Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

ĐỂ THÀNH CÔNG KHI NÓI TRƯỚC CÔNG CHÚNG


         Có những người rất hoạt ngôn khi trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp nhưng lại cực kỳ lúng túng, khó khăn khi phải nói trước một đám đông xa lạ. Vấn đề ở đây là kỹ năng trình bày quan điểm trước công chúng.
           Thật ra nói trước đám đông không khó, chỉ cần bạn nắm bắt được những quy tắc mấu chốt của nó, bạn sẽ thấy công việc này không còn là cực hình.
Nói cái gì
         Khi lựa chọn ngôn ngữ nói, bạn phải hết sức gạn lọc, để sao cho diễn giải được quan điểm của mình rõ ràng nhất với lượng từ ngữ tối giản nhất.
Biết đơn giản hoá vấn đề: 
Việc đánh giá quá cao trình độ của người nghe là sai lầm. Hãy trình bày các luận điểm thật đơn giản, hướng tới việc duy trì sự chú ý của người nghe ngay cả khi bạn nói tới những điều họ đã biết cả rồi.
Tối giản lượng lời nói: 
Cần biết loại bỏ “những từ không cần thiết”. Nhưng thế nào là “những từ không cần thiết”? Đó là tất thảy những gì không phục vụ cho luận điểm bạn đang đề cập và chỉ khiến cho câu cú thêm mù mờ, lộn xộn. Những kiểu câu chủ động bao giờ cũng giúp bạn tối giản lượng ngôn ngữ tốt hơn.
Biết nhấn mạnh: 
Tập trung tất cả các luận điểm của bạn vào một chủ đề đơn giản, dễ nhớ để ít nhất một phần mười bài nói chuyện của bạn lưu được trong tâm trí người nghe.
Hãy biết trình bày chứ đừng nói đơn thuần: 
Biết diễn giải luận điểm thông qua ngôn ngữ cử chỉ sẽ hiệu quả việc chỉ đứng nói đơn thuần, thiếu cảm xúc.
Nói như thế nào
        Việc bạn nói cái gì không quan trọng bằng cách bạn nói điều đó như thế nào, tức là phong cách bạn trình bày luận điểm của mình. Hãy “lôi kéo” người nghe về “phe” mình, biết tự lắng nghe chính mình và khi trình bày quan điểm, hãy coi mình là người thông minh nhất tại thời điểm ấy.
Lôi kéo người nghe về cùng phe:
Thường xuyên dùng đại từ “chúng ta” thay vì “tôi”. Khi đưa ra các ví dụ, hãy vận dụng những hình ảnh gần gũi với người nghe.
Hiểu rõ về người nghe: 
Tạo cơ hội để người nghe phát biểu ý kiến, từ đó bạn có thể phán đoán họ đang muốn gì, nghĩ gì và hướng bài nói chuyện theo cách họ muốn nghe.
Để ý tới những tiếng “ầm”, “ừ”: 
Hầu hết mọi người đều không để ý tới những tiếng ầm ừ xen lẫn vào câu nói của mình. Những âm thanh vô dụng đó có thể phá hỏng bài nói chuyện của bạn, chúng khiến bạn bị mất tự tin và sự chuyên nghiệp.
Phát âm rõ ràng: 
Đừng nói quá to hay quá nhỏ, quá nhanh hoặc quá chậm. Đừng dồn quá nhiều cảm xúc vào câu nói nhưng cũng không nên trình bày khô khốc, thiếu cảm hứng. Tất cả những kiểu phát âm “quá” này đều khiến người nghe khó chịu và ngăn cản khả năng tiếp thu của họ.
Biết rõ vấn đề bạn định nói và luôn tập trung vào đó: 
Những kẻ ngốc nghếch thường cho rằng họ có khả năng ứng đối trong nhiều tình huống khác nhau, họ là nhà thông thái có thể giải đáp mọi câu hỏi. Đừng tự tin một cách lố bịch như thế. Hãy tập trung vào chủ đề bạn đã chuẩn bị và tránh lạc đề. Sự gây loãng chủ đề hại nhiều hơn lợi.
Trình bày thật sinh động: 
Hãy để ngôn ngữ cử chỉ cùng các hỗ trợ khác về mặt thị giác thay cho lời nói, hoặc nhấn mạnh một điểm hoặc tập trung vào một vấn đề nào đó. Đừng để lời nói phải “đảm nhiệm” mọi công việc. Đây chính là sự khác biệt giữa việc đọc một bài diễn văn với việc hùng biện trước đám đông.
Thường xuyên luyện tập
Điểm cuối cùng trong hành trình hướng tới kỹ năng nói trước công chúng chính là phải luyện tập thường xuyên, ngay cả khi bạn không có nhiều thời gian.
Nói thật to và thật tự hào
Nếu chưa ai bảo với bạn rằng bạn là người nói chuyện thật hấp dẫn thì giờ đây, hãy tự tin rằng mình có năng khiếu ấy. Tự tin là chìa khoá của thành công.
Dương Kim Thoa
Theo Askmen
(Nguồn : dantri.com)