Người ta kể rằng ở miền rừng núi, dân Thượng có một
lối bẫy khỉ rất đơn giản. Họ làm một cái lồng có nhiều lỗ nhỏ vừa tay con khỉ.
Rồi họ buộc lồng vào một gốc cây và bỏ vào đó ít hạt bắp rang. Các chú khỉ ngửi
mùi bắp thơm thì thò cả hai tay vào bốc. Lúc đó người bẫy khỉ ngồi xa xa cứ
việc tiến lại bắt chú khỉ. Con khỉ cuống cuồng muốn thoát chạy nhưng không rút
tay ra được. Lý do đơn giản là hai tay còn nắm chặt hai nắm hạt bắp.
Tác giả sách Giảng Viên đã
suy gẫm sự đời một cách rất sâu lắng. Phản ánh một triết lý sống. Thực ra cuộc
sống con người rất phức tạp và đa diện. Chúng ta nên quan sát và suy gẫm rất
cẩn thận để tìm một hướng đi thích hợp. Trước khi chúng ta được mở mắt chào
đời, vũ trụ và muôn loài đã có đó. Khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, muôn sự vẫn
cứ tiếp tục hiện hữu. Cuộc đời của mỗi người xuất hiện đó, rồi biến mất. Không
có gì tồn tại mãi ở trần gian này. Giảng Viên đã dạy rằng: Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không và mọi sự
đều hư không (Gv 1:2). Hư không diễn tả một khía cạnh vô thường của cuộc
sống này. Có nghĩa là mọi sự hiện hữu như gió thoảng mây bay. Giảng Viên chia
sẻ kinh nghiệm sinh hoạt cuộc sống hằng ngày và gẫm suy: Vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng,
rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không, thì thật là hư không và tai
hại lớn lao (Gv 2:21).
Chúng ta không nhìn cuộc sống
một cách bi quan hay tiêu cực. Vì sự sống là một hồng ân. Chuỗi ngày sống là
một chuỗi ân sủng nối tiếp. Sống là hiện hữu. Mọi sự hiện hữu đều hữu ích. Sự
sống cần được sinh hoa kết trái. Thể xác con người cần được lớn lên và phát
triển mỗi ngày. Đời sống tâm linh cũng được bồi dưỡng để tiến tới sự hoàn hảo
hơn. Sinh ra là khởi đầu. Bắt đầu bước vào một cuộc lữ hành trần thế. Cuộc lữ
hành cần có hướng đi và cùng đích. Trong các loài thụ tạo, sứ mệnh của con
người thật cao quí. Vì con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên
Chúa. Thiên Chúa trao ban cho con người có ý chí, lý trí và tự do. Với những
khả năng ưu việt, con người có bổn phận và trách nhiệm xây dựng một xã hội giầu
mạnh, thịnh đạt và an bình. Với khối óc và bàn tay lao động, con người góp phần
làm cho thế giới ngày tốt đẹp hơn.
Con người được trao quyền làm
chủ trái đất và cai quản mọi loài. Làm chủ chứ không làm nô lệ cho của cải vật
chất. Của cải trần thế là phương tiện thiết yếu giúp con người đạt tới cứu
cánh. Con người dùng những sản phẩm do mình tạo ra để phục vụ đời sống. Con người không thể lệ thuộc làm tôi tớ cho
của cải vật chất. Chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa và vừa làm tôi tiền
của. Chúa Giêsu nhắc nhở: “Các ngươi hãy
coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống
được của cải bảo đảm cho đâu” (Lc 12:15). Tất cả vũ trụ đều đang thay đổi,
nay còn mai mất. Của cải không thể bảo đảm kéo dài đời sống hạnh phúc. Các
phương tiện vật chất chỉ giúp cho cuộc sống con người được thanh thản, thoải
mái và tiện lợi hơn. Biết rằng ai cũng cần có tiền bạc của cải để nâng cao mức
sống và đáp ứng những nhu cầu cần thiết.
Câu truyện Phúc âm, Chúa
Giêsu giúp chúng ta nhận rõ về giá trị về việc tìm kiếm và sử dụng của cải trần
đời. Cần có thái độ chọn lựa đối với vật chất phù vân. Chúng ta còn có gia sản
tinh thần quí báu hơn. Hãy dùng của cải hay hư nát để mua Nước Trời. Hãy dùng
tiền bạc thế gian để đổi lấy bạn hữu. Hãy dùng của giả để đổi lấy của thật. Hãy
tráo đổi giá trị trần thế để mua gia sản nước trời. Đổi tiền giả ra tiền thật.
Đó là dùng tiền bạc hay của cải để bố thí hoặc làm việc bác ái, chúng ta sẽ tích
trữ được khó báu trên trời. Chúa Giêsu đã dậy: Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em
biết: Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết
bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu (Lc 16:9).
Điều quan trọng là chúng ta
phải đặt đúng giá trị của sự việc. Tiền bạc của cải không thể trở thành chủ
nhân ông. Đừng qúa tham lam thu tích của cải phù hoa thế trần, nhưng luôn ý
thức hướng tới mục đích sau cùng. Chúa Giêsu cảnh báo: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những
của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai? (Lc 12:20). Người đời nghĩ rằng phải
cố gắng làm việc để trở nên giầu có và có của ăn của để, phòng khi hữu sự. Điều
này thật phải lẽ! Đối với các tín hữu, chúng ta được mời gọi không chỉ làm giầu
gia sản vật chất nhưng quan trọng hơn là làm giầu trước mặt Chúa. Chúa Giêsu
nói tiếp: Vì kẻ tích trữ của cải cho mình
mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy” (Lc 12:21). Khi lao động làm
việc hay kiếm sống bằng mồ hôi nước mắt, các thành quả đều có giá trị giúp
thăng hoa cuộc sống. Chúng ta không chỉ tích trữ gom góp tiền bạc để thụ hưởng
riêng mình, nhưng sử dụng của cải để sinh hoa quả cho tha nhân và xã hội. Biến
đổi giá trị vật chất phàm hèn tới giá trị tinh thần cao siêu trước mặt Chúa.
Những lời huấn dụ trong Kinh
Thánh xem ra khó áp dụng cuộc sống đời thường. Vì chúng ta thấy ai ai cũng đang
mải mê lao động kiếm kế sinh nhai và vun đắp gia sản vật chất. Chúng ta nêu đủ
lý do để biện minh cho sự tham lam và tích trữ của cải. Nói rằng nếu không cực
lực lao động, lấy gì mà trả bills và các món nợ chồng chất. Chúng ta đầu tư mọi
vốn liếng và khả năng để lo làm giầu mỗi ngày. Lòng tham vô đáy. Chúng ta chắt
chiu từng đồng và thấy vẫn cần thiếu một xu. Chúng ta dần bị chìm đắm trong sự
ham mê của cải vật chất. Thế là cuộc
sống lôi kéo vào sự kiếm tìm không ngừng nghỉ. Biết rằng lao động kiếm sống là
tốt. Dành dụm tiền bạc để tiêu xài cũng tốt. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng
ta hãy biết làm giầu trước mặt Thiên Chúa qua việc sử dụng tiền bạc của cải
đúng cách để sinh hoa kết trái đời này và đời sau.
Truyện kể có người giầu có kia chết, chôn chưa được ba
ngày, một tên đạo tặc giữa đêm lén đào mả lên, lột hết vàng bạc trong mình kẻ
chết, rồi lại vác búa đập bể đầu, bể miệng. Sao lại thù hằn dữ vậy? Không, chỉ
vì khi chôn, người ta cho ông ngậm viên ngọc quí đó thôi. Giầu có sống không
yên, chết cũng chẳng yên.
Lợi lộc gì chứ khi chúng ta
chỉ biết cắm đầu lo làm giầu sở hữu của cải vật chất. Hãy ngước nhìn lên và
nhắm hướng về cùng đích. Cuộc đời của chúng ta có những gia trị cao quí hơn
nhiều. Vì sự sống của chúng ta được chuộc lại bởi giá Máu châu báu của Chúa
Giêsu. Thánh Phaolô diễn tả: Anh em thân
mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời,
nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa (Col 3:1). Quê hương đích thực của
chúng ta là trời cao. Tại sao chúng ta xả thân miệt mài thu tích của cải dưới
đất nơi mối mọt rúc rỉa? Hãy tìm kiếm những sự cao siêu hơn: Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ
đừng nghĩ đến những sự dưới đất (Col 3:2).
Thánh Phaolô đã từ bỏ mọi sự
để đi theo Chúa. Ngài đã trở thành con người mới hoàn toàn. Sống phó thác và
tin tưởng vào Đấng tạo thành vũ trụ. Phaolô lên tiếng: Anh em chớ nói dối với nhau; anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc
làm của nó, và mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Đấng
đã tạo thành nó (Col 3:9-10). Theo gương thánh
Phaolô, tuy chúng ta còn khoảng cách rất xa trên con đường trọn lành. Mỗi người
chúng ta có thể khởi đầu từ hôm nay để chọn lựa một thái độ và thực hành sống
lời Chúa cách tích cực hơn.
Lạy Chúa, chúng con xin chọn Chúa làm gia nghiệp đời
chúng con. Tiên vàn chúng ta hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và mọi sự Chúa sẽ ban
thêm. Có Chúa, chúng con sẽ có tất cả.
LM Giuse Trần Việt Hùng