Nguyễn Xuân Xanh |
Bởi vì tất cả những gì vĩ đại và cao cả đều được tạo ra bởi cá nhân trong sự phấn đấu tự do.[…] Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, tất cả những tài sản vật chất, tinh thần và đạo đức mà chúng ta nhận được từ xã hội xuất phát từ những nhân cách đơn lẻ qua vô số thế hệ.[...] Chỉ cá nhân đơn lẻ mới tư duy và qua đó mới tạo ra những giá trị mới cho xã hội. (Albert Einstein)
Thời đại réo gọi “nhân cách”, nhưng sự réo gọi hoài công, cho đến khi chúng ta để cho trẻ em như những nhân cách sống và học; cho phép chúng có ý muốn riêng, nghĩ những ý nghĩ riêng, tạo ra kiến thức riêng, xây dựng phán đoán riêng; nói tóm lại, cho đến khi chúng ta chấm dứt bóp chết các nguyên liệu của nhân cách mà chúng ta hy vọng muốn gặp trong đời một cách hoài công. (Ellen Key)
Nhân cách, ở diện rộng, là nền tảng của mọi quốc gia, và giáo dục là chiếc lăng kính tỏa ra nhiều màu sắc của nhân cách. Không có nhân cách, không có khoa học, nghệ thuật. Giá trị của nhà nước, xét lâu dài, là giá trị của các cá nhân cấu thành, như John Stuart Mill viết. Muốn có một đất nước mạnh, độc lập, tự khẳng định, phải có những cá nhân mạnh, độc lập và tự khẳng định, thông qua sự tự rèn luyện trong giáo dục. Đó là điều kiện tiên quyết. Một quốc gia được đại diện trong cộng đồng thế giới bằng những ai? Bằng những nhân cách lớn và những tài sản tinh thần của họ. Không có những nhân cách lớn, không thể có nhà nước lớn, không có diện mạo tốt đẹp của quốc gia để được kính phục trong cộng đồng các dân tộc. Einstein cũng từng nói: “Sự lớn lao trong khoa học thực chất chỉ là một vấn đề cá tính”, của nhân cách, của những cái đặc thù tiềm tàng trong người không giống đám đông, để có thể đạt tới những thành tựu vĩ đại. Nhân cách, tính độc lập, là điều kiện tiên quyết của phát triển cá nhân và quốc gia.
Nước Đức thế kỷ 19, trong niềm đau tận cùng của sự sụp đổ trước Napoleon, đã cải cách toàn diện giáo dục, từ tiểu học, trung học đến đại học, để khôi phục giá trị con người đã bị đánh mất dưới chế độ phong kiến, quân chủ, và bị bỏ quên trong nền kinh tế lạc hậu. Họ tìm lại những nhân cách lớn, và những giá trị lớn của tinh thần để bù đắp những tổn thất lớn vật chất. Và thực sự họ đã lớn trong cái “giáo dục con người”, Menschenbildung.
Nước Nhật Minh Trị cũng đã du nhập tinh hoa của văn hóa phương Tây để xây dựng lại con người mới, bị kềm hãm bởi cái học cũ chỉ để phục vụ cho giới thống trị, xây dựng lại nhân cách và một nền văn hóa mới để quốc gia có đủ sức mạnh đương đầu với hiểm họa. Khuyến học, tên của quyển sách nổi tiếng của Fukuzawa, là tiếng kèn ra trận của sự duy tân nhằm thiết lập cái học mới phục vụ nhân dân và xã hội. Và dân tộc họ đã lớn, đã trưởng thành, ngang bằng với các dân tộc đi trước.
Giáo dục cần tập cho học sinh có tinh thấn tự quyết (Selbstbestimmung), chứ không phải thích ứng, chạy theo, không nhắm lợi ích trước mắt hay nắm bắt các kiến thức, kỹ năng, mà phải được đánh thức các tiềm năng tinh thần to lớn bên trong. Giáo dục nhân cách là giáo dục để thành người đích thực, đương đầu trước những cám dỗ tầm thường hóa của tính thực dụng, hưởng thụ, phúc lợi, sung sướng về vật chất. Chúng ta hãy lấy thí dụ một tiếng nói nhân văn từ Max Planck mà khám phá lượng tử của ông đã đưa khoa học hiện đại thế kỷ 20 đến thuyết lượng tử ngày nay. Ông nhớ lại trường học nhân văn của ông bằng những lời ấn tượng có tính giáo dục như sau:
“Tôi chào định mệnh đã cho tôi một nền giáo dục nhân văn. Các nhà cổ điển Hy Lạp và La Mã [là những hình ảnh] tôi không bao giờ muốn đánh mất khỏi trí nhớ tôi. Tôi tin chắc rằng, trong thời đại hiện tại, chủ yếu được định hướng theo những lợi ích bề ngoài, thì trường trung học nhân văn lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Vì thế cần phải cho tuổi trẻ biết rằng còn một loại ‘thưởng thức’ khác hơn là loại thưởng thức chỉ dựa trên lĩnh vực vật chất hay tiết kiệm thì giờ và tiền bạc.”
Một người hạnh phúc, thỏa mãn, sẽ quá hài lòng với hiện tại để nghĩ nhiều về tương lai như Einstein nói, người đó sẽ dễ rơi vào “bẫy phát triển trung bình” và ngưng trệ, không vượt lên ưu việt, hay những vị trí tương xứng với tiềm năng của mình. Khoa học và nghệ thuật cần những nhân cách để xuất sắc. Học sinh cần có trải nghiệm với các nhân cách lớn thế giới.
Giáo dục cần phải dạy cho học sinh biết mơ. “Cần phải mơ tưởng [ngay cả] điều không có thể, để thực hiện tất cả những gì có thể” như Goethe. Một giấc mơ, một lý tưởng sẽ luôn luôn là động cơ để con người đi tới những đích xa. Thiếu những thứ đó, con người như không có phương hướng, thiếu cái la bàn, thì làm sao làm tới một cái gì đáng nói? Có chỉ số IQ cao, điều đó tốt, nhưng khoan hãy tự hào, vì người sở hữu có thể phung phí, để thông minh của mình mai một, hay rơi vào những cái tầm thường. Nhà bác học Einstein không bao giờ nói ông thông minh. Nhà phát minh Edison cũng nói mình không thông minh. Chỉ có óc tò mò đặc biệt và kiên trì theo đuổi, “vừng ơi mở cửa” mới thành công.
Giáo dục cần phải giúp con người khao khát khám phá chân lý. Khao khát này luôn luôn là động cơ phát triển của thế giới phương Tây, từ thời cổ đại Hy Lạp hơn hai nghìn năm rưỡi trước, bị ngủ đông bởi tôn giáo sau khi đế chế La Mã sụp đỗ, bị xâm nhập và cai trị của những người du cư (Hun), nhưng rồi bừng tỉnh sau đêm dài đen tối, không ngừng phát triển lên những cao điểm của khoa học, văn hóa, tạo ra cách mạng khoa học, cách mạng công nghiệp và khai sáng, thay đổi bộ mặt toàn thế giới.
Phải khao khát mãnh liệt lắm để làm con người đi trên những bậc thang tiến hóa ngày càng cao. Nhà khai minh Đức Gotthold Ephraim Lessing thế kỷ 18 đã nói lên niềm khao khát cháy bỏng tự đi tìm chân lý bằng hình tượng:
Nếu Chúa giữ kín tất cả chân lý trong tay phải của Ngài, và trong tay trái chỉ có một thứ là động cơ đi tìm chân lý, sống động, và không bao giờ tắt, dù có kèm theo điều kiện rằng tôi luôn luôn và mãi mãi có thể bị sai lạc,…., và rồi bảo hãy chọn lựa đi, thì với sự khiêm cung tôi sẽ ngã vào tay trái của Ngài và nói rằng: Hãy cho con tay này! Chân lý hoàn hảo chỉ dành cho Cha!
Các chân lý nếu không do tự mình khám phá, chưa chắc có giá trị chân lý của mình. Đúng như thế đối với một thời đại, một quốc gia, và một con người. Sai lạc là hệ quả của ai đi tìm chân lý. Nhưng ngọn đuốc đi tìm chân lý không bao giờ tắt, và sẽ đưa những người tìm đến bến bờ, hết lớp này đến lớp khác, trong quá trình hoàn thiện không ngừng của nhân loại. “Một đứa trẻ, một người trẻ, nếu họ đi nhầm trên con đường của chính họ, đối với tôi vẫn hơn những người đi đúng nhưng trên con đường xa lạ (không phải của họ)” như Goethe nói.
Nhưng muốn có giáo dục nhân cách, trước nhất cần phải dẹp bỏ những điều kiện có thể làm giảm nhân cách người thầy, hoặc ngăn chặn sự phát triển lành mạnh của họ. Điều đó bao hàm giải phóng thầy cô khỏi những sợi giây ràng buộc sinh nhai, trói buộc hành chánh, để họ có đầy đủ tự do để nghiên cứu và trao dồi nghiệp, để trở thành những tấm gương nhân cách sáng chói hơn.
Người thầy trước nhất họ phải có không gian tự chủ để thể hiện tính cách và nghệ thuật giáo dục của họ, với sắc thái riêng, không bị ràng buộc vào những quy định cứng nhắc. Trước đôi mắt của học sinh và dư luận xã hội, người thầy là những người mang sứ mệnh cao cả đào tạo những con người có nhân cách và bản lĩnh cho quốc gia, thì họ không thể bị hạ thấp bởi cuộc sống bẫn chật.
Không quốc gia truyền thống nào trên thế giới, kể cả miền Nam Việt Nam trước đây, nghèo hay giàu, có ngày vinh danh nhà giáo. Nhưng xã hội họ rất vinh danh nhà giáo. Sự vinh danh ấy nằm trong sự bảo đảm đời sống gia đình và con cái họ đàng hoàng, giải phóng họ khỏi những lo toan vật chất, tạo điều kiện trao dồi nghiệp vụ cho họ, và trong sự kính trọng cao độ mỗi khi nghe nói đến hai chữ nhà giáo. Hai chữ đó thiêng liêng, tượng trưng sứ mệnh cao cả khai trí trong người thầy như một trọng trách của xã hội và nhân dân giao phó. Không thể nào vinh danh nhà giáo mà lại để nhà giáo không đủ sống để họ phải kiếm sống ngoài giờ, gây ảnh hưởng không tốt đến giáo dục. Không thể nào nhà giáo là những người đào tạo các thế hệ con người cho quốc gia, làm ra sản phẩm, đem lại sự sung túc cho xã hội, mà lại thuộc tầng lớp nghèo khó.
Thứ hai, cần trả tự do cho giáo dục, cho người thầy. Sự can thiệp quá sâu của nhà nước, chỉ gây thêm tác hại cho giáo dục. Lịch sử của các quốc gia phát triển là lịch sử của sự độc lập của giáo dục đối với tôn giáo và nhà nước. Điểu này đã diễn ra hơn 200 năm.
Cá mâu thuẫn hiện nay thể hiện một sự khủng hoảng nghiêm trọng của giáo dục Việt Nam, không phải về năng lực tài chính, hay quản lý, mà về quan điểm. Chấm dứt khủng hoảng này, cây giáo dục mới xanh tươi trở lại, vị trí của người thầy mới được khôi phục trọn vẹn và giáo dục mới thăng hoa.
Giáo dục quốc gia là một thánh đường, mà thầy cô là những người gìn giữ. Hãy có cách đối xử tốt hơn với thánh đường, và những người chăm sóc nó.
Vài điều cuối muốn được chia sẻ với các bạn học trò: Người thầy nắm tay dìu dắt chúng ta đi một đoạn đường, tạo một căn bản kiến thức và khẩu vị nhân cách, gợi một số định hướng tương lai, nhưng phải buông tay đễ chúng ta tự bước vào “biển đời”. Còn lại là ấn tượng về những tấm gương của người thầy, và sự đọng lại tinh hoa của giáo dục khi chúng ta quên đi những gì đã học. Các năm đại học mở thêm một chân trời rộng lớn cho khoa học và nghệ thuật, những bậc thang cao hơn để tự chọn. Nhưng trong cái biển mênh mông của tri thức đó, ta là ai, con đường của ta là gì, cái gì phù hợp với trái tim ta. Không ít những người đi lạc đường, vì những đam mê nhất thời, dừng chân tại một bến đỗ quá lâu, vì ảo vọng, mà quên đi những cái đích xa hơn cần phải đến. Có những người phải mất mấy mươi năm mới trở lại con người thật của mình, tự vật lộn để xây dựng lại thế giới của mình. Con người “phải là gì mới làm được cái gì”, như đại văn hào Goethe nói. Phải là cái gì, “cái gì khác biệt”, thể hiện qua nhân cách, tri thức và đức hạnh, thì chúng ta mới có những đóng góp quý báu diện rộng cho xã hội. Mỗi người chúng ta sinh ra vốn bị giam trong hang động vô minh của Platon, do đó không có tự do đích thực. Nhưng chúng ta linh cảm có những lối thoát, và khoa học là một công cụ trí thức đã từng bước chỉ ra lối thoát để hiểu vũ trụ và con người.
Chỉ có sự phát triển bằng lao động cực nhọc và thông minh, chúng ta mới đạt đến sự giải phóng. Nhà văn Đức Peter Weiss, người rất yêu mến dân tộc VN trong giai đoạn khó khăn nhất, từng nói về mình: “Tự tôi, tôi không tự do, lao động của tôi là nỗ lực giải phóng”. Nó minh họa cho quá trình tìm lại ông. Ông lao động cực lực, làm nhiều nghề, từ vẽ, nghệ thuật, làm phim, rồi đến viết lách, trải qua bao nhiêu giai đoạn khó khăn của cuộc sống, để cuối cùng giải phóng được mình khỏi vô minh để trở thành một ngọn đuốc sáng rực, bằng cây bút. Van Gogh cũng thế, bằng cọ vẽ. Những trải nghiệm thất bại không phải là vô bổ, mà là những bậc thang vững chắc để nâng cao giai điệu giao hưởng cuối cùng vĩ đại. Nhà khai sáng Đức Lessing tin rằng, trong sự phát triển của con người, “con đường ngắn nhất không phải luôn luôn là đường thẳng”, nhưng cũng tin rằng, từ “tất cả những con đường sai lầm, người ta vẫn hình dung ra con đường đúng hướng về đâu”. Đó là niềm lạc quan của nhà khai sáng thế kỷ 18.
Con người cần hai khoảng không gian tự do để phát triển nhân cách: tự do thứ nhất do sự không can thiệp từ ngoài vào đời sống giáo dục; tự do thứ hai là khoảng không nội tâm bên trong mà các nhà văn hóa Đức gọi là “vương quốc nội tâm” (inneres Reich), Einstein gọi là “tự do nội tâm” (innere Freitheit). “Tự do nội tâm này là món quà hiếm có của thiên nhiên ban cho, và là một mục tiêu đáng giá cho cá nhân.” Chính khoảng không gian này là miếng đất màu mỡ chứa đựng và nuôi dưỡng những hạt giống sáng tạo. Nó giống như khoảng không của thiền, suối nguồn của năng lượng sáng tạo. Đó là miếng đất mọi nhà khoa học và nghệ thuật lao động, ý thức hay không ý thức. Không có tự do nội tâm này, con người sẽ cằn cỗi, dễ bị đồng hóa với đám đông.
Người Đức tự hào “Vương quốc nội tâm kia mà nền triết học của chủ nghĩa duy tâm Đức cũng như nền văn chương của trường phái cổ điển Weimar đã xây dựng, đã đi trước sự thành lập vương quốc chính trị [của Đức] hơn một trăm năm” (Wolf Lepenies). Cho nên họ mới vĩ đại.
Nói tóm lại, muốn có quốc gia giàu mạnh, xã hội cần có nhiều nhân cách phát triển trong một môi trường tự do, trong nội tâm lẫn từ ngoại cảnh, như nhà cải cách giáo dục Wilhelm von Humboldt quan niệm. Một xã hội “sản xuất hàng loạt những cá nhân được tiêu chuẩn hóa không có sắc thái và mục tiêu riêng lẻ sẽ là một xã hội nghèo nàn mất khả năng phát triển”, như Einstein cảnh báo.
Cuối cùng hết xin đựợc chia sẻ với các bạn học trò một sự kiện. Albert Camus, nhà văn lớn Pháp thế kỷ 20, sau khi nhận được giải Nobel văn chương năm 1957, viết ngay một lá thư cám ơn gửi đến người thầy đầu tiên của mình, thầy của trường tiểu học ở Belcourt, một khu phố nghèo thành phố Algier mà Camus đã lớn lên cùng với các gia đình di cư Pháp. Ảnh hưởng quyết định và lâu dài lên ông là người thầy ở đó, như ông viết trong tự thuật, đã biết tạo ra ý thức về nhân cách cho ông và các bạn học. Với người thầy, đám học trò lần đầu tiên cảm thấy “chúng tồn tại, và là đối tượng của sự kính trọng cao nhất… chúng có đầy đủ nhân phẩm, xứng đáng để khám phá thế giới.” Calmus nói đến “Kính trọng”, và “Nhân phẩm” từ một đứa trẻ đường phố vô danh và không nguồn gốc. Đó chính là trải nghiệm quyết định của thời học sinh đã tạo cho ông ý chí học hỏi và ý thức về mình. Ông cho thấy tác động của giáo dục tôn trọng nhân cách là sâu sắc đến dường nào, đáng để các nhà giáo dục phải suy nghĩ.
(Nguồn : tiasang.com.vn)