Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

KHÓA 8 : UY QUYỀN

TRẦN DUY NHIÊN

KHOÁ 8


UY QUYỀN


I. - Gợi Ý


Người trưởng luôn ở vị thế phải ra lệnh hay ít ra là phải truyền lệnh, nghĩa là xác định cho mọi người trong tập thể vị trí và công việc mình phải làm để biến tập thể thành một khối thống nhất, hướng về một mục tiêu nhất định. Điều này không phải là dễ, vì người trưởng trong nhiều trường hợp cũng chỉ là một thành viên của tập thể và không có gì trổi vượt trên người khác. Vả lại, ra lệnh là đòi hỏi hành động, mà hành động có nghĩa là tập thể phải bỏ thêm công sức. Ra lệnh là đòi buộc mọi người vượt qua chính mình, đòi hỏi người khác đi ngược lại với cái quy luật lười biếng luôn luôn tiềm tàng trong mỗi con người. Đòi hỏi như thế thật là khó. Nhiệm vụ của người trưởng là taọ một bầu không khí thuận lợi để cho mỗi người đóng góp hết sức mình. Một thủ lãnh có tài là người mà chỉ sự hiện diện là đủ cho mọi người tiến lên.

Đừng tưởng các thành viên trong tập thể đồng tình với một trưởng xuề xòa ba phải. Cố nhiên, có một số người sẽ lạm dụng nhưng rồi sau đó lại phê phán khắt khe và chỉ trích người trưởng không biết tổ chức và quản lý. Người trưởng qua dễ dãi, để cho tập thể sa sút, không bao giờ nhận được cảm tình thực sự của các thành viên, nhưng chỉ là sự coi thường. Những thành viên tích cực nhất dần dần cũng trở nên tiêu cực vì không ai muốn góp sức và một tập thể mà ai muốn làm gì thì làm. Sự cứng rắn của một trưởng là một đảm bảo và một động lực cho các thành viên có tinh thần, đồng thời cũng là một sức ép đối với những thành viên tiêu cực mà bất cứ tập thể nào cũng có, không nhiều thì ít. Những người này chỉ mong trưởng chùn bước là họ buông xuôi. 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Một trưởng yêu cầu cao nhiều khi có lợi cho tập thể hơn vì tránh cho tập thể những vấp váp nặng nề trong chuyện lớn. Nhiều trưởng có những điều kiện bẩm sinh như vóc dáng, nét mặt, giọng nói dễ làm cho tập thể sẵn sàng nghe lời, nhưng người trưởng nào cũng có thể tự rèn luyện cho mình các phẩm chất tạo nên uy tín.

Một người trưởng càng xác tín vào mục đích mà mình hướng dẫn tập thể đi đến, thì uy quyền mình càng gia tăng. Uy quyền người trưởng gia tăng thì không hề phương hại đến cá tính từng thành viên trong tập thể, ngược lại, uy quyền ấy giúp mỗi người mau trưởng thành hơn vì đã được tập luyện để quên mình mà hiến dâng cho tập thể nghĩa là cho tha nhân.

II. - Câu hỏi tự kiểm


1. Bạn có biết rằng uy quyền không nằm trong nghệ thuật truyền lệnh mà là nghệ thuật làm cho người khác thi hành mệnh lệnh không?

2. Bạn có sợ hãi khi phải ra lệnh hoặc ngược lại, bạn thích ra lệnh để mà ra lệnh không?

3. Trước khi ra lệnh, bạn có cân nhắc chăng để thấy: 
- lệnh ấy cần thiết
- những người nhận lệnh có khả năng thực hiện.

4. Bạn có phải là hạng trưởng năn nỉ thành viên thi hành một mệnh lệnh, hoặc ngược lại, bạn có tỏ ra vênh váo vì có người thi hành mệnh lệnh của mình không?

5. Khi ban hành một lệnh, bạn có quyết tầm theo đuổi để lệnh đó được thực thi không?

6. Bạn có hiểu rằng người trưởng không có quyền đánh mất uy thế của mình, và có bổn phận làm cho người khác tôn trọng uy thế đó không?

7. “Một lệnh đưa ra phải ngắn gọn, nhưng rõ ràng và đầy đủ”. Bạn có tôn trọng nguyên tắc đó không?

8. Khi ban hành lệnh, bạn có phân công người chịu trách nhiệm thi hành, nói rõ yêu cầu và thời hạn không?

9. Khi chưa chắc người thừa hành đã hiểu lệnh, bạn có yêu cầu họ nhắc lại không?

10. Khi tập thể không tôn trọng uy quyền của bạn, bạn có nghĩ rằng bạn có lỗi đối với tập thể không?

III. - Đề tài thảo luận



Muốn có uy tín và uy quyền, người trưởng phải có những điều kiện gì?

IV. - Rèn luyện


1. Nhiều lần trong ngày, khi làm một việc hay bảo người khác làm một việc, bạn hãy trả lời thật nhanh những câu hỏi: Ai? Cái gì? Ở đâu? Lúc nào? Thế nào?

2. Tưởng tượng một số mệnh lệnh phải truyền rồi viết lại trong một nôi dung ngắn gọn nhất, nhưng đầy đủ và rõ ràng.

V. - Phương Châm



Ngài dạy dỗ người ta như Đấng có uy quyền chứ không như các ký lục. (Mt 7, 28)

                                                                                  (tiengnoigiaodan)