Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC DỰ PHÒNG


KHOA SƯ PHẠM CỦA THÁNH GIOAN BOSCO
Tác giả: GIOAN MARIA PETITCLECRC

............

II. PHƯƠNG PHÁP DỰ PHÒNG TRONG VIỆC GIÁO DỤC TUỔI TRẺ.

Tập khảo luận nhỏ về phương pháp dự phòng này đã phát sinh do một bài diễn thuyết Don Bosco đọc tại Nice ngày 12/3/1877, nhân dịp khai trương ngôi nhà Sa-lê-diêng đầu tiên trên đất Pháp. Bài diễn thuyết này nhắm mục đích trình bày cho những người sắp theo đuổi công cuộc của ngài tại Pháp, biết phương pháp sư phạm vẫn được thực hành trong các nhà Sa-lê-diêng tại nước Ý.
Sau nhiều lần được tha thiết yêu cầu hãy ghi lại những nét chính của một phương pháp đã mang lại những thành quả lớn lao, Don Bosco đã viết ra tập khảo luận này. Nó đã có hình thức sau cùng trong cuốn Quy luật của các nhà thuộc hội thánh Phan-xi-cô đệ Sa-lê được xuất bản cũng năm đó... Như thế là cách nay một thế kỷ.
Không nên đọc thiên khảo luận này như một hệ thống chặt chẽ, với những suy xét lý thuyết về vấn đề giáo dục nhưng phải coi đây như là một tập hợp những nhận định mà Don Bosco đã ghi lại sau kinh nghiệm lâu năm của một nhà giáo dục. Như chính lời ngài nói, 'sơ đồ' của 'phương pháp vẫn được sử dụng' trong các nhà Sa-lê-diêng.
Tập khảo luận được chia làm ba phần: Phần thứ nhất dành để giải thích 'phương pháp dự phòng là gì, và tại sao phải chuộng phương pháp đó hơn'. Nơi phần hai, Don Bosco bàn về cách áp dụng thực hành phương pháp này. Và nơi phần ba, ngài nói về những lợi điểm của phương pháp này.
Trong đoạn dưới đây, chúng tôi sẽ cố gắng trình bày nội dung của tập khảo luận cách ngắn gọn nhưng trung thực.

Giới thiệu phương pháp dự phòng
Người ta có thể định nghĩa phương pháp dự phòng bằng cách đối chiếu với phương pháp vẫn thường được sử dụng trong việc giáo dục thiếu niên. Vậy Don Bosco đã bắt đầu giới thiệu này bằng cách sử dụng sự đối chiếu đó, đúng như các nhà ngữ học nhóm cơ cấu luận đã lý thuyết hóa sau này. "Tôi xin nhắc lại ý nghĩa không phải là một ngữ nghĩa tròn đầy như tôi có thể kiếm thấy trong cuốn tự điển... nhưng chủ yếu đó là một tương quan". (Roland Barthes).

Phương pháp đàn áp
'Phương pháp này nhắm làm cho những người dưới quyền biết rõ luật pháp, rồi giám sát họ để phát hiện ra những kẻ phạm pháp, ra những hình phạt mà chúng đáng chịu, nếu cần'. Theo nhận xét của Don Bosco thì phương pháp này 'dễ dàng và ít mệt nhọc, tỏ ra thích hợp cho quân đội'. Nó đòi hỏi một sự xa cách giữa những người có quyền trên và những người dưới quyền, giữa nhà giáo dục và các thanh thiếu niên, để gia tăng uy quyền của người cầm quyền... Người này phải tránh giao tiếp thân tình với những người dưới quyền mình, nhưng phải luôn luôn có mặt tại đó để ngăm đe và sửa phạt.

Phương pháp dự phòng
Phương pháp này ngược hẳn với phương pháp trên kia. Nó nhằm đặt các thiếu niên 'vào trong tư thế không thể phạm lỗi được'. Don Bosco gọi những nhà giáo dục là những "hộ trực", thay vì gọi họ là những "giám thị" như thói quen thời đó, bởi vì các nhà giáo dục không có mặt ở đó để hăm dọa và sửa phạt đứa bé, nếu nó lỗi phạm. Nhưng trái lại, các ngài phải lưu tâm đến từng em, ân cần sửa chữa những lỗi lầm một cách nhân từ, để các em đừng sai phạm như thế nữa. 'Phương pháp này hoàn toàn dựa trên lý trí, tôn giáo và tình cảm. Nhân đó nó loại bỏ các hình phạt nào thô bạo, và cũng muốn xóa bỏ cả những hình phạt nhẹ nhàng nữa'.
Trước hết đứa trẻ biết rằng nó sẽ không bị các nhà giáo dục hạ thấp hoặc làm nhục, cho nên chúng sẽ không mất tinh thần vì những lỗi đã phạm. Thay vì bực tức với những lời răn bảo, trái lại nó sẽ coi những lời này là những chỉ bảo thân tình và có tính dự phòng, và nó còn hiểu tại sao cần có sửa phạt, nếu vấn đề đó được đặt ra.
Lý do thứ hai, và cũng là lý do chủ yếu hơn, 'đó là tính vô tâm của đứa trẻ, chỉ một giây đồng hồ cũng đủ để làm nó quên những điều lệ về kỷ luật, và những hình phạt dành cho những sự sai phạm'. Nhiều khi các thiếu niên phạm pháp đã không thấy rõ những hậu quả của hành vi mình, và chắc chúng có thể tránh khỏi những hành vi đó, 'nếu có một lời thân tình để kịp cảnh cáo chúng', (Don Bosco nghĩ tới những thiếu niên ngài đã gặp trong các nhà tù ở Tô-ri-nô).
Thứ ba, nếu phương pháp đàn áp có thể hãm bớt sự mất trật tự, 'nhưng lại khó lòng làm được cho những kẻ phạm pháp sửa mình'; Don Bosco đã rút ra nhận thức sau đây từ kinh nghiệm sư phạm của ngài: Các em sẽ khó quên những hình phạt đã phải chịu, và thường các em giữ một kỷ niệm cay đắng về những chuyện đó. Những hình phạt như thế còn có thể khiến các em có ý muốn trả thù: Như thế, có nghĩa là đáng ra là thuyết phục các em đừng phạm lỗi nữa, các hình phạt lại như xúi dục các em lỗi phạm thêm, trong tinh thần báo thù. Trái lại, trong tinh thần dự phòng không có sự bất lợi đó: Bởi vì, thay vì làm cho đứa trẻ coi nhà giáo dục là một kẻ thù mà nó muốn trả thù, phương pháp này cho đứa trẻ nhận thấy nhà giáo dục là một người bạn, giúp cho nó trở nên tốt hơn, tránh cho nó những phiền lụy, những sửa phạt và khỏi bị mất mặt với mọi người.
Sau cùng, một lý do nữa làm cho phương pháp dự phòng đáng chuộng hơn phương pháp đàn áp, vì phương pháp này 'đào tạo được những thiếu niên biết suy nghĩ, lúc nào nhà giáo dục cũng có thể nói cho các em nghe tiếng nói của trái tim. Khi đã chiếm được trái tim của kẻ mình dạy dỗ, nhà giáo dục có thể có một ảnh hưởng lớn lao với các em'. Cả sau khi đã bước vào đời hoạt động, người thanh niên vẫn thích trở lại thăm thầy cũ của mình, ông vẫn có thể lắng nghe và cố vấn cho em.
Tất nhiên, Don Bosco đã nói rõ là kể như thể chưa kể hết các lý do cũng đã bắt ta phải quý chuộng phương pháp dự phòng.

Áp dụng Phương pháp dự phòng
Đối với Don Bosco, tất cả việc thực hành phương pháp này dựa trên những lời sau đây của thánh Phao-lô về đức bác ái: "Tình thương thì nhẫn nại, tình thương thì phục vụ, nó không ghen tuông không huênh hoang, không kiêu căng, không làm điều xấu, không tìm kiếm tư lợi, không bực tức, không để lòng hiềm thù, không vui vì sự bất công, nhưng tìm thấy niềm vui trong chân lý. Tình thương thì tha thứ mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự".
Nếu bỏ qua gốc rễ phúc âm của nền sư phạm này, nhất định người ta sẽ làm cho nó biến chất hoàn toàn. Mà một sự thấm nhuần phúc âm đã được nhận thấy trong công cuộc của Don Bosco, qua sự giữ đạo mà tất nhiên chúng ta phải đặt vào, khung cảnh thời đại của ngài (nước Ý Công Giáo thế kỷ XIX). Ngày nay, cách giữ đạo này đã được thành vấn đề, không những vì bầu khí duy vật ngày nay, mà cũng vì phong trào thần học nữa. Chúng tôi luôn nói tới tầm quan trọng mà Don Bosco đã dành cho việc năng lãnh nhận các bí tích: ngài cho cách giữ đạo đó là nền tảng đích thực cho việc áp dụng phương pháp giáo dục của ngài.
Cũng vậy, chương dành cho việc đề phòng luân lý này cũng được đặt trong khuôn khổ ý thức hệ của thời đó, một thời đại thấm nhuần chủ nghĩa nghiêm khắc luân lý và nghi ngờ tất cả những gì liên hệ đến tính dục (chương sách đó đề cập việc phải hết sức trông chừng, đừng để lọt vào nơi ở của các em những sách vở, những trẻ em hoặc người lớn đáng nghi ngờ về luân lý... và phải liệu đừng khi nào để các em ở một mình với nhau).
Tuy nhiên, thật là sai lầm nếu người ta thản nhiên nhắm mắt bỏ qua những lời khuyên của Don Bosco về việc áp dụng phương pháp của ngài, lấy cớ đó là những khuyến cáo liên quan đến môi trường ý thức hệ đã lỗi thời. Vấn đề không phải là gạt bỏ những điều ngài đã viết đó. Chúng tôi sẽ có dịp trở lại vấn đề này nơi phần kết luận của tập sách này.
Còn bây giờ chúng ta phải đề cập đến những đòi hỏi thực hành mà Don Bosco đã nhấn mạnh về phương pháp dự phòng nơi đoạn sách của ngài.
Trước hết, phương pháp này đòi hỏi các vị giám đốc và các hộ trực của ngài phải hoàn toàn sẵn sàng giúp đỡ các em: Các vị phải hoàn toàn hiến thân cho các em, 'tất cả những khi các vị không mắc công việc của luật nhà'.
Đàng khác, Don Bosco dành một tầm quan trọng lớn lao cho những giải trí và những trò chơi, và ngài nhấn mạnh về sự phải để các em được tự do. "Phải để cho các em được tha hồ tự do chạy nhảy la hét thỏa tình. Thể dục, âm nhạc, ngâm thơ, sân khấu và các cuộc đi dạo sẽ mạnh mẽ cho việc giữ kỷ luật, và sức khỏe, cả sức khỏe thể lý lẫn sức khỏe tinh thần".
Sau cùng, Don Bosco nhấn mạnh về một việc nữa mà ngài coi là chủ yếu: đó là lời khuyên bảo ban tối. "Mỗi tối trước khi các học sinh đi ngủ, vị giám đốc hoặc vị thay thế ngài phải nói chung một vài lời thân tình với các em... Ngài phải gắng rút ra những bài học từ những biến cố trong ngày, những biến cố trong nhà cũng như những biến cố bên ngoài". Và Don Bosco nói thêm: "Đừng bao giờ nói lâu quá hai ba phút". Một lần nữa, điều này chứng tỏ Don Bosco rất hiểu biết trẻ em.
Người ta có thể ngạc nhiên vì tầm quan trọng Don Bosco dành cho ba phút nhắn nhủ mỗi buổi tối như thế. Đúng như E. Ceria đã công nhận: " Những ai sống ngoài bầu không khí Sa-lê-diêng, sẽ khó mà nhận ra rằng vài lời nhắn nhủ các em đã mệt đừ vào cuối một ngày như thế lại có thể làm nên những việc kỳ diệu". Đối với Don Bosco, vài lời nhắn nhủ ban tối đó là "bí quyết cho mọi sự tiến hành tốt nơi một nhà và là bí quyết của sự thành công giáo dục".

Lợi ích của phương pháp dự phòng
Don Bosco không phải là không nhận thấy những khó khăn của một phương pháp sư phạm như thế. Tuy nhiên, vì đó là phương pháp 'thỏa mãn và đầy lợi ích' cho các em, nên nhà giáo dục là 'người phải hiến mình cho thiện ích của thiếu niên', phải sẵn sàng đón nhận tất cả mọi phiền phức và nhọc mệt.
Tuy nhiên, xét cho cùng, nếu phương pháp dự phòng có gây một số những bất tiện cho nhà giáo dục thì nhìn lại người ta sẽ thấy là những sự phiền hà đó tương đối ít, so với số lớn những lợi điểm của phương pháp này nếu nhà giáo dục chu toàn nhiệm vụ của mình cách nhiệt thành. Ngoài những lợi điểm đã kể ra trên kia, Don Bosco đã kể thêm những điểm sau đây:
- Thanh thiếu niên sẽ giữ mãi niềm tôn kính đối với nhà giáo dục của mình. "Họ sẽ mãi mãi vui khi nhớ đến sự đào tạo mà họ đã nhận được".
- Chắc chắn tình trạng các em sẽ không trở nên xấu hơn, dù 'tính nết, tính khí và đạo hạnh' của em là thế nào đi nữa lúc em được nhận vào trường. Trái lại, Don Bosco tin chắc rằng, dầu sao em vẫn có thể đạt được một sự cải thiện nào đó. Nhờ kinh nghiệm lâu dài của ngài bên cạnh những thiếu niên 'nghèo khổ và bị bỏ rơi', ngài đã rút ra niềm xác tín này, một niềm xác tín không thể bị lay chuyển.
Don Bosco kết thúc tập khảo luận nhỏ của ngài bằng một lời bàn về các hình phạt. Ngài viết: "Nếu có thể, đừng bao giờ dùng đến hình phạt". Tuy nhiên ngài có đủ lương tri để nhận thức rằng trong lãnh vực giáo dục mà cứ núp đàng sau những tôn chỉ to lớn, là chuyện hão huyền. Cho nên ngài đã đưa ra thêm vào lời khuyên đối với những trường hợp bó buộc phải 'làm mạnh'. Theo ngài, những sự sửa phạt không bao giờ nên có tính cách hạ nhục (không bao giờ phạt các em nơi có công chúng, nhưng tại nơi riêng, xa con mắt các em khác). Đàng khác, vẫn theo Don Bosco, không bao giờ nên dùng các hình phạt như đánh đập. Những hình phạt như thế "làm các em bực tức nhiều lắm và cũng hạ phẩm giá nhà giáo dục". Phương pháp dự phòng hoàn toàn dựa trên sự thân tình giữa các nhà giáo dục và các em thiếu niên, cho nên những hình phạt loại này không nên được xử dụng. Đàng khác, như chính Don Bosco đã nhận xét: "Người ta nghiệm thấy rằng một cái nhìn yêu thương sẽ có hiệu quả đối với nhiều em hơn là một cái tát".
Và Don Bosco kết luận: "Nếu phương pháp này được thực thi trong các nhà của chúng ta, thì tôi tin rằng không cần dùng đến roi vọt và các hình phạt tàn bạo khác, chúng ta vẫn sẽ đạt được những thành quả tuyệt mỹ. Tôi đã lo cho các thiếu niên từ quãng bốn mươi năm nay, nhưng tôi nhớ chưa bao giờ sử dụng những thứ hình phạt đó. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa tôi đã luôn luôn đạt được, không những là cái tối thiểu, mà còn đạt được tất cả những gì tôi ước ao, và đó là đối với những đứa trẻ người ta đã mất hết mọi hy vọng đạt được thành quả khả trợ".

III. TRÌNH BÀY KHÁI NIỆM VỀ PHƯƠNG PHÁP DỰ PHÒNG

Như chúng tôi đã nhấn mạnh nơi đầu phần nhập đề này, kinh nghiệm và sự suy nghĩ của Don Bosco không làm thành một hệ thống sư phạm theo nghĩa chặt. Tuy nhiên đó cũng không phải là một mớ hỗn tạp những nhận xét giáo dục và những suy tư sư phạm. Thật ra vẫn có tính thống nhất giữa các nhận xét và các suy tư này, một sự thống nhất mà Don Bosco đã sống, hơn là đã trình bày rõ ràng. Đây là một kinh nghiệm, một nghệ thuật giáo dục, gồm những thực hiện và những nguyên tắc trong lãnh vực sư phạm, một kinh nghiệm xuất phát từ một cảm hứng thống nhất và mang một kiểu cách đặc trưng.

Kiểu cách Sa-lê-diêng
Kiểu cách giáo dục này liên kết chặt chẽ với nhân cách của vị đã quan niệm ra nó, và liên kết chặt chẽ với những cộng đoàn của những nhà giáo dục đã được ngài thông truyền kinh nghiệm sống của ngài, rồi kiểu cách giáo dục đó đã được diễn tả dưới một hình thức quy chiếu về truyền thống Sa-lê-diêng.
Tuy nhiên truyền thống này và kiểu cách Sa-lê-diêng này không nên được quan niệm như là một di sản đã dứt khoát hoàn thành, và nay chỉ còn việc đón nhận và truyền đạt như một gia sản bất di bất dịch. Trái lại, phải coi kiểu cách Sa-lê-diêng như một kinh nghiệm sống, cần phải được đảm nhận lấy với một ý thức được đổi mới, và phải được tiếp tục với một tinh thần trung thành sáng tạo.





Một cảm hứng thống nhất
Cảm hứng thống nhất mà chúng tôi nhắc tới trên đây bắt nguồn từ trong Phúc âm, và theo thiển ý thì nó có ba đường nét chủ yếu sau đây:
- Trước hết phải hết sức tôn trọng sự tự do của người thiếu niên. Về điểm này, A. Aufray mà chúng tôi đã có dịp trích dẫn, đã viết như sau: "Hệ thống giáo dục này để cho đứa trẻ triển nở, cởi mở, tự tìm lấy đường đi nước bước. Hệ thống này dành một phần hết sức lớn cho sự tự do".
- Phải nói với tất cả con người của cậu thiếu niên, phải nắm lấy em trong tất cả mọi chiều kích của em, kể cả chiều kích tinh thần.
- Sau cùng, và đây là nét đặc sắc đặc biệt, mối quan hệ sư phạm của phương pháp này: Một mối quan hệ dựa trên tình thân ái.
Ba nét đặc trưng mà chúng tôi vừa nêu lên trên đây, thật ra chỉ là tìm cách diễn tả bằng ngôn ngữ hiện tại chính công thức mà Don Bosco đã đề ra: "Phương pháp dự phòng hoàn toàn dựa trên lý trí, tôn giáo và tình thân ái".
Chúng tôi sẽ dành cho 3 đường nét chủ yếu này mỗi đường nét một chương, trước khi trở lại điểm chủ chốt của tất cả hệ thống nơi phần kết luận. Điểm chủ chốt này được các tu sĩ Sa-lê-diêng lấy làm phương châm của mình: "Giảng Phúc âm bằng giáo dục và giáo dục bằng giảng Phúc âm".


(Nguồn : ctvsalesiensmtd.blogspot.com)

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Duoc tin Cu Ba Anna Than Mau cua Chi Sen va Phuoc Cuu Huynh Truong HTDC An Hoa,  vua qua doi luc 8gio 30 sang Chua Nhat ngay 25 thang 1 nam 2015 tai Suoi Nghe, Ba Ria , Vung Tau. 
Thay mat toan the anh chi em HTDC  xin thanh that chia buon cung hai chi Sen Phuoc, va toan gia quyen, 
Xin Thien Chua giau long thuong xot, som dua Linh Hon Cu Ba Anna som ve huong Ton Nhan Chua tren Nuoc Troi. 

                                                                             Thanh Kinh Phan Uu

                                                               Toan the anh chi em Cuu HTDC An Hoa Da Nang.