậy chúng ta hãy tiến lên để đón lấy Thánh Giá như thánh Anrê khi thấy Cây Thánh Giá quân lý hình đang dựng lên trước mặt: “Kính chào Thánh Giá đáng yêu, đáng chuộng! Chớ gì Thánh Giá hãy đón nhận tôi và trao tôi về với Thầy tôi là Đấng sẽ dùng Thánh Giá để cứu chuộc tôi.
6.    Truyện - Thánh Giá riêng của mỗi người chúng ta
Thánh Giá Chúa cho chúng ta đang mang là Thánh Giá rất vừa sức chúng ta. Câu chuyện minh họa sau đây chứntg minh điều nầy. / Có một người luôn than van về những nỗi khổ cực của mình. Một tối kia, Chúa sai thiên thần hiện đến, phán bảo ông ta: “Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó, người ta để lại Thánh Giá của mình rất nhiều. Con hãy mang Thánh Giá của con ra đó và hãy lựa một Cây Thánh Giá khác cho vừa sức con.” / Ông ta vui mừng, đem thánh giá của mình ra quăng nơi nghĩa địa và quyết đổi lấy một cây cho vừa sức mình. / Ông hăng hái lựa chọn, nhưng lựa mãi vẫn không được: có cây quá dài, khó vác; có cây quá ngắn, cũng khó vác; có cây nhẹ nhưng lại sù sì, lởm chởm, khó vác; có cây trơn tru nhưng lại quá nặng.  / Ông lựa suốt đêm mà không được. Cuối cùng, ông nói với thiên thần: “Thưa thiên thần, đối với con, cây nào cũng khó vác. Chỉ có cây mà con định vất đi, là vừa sức con mà thôi.” / Thiên thần gật đầu: “Phải, Chúa đã trao cho con một Cây Thánh Giá vừa sức con, con hãy cám ơn Chúa và vui lòng vác nó. Chúa rất thương con. Từ nay, con đừng than van nữa nhé!
7. Truyện – Thánh Giá là suối nguồn ban sức mạnh
Cha Giuseppe da Lionessa, thuộc Dòng Phanxicô, sắp sửa lên bàn mổ để được giải phẩu vết thương. / Thấy các nhân viên y tá đem giây ra để trói ngài lại trước khi đưa ngài lên bàn mổ, cha Giuseppe da Lionessa cầm tượng Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh và nói: “Giây thừng làm gì, giây thừng làm gì? Đây là những giây trói của tôi: Chúa tôi đã bị đóng đinh vì yêu tôi, chính Ngài dùng những nỗi đau đớn của Ngài để ôm chặt tôi và giúp tôi chịu dựng mọi khổ cực vì lòng yêu mến Ngài.” Và cha Giuseppe da Lionessa im lặng đau đớn chịu giải phẩu...
8.    Đối với người công giáo chúng ta, Thánh Giá của Chúa Giêsu là nguồn hy vọng rạng ngời, là nguồn hạnh phúc vô biên.
Người công giáo chúng ta tung hô Thánh giá là Cây đã chuộc muôn dân đặng rỗi, là Cây làm cho kẻ có phước được phần vui mừng, là Cây làm cho kẻ có tội được lòng trông cậy, là Cây làm cho kẻ yếu đuối được nhờ sức mạnh, là Cây làm cho kẻ khốn nạn được sự an lành, là Cây tốt lành rất mực, diềm dà im mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình; là gươm giáo dẹp giặc linh hồn, khử trừ đánh diệt tam cừu oan gia, sát phạt tà ma, thịt mình, thế tục; là chìa khóa mở cửa thiên đàng, đưa chúng ta vào nơi Quê Thật.
9.    Thánh Giá gồm Ba Mầu Nhiệm Cao Siêu Nhất trong Đạo Công Giáo
Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi + Mầu Nhiệm Ngôi Hai Xuống Thế Làm Người +  Mầu Nhiệm Thiên Chúa Cứu Chuộc Loài Người. / Từ Ba Mầu Nhiệm Cao Siêu Nhất này, người Công Giáo rút ra tất cả những gì phải tin, phải giữ và phải sống theo để cho được xứng danh là người theo Chúa Giêsu Kitô.
10.           Thánh Giá dạy người Công Giáo chúng ta những bài học mà Chúa Giêsu đã truyền dạy phải sống và thi hành
Hình thẳng hướng lên: Hãy sống mến Chúa! / Hình ngang rộng ra: Hãy sống yêu người! Tay Chúa giăng ra: Hãy rộng mở đôi tay đối với mọi người, không xua đuổi ai; hãy tha thứ mọi xúc phạm của người khác đối với chúng ta, không loại trừ xúc phạm nào. / Tay Chúa bị đóng đinh: Hãy dùng đôi tay để cầu nguyện, để làm việc, để lao động, để giúp đỡ, để bố thí. + Hãy biết đền tội cho đôi tay của mình là đôi tay thường biếng nhác, cắp trộm, đánh đập kẻ khác, dâm ô hèn hạ. / Chân Chúa bị đóng đinh: Hãy dùng đôi chân để đi Nhà Thờ, để đi làm việc đạo đức bác ái, để đi làm việc hữu ích. + Hãy biết đền tội cho đôi chân của mình là đôi chân thường đi vô ích, đi đến nơi tội lỗi, đi đến với kẻ phạm tội. / Tim Chúa bị đâm thủng: Hãy thắp lửa mến Chúa và yêu người trong trái tim của mình. + Hãy tắt lửa dục tình trong lòng mình. + Hãy biết ăn năn thống hối về những tội mình đã vô tình và vô ơn đối với Chúa.
11.           Người Công Giáo chúng ta đối với Cây Thánh Giá và đối với Hình Thánh Giá thế nào?
Người Công Giáo chúng ta hãy đặt Thánh Giá nơi chỗ cao trọng nhất trong nhà mình. / Hãy đeo Thánh Giá trên ngực là nơi đầy ý nghĩa nhất trong con người của mình. / Hãy làm Dấu Thánh Giá trên con người của mình, làm một cách nghêm trang, trân trọng, khoan thai, sốt sắng, và làm cho ra Một Hình Thánh Giá cân đối. / Hãy năng nhìn lên Thánh Giá để tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu đang đau khổ vì tội lỗi của loài người. / Hãy luôn mang Thánh Giá trong tâm hồn mình để tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu, luôn mang Thánh Giá trong đầu óc mình để suy niệm về tình Chúa Giêsu yêu thương loài người. / Và nhất là, trong cuộc sống của mình, người Công Giáo chúng ta hãy luôn sống và thực hành những bài học của Thánh Giá Chúa Giêsu.
Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang góp ý
                                                           ( tonggiaophanhue.net )

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

LỄ PHỤC SINH Ở QUÊ TÔI

                                 
                             


LỄ PHỤC SINH Ở QUÊ TÔI

Lễ Phục Sinh ở quê tôi khi xưa là những gì thật đáng nhớ.
Cách nay khoảng hai phần ba thế kỉ, nghĩa là trước vụ đói tháng Ba năm 1945, khi ấy còn thời Pháp thuộc, tôi đang cắp sách đi học trường làng ngày hai buổi, ngây thơ và hồn nhiên với lũy tre xanh, với những sinh hoạt bình thường trong xứ đạo, với những phiên chợ thật đông người, súc vật và hàng hóa và với những ngày hội của làng, của tổng, của ngôi chùa làng cổ kính thỉnh thoảng có một cuộc rước linh đình.
Bọn trẻ chúng tôi không biết mùa chay bắt đầu từ  ngày nào, khi cha mẹ, ông bà bữa đó bảo, thứ tư này lễ Tro, thứ sáu này chúng mày phải ăn chay, kiêng thịt đấy nhé thì cứ thế mà làm.
 Cả gia đình ăn chay, từ ông cụ bà cụ 70 cho đến đứa cháu 7, 8 tuổi. Chỉ những đứa bé ba, bốn, năm tuổi hoặc ốm yếu, đang bị bệnh hay người đàn bà đang phải dùng sữa mẹ nuôi con thì mới được nhưng trừ mà thôi.
Ăn chay dạo đó thế này.
Thay vì sáng ra ăn cơm thì phải nhịn, nhịn mà làm việc thì cũng hơi khó nên phải cố gắng. Những việc nặng nề như cày, bừa, cuốc đất, gánh đội v.v...không làm vào những ngày thứ sáu đó mà lựa những việc nhẹ nhàng hơn như cào cỏ, săn sóc vườn tược, phát bụi tre, sửa chuồng gà, chuồng lợn... để có thể làm được với cái bụng trống không từ buổi sáng đã quen ăn trước khi ra đồng.
Mười hai giờ trưa, khi chuông nhà thờ đổ một hồi dài, cả nhà quây quần ăn bữa cơm chính trong ngày, được ăn no.
Vùng quê tôi, bữa trưa này người ta thường nấu canh khoai, một loại môn, có loại hơi ngứa nên cũng gọi là khoai ngứa, có loại không. Khoai nấu với cá hoặc tôm, tép và mắm tôm, mắm tép. Nồi cơm và nồi canh khoai ngứa đều to để cả nhà, thường cả chục người, ăn cho đủ no. Thức ăn mặn thì tùy theo cái gì có hoặc đi mua: cá rô, cá diếc kho, tôm tép kho...miễn không phải là thịt và một đĩa giưa cải bẹ nén chua hoặc cà nén...
Nếu không nấu canh khoai, mẹ tôi nấu một nồi canh chua, có cá lác, bắp cải, cà chua, lá me đất cho chua, rau ngổ. Cá lác chỉ nhỏ bằng ngón tay trỏ, chỉ có một cái xương sống, thịt nhiều và thơm. Thứ canh này nấu với cá lác rất hợp. Mùa này đã nhiều nhót, mẹ tôi còn cho thêm vào nồi canh dăm quả nhót, cho chất chua rất ngon.
Nhót khi chín mầu đỏ như cà chua, hình bầu dục, nhỏ như trái trứng gà con so; khi ăn phải cạ nó vào tay áo hay khăn mặt khô cho những cái lấm tấm trên vỏ bung ra, xong mới ăn. Mấy người đàn bà có thai thích ăn trái nhót vì nó chua chua giốt giốt rất ngon. Cây nhót nhỏ như cây hoa nhài, cành mềm la đà trên mặt đất, rất sai trái.
Ăn xong bữa trưa, nghỉ ngơi vài chục phút rồi lại bắt tay vào làm cho đến chiều khoảng 5 giờ thì có một bữa nhỏ nữa. Bữa này người lớn được ăn một bát (chén ăn cơm), trẻ con non một bát với chút rau luộc, giưa nén, tép kho ... Ăn xong là đứng lên mặc dù cái bụng còn đói nguyên. Nước chè tươi, chè khô được uống thả dàn. Sau đó mặc quần áo đến nhà thờ đọc kinh tối.
Các thứ sáu trong mùa chay đều như thế, thứ tư Lễ Tro cũng ăn chay, kiêng thịt. Có nhiều người ở Hoa Kỳ hiện nay, ăn chay sướng hơn ăn mặn. Ăn mặn thì thịt gà khoảng một đô-la một pound. Kiêng thịt, quay ra ăn cua “king crab” hoặc tôm hùm, khoảng 10 đô/pound, hay cá salmon cũng phải 5-7 đô/pound. Ăn như thế, theo tôi, có lẽ không nên gọi là ăn chay. Ăn chay bên Phật giáo, người ta chỉ đậu hũ, tương chao, rau muống luộc. Thời Chúa khi xưa, kiếm mấy con cá thì dễ mà kiếm miếng thịt bò, thịt gà thì khó nên mới buộc không được ăn thịt vì thịt cao cấp hơn. Chứ nếu kiêng thịt để ăn tôm hùm, “Alaska king crab” và cá thu sốt chua ngọt thì ăn thịt gà 7-8 chục cents/pound mà lại đánh xác hơn! Chúng ta nên để ý điều đó!
Riêng tuần Thánh, mọi sinh hoạt phụng vụ đều khởi sắc rõ rệt.
Chiều thứ năm, chúng tôi đi dự lễ Rửa chân, thường cha xứ chủ sự lễ này với tông đồ là mười hai vị trùm trưởng cao niên, vị vọng trong giáo xứ. Khi nào thầy tôi về thăm quê vào dịp Phục sinh, thầy tôi cũng được mời mặc áo tấc tím, đội khăn xếp chữ nhân, quần chúc bâu trắng, đi giầy Gia định để làm một ông thánh tông đồ của Chúa khi xưa.
Dạo ấy, nhìn nghi lễ này, bọn trẻ chúng tôi chỉ có ý nghĩ là giáo hội muốn nhắc lại những gì xưa Chúa Jesus Christ đã làm cho các tông đồ và cộng đoàn của Ngài. Nhưng sau này, khi lớn lên, đầu óc đã trưởng thành, tôi mới thấy ý nghĩa đích thực của Lễ Rửa chân.
Cái ý nghĩa sâu xa, theo tôi nghĩ, là Chúa muốn cho ta tập đức khiêm nhường. Một người cao trọng, quyền năng, thông thái xa vời như Ngài, ngay với Cộng đoàn và các tông đồ của Ngài, lại quì xuống rửa từng bàn chân lấm láp của môn đệ mình. Phải có một tấm lòng khiêm nhường thế nào mới làm được điều đó.
 Ngài cũng cho mọi người biết rằng, nếu Ngài có thể rửa chân cho mọi người thì mọi người cũng nên rửa chân cho nhau, hay là phục vụ nhau như Ngài đã phục vụ mọi ngưòi. Khi đã rửa chân cho nhau thì “cái ta” kênh kiệu, kiêu căng, phách lối, làm tàng, kể công, ỷ thế không còn nữa mà tất cả chỉ còn là thương yêu và bình đẳng bởi mọi hố ngăn cách, chia rẽ, đố kị, ngay cả hận thù đã được san bằng.
Chính khi con người làm việc rửa chân cho bạn hữu, cho cả những người xa lạ chưa hề quen biết mà con người thấy một niềm vui vô tả trong lòng là đã ăn ở khiêm nhu, trọng người khác và yêu thương người khác như người thân của mình (tôi không dám nói như chính bản thân mình, như Chúa dạy, vì nó cao quá.)
Ngày nay con người thiên về vị kỉ, thần thánh hóa chính mình và bắt những người thuộc quyền phải tôn thờ mình, tôn thờ cả những cái ngu dốt và độc đoán của mình, cả những cái kiêu căng phách lối hợm hĩnh của mình. Mọi người, kể cả vua chúa, chức quyền đời, đạo, tôi nghĩ, nên học thuộc câu phương ngôn Pháp:
Cái tôi là cái đáng ghét.
(Le moi est haissable – The self is hateful)
 Lễ Rửa chân của Chúa chính là một bài học cho chúng ta và cho những người đó bởi khiêm nhu là nhân đức rất khó tập thành. Có những người, từ trong máu đã có bệnh kiêu ngạo, coi người khác như rơm như rác, còn cái gì của mình đều là ngọc là vàng. Từ đó, chúng ta cũng có thể nói:
Kiêu căng là cái đáng ghét – The arrogance is hateful.
Nhất là những kẻ kiêu căng tầm ruồng không có đức tính gì quí đáng để cho người ta học hỏi.
Trở lại với lễ Rửa chân, thỉnh thoảng chúng tôi cũng sang tận tòa Giám mục Bùi Chu dự lễ Rửa chân do chính vị Giám Mục địa phận chủ sự. Từ nhà tôi đi Bùi cũng khoảng 6 km nhưng lúc đó, ở thôn quê đi đâu cũng cuốc bộ, giầu cũng như nghèo, nên coi là xa.
Ngày thứ sáu, buổi tối, ở mỗi nhà thờ có ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu. Người ta thiết lập một cái bàn cao phủ vải tím, đồng mầu với màn treo trong nhà thờ. Một bục cao hai, ba bậc để người lên ngắm trèo lên đứng trên đó, cuốn sách ngắm đã mở sẵn, nhìn vào sách mà đọc, mà ngân nga theo đúng âm điệu của “ngắm đứng” (cũng gọi là ngắm nhân tài) cho đến hết bài ngắm.
 Phía sau cái bàn này là một cụ già hoặc trùm trưởng trong xứ thạo về ngắm đứng, hễ nghe một âm điệu hay thì điểm một tiếng trống con thưởng cho người đang ngắm như kiểu trống chầu trong các nhà cô đầu. Người nào có nhiều tiếng trống thưởng có nghĩa ngắm hay. Khi nghe người ngắm đọc tiếng Amen nghĩa là bài ngắm đã dứt thì cả trống con, trống cái nổi lên một hồi râm ran nghe rất vui, bọn trẻ chúng tôi rất phấn khởi. Và phía phụ nữ trong nhà thờ đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng (không có Sáng danh) để nhân tài chuẩn bị bài ngắm kế tiếp.
Bên ngoài nhà thờ không thiếu gì người ngồi, đứng, trò chuyện từng nhóm. Họ cầm trí ở trong nhà thờ cả tiếng nay phải ra ngoài xả hơi một chút, nói chuyện nhỏ nhỏ, kiếm nước uống rồi lại vào nghe ngắm tiếp. Đám thanh nam khá đông, còn đàn bà chỉ những người có con nhỏ, chúng khóc đòi ra chứ không có bóng dáng các cô gái. Phụ nữ Việt khi xưa vẫn được tiếng là hiền thục, ngoan ngoãn hầu hết. Không hiểu ngày nay ra sao với trào lưu mới, có còn giữ được nếp cũ của truyền thống tốt đẹp khi xưa?
Người lớn ăn chay nhưng trẻ con nhỏ nhỏ chúng đâu có chịu ăn chay ăn vỏ gì. Xung quanh nhà thờ vẫn có những hàng bánh kẹo, như bánh chưng, bánh dầy giò, xôi, bánh dầy đỗ, bánh rán, kẹo bột, kẹo gừng, kẹo vừng, sâu dâu v.v...có khi cả phở, mấy bà mẹ muốn con không quấy để suy ngắm bắt buộc phải mua vài hào cho  chúng ăn mới yên.
Đêm thứ sáu, khoảng 10 giờ hay 11 giờ, nghi thức đóng đinh Chúa sau khi 15 ngắm đã xong. Giáo dân tập họp cả trong nhà thờ, đông kín không còn một chỗ trống. Vị Linh Mục đọc hoặc nói lại sự tích Chúa bị đóng đinh. Rồi ở đàng sau bức màn nơi cung thánh, người ta nghe những tiếng búa nện trên đinh như thiệt. Sau đó sáu, bảy người ăn mặc theo lối La Mã khi xưa, dựng cây thập tự lên, trên đó Chúa, máu me đầy mình và mạo gai trên đầu, đã bị đóng đinh. Vì xứ tôi có nhiều nhà gọt tượng gỗ và đúc tượng thạch cao, tượng chịu nạn này to gần như người thật.
Có những tiếng khóc nhỏ nhỏ ở bên dưới vì thương Chúa chịu khổ hình vì tội loài ngưòi.
Các khu trong giáo xứ phân chia giờ giấc để luôn luôn trong nhà thờ lúc nào cũng có một nhóm đọc kinh hoặc suy ngắm những sự thương khó Chúa cho đến sáng mai.
Ngày thứ bảy là ngày đi hôn chân Chúa. Người lớn, trẻ con rủ nhau đi từng nhóm đến  nhà thờ giáo xứ và các nhà thờ trong vùng đọc kinh và lên hôn chân Chúa, thường đặt nằm trong cỗ quan tài, để hai chân với tư thế bị đóng đinh ra cho  giáo dân hôn vào ngay chỗ vết đinh, trên đó đã có xức dầu thơm và nhất là xung quanh Chúa, người ta lấy hoa soan và nả bỏ đầy.
Hoa soan mầu tím nhạt, cùng họ với hoa dạ hương, mùi thơm tuyệt vời, nhẹ hơn mùi dạ hương, dùng ướp xác Chúa thì không còn thứ hoa nào hợp hơn. Ngoài hoa soan, người ta cũng còn rang thóc, gọi là nổ (nả), hay bắp rang, bỏ vào xung quanh Chúa cùng với hoa soan. Trẻ con lên hôn chân Chúa nhiều lần không biết vì thuơng Chúa thực hay vì những hạt nổ, hạt bắp rang rất hấp dẫn?  Dù sao, phải có trẻ con  lễ Phục Sinh mới vui và trẻ con đã thật vui với những kỉ niệm dễ thương và khó quên đó.
Chiếu thứ bảy, giáo xứ nào cũng rước Thánh giá đi đường kiệu xung quanh. Sau đó người ta ngắm bảy sự đau đớn của Đức Mẹ.
Tùy nơi, khoảng 8 hoặc 9 giờ, giáo dân tụ họp và nghi thức Phục Sinh bắt đầu. Ở Bùi Chu, nhà thờ chính tòa, Giám Mục làm phép nước, lửa, cây nến Phục Sinh, nghi thức thật dài. Sau đó là Chúa sống lại, giáo dân hân hoan kiệu Chúa Phục Sinh xung quanh nhà thờ. Ngày Chủ nhật Phục Sinh, nhà thờ được trang hoàng bằng cờ hội thánh, hoa tươi thật đẹp và đèn nến sáng choang.
Người giáo dân vùng quê tôi, địa phận Bùi Chu và cả giáo dân ở địa phận Phát Diệm có thói quen ăn mừng lễ Chúa Sống lại.
Người ta đánh cá dưới ao lên hay đánh đụng một con lợn, giết vài con gà hay có thể là một con cầy tơ. Bến sông toàn những người mổ cá, mổ chó, mổ gà, mổ ngan ngỗng. Có thể nhiều ngày tháng đã phải ăn uống đạm bạc nhưng đến lễ Phục Sinh, năm một lần, sau những ngày chay ép xác, người chủ gia đình muốn cho vợ con hưởng một chút thịt thà, cá mú, hoa quả ngon lành để cho lên tinh thần và lấy sức mà làm việc, những công việc đồng áng, nuôi tằm hái dâu nặng nề, thức khuya dậy sớm hoặc tất tưởi buôn chợ Đông bán chợ Tây, làm hàng xưng hàng xáo quanh năm.
Thầy tôi chỉ ở nhà được một tuần, tuần Phục Sinh. Trong tuần đó, ngoài những việc lễ lạy phụng vụ, thầy tôi đi kiếm những người chuyên lo về lấy và sao chế các vị thuốc Nam như trần bì, sài hồ, hoàng bá...rất nhiều vị khác tôi chỉ biết mặt nhưng không nhớ tên. Thày tôi mua lại họ để đem ra Hải Phòng hoặc Hà Nội, gia giảm với các vị thuốc Bắc (của Tàu) khi “cắt” thuốc cho bệnh nhân. Thầy tôi nói, nhiều vị thuốc Nam hay lắm nhưng người Việt mình không biết công dụng của nó nên coi thường. Người Tàu bảo: “Người Việt sống trên đống thuốc mà chết”. Thầy tôi biết cách dùng chúng nên nhiều khi thang thuốc không tốn tiền nhiều như toàn vị Bắc nhưng lại công hiệu hơn, bệnh nhân mau khỏi hơn.
Thầy tôi đi Hà Nội hôm trước thì hôm sau tôi xách cặp và lọ mực đi học với nắm cơm mẹ nắm bằng mo cau còn nóng hổi ở trong cặp với vài mảnh cá khô. Đó là tất cả bữa trưa của tôi trong suốt thời gian học tiểu học. khi nào đổi bữa thì có mấy con tôm, con tép kho, lâu lâu mới có nhát giò ăn với xôi và quả cam sành hay quả na (mãng cầu dai) hái từ vườn nhà.
Sau buổi học chiều, khoảng 5 giờ, tôi lại cuốc bộ về. Khi nào trời nắng ráo thì khá còn mưa gió thì đường lầy lội, có chỗ lỗ lội sâu trên đầu gối, lọng ngọng té nằm xoài là bùn trát từ đầu đến chân, mất cả sách vở. Ngày nay ở Hoa Kỳ, nhìn những bữa ăn điểm tâm và những bữa ăn trưa của học sinh tiểu học và trung học, tôi cảm thấy một nỗi buồn cho người Việt mình: nghèo quá! Cái khó nó bó cái khôn. Qua bao nhiêu thứ bệnh tật và ba, bốn cuộc chiến tranh, sống được đến ngày nay là có diễm phúc lắm rồi.
Bữa tối ăn chung với gia đình thật vui, canh, rau đầy đủ để bù lại bữa trưa của tôi chỉ cốt ăn cho no, cho xong rồi học.
Lễ Phục Sinh 2007
Nhà Văn Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC
                                  

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

CÁC CON HÃY RỬA CHÂN CHO NHAU

                       

                        




        THỨ NĂM TUẦN THÁNH  còn được gọi là thứ năm rửa chân   là ngày bắt đầu trong Tam Nhật Tuần Thánh  .
          Trong ngày này , bốn sự kiện lớn được kỷ niệm  :  ngày Chúa Giê su rửa chân cho các tông đồ ; ngày Chúa lập ra Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly  , ngày Chúa Giê su  cầu nguyện ở vườn cây dầu ô liu ,  và là ngày Judas  Iscariot phản bội Chúa  .
           Đối với người Do Thái xưa , việc rửa chân cho người khác là một việc thấp hèn , và  là công việc của tôi tớ ,  của nô lệ .
          Thế mà trong buổi chiều này , Chúa Giê su là Thầy , là Chúa đã hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ  của mình . 
                 -  Đây là một hành động tột cùng của sự yêu thương ; tột cùng của lòng khiêm nhường , một trong những nền tảng của mọi nhân đức  mà Chúa  Giê su rao giảng  .
                 -  Chúa Giê su đã xác định : " Ai muốn làm lớn giữa anh em  thì phải làm người phục vụ anh em " (Mt 20:26) , và trong bữa ăn tối này Chúa đã thực hiện , đã làm chứ không nói suông để nêu gương  : " Con Người đến không phải để được người ta phục vụ , nhưng là để  phục vụ và hiến dâng  mạng sống  làm giá chuộc muôn người " ( Mt 20:28 )
                 -  Phàm cái gì bẩn thì mới rửa , nên " rửa " còn có nghịã  là tha thứ ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng . Chúa Giê su đã rửa chân cho cả môn đệ đã phản bội Ngài ; và đã tha thứ không phải 7 lần mà là bảy mươi lần bảy . Lòng thương xót của Ngài quá lớn lao :  " Lạy Cha , xin tha cho họ  vì họ không biết việc họ làm " ( Lc 23 :34 )  .
           Khi tham dự ngày thứ năm tuần thánh này , chúng ta hãy suy gẫm việc Chúa Giê su đã làm  và cảm nghiệm niềm hân hoan hạnh phúc khi noi gương Thầy chí thánh , đại tướng của chúng ta , của những người huynh trưởng HTDC : bằng cách sống khiêm cung , phục vụ và mau mắn tha thứ mọi lỗi lầm cho nhau .
          Lạy Chúa , xin  hãy rửa sạch tội lỗi chúng con và cứu độ cho chúng con .


 Sau đây xin mời xem một số hình ảnh nghi lễ rửa chân ở một số nơi trong những năm qua , ở trong nhà thờ cũng như ngoài đời .


 * Đức Giáo Hoàng Phanxico  khi còn  làm TGM giáo phận Buenos Aires - Jorge Mario Bergoglio tại buổi lễ thứ Năm tuần Thánh năm 2008 đã rửa chân cho người nghèo và người nghiện ma túy.





        Đặc biệt trong ngày thứ năm tuần thánh hôm nay ( 28/03/2013) , Đức Giáo Hoàng Phanxico I sẽ  đích thân rửa và hôn lên chân  12  tù nhân bị giam trong một buổi lễ tại nhà nguyện ở  trại giam Casal del Marmo tại Rome .

        * Đức cha Anton  Vũ huy Chương ở Nhà Thờ Chánh Tòa Đà Lạt






            * Thứ năm rửa chân tại một nhà thờ nam California , USA 



      * Đức cha Giuse Nguyễn chí Linh  giáo phận Thanh Hóa rửa chân cho 12 tông đồ  5/4/2012 tại Nhà Thờ Chánh Tòa Thanh Hóa 



      * Cha nguyên Giám tỉnh Donbosco rửa chân cho cac em thiếu nhi . GX Thái Bình



    * Bà Park Geun-hye  khi còn là ứng cử viên Tổng thống Hàn quốc và các quan chức trong đảng tham dự lễ rửa chân thể hiện cho tinh thần phục vụ nhân dân  vào tháng 4/10/2012 tại Ulsan  . Bà đã rửa chân cho một  phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc .






  * Rửa chân cho Mẹ nhằm giúp học sinh biết quý trọng hơn tình cảm giữa cha mẹ và con cái , cũng như biết cách bày tỏ lòng cảm ơn với cha mẹ mình .
 



       * Rửa chân cho vợ để thể hiện tình yêu thương tại Hàn Quốc 





       * Tù nhân rửa chân cho gia đình xin được tha thứ ở trại Gia lăng , Tứ xuyên , tây nam Trung Quốc  .
Nghi lễ này rất cảm động  . Nó giúp họ nhận ra không bao giờ quá trễ để bắt đầu làm lại cuộc đời  , và mọi người đều xứng đáng được tha thứ để có cơ hội thứ hai sống trong cuộc đời này .




                  


                                                         



Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

NHỮNG BẬC TRƯỞNG THƯỢNG HÙNG DŨNG ĐÀ NẴNG


KÝ ỨC

NHỮNG BẬC TRƯỞNG THƯỢNG
HÙNG DŨNG ĐÀ NẴNG

                                              Lm Giuse NGUYỄN TRUNG THÀNH

1-    CHA PHANXICO  XAVIE  NGUYỄN XUÂN VĂN

      Niên khóa 1966-1967 , tôi đi  “ giúp xứ “ năm thứ hai ở Phước Thành , Hòa Khánh . Nghe Cha Nguyễn Xuân Văn , cha sở Phước Thành , kể lại : sau đại lụt “ năm thìn , 1964 “ , cha con phải bỏ nhà cửa , ruộng vườn ra tạm trú ở đồi Hòa Cầm , rồi định cư ở Hòa  Khánh  . Vì vất vả lập nghiệp , nên cha bị bệnh đau dạ dầy . Ngài xin Đức Cha Phê rô Phạm Ngọc Chi  cho thầy đến giúp xứ  . Các thầy khác đã được các cha xin, chỉ còn hai anh em chúng tôi là tôi và cha Hạnh chưa có cha nào xin . Ngài xin cả hai . Ngài về kể lại cho Đức Cha Sách , cha sở Phước Quang . Đức Cha xin  ngài nhường cho một thầy . Ngài nhường cho Đức Cha muốn chọn thầy nào thì chọn  .  Đức Cha bảo ngài có công xin thì chọn trước , thừa mới đến ngài .Thât ra cả cha Hạnh và tôi đều là “ người thừa “ . Cả hai người cha Văn đều không quen biết , vì chúng tôi quê mãi miền Nam, nhập tịch Đà Nẵng . Cha Văn biết cha Thuận , cha quan thày của tôi , ngài nhận tôi . Nhờ “cái danh “ của cha bố , tuy là thừa, nhưng tôi chỉ “ thừa “ một lần , lần thứ hai thì cũng vinh dự được “ chọn “  ; chứ không như cha Hạnh bị “ thừa “  cả hai lần .
        Nhờ năm giúp xứ lần đầu ở Đông Mỹ, Phú Yên năm 1963-1964, tôi đã quen sinh hoạt thiếu nhi , nên về Phước Thành thiếu nhi Phước Thành có  “máu” hơn các xứ khác . Nói là “ quen “ cho oai, chứ có quen gì đâu . Sau khi ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ, cha xứ và các thầy bỏ về Sài gòn , chỉ còn cha phó và tôi . Đã hai đêm “ ai đó “đem súng vào bắn từng phòng , may mà đã trốn vào phòng mặc áo  , nên không chết . Thêm vào đó giáo dân sợ hãi đã bỏ đạo gần như mt nửa . Buồn và chán lắm . Mình đã buồn chả nhẽ lại làm cho bổn đạo chán ?  Nên lập đoàn thiếu nhi cho hết buồn , hết chán . Nhờ những giờ sinh hoạt trước giờ đọc kinh chiều, giáo xứ quên nỗi “ buồn “ , và thêm hứng khởi .
           Cha Văn muốn thiếu nhi  có “ danh “ , có “ bảng hiệu “ cho oai . Ngài bảo tôi liên lạc với cha Bùi Hữu Ngạn lập Hùng Dũng . Phương tiện  đi lại hạn hẹp, xe đạp cũng không có . Có lần đi tĩnh tâm , tôi và cha Hạnh đi bộ từ Hòa Khánh xuống Đà Nẵng , Đến An Hòa gặp cha Ngạn . Cha Ngạn đưa cho mấy cuốn sách về đọc . Đọc cũng chẳng hiểu , may nhờ có cha Hạnh ở bên Phước Quang chỉ bảo .

2-    CÁC CHA SỞ QUẢNG NAM

      Lúc đó giáo phận Đà Nẵng cũng có Hiệp Hội Thánh Mẫu . Họ sinh hoạt rất “ le lói “ , nhất lại là con cái của cha Vinh sơn Đinh Duy Trinh , Giám đốc Công Giáo Tiến Hành  giáo phận . Vậy mà không hiểu sao hầu hết các cha sở của các xứ đạo quảng Nam đều thích lập Hùng Tâm Dũng Chí . Phải chăng HTDC đã có thời các cha , từ thờ Pháp ? HTDC tuy ngoại lai, từ Pháp nhập cảng vào , nhưng nhập đã lâu, nên đã trở thành  “ hàng nội “ , không còn “ hàng ngoại “ nữa . Do đó tất cả các xứ hạt “ Tam  Kỳ “ , hạt Hội An  và hạt An Ngãi đều thành lập Hùng Tâm Dũng Chí , thậm chí có nhiều xứ đạo  di cư năm 54 cũng lập HTDC . Các cha đã trở “về nguồn” , về “  tắm ao ta “ , về mua “  hàng nội “.
        Xin kể các xứ đã lập HTDC : An Hòa năm 1962 , Trà kiệu 1964 , Hội An 1964 , An Ngãi 1964 , Hòa Cường 1964 , Thanh Đức 1964 , Phú lộc 1964 , Phú Thượng 1964 , Tam kỳ 1964 , Nội Hà 1965 , Cồn Dầu 1965 , Tín Đức 1965 , Nhượng Nghĩa 1965 , Phước Thành 1965 , Phước Quang 1966, Phước Nghĩa 1966, Phước Tân 1966 , Vĩnh Điện 1967, Ái Nghĩa 1967 , Gia Phước 1968 , Chu Lai 1967 , Phước Hà 1968 , Phước Xuân 1968 , Hòa Thuận 1968 , Hòa Cường 1968 , Ngọc Quang 1968 , Chánh Tòa 1972 , Hoa Lam 1972 , Cẩm Hòa 1972 ……

3-    CHA AN TÔN TRẦN VĂN TRƯỜNG  

      Năm 1971 vì cứng đầu cứng cổ  , tôi bị phạt đi “ giúp xứ “ năm thứ tư và thứ năm , . Tôi được cha Trần Quang Châu đưa về Nhà Thờ Chánh Tòa  . Cha Châu bảo tôi : “ Cha bề trên Nguyễn Quang Xuyên  rất muốn lập HTDC tại Nhà Thờ Chánh Tòa . Bác nó không có khả năng , chú mày về giúp bác “ . Thế là mục đích giúp Chánh Tòa là để lập HTDC .
      Cái rủi có cái may . Tôi được gặp ông chuyên gia  HTDC , cha Trần văn Trường , đang là phó Chánh Tòa . Cha Trần Văn Trường thì ai cũng biết rồi : sâu sắc  và dễ thương , làm việc gì cũng “ ngâm cứu “đàng hoàng .
     Trước hết , ngài dẫn một số tình nguyện viên đi điều tra môi trường sinh sống của thiếu nhi . Ngài vẽ bản đồ với các chấm xanh đỏ để biết các thiếu nhi ở chỗ nào, hoàn cảnh ra sao . Sau đó , ngài tuyển lựa các Hữu trách .
     Ngài chọn ngày HTDC Chánh Tòa “ Gia Nhập Đại Đồng “  . Ngày đó chính là ngày 27-12-1972 , ngày lễ thánh Gioan Tông Đồ , bổn mạng Cha Bề trên Nguyễn Quang Xuyên . Từ đó mỗi chiều chúa nhật các em tới sinh hoạt đầy sân nhà thờ và sân trường Thánh Tâm của các sơ Phao lô . Nhưng dường như các em ít thích tới sinh hoạt , mà tới để nghe cha Trường kể chuyện , tập vũ , ra trò chơi …… nhiều hơn .

4-    CHA AN TÔN BÙI HỮU NGẠN

      Cha Bùi Hữu Ngạn mở  “ Chiến dịch K.78 “ . Ngài xuất bản tờ “ Tương Lai “  để phục vụ chiến dịch  . “Tương Lai “ tên tờ báo , tên tờ báo , do cha Trườngđặt . Mỗi tuần ra một số , Cha Ngạn , cha Trường là chủ bút . Tôi là cổ động viên , là “ chú bán báo “ . Báo để phục vụ chiến dịch , nên truyện , thơ , nhạc …..phải phù hợp với nội dung của chiến dịch . Từ “ chú bán báo “ , cha Ngạn khuyến khích tôi đi tìm những cộng tác viên …. Mỗi tuần kiếm cho được câu chuyện , bài thơ , bài nhạc …..
     Chúng ta biết cha Bùi Hữu Ngạn . Con người mảnh khảnh , nhưng ôm nhiều mộng đẹp . Chẳng vậy mà ngài có nhà in, có trại gà Dân Tiến lớn nhất Miền Trung , có đài phát thanh ……
      Ngài là người không ngại bỏ tiền . Kỷ niệm 30 năm Hùng Tâm Dũng Chí , ngài xin cha Phục , dòng  Chúa Cứu Thế , đi sang Pháp dự hội nghị .  Ở nhà ngài tổ chức Vũ khúc “ Mặt Trời “ biểu diễn tại sân Nhà Thờ Chánh Tòa  và in tập sách “ 30 năm Hùng Dũng “ .

5-    ÔNG ĐAMINH TRƯƠNG VĂN THẠNH

      Báo ra lò thì phải có người mua . Tôi không là chú bán báo cho Đà nẵng mà là cho mọi xứ . Xứ gần thì chở báo bằng Honda, xứ xa phải có xe hơi . Khỏi lo , xe hơi đã có ông Đaminh Trương văn Thạnh  , chủ tịch HTDC giáo phận , cung cấp  . Xe của ông trở thành xe của Hùng Dũng, xe báo của Tương Lai . Nhiều khi đi xa , như đi vào bán tận Chu Lai , ông cung cấp cả thức ăn đi đường …..
      Con người ông ít nói, nhưng có nụ cười tươi , nhất là có tấm lòng yêu thiếu nhi . Đi Mỹ rồi , ông vẫn nhớ . Hằng năm vẫn gửi quà về .

6-    ÔNG TRẦN VĂN MẦU

      Hai người giáo dân đem lại sinh khí cho HTDC Đà Nẵng là ông Thạnh và ông Mầu . Ông Mầu là người len lỏi các ngõ hẻm , các khu phố , để tìm các hữu trách , các Hùng Dũng .  Ông là người hâm nóng tinh thần Hùng Dũng cho mọi lứa tuổi lớn cũng như nhỏ . Ông không những là người anh , mà có thể như người cha lo lắng cho sự lớn mạnh của gia đình Hùng Dũng .
      Ông Thạnh đã về với cha Courtois và cha Ngạn , còn ông Mầu đến ngày Chúa gọi chắc cũng được Cha Courtois và cha Ngạn đón đem vào thiên đàng ?

7-    CHA ĐAMINH PHẠM MINH THỦY

      Người họa sĩ cho báo Tương Lai  là cha Đaminh Thủy , cha phó Chánh Tòa . Cha cũng ít nói như ông Thạnh , nhưng rất chăm chỉ làm việc . Anh Ân , con ông Trưởng Ty Thanh Niên , thỉnh thoảng ngoáy cho Tương Lai vài nét vẽ , còn tất cả do mười ngón tay tài hoa của cha Thủy .
      Nay cha ở Sài gòn , nhưng Hùng Dũng vẫn đến với cha .

8-    CHA GIOAN BAOTIXITA ĐÀO DUY KHẢI

     Sau khi cha Ngạn qua đời , cha Trường cũng từ chức Phó Giám Đốc , để nhường cho người trẻ . Các cha đã bầu cha Gioan Baotixita Đào Duy Khải , tuyên úy HTDC Hội An, làm Giám Đốc .
     Mình còn nhớ ; khi ở mái trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn , nghe tin cha Ngạn qua đời , chính cha Khải lấy xe dzíp (jeep) chở mình về Đà Nẵng . Dầu không kịp ngày đưa cha ra mộ , nhưng  có thể về tổ chức ngày giỗ đầy tháng cho cha .
    Trên đường về , đêm đó trăng sáng . Mình nhìn trăng chưa ngủ . Còn cha Khải đã ngủ . Mình cảm hứng bài ca  “Ai Bảo Người Chết  ? “ Mình đánh thức cha dậy . Mình hát cho ngài nghe . Ngài bảo mình  : “ Bao giờ bác chết , chú mày làm cho bác một bài nhé ! “ . Bác đã đi xa , thế mà chú chẳng làm cho bác một bài nào như bác dặn .
     Sau năm 75, bác đi học tập . Học tập về , bác ở Đồng Tiến . Bị người ta đuổi , bác về ở nhà bà con . Bác không còn cha mẹ, anh chị em . Bác buồn . Bác đi vượt biên . Không biết bác đã làm mồi cho cá mập , hay hải tặc Thái Lan đã chôn bác trên bãi cát nào đó .
     Thời cha Khải làm Giám đốc , mình làm phó Trà Kiệu . Có thể nói cha Khải thường xuyên đến chở mình ra cha Hạnh ở An Hòa bàn về Hùng Dũng . Cha sở Nguyễn Thành Tri đêm một mình buồn và hãi . Nhiều khi ngài giận , la , không muốn  có  người đến chở mình đi .
     Khi tổ chức trại HD cho cả hạt Hội An , ngài bảo mình làm một bài hát cho ngày trại . Suốt tháng nặn đầu nặn óc chẳng ra . Ngày mai trại , chiều nay xuống Hội An , trên xe nặn mãi lại ra bài  “ Giã từ Hội An “ . Chị Tuyết , người hữu trách nhiệt tình của Hội An , an ủi mình : “ Chắc chưa có chè bắp , nên nhạc chưa ra ? “ Chị đi mua chè bắp . Lạ lùng ăn xong, bài ca Hội An Đất Thiêng Máu Hồng tự động tuôn ra . Sau năm 1975 gia đình chị vô Sài Gòn . Nhạc sĩ Đỗ Lễ là em của chị . Nhớ Hùng Dũng thỉnh thoảng chị ra Đà Nẵng thăm . Chẳng ngại đường xa khó khăn , chị vào cả Lệ Sơn thăm . Chị cũng vượt biên . Chị cũng đồng số phận như cha Khải , cha tuyên úy của chị .
      Viết lại những hình ảnh của Các Bậc Trưởng Thượng Hùng Dũng Đà Nẵng để bớt nhớ , để noi gương các đấng bậc tiếp tục hy sinh cho Hùng Dũng .

                                                                 Sài Gòn Mùa Vọng 27 -11-2011
                                                               Lm Giuse NGUYỄN  TRUNG THÀNH                                         
                                                            ( Trích trong Đặc San VƯƠN LÊN –
                                                             MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2011
                                                            của Liên Đoàn  HTDC Thánh Linh        
                                                             Giáo Phận Đà Nẵng )    

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

MUỐN GÂY DỰNG MỘT ĐOÀN HÙNG TÂM DŨNG CHÍ (tiếp theo và hết)


ĐOẠN IV
Giai đoạn thứ ba
Gây bầu khí bác ái

CHÚNG TA THƯƠNG YÊU NHAU NHƯ
CHÚA GIÊSU ĐÃ THƯƠNG YÊU CHÚNG TA

1-    Bầu khí phải gây: Bác Ái
       Chính chúng ta,
       Chúng ta phải sống theo luật Bác Ái hơn nữa. Có bao giờ chúng ta sống theo đó đủ không? Không cần nói dài. Bạn đã tin rồi. Chúng ta còn phải cố gắng để sống theo đó mãi.
       Nhưng chúng ta đã biểu lộ đời sống bác ái ra ngoài đủ chưa?
       Bạn nên đọc quyển “Phúc âm toàn bộ trong tất cả đời sống” của Ch. Thellier de Poncheville (Ed. Spes). Hay lắm, cần phải có để giúp bạn nghiền ngẫm và hướng dẫn hành động của bạn trong tam cá nguyệt này.
QUAN TRỌNG CỦA ĐỨC BÁC ÁI.
        Quan trọng vì chính Chúa phán: “Đây là điều luật của Cha : Các con phải yêu thương nhau. Người ta sẽ cứ dấu các con yêu nhau mà nhận các con là môn đệ của Cha”.
        Cha Thellier de Poncheville, một nhà giáo dục đồng thời cũng là một nhà thần học, sau một cuộc điều tra, đã nhận xét: Cả trong các nơi giáo dục công giáo. Đức Bác Ái chưa được coi như là trung tâm mọi sự. Còn xa lắm! Vì Đức Bác Ái đủ tất cả mọi điều chép trong sách luật và Tiên Tri. Thực hành nguyên nó đã đủ rồi, các nhà giáo dục công giáo chỉ thường lưu tâm đào tạo nên những đứa trẻ đạo đức hơn là cho chúng ta hấp thụ một tinh thần bác ái chân chính.
       Để phản động lại và tuân theo mệnh lệnh Phúc âm, phong trào H.T.D.C đặt đức Bác Ái vào một vị trí tối quan trọng trong việc giáo dục.
       Phỏng theo lời Phúc âm, chúng tôi quen nói: Người ta cứ dấu các trẻ có yêu nhau mà biết đồng bạn đã gia nhập phong trào.
2-    Mấy kế hoạch gây bầu khí Bác Ái.
CHÍNH LÒNG BÁC ÁI CỦA TA.
      Tôi không cần nói thêm nửa.
CUỘC CHƠI.
       Chơi là một phương thế đào luyện tuyệt hảo. Nhưng bạn đừng lầm tưởng rằng, muốn nhờ cuộc chơi đào luyện trẻ em về đức bác Ái, bạn phải bóp trán nghỉ ra những cuộc chơi rắc rối.
      Trong cuộc chơi thường, có cách chơi có thể lợi dụng, là chơi cách bác ái, biết nghỉ đến người khác hơn là nghĩ đến mình.
THÍ DỤ: Bằng lòng nhận vào bên mình một đứa bé vụng về sẽ làm cho bên mình thua. Tưởng lệ một người bạn không muốn chơi bằng cách nhường cho anh một chân hay nhường cả.
LONG TRỌNG RƯỚC NHẬN LUẬT BÁC ÁI.
       Luật Hùng Tâm Dũng Chí chẳng qua chỉ là luật mà Chúa đã lối cho những kẻ theo chân Người, Luật đó chúng tôi đã đổi hình thức luật pháp của nó thành hình thức một câu quả quyết: “Chúng ta thương yêu nhau như Chúa Giê su đã thương yêu chúng ta”.
        Chúng ta đừng dán điều luật đó trên tường đoàn quán như một tờ quảng cáo, ngay từ hôm bắt đầu gây bầu khí bác ái, hãy liệu cho trẻ em khám phá ra, rước nhận nó về và đặt lên chỗ danh dự. Ba việc đó sẽ phân chia làm 3 quảng trong giai đoạn này (nhưng làm như thế không có ý bảo ta không được sống một cách bác ái trước thời kỳ này đâu).
1.- TÌM LUẬT
        Thí dụ nhân một buổi tổng hội họp, một bức thư bí mật báo tin rằng: một luật quý hóa nhất của đoàn thể ta đã bị rơi lạc đâu đấy trong vùng quanh.
       Trên các đường lối, đã có vết đường dẫn trẻ đi tìm. Theo một lệnh đi chỉ thấy những luật không thể nhận được như “Niêu ai người ấy xách”…” Hoan hô cú tổng” Mày biết tay tao” v.v…
        Rồi một chỗ kia đã tìm ra. Luật đó là luật bác ái. Một bảng rất đẹp. Toàn thể hội lại ngay. Bàn cãi: Luật có tốt đẹp không? Có nên rước nhận không? Bỏ phiếu, giơ tay… Hoan hô. Rước về. Hát bài Bác Ái.
2.- MẤT LUẬT
        Để đánh mạnh vào trí tưởng tượng các hướng dẫn viên tổ chức một cuộc thực bất ngờ. Bản luật treo ở đoàn quán bổng biến mất. Trong 15 hôm mọi người bàn tán khắp cả xứ về việc xảy ra.
        Để tìm luật, đừng ngại dùng những phương pháp táo bạo và có vẻ hơi hề như quảng cáo ngoài phố: “Chúng tôi có mất”… đăng báo, đi báo tuần tráng, hỏi thăm từng nhà v.v… Tấc cả mọi người mọi em bé (cả những em không có trong đoàn) đều phải biết tin và sẽ tự hỏi câu: “Luật gì mà họ quí thế?”
3.- LẠI TÌM ĐƯỢC LUẬT
      Tìm mãi nay lại thấy. Bởi đó, hoan hô, ca tụng, cám ơn chung cám ơn riêng dân chúng đã cùng với các trẻ em vất vả và mời hết mọi người đến coi luật đó. (Dịp này nên xếp nhằm vào lễ gia nhập Đại đồng Công giáo của các đoàn đã được ban chỉ đạo ban phép).
      Tổ chức khéo cuộc săn luật mất này có thể chiếm một phần thời gian của thời kỳ thứ ba và có thể thành một cuộc chơi lớn chấn động được hết mọi người và gây được một bầu khí không những ở đoàn quán lại còn cả ở ngoài nữa. Như thế hợp với tinh thần quần chúng của Phong trào.
BÁO. – Báo bao giờ cũng dành cho Đức Bác ái một địa vị quan trọng và bao giờ cũng nói đến đức ái. Chúng tôi không cần nói thêm đã có các vai trong các truyện sẽ giúp chúng tôi ảnh hưởng đến các em.
TRUYỆN NÊN KỂ.-
a: Các bậc danh nhân trong bác ái.
b: Các Thánh.
Thánh Phaolo – Thánh Gioan – Thánh Vincente đệ Phaolo – Thánh Martino – Thánh Louis – Thánh Veronican – Thánh Maria Madgalena – Thánh Genovefa – Thánh Thérèsa Hài Đồng – Thánh Christopho cổng Chúa Hài đồng qua suối – Thánh Anton – Thánh Phanxico đệ Sales – Thánh Bosco – Thánh Gioan Vianney – Thánh Pio X…
BÀI HÁT.- Dùng những bài hát khêu gợi đức ái…
BĂNG.-
-       Bất bình (1 tiếng) - hừ (cả)
-       Giận ghét (1 tiếng) - Hừ (cả)
-       Đánh nhau (1 tiếng) - Hừa (cả)
-       (cả) Chúng ta hãy yêu nhau.
NHỮNG ĐOẠN PHÚC ÂM, NHỮNG NGỤ NGÔN NÊN MUA HAY LỢI DỤNG.
a)    Ngụ ngôn.
Con bồ câu với con kiến – Con sư tử với con chuột – Con kiến với con ve sầu (phần cuối thêm tinh thần Phúc âm vào ! các em H.T.D.C nhặt con ve sầu về nuôi.
b)    Phúc âm.
Trẻ chăn chiên viếng Hang đá - Đức Mẹ đi thăm Bà I-sa-ve. Người Samaritano nhân từ - Tám mối phúc thật – Lazaro – Làm bánh nên nhiều – Tha tội cho người trộm lành.
c)    Cựu Ước.
Ông Elia, miếng bánh và cút rượu…
d)    Bi kịch.
MẤY DIỆU KẾ KHÁC
TIẾNG CẢNH TỈNH.- Một câu hát, một tiếng kêu, một người hướng dẫn viên bắt đầu thì hết mọi trẻ đọc hay hát theo để cảnh cáo nhưng em đang lỗi luật Bác ái mà không biết.
NHỮNG X.K.- Là những xão kế ranh mãnh mà các trẻ em vui vẻ và tinh nghịch tổ chức để giúp ích hay để làm bỡ ngỡ những người chung quanh một cách bất ngờ.
Phương pháp đó rất có hiệu quả nơi các trẻ vì tâm lý chúng thích vừa làm chơi vừa việc lành hơn là phải vì nghĩa vụ.
3-    Ý tưởng phải tuyên truyền.
      Là những viên sống kết thành Mình Mầu Nhiệm Chúa Giê su chúng ta cùng nhau hợp nhất nơi Chúa Giê su. Với tinh thần Bác ái ta cùng nhau kiến thiết Đại đồng công giáo.
      Ý tưởng đó ta sẽ phô diễn như thế này:  Chúa Ki tô đại tướng của chúng ta, Người xuống thế không những để cứu chuộc chúng ta , mà còn để ban bố một luật mới : luật Bác ái .
       Luật đó , loài người vì quên mình là anh em với nhau , đã không giữ nữa . Phần ta hãy cố giữ hơn .(hãy vào mặt trận các X.K.)
       Xác vinh hiển của Chúa đã về giời hôm lễ lên giời . Chúng ta là phần Minh Mầu Nhiệm phải cùng nhau sống đời Bác Ái của Chúa .
       Trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống , các Tông đồ không làm nổi việc gì  . Một mình chúng ta cũng không làm gì nổi hơn . Nhưng nếu Chúa ở với chúng ta, chúng ta làm nổi những việc đại sự để hợp nhất chúng ta với nhau và hợp nhất chúng ta với Chúa Giê su .
       Luật Bác ái gồm tóm hết mọi luật Thực . Thực hành một luật đó , đủ rồi .

4-    Kế hoạch tuyên truyền
      Nhiều kế hoạch nói ở trên có sức tuyên truyền cũng như có sức gây bầu khí .
MẶT TRẬN BỠ NGỠ
      Ngày xưa , người Công giáo đã khiến những người chung quanh phải bỡ ngỡ vì Đức Bác ái của họ , người ta nói : “Đấy xem , chúng yêu nhau đến thế nào “ .
       Chúng ta cũng thế , phải khiến được kẻ chung quanh bỡ ngỡ vì đức Bác ái của ta .
      Vì thế có 2 mặt trận bỡ ngỡ :
1)    Tại gia đình  - (nhất là kỳ tháng 4 ) làm cho cha mẹ phải bỡ ngỡ vì những X. K.
2)     Khắp mọi nơi, làm người lân cận , nhà buôn, khách hàng , thợ làm ….. phải bõ ngỡ  .
CẤM PHÒNG NHỎ
      Dịp lễ Hiện xuống , cấm phòng (dành cho các phụ trách đội ) .

5-    Hoạt động ở ngoài các buổi họp .
     Bạn thấy rằng trong thời kỳ này chúng tôi chú trọng đến những việc hoạt động ở ngoài các buổi hội đến nỗi hình như chúng tôi lo việc tông đồ hơn là việc huấn luyện cho đoàn đang thành hình  . Phải đúng thế . Chúng ta đã làm như thế .

TÌM LUẬT
      Mặt trận bỡ ngỡ này cò thêm .
HỘI HỌP PHỤ HUYNH
     Đầu đề là  “ sự quan trọng của Đức Bác Ái  và việc giáo dục tâm hồn “ .

6-    Tổ chức phải thực hiện
SỬA SOẠN ĐỘI SỞ
     Xin công nhận chính thức cho Đoàn .
(Cùng nhau khảo cứu các câu hỏi để xin công nhận chính thức cho đoàn tờ câu hỏi xin trước ở Ban Chỉ Đạo Trung Ương )

DỰ BỊ .
“ Lễ Gia nhập đại đồng Công giáo “ mừng lễ long trọng gia nhập đại đồng Công giáo . (coi đoạn sau )
DỰ BỊ CHO KỲ NGHỈ HÈ .
“ Việc gây bầu khí đã tuần tự tiếp tục trong chín tháng giời . Nay đã tới kỳ nghỉ hè . Kỳ nghỉ hè rất có thể làm tiêu tan bầu khí chúng ta đã gây dựng , nếu chúng ta không đề phòng .

PHẦN III

GIA NHẬP ĐẠI ĐỒNG CÔNG GIÁO

ĐOẠN I
Để đi đến chỗ công nhận chính thức
         Bạn đã xem gần hết quyển này . Bạn cười thỏa mãn : “ Biết bao là ý tưởng ! “ vừa chán nản ; “ Gớm phải mất bằng ấy ngày giờ , trẻ con chúng tôi mới được chính thức gia nhập Phong trào H.T.D.C. , mới được đeo dấu hiệu “ .
        Phải . Mà như thế lại hay ! Vì chỗ quan trọng không phải là đeo dấu hiệu , là gia nhập Phong trào H.T.D.C. nhưng là các em dần dần nhích động và cùng nhau tiến bước thành cao trào nhi đồng .
        Việc gây bầu khí phải hoàn toàn đã . Rồi cuối cùng , lúc ấy mới nên nghĩ đến việc xin công nhận chính thức thành lập đoàn và xin tờ lục vấn .

ĐOẠN II
Tờ lục vấn
       Xin tờ đó tại Ban chỉ đạo trung ương .
       Bạn đừng thấy nó dài mà đã sợ . Nó là một dịp cho bạn biết mọi cái cho đâu vào đó tử tế . Và nó sẽ giúp Trung Ương biết lối chỉ dẫn cho bạn biết tiến bước một cách kết quả . Bạn cứ tin cậy . Bạn sẽ thấy .

ĐOẠN III
Dự bị xa lễ gia nhập đại đồng công giáo
         Tờ lục vấn Bạn đã hội các phụ trách khảo cứu và đã trả lời ; Bạn đã gửi cho ban chỉ đạo địa phận để sau khi tra xét lại gửi cho ban chỉ đạo trung ương .
         Bây giờ Bạn lo dự bị lễ Gia nhập  đại đồng Công giáo đi . Lễ đó phải tổ chức thực cẩn thận , không bao giờ nên để lễ đó xẩy đến một cách bất thần .
        Nhưng cẩn thận ! Xin công nhận chưa phải là công nhận  . Nên đừng chỉ định ngày nào trước , cũng đừng đem tin trước khi Bạn chưa chắc được sự chuẩn y của ban chỉ đạo . Nhiều khi các Trung ương có thể  vì ích riêng của Bạn giãn ngày đó ra một thời gian khác .
        Bạn nên nhớ rằng hoãn lại như thế có khi dài tới 6 tháng là cần nếu để nghiên cứu về tờ lục vấn và để tìm câu trả lời cho Bạn .

ĐOẠN IV
Lễ gia nhập đại đồng công giáo
          Đó là kết quả của bao công cố gắng gây bầu khí của Bạn và các trẻ em . Tất cả toàn thể sẽ trở nên đoàn Hùng Tâm Dũng Chí chứ không phải từng em một .
         Lễ đó cũng chỉ là một bước đầu đem đến một công việc còn khuếch  trương và xấu xa hơn nhiều .
          Nhưng được công nhận chính thức đã đem lại cho đoàn của Bạn quyền lợi dùng mọi dấu hiệu , cờ , áo của Phong trào như ý , không còn phải e lệ gì vì các chúng đã lên đường tiến đến sự hợp nhất với Chúa Giê su và với hết mọi anh chị em học sinh , thiếu nhi .

                                                                     Viết theo quyển :
                                                            Comment lancer un groupe
                                                         Coeurs Vaillants Ames Vaillante

                                                                             Imprimatur
                                                                   Saigon 22-11-1956
                                                                  P.M . Phạm Ngọc Chi